11. Không nỡ chia tay với bạn thân

Không nỡ chia tay với bạn thân

Đơn Ni, nữ, 14 tuổi, học sinh cấp hai

Tôi có một người bạn thân từ hồi tiểu học cho đến tận bây giờ, tên bạn ấy là Văn. Có thể nói là chúng tôi rất có duyên với nhau; ngay từ hồi học tiểu học cho đến nay, chúng tôi luôn là bạn cùng lớp, cùng bàn. Có phải là rất kỳ lạ không? ở nhà Văn rất được cưng chiều, thế nên tính khí hơi nóng nảy, nhưng bạn ấy rất tốt bụng, đối xử với tôi rất tốt. Nếu có người bắt nạt tôi, Văn nhất quyết không tha cho người đó. Chơi cùng với Văn, tôi cảm thấy rất vui, nhưng cũng không ít lần bực mình vì tính khí nóng nảy và thái độ tùy tiện của bạn ấy.

Từ nhỏ, tôi đã được học múa. Tôi có thể múa điệu múa của Tân Cương, múa công... Lên lớp một, trong trường có buổi biểu diễn lớn nhỏ gì cô giáo cũng đều bảo tôi lên biểu diễn trên sân khấu. Văn thường quấn lấy tôi, đòi tôi phải dạy bạn ấy múa vì Văn muốn cả hai đứa cùng múa trên sân khấu. Thế là, trong trường, tôi và Văn đều rất nổi tiếng. Mỗi lần đi lại trong sân trường, thường có bạn nhìn chúng tôi xì xào: “Nhìn kìa, đó là hai người múa ở trên sân khấu đấy!”. Mỗi lần như vậy, Văn lại tỏ ra rất vui, nói cười rất thoải mái. Tôi cảm thấy Văn thật dễ thương.

Nhưng có một lần, vì chuyện nhảy múa này mà Văn giận tôi, mấy ngày liền không thèm đếm xỉa gì đến tôi. Nhà trường tổ chức thi văn nghệ, cô giáo yêu cầu tôi tìm một bạn nam để biểu diễn một tiết mục múa phối hợp nam, nữ. Điều đó có nghĩa là Văn không được tham gia múa lần này, và tôi phải chọn ra một bạn nam trong lớp để biểu diễn cùng tôi. Khi tôi nói với Văn về quyết định của cô giáo, bạn ấy bĩu môi, tỏ vẻ tức giận; tôi cố gắng giải thích với bạn ấy mà không được. Tôi cũng rất bực mình, có phải tôi không cho bạn ấy múa đâu! Thế nên tôi cũng chẳng đếm xỉa gì đến bạn ấy nữa. Tan học, tôi với một bạn nam cùng tập múa. Ngày hôm sau, có bạn nói lại với tôi rằng, hôm qua lúc tan học, Văn vừa đi vừa khóc. Tôi nghe xong, tự trách mình, trong lòng áy náy như chính bản thân mình đã làm cho Văn phải khóc vậy. Tôi nghĩ, chúng tôi chơi thân với nhau bấy lâu nay, đáng lẽ nên biết trân trọng tình bạn tốt đẹp này mới phải. Thế là tôi liền chạy đi tìm cô giáo, xin cô cho Văn và bạn nam kia múa với nhau, còn tôi sẽ phụ trách dạy cho họ. Tôi còn giải thích với cô giáo rằng, tôi bị trẹo chân, lúc múa rất khó khăn. Cô giáo liền đồng ý với đề nghị của tôi. Nhưng Văn không chịu nói chuyện với tôi, lúc vào lớp còn cố quay lưng lại phía tôi. Tôi không còn cách nào khác, đành phải chuyển cho Văn một mẩu giấy: “Văn, đừng giận tớ nữa; cô giáo đã yêu cầu cậu thi múa lần này, tớ sẽ phối hợp với cậu”. Văn đọc xong liền ngại ngùng quay ra cười với tôi, lộ ra hai má lúm đồng tiền xinh xinh. Ôi, đúng là hết cách với Văn!

Về sau, Văn cùng với bạn kia đi thi và giành được giải nhì toàn trường. Các bạn trong lớp bảo nhau rằng, nếu mà là tôi đi thi thì chắc chắn sẽ giành giải nhất. Văn nghe xong, lại tức giận không thèm chơi với tôi nữa. Tôi cũng rất bực mình, liền nói: “Này, những lời nói đó chẳng qua là vì người khác ghen tị với cậu, tại sao phải tức giận? Hơn nữa, cậu cũng không nên giận tớ chứ!”. Nói xong, tôi bèn quay mặt đi không thèm nói chuyện với Văn nữa. Văn thấy thế liền níu lấy vai tôi mà nói: “Người ta thân với cậu nên mới dám giận cậu chứ!”. Câu nói này đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng tôi.

Tôi là một người tình tính hiền hòa, thế nên ngoài Văn ra, tôi còn có một vài người bạn tốt khác, chỉ có điều, quan hệ của tôi với họ không được thân mật như với Văn mà thôi. Phi là một trong số đó. Phi mới chuyển vào lớp tôi hồi lớp năm, bạn ấy ngồi phía trước tôi và Văn. Phi là một bạn nữ tính tình cởi mở, nói chuyện rất “hợp cạ” với tôi; lại ngồi ngay bàn trên nên chúng tôi thường xuyên rì rầm to nhỏ đủ thứ chuyện. Văn không vui khi thấy tôi như vậy, thế nên cứ nghỉ giải lao là Văn lại lôi tôi đi, tránh thật xa Phi ra. Thế nhưng Phi vẫn thích đi theo tôi, thế nên Văn chẳng biết làm thế nào cả. Một hôm, trong giờ tự học, Văn đột nhiên khóc lớn, mọi người đều không biết là đã xảy ra chuyện gì. Các bạn liền chạy đến khuyên nhủ Văn; tôi là người lo lắng hơn ai hết! Thế nhưng Văn nhất định không chịu nói. Về sau, có người nói rằng: Văn nói là Phi đang cướp bạn của bạn ấy, như vậy là không tốt. Tôi và Phi nghe xong, lại nhìn thấy bộ dạng đáng thương của Văn, chúng tôi không nỡ làm Văn bị tổn thương nên đành phải xa cách đôi chút.

Cũng có một số bạn nói rằng, tôi chẳng có lỗi gì với Văn cả, mặc kệ bạn ấy đi! Cũng không ít lần tôi cảm thấy bị dao động trước những lời khuyên của bạn bè, nhưng nghĩ lại thấy hai đứa đã thân thiết với nhau đến sáu năm trời rồi, nên biết trân trọng tình cảm bạn bè này mới phải!

Lên cấp hai, tôi và Văn lại được phân vào một lớp. Cô giáo chủ nhiệm thậm chí còn đồng ý đề nghị của hai đứa tôi, tiếp tục cho chúng tôi ngồi cùng bàn. Văn tỏ ra rất vui mừng; còn tôi thì không hiểu sao trong lòng lại có đôi chút buồn phiền...

Tôi và Văn còn có một điểm tương đồng nữa, đó là cả hai cùng học khá Ngữ văn hơn là Số học, nhất là môn viết văn. Cô giáo Ngữ văn vì vậy mà rất quý hai đứa chúng tôi, thường đem bài văn của chúng tôi ra đọc trước lớp. Do bài văn của tôi thường hay hơn bài của Văn một chút, thế nên cô giáo thường đọc bài văn của tôi nhiều hơn. Mỗi lần cô giáo đọc bài văn của tôi mà không đọc bài văn của Văn, tôi lại thấy Văn cứ buồn buồn. Văn không còn làm mặt giận dỗi như hồi còn học tiểu học nữa nhưng cái kiểu không thèm đếm xỉa gì đến tôi vẫn giống hệt như ngày xưa. Tôi rất khổ tâm, thậm chí còn cảm thấy lo lắng mỗi khi đến giờ viết văn vì sợ cô giáo sẽ đọc bài văn của mình trước lớp. Có một dạo, để tránh cô giáo đọc bài văn của mình trước lớp, tôi liền cố ý viết thật dở, kết quả là cô giáo liền gọi tôi lên phê bình một trận, nói rằng tôi quá kiêu căng, ngạo mạn...

Có một lần, ủy ban giáo dục nơi tôi ở có tổ chức một cuộc thi viết văn, cả tôi và Văn đều tham gia. Kết quả là Văn thi không tốt lắm, bạn ấy bị lạc đề, nên không đoạt được giải gì. Trong khi đó tôi lại viết rất tốt, đoạt giải nhất khu vực. Khi tên tôi được đăng trên bảng thông báo của nhà trường, cô giáo Ngữ văn rất vui mừng, các bạn cùng lớp cũng vui mừng cho tôi. Thế nhưng niềm vui trong tôi lại bị Văn dội cho một gáo nước lạnh. Hôm đó, trên đường về nhà, mặc dù bọn tôi cùng đi, nhưng suốt cả chặng đường, Văn cứ rầu rĩ không vui; tôi nói chuyện với Văn mà bạn ấy chẳng thèm đoái hoài. Hôm đó, tôi tức giận thật sự: “Tớ giành giải nhất là có lỗi với cậu chắc? Thái độ của cậu kiểu gì thế hả?”. Tôi và Văn giận nhau gần nửa tháng trời; đúng lúc đó, thành phố lại tổ chức một cuộc thi viết văn khác. Tôi và Văn lại tham gia thi. Tôi thực sự sợ Văn, thế nên đã viết linh tinh vào bài. Kết quả là tôi chỉ giành giải khuyến khích, trong khi Văn giành được giải nhì. Lúc đó, Văn lại thân thiết với tôi như ban đầu.

Bây giờ tôi thường cảm thấy rất mâu thuẫn, bởi vì tôi không phải thánh nhân, làm sao tôi có thể nhẫn nhịn mãi trước thái độ như vậy của Văn? Mỗi lần cãi nhau, giận nhau thì người nhượng bộ luôn luôn là tôi, hình như đó đã trở thành quy luật rồi. Vì Văn, tôi đã bỏ đi rất nhiều người bạn hợp tính nết với mình; tôi cảm thấy làm như vậy không có lợi cho mình; bởi vì bạn bè càng nhiều thì càng có lợi cho bản thân mà! Chơi với Văn, tôi không sao tiến bộ lên được, thậm chí còn thường xuyên phải tự hạ thấp khả năng của mình vì sợ làm ảnh hưởng đến tâm trạng và lòng tự tôn của Văn. Tôi không chỉ một lần nghĩ đến chuyện không chơi với Văn nữa; thế nhưng tôi lại sợ nghe thấy những lời bàn tán “bỏ rơi bạn bè”, càng không nhẫn tâm làm tổn thương đến Văn và tình cảm tám năm trời của chúng tôi. Hơn nữa, tôi cũng lo ngại rằng sau này mình sẽ không bao giờ có thể tìm được một người bạn tốt như Văn nữa...

Ý nghĩa của bạn bè là cùng nhau vui vẻ, cùng nhau tiến bộ. Nếu như bạn bè mang lại cho bạn vô vàn những ràng buộc, thậm chí cả những thiệt hại cho bản thân thì có nên duy trì một tình bạn như vậy hay không?

Trong ý thức của Đơn Ni, dường như có một “hợp đồng tinh thần” vô hình do chính bản thân cô bé lập ra. Chính cái hợp đồng vô hình này đã buộc chặt Đơn Ni và Văn vào với nhau. Mặc dù mối quan hệ giữa Đơn Ni và Văn đã sớm không được tốt đẹp, thậm chí là gây đau khổ cho nhau, nhưng chính cái hợp đồng này ép buộc hai người phải tiếp tục gắn kết với nhau.

Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, luôn đổi mới từng ngày; có bạn thân rồi không phải là lý do để cự tuyệt những người bạn mới. Tôi mong Đơn Ni hãy sớm tự giải thoát bản thân mình khỏi cái “hợp đồng tinh thần” kia, để có thể sống vì mình hơn, tự do hơn và thoải mái hơn. Tôi tin rằng Đơn Ni sẽ sớm tìm được cho mình một người bạn thân mới.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3