Bức tranh cô gái khỏa thân và cây vĩ cầm đỏ - Chương 24 - 25 - 26 - 27 - 28 - 29 - 30

24

- Này, chị nói xem, mẹ chúng ta là người như thế nào nhỉ? – Một hôm, cô hỏi tôi như vậy.

- Giá như chị có thể nhớ ra – Tôi khẽ lắc đầu.

- Chị bảo tại sao ba mẹ mình lại bỏ rơi em?

Đối với câu hỏi này, tôi lại cũng chỉ còn biết lắc đầu.

- Chị còn chẳng nhớ ra có một người mẹ. Nếu như em không kể lại chuyện có lần chị nhớ ra được mẹ cho một hộp màu, thì thậm chí chị cũng không bao giờ nghĩ tới việc phải nhớ ra bà ấy. Này, chẳng nhẽ ngoài anh họa sĩ ấy ra, không có ai đã từng biết chị ư? Mà chị ở đâu, làm nghề gì nhỉ? Này, có khi tìm được những người đó, chị lại nhớ ra được. Hoặc chí ít, họ cũng biết những chuyện trước đây để kể lại cho chị. À, còn bức tranh chị làm mẫu cho anh ấy nữa, chị cũng muốn thấy chúng.

- Chuyện này... – Cô ngập ngừng – Thật ra, bức tranh... bức tranh giờ không biết ở đâu. Còn, ngoài anh ấy, đúng là chẳng có ai. Mà thôi, chắc chắn chị sẽ hồi phục trí nhớ mà.

Tôi bỗng cảm thấy dường như cô có điều muốn che giấu tôi. Liệu có phải bởi vì một phần quá khứ của tôi trước đây rất kinh khủng hay xấu xí, đến mức cô không muốn tự mình tiết lộ cho tôi? Tôi thấy bất an, nhưng tôi không muốn hỏi thêm vì nếu quả thực là cô ấy không muốn nói, dồn ép quá chẳng phải sẽ khiến cô ấy khó xử hay sao? Tôi cảm thấy người ta tốt nhất là nên tự chịu đựng những nỗi đau một mình, tránh làm liên lụy tới người khác, huống hồ tôi đã làm liên lụy cô ấy quá nhiều. Suốt hai tháng qua, lúc nào cô ấy cũng phải chăm sóc cho tôi.

- Chị này, giả sử như chị bị mẹ bỏ rơi, chị có hận mẹ không?

- Chị vốn chẳng nhớ ra những chuyện ngày trước. Bây giờ em hỏi chị như thế, chị cũng chẳng biết nữa. Nhưng em hận mẹ lắm sao?

- Em chưa bao giờ nghĩ tới điều đó. Em chẳng có kí ức gì về bà ấy để mà thấy hận.

- Vậy sao lại hỏi điều này?

- Chỉ buột miệng hỏi thôi. Chị đừng bận tâm.

- Em đang buồn đấy à?

- Vớ vẩn, buồn gì chứ, chị có tiến triển tốt thế này, em rất vui.

- Không khỏe à?

- Vớ vẩn, có mà chị ấy.

- Nếu thế em hãy chơi một đoạn vĩ cầm được không?

- Thôi, để lúc khác đi. À, tối nay em đi diễn ở một phòng trà, đi cùng không?

- Đi, rủ cả anh ấy chứ?

- Chỉ sợ anh ấy bận việc ở cửa tiệm thiết kế.

- Mà đi diễn là chuyện của đi diễn, không chơi cho chị nghe một bản được sao?

- Thôi, để tối đi.

Hình như cô đang buồn, không, phải là rất buồn, đến mức vĩ cầm cũng không muốn động tới.

25

Tám giờ tối, phòng trà đã kín khách. Đã lâu rồi tôi mới thấy mình ở trong một đám đông như thế. Trước đây, tôi vẫn hay đến quán cà phê để quan sát những chuyển động quanh mình. Trong những quán cà phê, người ta có thể thấy mọi loại người, mọi loại tầng lớp, mọi loại tính cách, mọi loại suy nghĩ, mọi loại vọng tưởng, mọi loại số phận. Quán cà phê vốn dĩ là một xã hội thu nhỏ. Nhưng không hiểu sao, từ khi tới nơi này, tôi gần như từ bỏ thói quen ấy.

Em bước ra sân khấu với cây vĩ cầm, cúi chào mọi người rồi bắt đầu chơi. Bỗng dưng sự ồn ã tắt ngấm. Không còn ai muốn nói chuyện. Một vài người lim dim mắt, một vài người mở mắt to nhìn ngắm em với sự thích thú, một vài người trầm ngâm, một vài người nhấm nháp li nước, một người con trai vội nắm lấy tay người con gái ngồi cạnh, người con gái ngả vào lòng chàng trai, một người lại đu đưa cơ thể theo giai điệu...

Lần đầu tiên tôi được xem em đứng trên một sân khấu, tất cả những ánh đèn đều rọi về phía em. Trong ánh sáng, làn khói nơi đôi mắt em càng trở nên mờ ảo và xa xăm hơn bao giờ hết. Gương mặt trong suốt như một đóa lưu li, em như đến từ một thế giới khác. Hào quang nơi em lấp lánh hơn ánh đèn.

Tôi chưa từng nghe em chơi bản nhạc này. Giai điệu như những hạt nước long lanh từng giọt thánh thót rơi, rơi xuống một dòng nước tuôn chảy rầm rì trong khe núi, rồi lại ngập ngừng như ngưng chảy. Bất chợt, mấy dòng trong lá thư dưới hộp đàn của em hiện lên trong tâm trí tôi, tôi lẩm nhẩm hát theo.

Em nhớ một mùa thu

Tiếng dương cầm lao xao như lá đổ

Những phím đàn mê say đắm đuối

Nói thay mùa thu những lời sau cuối

Em nhớ một mùa thu

Bên hiên nhà nắng còn chưa tắt

Từng giọt âm thanh vang lên trong vắt

Con chim xanh trước ngõ chẳng muốn bay

Em nhớ một chiều thu

Lắng tai nghe hoàng hôn chết trên phím đàn

Khúc ca vừa tàn

Đã nghe đông gõ cửa...

Tôi cảm thấy có thể chắc chắn rằng, đây chính là khúc ca này. Nhưng lời ca câu chữ rõ ràng được dành riêng cho giai điệu ấy, chúng trùng khớp đến hoàn hảo. Sẽ là sai lầm của tạo hóa nếu chúng không phải là một đôi tri âm tri kỉ. Làm sao có thể không phải kia chứ?

Tôi quơ tay lấy li cà phê để uống, khi ngẩng lên, tôi thấy cô gái ngồi bên cạnh mình, người chị song sinh của em, đang nhìn tôi chăm chú. Bắt gặp ánh mắt của tôi, cô vội vàng quay đi. Trong không gian tối của quán cà phê, tôi không nhìn rõ làn khói trong mắt cô.

26

Tôi quyết định sẽ giữ đứa bé. Có ba lí do để tôi làm như vậy.

Lí do thứ nhất, vì đó chính là ý muốn của ông trời. Nếu đứa bé phải chết, ông đã không để tôi nôn ra viên thuốc đó. Ông cho tôi cơ hội để suy nghĩ lại, bởi ông muốn đứa trẻ này phải sống.

Lí do thứ hai, tôi là một đứa trẻ bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng. Tôi không hận đã bị ba mẹ ruột bỏ lại. Nếu tôi bỏ đứa bé này, tôi tin nó cũng không hận tôi. Nhưng liệu tôi có thể không hận chính mình? Bây giờ thì chưa nhưng sau này thì sao? Quả báo lớn nhất là quả báo ở trong tâm, ba tôi từng nói như vậy.

Lí do thứ ba, tôi nghĩ đến những người phụ nữ không thể có con. Tôi nhớ lại cái đêm khi nghe thấy tiếng quát chửi trong phòng của hai vợ chồng thuê ở tầng ba, tôi nhớ những giọt nước mắt không thành tiếng của chị. Nhưng nỗi dằn vặt lớn nhất trong lòng chị, chắc không phải tới từ sự hung bạo của người đàn ông, mà đến từ nỗi đau khiếm khuyết của chính bản thân mình. Rồi tôi nghĩ đến mẹ tôi, người đã nhận nuôi tôi từ một trại cô nhi. Giả như bà còn sống, chắc chắn sẽ khuyên tôi giữ đứa trẻ này.

Tôi nhìn mình trong gương, ngoài việc trở nên xanh xao hơn, hầu như chẳng có gì thay đổi. Tôi vẫn chưa cảm thấy có một sinh linh đang sống nương tựa vào mình. Nhưng làm gì có cái gì đến tự nhiên, tình mẫu tử cũng không phải tự nhiên, người ta chỉ yêu một cái gì đấy khi đặt hết tâm huyết vào nó.

*

Ba tôi, cứ cho tôi gọi ông như vậy, là một nghệ sĩ vĩ cầm. Nghệ sĩ vĩ cầm là một công việc rất đặc biệt. Nó không giống như làm bác sĩ, kĩ sư hay kế toán. Từ khi học cấp một đến hết cấp ba, trong lớp luôn chỉ có mình tôi có một người cha làm nghệ sĩ vĩ cầm. Tất cả những đứa bạn của tôi đều tỏ ra ngưỡng mộ ba tôi. Nhất là khi còn nhỏ, thỉnh thoảng chúng lại đến nhà tôi và đều kinh ngạc khi chứng kiến một món đồ bằng gỗ trông như đồ chơi ấy lại có thể phát ra những âm thanh hết sức kì diệu.

Vĩ cầm là trái tim của ba tôi. Những điều cần nói mà không thể nói, ông để vĩ cầm lên tiếng. Ông đối thoại và trò chuyện qua vĩ cầm. Tiếng vĩ cầm của ông không chỉ biết hát, nó còn biết nói.

Vĩ cầm vì thế xuất hiện trong từng ngóc ngách của tuổi thơ tôi. Tôi bắt đầu tập vĩ cầm khi lên sáu tuổi. Có những lúc tôi thậm chí còn cảm thấy mọi niềm vui trong cuộc sống của tôi đều đến từ cây vĩ cầm. Tôi yêu Mozart, thần tượng Bach, mê đắm với Tchaikovsky, càng yêu hơn nếu những bản nhạc ấy được chơi trên cây đàn của ba tôi. Cũng có thể bởi vì ông là người đầu tiên tôi nghe, nên ấn tượng sâu sắc hơn cả. Nhưng quả thực, tôi chưa từng thấy ai chơi vĩ cầm với sự trong sáng và chân thành tới thế.

Còn mẹ tôi, tôi ít khi nói về bà, và cũng thường tránh nhắc tới bà. Bà có một gian hàng ngoài chợ trung tâm thành phố, bán đủ những thứ linh tinh như quần áo, giày dép, tất tai, đồ lót... Hầu hết đều nhập từ Trung Quốc. Một tháng hai lần, bà lại qua biên giới để đánh hàng. Đó là tất cả những gì tôi đã từng biết về mẹ tôi. Và tôi cũng không muốn biết nhiều hơn.

Giữa tôi và bà luôn có một khoảng cách vô hình. Bà không bao giờ quá gần gũi với tôi, cũng chưa bao giờ tỏ ra tình cảm. Bà luôn cố gắng tách tôi ra khỏi bà. Thỉnh thoảng bà nặng lời với tôi, còn phần lớn thời gian bà không nói gì và tỏ ra xa cách. Tôi không sợ bà, nhưng một cách tự nhiên, tôi cố gắng tránh mặt bà, tránh những khoảng im lặng khi tôi phải đối mặt với bà. Bà và tôi dường như chẳng có gì để trò chuyện.

Tôi vẫn nhớ một lần, ba tôi bảo tôi ra chợ chơi với bà. Khi tôi ra thì bắt gặp đúng lúc bà đang cãi nhau chao chát với một vị khách hàng cũng chao chát không kém. Thấy tôi, bà liền đuổi tôi về. Tối hôm đó, bà vào phòng nhạc nói chuyện với ba tôi. Họ nói chuyện gì, tôi không rõ. Chỉ biết, kể từ đó, bà không cho phép tôi ra nơi bà bán hàng nữa. Tôi cũng không muốn đặt chân tới nơi ồn ào đó thêm nữa.

Tôi cứ lớn lên như thế, ngày ngày tập vĩ cầm, đi nghe những buổi hòa nhạc. Còn mẹ tôi, bà giống như bè trầm trong cuộc đời tôi, một cái bóng lặng lẽ và vô hình. Cho đến khi tôi vào cấp ba, bà bắt đầu ốm nhiều hơn. Bà không chịu nằm viện, thậm chí vẫn đi bán hàng, đi đánh hàng bình thường, khiến tôi nghĩ rằng chỉ là ốm vặt. Nhưng tôi đã nhầm. Bốn năm sau, nghĩa là năm tôi hai mươi tuổi, bà mất. Vào ngày cuối cùng của đời mình, bà vẫn tỏ ra tỉnh táo, bà bảo tôi và ba hãy chơi cho bà nghe một khúc vĩ cầm. Ba đưa cho tôi một bản nhạc tôi chưa thấy bao giờ, đề tên tác giả là ông. Bản nhạc có cả lời hát ở dưới.

Em có nghe tiếng vĩ cầm trong mưa

Rất khẽ khàng như lá thu rơi ngoài cửa sổ

Vĩ cầm cất lên bản tình ca muôn thuở

mà nỗi buồn nay đã khác xưa

Em biết chăng,

vĩ cầm nhớ em

âm thanh đến hao gầy?

Bản nhạc này ông viết dành cho bà. Sau khi bản nhạc kết thúc, bà đã nắm lấy tay tôi và thều thào:

- Hãy giống như ba con. Đừng bao giờ từ bỏ cây đàn này.

Rồi cầm tay ba tôi, bà nói:

- Ông trời có mắt, con bé thật giống anh.

Thế rồi, đôi tay bà tuột khỏi tay cả hai chúng tôi.

*

Đêm hôm ấy, ngồi trong phòng, ba lần giờ từng trang trong kí ức của mình kể cho tôi nghe.

Ba và mẹ đã quen nhau từ khi còn nhỏ. Ba tôi sinh ra trong một gia đình truyền thống làm nghệ thuật. Còn mẹ là con gái một nhà buôn khá giả. Họ đã là bạn thân từ đó. Khi đó, ngày nào ông cũng chơi đàn cho bà nghe. Bà thích nghe Mozart, chỉ thích nghe Mozart. Bà không nghe Bach, không nghe Beethoven, chỉ có Mozart.

Biến cố xảy ra làm gia đình bà phá sản. Bà phải bươn chải từ khi mới mười mấy tuổi. Rửa bát, giúp việc, phụ bán hàng, bán rong... chưa có gì chưa trải qua. Trong khi đó, ba tôi trở thành một sinh viên trường Nhạc, được cử đi Liên Xô, từng tham gia biểu diễn trong dàn nhạc ở Vienna, về quê hương, ông trở thành một soloist có tiếng. Mẹ tôi luôn cố tránh mặt ông, từ chối mọi sự quan tâm giúp đỡ của ông. Ngày ba rượt theo bà khắp mấy con phố chỉ để giữ bà lại và ngỏ lời cầu hôn, bà nói với ông:

- Đừng cố tỏ ra lãng mạn làm gì. Em chẳng hiểu gì về cuộc sống của anh. Một nốt nhạc bẻ đôi em cũng không biết, anh nên lấy một người hiểu được những thứ cao siêu đó.

- Em có thể không tin điều anh nói, nhưng trên đời này, anh chưa thấy ai hiểu được nó sâu sắc hơn em.

Hai người làm đám cưới mà không một ai tới chúc phúc trừ vài người bạn của ba trong dàn nhạc. Bằng số tiền kiếm được, ba tôi mua một sạp hàng ở chợ để mẹ tôi buôn bán.

Có lẽ ba tôi đã không bao giờ kể về chuyện mẹ tôi bị vô sinh và tôi chỉ là một cô nhi được nhận về nếu như bức tranh ấy không xuất hiện, cùng với đó là một cô gái có tướng mạo giống tôi như hai giọt nước.

Nhưng sự khác biệt huyết thống không phải lí do khiến bà luôn tỏ ra xa cách với tôi, mà bởi vì: “Mẹ con luôn muốn con giống ba chứ đừng giống bà ấy. Bà ấy chỉ muốn con chơi vĩ cầm”. Hóa ra là vậy. Suốt hai mươi năm qua, bà không bao giờ thể hiện tình yêu đối với tôi, không phải vì bà không yêu thương tôi, mà vì tình yêu vĩ đại của bà làm sao có thể diễn tả bằng lời nói cơ chứ.

Nước mắt ba tôi đêm ấy thấm ướt suốt những năm tháng tuổi hai mươi của tôi

Tang lễ mẹ được cử hành trong một ngày trời mưa tầm tã. Ba tôi đặt vào quan tài của bà một chiếc máy nghe nhạc nhỏ với những bản nhạc của Mozart do ông tự chơi và ghi âm lại. Nó được hỏa thiêu cùng với mẹ tôi. Những nốt nhạc của Mozart biến thành tro bụi cùng thân xác bà.

Kể từ đó, ba tôi không bao giờ chơi nhạc Mozart nữa. Ông chơi tất cả, Bach, Beethoven, Vivaldi, Paganini... chỉ Mozart là không. Ông nói với tôi: Không được chơi nhạc của Mozart khi không còn thấy niềm vui từ đó, không được để những nỗi đau của mình vương vào âm nhạc của Mozart.

27

Cuối cùng, chúng tôi quyết định sẽ trở lại thành phố. Ở lại đây lâu hơn cũng không ích gì. Mặc dù mọi người nói đây là quê hương của tôi, nhưng nơi đây rộng lớn thế này, chúng tôi chẳng tìm được manh mối gì về quá khứ, tôi cũng chẳng nhớ thêm được gì. Anh họa sĩ nói đã nhờ tới cơ quan quản lí nhân khẩu, nhưng những thông tin mù mờ mà chúng tôi đưa ra chỉ càng khiến mọi thứ rối rắm thêm. “Đòi tìm người mà tên họ đều không biết, sống ở làng nào xã nào cũng chịu, thế thì khác gì mò kim đáy bể”, ông cán bộ bảo thế. Ông khuyên nên đi đăng hình tôi lên báo chí hoặc vô tuyến xem có ai nhận ra không. Chúng tôi làm theo, nhưng cả tháng trời không có bất cứ người nào liên hệ.

Tôi chẳng nhận ra ai. Và xem ra cũng chẳng ai nhận ra tôi.

28

Sự chuyển động của bầu trời đêm là một trong những cảnh tượng kì diệu nhất nhưng cũng là một trong những cảnh tượng ít người từng được nếm trải nhất. Rất nhiều người thức tới khuya ngắm sao. Rất nhiều người dậy sớm để nhìn ngắm mặt trời mọc. Nhưng không mấy ai rảnh rỗi ngồi quan sát những vì sao từ khi xuất hiện mờ tỏ, đến khi tỏa sáng rực rỡ giữa biển đêm tĩnh lặng, rồi lại từ từ chìm khuất vào bình minh.

Tôi chưa từng học cách phân biệt các chòm sao, song có lẽ vì đã nhìn ngắm quá lâu, nên tôi thậm chí có thể tự vẽ ra một bản đồ sao của riêng mình, với những chòm sao, ngôi sao do tôi tự đặt tên.

Tôi nghiệm ra được nhiều điều từ việc nhìn ngắm bầu trời đêm.

Thứ nhất, mọi diễn biến trên bầu trời đêm đều diễn ra rất chậm chạp. Vì sao chúng chậm chạp đến thế? Chúng không cảm thấy đang lãng phí thời gian sao? Tôi nghĩ mãi về câu hỏi ấy, cho đến khi nhận ra rằng: bởi vì thời gian của vũ trụ là vô hạn, nên có chậm một chút cũng chẳng vấn đề gì. Chỉ có thời gian của con người là hữu hạn, chớp mắt đã không còn gì, nên chúng ta mới phải vội vàng.

Thứ hai, những ngôi sao mà chúng ta nhìn thấy đều chuyển động rất nhanh. Vậy tại sao chúng ta lại cảm tưởng chúng như là bất biến? Bởi vì chúng ở quá xa cho nên bằng mắt thường chẳng ai có thể quan sát được điều đó.

Thứ ba, nhìn từ đây, những ngôi sao chỉ là những đốm sáng bé tẹo. Sự thực là chúng có thể còn khổng lồ và sáng hơn nhiều so với Mặt Trời. Chỉ có con người chúng ta vốn dĩ rất nhỏ bé.

*

Khi tôi vẫn còn đang mải mê ngắm những vì sao, thì chợt thấy văng vẳng tiếng vĩ cầm. Tôi không biết mình có đang mộng du không, nhưng tôi vội mở cửa phòng mình và đi theo tiếng nhạc.

Tiếng nhạc dắt tôi đi qua hành lang, lên tầng trên cùng của căn nhà, rồi dẫn tôi ra sân thượng. Tôi vừa bước tới, cô gái vội bỏ cây đàn trên vai xuống. Em quay lại nhìn tôi. Đôi mắt em xa xôi hơn cả những vì sao trên bầu trời.

- Xin lỗi, tôi chơi đàn nên đánh thức anh sao?

- Không, tôi chưa ngủ. Yên tâm, không đánh thức được ai đâu. Từ dưới kia, hầu như không nghe thấy gì cả.

- Muộn thế này rồi mà anh chưa ngủ sao?

- Tôi nghe không rõ lắm, bài gì vậy?

- Dạ khúc số 20 của Chopin. Buổi đêm nên chơi dạ khúc thôi – Ngập ngừng một chút, em nói tiếp – Anh thấy sao?

- Chỉ nghe thoảng qua thôi nhưng đã cảm thấy rất hay.

- Tôi không hỏi chuyện đó. Ý tôi là chuyện trở lại thành phố.

- Sớm muộn gì cũng phải như vậy. Cứ ở đây thế này, không khéo chục năm nữa cũng chẳng giúp cô ấy hồi phục toàn bộ trí nhớ.

- Tôi cũng chỉ mong chị ấy không hồi phục toàn bộ trí nhớ.

- Tại sao?

- Anh nói xem, những kí ức như làm gái điếm, rồi sống với một người đàn ông đã có gia đình, hơn nữa chị ấy rồi sẽ biết anh ta đã qua đời, có nên quên đi luôn không? Nếu quên được thì thật tốt. Chị ấy có thể bắt đầu một cuộc sống mới.

- Đó là lí do cô muốn ở lại đây ngay từ đầu và trì hoãn việc về thành phố cho dù rõ ràng ở thành phố có nhiều khả năng chị cô sẽ nhớ ra được quá khứ ư?

- Vâng. Không biết trước khi tới thành phố chị ấy thế nào, nhưng chắc chắn từ khi tới đó, chị ấy đã rất khổ.

- Đành vậy, chúng ta không có lựa chọn nào khác.

- Không, còn một cách nữa. Tôi sẽ từ bỏ việc đi tìm quá khứ của mình. Tôi sẽ bảo với chị ấy rằng những chuyện đã qua hãy để nó qua đi, không nhớ lại nữa. Biết đâu chẳng tốt lành gì. Rồi hai chúng tôi sẽ cùng bắt đầu lại từ đầu.

- Cô có sợ một ngày nào đó sẽ hối hận không?

- Tôi chưa tính đến xa thế. Nhưng tôi biết nếu tôi để chị ấy phải đối mặt với những kí ức ê chề và đau buồn ấy, tôi nhất định sẽ hối hận.

- Nếu cô quyết định như vậy...

- Tôi đã quyết định như vậy.

- Vậy, vậy... vậy sau này chúng ta còn gặp lại nhau chứ?

- Điều đó thì liên quan gì?

- Tôi là một mắt xích trong chuỗi những kí ức đáng quên của cô ấy. Gặp tôi nhiều, có khi bỗng dưng cô ấy lại nhớ ra tất cả.

- Nếu thế thì có nghĩa ông trời đã muốn chị ấy nhớ ra. Dù sao thì riêng tôi vẫn phải gặp anh, anh đã hứa sẽ vẽ chân dung cho tôi rồi, anh không quên đấy chứ?

- Không bao giờ quên.

- Anh muốn nghe một khúc nhạc không?

- Tất nhiên rồi.

- Anh thích bài gì?

- Bản Dạ khúc ban nãy tôi chưa nghe hết.

- Được.

Nói rồi em lại đặt cây vĩ cầm lên vai. Em đứng dưới những vì sao, kéo lên âm thanh tha thiết vút bay tới tận chân trời. Tôi cảm thấy nuối tiếc cho những ngôi sao xa xôi kia, vì chúng sẽ không bao giờ được nghe những giai điệu rung động tới thế được ngân lên từ một tâm hồn lương thiện tới thế. Con người có thể rất nhỏ bé, nhưng con người là vần thơ đẹp đẽ nhất mà vũ trụ từng sáng tác.

29

Mưa tầm tã từ đêm qua. Đến bây giờ vẫn chưa dứt. Khoảng trời bình minh chìm trong mưa, nhạt nhòa, trắng xóa, mờ mịt. Tiếng mưa đánh thức tôi dậy sớm hơn thường lệ. Người chị gái song sinh của tôi vẫn còn đang say giấc, chị vùi mặt vào chăn. Tôi nhổm dậy và ngồi thu lu bên bậu cửa sổ cạnh giường, một mình ngắm nhìn những căn nhà, con ngõ, những góc phố, và mưa.

Những cơn mưa luôn đem theo những nỗi buồn vô cớ. Nỗi buồn đến từ cơn mưa man mác nhưng vời vợi. Mưa buộc người ta không thể bận rộn, đành nán lại một khoảnh khắc mà suy tư. Con người chân thành nhất là khi suy tư. Nỗi buồn lại là điều chân thành nhất trên thế gian này. Con người chân thành nhất là khi buồn.

Quá khứ của tôi mịt mờ, tương lai của tôi bất định, hệt như cảnh vật trong mưa. Và tôi không biết bao giờ cơn mưa sẽ tạnh.

Cuối tuần sau, chúng tôi sẽ về thành phố. Tôi sẽ nói với chị gái mình rằng tôi không muốn đi tìm lại sự thật về mình nữa, cả chị và tôi sẽ cùng quên đi những chuyện đáng quên. Rồi sau này tôi có hối hận không? Như những giọt mưa kia có bao giờ hối hận vì đã buông xuống quá nhanh? Tôi thật sự không muốn suy nghĩ về chuyện này. Cuộc đời vẫn luôn bắt ta phải đứng trước những lựa chọn khó khăn như thế. Chỉ cần những ngày tháng phía trước luôn tươi đẹp, thì những chuyện quá khứ, hãy cứ để tháng năm chôn vùi.

Nhưng những tháng ngày phía trước có thể tươi đẹp không? Đứa trẻ trong bụng tôi sẽ lớn lên, rồi tôi sẽ sinh nó ra. Chưa bao giờ tôi thấy mình can đảm hơn lúc này. Tôi sẽ không bao giờ kể cho anh biết. Cuộc đời của chúng tôi sẽ không bao giờ còn giao nhau nữa. Tôi sẽ từ từ xếp lại những kí ức giữa chúng tôi vào một gác xép trong đầu mình, khóa nó lại, giấu chiếc chìa khóa vào nơi mà chính tôi cũng không thể tìm được nữa.

Mưa ngày càng lớn hơn. Những giọt mưa xoay tròn trên không trung. Mỗi giọt rơi xuống là một kí ức tan vỡ. Giọt mưa đầu tiên là kí ức về ngày đầu tiên gặp nhau năm lên mười tuổi. Giọt mưa thứ hai là lần đầu tiên cùng hợp tấu một bàn nhạc. Giọt mưa thứ ba là lần đầu tiên anh dạy tôi chơi dương cầm. Giọt mưa thứ tư: lần đầu tiên anh cầm tay tôi. Giọt mưa thứ năm: lần đầu tiên chúng tôi thay đổi cách xưng hô. Giọt mưa thứ sáu: lần đầu tiên giận hờn. Giọt mưa thứ bảy: lần đầu tiên chạy bộ qua mười con phố để tìm một quán cà phê có nhạc cụ. Giọt mưa thứ tám, giọt mưa thứ chín... Giọt mưa thứ... Tôi đã bắt đầu đếm nhầm. Lần đầu tiên anh không còn muốn tôi ở bên anh nữa.

Đó là một giọt mưa rất lớn, lơ lửng không chịu rơi. Tôi nhìn vào giọt mưa và thấy đôi mắt của mình phản chiếu trong đó. Và trong đôi mắt ấy lại phản chiếu hình ảnh của giọt mưa. Cứ như thế, tôi cảm thấy mình bị thôi miên.

*

Hai tháng trước...

- Bức tranh này, em xem đi – Một ngày nọ, anh đưa cho tôi một bức tranh sơn dầu, trong tranh, một cô gái ngồi bên cửa sổ chơi vĩ cầm, cô gái hoàn toàn khỏa thân.

- Anh bắt đầu quan tâm tới hội họa từ khi nào thế?

- Cái đấy anh phải hỏi em mới phải? Em quan tâm hội họa từ khi nào thế?

- Ý anh là gì?

- Ý gì còn phải nói ra sao? Đừng nói rằng em chưa từng thấy bức tranh này.

Tôi nhìn lại bức tranh một lần nữa. Hoàn toàn xa lạ, trừ một điều, gương mặt cô gái trong tranh. Gương mặt ấy hình như rất quen thuộc. Gương mặt ấy chính là của tôi. Phải, gương mặt của tôi.

- Đây... anh không định nói rằng em là người trong tranh đấy chứ?

- Anh không nói nhưng bức tranh nói như thế đấy.

- Có cả chục người hao hao giống nhau, làm sao anh khẳng định đó là em?

- Phải, có cả chục người hao hao giống nhau, nhưng đừng nói là cả chục người đó đều chơi vĩ cầm chứ.

- Nhưng em không phải là người trong tranh.

- Em không cần giải thích. Người mẫu tranh khỏa thân, chỉ có gái điểm mới làm việc đó.

- Nhưng...

- Đừng nói nữa! Đừng bao giờ để anh gặp lại em nữa!

Giọt mưa cuối cùng cũng rơi xuống. Tôi bỗng dưng thấy ướt. Từ mi mắt bên trái, nó bắt đầu rơi trên gương mặt của tôi. Tôi cảm thấy hình như mình cũng rơi.

30

Cô có mái tóc đen, chiếc mũi thẳng, nước da hơi xanh xao, đôi môi hơi cong nhợt nhạt. Ở nơi này, tôi chẳng còn việc gì khác ngoài ngắm nhìn cô, người em song sinh của mình. Tôi và cô có gương mặt giống hệt nhau. Nhưng không vì thế mà tôi cảm thấy lầm lẫn. Tôi vẫn luôn cảm thấy chúng tôi rất khác. Mặc dù tôi không thể nói rõ là khác ở đâu.

Khi tôi thức dậy vào sáng nay, đã thấy cô nằm bất tỉnh. Máu, rất nhiều máu, lênh láng thấm đỏ cả chăn.

- Thể trạng, sức khỏe yếu nên bị sảy thai – Bác sĩ nói.

Tôi chưa bao giờ biết rằng cô đang mang thai. Tôi cũng chưa từng nghe cô nói về bất cứ người đàn ông nào ngoài ba nuôi cô, một nghệ sĩ vĩ cầm. Ngoài ra, chỉ còn một người nữa, anh họa sĩ.

Tôi nhớ lại gương mặt của anh họa sĩ khi nghe bác sĩ nói cô bị sảy thai. Gương mặt anh lúc đó một phần như không tin được, một phần thất thần, một phần đau khổ. Kể từ khi ấy, anh hầu như im lặng, nhưng không phải sự lặng im bình thản đầy say mê như mọi khi, mà là một sự im lặng đáng sợ.

Anh rất yêu vĩ cầm. Còn cô lại chơi vĩ cầm. Nếu như chuyện đó có thật, thì cũng rất dễ hiểu. “Lẽ ra mình nên biết điều này từ lâu rồi mới phải”. Tôi tự nhủ.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3