37. Lặng lẽ quay về với ngày xưa

Lặng lẽ quay về với ngày xưa

Kim Lý, nam, 16 tuổi, học sinh lớp 11

Kể từ khi lên cấp ba, bảy đứa cả nam lẫn nữ chúng tôi làm việc gì cũng thích tụ tập cùng nhau vì chúng tôi là bạn học từ hồi cấp hai.

Bạn Lợi hay khóc vốn là kẻ thù của tôi trước đây. Còn nhớ lúc mới lên cấp hai, tôi thường xuyên chọc tức bạn ấy, không ít lần Lợi bị tôi chọc cho khóc nhè; còn cả Quần nữa, vốn là lớp phó phụ trách môn Tiếng Anh của lớp; lúc đó tôi đặc biệt bướng bỉnh, không thích học ngoại ngữ, thế nên thường xuyên không làm bài tập. Quần với tư cách là cán sự ngoại ngữ, thường xuyên đốc thúc tôi phải làm bài tập. Tôi còn xúi giục các bạn khác mắng Quần; họ còn trêu chọc có phải Quần đã thích tôi hay không mà suốt ngày bám lấy tôi không chịu buông tha? Còn Nguyệt, một bạn nữ vừa xinh xắn vừa nhẹ nhàng xưa nay không bao giờ chọc tức bọn con trai chúng tôi, cũng không bao giờ mách lẻo tội trạng của chúng tôi. Chúng tôi hay bày trò trêu chọc Nguyệt. Chúng tôi thường đặt mấy thứ đồ chơi kinh dị vào hộp bút của bạn ấy và hồi hộp chờ đợi bạn ấy mở hộp bút ra rồi kêu lên thất thanh... Từ lớp bảy đến lớp tám, con trai con gái trong lớp tôi thường xuyên cãi nhau, cứ như là kẻ thù của nhau vậy. Tình trạng này phải đến tận học kỳ hai lớp chín mới được cải thiện. Cô giáo trịnh trọng nói với chúng tôi: “Học cùng lớp là có duyên với nhau. Không bao lâu nữa các em sẽ phải tốt nghiệp, mỗi người học một nơi, có người có khi cả đời cũng khó gặp lại nhau...”. Những lời nói này đã tác động đến chúng tôi sâu sắc, kể từ đó cho đến trước khi tốt nghiệp, chúng tôi trở nên rất thân thiện với nhau, cứ như là người trong một nhà vậy!

Thế nên cũng chẳng có gì khó hiểu khi bảy đứa chúng tôi lại thân thiết với nhau như vậy. Ngay cả cô giáo cũng đùa chúng tôi rằng: “Đừng có mà kết thành hội bảy người đấy nhé...”. Thế nhưng chúng tôi không hề muốn thay đổi điều này. Trong lớp có vài người lắm chuyện định bày trò ghép đôi cho chúng tôi; thế nhưng khổ thân bọn họ chỉ phí công, ghép đi ghép lại vẫn không ra làm sao. Đương nhiên rồi, chúng tôi là “hội bảy người”, tỉ lệ nam nữ là 4: 3. Mặc cho người khác nói gì, chúng tôi vẫn cùng nhau đi dã ngoại, đi mua sách, đi xem phim... Bố mẹ của chúng tôi cũng rất tâm lý, rất tin tưởng con cái, chưa bao giờ can thiệp vào chuyện bạn bè của chúng tôi. Bố mẹ tôi thường nói không chỉ nên kết giao với các bạn nam mà cũng cần phải làm bạn với các bạn nữ nữa. Các bạn học cùng lớp và các thầy cô giáo cũng không hẳn là không tin tưởng chúng tôi, nếu không thì chắc cũng không có người tỏ ra ngưỡng mộ với chúng tôi đến thế, thậm chí còn thường xuyên có người đưa ra đề nghị được “gia nhập” vào nhóm của chúng tôi.

Nhóm bảy người chúng tôi liên tục tham gia và giành các giải cao trong lễ hội thể thao, trong buổi thi hùng biện của trường và dần dần nổi tiếng khắp trường. Cô giáo chủ nhiệm là người vui mừng hơn ai hết, thậm chí cô còn kêu gọi các bạn trong lớp hãy học tập tấm gương đoàn kết của chúng tôi. Tôi nghĩ, sống trong một tập thể đoàn kết như vậy, mỗi thành viên đều có được sự cổ vũ, động viên cho mình, từ đó mà có được động lực để nâng cao bản thân. Ví dụ như bản thân tôi, kết quả học tập của môn Số học không sao cải thiện được, đó là bởi vì tôi đểnh đoảng, sơ ý, thường xuyên tính toán nhầm lẫn. Trong khi đó kết quả kiểm tra số học của Nguyệt luôn đạt điểm tối đa. Thế nên tôi liền để ý thái độ học tập của Nguyệt, sự tỉ mỉ và cần cù của bạn ấy đã ảnh hưởng rất lớn đến tôi. Dưới tác động này, tôi bắt đầu hình thành nên thói quen cẩn thận; tôi nghĩ điều này còn có hiệu quả hơn nhiều so với những lời trách móc hay mắng mỏ của bố mẹ!

Sau khi lên lớp mười một, bài vở ngày càng khó và căng thẳng hơn, tâm trạng của mọi người cũng dần dần trầm lắng xuống. “Nhóm bảy người” chúng tôi ai nấy đều bận rộn đọc sách, làm bài tập, gần như ít có cơ hội tụ tập với nhau. Một buổi chiều cuối tuần, Tổng biên tập Câu lạc bộ Văn học của trường (học sinh lớp mười hai) nhờ người tới tìm tôi và Quần có việc gấp. Tôi và Quần vội vã đi xem; hóa ra là một bài viết chuẩn bị đăng lên tờ tạp chí của trường có vấn đề, bài văn đó mới bị loại nên cần phải thay thế bằng một bài văn khác, hơn nữa đây lại là một bài văn viết về đề tài do chính nhà trường đưa ra. Tổng biên tập yêu cầu tôi và Quần phải hoàn thành đề tài này trong vòng hai tiếng đồng hồ, sau đó đem đi in. Quần nổi tiếng với danh hiệu là “nữ văn hào” của trường. Quần không nói thêm câu gì, tập trung viết và chẳng mấy chốc đã hoàn thành, chỉ còn lại tôi là chưa xong, không hiểu người ta gọi tôi đến làm gì? Tôi không dám hỏi Tổng biên tập, sợ rằng hỏi xong lại bị mất mặt.

Tổng biên tập mang bài viết của Quần đến cho hiệu trưởng duyệt. Tôi và Quần ngồi lại trong lớp học tán gẫu. Chúng tôi thường rất ít khi nói chuyện riêng với nhau như vậy, thậm chí không chọc ghẹo, không cười đùa mà nói chuyện rất nghiêm túc. Tôi tâm sự với Quần một số chuyện buồn phiền của mình; điều mà tôi không ngờ đó là Quần cũng có những tâm sự giống như tôi. Hôm đó, hai đứa chúng tôi nói chuyện rất hợp nhau; một lúc lâu sau Tổng biên tập mới quay lại, nói với chúng tôi rằng: “Bản thảo đã được thông qua, các em có thể về được rồi!”. Lúc đó, tôi mới phát hiện ra rằng trời đã tối om!

Trên đường về, chúng tôi lại nói đủ thứ chuyện, đi đến cửa nhà rồi mà vẫn chưa muốn tạm biệt, mãi đến khi quá muộn rồi, tôi mới đưa bạn ấy về nhà. Kể từ hôm đó, tôi và Quần dường như đã có giao hẹn ngầm, chúng tôi thường vô tình đi chung với nhau, thầm thì to nhỏ, thậm chí không cần nói năng gì cả, chỉ im lặng đi chung với mọi người mà có Quần ở bên cạnh là tôi đã cảm thấy rất dễ chịu rồi!

Chẳng bao lâu, mọi người đều phát hiện ra tôi và Quần thân thiết một cách lạ thường, bọn họ không ngần ngại trêu chọc tôi với Quần, khiến cho cả hai đứa đều cảm thấy rất xấu hổ. Hơn nữa, trước đây mỗi khi tan học, bảy người chúng tôi thường đi với nhau và hò hét rất ầm ĩ, vậy mà bây giờ mọi người lại cố ý tách hai chúng tôi ra, để cho hai đứa chúng tôi đi với nhau. Chúng tôi vẫn nhẹ nhàng trao đổi một số cách nhìn, tán gẫu về một số bộ phim hay ngôi sao mà chúng tôi hâm mộ. Thật sự chúng tôi chưa bao giờ nói về chuyện tình cảm; tôi cảm thấy bây giờ hoàn toàn không phải là thời điểm thích hợp để nói về mấy vấn đề này. Một hôm, Quần hỏi tôi: “Chúng ta có nên giải thích với mọi người không? Hình như mọi người đều đang có chút hiểu nhầm chúng ta thì phải”. Tôi bực mình nói: “Kệ họ, muốn nghĩ gì thì nghĩ. Chúng ta cây ngay không sợ chết đứng!”. Nghe vậy Quần chỉ im lặng không nói gì.

Thế nhưng, ngày càng có nhiều tin đồn thất thiệt về mối quan hệ của tôi và Quần, ngay cả cô giáo cũng để ý đến chúng tôi, còn nói bóng gió nhắc nhở chúng tôi. Tôi đang nghĩ, liệu đã đến lúc đứng ra để làm sáng tỏ sự thật hay chưa?

Mặc dù Kim Lý và Quần có vẻ hơi bị “oan”, nhưng nếu lúc này mà đứng ra làm sáng tỏ mọi chuyện thì rất có thể kết quả sẽ khiến cho sự việc càng trở nên mập mờ, rối loạn hơn. Thực ra,cách giải quyết rất đơn giản, đó là hai bạn hãy quay trở lại với tập thể ban đầu, phân tách thành một nam một nữ như vậy dễ khiến cho người khác có cái nhìn sai lệch về mối quan hệ bạn bè. Đến một lúc nào đó, những lời đồn đại tự nhiên sẽ biến mất thôi.

Kim Lý có lẽ còn cần phải cám ơn những lời đồn đại này nữa cơ, bởi nếu như không có sự “nhắc nhở” của những người ngoài cuộc thì có khi Kim Lý và Quần đã đi quá ranh giới của lý tính rồi cũng nên. Tôi nghĩ điều này là rất khó nói trước. Mối quan hệ bạn bè một nam một nữ không chỉ dễ biến thành bị động trước dư luận mà còn dễ làm cho bản thân mình bị lầm lẫn và rơi vào cái vòng tình cảm luẩn quẩn. Bởi vì rất có thể, cái “giao ước ngầm” giữa hai người đã bị bản thân những cô bé, cậu bé mới lớn trong một thời điểm bồng bột cho rằng đó chính là cái gọi là tình yêu.

Có thêm một người bạn có nghĩa là có thêm một đối tượng mang lại lợi ích cho bản thân bạn. Tại sao nhóm bảy người của Kim Lý không tìm cách mở rộng thêm ra? Bảy người dù có giỏi, có tốt đến thế nào đi chăng nữa thì cũng vẫn chỉ là bảy người, cả lớp có bao nhiêu người? Hy vọng các bạn của Kim Lý sẽ mở rộng nhóm của mình hơn nữa!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3