04. Tàn tật về cơ thể và tàn tật trong tâm hồn
Tàn tật về cơ thể và tàn tật trong tâm hồn
Quản Ức, nữ, 14 tuổi, học sinh cấp hai
Tôi có một gia đình rất hòa thuận và ấm áp, bố mẹ hết mực yêu thương tôi; thành tích học tập của tôi trong lớp cũng rất xuất sắc, thầy cô giáo rất yêu quý tôi; tôi và các bạn trong lớp chơi với nhau rất hòa đồng, nhưng tôi vẫn không cảm thấy vui vẻ.
Tôi không vui, vì tôi là một cô bé tàn tật. Chân phải của tôi hơi ngắn so với chân trái. Cho dù tôi có mặc một chiếc váy thật đẹp thì đi giữa các bạn, tôi vẫn chỉ là một con vịt xấu xí, không ngừng bị những người trên đường dòm ngó và bình luận: “Nhìn kìa, cô bé kia xinh xắn thế mà lại bị què!”. Tôi rất ghét người ta dùng cái giọng điệu đó để bình luận về tôi. Nhưng mỗi khi gặp phải tình cảnh này, tôi đành phải vờ như không nghe thấy, cắm đầu đi thẳng như không hay biết gì. Chỉ đến khi về nhà, tôi mới nổi cáu. Mẹ thường cảm thấy có lỗi với tôi, dường như sự tàn tật của tôi là lỗi của mẹ. Thế nên cho dù tôi có ngang bướng và hỗn láo thế nào đi chăng nữa, mẹ cũng không hề trách mắng, mà chỉ nhẹ nhàng an ủi.
Một hôm, đến phiên tôi trực nhật, có mấy bạn trong giờ truy bài không chịu ôn bài mà cứ ngồi gấp máy bay giấy chơi, tôi liền bảo họ đừng nghịch nữa. Họ không những không nghe mà còn cười hi hi, thế là tôi liền ghi tên bọn họ vào sổ trực nhật. Lúc tan học, các bạn ấy lật sổ trực nhật ra xem rồi tức tối nói: “Có gì mà ghê gớm chứ, chẳng qua cũng chỉ là một con què mà thôi!”. Nghe xong những lời ấy, tôi ấm ức đến bật khóc. Cuối cùng lớp trưởng lớp tôi bèn ra tay can thiệp; bạn ấy mắng mấy người bạn kia, rồi còn bắt họ ra xin lỗi tôi. Mấy người bạn ấy liền đến trước mặt tôi xin lỗi, nhưng tôi vẫn không nói gì, chỉ khóc thôi. Tôi thật sự rất đau lòng, chân của tôi có tật là do lỗi của tôi chắc? Họ dựa vào đâu mà dám sỉ nhục tôi như vậy?
Có một thời gian, mỗi khi tôi đi ngang qua một cổng trường tiểu học, thường có mấy đứa trẻ nghịch ngợm chạy theo tôi rồi hò hét om sòm: “Mặt đất không bằng phẳng!”, khiến cho tôi giật nảy mình, về sau không dám đi qua con đường ấy nữa. Tôi lớn ngần này rồi mà còn bị mấy tên nhóc con châm chọc, trái tim tôi cảm thấy vô cùng đau khổ, nhưng cũng không dám nói chuyện này với ai, chỉ âm thầm chịu đựng.
Tôi vô cùng ngưỡng mộ những người có chân tay lành lặn; rất nhiều lần tôi nằm mơ mình gặp được một vị bác sĩ giỏi, có thể biến tôi thành một người lành lặn như bao người bình thường khác. Nhưng cứ mỗi khi tỉnh dậy, tâm trạng tôi lại bị bao trùm bởi một cảm giác vô cùng đau đớn.
Người ta thường không để ý đến những chuyện nhỏ nhặt xảy ra thường ngày, nhưng những chuyện nhỏ nhặt ấy lại có thể làm tôi bị tổn thương. Có lần, tôi nhìn thấy các bạn nữ đang chơi nhảy lò cò ở trên hành lang. Tôi đã nghĩ rất lâu, cảm thấy mình có thể chơi được trò chơi đơn giản này, liền hào hứng xin chơi cùng. Nào ngờ họ nhìn tôi ái ngại nói: “Bạn chơi làm sao được? Chân của bạn...”. Họ nói với tôi bằng những câu nói rất khéo, nhưng sao tôi vẫn cảm thấy như có hàng ngàn hàng vạn mũi tên xuyên vào trái tim mình, tôi không nói gì, đành lẳng lặng bỏ đi.
Tôi cũng thích nhảy múa như các bạn nữ khác. Ở nhà, tôi thường soi gương và nhảy múa, nhưng ở ngoài, tôi không bao giờ dám để lộ sở thích của mình. Mỗi khi có hội diễn văn nghệ, nhìn thấy những bạn nữ khác nhảy múa trên sân khấu, tôi lại cảm thấy vô cùng tự ti. Tôi nghĩ, nếu chẳng may có người biết tôi thích nhảy múa, họ sẽ cười nhạo tôi mất. Tôi được miễn học môn Thể dục. Mỗi khi đến giờ Thể dục, tôi lại ngồi đọc sách một mình trong căn phòng trống; những tiếng cười đùa vọng lại từ ngoài sân trường khiến cho tôi càng cảm thấy buồn bã và cô đơn hơn. Sau tiết Thể dục, ai nấy mồ hôi đầm đìa, thở phì phì chạy vào lớp học; có lần có bạn còn nói: “Thật ghen với bạn đấy, được ngồi mát mẻ ở trong này!”. Tôi cố làm ra vẻ đắc chí. Kỳ thực, trong lòng tôi đang ghen tị với họ!
Một lần tình cờ, có một bạn nam quan tâm đến tôi. Tôi biết bạn nam đó chẳng có ý gì cả, nhưng tôi thì lại có. Bởi vì tôi đã sớm có cảm tình với bạn ấy, nhưng tôi không dám nói ra suy nghĩ đó. Tôi biết trong mắt bạn ấy, tôi chỉ là một người bạn đáng thương thôi, bạn ấy không thể có ý nghĩ gì khác với tôi đâu. Nếu để cho bạn ấy biết được suy nghĩ này của tôi, không những làm cho bạn ấy thêm phiền não (thậm chí có thể còn ghét tôi hơn) mà còn có thể gây ra những chuyện gì nữa đây? Tôi vẫn có cảm giác mất thăng bằng, thực ra tôi cũng chán ngấy bản thân mình, tại sao lại như vậy cơ chứ? Bạn ấy với bạn Hà là thành viên của hội học sinh trong trường, thế nên rất hay đi cùng nhau. Vì thế mà Hà trở thành cái gai trong mắt tôi. Tôi thấy nhất cử nhất động của Hà đều rất chướng mắt, thậm chí bạn ấy mặc một chiếc váy mới cũng khiến cho tôi cảm thấy khó chịu. Tôi nói xấu bạn ấy với người khác: “Nhìn kìa, cái Hà mặc cái váy liền thân đó, trông chân nó to khiếp. Thế mà còn tưởng là mình mặc đẹp lắm chứ!”. Có người đồng tình đáp: “Thật đấy” khiến cho tôi vui lắm; còn nếu có người phản đối nói: “Đâu, tớ thấy bạn ấy mặc đẹp mà!” là tôi lập tức quay đi, không thèm đếm xỉa đến bạn ấy nữa. Thực ra nghĩ kĩ lại, tôi thấy mình thật xấu xa khi nói xấu người khác sau lưng như vậy!
Đáng ghét hơn đó là Hà lúc nào cũng làm như không có chuyện gì xảy ra, ngày ngày vui vẻ nói cười, diện toàn những bộ quần áo mới (nói thật lòng thì những bộ quần áo đó rất đẹp), đi đi lại lại ở trong lớp học. Trong giờ thí nghiệm hóa học, bạn ấy còn giả bộ vờ vịt đứng vào bên cạnh người con trai của lòng tôi nữa, còn thảo luận này nọ với cậu ấy về thí nghiệm của thầy giáo nữa. Tôi cứ như người mẹ kế độc ác trong truyện Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, chỉ muốn cầm cả lọ axit hắt vào mặt Hà. Mặc dù đó chỉ là những suy nghĩ vụt qua trong đầu, nhưng tôi vẫn cảm thấy giật mình trước những suy nghĩ độc ác đó của mình.
Tôi không hề cảm thấy vui vẻ, chỉ vì cái chân của mình! Tôi nghĩ, một ngày nào đó, y học phát triển sẽ có thể biến tôi thành một đứa con gái lành lặn. Lúc đó có lẽ tôi mới hoàn toàn thoát khỏi những ám ảnh trong đầu!
Tôi đột nhiên nhớ ra một bộ phim tôi đã xem hồi còn nhỏ, hình như là miêu tả về thế giới của một cô gái tàn tật. Cô gái ấy phải chống nạng ở nhà vẽ tranh; cô ấy có mái tóc dài thẳng mượt, mặc một bộ quần áo hoa trông vừa giản dị vừa xinh đẹp. Đương nhiên, diễn viên đóng vai đó cũng là một người rất xinh đẹp. Mặc dù vậy, điều làm trái tim nhỏ bé của tôi lúc ấy cảm động chính là thái độ và tinh thần của người con gái ấy, một thái độ hết sức lạc quan, vui vẻ! Tinh thần lạc quan và thái độ yêu đời của một người đi lại phải chống nạng đã khiến cho người xem phải cảm động. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn có thể nhớ như in hình ảnh đẹp đẽ và kiên cường ấy!
Tôi muốn nói với Quản Ức rằng: Thân thể bị tàn tật đương nhiên là một bất hạnh, nhưng nếu như bị tàn tật trong tâm hồn thì còn đáng sợ hơn nhiều. Có một số người dưới sự tác động của cuộc sống đã trở nên tự ti, đa nghi, bủn xỉn... Những người như vậy mới chính là những người “tàn tật” đúng nghĩa. Ngược lại, những người bị tàn tật nhưng biết trân trọng cuộc sống, biết thay đổi mình, khoan dung với mọi người xung quanh... Họ mới chính là những người “lành lặn”. Tôi tin rằng, những người như vậy vẫn là một con người lành lặn, xinh đẹp, đáng yêu và đáng kính trong con mắt mọi người xung quanh!