01. Những năm tháng ám ảnh
Những năm tháng ám ảnh
Tiểu Yến, nữ, 16 tuổi, học sinh cấp hai
Hiện giờ, tôi đang bị khủng hoảng, tôi không sao tập trung học hành được. Tại sao vậy? Để tôi kể từng chuyện nhé!
Không biết từ bao giờ, tôi sinh thói ghen tị với người khác. Tôi luôn muốn mạnh hơn, giỏi hơn người khác; cứ nhìn thấy ai giỏi hơn mình là tôi lại thấy đố kị đến phát điên lên. Điều này đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến việc học tập của tôi.
Năm học lớp chín là một năm vô cùng quan trọng đánh dấu bước ngoặt trong đời, nhưng đó cũng là năm học làm cho tôi cảm thấy rất nhiều nuối tiếc. Tôi có một vài mâu thuẫn nhỏ với một bạn nữ cùng lớp; tôi sợ sau này lớn lên bạn ấy sẽ giỏi hơn tôi, thế nên mỗi giờ lên lớp, tôi đều để ý bạn ấy. Cứ thấy bạn ấy chăm chú nghe giảng là tôi lại vô cùng tức giận, chỉ muốn bịt ngay hai tai của bạn ấy lại; nhưng nếu bạn ấy đang nói chuyện với bạn khác hoặc đang làm việc riêng thì tôi lại thấy dễ chịu và khoái chí vô cùng. Mỗi lần cô giáo giảng đến phần trọng tâm, tôi lại thầm nghĩ, tốt nhất là bạn ấy đừng nghe được những gì cô giảng. Cứ như vậy, tôi cảm thấy trong lòng mình rất buồn chán, rối bời. Cũng vì chỉ mải để ý đến bạn ấy nên ngay chính bản thân tôi lại không sao tập trung nghe giảng được.
Trong lớp còn có một bạn nữ khác, bạn này học vốn không tốt lắm, nhưng do chăm chỉ, chuyên tâm nghe giảng, làm bài tập về nhà rất cẩn thận nên thành tích học tập ngày càng tiến bộ. Cô giáo không chỉ một lần tuyên dương bạn ấy trước lớp. Thấy vậy tôi lại cảm thấy bất an, sợ bạn ấy sẽ vượt qua mình. Lúc nào tôi cũng nghĩ, nếu như bạn ấy vượt qua mình thì mình phải làm thế nào?
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]
Ngoài bệnh đố kị, tôi còn một tật xấu khác nghiêm trọng hơn, đó là những rối bời trong tình bạn. Khi chơi với các bạn nam, tôi thường cảm nhận một thứ tình cảm rất mơ hồ đang lớn dần trong tim. Do thầy giáo chủ nhiệm là bạn của bố tôi, nên thầy thường đặc biệt quan tâm đến kết quả học tập của tôi. Tôi vô cùng biết ơn thầy nhưng trong lòng cũng bắt đầu nảy sinh những ý nghĩ rất hoang đường mà tôi không sao nói ra miệng được, tôi nghĩ rằng: Tôi muốn mang thai đứa con của thầy chủ nhiệm. Ý nghĩ kỳ quái này khiến cho chính tôi cũng cảm thấy rất kinh ngạc, tôi cũng biết đây là một chuyện không bao giờ có thể xảy ra, tất cả chỉ là suy nghĩ vớ vẩn của tôi mà thôi. Nhưng cứ mỗi khi ở bên cạnh thầy giáo, cái ý nghĩ kỳ quặc kia lại hiện ra, làm cho tôi cảm thấy vô cùng khó chịu.
Những suy nghĩ hoang đường, cộng thêm với bệnh đố kị đã làm cho kết quả thi thử của tôi sa sút thảm hại. Bực mình hơn nữa là tôi vẫn không thể thay đổi được những tật xấu này ngay kể cả trong một tháng nước rút chuẩn bị thi tốt nghiệp. Tôi suốt ngày mơ màng, thậm chí còn cãi nhau với bạn học; lý do cũng chỉ vì tôi đã đi dò hỏi kết quả thi thử của bạn ấy, bạn ấy biết được, nghĩ rằng tôi xem thường bạn ấy. Thực ra chỉ bởi tôi sợ bạn ấy sẽ thi tốt hơn mình. Thế là chúng tôi cãi nhau ầm ĩ. Cứ thế, kết quả thi tốt nghiệp của tôi rất thảm hại. Tôi cảm thấy vô cùng hối hận, vô cùng xấu hổ và có lỗi với bố mẹ. Tôi là một kẻ có tội!
Suốt kỳ nghỉ hè, tôi đều cố gắng suy nghĩ làm sao để sửa được những thói xấu này, thế nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ ra một giải pháp nào cả. Sau khi quyết định học lại lớp chín, tôi hứa với bản thân mình rằng nhất định phải trân trọng cơ hội học tập này, để thi lên cấp ba. Nào ngờ, lòng đố kị lại một lần nữa xâm chiếm trái tim tôi. Lớp tôi có rất nhiều bạn ở quê lên học; họ đều học tập vô cùng chăm chỉ, thành tích cực kỳ xuất sắc. Có một bạn nữ trong lớp, vốn học tiếng Anh kém, nhưng rất chịu khó hỏi cô giáo, thế nên kết quả học tập ngày càng khá lên. Tôi rất ghen tị với bạn ấy; cứ nhìn thấy bạn ấy bám lấy cô giáo, hỏi hết cái này đến cái kia là tôi lại cảm thấy vô cùng khó chịu. Một bạn nữ khác, kết quả học tập cao nhất trong lớp tôi, mọi người đều rất ngưỡng mộ bạn ấy, nhưng tôi lại muốn cạnh tranh và vượt qua bạn ấy. Đầu óc tôi lúc nào cũng bận bịu soi mói người khác, thì làm sao tập trung nghe thầy cô giảng bài được. Mỗi lần về nhà, tôi thường nghĩ: Giờ này bạn ấy đang làm gì nhỉ? Có phải đang học bài không? Tôi tự mắng mình là “Đồ thần kinh”, nhưng không sao sửa được cách nghĩ và tật xấu của mình.
Nghiêm trọng hơn, cái ý nghĩ hoang đường “mang thai một đứa bé nào đó” vẫn cứ lởn vởn trong đầu tôi. Dạy lớp chúng tôi phần lớn là các thầy giáo. Cứ mỗi lần học giờ của các thầy là tôi lại có cái suy nghĩ này. Kết quả là tôi hoàn toàn không hiểu thầy giáo đang giảng cái gì. Hơn nữa, vì bố tôi quen thân các thầy, thầy giáo Ngữ văn trong lớp này cũng rất quan tâm đến tôi, thường xuyên hỏi han tôi, khiến cho tôi lại có suy nghĩ: “Mang thai đứa con của thầy Ngữ văn”. Tôi dường như còn mơ hồ nhìn thấy thầy Ngữ văn nắm tay tôi. Do một loạt những suy nghĩ kỳ quái này mà cứ đến tiết Ngữ văn là tôi lại giấu tay trong túi áo, không dám thò tay ra ngoài nữa, thậm chí cũng không dám cầm bút lên để ghi bài. Tôi hận không thể chặt tay mình đi được. Tôi còn cảm thấy hình như thầy giáo Ngữ văn đã nhìn thấu ý nghĩ này của tôi, thế nên trong khi giảng bài, thầy thường nhìn về chỗ tôi ngồi. Cả thầy giáo dạy hóa, thầy dạy chính trị, thầy dạy lịch sử... Các thầy hình như đều đã biết được cái suy nghĩ này của tôi, nên các thầy đều thích nhìn tôi, khiến cho tim tôi cứ như muốn nhảy ra ngoài.
Cô giáo chủ nhiệm lớp tôi ra quy định, trong học kỳ này, nếu như qua bốn lần kiểm tra mà không có lần nào tổng điểm vượt qua năm trăm điểm thì học kỳ sau sẽ phải nộp nhiều tiền hơn hoặc nghỉ học. Thậm chí cô giáo còn nói, cho dù bạn có nhiều tiền đi chăng nữa cũng chưa chắc đã cho bạn học tiếp. Tôi rất lo lắng, ba lần kiểm tra trước tổng điểm của tôi đều không vượt qua năm trăm điểm. Chỉ còn hai tuần nữa là đến lần kiểm tra thứ tư rồi (đây cũng chính là lần thi cuối học kỳ), nếu như lần kiểm tra cuối này mà tổng điểm của tôi vẫn không vượt qua ngưỡng năm trăm điểm thì tôi biết ăn nói ra sao với bố mẹ mình đây?
Tôi là một đứa con gái có hoài bão; khi còn nhỏ, tôi thích xem sách về lịch sử, địa lý; tôi thầm mong có thể một lần đến thăm thú Tân Cương, Nội Mông Cổ, Tây Tạng... Thế nhưng tôi đâu ngờ, từ khi lên lớp tám, tôi lại mắc phải “căn bệnh” tâm lý đáng sợ này. Tôi dần dần không còn tin rằng mình có thể thực hiện được những ước mơ ấy nữa. Tôi mông lung không biết phải làm sao để biến những mơ ước đó thành sự thật.
Nói đến các thiếu nữ, người ta thường nghĩ ngay đến sự hiền hòa, thuần khiết, dịu dàng, vui tươi... Nếu như nói rằng, thế giới của các thiếu nữ như một mặt biển xanh biếc thì rõ ràng họ chỉ nhìn thấy mặt bình lặng của bãi biển mà quên đi rằng mặt biển phẳng lặng kia cũng có lúc cuộn lên những con sóng lớn. Thực ra, những cô bé bước vào tuổi dậy thì đều phải trải qua một quá trình đau khổ về mặt tinh thần; trong tâm hồn các em thường có những biến đổi khó ai ngờ được; mà những sự biến đổi này bản thân các em lại không sao kiềm chế nổi.
Trước hết, tuổi dậy thì mang lại cho bạn sự thức tỉnh trong ý thức về bản thân, khiến cho các cô bé vô cùng coi trọng hình tượng của mình. Sợ bị người khác vượt qua chẳng qua cũng xuất phát từ tâm lý quá trân trọng và thương yêu bản thân mình. Đố kị là một hiện tượng cực kỳ phổ biến trong thế giới tâm hồn của các em. Những người mắc phải “căn bệnh” đố kị quá nghiêm trọng thường đi vào con đường tự hủy hoại bản thân do không sao loại bỏ được tâm lý bệnh tật này. Bệnh đố kị của Tiểu Yến chủ yếu là trong vấn đề học tập; nếu như điều chỉnh lại một chút thì loại tâm lý đố kị này sẽ trở thành động lực cạnh tranh. “Nhìn thấy người khác giỏi hơn mình, tôi lập tức muốn lôi người đó lại phía sau!”, đây chính là một sự đố kị tiêu cực, cực kỳ không có lợi cho bản thân. “Nhìn thấy người khác giỏi hơn mình, tôi lập tức muốn vượt lên giỏi hơn người đó!”, đây mới chính là một ý thức cạnh tranh tích cực, có thể tạo ra động lực rất lớn khiến cho bản thân bạn tiến bộ lên. Chính vì thế, tôi cảm giác căn bệnh đố kị của Tiểu Yến không phải nằm ở vấn đề tâm lý mà là ở vấn đề ý thức.
Các bạn gái bước vào tuổi dậy thì còn xảy ra sự thức tỉnh về giới tính; lúc này, phần lớn các bạn đã hiểu sơ qua về người khác phái; tuy nhiên, những hiểu biết này không hoàn thiện, lại thêm việc ngại ngần không dám hỏi hay đề cập đến vấn đề giới tính nên giới tính đã trở thành một vấn đề thần bí, khiến cho các em cảm thấy sợ hãi và phiền toái. Cách nghĩ của Tiểu Yến nghe có vẻ hoang đường, thậm chí bản thân cô bé còn cảm thấy mình thiếu đứng đắn; nhưng thực ra, đây chỉ là một mơ mộng hết sức bình thường về giới tính trong tuổi dậy thì mà thôi. Quá trình này thường tiếp diễn trong một khoảng thời gian thường không quá dài; vì thế đề nghị bạn Tiểu Yến không nên quá bận tâm mà hãy quên nó đi. Ngoài ra, bạn nên tìm đọc một vài cuốn sách về tâm sinh lý tuổi dậy thì; những cuốn sách này sẽ giúp bạn khắc phục tâm lý buồn phiền và bế tắc hiện nay.
Cũng may là tình cảm mà Tiểu Yến dành cho thầy giáo mới chỉ ở giai đoạn nảy mầm, vì thế bạn nên lập tức ngăn chặn nó lại. Cuộc sống của một học sinh lớp chín là một cuộc sống có phần khô khan, căng thẳng nhưng cũng phảng phất đôi chút hưng phấn; mục tiêu thi hết cấp khiến cho cuộc sống của bạn lúc này trở nên tươi sáng và đơn giản hơn; những mơ hồ về tình cảm, những buồn phiền trong tim, những mơ mộng hão huyền sẽ bị cuộc sống căng thẳng và có quy luật này loại bỏ. Còn về tương lai, hãy cứ để cuộc sống dần dần trả lời.