17. Mãi chỉ là những người anh trai
Mãi chỉ là những người anh trai
Ninh Linh, nữ, 16 tuổi, học sinh lớp 11
Năm tôi học lớp ba, tôi có quen bốn anh lớn là anh Phong, Kỳ, Lực, Thanh. Mẹ tôi là giáo viên cấp hai, còn các anh là những học trò cưng của mẹ. Bố tôi công tác ở tận Tây Tạng; thế nên mẹ vừa bận rộn với công việc, vừa lo chăm sóc cho tôi. Bốn anh thường xuyên đến nhà tôi chơi; thỉnh thoảng mẹ phải ra ngoài có việc, mẹ thường giao tôi cho các anh trông nom. Đương nhiên, mẹ tôi cũng thường xuyên giữ các anh ở lại ăn cơm.
Khi còn nhỏ, tôi cứ như một thằng con trai, cắt tóc ngắn, mặc áo phông, nhiều người không biết còn tưởng nhầm tôi là con trai. Tôi rất thích bốn người anh kia, một ngày không gặp là tôi đã cảm thấy nhớ họ vô cùng. Chơi với các anh rất vui, các anh thường cho tôi chơi rất nhiều trò chơi mới mẻ và thú vị; quan trọng hơn là, các anh ấy rất chiều tôi, coi tôi như cô “công chúa nhỏ”. Còn nhớ có một lần, nghe các bạn nam cùng lớp nói trong cái hồ đằng sau trường cấp hai có thể vớt được tôm to, cho lên bếp nướng mùi vị cực kỳ thơm ngon. Tôi nghe mà thèm rỏ dãi; lúc về nhà liền lén gọi điện cho anh Thanh, bảo anh đưa tôi đi vớt tôm. Anh Thanh nhanh chóng nhận lời, còn nói với tôi phải giữ bí mật, không được nói với bất cứ ai. Ngày hôm sau lại đúng vào cuối tuần, tôi nói với mẹ là đi chơi với anh Thanh rồi nhảy nhót như con chim chích đi tìm anh. Anh Thanh đã chuẩn bị sẵn dụng cụ rồi. Anh bế tôi đặt lên sau xe đạp, nhưng tôi nhảy phắt xuống, đòi ngồi ở thanh ngang phía trước xe. Anh Thanh đành phải nghe theo tôi. Chúng tôi chạy đến một vũng nước cạn để bắt tôm. Nhưng tìm cả ngày mà chẳng thấy con tôm nào cả, tôi lại còn ngã xuống vũng bùn bẩn, quần áo và chân tay lấm lem hết cả, lại còn hôi thối nữa chứ. Anh Thanh định lôi tôi về trong bộ dạng nhếch nhác như vậy. Nhưng tôi làm sao có thể về nhà trong bộ dạng như thế này được? Thế là chúng tôi liền đến nhà anh Kỳ ở gần đó. Anh Kỳ liền cười ha ha chế nhạo, khiến cho tôi vô cùng tức tối. Nhưng chẳng bao lâu, tôi đã hết ghét anh rồi. Bởi vì anh lóng ngóng đun nước cho tôi tắm, toàn thân đã ướt đẫm mồ hôi. Khi tôi tắm xong và mặc chiếc áo sơ mi rộng thùng thình của anh Kỳ ra ngoài, tôi nhìn thấy anh ấy đang giặt bộ quần áo hôi hám của tôi dưới vòi nước; ngay cả anh Thanh ngồi ở bên cũng phải bịt mũi vì khó chịu. Bây giờ nghĩ lại, đó đúng là một buổi trưa khó quên.
Tịch Mộ Dung nói, những ngày tháng vui vẻ nhất thường là những ngày tháng tươi đẹp nhất; tôi cũng cho là vậy. Những ngày tháng hồn nhiên và vui vẻ ấy qua đi rất nhanh. Chớp mắt, các anh đều đã thi đại học; bố tôi cũng từ Tây Tạng trở về. Năm đó tôi mười bốn tuổi, lên lớp tám. Bố tôi nói rằng tôi đã thay đổi rồi, không còn giống một thằng nhóc con như ngày xưa nữa mà đã biến thành một cô thiếu nữ xinh đẹp. Mẹ trêu tôi rằng nếu còn nghịch như trước thì sau này sẽ không lấy được chồng. Lúc mẹ nói những lời đó, anh Kỳ cũng có mặt, anh Kỳ liền cười cười nói: “Nếu cô không gả được cho ai thì gả cho em vậy!”. Hôm đó, anh đến nhà tôi để từ biệt. Anh đã thi đỗ vào đại học Phúc Đán. Anh Kỳ đùa như vậy có phần hơi quá, cũng may là trong nhà tôi ai nấy đều rất thoải mái nên không ai cảm thấy khó chịu với kiểu đùa của anh, chỉ có tôi là hơi khó chịu nói: “Không được, anh thấp lắm. Hơn nữa, em thích một người giống như Lê Minh cơ, anh lại không giống như vậy!”. Anh Kỳ gãi gãi đầu, có vẻ hơi ngại ngùng. Bố mẹ tôi thì rũ ra cười vì hai đứa tôi. Anh Phong là người cuối cùng đến chào tạm biệt chúng tôi. Lúc anh ngồi xuống, một cây bút chì rơi ra từ trong túi. Anh bối rối đưa cho tôi, nói là quà kỉ niệm lúc chia tay. Nghe đến từ chia tay là tôi lại không cầm được nước mắt. Tôi biết, kể từ giờ phút này, cuộc sống của tôi sẽ mất đi rất nhiều, rất nhiều thứ.
Bốn anh vào học ở bốn trường đại học khác nhau, thỉnh thoảng vẫn viết thư về cho tôi. Tôi nghiễm nhiên trở thành một người được ngưỡng mộ nhất ở trong lớp. Do học hành căng thẳng, mà tôi thì lười, thế nên tôi đã nghĩ ra một cách hay, đó là mỗi lần viết thư, tôi lại dùng giấy than để viết được bốn bản giống hệt nhau, chỉ khác nhau mỗi phần xưng hô ở đầu thư. Các anh không hề tính toán, so đo với tôi, còn viết thư về cho tôi, kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện thú vị ở trường đại học. Các bạn trong lớp đều thích chơi với tôi, là bởi vì họ muốn tìm hiểu cuộc sống của sinh viên thông qua những bức thư của các anh. Tôi cảm thấy vô cùng tự hào!
Kỳ nghỉ hè đến thật nhanh, các anh đều trở về nhà tôi quây quần. Tôi và các anh vẫn thân thiết như không hề có khoảng cách, tôi cứ bám riết lấy các anh suốt. Một hôm, bố nhắc nhở tôi: “Linh, bây giờ con lớn rồi, chơi đùa với các anh cũng phải có khoảng cách một chút!”. Thế nhưng mẹ lại mắng bố là “ông già cổ hủ”. Bây giờ tôi cảm thấy, trong bốn anh, tôi thích nhất là anh Kỳ. Không hiểu sao tôi không sao quên được hình ảnh anh mồ hôi mồ kê nhễ nhại, đun nước tắm cho tôi. Anh Kỳ thường dẫn tôi ra ngoài chơi, dẫn tôi đi gặp các bạn học tiểu học, cấp hai, cấp ba và cả đại học của anh ấy. Anh ấy thường thích nắm lấy tay tôi và nói với bạn bè anh rằng tôi là bạn gái của anh. Lúc mọi người trêu tôi, tôi thường chỉ cười mỉm, không nói gì. Tôi nghĩ mọi người chỉ là đang trêu đùa một chút cho vui, không có vấn đề gì cả.
Ngày tháng cứ như một dòng sông chảy xiết; các anh đi rồi quay về, về rồi lại đi. Trong những ngày tháng các anh ở xa, tôi thường làm cho cuộc sống của mình phong phú và không kém phần vui vẻ. Tôi không phải là một đứa con gái đa sầu đa cảm, có thể là do tôi đã có đủ sự cảm thông và quan tâm. Cô giáo thường nói tôi là một cô bé hồn nhiên và vui tươi.
Một kỳ nghỉ hè nữa lại đến, giờ tôi đã lên cấp ba rồi. Bốn anh mời tôi đi ăn bữa cơm họp mặt. Trong bữa ăn, các anh ấy uống khá nhiều bia; anh Kỳ uống nhiều nên đã say mềm, chúng tôi liền dìu anh vào trong phòng. Tôi dùng khăn mặt lau miệng cho anh. Anh Kỳ đột nhiên nắm chặt lấy tay tôi, lẩm bẩm: “Ninh Linh, anh luôn chờ đợi em lớn lên. Anh rất thích em!”. Anh Phong đứng ở bên cạnh, nghe được những lời này liền tỏ ra vô cùng kinh ngạc. Anh ấy vỗ vai tôi và nói: “Em ra ngoài đi, anh ấy uống say rồi, đừng để ý làm gì!”.
Ra phòng ngoài rồi mà tôi vẫn cảm thấy toàn thân mình rét run lên. Tôi không muốn ở lại nữa, bèn đòi về nhà. Anh Phong đưa tôi về, cả đoạn đường tôi không nói câu gì. Anh Phong, một người ít nói, bỗng nhiên hỏi tôi: “Có phải em đang giận không?”. “Đương nhiên!”, tôi bực mình quát lên. “Thật là đáng ghét, em còn chưa thi lên đại học, thế mà đã dám nói những điều quỷ quái này với em rồi!”. Anh Phong nói: “Em không còn nhỏ nữa, có những thứ em nên hiểu. Không giấu gì em, cả bốn đứa bọn anh đều rất thích em. Bởi vì em quá hồn nhiên và đáng yêu. Bọn anh vốn định đợi đến khi em lên đại học mới nói chuyện này, nhưng...”. Không đợi anh Phong nói hết, tôi liền bịt chặt tai và chạy một mạch về nhà.
Tình yêu, tôi cảm thấy nó còn cách tôi quá xa. Đương nhiên, không phải tôi chưa từng có những giấc mơ về tình yêu. Nhưng bốn người anh đều không ai thỏa mãn được yêu cầu về một chàng “hoàng tử bạch mã” của tôi. Trong mắt tôi, họ chỉ là những người anh, mãi mãi chỉ là những người anh trai mà thôi.
Kể từ đó, các anh ít đến nhà tôi chơi hơn. Mà cho dù các anh có đến thì cũng không giống như trước đây được nữa. Tôi cảm thấy rất buồn, tôi thật sự không muốn làm cho các anh ấy bị tổn thương. Tôi hy vọng chúng tôi có thể thân thiết như xưa, tình cảm giữa chúng tôi vẫn trong sáng và hồn nhiên như trước kia!
Bây giờ, tin tức và thư từ của các anh gửi cho tôi ngày càng ít đi. Bố mẹ không biết giữa chúng tôi đã xảy ra chuyện gì, mẹ còn nói: “Con trai lớn rồi, có khi đều mải mê yêu đương, nên không tránh khỏi có sự thay đổi!”.
Một buổi tối, tôi chạy lên gác thượng, đem đốt hết những bức thư mà các anh đã gửi cho tôi. Tôi khóc nấc lên khi nhìn thấy những lá thư cháy thành tro trong ngọn lửa đỏ rực; đau xót khi thấy những tháng ngày tươi đẹp sẽ không bao giờ quay lại nữa.
Lẽ nào, tất cả những điều đó chỉ có thể là hồi ức mà tôi chỉ tìm lại được trong mơ thôi sao?
Bảy năm đã trôi qua, cô em gái nhỏ nhắn ngày nào giờ đã trở thành một cô thiếu nữ đẹp như hoa như ngọc; bốn vị “sứ giả bảo vệ” lại đang ở độ tuổi thanh xuân, câu chuyện tình yêu có lẽ khó mà tránh được. Ninh Linh là nhân vật chính trong câu chuyện, thái độ của cô bé quyết định trực tiếp đến kết thúc của câu chuyện và số mệnh của các nhân vật ở trong chuyện. Thái độ của cô bé là vô cùng sáng suốt. Những đôi bạn thanh mai trúc mã khi bước qua cái tuổi hồn nhiên, ngây thơ thì nên giữ cho mình một khoảng cách nhất định, nhằm hạn chế tối đa những rắc rối không cần thiết, tốt nhất là hạn chế các hành vi tiếp xúc quá thân mật, ví dụ như nắm tay chẳng hạn. Nếu chẳng may người bạn nam ấy vì một phút nông nổi nhất thời mà không kiềm chế được tình cảm của mình, chúng ta có thể nửa đùa nửa thật để khéo léo từ chối anh ta, làm như vậy vừa không gây tổn thương lòng tự trọng của anh ta, lại vừa làm cho anh ta tỉnh táo lại. “Những người anh trai” là một giấc mơ đẹp, cũng là một khoảng thời gian tươi đẹp của Ninh Linh. Nhưng các anh rồi cũng trưởng thành, sẽ phải lập gia đình, phải dốc sức lo lắng cho cuộc sống sau này, không thể mãi mãi là những người anh vô tư vui đùa với cô em gái như ngày nào. Thực ra, Ninh Linh cũng không nên quá đau buồn bởi vì những người anh đó có thể trở thành một “hồi ức vĩnh cửu” trong lòng cô bé. Chúng ta coi trọng tình cảm, xem trọng những cảm giác ấm áp ở trong lòng. Đó là một kho tài sản vô cùng quý báu suốt cuộc đời chúng ta!