Chuyến Phiêu Lưu Đến Xứ Sở Bên Kia Thác Mây Mù - Chương 01 - 02
Chương 1. Mẹ Tròn ngã bệnh
Xưa, cách nay đã lâu, lâu lắm, thuở mà các vùng miền còn hoang sơ và heo hút bóng người, nơi nơi chỉ um xùm màu xanh ngan ngát đồng nội, có một ngôi làng nhỏ bé nằm ép mình mơ màng bên dải đồi đẫm hơi sương. Làng dăm chục mái nhà đo đỏ tựa nấm quây quần bên nhau đến là êm đềm.
Khi hoàng hôn giăng tấm mạng sẫm màu loang lổ phủ trùm nhân gian, là lúc từng lọn khói lam chiều lãng đãng bay cao rồi dần hòa vào rặng mây tím xa xa, xen lẫn những hợp âm lao xao, rộn rã: từ giọng các cụ già phù phù, khạc khạc; các bà các mẹ tất tả bữa cơm chiều song chốc chốc vẫn ngó nghiêng qua nhà hàng xóm, rồi thì tiếng bọn trẻ nô giỡn khắp mấy nẻo đường đất chung quanh làng, làm lũ chó mèo cũng thi nhau ăng ẳng, bầy gà chiêm chiếp họa cùng tiếng rống của bò, heo tạo nên mớ âm thanh hỗn tạp kỳ khôi. Thế mà giữa quang cảnh chiều hôm đầy dư vị ấy, lại nghe thoang thoảng trong gió ai đó đang nức nở, ỉ ôi, sao buồn đến nao lòng! Ồ, thì ra là một chú bé mũm mĩm tầm mười tuổi, tóc đen nhánh ba chỏm đào dễ thương, bắp tay và chân tròn lẳn hồng hào, ngồi chống cằm than khóc bên bậu cửa đất nện ở căn nhà cũng bằng đất nện và gạch đỏ. Chẳng rõ em tủi việc chi mà đôi mi mọng nước, cứ lóng lánh nhỏ từng giọt không dứt.
Mãi sau em mới thôi khóc lóc nỉ non, bởi một cụ già râu tóc bạc phơ lộc cộc chống gậy đến gần và cúi xuống ân cần hỏi em:
“Bé Tròn, làm sao con khóc?”
Ở làng ai cũng gọi em là bé Tròn vì thân hình Tròn rất tròn, tựa như nếu cuộn em lại, người ta có thể biến em thành trái banh, mặc dù thời đó chưa chắc họ đã biết tới trái banh. Tròn khoanh tay, lễ phép thưa: “Bẩm cụ, bẩm cụ...”, chưa bẩm xong em đã lại òa lên khóc.
Cụ già - vị trưởng lão khả kính đức độ được dân làng yêu mến tôn vinh như già làng - vẫn kiên nhẫn vỗ về chú bé: “Con ngoan, đừng khóc! Có gì cho ta hay, biết đâu ta giúp được con.”
Nghe lời, bé Tròn thôi khóc, em gạt nước mắt rồi hấp tấp kéo tay già làng dẫn vào trong. Bên trong nhà bày biện rất xơ xài, độc một bộ bàn ghế xập xệ, chiếc giường tre ọp ẹp kê liền vách ngăn chái bếp - trên đó mẹ Tròn đương nằm im lìm, mê man bởi cơn sốt tai quái ập đến từ cách đây ba ngày. Nhà chỉ có hai mẹ con sống đùm bọc nhau, quanh năm mẹ tần tảo rau cháo nuôi em, lam lũ vất vả sớm khuya chăm nom em từng miếng ăn giấc ngủ; bé Tròn thương mẹ lắm. Dù được cô bác láng giềng săn sóc thuốc thang nhưng bệnh tình của mẹ vẫn chưa thuyên giảm mà còn có dấu hiệu trở nặng, trái tim non nớt của em chợt thổn thức lo sợ, không yên. Sau khi nắm bắt sơ tình hình, già làng cũng nhíu mày âu lo, cụ rờ cái trán nóng hầm hập và tái nhợt của mẹ Tròn mà thở dài sườn sượt; đoạn dõi ánh mắt thấu suốt, nghiêm nghị ra xa xăm; cụ suy tư điều gì lâu lắm, khiến Tròn sốt ruột đứng nghển cổ, tròn xoe cặp mắt bi ve nhìn cụ.
“Ây dà! Có lẽ mẹ con mắc cảm nặng rồi.” Già làng nói trong khi vẫn trầm tư gãi chòm râu bạc.
“Cụ ưi, con hông mún... ực... con hông mún...” Cơn nấc cụt làm giọng em ngọng nghịu thiệt tội nghiệp.
“Bé Tròn ngoan, con cứ bình tĩnh, mẹ con tuy nguy ngập thật song chưa đến mức không còn cơ may chạy chữa. Ngay giờ ta sẽ mau về kiếm lá húng chanh, tía tô, kinh giới, trần bì... cộng thêm một vị thuốc gia truyền nữa rồi sắc cho mẹ con uống tạm. Tuy nhiên bài thuốc chỉ giúp ngăn ngừa phát tác chứ khó giải hẳn chứng cảm này. Muốn mẹ con hết bệnh... có lẽ...” Nói đến đây cụ bỗng ngần ngừ. “E hèm... có lẽ... phải nhờ tới trái cam đỏ của lão Lang Hen mới ổn. Thế này, ở bên kia vùng đồi và rừng cọ, nơi thác Mây Mù đổ vào sông Sương Sa ven thung Ngô Tím, đậu chênh vênh chỗ sườn dốc hướng xuống thung lũng là ngôi nhà cỏ gianh ba gian của thầy Hên hành nghề lang y, hồi ấy thầy Hên đúng là gặp hên, thầy ta bắt bệnh tùm lum lắm, sau rồi cơ duyên ở đâu rơi trúng thành ra kiếm được trái thảo dược thần diệu chữa bách bệnh, từ đó người ốm nặng nhẹ qua tay thầy đều lành. Trái thảo dược ấy chính là những trái cam đỏ au...”
“Cụ nói xạo!”
Bài thuật lan man của già làng bị cắt phựt không thương tiếc bởi cái giọng lanh lảnh chợt vang lên ngoài cửa. Cả già làng và bé Tròn cùng mắt chữ O mồm chữ A ngạc nhiên. Ra là bé Phệ, em đứng chống nạnh trước ngưỡng cửa, một bên cánh tay núc ních còn đeo lủng lẳng giỏ cà chua chín ruộm, môi dẩu lên vẻ trách móc.
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]
Hôm nay em còn diện bộ váy sọc cam vô cùng dễ thương. Bé Tròn hân hoan nhoẻn cười khi thấy bạn, còn cụ già làng thì hừm hừm bực tức, khuôn mặt nhăn nheo già lão đỏ lựng trước thái độ hỗn hào.
“Ê, ê! Cái con nhỏ này, mi kêu cụ nói xạo là ý gì?” Già làng gõ bịch bịch cây gậy, gắt.
“Thì là nói xạo chứ ý gì ạ! Sao cụ bảo trái cam màu đỏ? Cam chỉ có màu vàng hoặc xanh mà thôi!” Vừa cong môi tuyên bố, bé Phệ vừa lạch bạch bước vào, chính xác hơn phải diễn tả em nửa lăn nửa lê vào trong nhà, tại cả người em trông cực giống một chiếc xúc xích khổng lồ với từng khúc, từng khúc vĩ đại (dù không chắc lần nữa rằng dân vùng này đã biết tới xúc xích hay chưa). Trông em mập mạp gấp hai, ba lần bé Tròn, nhưng trang phục sặc sỡ cùng đôi nắm tóc cột dây nơ lúc lắc khiến em trông vẫn rất đáng yêu.
“Hừm!” Cụ già lườm xéo con nhóc một cái. “Đồ ngốc nghếch! Ta mà đi nói xạo hả? Nghe rõ đây, hồi nhỏ, lúc tầm tuổi bây hiện giờ, có lần ta cũng bị cảm sốt khá nặng, thế rồi mẹ ta cất công qua làng bên cậy nhờ thầy Lang Hên giúp đỡ. Ông ấy cho ta nuốt độc miếng cam đỏ chót, ta lập tức trở nên khỏe khoắn như chưa từng có bệnh. Phải nói cam đỏ thực sự là một loại thần dược, xuất xứ của nó cũng cực kỳ bí hiểm... Mà thôi, túm lại thế này, tiếc là thầy Hên qua đời vài chục năm rồi, nhưng con trai ông ta là Lang Hen có nối nghề cha truyền. Khổ nỗi, vì nguyên do nào đó ta không rõ mà ông ta đeo mối thâm thù với người làng mình, bao nhiêu người ốm đau đến chạy chữa thảy bị từ chối cả. Haizz, giờ bất cứ ai sang đó xin thuốc cũng bị lão xua đuổi thôi. Ta đang nghĩ liệu còn cách nào chăng? Hay cử mấy đứa nhỏ tụi bây đi trao đổi biết đâu lão nể tình.”
“Dạ thưa cụ!” Em Tròn sốt sắng kêu. “Con sẽ qua làng Ngô Tím, mẹ con đang trong cơn nguy, dù phải nhảy vào nước sôi lửa bỏng con cũng quyết tâm lấy được thuốc về giải cảm cho mẹ. Vì mẹ con sẵn lòng hy sinh!”
“Ồ, bé Tròn ngoan, con rất hiếu thảo, thế là tốt! Song chưa đến mức đi vào chỗ chết đâu. Lão lang ấy tuy cộc cằn, xấu tính nhưng chắc chắn sẽ không hại trẻ em. Ta đời nào đẩy con vào chốn hiểm nguy. Từ đây đến nhà lão Lang Hen chỉ phải qua ngọn đồi, rừng cọ và vượt thêm hơn dặm đường mòn, nếu nhanh con có thể tới đó trước buổi trưa.”
Bé Phệ vỗ vỗ lên vai bạn, cười híp mí, nói: “Cụ đừng lo! Có con trông chừng, bạn Tròn sẽ hoàn thành nhiệm vụ sớm thôi.”
“Hả?” Già làng và bé Tròn đồng thanh. Ánh mắt cụ già liếc cô bé toát lên vẻ nghi ngờ và lo ngại cực độ.
“Ơ, ơ... Phệ à, việc này...” Lời chưa nói hết đã bị em Tròn nuốt lại vào bụng vì tia nhìn bé Phệ phóng ra quá dữ dội, cô bé hỏi lại vẻ đầy tổn thương: “Sao nào? Việc này làm sao?”
Trong bầu không khí đang có phần bối rối bỗng một tiếng hét vang lên: “Cụ đừng lo! Con sẽ trông chừng bạn Tròn và bạn Phệ!” Mọi người ngoảnh lại thì thấy cu Tũn dáng khẳng kheo, gầy gò nép bên cánh cửa ngó vào, rớt mũi xanh lè còn lòng thòng chưa lau.
Già làng khẽ quệt mồ hôi trên trán, thở một hơi rõ dài và ngán ngẩm lắc đầu.
Chương 2. Lên đường
Buổi sớm, bầu trời còn phơn phớt sắc hồng của bình minh, sương giăng là là mặt đất tạo thành dòng sông lóng lánh, trong veo và mát rượi đậu trên từng cánh hoa, ngọn cỏ. Không gian êm ả, thanh khiết mang theo cảm giác thoát trần. Gió thì hiu hiu thổi, đẩy các tàng cây xào xạc, xào xạc như múa - điệu múa mang tên thiên nhiên. Khung cảnh ở thời khắc chuyển giao giữa ngày và đêm toát lên một vẻ tĩnh lặng và linh thiêng nguyên thủy. Quanh quanh, từng sắc thái như hòa vào nhau, hóa ra xuyên suốt và mờ ảo. Tan. Trong mơ màng. Vùng đất trải rộng mênh mang, trập trùng đồi núi và những thửa ruộng. Khu Đồi Cỏ uể oải trong dáng vẻ ngủ quên đã hiển hiện, màu xanh mướt mát ngập tràn, lối đi ướt mềm tựa tấm thảm nước. Ba đứa trẻ sải bước đều đều theo hàng một, tinh thần hăng hái, tràn đầy năng lượng để sẵn sàng cho trọng trách được giao phó. Dẫn đầu là bé Tròn thứ gì cũng tròn tròn lưng đeo gùi khoai lang, tiếp đến bé Phệ phục phịch khoác một giỏ ăm ắp trứng gà, đi sau cùng còn ai ngoài cu Tũn lúc nào cũng thò lò mũi xanh khệ nệ ôm làn đựng những chai rượu mật ong thơm nức; số thực phẩm này mang tới cho lão Lang Hen nhằm đổi thuốc. Sau khi bàn bạc đi đến thống nhất, bọn trẻ sẽ lãnh trách nhiệm kiếm trái cam về thuốc thang cho mẹ Tròn. Già làng dặn dò mấy đứa đi lại cẩn thận, tránh la cà, và cách thức giao tiếp lẫn trao đổi. Mới sớm tinh mơ tụi nhỏ đã sốt sắng lên đường, với trái tim cháy rực niềm thương yêu và hy vọng, mong có thể nhanh chóng lấy được thần dược rồi trở về, song cũng không quên ca vang bài đồng dao cổ vũ tinh thần:
“Dung dăng dung dẻ
Nhà nào còn đèn còn lửa
Mở cửa cho anh em chúng tôi vào
Bước lên giường cao
Thấy đôi rồng thấp
Bước xuống giường thấp
Thấy đôi rồng chầu
...”
Vừa đi vừa bắt nhịp; nhờ sự hoan hỉ mà hành trình dường như trôi qua rất mau, chẳng mấy chốc cả ba đã qua khu đồi và bắt đầu tiến vào rừng cọ. Khu rừng mở rộng với những thân cây cao vút ken dày theo hàng, bên trên, các tán lá tạo thành tầng tầng lớp lớp các mái vòm xanh sẫm pha vàng nắng bắt mắt. Đoàn bộ hành bé nhỏ cứ tiến xuôi theo con đường mòn quanh co. Nhìn chung đường qua rừng khá yên ổn, lâu lâu mới vù vù tiếng những đàn chim sà thấp chao liệng sát mái rừng hay vụt qua chớp nhoáng vài con thú nhỏ đi lạc. Hàng cây thưa thớt dần là lúc cuộc hành trình bắt đầu rẽ sang quãng mới. Lối mòn hẹp lại gồ ghề đá sỏi, rồi đột ngột ngoặt khúc lượn về hướng tây bắc, xa xa đã nghe loáng thoáng âm thanh rào rào, rí rách.
Phần đường rải rác lá rụng kết thúc liền thoai thoải dốc xuống, quang cảnh lập tức đổi khác, khoảnh đất dàn trải thoáng đãng, cây cối kết thành lùm bụi chen chúc. Và ngay kia, khuất sau gò cao mọc lan kín đặc cây bạch hoa xà thuộc họ thân thảo, dòng sông Sương Sa hiện ra với toàn bộ vẻ kiêu hãnh và tráng lệ của nó. Sông đổ từ phương bắc đến địa phận này thì chuyển chếch hướng tây - lượn một vòng cung lớn ven thung Ngô Tím - rồi xuôi về nam. Dòng chảy thường ôn hòa, xiết nhẹ nhưng khắp mặt sông sóng luôn lăn tăn sủi bọt, li ti lấp lóa tựa hạt sương hay ánh sao, khiến nó hóa như một dòng sông Ngân Hà, nên mới có tên Sương Sa vậy. Bởi dòng sông mang nét đẹp quyến rũ, huyền ảo nhưng mãnh liệt như thế nên vô tình gây ra rắc rối đáng tiếc cho các bạn nhỏ của chúng ta, mà quý độc giả sẽ khám phá ngay sau đây.
Đi tiếp từ trảng trống, nơi tiếp giáp đường tới thung lũng bên kia, xuất hiện một loài hoa đỏ thắm rực rỡ, chúng mọc men theo bờ nước, lác đác rồi chụm lại thành lớp thảm thực vật đẹp tuyệt. Ngỡ ngàng trước cảnh nên thơ, Tròn, Phệ, Tũn cùng chạy ùa đến hít hà hương hoa thoang thoảng dễ chịu; chạm lên lớp lớp cánh hoa tươi tắn, cảm giác như chạm vào mảnh vải nhung mềm mượt. Sự thích thú dâng tràn trong tâm hồn trẻ thơ, đặc biệt là bé Phệ, em ngơ ngẩn như mất hồn, muốn ôm cả thế giới vào lòng. Em đắm đuối nhìn từ ngọn cỏ non, thảm hoa tuyệt sắc, đến mặt sông lấp lánh... thứ gì cũng mới mẻ và kỳ thú biết bao. Cô bé này ham mê tới nỗi quên thời gian, mải chơi quanh quẩn cho đến khi hai bạn dài giọng giục giã mới chịu tiếp tục lên đường. Đường ven sông uốn lượn và đẹp vô cùng, bên kia sông là sum suê cây cối trồng dọc hai bờ chống xói mòn, nơi bờ thấp liền kề mép nước rải rác từng khóm dương xỉ xòe rộ; bên này, bắt đầu từ gò cao chạy song song với con sông tạo thành dãy đồi thấp lô nhô thì được phủ bởi tấm màn dây leo buông thõng điểm những chùm hoa trắng muốt. Đi một quãng xa, bất chợt cả bọn đứng khựng lại. Hiện ra từ sau mé đồi bên kia, hàng loạt hình thù có màu sắc sặc sỡ bay dập dờn. Bướm! Những chú bướm xinh xắn nào màu da trời, hung, hoàng kim, hổ phách... vô cùng lộng lẫy. Ba bạn nhỏ đều háo hức, mê mẩn ngắm nhìn chúng tô điểm vẻ rạng ngời cho thiên nhiên, đất trời. Có một chú bướm còn nghịch ngợm sà thấp, lượn vòng trên đầu bé Phệ. Cánh nó phơi ra trước nắng, rung rinh, rung rinh tạo quầng sáng lóa mắt; em Phệ bị hấp dẫn, với tay cố chụp bắt, chụp bắt mãi nhưng chú ta cứ bay chập chờn như trêu ghẹo. Em nổi tính hiếu thắng bèn kiên quyết bám đuổi, vừa chạy theo vừa nhảy loi choi quào chộp. Chính sự nóng nảy, bất cẩn đó đã gây ra tai họa. Chú bướm tinh quái kia bay vụt về hướng bờ sông. Ôi thôi, Phệ theo riết nó. Và, ngay thời điểm em rẽ mớ cành nhánh rậm rạp ngăn cách đường bộ và đường thủy sang bên, em mất đà, chới với, rồi ngã. Tiếng thét thất thanh của bé Phệ vang vọng giữa không trung. Hai bạn nam trước đó đã la lớn cảnh báo nguy hiểm, lúc này cùng lao tới cứu song không kịp nữa. Ùm... em Phệ rơi thẳng xuống dòng sông, sức va chạm khá ghê gớm. Vùng nước bị động cuộn lên chụp lấy em rồi xoáy mạnh đẩy em theo dòng. Bị quăng qua quật lại như một miếng bột nhào chẳng biết trời trăng gì nữa nhưng Phệ còn giữ được chiếc giỏ, bám vào nó cũng có thể nổi được dù chấp chới, ngoi hụp liên tục. Đám trứng thì quả vỡ tanh bành, quả trôi lềnh bềnh trên mặt sông.
Bé Tròn và cu Tũn vừa khóc vừa men bờ chạy theo cô bạn đang trôi dạt về hạ nguồn, miệng khản giọng kêu cứu, song chẳng mấy Phệ đã mất hút nơi khúc lượn.
Sương Sa ở đoạn này bỗng quẹo chệch sang mé đông, trước khi rẽ nhánh nó dồn vào một điểm và trở thành hồ. Địa thế không tròn mà thoai thoải hình bầu dục. Lòng hồ trong veo, sóng xô vách bờ mang theo những cọng rêu lưa thưa xanh lét, tích tụ thành một lớp màu láng bóng cổ quái. Có hai cha con nhà nọ ngồi trên mỏm đá nhô ra mặt hồ, dáng ung dung, thư thái buông cần câu cá, mặc dù con sông này hình như chẳng có mống cá nào, có chăng chỉ là các loài vi sinh vật và phù du lúc nhúc nơi đáy. Nhưng người cha này vẫn kiên quyết cho rằng nhất định một ngày nào đó họ sẽ câu được cả tá cá nặng mỗi con vài ký, chỉ cần biết kiên nhẫn mà thôi. Người ta gọi họ bằng cái tên chung - Bờm, bởi cha con nhà này giống nhau y đúc, giống từ mái đầu chỉ có mảng bờm dày cộp che trước trán. Bờm cha đang gật gù thì Bờm con đột nhiên hét lên ầm ĩ. Lúc ấy sợi dây câu trĩu hẳn bởi sức nặng, tưởng kéo cả cu Bờm rớt thẳng xuống hồ. “Cá! Cá! Cha ơi cá!” Bờm cha choàng tỉnh, vội vàng phụ con cuốn cần kéo cá, còn cười vang, liến thoắng: “Thấy chưa, thấy chưa? Cha đã bảo mà, cha đã bảo mà!”
Dường như cá rất to, cha con hợp sức mà chật vật mãi mới “lôi” được nó lên bờ. Cu Bờm nhận xét một câu: “Cá bảy màu đó cha. Tuyệt!” Thực ra chỉ nhìn loáng thoáng màu xanh đỏ tím vàng dập dờn theo làn nước nên cu cậu mới có cảm tưởng chủ quan như vậy. Sự thực được xác minh ngay sau đó, khi “con cá” được kéo lên khỏi mặt hồ rồi nằm phơi bày dưới ánh nắng, Bờm cha ngờ ngợ bảo: “Hình như nó không phải cá con ạ.”