12. Nỗi khổ tâm của học sinh khi chọn trường
Nỗi khổ tâm của học sinh khi chọn trường
Đỗ An, nam, 14 tuổi, học sinh cấp hai
Sau khi tốt nghiệp tiểu học, tôi vào học trong trường cấp hai này. Theo quy định thì tôi không được học ở trường này vì trái tuyến; nhưng bố mẹ tôi đã bỏ ra hai mươi nghìn nhân dân tệ để chạy cho tôi vào đây. Bố nói, đây là trường cấp hai tốt nhất của thành phố này, được học ở trường này không phải là một chuyện dễ dàng. Tôi thì lại không nghĩ như vậy; tất cả những người bạn cùng học hồi tiểu học của tôi đều đã học ở một trường cấp hai khác; ở trường này, tôi chỉ gặp những gương mặt xa lạ. Do ngôi trường này nằm ở gần ủy ban thành phố, nên các bạn lớp tôi cũng phần lớn là con em của các cán bộ trong ủy ban. Trong mắt tôi, họ đều là con cái của những gia đình “quý tộc”.
Lúc còn học tiểu học, tôi là một người rất vui vẻ, cởi mở và hòa đồng. Thế nhưng tôi cảm thấy không sao thích nghi được với môi trường ở đây. Những người bạn học trước đây của tôi đều là con cái trong các gia đình công nhân bình thường giống như tôi. Bố tôi mắng tôi, nói: “Đây là thời đại nào rồi, con cái gia đình công nhân có gì khác với con cái gia đình cán bộ nhà nước chứ?”. Bố tôi làm sao biết được, sự khác biệt này thực ra là rất lớn. Tôi nói giọng địa phương khá nặng, thế nên họ đều cười nhạo tôi; thực ra ở nhà tôi vẫn nói thế, trước đây, khi nói chuyện với bạn bè cùng lớp, tôi cũng vẫn nói như vậy. Thế nhưng các bạn học bây giờ đều nói giọng rất chuẩn, khiến cho tôi cảm thấy mình thật quê mùa, tâm trạng cũng không sao vui vẻ được.
Còn nữa, tôi cảm thấy các bạn học cùng tôi bây giờ rất khôn khéo, lại không thành thật. Mặc dù họ không đánh nhau hay cãi nhau, nhưng họ thường giở một số trò xảo quyệt như: mách lẻo với giáo viên, cố ý nói dối, thường xuyên kiếm cớ để trốn trực nhật... không giống như những người bạn cũ của tôi. Lúc đó, chúng tôi thường túm năm tụm ba để đánh nhau, nhưng càng đánh nhau chúng tôi lại càng trở nên thân thiết. Chúng tôi không bao giờ mách lẻo trước mặt thầy cô; ngược lại, nếu có bạn bị giáo viên giám thị bắt được, chúng tôi còn cố gắng giải vây cho bạn ấy. Nói chung, chúng tôi chơi với nhau rất thân thiết.
Các bạn học mới của tôi còn thường nói chuyện về một chủ đề mà tôi không sao tham gia vào được. Họ thường tranh cãi nhau xem nhà ai có người làm quan chức to nhất; có bạn bố làm giám đốc Sở Giáo dục tỉnh, có người ông nội là Bí thư thành ủy; trong khi đó, gia đình tôi từ ông nội cho đến bố tôi đều là những công nhân lao động phổ thông, cũng chẳng có ai trong họ hàng được ra nước ngoài, thậm chí còn không có người họ hàng nào ở thành phố. Thế nên tôi chẳng có gì để mà khoe khoang với người khác.
Trong số các bạn học cùng lớp, tôi là người ăn mặc giản dị nhất. Các bạn trong lớp thường chạy theo mốt, thích dùng hàng hiệu. Họ biết tên rất nhiều loại quần áo hàng hiệu, thậm chí còn bàn luận rất sôi nổi về các nhãn hiệu quần áo đó. Điều này khiến cho tôi cảm thấy mình không giống những bạn khác. Tôi biết bố mẹ tôi vì muốn cho tôi vào học trong ngôi trường này mà đã phải đi vay mượn khắp nơi; thế nên tôi không thể đưa ra những đòi hỏi quá cao về vật chất. Tuy nghĩ vậy nhưng tôi vẫn cảm thấy rất tự ti.
Tôi cảm thấy rất bi quan, tình bạn dường như đã biến mất hoàn toàn trong cuộc sống của tôi. Khi bạn một mình đứng giữa một căn phòng trống, sự cô đơn mà bạn cảm thấy chưa phải là đáng sợ nhất! Bởi nếu bạn đang đứng giữa một đám đông náo nhiệt mà bạn vẫn cảm thấy cô đơn, thì sự cô đơn đó mới thật sự đáng sợ! Tôi đang cảm nhận được sự cô đơn giữa đám đông đó! Thực ra, các bạn học ở đây không chỉ không thân thiết với tôi, thậm chí quan hệ giữa họ cũng vô cùng lạnh nhạt, tôi không hiểu sao nữa! Có một lần phải lên tầng trên học, có một bạn nữ bị đau bụng, thầy giáo liền cho một bạn học sinh ngồi cùng bàn dìu bạn ấy xuống phòng y tế xem sao. Nào ngờ bạn nam ngồi cùng bàn ấy liền lạnh lùng nói: “Để bạn ấy đi một mình cũng được mà, em không muốn bỏ lỡ giờ học!”. Thầy giáo lặng im không nói. Thầy không mắng bạn học sinh nam đó nhưng tự mình dìu bạn nữ kia xuống phòng y tế. Tôi ngạc nhiên hỏi người bạn cùng bàn mình: “Tại sao thầy giáo không mắng cậu ta nhỉ?”. Người bạn cùng bàn tôi thì thầm nói: “Bố cậu ta là thư ký của Bí thư thành ủy đấy!”. À, hóa ra là vậy! Chẳng trách, mỗi khi phê bình tôi, thầy giáo chẳng chút nể nang, nghĩ gì thì mắng nấy; còn những bạn khác thì không, bởi dù sao họ cũng là con cháu của “hoàng thân quốc thích” cả mà. Tôi không nén được liền cười nhạt một cái.
Tôi rất nhớ những người bạn học của mình trước đây. Thỉnh thoảng nghỉ cuối tuần là tôi lại rủ họ đi chơi. Nhưng thái độ của họ lại làm cho tôi rất khó chịu. Họ thường nói một cách ngưỡng mộ: “Cậu giỏi thật đấy, được vào học ở một trường cấp hai nổi tiếng!”. Câu nói này làm cho khoảng cách giữa chúng tôi xa hơn. Tôi nói với bọn họ những buồn phiền của mình, nhưng họ chỉ tỏ ra thờ ơ và bảo: “Ai bảo thế!”. Bố tôi cũng không thích tôi thường xuyên chạy đi tìm đám bạn cũ, bố thường bảo tôi rằng: “Phải xây dựng mối quan hệ tốt với các bạn học hiện nay của con. Tình bạn được xây dựng ngay từ nhỏ là tình bạn bền chặt nhất đấy!”. Tôi nghe xong, thầm trách bố không hiểu gì về đám con cái nhà quý tộc kia. Về sau, trong một lần say, bố nói: “Làm thân với đám con cái nhà quý tộc đó sau này sẽ có lợi đấy con ạ!”. Lúc đó tôi mới hiểu được nỗi lòng của bố. Tại sao người lớn lại phải tính toán như vậy nhỉ?
Do tâm trạng không được vui vẻ nên hằng ngày tôi đều không muốn đến lớp. Tôi từng nghĩ đến chuyện xin bố mẹ cho chuyển trường, thế nhưng mãi vẫn không dám nói điều này ra. Bố mẹ đã chạy một khoản tiền rất lớn để xin cho tôi vào đây học, mặc dù không hề hỏi xem ý kiến của tôi thế nào, nhưng xét cho cùng thì bố mẹ làm vậy cũng chỉ vì tốt cho tôi mà thôi! Không biết tại sao tôi toàn để đầu óc “làm việc riêng” ở trong giờ học, thế nên dần dần tôi không thể theo kịp các bạn trong lớp. Có một lần, bài kiểm tra toán của tôi chỉ được có bảy mươi điểm. Lúc đem bài kiểm tra về nhà xin chữ ký của bố mẹ, bố tôi nhảy dựng lên mà quát: “Tao bỏ ra ngần ấy tiền để mày đem ngần này điểm về à? Tại sao mày lại vô dụng thế hả?”. Mặc dù bố không hề đánh tôi nhưng tôi lại cảm thấy đau đớn chẳng khác gì bị đánh cả. Đầu óc tôi vốn đã chẳng thông minh, hơn nữa tôi lại không thích các môn Số học, Ngữ văn; tôi chỉ thích vẽ tranh mà thôi. Tôi biết mình không thể thi đỗ vào đại học; ước mơ của tôi rất đơn giản: thi vào một trường trung cấp mỹ thuật, học cách thiết kế trang phục, thế là tôi đã mãn nguyện lắm rồi! Thế nhưng bố mẹ tôi không cảm thấy hài lòng về điều đó; họ muốn tôi phải thi lên đại học, tốt nhất là thi được vào một trường đại học nổi tiếng, nếu không thì chí ít cũng phải thi được vào một trường đại học trong tỉnh. Tại sao bố mẹ lại cho rằng tôi có cái khả năng này cơ chứ?
Bây giờ tôi rất khổ tâm. Nếu như không phải là vì bố tôi đã giao cho người ta khoản tiền hai mươi nghìn nhân dân tệ kia thì tôi đã không phải chịu áp lực tinh thần nặng nề như vậy rồi. Một mặt, tôi rất ghét tất cả mọi thứ thuộc về nơi này; mặc khác, tôi lại không thể không gồng mình lên để chống chọi lại những ngày tháng đau khổ ở đây. Mặc dù tôi không dám buông lỏng bản thân, nhưng tôi không thể kiểm soát được trạng thái tâm lý của mình. Trong lòng tôi hiểu rất rõ: trong một môi trường như thế này, kết quả học tập của tôi chỉ ngày một sa sút; tính cách và tâm trạng của tôi cũng ngày càng tồi tệ!
Tôi rất đồng cảm với nỗi phiền muộn trong lòng của Đỗ An. Đáng ra khi đưa ra quyết định chọn trường cho con, bố mẹ của Đỗ An nên hỏi ý kiến của con trai mình trước đã. Không coi trọng suy nghĩ độc lập của con cái là một sai lầm trong cách giáo dục con của bố mẹ Đỗ An.
Tôi cảm thấy Đỗ An có hai đặc điểm nổi bật của một thiếu niên: Thứ nhất là đặc biệt căm ghét cái xấu xa. Đỗ An không hề ngần ngại lên tiếng phê phán những mặt tối, mặt xấu xa trong xã hội hiện nay. Thứ hai, Đỗ An có đôi chút quá khích trong thái độ của mình. Đối với những bạn học mới của Đỗ An, mặc dù bản thân họ rõ ràng còn tồn tại rất nhiều nhược điểm, tuy nhiên, do xuất phát từ tâm lý căm ghét những kẻ có tiền, có quyền nên Đỗ An đã nảy sinh tâm lý tẩy chay những người bạn học mới này; điều này khiến cho bản thân Đỗ An không thể nhìn nhận được những ưu điểm của đối phương, đồng thời cũng làm cho Đỗ An khó có thể xây dựng được những mối quan hệ mới trong một môi trường mới.
Tôi hy vọng Đỗ An sẽ nhanh chóng thích nghi được với môi trường mới; cần có thái độ cởi mở và hòa đồng để đối xử với những người xung quanh. Một tâm trạng thoải mái và nhẹ nhõm rất có lợi cho chuyện học hành. Cho dù bạn thi vào đại học hay trung cấp, thậm chí ngay cả khi bạn không thi thì chuyện học hành vẫn vô cùng quan trọng, là chuyện bạn bắt buộc phải hoàn thành tốt!