Bức tranh cô gái khỏa thân và cây vĩ cầm đỏ - Chương 31 - 32 - 33 - 34 - 35 - 36 - 37 - 38 - 39 - 40 - 41
31
Ngay cả khi nằm yên trên giường bệnh, và dù ở rất gần, tôi vẫn có cảm giác em thật xa xăm. Thế giới của em, tâm hồn của em được giấu kín trong một chiếc rương, tôi chỉ có thể nhìn vào qua một lỗ khóa.
Lần đầu tiên tôi gặp em là vào một ngày đầu thu, em khi ấy chỉ là một cô bé độ mười bốn, mười lăm tuổi, đứng ở một góc bờ hồ phía tây thành phố, chơi vĩ cầm. Trong ánh sáng cuối cùng của một ngày tàn, em giống như một khối hình ảo ảnh được kết tình từ những luồng ánh sáng và hơi nước bốc lên từ mặt hồ sóng sánh dát vàng. Kể từ đó, hầu như ngày nào tôi cũng tới đây, đứng ở một nơi đủ gần và đủ xa để nhìn ngắm và nghe em chơi đàn. Gần mười năm trôi qua là gần ba nghìn sáu trăm năm mươi nhăm ngày tôi làm một khán giả trung thành và bí mật của em. Thời gian đã trôi qua nhiều như thế, trong mắt tôi, em vẫn đẹp, chân thiện, trinh bạch như lần đầu tiên gặp.
Có phải bởi vì tôi không hiểu gì về thế giới của em nên mới gán cho em tất cả những điều đó? Có phải cô gái cao khiết và thánh thiện ấy chỉ là sản phẩm từ trí tưởng tượng của tôi, chứ không hề có thật? Tôi không muốn chấp nhận rằng mình đã sai. Mà tôi cũng không thể sai. Không ai có thể chơi vĩ cầm một cách chân thành tới thế mà lại không có một tâm hồn trong sáng và tươi đẹp. Người ta chỉ có thể dối trá trong đời sống, nhưng không ai có thể dối trá trong nghệ thuật. Sự chân thành trong tiếng đàn cho tôi biết sự trong sáng của em không thể là dối trá.
Nhưng tôi phải giải thích sao đây về chuyện em đang mang trong mình một bào thai? Người ta có thể mang thai khi vẫn hoàn toàn trinh trắng như đức mẹ Maria? Nhưng đó chỉ là một truyền thuyết. Thực tế không thể nào xảy ra được.
Mọi suy nghĩ của tôi trở nên tắc nghẽn. Tôi biết rằng mình phải từ bỏ, hoặc là một sự thật hiển nhiên, hoặc là một niềm xác tín. Nếu từ bỏ sự thật, con người sẽ trở nên mù quáng. Nếu từ bỏ niềm tin, con người sẽ trở nên lạc lối.
32
Hình ảnh cuối cùng tôi còn nhớ được trong đầu là những giọt mưa nghiêng mình buông xuống mặt đất, rồi tan vỡ thành hư vô.
Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trên một chiếc giường trắng, trong một căn phòng cũng màu trắng. Đây là bệnh viện sao? Tại sao tôi lại được đưa vào đây? Cơ thể tôi nặng như có cả một ngọn núi đè lên khiến tôi không thể nào ngồi dậy. Tôi chỉ có thể cựa đầu sang một bên. Nhìn ra ngoài hiên, tôi thấy trời vẫn mưa. Tôi mới chỉ thiếp đi trong chốc lát hay bởi vì cơn mưa quá dài?
Tôi lại nhìn sang bên cạnh và thấy một người con gái đang gục đầu xuống giường bệnh. Là người chị gái song sinh của tôi. Chắc hẳn cô ấy đã trông tôi đến kiệt sức.
Nhìn ra ngoài trời cũng chỉ biết giờ đang là ban ngày, không thể phân định được là sáng hay chiều, càng không thể đoán được là mấy giờ. Khái niệm về ngày tháng sau một cơn hôn mê trở nên mù mờ và rối loạn.
Tất cả xung quanh tôi đều tĩnh mịch. Chỉ có tiếng mưa rơi xuống ào ào như một con thác đổ. Mùi mưa thơm nồng, thanh mát. Tôi nằm yên lặng lắng nghe, những giọt mưa vỡ tan chồng lên nhau như những đoạn lướt trên một bản nhạc viết cho “dương cầm bốn tay”(1). Tôi khẽ nhắm mắt lại. Khi nhắm mắt lại, người ta có thể nghe được những âm thanh tinh khiết hơn, rõ ràng hơn.
(1) Là một thuật ngữ phổ biến trong cách dùng của Mĩ để chỉ hình thức song tấu piano, với hai người chơi trên một cây đàn
Chợt, tôi cảm thấy một bàn tay đặt lên người mình. Tôi vội mở mắt, là một bác sĩ lớn tuổi.
- Tỉnh dậy rồi sao? Thấy trong người thế nào rồi?
- Cháu tỉnh táo, thưa bác sĩ.
- Còn đau không?
- Không, nhưng cảm giác rất nặng nề. Bao giờ cháu có thể ra viện ạ?
- Cứ nằm theo dõi một, hai ngày rồi về. Cháu có biết mình bị làm sao không?
Tôi lắc đầu.
- Bác rất tiếc, nhưng đứa trẻ không giữ được. Có lẽ do thể trạng của cháu không được tốt nên...
Tôi không còn nghe được những lời sau đó nữa. Trong tai tôi mọi âm thanh đều hóa thành những tiếng âm u. Lần đầu tiên và duy nhất, tôi cảm nhận được có một sinh linh đang lớn dần lên ở bên trong mình, nhưng, nó đã không còn ở đó nữa.
*
Bây giờ thì tôi đã hiểu thế nào là địa ngục. Địa ngục không phải là nơi người ta phải đến sau khi chết, mà là nơi dành cho những người còn sống mà như đã chết. Tôi không ăn, không ngủ, không nói, không cười, không khóc, tôi không còn đủ sức để làm những việc đó. Tôi không đau khổ, không tuyệt vọng, không oán thán, không bi thương, tất cả trống trơn. Tôi mở mắt nhưng không nhìn, cảnh vật lướt qua mắt tôi, âm thanh trôi qua tai tôi. Tôi như một người còn sống bị chôn trong quan tài. Cho dù còn sống đi chăng nữa thì bị chôn trong quan tài, có thể gọi là sống hay không?
Đứa bé đã chết. Tất cả như một cơn mộng mị ngắn ngủi. Đầu tiên là tôi bất ngờ biết mình mang thai. Tôi muốn bỏ nó nhưng ông trời lại ngăn không để tôi làm vậy. Tôi quyết định sẽ giữ nó lại thì ông trời lại đem nó đi.
Những kí ức đó là thật hay mộng? Cơn mưa ngoài cửa sổ là thật hay mộng? Sao nó kéo dài quá vậy? Nó đã rơi từ trước khi tôi ngất xỉu, đến lúc tôi ở trong bệnh viện, và giờ khi tôi đã về nhà, nó vẫn còn rơi. Hay tôi chỉ đang mơ, và chừng nào cơn mưa kia tạnh, tôi mới có thể tỉnh mộng? Những giọt mưa là thật hay mộng? Cuộc đời của một giọt mưa ngắn tới mức nó chỉ giống như giấc mộng mong manh. Chúng chọn cách rơi xuống thật nhanh rồi chìm vào vô vi. Không ai kịp nhớ đến thì nó đã tan biến. Sự sống của một giọt mưa rất đơn giản, nó không phải suy nghĩ, không phải lựa chọn, không phải cô độc, nó chỉ cần rơi xuống, và thế là hết. Cuộc đời của một giọt mưa ngắn ngủi so với cuộc đời một con người như thế nào thì cuộc đời một con người so với tự nhiên cũng ngắn ngủi như vậy. Con người đối với tự nhiên cũng chỉ như những giọt mưa - một giọt mưa sống phải oằn mình gánh trên vai nghìn vạn tâm tư nặng nề chồng chất.
Tôi không biết có phải vì cái chết của đứa bé mà tôi không còn thấy thiết tha với bất cứ điều gì nữa hay không. Khi nó còn sống, tôi thậm chí còn chưa cảm nhận được sự tồn tại của nó, đừng nói gì tới mối liên kết giữa nó và tôi. Nhưng khi nó không còn nữa, tôi lại thấy như một phần trong tôi đã chết theo nó.
Hay là, tôi đã chết thật rồi?
33
Sau một trận khóc, cô trở nên im lìm như một bức tượng. Không chịu ăn gì, cũng chẳng chịu nói gì, ngoài một câu muốn được ngồi một mình.
Tôi xuống bếp nấu cho cô một bát cháo. Khi vào phòng, cô vẫn đang nằm nhìn ra ngoài cửa sổ.
- Để chị đóng cửa, mưa to hắt vào sẽ cảm đấy.
- Không, để đấy cho em – Giọng cô yếu ớt và khản đặc.
- Em đừng mãi như thế này. Ăn cháo đi.
Cô không đáp.
- Thôi được, chị để đây cho nguội bớt rồi ăn, có được không?
Cô không đáp.
- Hai ngày nữa chúng ta về thành phố. Em sẽ gặp lại ba em, em muốn ba em thấy em thế này sao?
Nhắc đến ba cô, đôi mắt vô hồn của cô chợt chuyển động. Nhưng cô vẫn không đáp lại tôi.
- Thôi được, không nói nữa, giờ chị sắp xếp đồ đạc.
Tôi bắt đầu dọn tủ quần áo, xếp chúng gọn ghẽ vào một chiếc va li. Đồ đạc không có gì nhiều ngoài đống quần áo đó và một vài vật dụng cá nhân. Những thứ như mắc treo đồ, xô chậu, tôi đều bỏ lại, không mang theo làm gì. Khi đã hòm hòm, tôi mới để ý cây vĩ cầm được đặt trên bàn từ hôm cô vào trong viện cũng chưa cất đi.
- Chị cất cây đàn của em vào hộp nhé?
Tôi chỉ nói thế chứ biết rằng cô sẽ không trả lời mình. Tôi cầm lấy cây đàn màu đỏ thẫm và lúi húi nhét vào hộp đàn kê ở góc tường. Khi đã đặt được cây đàn vào hộp, thì tôi lỡ tay làm bung một ngăn khác của hộp đàn. Rất nhiều bản nhạc bay ra vung vãi. Tôi vội vã thu dọn chúng lại. Nhưng biết thứ tự sắp xếp của chúng thế nào đây? Chỉ toàn những nốt nhạc đen kịt như những dãy mật mã. Vậy là tôi đành vơ cả lại và chỉ cố gắng xếp cho ngay ngắn. Xong xuôi, tôi cất lại vào ngăn đựng bản nhạc, đúng lúc đó, tôi chợt thấy trong ngăn đựng bản nhạc có một cuộn tròn dài và lớn. Linh tính mách bảo một điều gì đó, tôi liếc ra sau xem cô đang làm gì. Cô vẫn nằm im nhìn ra ngoài cửa sổ. Tôi vội vàng lôi cuộn đó giấu sau lưng và bỏ ra ngoài.
- Chị xuống bếp một lúc. Em nằm nghỉ rồi ăn cháo nhé.
Trong bếp không có ai, tôi bước vào, mở công tắc điện và đặt cuộn tròn lên bàn. Đó là một cuộn vải bố. Tôi rón rén kéo nó ra, từng chút, từng chút một. Những màu sắc bắt đầu hiện lên, đan xen nhau, tươi thắm và sống động. Trước mắt tôi hiện ra hình ảnh một cô gái đang ngồi chơi vĩ cầm bên cửa sổ, xung quanh là những giỏ hoa, cô hoàn toàn không mặc gì cả.
34
Tôi mang sang cho em những đĩa nhạc cổ điển. Nghe những giai điệu ấy, có lẽ em sẽ bình tâm trở lại.
- Tôi muốn được yên tĩnh – Em nói khi thấy tôi bước vào.
- Chỉ là chút nhạc của Bach, Beethoven, Mozart... Họ không bị coi là ồn ào chứ?
Em không nói gì. Tôi mặc nhiên coi đó là sự đồng ý. Tôi cho một đĩa nhạc vào chiếc máy nghe nhạc rồi đi ra khỏi phòng, khép cửa lại.
Một người cho dù có từ chối trò chuyện với người khác, cũng sẽ không từ chối trò chuyện với âm nhạc.
35
Những âm thanh vang lên từ một góc phòng. Một cách rất tự nhiên, chúng đánh thức thính giác của tôi. Đều là những bản nhạc quen thuộc, những bản sonata của Bach, concerto của Beethoven, ballade của Chopin, serenade của Schubert... Âm nhạc luôn thẩm thấu vào tôi một cách dễ dàng. Tôi không thể thờ ơ với chúng. Những thanh âm cứ thế tuôn chảy vào trong tôi. Nhưng thế thì sao chứ? Chúng làm những mạch máu trong cơ thể tôi sống dậy, song trái tim của tôi đã chết rồi.
Cho đến khi, một giai điệu cất lên, một giai điệu của Mozart, một trích đoạn mà khi mẹ tôi còn sống, ba tôi vẫn thường chơi, đoạn Minuet trong khúc Divertimento số 17. Từng nốt nhạc thong thả ngân lên, tựa như ai đó đang dạo chơi trong một khu vườn mùa hạ. Hình như bài hát của Mozart chứa đựng một điều gì đó mà tôi đã bỏ quên. Nó như một dòng nước trong vắt và mát rượi chảy vào trong cơ thể đã khô héo của tôi. Dòng nước chảy tới đâu, tôi cảm thấy mình nhẹ bẫng tới đó, khi dòng nước chảy tới trái tim, tôi bỗng thấy tim mình đập nhanh hơn. Một cảm xúc nào đó thức dậy trong tôi, một cảm xúc mà đã lâu rồi tôi không còn cảm thấy, lâu đến nỗi tôi không nhớ ra tên của nó là gì. Phải rồi, là niềm vui. Niềm vui, niềm vui, tôi lẩm bẩm, sao tôi có thể không nhớ ra được chứ?
Không có niềm vui nào trong sáng như niềm vui của âm nhạc Mozart. Âm nhạc của Mozart là tuổi thanh xuân của âm nhạc, là thứ nước thánh kì diệu có khả năng hồi sinh cả những linh hồn đã chết. Niềm vui trong nhạc Mozart là niềm vui sống, niềm yêu đời, niềm say mê cuộc sống.
Một sức mạnh vô hình kéo tôi ngồi dậy, tôi tìm kiếm cây vĩ cầm của mình. Tôi muốn chơi một khúc nhạc của Mozart, chính là khúc nhạc này, tôi muốn chơi khúc nhạc này. Tôi không thể cứ thế chôn vùi cuộc đời mình trong những kí ức đau buồn. Một trái tim đau khổ sẽ không thể chơi nhạc của Mozart. Tôi muốn chơi nhạc của Mozart. Tôi muốn sống.
36
Cô gái trong bức tranh là ai? Là cô ấy ư? Gương mặt này, cây vĩ cầm này, tất cả đều hệt như cô ấy. Nhưng gương mặt này cũng là gương mặt của tôi. Hai chúng tôi giống nhau hơn hai giọt nước. Tôi nhìn xuống cuối bức tranh, thời điểm vẽ là hai năm trước. Đó có phải một thời điểm vô lí không? Bởi vì anh họa sĩ và người em song sinh của tôi chỉ mới gặp cách đây hai tháng. Hai tháng và hai năm, khoảng cách lớn vô cùng. Làm sao anh họa sĩ có thể vẽ cô ấy dù chưa từng gặp? Tôi nhớ lại, cô ấy đã một lần nói với tôi rằng hai năm trước, tôi đã từng làm mẫu vẽ cho anh họa sĩ. Anh yêu vĩ cầm. Và vì thế anh vẽ tôi với vĩ cầm. Họ không nói rằng anh vẽ tôi khỏa thân với vĩ cầm. Người trong tranh, không ai khác, chính là tôi.
Nhưng có một điều gì đó ngờ ngợ. Là tôi, nhưng không phải là tôi hoàn toàn. Đôi mắt này, cái nhìn mơ màng, cả cách khép môi hờ rất đỗi ngây thơ, từ cô toát lên một mị lực, không phải một mị lực, mà là một quang lực, một luồng ánh sáng rất thánh thiện. Tôi không biết phải diễn tả như thế nào, tôi không phải một họa sĩ, tôi mù lòa về nghệ thuật, tôi không hiểu gì về những màu sắc, những hình khối, những ẩn dụ. Nhưng có một điều tôi hoàn toàn chắc chắn: cô gái trong tranh là cô ấy. Người anh vẽ không phải là tôi.
Người anh vẽ không phải là tôi. Câu nói vang lên trong đầu tôi như một tiếng chuông, chạm vào từng dây thần kinh và chúng rung lên mãnh liệt. Hình như tôi đã từng nghe câu đó ở đâu, không phải, hình như tôi đã từng nói câu đó. Nhưng ở đâu? Khi nào? Như thế nào? Tôi cố gắng thả lỏng, hít thở thật sâu, chờ đợi một tiếng chuông thứ hai đánh thức phần kí ức trong mình. Nhưng không có gì cả. Thôi được, tôi sẽ gác chuyện này qua một bên. Bộ óc của tôi cần nhiều thời gian hơn, không thể nào một lúc nhớ ra tất cả. Tôi cần kiên nhẫn.
Nhưng nếu như cô gái trong tranh là cô ấy? Không thể, chẳng phải ban nãy tôi đã thấy điều này vô lí hay sao. Bức tranh đã được vẽ trước khi họ gặp nhau. Trừ phi, trừ phi họ nói dối, họ đã từng gặp nhau trước đó. Nhưng họ nói dối tôi điều này làm gì? Họ được ích lợi gì khi nói dối tôi? Tôi không tin người em gái song sinh của tôi lại nói dối tôi. Chẳng phải cô ấy rất muốn tôi tìm lại kí ức hay sao? Vậy thì cô nói dối tôi làm gì kia chứ? Vậy thì cô ấy không thể nói dối. Vậy thì người nói dối chỉ có thể là anh ấy.
Anh ấy đã từng gặp cô ấy, anh ấy đã từng nhìn thấy cô ấy, thậm chí có thể đã yêu vĩ cầm vì cô ấy, và anh ấy tình cờ tìm thấy tôi rất giống cô ấy, nên đã ngỏ ý muốn vẽ tôi. Mọi thứ đều trùng khớp, tại sao anh ấy lại muốn vẽ tôi với vĩ cầm? Tại sao nhất định phải là tôi? Tại sao nhất định phải là vĩ cầm? Tại sao tình cờ lại là tôi? Tại sao tình cờ lại là vĩ cầm? Không có cách lí giải nào khác ngoài cách đó.
Hóa ra, tôi chỉ là cái bóng trong gương của cô, mà đã là cái bóng thì không bao giờ rõ ràng như người thật. Gấp bức tranh lại, tôi sẽ trả nó về chỗ cũ. Quá khứ ư? Tôi không còn muốn nhớ về quá khứ nữa.
37
Một bản nhạc của Mozart vang lên vui tươi trong tiếng vĩ cầm. Đó không phải là âm thanh phát ra từ chiếc đĩa cổ điển tôi mang sang. Đó là tiếng vĩ cầm của em. Cuối cùng thì em cũng khá hơn. Bắt đầu chơi vĩ cầm, bắt đầu với nhạc của Mozart, nỗi đau trong lòng em sẽ sớm được chữa lành. Nhạc của Mozart thần diệu hơn bất cứ lời an ủi nào.
38
Một khi đã cầm vĩ lên thì tôi sẽ không thể dừng lại. Tôi chơi đến khi mệt lả và nhận ra mình không còn nhấc nổi cây đàn lên. Đã ba ngày nay tôi không ăn uống và hầu như thức trắng. Vậy là tôi ăn hết bát cháo đã nguội tanh từ bao giờ và ngủ một giấc li bì.
Sáng hôm sau, khi lên sân thượng để tập vĩ cầm, tôi gặp anh họa sĩ đang vẽ tranh ở trên đó. Anh đang vẽ khung cảnh bầu trời sau một trận mưa dài.
- Cảm ơn anh về những đĩa nhạc.
- Có gì đâu. Tôi biết rằng chỉ có chúng mới giúp cô khỏe lại.
- Anh đã giúp chúng tôi quá nhiều.
- Tôi có giúp được gì mấy đâu.
- Có nhiều chuyện tôi không giải thích được cho mọi người hiểu, anh hãy thông cảm cho tôi. Không phải tôi không tin tưởng anh và chị ấy, nhưng...
- Những điều không muốn nói ra thì đều nên giữ kín. Tôi không nghĩ gì cả. Tôi nghĩ chị gái cô cũng vậy.
- Cảm ơn vì đã nghĩ như vậy.
Tôi và em cùng im lặng một lúc. Giống như khoảng lặng trong một bản nhạc. Rồi em lại lên tiếng trước:
- Trước khi rời khỏi đây, có thể vẽ cho tôi một bức tranh được không?
- Tôi, tôi, chỉ sợ không đủ thời gian – Đúng là như vậy, làm sao tôi có thể vẽ em trong một vài giờ hay một vài ngày? Tôi cảm thấy thậm chí có thể mất đến một năm, hay hơn thế. Người ta không thể tính toán thời gian với những kiệt tác.
- Tôi muốn một bức phác họa chân dung thật đơn giản. Anh hãy vẽ tôi trong những ấn tượng đầu tiên.
- Nhưng...
- Không được sao?
- Được.
- Còn một điều nữa, đó là, tôi muốn bức tranh ấy là một bức tranh khỏa thân.
- Cô, cô chắc chứ?
- Anh thấy thế nào?
- Tôi...
- Đừng nói là ngay cả anh cũng cho rằng việc làm mẫu tranh khỏa thân cũng là một điều nhục nhã mà chỉ gái điếm mới chấp nhận làm.
- Tôi không bao giờ nghĩ như thế. Nhưng mọi người đều nghĩ vậy. Cho nên cô hãy suy nghĩ cho kĩ.
- Những người suy nghĩ như thế, đều không đáng để bận tâm xem họ nghĩ gì.
- Vậy chúng ta sẽ vẽ lúc nào?
- Ngày mai. Hãy đợi đến đêm, khi mọi người đã ngủ, để không ai quấy rầy.
- Được thôi.
- Anh cứ vẽ tiếp bức tranh dang dở của anh đi. Nếu không phiền, tôi có thể chơi vĩ cầm ở đây chứ?
- Tất nhiên rồi.
39
Tôi cầm cọ vẽ lên. Còn em cầm cây đàn lên. Tiếng đàn của em thôi miên mê hoặc khiến đôi tay tôi run rẩy. Tôi cầm cọ vẽ trên tay, nhưng tâm trí tôi đã hoàn toàn đắm chìm vào trong những nốt nhạc. Em lại chơi Mozart, trong trẻo và thanh khiết như vầng thái dương mùa xuân giữa trời mùa đông u buồn. Đến lúc này, tôi bắt đầu tin rằng: người ta có thể mang thai mà vẫn hoàn toàn trinh bạch.
40
Trong âm nhạc, nhạc của Mozart là thứ âm nhạc giản dị nhất và trong sáng nhất. Trong hội họa, tranh khỏa thân là thứ tranh giản dị nhất và trong sáng nhất. Đó là suy nghĩ của tôi – một người không hiểu biết gì nhiều về hội họa.
Con người trở về với hình thái nguyên sơ nhất trong tranh khỏa thân. Khi không có những lớp mặt nạ che phủ bao bọc bên ngoài, khi hoàn toàn trần trụi, con người trở nên chân thật nhất.
Tôi không hiểu vì sao người ta lại e dè với tranh khỏa thân, một số khác lại khinh bỉ. Tại sao phải sợ hình ảnh khỏa thân khi đó chính là cơ thể thật nhất của mình? Tôi cảm thấy người ta kì thị tranh khỏa thân chẳng qua vì không dám đối diện với dục vọng và khiếm khuyết của chính mình, họ phải che giấu sự ích kỉ, ghen tuông, hèn hạ sau lớp lụa là, họ không dám nhìn vào chính mình. Nếu không bởi khiếm khuyết, thì cũng bởi người ta chỉ nhìn tranh bằng đôi mắt mà không nhìn bằng tâm hồn. Vì chỉ nhìn bằng đôi mắt, nên tất cả những gì nhìn thấy chỉ là sự lõa lồ, dâm dục. Trong khi tranh khỏa thân là lời ngợi ca vĩ đại nhất cho vẻ đẹp của con người, là sự miêu tả sâu sắc nhất, tinh tế nhất về nhân tính.
Trước khi bỏ đi, anh đã nói với tôi rằng: Chỉ có gái điếm mới làm mẫu cho tranh khỏa thân. Anh đã nhầm. Nếu tranh khỏa thân là biểu tượng cho vẻ đẹp tự nhiên, thuần khiết nhất, thì chẳng có lí gì người làm mẫu cho tranh khỏa thân là hèn mọn và đê tiện.
Tôi muốn được anh họa sĩ vẽ cho một bức tranh khỏa thân. Bởi ít ra, tôi chưa bao giờ sợ hãi phải nhìn vào con người thật của chính mình, và sẽ không bao giờ phải sợ hãi.
41
Tôi đang đứng ở ngã ba đường: hoặc là cố gắng tìm lại trí nhớ, hoặc là coi như nó chưa từng tồn tại. Một mặt, tôi không muốn biết những sự thực về quá khứ của mình. Tôi đã từng làm mẫu tranh khỏa thân, còn điều gì tôi chưa biết về bản thân nữa? Nhưng hơn cả, cô gái trong tranh dù về lí là tôi nhưng rõ ràng không phải là tôi, còn điều gì tôi chưa biết về anh họa sĩ nữa? Mặt khác, tôi không ngăn nổi trí tò mò. Ngày nào, tôi cũng lén lôi bức tranh ra nhìn ngắm, với hi vọng có thể nhớ ra một điều gì đó.
Nhưng dù có cố gắng đến mấy, tôi vẫn chẳng nhìn ra được gì quen thuộc từ bức tranh, trừ vẻ đẹp thánh thiện của cô gái trong tranh, vẻ đẹp khiến tôi thấy mình nhỏ bé và mặc cảm. Tôi nhận ra mình hoàn toàn vô sản, chỉ có một thứ đó là sự tồn tại. Nhưng ngay cả đến sự tồn tại của tôi cũng là thừa thãi. Tôi và cô ấy rất giống nhau, lẽ ra chỉ cần có một người là đủ. Và người đó nên là cô ấy.