27. Né những vết thương
Né những vết thương
Đinh Đông, nữ, 15 tuổi, học sinh lớp 9
Tôi là một nữ sinh mười lăm tuổi, năm nay học lớp chín. Khi còn nhỏ, tôi là một cô bé rất bướng bỉnh, nghịch ngợm như đám con trai. Lúc đó, tính cách của tôi rất cởi mở, hay nói hay cười, lại rất thích ca hát nhảy múa, là một nhân tố năng động của trường.
Nhưng, càng lớn thì những buồn phiền trong tôi càng nhiều. Vài năm trước, cơ thể tôi bắt đầu phát triển, vóc dáng cao lên nhanh chóng. Bây giờ tôi đã gần như cao hơn cả mẹ rồi. Có lúc nhìn mình ở trong gương, ngay cả tôi cũng cảm thấy kinh ngạc, tôi không tin rằng cô gái xinh đẹp trong gương kia lại chính là mình! Những ngày tháng còn nghịch bùn đất bẩn, những lúc còn nằm trong lòng mẹ, dụi dụi làm nũng dường như mới chỉ là hôm qua thôi. Ôi, thực ra, trở thành một cô gái xinh đẹp đáng ra phải là chuyện nên vui mừng mới đúng. Mỗi lần ra ngoài với mẹ, các cô dì chú bác đều khen tôi xinh gái khiến mẹ tôi rất tự hào. Thế nhưng, xinh đẹp cũng mang lại những phiền phức mà người khác khó lòng cảm nhận được.
Ví dụ, mấy đứa con gái chúng tôi đang tụ tập nói chuyện, bỗng nhiên ở đâu ra một thằng con trai ngang ngược đến phá đám. Mục tiêu đầu tiên hắn nhắm vào chính là tôi. Tôi đã từng không ít lần bị đám con trai ném bóng vào đầu hay cố tình va vào người. Trong những tình huống đó, các bạn nữ đi cùng tôi đã không bênh vực, lại còn nói những lời đầy mỉa mai: “Người ta thích bạn rồi!”... Nói với bố mẹ chuyện này thì tôi sợ bố mẹ sẽ lo lắng; nói với thầy cô giáo ư? Thôi bỏ đi, các thầy cô giáo chỉ quan tâm đến điểm số trên bài kiểm tra của tôi mà thôi!
Tôi đành phải âm thầm chịu đựng tất cả những chuyện này. Tính cách của tôi cũng dần dần thay đổi, không còn vui vẻ và cởi mở như trước nữa. Cũng may không vì thế mà kết quả học tập của tôi bị ảnh hưởng, mà tôi cũng chỉ có cách vùi đầu vào học tập mới có thể quên đi những chuyện không vui này mà thôi!
Thế nhưng, không biết từ lúc nào, tôi lại bị một đám con gái ở trong trường chú ý. Đó là một số nữ sinh cá biệt, thường xuyên kéo bè kéo cánh, ra oai với các học sinh khác. Họ thường tụ tập chơi bời với đám con trai, cùng ăn uống, đập phá, chẳng khác gì lũ đầu đường xó chợ. Cần - đứa có thân hình cao to và Phi - một đứa thấp bé hình như là “thủ lĩnh” của đám nữ sinh này. Các học sinh nữ khác ở trong trường nhìn thấy họ đều rất sợ hãi, tìm đủ mọi cách để tránh né. Tôi chưa bao giờ dây dưa gì với đám người này. Nghĩ mình và những kẻ đó hoàn toàn thuộc về hai thế giới khác nhau. Nhưng bỗng nhiên một hôm, trên đường về nhà, Cần đuổi theo tôi, gọi giật tôi lại, khi nhìn thấy cô ta tôi rất kinh ngạc.
Cần ôm lấy cánh tay tôi, nói bằng giọng thân thiện: “Mấy chị em của tôi đều rất thích bạn, muốn kết bạn với bạn!”. Tôi bình tĩnh nói: “Tôi không có thời gian kết giao bạn bè, bởi vì học hành quá căng thẳng và bận rộn!”.
Phi và mấy đứa khác đang đi đến, tôi bắt đầu cảm thấy căng thẳng. Nhìn xung quanh, thấy các bạn khác đã đều âm thầm chạy mất cả. Tôi lấy lại bình tĩnh, nghĩ bụng: Ban ngày ban mặt, chúng dám làm gì mình cơ chứ. Hơn nữa, ở đây cách trường học không xa, có chuyện gì mình sẽ chạy thật nhanh về trường. Nghĩ đến đó, tôi liền bình tâm trở lại.
Phi nói: “Cũng không hẳn là chúng tôi thích cậu, chủ yếu là do mấy thằng con trai chơi với chúng tôi rất thích cậu, muốn rủ cậu đi chơi, nhưng lại ngại không dám nói với cậu nên đã nhờ chúng tôi truyền đạt lại giúp! Được chúng tôi chiếu cố đến không phải là chuyện dễ dàng đâu đấy!”.
Tôi dứt khoát không lên tiếng, dù sao thì tôi cũng không thể đồng ý với họ. Cả ngày rong chơi với đám người này... Chỉ nghĩ thôi tôi cũng đã không muốn rồi!
“Thôi được, chúng tôi sẽ cho cậu ba ngày suy nghĩ.” Sau khi uy hiếp tôi, cả bọn liền bỏ đi.
Tôi mang tâm trạng nặng nề về nhà, tôi biết chắc chắn bọn chúng sẽ còn quấy nhiễu mình. Mẹ nhìn sắc mặt tôi không tốt, liền hỏi tôi làm sao. Tôi không muốn nói, nên chỉ ậm ừ cho xong.
Đến ngày thứ ba, tôi thầm mong chúng sẽ quên tôi đi. Dù cố gắng lẩn tránh chúng, nhưng cuối cùng tôi vẫn bị chúng phát hiện ra. Phi chạy đến tìm tôi, tôi nói với cậu ta: “Không được, tan học các cậu còn đi chơi, mẹ tôi không cho phép tôi như vậy!”. Phi nói: “Cậu ngốc thế, có thể gạt mẹ cậu, nói là phải ở lại trường học bù”. Tôi vẫn nhất quyết không đồng ý, nói rằng tôi phải chịu khó học hành, nếu không sẽ làm lỡ mất mọi chuyện.
“Thôi được, vậy thì không ép buộc bạn nữa. Bạn đã chăm chỉ học tập như vậy, thế thì thế này đi: Kể từ bây giờ, chuyện bài tập của chúng tôi do bạn lo tất!”, Phi đắc chí nói.
Không còn cách nào khác, tôi đành phải kể chuyện này với mẹ. Mẹ tôi nghe xong vô cùng tức giận, nhưng cũng rất lo cho tôi. Mẹ lập tức gọi điện thoại cho cô chủ nhiệm và hiệu trưởng trường tôi, còn gọi điện dò hỏi số điện thoại cô giáo chủ nhiệm của Cần rồi gọi điện thoại cho cô giáo bạn ấy. Qua điện thoại mẹ tôi yêu cầu nhà trường nhất định phải xử lý nghiêm chuyện này, nếu không mẹ tôi sẽ phản ánh chuyện này lên báo chí. Tôi nghĩ bụng, vẫn là mẹ có cách giải quyết ổn thỏa hơn cả! Thế nhưng, tôi vẫn không sao yên tâm học hành được. Bởi vì dù sao thì ngày nào tôi cũng có nguy cơ giáp mặt với bọn chúng, ai mà biết được chúng sẽ dùng cách gì để “chỉnh” tôi? Mẹ an ủi tôi nói: “Đừng lo con ạ, mọi chuyện sẽ đều có cách giải quyết...”.
Ngày thứ hai, thứ ba... ngày này qua ngày khác, chúng không còn tìm tôi gây chuyện nữa. Xem ra, các thầy cô giáo đã quản lý chúng chặt hơn rồi. Thế nhưng, bọn chúng đã ghi nhớ mối hận này trong lòng. Nửa tháng sau, chúng lại bắt đầu tìm tôi để quấy nhiễu. Lần này không giống như lần trước, cứ nhìn thấy tôi là chúng lại mắng chửi tôi, hoặc là cố ý nhổ nước bọt. Chuyện dần ầm ĩ khiến cho cả trường cùng biết, các thầy cô giáo chắc chắn cũng biết. Mẹ tôi tìm gặp thầy cô giáo, nhưng họ nói họ cũng không có cách gì với mấy học sinh cá biệt này, chỉ biết phê bình, cảnh cáo thế thôi; nếu như là trước đây thì còn có thể đuổi học, trừ điểm... nhưng bây giờ nhà trường không chủ trương làm vậy nữa, hơn nữa, bọn họ cũng chỉ quấy nhiễu tôi không quá nghiêm trọng, không nguy hiểm đến an toàn tính mạng của tôi. Mẹ tôi vẫn không cam tâm, tìm đến từng nhà để nói chuyện với bố mẹ chúng, nhưng cũng có người không quản lý được con em mình. Cứ như vậy, tôi bị bọn chúng thù ghét, ngay cả bản thân mình cũng cảm thấy mệt mỏi, hết lần này đến lần khác bị chúng nhục mạ. Giờ đây tôi chỉ mong sớm tốt nghiệp, rời khỏi ngôi trường này, cách xa đám người xấu xa này. Những tháng ngày mệt mỏi và phiền não này tôi đã chịu đủ lắm rồi!
Rất nhiều bạn nữ đã từng trải qua những chuyện tương tự như vậy. Họ nói với tôi rằng: Nghĩ lại những gì đã xảy ra, họ thấy sự tổn thương về mặt tâm hồn còn nặng nề hơn nhiều so với những tổn thương về thân thể, mà những tổn thương này một phần đến từ những người khác nhưng một phần lại do chính bản thân mình gây ra. Nói một cách khác, do bản thân mình trong lúc ấy không hề có chút kinh nghiệm nào, coi chuyện bị quấy rối quá nghiêm trọng và quan trọng trong cuộc sống của mình, khiến cho việc học hành và cuộc sống của mình bị người khác xoay chuyển, chính vì thế nên những tổn thương càng lớn hơn.
Đinh Đông đã rất sáng suốt và đúng đắn khi tìm ra cách giải quyết vấn đề này, đó là nhờ đến sự giúp đỡ của người lớn. Gặp phải những chuyện như thế này, tốt nhất nên nhờ đến sự giúp đỡ của bố mẹ, thầy cô giáo, bản thân bạn không thể tự giải quyết được. Chính vì tìm đúng người, nên Đinh Đông đã rất may mắn, bởi vì dù sao thì sự việc cũng đã bị khống chế dù trong một phạm vi tương đối nhỏ.
Những cô bé hay cậu bé mất đi mục tiêu của cuộc sống, không có nơi nào để “giải phóng” sức sống của mình, thường sẽ kéo bè kéo cánh, bày trò nghịch phá, quấy nhiễu người khác. Mục đích của họ là làm cho những kẻ bị quấy rối ăn không ngon, ngủ không yên, người ta càng khó chịu, chúng lại càng thấy vui vẻ, người ta càng sợ hãi, chúng lại càng đắc chí. Nhưng lâu dần, các thành viên trong “bang hội” này sẽ từ từ giải tán, có kẻ “cải tà quy chính”, có kẻ tiếp tục đi vào con đường phạm tội. Tôi rất hiểu và đồng cảm trước sự buồn phiền và mệt mỏi của Đinh Đông đối với đám người này, nhưng Đinh Đông không cần thiết phải quá để ý đến bọn chúng; có như vậy bạn mới có thể giảm bớt những tổn thương về mặt tâm lý. Ngoài ra, bạn có thể suy nghĩ như thế này: “Sớm muộn gì thì chúng cũng sẽ biến mất khỏi cuộc đời mình”, điều đó dễ khiến cho bạn có thêm niềm tin. Trong cuộc sống có rất nhiều thứ còn quan trọng hơn những rắc rối này, ví dụ như chuyện học hành, tương lai của bạn. Cần phải phân biệt được việc gì quan trọng, việc gì không; sức lực của con người có hạn, nên tập trung sức chú ý vào một việc xứng đáng, như vậy thì sau này bạn mới không cảm thấy hối tiếc!