25. Mỗi ngày cuối tháng
Mỗi ngày cuối tháng
Ngụy Tiểu Phương, nữ, 16 tuổi, học sinh lớp 10
Năm nay tôi mười sáu tuổi, từ nhỏ đã sống với bố. Bố tôi thường rất bận bịu với công việc nên từ nhỏ tôi đã học được cách tự chăm sóc bản thân. Những người họ hàng và láng giềng đều khen tôi đảm đang.
Phần lớn những đứa con gái có hoàn cảnh như tôi thường rất đa sầu đa cảm; tuy nhiên ngay từ khi còn nhỏ, bố đã rèn luyện tôi thành một thằng con trai, thích bơi lội, trượt băng... thế nên tôi chẳng có mấy thời gian để thực hiện những mơ mộng của con gái. Lúc cãi nhau với người khác, người ta thường mắng tôi là “đồ đàn ông”, nhưng tôi chẳng hề cảm thấy buồn lòng, ngược lại còn cảm thấy rất vui. Tôi thấy giống con trai thì có gì không tốt đâu!
Tuy nhiên, chuyện xảy ra từ bốn năm trước đã khiến cho tôi nhận thức rõ ràng rằng, bản thân mình là một đứa con gái. Hôm đó, tôi đang chơi đua xe với mấy đứa con trai ở trong sân; đột nhiên tôi cảm thấy ở bên dưới chảy ra rất nhiều chất dịch lỏng. Nhưng tôi không thèm để ý đến, vẫn tiếp tục cười đùa vui vẻ với các bạn. Lúc xuống xe, tôi giật nảy mình khi phát hiện ra trên yên xe có vết máu tươi. Đúng lúc ấy, một bà cụ đứng phía sau tôi cũng nhìn thấy, bà gọi tôi lại và nói: “Cô bé, mau về nhà thay quần đi, cháu đến kỳ kinh rồi đó!”.
Kinh nguyệt? Tôi giật nảy mình, vội vàng quay lại nhìn phía sau quần của mình, quả nhiên, ở đó có một đốm đỏ rất to. Cũng may là lúc đó, đám con trai kia đã chạy đi trước rồi, nếu không thì tôi sẽ xấu hổ đến chết mất.
Đó là lần đầu tiên tôi có kinh. Về nhà, tôi không biết phải làm thế nào, chỉ biết thay quần lót mãi, thay đến khi tôi thay hết cả quần lót mà máu vẫn chưa ngừng chảy. Tôi ghét mình là một đứa con gái, tôi rất ngưỡng mộ đám con trai kia, họ luôn vô tư, chẳng phải lo nghĩ gì, thật là thoải mái biết bao!
Lúc bố đi làm về, tôi ngập ngừng nói với bố chuyện này. Bố tôi chẳng nói chẳng rằng, chạy xuống nhà mua cho tôi hai túi băng vệ sinh to. Tôi rất hy vọng bố sẽ bảo tôi phải làm gì, nhưng lại sợ nghe thấy bố nói những chuyện này với mình. Dù sao thì bố cũng là đàn ông mà! Bố chỉ nói: “Con là con gái, sau này tránh chơi bời quá thân thiết với con trai nhé!”.
Đúng thế, tôi là một đứa con gái, nhưng tôi không thích làm con gái, cứ mỗi tháng lại có mấy ngày phiền phức! Tôi dần phát hiện ra trong lớp có rất nhiều bạn nữ cũng bắt đầu có kinh, họ đều gọi nó là “bị”, còn xì xào với nhau là: “Tớ có rồi, bạn có chưa?”, thật là làm cho người khác khó chịu! Cứ như đây là chuyện gì vinh dự lắm ấy. Gặp tiết thể dục hoặc là lễ hội thể thao của trường thì đám con gái lại lắm chuyện này nọ. Họ lầm rầm là mình “có vấn đề”, thế là cô giáo đành phải cho họ ngồi nghỉ. Nhưng tôi lại khác họ, tôi không làm như vậy, càng không muốn để người khác biết mình đến kỳ nhằm mục đích xin được chiếu cố. Dù sao thì tôi cũng chẳng quan tâm đến nó. Tôi thích làm gì thì sẽ làm cái đó, nào là chạy bộ, nào là đánh cầu, đua xe... Chẳng khác gì ngày xưa cả!
Năm nay tôi lên lớp mười, ở trong ký túc đã hơn nửa năm rồi. Sống chung với các bạn học nữ, tôi được nghe rất nhiều kiến thức về kinh nguyệt mà trước đây tôi chưa từng được biết. Họ nói với tôi rằng, trong thời gian có kinh, không được uống nước lạnh, không được vận động mạnh, nếu không đảm bảo lần sau “bị” sẽ đau bụng dữ dội. Tôi bắt đầu tin lời của các bạn, bởi vì từ lâu tôi đã bị đau bụng kinh rồi, chỉ có điều không đau dữ dội mà thôi. Tuy nhiên, tôi thấy mặc dù bạn Di Di nằm ở tầng dưới giường của tôi rất chú ý, nhưng cứ mỗi lần đến kỳ kinh là tôi lại thấy bạn ấy đau đớn vô cùng, nằm bò trên giường không dậy được, còn phải nhờ chúng tôi mua cơm cho. Tôi còn thấy bạn ấy tối nào cũng dùng nước sạch để vệ sinh vùng kín; trước nay tôi không có thói quen này. Nhưng bây giờ thì phải học theo thôi, nếu không sẽ bị người khác cười nhạo. Di Di nói, nếu không dùng nước sạch để vệ sinh thì sẽ dễ mắc bệnh phụ khoa, không biết bạn ấy nói có đúng không nữa.
Tôi thường cho rằng kinh nguyệt là một điều phiền phức không cần thiết trong cuộc sống, thậm chí còn mong muốn trên thế giới này có một loại thuốc mà sau khi uống sẽ không bao giờ có kinh nguyệt nữa. Tôi từng nói chuyện này với các bạn cùng phòng, nào ngờ bọn họ đều cười tôi. Các bạn ấy nói, con gái có kinh thì sau này mới có thể sinh con, nếu không có là không bình thường. Di Di còn hỏi tôi có phải tôi muốn trở thành “thạch nữ”[1] không? Bạn ấy còn nói là “thạch nữ” thì không có kinh nguyệt như những người phụ nữ bình thường khác. Tôi còn nghe nói, con gái trong mấy ngày có kinh nguyệt thì cả tinh thần và sức khỏe đều không tốt. Mỗi lần có bạn thi không tốt là bạn ấy lại lấy lý do là mấy hôm nay đang “bị”, đầu óc không minh mẫn. Nghe họ nói vậy, tôi cũng cảm thấy bản thân mình bắt đầu có cảm giác như vậy rồi!
[1] Chỉ người con gái không có âm đạo hoặc bộ phận sinh dục không bình thường.
Ôi, làm con gái thật là phiền phức!
Kinh nguyệt là biểu hiện của một người con gái trưởng thành. Giáo trình sinh học còn cho chúng ta biết rằng, kinh nguyệt là sự rơi rụng các nội mạc của tử cung theo chu kỳ, gây ra hiện tượng ra máu, tạo điều kiện cho tử cung có thể cho đứa trẻ ra đời. Có một số bạn nữ háo hức chờ đón kỳ kinh nguyệt đầu tiên, nhưng cũng lại có một số bạn nữ có thái độ lẩn tránh nó. Cho dù thế nào đi chăng nữa thì các bạn nữ sau khi thấy xuất hiện kỳ kinh đầu tiên nên có chuẩn bị về mặt tư tưởng rằng: kể từ nay về sau, cơ thể mình sẽ thường xuyên xuất hiện hiện tượng này.
Đương nhiên, kinh nguyệt đem đến một số bất tiện cho cuộc sống của các bạn nữ: khó chịu trong cơ thể, tinh thần giảm sút, dễ mệt mỏi, trí nhớ giảm sút, tính tình nóng nảy... Để khắc phục những tác dụng phụ này, bạn chỉ cần thoải mái tinh thần, nhẹ nhàng đón chào “người bạn” mỗi tháng đến thăm bạn một lần ấy. Bởi vì các bác sĩ đã phát hiện ra rằng, rất nhiều người cảm thấy khó chịu trong thời gian bị hành kinh nguyên nhân chủ yếu cũng là do ám ảnh trong tâm lý của bản thân người đó. Nếu như chúng ta suy nghĩ theo chiều hướng tích cực thì cảm giác sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều.
Có một số kiến thức về vệ sinh trong chu kỳ mà các bạn cần phải hiểu và thực hiện, đó là chú ý giữ gìn vệ sinh, dùng băng vệ sinh khô và sạch, tốt nhất nên rửa ráy vùng kín mỗi ngày hai lần vào buổi sáng và tối, bởi vì trong thời kỳ kinh nguyệt, cơ quan sinh dục rất dễ bị nhiễm khuẩn. Còn nữa, trong thời gian bị hành kinh, không nên ăn các loại thức ăn lạnh, cay, nóng; cần ăn nhiều hoa quả, rau xanh. Bạn cũng có thể thực hiện một vài bài tập thể dục nhẹ nhàng (tốt hơn nhiều so với việc nằm ì ở trên giường), nhưng cần tránh các hoạt động mạnh.
Tiểu Phương cho rằng làm con gái thật phiền phức. Thực ra, con trai trong lứa tuổi dậy thì cũng gặp không ít rắc rối về tâm sinh lý. Chỉ cần tìm hiểu kĩ càng, đối xử tốt và quan tâm đến cơ thể của mình thì bạn sẽ dễ dàng vượt qua được giai đoạn dậy thì này thôi!