03. Cô bé căm ghét cơ thể mình

Cô bé căm ghét cơ thể mình

DL, nữ, 16 tuổi, học sinh cấp ba

Tôi là đứa con gái đáng thương nhất trên đời này. Tôi thường trách ông trời sao lại tàn nhẫn và bất công với mình như vậy. Tôi biết tôi làm vậy là vô lý, nhưng tôi chỉ biết oán hận ông trời mà thôi!

Tôi vốn là một cô bé ngây thơ, hoạt bát; các bạn cùng lớp đều thích chơi đùa cùng tôi, thậm chí còn đặt cho tôi cái biệt hiệu là “cô bé hay cười”, bởi vì tôi rất thích cười đùa, cả ngày lúc nào cũng vui vẻ, vô lo vô nghĩ. Nhưng giờ thì tôi đã hoàn toàn thay đổi. Tôi không còn vui vẻ, hoạt bát như trước nữa mà biến thành một khúc gỗ, quan hệ với các bạn học cùng lớp ngày càng trở nên căng thẳng. Tất cả những chuyện này đều là do việc tôi bị hôi miệng gây ra.

Đại khái là vào kỳ nghỉ hè năm tôi học lớp tám, hai mẹ con tôi về nhà dì út chơi. Hôm đó, chúng tôi không về nhà mà ở lại nhà dì út. Tối hôm đó, tôi cùng em họ ngồi cắn hạt dưa và ăn vài viên kẹo cao su vị cà phê; trước khi đi ngủ tôi lại ăn thêm một quả táo nữa, nhưng sau đó tôi không chịu súc miệng (trước đây tôi không có thói quen súc miệng, nhưng bây giờ thì khác rồi). Đêm hôm ấy, tôi tỉnh dậy mấy lần liền, thấy trong miệng có rất nhiều nước bọt khiến cho tôi vô cùng khó chịu, nước bọt còn chảy cả ra mép khi tôi đang ngủ nữa. Lúc đó mặc dù cảm thấy có chút vấn đề, nhưng nửa đêm nửa hôm, tôi không muốn ngồi dậy vì sợ sẽ làm mọi người tỉnh giấc, thế là liền nhổ nước bọt ra rồi nằm ngủ tiếp.

Tối hôm sau, lúc nằm ngủ ở nhà, nửa đêm tôi lại tỉnh giấc, bởi vì tôi cảm thấy miệng mình rất khó chịu. Thế là sáng sớm hôm sau, tôi lập tức đi đánh răng, đánh răng xong thì thấy dễ chịu hơn nhiều. Về sau, mỗi khi tỉnh ngủ là tôi lại thấy miệng mình khó chịu, tôi lại lập tức đi đánh răng, đánh răng xong thì mọi thứ lại trở lại bình thường.

Năm lớp chín, lúc lớp tôi phân ban, cô giáo chủ nhiệm xếp tôi ngồi với bạn Vu Thời. Vừa ngồi xuống tôi đã ngửi thấy trên người Vu Thời có một mùi gì đó rất khó chịu. Tôi cảm thấy không thoải mái lắm, rất muốn dùng tay bịt chặt mũi mình lại. Nhưng tôi đã không làm như vậy, và sau này cũng vẫn không làm như vậy; bởi tôi biết nếu tôi làm như vậy, Vu Thời sẽ rất xấu hổ. Tôi chưa từng nói xấu bạn ấy với người khác, nói xấu là một hành động chẳng tốt đẹp gì.

Nhưng bạn nam tên là Giang Dương ngồi trước chúng tôi thường xuyên sỉ nhục Vu Thời, chỉ vì Vu Thời có vẻ hơi đen và mập. Giang Dương thường xuyên gọi Vu Thời là “oxit sắt từ” hoặc nói những điều rất xúc phạm; không những vậy, Giang Dương còn thường xuyên nói Vu Thời bị hôi miệng. Ngay cả tôi cũng thấy khó chịu với hành động đó, nên liền mắng cậu ta là đồ quá đáng; cậu ta bảo tôi là không nên bênh Vu Thời như vậy, thậm chí còn nói rất nhiều điều khó nghe hơn. Lúc đó, tôi lườm cậu ta một cái. Tôi hoàn toàn không ngờ rằng mình cũng trở thành một Vu Thời thứ hai. Chỉ có điều tôi nghi ngờ không biết có phải lúc đó Giang Dương chế giễu Vu Thời nhưng thực chất là đang chế giễu tôi hay không? Mặc dù nhìn điệu bộ của cậu ta lúc ấy thì có vẻ như không phải vậy. Lúc đó, tôi cảm thấy miệng của Vu Thời cũng không đến nỗi hôi lắm, chỉ thỉnh thoảng tôi mới ngửi thấy hơi hơi có mùi; so với tôi hiện giờ, Vu Thời vẫn chưa là gì.

Một thời gian sau, tôi thấy nước bọt trong miệng tôi rất nhiều; trước đây tôi cũng thấy có hiện tượng này, nhưng nửa đêm hoặc sáng dậy đánh răng xong là hết. Thế nhưng bây giờ thì sao? Tôi sợ nếu cứ liên tục nhổ bọt như vậy sẽ bị các bạn nói này nói nọ, thế nên tôi không dám nhổ nước bọt nữa. Nhưng càng không nhổ thì tôi lại càng cảm thấy khó chịu, nước bọt trong miệng càng nhiều, thậm chí chính tôi còn cảm thấy có mùi khó chịu. Có lúc thật sự không thể chịu nổi nữa, tôi đành nhổ ra đất, phát ra tiếng kêu không hay ho gì, làm tôi cảm thấy rất xấu hổ. Dần dần, tôi cố gắng nuốt nước bọt vào bụng, nhưng điều đó quả thật quá khó khăn! Nước bọt quả thực đã trở thành khắc tinh của tôi, cho dù tôi cố gắng thế nào cũng không thể khắc phục được hiện tượng này.

Khoảng hai, ba tháng sau, tôi không ngồi cùng Vu Thời nữa. Và một bất hạnh đã giáng xuống đầu tôi. Lần này mũi tôi không hiểu sao lại mọc lên một vết loét. Thực ra năm học lớp ba tôi đã từng bị như vậy rồi. Còn nhớ lúc đó bố tôi dẫn tôi đến phòng khám của một người bạn của bố để khám bệnh. Bác sĩ nhìn tôi rồi nói: “Cô bé, tại sao mũi lại bị như vậy? Nhìn này, còn có mùi hôi nữa, nếu không chữa trị kịp thời thì sẽ bị bệnh mũi thối đấy nhé!”. Lúc đó tôi nghĩ rằng bác sĩ nói đùa thôi, bây giờ nghĩ lại, không ngờ đó lại là sự thật. Bác sĩ kê cho tôi ít thuốc, một ngày bôi vài lần, chẳng mấy chốc đã khỏi. Nào ngờ bây giờ tôi lại bị vết loét này, thế nhưng bác sĩ Hoàng đó đã không còn ở đây nữa rồi; cộng thêm với việc học hành căng thẳng, sáng sáu giờ mười lăm phải dậy sớm học bài, tối phải làm bài tập đến mười một giờ khuya, ngày nghỉ cuối tuần cũng phải học bù, thêm vào đó là một đống bài tập phải làm, chưa nói ngày nào cũng phải tắm gội, thế nên tôi hoàn toàn không có thời gian mà đi khám bệnh nữa. Cứ thế tôi kéo dài thời gian, vốn mong để nó tự khỏi. Nào ngờ hai tháng sau, không những vết loét không khỏi được mà còn bị nặng hơn. Suốt một thời gian dài như vậy, cái mũi của tôi có vẻ “đỡ hơn” chút, nhưng lại để lại “di chứng”. Những lúc tôi ngứa tay gãi là y như rằng nó lại chảy máu; tồi tệ hơn là cho dù tôi không mở miệng nói chuyện thì mùi khó chịu trong miệng tôi cũng bay ra ngoài từ đằng mũi.

Đến năm lớp chín, để thay đổi mùi khó chịu trong miệng, tôi liền nảy ra một ý, đó là ăn thật nhiều hạt dưa. Một năm trở lại đây, tôi ăn không ít hạt dưa nhưng tình trạng hôi miệng vẫn không hề thay đổi, ngược lại còn càng nghiêm trọng hơn. Cái mùi đó thật sự rất khó chịu, cứ như mùi trong nhà vệ sinh vậy. Có khi vào nhà vệ sinh, các phân tử khí hôi thối cứ như xông thẳng vào mũi của tôi; khiến cho mỗi khi ra khỏi nhà vệ sinh, phần gần cuống họng của tôi như càng chứa nhiều phân tử khí hôi thối hơn. Cho dù bây giờ tôi có súc miệng thường xuyên cũng không có tác dụng nữa rồi.

Tôi thật sự không sao chịu nổi, tôi từng vì chuyện này mà khóc lóc rất nhiều. Không ít lần tôi nghĩ đến cái chết, bởi vì tôi cảm thấy cuộc sống như thế này quá vô nghĩa, ngay cả “nhân cách” và sự tự tôn của mình cũng không có, vậy thì sống có ý nghĩa gì cơ chứ? Tôi nghĩ chết đi là sự giải thoát tốt nhất cho bản thân và cho cả những người xung quanh nữa. Đã có lần tôi thử tự sát, nhưng lần đó đã xảy ra chuyện bất ngờ, tôi tự vẫn không thành, và chuyện này chỉ có mình tôi biết mà thôi.

Tôi rất muốn biết, bệnh của mình có thể chữa khỏi được không? Nếu chữa khỏi được thì thật tốt biết mấy!

Còn một chuyện này nữa, dạo này tôi thường xuyên xì hơi, xì hơi xong còn có mùi rất kỳ quặc, rất khó ngửi. Vì thế tôi thường cảm thấy rất xấu hổ, rất căm ghét bản thân mình!

Nỗi phiền muộn của DL khiến cho tôi nhớ lại bản thân mình khi là thiếu nữ. Lúc đó, không hiểu tôi nghĩ gì mà lại cho rằng mình đã mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo, ngày ngày chăm chú quan sát sự biến đổi của bản thân để đoán xem mình đã mắc căn bệnh gì. Tôi cũng giống như DL, không dám nói với người lớn những nghi ngờ trong lòng, sợ sẽ bị cười nhạo, vì thế mà cả ngày chỉ sống trong sự lo lắng và phiền muộn. Rồi mọi thứ tự ra đi lúc nào tôi cũng không biết. Kiểu tâm lý này nghe thì có vẻ buồn cười, nhưng thực ra, sự sợ hãi và lo lắng trong tâm hồn của người trong cuộc lại khiến cho người khác không thể cười nổi!

Tôi cho rằng, sự thiếu hiểu biết về mặt y học và sự thay đổi tâm lý trong tuổi dậy thì chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này. Những gì chúng ta được học ở trong trường lớp thường là những phương trình phản ứng hóa học, thầy cô giáo rất ít khi nói cho chúng ta biết những kiến thức về các bộ phận trên cơ thể người, lại càng không bao giờ đề cập đến các kiến thức y học. Hơn nữa, tôi cũng biết các thầy cô giáo cũng không dạy cho chúng ta biết phải tìm tài liệu có liên quan ở đâu, làm thế nào để có được những kiến thức cần thiết này. Thực ra, DL chỉ cần tìm hiểu một số kiến thức y học thường thức về bệnh hôi miệng và cách đề phòng căn bệnh này chứ không cần phải cảm thấy đau khổ đến như vậy. Ngoài ra, thiếu nữ tuổi dậy thì thường khó tránh khỏi có đôi chút tâm lý “yêu bản thân”, thường quan tâm và chú ý nhiều hơn đến cơ thể mình, thích suy đoán các ý nghĩ của người khác về mình. Nếu như tâm lý này trở nên quá nghiêm trọng, sẽ trở thành vấn đề có liên quan đến thần kinh như DL. Thay vì nói cơ thể của DL có bệnh thì nên nói tâm lý của cô bé có vấn đề thì sẽ đúng hơn. Vì thế trước tiên, DL nên loại bỏ những suy đoán vô căn cứ của mình ra khỏi đầu, phải tin tưởng vào y học, đồng thời nhờ đến sự giúp đỡ của y học. Các bác sĩ sẽ nói cho bạn biết căn bệnh của bạn là gì, nên làm thế nào...Chẳng bao lâu sau, bạn sẽ trở lại là một người bình thường như bao bạn khác. Thực ra, chuyện này quả thực rất đơn giản!