06. Cạnh tranh lành mạnh

Cạnh tranh lành mạnh

Tiểu Lỗi, nữ, 14 tuổi, học sinh cấp hai

Tôi là một học sinh cấp hai, năm nay tôi mười bốn tuổi. Nghe nói, độ tuổi của chúng tôi hiện giờ đang là giai đoạn mà con người cảm thấy thoải mái và vô tư nhất. Thế nhưng tôi cảm thấy tâm hồn của những học sinh cấp hai chúng tôi đã bị sự cạnh tranh tàn khốc đâm thủng hàng nghìn lỗ; cuộc sống của chúng tôi chất đầy những âm mưu và sự dối trá khiến cho ngay cả những người lớn cũng phải cảm thấy kinh ngạc.

Trường chúng tôi có phân thành lớp chuyên và lớp thường, thậm chí năm nào cũng tiến hành thi chọn lớp. Nếu như thành tích của bạn chỉ được xếp vào lớp thường, đấy quả thật là một chuyện cực kỳ đáng sợ. Bố mẹ bạn sẽ cả ngày nhăn nhó vì chuyện này, không khí trong nhà lúc nào cũng như bị bao trùm bởi khói thuốc súng. Hơn nữa, cái cảm giác bị ngồi trong lớp thường chẳng khác gì ngồi chờ chết. Các lớp thường, do giáo viên trình độ bình thường dạy, kỷ luật vô cùng tồi tệ, vào học mà học sinh đánh bài, nói chuyện đủ cả. Hơi một tí là các thầy cô giáo lại “có việc” không lên lớp được, giờ học trở thành giờ tự học. Nhà trường cũng chẳng hề quản lý, ai bảo anh phải học ở lớp thường cơ chứ!

Nếu như bạn được học ở lớp chuyên, cha mẹ bạn vô cùng hãnh diện và vui sướng; niềm vui sướng ấy khiến cho bạn phải nghi ngờ rằng không biết có phải bố mẹ của những người học lớp chuyên đã được nhà trường tặng cho một khoản tiền thưởng nào hay không nữa. Giáo viên dạy lớp chuyên đều là các giáo viên giỏi nhất của trường; giáo trình không phải là các loại giáo trình tầm thường, bài tập giao về nhà cũng không ít. Các thầy cô giáo chủ nhiệm các lớp chuyên thường xuyên đốc thúc chúng tôi học hành. Chúng tôi thật sự cảm kích trước thái độ làm việc vô tư và nhiệt tình của các thầy cô. Nhưng có người nói, cứ mỗi một học sinh thi đỗ vào trường chuyên cấp ba thì giáo viên chủ nhiệm sẽ được nhà trường thưởng cho một món tiền. Ôi, hóa ra động lực cũng là vì tiền cả thôi. Đương nhiên không phải thầy cô giáo nào cũng thế, cũng có giáo viên thực sự là vì trân trọng các học sinh giỏi nên mới làm như vậy.

Tôi là một học sinh trong lớp chuyên; các thầy cô giáo và bố mẹ liên tục nhắc nhở bên tai tôi là: “Cạnh tranh là vô tình, mạnh thắng yếu thua là quy luật của tự nhiên. Nếu như năm nay em (con) có tư tưởng rã đám, vậy thì năm sau qua lớp thường mà học!”. Thế là hằng ngày, kể cả khi học bài cho đến khi đi ngủ, trong đầu tôi lúc nào cũng vang lên tiếng nhắc nhở: “Chú ý đừng có để tụt lại phía sau đội hình!”.

Lớp chuyên mỗi lần kiểm tra đều có xếp thứ hạng, cô giáo thường xuyên công bố danh sách mười người đứng đầu lớp. Nhưng như chúng tôi vẫn còn là may mắn chán, mấy khóa trước, điểm số và xếp thứ mỗi lần thi đều được dán lên bảng thông báo, không chỉ khiến cho bản thân cảm thấy xấu hổ mà còn mất mặt trước bạn bè nữa. Nhưng chỗ ngồi của chúng tôi bây giờ lại thường xuyên thay đổi; nếu lần này bạn làm bài kiểm tra tốt, thầy cô sẽ xếp bạn lên ngồi những hàng ghế đầu; những người bị xếp ngồi cuối chắc chắn là những người đội sổ. Vì vậy, để duy trì được chỗ đứng trong tập thể, mỗi người trong chúng tôi đều phải giở hết các tuyệt chiêu của mình ra.

Thảo luận về các câu hỏi, bài tập là điều đương nhiên, nhưng nếu trong quá trình bàn luận, có ai đó tìm ra được đáp án rồi thì người đó cũng không nói ra đâu; bạn ấy sẽ cố ý làm ra vẻ đang suy nghĩ và nói: “Để tớ về nghĩ thêm đã!”. Nếu như giờ nghỉ giải lao, trong khi mọi người đang chơi đùa vui vẻ mà bạn lại ngồi làm bài tập, không chịu hòa nhập vào đám đông thì chắc chắn bạn sẽ trở thành nhân vật gây chướng mắt cho những người khác, chắc chắn bạn sẽ bị bao vây và công kích, đại loại như: “Oa, chăm chỉ quá nhỉ? Tối qua thức đến mấy giờ đêm thế? Mười hai giờ đêm hay là hai giờ sáng thế?”. Lúc đó, chắc chắn bạn sẽ phải vội vàng thu dọn sách vở, không ngừng lấp liếm: “Ôi, tối qua mải xem ti vi, chưa làm bài tập!”. Mặc dù biết đó chỉ là để lừa gạt người khác; nhưng ai cũng phải làm như vậy, còn tin hay không thì tùy người nghe thôi!

Nếu như bạn tìm được một cuốn sách tham khảo hay, vậy thì nhớ đừng có để các bạn khác nhìn thấy. Nếu chẳng may bị bạn khác phát hiện, bạn ấy cũng sẽ đi mua một cuốn tương tự, thậm chí còn hỏi mượn bạn thì bạn chắc chắn phải đối mặt với nguy cơ bị “kẻ địch” vượt mặt rồi, và đương nhiên, chỗ ngồi tốt của bạn cũng có nguy cơ bị kẻ khác cướp mất!

Tôi đã từng có lần phạm phải sai lầm chủ quan khinh địch này. Đó là vào một buổi trưa tự học, tôi đang học thuộc lòng mấy công thức vật lý thì bạn Thu Yến cùng lớp chạy đến hỏi tôi một bài tập toán. Thu Yến là con của cô giáo, được đặc cách chuyển đến lớp tôi; Thu Yến hoàn toàn không phải là đối thủ của tôi trong học tập. Thế nên khi nhìn thấy bài toán mà Thu Yến hỏi mình, tôi giật mình kinh ngạc. Đó là một bài toán khó mà tôi vừa phải mất cả tối hôm trước mới giải ra được. Tôi hỏi Thu Yến: “Bài toán này của cậu ở đâu ra thế?”. Tôi nghĩ bài toán khó như vậy không nên để cho Thu Yến làm. Bạn ấy nói bài toán ấy là do bác của bạn ấy từ Bắc Kinh đưa cho. Tôi nghĩ cũng hợp lý, bởi vì bài toán này nằm trong bài thi của một trường nổi tiếng nào đó ở Bắc Kinh. Nhìn thấy ánh mắt cầu xin tội nghiệp của Thu Yến, tôi hơi động lòng, liền giảng giải cho bạn ấy cách làm: “Thực ra cũng đơn giản thôi, quan trọng là bạn phải tìm được một điểm tiếp xúc của nó”. Thu Yến nghe xong liền cảm ơn tôi rối rít và quay về chỗ.

Nào ngờ trong bài kiểm tra toán ngày hôm sau, bài toán này lại chính là bài toán phụ, chiếm hai mươi điểm trong tổng số điểm của bài thi. Lúc cô giáo công bố điểm thi, tôi xếp thứ nhất với 94+20 điểm, Hứa Lai xếp thứ hai với 98+10; cô giáo còn đặc biệt tuyên dương Thu Yến, nói rằng bạn ấy có tiến bộ rất nhiều trong môn toán. Tôi nghĩ đó là điều đương nhiên, bởi vì bạn ấy giành được hẳn hai mươi điểm của bài toán phụ, thành tích khả quan là điều đương nhiên; lần kiểm tra này bạn ấy được xếp vị trí thứ sáu trong cả lớp. Thế nhưng sau khi kiểm tra Ngữ văn xong, cục diện đã hoàn toàn thay đổi. Thu Yến thậm chí còn vượt lên xếp trước tôi. Bởi vì bài văn của tôi viết lạc đề, bị cô giáo trừ khá nhiều điểm. Tôi vô cùng hối hận vì ngày hôm ấy đã “phô diễn” trước mặt Thu Yến. Kể từ đó, tôi rút ra bài học kinh nghiệm là, cho dù là ai hỏi cái gì cũng đều nói là không biết.

Trong lớp tôi không có bạn thân, không có tình cảm bạn bè gần gũi và thân mật, chỉ có cảm giác căng thẳng khi phải đề phòng lẫn nhau. Sống một cuộc sống như vậy quả thật quá mệt mỏi. Mỗi lần nghe bố mẹ kể về những người bạn thân thiết thời còn trẻ của mình (rất nhiều người cho đến giờ vẫn còn đi lại với bố mẹ tôi), tôi rất ngưỡng mộ! Tôi thật sự hy vọng mình có được một tình bạn tuyệt vời như vậy!

Đối với một bạn trẻ, tình bạn là một phần quan trọng trong cuộc sống và cũng là một tài sản vô cùng quý giá của người đó trong suốt cả cuộc đời. Tôi cảm thấy rất lo lắng cho tình trạng hiện tại của Tiểu Lỗi. Cái gì đã chia cắt tình bạn hữu nghị giữa các em học sinh này? Tiểu Lỗi quy kết rằng đó là do sự cạnh tranh khốc liệt trong học tập. Thực ra, một cuộc cạnh tranh đúng nghĩa phải thúc đẩy sự phát triển của tình bạn, giúp cho con người lạc quan tiến về phía trước. Tình trạng lớp Tiểu Lỗi như hiện nay là do phương pháp giáo dục sai lầm của nhà trường và các thầy cô giáo tạo thành. Tôi có thể khẳng định rằng, thầy cô giáo của Tiểu Lỗi đã hoàn toàn thất bại; bởi vì nhà trường trước tiên phải là nơi đào tạo ra con người; trong khi đó, “con người” trong ngôi trường này đã bị làm cho méo mó về mặt tâm hồn do các quy định phân lớp, xếp thứ, xếp chỗ ngồi... Cách giáo dục như vậy rõ ràng là một sự thất bại!

Tiểu Lỗi và các bạn cùng lớp của cô bé nên biết rằng, cạnh tranh trong quy mô một tập thể nhỏ như vậy chẳng có chút ý nghĩa gì cả. Chỉ sau một năm nữa thôi, mọi người sẽ bước vào một đấu trường cạnh tranh khốc liệt hơn; đó mới chính là nơi thích hợp để các em có thể phát huy hết khả năng của mình. Nếu như phạm vi cạnh tranh rộng lớn như vậy, đối thủ cạnh tranh nhiều không đếm xuể như vậy, tại sao học sinh cả lớp không đoàn kết lại, hỗ trợ lẫn nhau, cùng nâng cao trình độ của mình. Đó mới chính là cái mà người ta gọi là “đôi bên cùng có lợi” trong cạnh tranh đấy!