Hồng nhan - Chương 1 - Phần 01 - 02

Chương 1

Cho những trái tim non nớt mang theo thương tổn khi còn tấm bé. Cho những niềm đau còn ẩn mình trong câm lặng…

1

Bố tôi vừa là thuyền trưởng, vừa là chủ của một vài chiếc tàu sông cỡ vừa. Quanh năm lênh đênh trên bến dưới thuyền. Ai thuê gì chở nấy. Có chút vất vả, nhưng kiếm đồng tiền có phần dễ hơn người ta làm nông nghiệp và lao động phổ thông. Kinh tế gia đình tôi nhờ đó cũng dư dả. Song những chuyến chở hàng dài ngày lênh đênh sông nước luôn làm mẹ lo âu, trông đứng trông ngồi cho đến khi bố về đến nhà thì mẹ mới thở phào nhẹ nhõm. Hai đứa tôi, cùng miếng ruộng mảnh vườn nhỏ và lũ gà lợn cũng đủ chiếm hết thời gian của mẹ. Miền quê yên bình cũng như lòng mẹ, là nơi tôi luôn sà vào mỗi khi có chuyện buồn vui…

Bố là người tình cảm. Dù đã lấy nhau nhiều năm và có hai mặt con rồi nhưng bố mẹ vẫn mặn nồng như thủa nào. Ngỡ tưởng rằng gia đình tôi cứ êm ấm như thế. Nào ngờ lại có một chuyện làm đảo lộn và thay đổi hoàn toàn cuộc sống bình yên trước kia.

Đầu năm tôi bước vào cấp hai, cậu em trai đang học lớp bốn trường làng, mẹ phát hiện bố đang có người đàn bà khác. Bố quen cô ta trong thời gian chạy tàu vào trong Nam. Chuyện vỡ lở thì người đàn bà ấy đã mang thai được ba tháng.

Cảnh sông nước xa vợ dài ngày, đôi khi cô quạnh những ngày trái gió trở trời, rồi vì một phút yếu lòng nên mới đến nông nỗi này. Nếu gây chuyện rồi đổ lỗi cho sự bồng bột, nhất thời thiếu suy nghĩ thì tôi cho rằng bố đang biện minh cho hành vi phản bội của mình. Bởi, rút cùng, những hệ lụy về sau không chỉ một mình bố gánh chịu. Đó không còn chỉ là chuyện của hai người. “Một phút bồng bột” ấy đã gây tổn thương không nhỏ cho những người xung quanh, nhất là mẹ.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Bố quỳ sụp xuống chân mẹ, hai tay đan vào nhau, ghì chặt như để giữ một vật gì đó vô hình đang dần trôi thật xa.

- Anh sai rồi, em tha tội cho anh… Nhưng anh không thể bỏ mẹ con cô ấy.

- Vậy ư?

Mẹ chỉ nói có vậy, các cơ quanh miệng khẽ cử động như đang cố phác nên một nét cười đau xót, cười mà đắng ngắt trong lòng, nụ cười nửa vời chỉ vừa chạm hờ tới khóe môi rồi ngưng lại. Nghẹn ứ.

Mẹ ngồi đó, mắt đỏ ngầu, nhìn người đàn ông đang quỳ gối trước mặt mình để van xin sự tha thứ vì trót phản bội nhưng lại nghiễm nhiên nói không thể từ bỏ người đàn bà kia. Người đàn bà được cho là dại dột, không làm chủ được mình, còn người đàn ông là bởi sai lầm, nhưng cả hai đều khẳng định không thể từ bỏ, không thể dứt ra được.

Tại sao lại không thể dứt ra được?

Mẹ đau lòng. Nhưng, mẹ không gào khóc, không chửi bới, chỉ đờ đẫn như khúc gỗ, chẳng nói chẳng rằng.

Phải chăng, nỗi đau khổ, phẫn uất trong lòng đã vượt quá giới hạn của biểu cảm đơn điệu ấy? Đôi khi, gào khóc, la hét, hay chửi mắng cũng chẳng đủ để khỏa lấp, xoa dịu vết thương lòng. Mà chính là khi con người ta im lặng, có muốn khóc nước mắt cũng chẳng thể rơi. Đó mới là tận đáy của nỗi đau đớn trong tâm can.

Sau hôm đó, cả bố và mẹ đều im lặng. Bố im lặng vì biết mình có nói gì cũng chỉ là lời bào chữa vụng về, khốn khổ. Mẹ lặng im bởi sự việc đã thành ra như thế, không cách nào cứu vãn. Dày vò bố cũng chỉ khiến bản thân mình đau hơn gấp bội.

Nhưng, cũng chẳng thể mãi im lặng. Dù muốn hay không, sự thật đó vẫn tồn tại, và mẹ cuối cùng vẫn phải đối diện với nó. Mẹ ngồi trên chiếc ghế mây đặt cạnh cửa sổ, bố ngồi bên bàn uống nước phía đối diện. Đôi mắt mẹ hướng nhìn xa xăm ra khoảng sân âm u trước mặt, giọng mẹ đều đều.

- Anh đón hai mẹ con họ ra ngoài này đi. Ở trong đó đi lại vất vả đâm tốn kém thêm – Mẹ nói mà không nhìn bố.

Bố ngây người ra, hoang mang nhìn khuôn mặt xám xanh của mẹ, cố tìm trên đó một nét giễu cợt, một nét châm chọc. Nhưng không có.

Người ta bảo, “thâm hiểm nhất là lòng dạ đàn bà”. Bố sợ rằng, có khi nào mẹ còn nuôi ý định khác? Chẳng có người phụ nữ nào rộng lượng đến độ chia sẻ người đàn ông của cuộc đời mình cho người đàn bà khác. Huống hồ lại tạo điều kiện để người đàn bà ấy được công khai sống chung với chồng mình.

Tôi đứng nép ở mép cửa, cũng không tin được vào tai mình. Bản thân tôi dù suy nghĩ còn nông cạn nhưng cũng đủ nhận thức được tình cảnh hiện tại, trong lòng dấy lên một dự cảm không lành. Tất cả những biến cố này mới chỉ là bắt đầu. Và tôi luôn tự hỏi, động cơ nào khiến mẹ làm như vậy? Là vì tôi chưa hiểu thấu, hay trái tim mẹ quá đỗi nhân hậu, nhân hậu đến khờ khạo?

Bố phải mất đến vài giây mới tiếp nhận được nội dung mà mẹ vừa nói. Bố nuốt nước bọt cái ực.

- Em nói thật chứ? Anh không muốn ép em là phải đưa hai mẹ con họ ra ngoài này…

Mẹ nhìn thẳng vào mắt bố bằng ánh mắt sắc lẹm mà bố chưa bao giờ bắt gặp. Một dòng điện chạy dọc sống lưng, bố gai gai người.

- Anh thấy em giống bị ép buộc không? – Mẹ dịu xuống và nói.

Rồi mẹ đứng lên và đi vào nhà trong, để lại bố ngồi trong thinh lặng.

2

Ngày đó rồi cũng đến.

Bố đưa người đàn bà ấy ra Bắc, mua cho cô ta một căn nhà nhỏ cách nhà mẹ con tôi không xa.

Mẹ tôi – một cách bất đắc dĩ – nghiễm nhiên trở thành vợ cả.

Một buổi chiều cuối thu, lúc mẹ đang lúi húi trong bếp với đám khói bụi cay xè, quần áo xộc xệch, nhem nhuốc vì vừa đi làm đồng về thì bố đưa người đàn bà đó tới, như để hai người biết mặt nhau.

Trước mặt mẹ con tôi là một phụ nữ cao ráo, bụng to vượt mặt, nước da trắng trẻo, khuôn mặt đẹp, một vẻ đẹp sắc sảo, cuốn hút. Người ấy, sau này tôi phải gọi bằng dì.

Nhìn lại mẹ áo quần lấm lem, dáng điệu tất tả, tôi âm thầm thở dài.

Hai người phụ nữ bốn mắt nhìn nhau như thăm dò, khiến người đàn ông bên cạnh toát cả mồ hôi. Tiếng mẹ cất lên phá tan bầu không khí u ám, nặng nề.

- Vào nhà đi, bụng to đứng đó mãi thế.

Bố thở phào. Cô ta gượng cười đáp lễ.

- Vâng.

*

Từ ngày người đàn bà đó về, bố chạy qua chạy lại giữa hai bên. Vẫn như xưa, bố quan tâm đến mẹ và chị em tôi, giữa bố mẹ cũng không xảy ra một cuộc cãi vã hay to tiếng nào. Là những tình cảm phát xuất từ trái tim? Hay bố ăn năn muốn bù đắp những sai lầm của mình? Hoặc tệ hơn, chỉ là chút hương phai tình thừa?

Phần tôi, cảm thấy tất cả đều giả tạo. Có lẽ, từ trong sâu thẳm, tôi không chấp nhận được những việc bố làm.

Mẹ dù ngoài mặt vẫn tỏ ra bình thản, nhưng tôi đoan chắc lòng bà đang quặn thắt. Mẹ gầy và suy sụp đi nhiều. Mẹ đau, đương nhiên rồi, nhưng mẹ chọn cách nhẫn nhịn. Họ hàng làng xóm nói mẹ dại dột và ngu ngốc, mẹ chỉ cười bỏ ngoài tai.

Người đàn bà kia sinh nở mấy tháng sau đó. Chẳng có người thân nào của cô ta đến, phần vì khoảng cách, phần nhiều vì phản đối cuộc hôn nhân bất hợp pháp này. Bố lúc ấy lại đang chạy tàu ở xa, nên chẳng phải ai khác mà chính là mẹ ở bên chăm sóc, nâng giấc mấy ngày ở cữ của cô ta.

Chuyện vợ cả vào bệnh viện thăm nuôi nhân tình của chồng sinh nở, mấy ai tin nổi. Ấy vậy, đó lại là sự thật.

Tôi hỏi thì mẹ chỉ cười, nói: “Lúc vượt cạn, không có nổi một người thân ở bên, người ta dễ tủi thân lắm. Mẹ giúp một chút thì có sao, đứa bé cũng là con của bố con và là em của con mà…”. Tấm lòng lương thiện, ấm áp ấy của mẹ, tôi tự hỏi, liệu có được đáp đền xứng đáng? Hay đổi lại, chỉ là đắng cay?

Trong khi đợi bố trở về, hai mẹ con cô ta được mẹ đưa về nhà ít ngày. Con riêng của bố là một bé trai kháu khỉnh, trắng trẻo và nom cũng giống bố. Nhiều khi, tôi thấy mẹ bế nựng thằng bé như con ruột mình, nước mắt mẹ lăn dài.

Thằng bé chẳng tội tình gì, nhưng nó như là hiện thân của sự phản bội. Thế nên, những ngày đó, tôi không buồn nhìn ngó hay chơi đùa cùng nó. Mẹ, trái lại, quý mến và ân cần với họ lắm. Người đàn bà đó chắc hẳn cũng cảm nhận được tình cảm của mẹ. Rồi người làng chẳng biết có ý gì mà lại bảo mẹ tôi và cô ta giống như hai chị em. Thật lạ, không biết hai người họ trở nên thân thiết như vậy từ bao giờ. Lẽ nào, chung cảnh đàn bà nên dễ dàng đồng cảm với nhau? Hay cả mẹ và cô ta đều đang diễn? Tôi không biết, chỉ thấy hoang mang và mờ mịt. Mọi thứ đang vượt khỏi tầm suy nghĩ non nớt của đứa con nít như tôi.

Rồi bố cũng về.

Sự xuất hiện của người đàn ông mà ai cũng muốn giành về phía mình khiến cho mọi tình cảm thân thiết trước đó dường như trở nên vô nghĩa lí. Bố đưa hai mẹ con cô ta về nhà riêng. Khi bước ra khỏi cửa, khuôn mặt tươi cười của người đàn bà ấy không giấu nổi đắc ý. Bố cũng ở miết bên đó bởi thằng bé còn nhỏ. Mẹ, miệng luôn nói không sao, nhưng đôi mắt lại ánh lên nét buồn, đôi mắt tố cáo tất cả tâm tư của mẹ. Có những đêm, mẹ tưởng tôi ngủ say, lén khóc thầm. Tôi cũng cắn chặt răng để không bật khóc theo, bởi tôi biết biết mẹ không muốn ai thấy sự yếu đuối này.

Mẹ đã sống như thế.

Thời gian theo đó mà trôi.

Hai người đàn bà, nhà ai nấy ở, chẳng có cãi vã nào, thi thoảng còn qua lại thăm nom nhau. Thằng bé giờ đã lên hai và đang bi bô nói, nó còn gọi mẹ tôi là mẹ. Nhiều khi mẹ cũng bế nó đi chơi quanh xóm, lâu dần chẳng ai thấy ngạc nhiên hay bóng gió gì nữa. Nhìn mãi cũng quen, nói nhiều rồi cũng chán.

*

Năm đó, rộ lên phong trào đi lao động nước ngoài. Quanh làng tôi cũng có vài người đi. Và điều làm tôi sốc hơn cả là quyết định của mẹ. Mẹ muốn đi nước ngoài mấy năm để kiếm chút vốn rồi về. Và tất nhiên, quyết định của mẹ nhận được sự phản đối của mọi người, nhất là bố. Bố không muốn xa mẹ, bố không muốn mẹ vất vả, bố cũng sợ người ta nghĩ rằng, bởi bố có người đàn bà khác, bỏ bê chẳng thèm đoái hoài đến mẹ nên mẹ mới dứt ruột để lại hai đứa con mà ra đi.

Nhưng bất chấp mọi lời khuyên can, mẹ nhất quyết không chịu thay đổi ý kiến. Cuối cùng, bố buộc lòng chấp nhận. Bố bán ngôi nhà mẹ con tôi đang ở, chia cho mẹ một nửa số tiền để làm chi phí cho chuyến bay.

Bố mẹ tôi li hôn. Ở thời điểm ấy, để đi Anh thì không thể làm khác. Trên danh nghĩa là li hôn giả, nhưng về mặt pháp luật thì lại là thật, giấy trắng mực đen.

Đêm trước khi bay, mẹ nằm ôm hai chị em tôi và khóc rất nhiều. Mẹ nói, mẹ không nhẫn tâm để lại chúng tôi, nhưng nỗi buồn của mẹ lớn quá, mẹ muốn đi làm vài năm cho khuây khỏa, rồi kiếm chút tiền để sau này lo cho chị em tôi mà không cần phụ thuộc vào bố.

Chị em chúng tôi biết không thể giữ được mẹ. Tôi không cho rằng mẹ ích kỉ chỉ nghĩ đến bản thân. Trong thâm tâm, tôi cũng không muốn mẹ phải nhẫn nhịn chịu đựng cũng như kìm nén nỗi đau khổ trong lòng thêm nữa. Chị em tôi sẽ chờ ngày mẹ trở về.

Sáng hôm sau, mẹ nói với người phụ nữ kia:

- Trong thời gian chị đi xa, hai cháu chị gửi gắm và trông cậy cả vào em.

Mẹ kéo tay hai chị em tôi ra trước mặt.

- Hai đứa từ nay phải nghe lời bố và dì, dì cũng như mẹ.

Người đàn bà kia khẽ nắm lấy tay mẹ như để mẹ yên lòng.

- Chị đừng lo cho bọn trẻ, em sẽ coi chúng như con mình. Chị đi làm giữ sức khỏe nhé.

Mẹ tôi mắt ầng ậng nước, chỉ khẽ gật đầu.

Bố tiễn mẹ ra sân bay. Sự thật là mẹ đã đi thật rồi, dù không muốn tin nhưng cũng phải chấp nhận.

Ngay hôm sau, hai chị em tôi dọn về sống cùng nhà với người đàn bà ấy. Bố vẫn thường đi xa nhiều ngày, ở nhà chỉ có chị em tôi với dì. Lúc nào có mặt bố thì dì tỏ ra ân cần quan tâm đến chúng tôi. Còn khi bố vắng mặt thì dì lầm lầm lì lì chẳng nói chẳng rằng.

*

Dì vốn nhanh nhẹn hoạt bát, giỏi kinh doanh buôn bán. Chị em tôi mang tiếng là sống với dì ghẻ nhưng được chu cấp không thiếu thứ gì. Chỉ hôm nào bận việc thôi chứ bình thường tôi chẳng phải động tay vào việc gì, bởi tôi làm không vừa ý dì. Rồi tôi cũng kệ, tôi chỉ giỏi mỗi việc trông thằng bé - con riêng của bố. Gần gũi lâu dần tôi cũng quý thằng nhỏ, dù sao nó cũng là em trai của tôi.

Từ ngày mẹ đi, công việc làm ăn của bố có phần đi xuống, bố hay cáu gắt và tức giận vô cớ. Một hôm, lúc ba chị em đang nô đùa, không may thằng bé trong lúc chạy ngã va vào thành bàn. Nó khóc ré lên như cháy nhà. Dì đang dưới bếp hốt hoảng chạy lên.

- Trời ơi, con tôi sao thế này?!

Bố đang đứng gần đó nghe điện thoại bàn chuyện công việc cũng gác máy quát um lên, bố chỉ ngón tay trỏ về phía tôi.

- Mắt để đâu mà để em ngã thế kia hả Đan?!

Tôi tái mặt vì sợ, lần đầu tiên thấy bố giận dữ và to tiếng như vậy. Song phần nhiều, tôi tủi thân. Phải chăng bởi mẹ đã đi xa, bố mới quát mắng chúng tôi không tiếc lời? Phải chăng vì làm ăn thua lỗ, nợ nần nên bố mới thay đổi thành ra như vậy, chứ thật tình vẫn yêu thương chúng tôi? Tôi luôn cố tìm một lí do để biện minh cho bố, cũng là để bản thân mình bớt buồn rầu, ấm ức. Ngoài bố ra, chị em tôi cũng không còn biết dựa vào ai…

Mẹ tôi khi đã ổn định mới gọi điện về, mẹ còn nói chuyện cả với dì. Nghe nói, mẹ sang bên đó cũng làm vườn và ở khu có nhiều người Việt sinh sống. Những người sang bên đó phần lớn trốn ra ngoài để trồng cây thuốc phiện trong nhà. Mẹ tôi cũng không ngoại lệ. Dù biết là phạm pháp, nhưng đã chấp nhận sang đó thì phải làm thế mới xoay xở được tiền nong và lo toan được cuộc sống nơi đất khách quê người. Đó là còn chưa kể, nếu bị bắt sẽ bị tịch thu và bị phạt. Mỗi lần như thế mất không một năm lao động vày vò bùn đất rồi… Tuy vất cả cực nhục nhưng mẹ vẫn cắn răng chịu đựng, nén lòng cả nỗi nhớ chồng thương con, bởi bù lại kiếm đồng tiền nhanh hơn khi còn ở nhà.

Trong khi ấy ở nhà, dì nghiễm nhiên trở thành vợ chính thức của bố, thừa hưởng những thứ lẽ ra thuộc về mẹ.

Tôi cứ tự hỏi, vốn là cuộc sống này bất công hay con người ta bất công với nhau? Nhìn dì nói chuyện ngọt nhạt với mẹ, trong lòng tôi không tránh khỏi dấy lên những tâm tư phức tạp, và cả cảm giác xót xa, buồn tủi thay cho mẹ.

Đối với chúng tôi, dì không nóng cũng không lạnh, trong bụng tuy ngấm ngầm hắt hủi, chẳng thiết tha đoái hoài nhưng cũng không ngược đãi gì chị em tôi, việc ăn học của chị em tôi dì vẫn chu cấp đầy đủ. Cảnh diễn ‘gia đình êm ấm thuận hòa’ giữa mẹ kế con chồng, tôi và dì phối hợp vô cùng ăn ý, khiến bố cũng yên tâm việc nhà để lo chuyện làm ăn. Những cảnh tréo nghoe trên đời, nhiều khi chỉ người trong cuộc mới thực sự hiểu được. Bản thân tôi, cũng chỉ thầm chua chát cho hoàn cảnh của gia đình mình, cho mẹ tôi.

Từ bao giờ, tôi cũng cố tạo cho mình một lớp vỏ bọc để có thể kháng cự với những tai ương, biến thiên đang rình rập và bất cứ lúc nào cũng có thể làm tổn thương đến mình.

Ngày qua tháng lại, tôi đã sống nhạt nhẽo, tạm bợ như thế.