Chuyến Phiêu Lưu Đến Xứ Sở Bên Kia Thác Mây Mù - Chương 03 - 04

Chương 3. Ở nhà lão Lang Hen

Lúc Tròn và Tũn lao bổ xuống từ sườn dốc rải rác đá dăm, băng qua dải cát trũng tới bên thì cha con Bờm đang cấp cứu cho bé Phệ. Em đã phải uống khá nhiều nước, cơ thể căng phồng bắt đầu xẹp dần vì nước đang ra, bộ đồ ướt sũng dính nhẹp vào người, đúng thực trông em y chang một con cá bự. Khi ấy em bị trôi theo dòng, vào quãng xiết nhất, cũng là thời điểm em sắp chết đuối thì sức ép đẩy em sát vào bờ và quai giỏ còn níu hờ hững liền mắc vào móc câu. Ơn trời, em được cứu, suy ra trong cái rủi vẫn còn le lói cái may.

Các bạn đứng quây xunh quanh lo lắng, liên tục hỏi liệu bé Phệ có chết không. Độ mười lăm phút sau, cô bé hồi tỉnh. Bác Bờm giờ mới thở phào yên tâm, quay qua hỏi han mấy đứa nhỏ đi đâu, sao lại ra cơ sự này. Em Tròn thay mặt nhóm bạn lễ phép kể lại đầu đuôi sự việc. Nghe xong, bác ta hồ hởi nói:

“Ồ, ra vậy, mấy đứa đừng có lo. Bây giờ chúng ta đưa cô bé này về nhà bác làm ấm người, sau đó bác sẽ cho thằng cu Bờm dẫn các cháu đi, xuôi hướng tây làng, có cây cầu bắc qua sông, sang bờ bên kia là sắp đến nhà ông Lang Hen cạnh thác Mây Mù rồi.”

Tất cả cùng về nhà Bờm ở thung Ngô Tím. Tên gọi “ngô tím” này bắt nguồn từ việc nơi đây sản sinh ra những bắp ngô đặc biệt có một không hai. Lướt mắt bao quát từ trên cao sẽ thấy từng thửa, từng thửa ruộng ngô bạt ngàn. Màu tím sẫm, có chỗ loang thẫm đen khiến người ta dễ dàng liên tưởng tới chất kịch độc, tuy nhiên giống ngô này ăn bùi, cực kỳ dẻo thơm và lại tăng cường sức khỏe cũng như sự minh mẫn. Tụi trẻ làng Chân Đồi cực ghen tị với mấy đứa làng bên này. Giờ thì chúng đã hơi thỏa mãn nhờ sự chăm sóc nhiệt tình từ bác gái. Mẹ Bờm mang ra cho cả bọn bổ sung năng lượng nào ngô luộc, chè ngô đến xôi ngô tím... Cả một bụng no nê những ngô là ngô. Bé Phệ hồi phục nhanh bất ngờ, y như nuốt thần dược, sắc mặt em đã trở lại hồng hào, sức lực dồi dào tưởng như chưa từng trải qua sinh tử. Nhiệm vụ gấp rút, vả lại thời gian chẳng đợi ai bao giờ nên Phệ bình thường trở lại là các em tiếp tục lên đường ngay. Lần này có thêm cu Bờm đồng hành. Bác Bờm cho rằng có thằng cu nhà bác, việc trao đổi với lão Lang Hen nhất định sẽ thuận lợi hơn. Cha mẹ Bờm dường như khá thoải mái trong chuyện đi lại đó đây của cậu con. Họ còn khuyến khích nó phải năng động khám phá. Điều ấy gây cho bọn Tròn sự khó hiểu lẫn ngưỡng mộ, khiến cu Tũn phải vừa quệt mũi vừa bật lên thắc mắc:

“Ủa, cha cậu có vẻ dễ tính nhở? Bác không lo lắng khi cậu đi lại lung tung sao? Nhỡ cậu rớt xuống sông như...” Cu Tũn khựng lại khi chạm phải ánh mắt xẹt ra lửa của một-ai-đó vừa rớt xuống sông.

Bờm ta trả lời bằng giọng thản nhiên: “Ồ, cha mình là người rất lạc quan. Ông luôn nhìn nhận mọi việc theo hướng tích cực.”

Vì vậy bạn Bờm có vẻ sẵn sàng theo các bạn mới của mình tới chân trời góc bể.

Ranh giới với vùng đất phía tây - nơi con sông trước khi chảy về phương Nam vòng ôm lấy rìa thung lũng, giống như một dải đăng ten ánh bạc viền nửa đường trang trí duyên dáng - có cây cầu nhỏ màu trắng sáng choang như xây bằng cẩm thạch yểu điệu vươn mình qua dòng nước. Tròn, Phệ, Tũn và Bờm nối nhau theo hàng đi qua bên kia sông. Bờ bên này, rau muối mọc hoang sin sít, cả một biển thân lá răng cưa lốm đốm trắng tựa hoa tuyết đọng. Sườn đồi thì trơ trọi, hoang hóa màu cỏ úa; và những cụm đá sần sùi trải bao sương gió toát lên vẻ khô khan, trầm mặc rải đều như thể có một trật tự nhất định. Chếch ngay mé đồi bên tay mặt, đậu hơi chênh vênh trên triền dốc nép bờ đập, đã là nhà lão Lang Hen rồi. Và gần đó, con thác ào ào trắng xóa nổi lên mờ ảo và kỳ vĩ lạ thường, nền trời xanh nhạt phía bên trên thác nước có những đám mây dày cộm sà thấp. Nước đổ dọc vách đá tụ lại thành vũng sâu được ngăn bởi vô số đá tảng, kè và lùm bụi rồi mới ồn ã hòa vào sông Sương Sa. Hơi nước lẩn quẩn ướt át cả vùng rộng, tạo cho thảm thực vật chung quanh vẻ mơn mởn, đằm thắm hơn hẳn nơi khác.

Ngôi nhà nhỏ của lão lang lợp mái chủ yếu bằng cỏ gianh, phên nứa; tường thì đắp đá tảng bản rộng, chồng chéo và thô sơ không theo quy tắc kiến trúc nào. Vẫn theo thứ tự, tất cả kéo vào sau khi gõ rát cả tay mà cánh cửa chẳng hề nhúc nhích. Ở trong trống trải, lành lạnh thiếu hơi ấm; đồ đạc ít ỏi tới mức đơn điệu, tẻ ngắt. Sạp thuốc nam, chày cối và các dụng cụ bào chế bày la liệt. Lão Lang Hen mình gầy quắt queo, da nhăn nhúm bọc xương, khuôn mặt già nua hốc hác đang nằm rên hừ hừ trên tấm phản đá to choán kín cái diện tích vốn bé nhỏ. Nào khoai lang, rượu mật ong, ngô tím - do số trứng đã mất sạch nên gia đình Bờm tặng cho một gùi đầy ngô luộc - những thứ mà trước giờ là món khoái khẩu của lão, tỏa ngào ngạt hương vị đặc trưng mà lão vẫn im lìm bất động, chỉ có hơi thở là mỗi phút một nặng nề. Lão đang lên cơn hen.

Em Tròn đứng ra chào hỏi, có phần rụt rè vì lạ lẫm và ý thức được sự làm phiền, cậu bé ấp úng: “Thưa... thưa... thầy! Con đến xin... xin thuốc!”

Tiếng khò khè bật lên như kéo cưa chứng tỏ lão đã nghe thấy, lão động đậy cặp mí húp sụp hòng tìm kiếm bóng dáng “kẻ quấy rầy”. Thầy thuốc - gọi theo đúng danh xưng -
tỏ thái độ khó chịu, gắt gỏng một cách phều phào: “Hẻ ào ó ả (Kẻ nào đó hả)?”

“Con... con... Mẹ con bệnh nặng, con đến xin đổi hàng lấy trái cam đỏ về trị bệnh cho mẹ...”

“Quân... hỗn... xược...” Lão lang hớp hơi gầm mạnh ba tiếng. Xong lại ôm ngực thở hổn hển.

Bốn đứa trẻ vừa sợ vừa lúng túng, nhìn nhau chẳng biết nên xử trí thế nào. Chợt nhớ ra mục đích của việc mình phải có mặt tại đây, cu Bờm bạo dạn ra mặt đề nghị: “Cháu là con nhà Bờm ở bờ bên kia, thung Ngô Tím. Cha sai cháu qua nhà ông mua thần dược (tức cam đỏ). Hy vọng ông làm phước chiếu lệ cho, chúng cháu xin tạ hậu hĩnh ạ!”

“Xéo!... éo ết... o ta! (Xéo! Xéo hết cho ta!)”

Sự ngoan cố cay nghiệt tỏa ra từ tận trong tâm khảm lão Lang Hen gây nên hiệu ứng chán nản lan truyền, các em đều hiểu ngay cả khi lão có thể giao tiếp bình thường cũng khó lòng lay chuyển, huống hồ... Cu Tũn quệt quệt mũi ngó nghiêng quanh quất, rồi ghé vào tai bạn thì thầm: “Này, tớ nghĩ dám lão sẽ không thay đổi ý định nên xem xem loại cam đó cất ở đâu, lão đang thế kia chúng ta có thó một ít lão cũng chẳng làm gì được, cơ mà không thấy quả nào hết.”

Bé Tròn nghe thế liền lắc đầu nguầy nguậy. “Không, mẹ tớ luôn dặn: “Đói cho sạch, rách cho thơm”, tớ không đời nào ăn cắp.”

Nói vậy có khác gì bảo mình là kẻ cắp, cu Tũn bị chạm tự ái, khịt mũi một cái nóng nảy. “Đồ ngốc! Bất đắc dĩ thôi mà. Với lại ai bắt cậu lấy không chứ, chúng ta sẽ để lại hàng hóa cho ông ấy, chẳng phải sao?”

“Ờ ha!” Em Tròn hiểu ra, gãi tai cười bẽn lẽn, vội vàng dấn tới bên giường, ngốc nghếch hỏi tiếp: “Thưa thầy, trái cam đỏ thầy cất đâu vậy?”

Trái với dự đoán, thầy thuốc gồng mình tưởng bùng nổ cơn giận đến nơi, song bỗng dưng lão xẹp xuống. Tròng mắt lão quay tít thò lò, vẻ như có điều gì đó mới lóe lên soi sáng cho bộ óc đang mệt nhoài của lão. “Khoan... khoan...” Lão Lang Hen khào khào hụt hơi. “Chúng bây, mau... mau! Ra vựng thác vớt một trái cam về đây cho ta!” Vốn lão hành nghề y, cây thuốc, dược liệu luôn trữ sẵn nhưng cơn hen tái phát đúng lúc cam đỏ hết nhẵn. Nếu không lão đã chẳng phải khổ sở nằm đây thế này. “Một trái thôi đấy, ta cấm... hừ... hừ...” Đang cơn bệnh phải cậy nhờ người khác mà còn giở tính ki keo, bủn xỉn vậy đó.

Vận may bất ngờ, bọn trẻ trở nên hớn hở, tươi tỉnh thấy rõ. Chúng kháo nhau xem mình có nghe lầm? Ý tứ trong câu còn mù mờ khó hiểu khiến chúng phải quay ra tụm đầu bàn bạc: “Sao lại vớt mà không là hái cam?”, “Chỗ thác đổ vào lòng trũng mà chúng ta thấy đó hả?”, “Cạnh đấy có trồng cây cam sao?”... Sau cùng kết luận đơn giản nhất là cứ trực tiếp ra đó xem thế nào.

Thế là các em bỏ lão lang nằm đó tiếp tục rên rỉ, cùng hối hả ùa ra thác nước. Có một lối mòn độc đạo chạy từ bờ đập dốc xuống, rồi xuyên qua các bụi dây tơ hồng, kim tước và vô số loại cây thân thảo xoắn xuýt, chằng chịt khác. Gần lại mới nhận ra quang cảnh chung quanh mang vẻ đẹp ấn tượng tuyệt vời, sắc xanh mượt mà quện hòa cùng lớp lớp trắng xóa tinh khôi. Sương mù lãng đãng, lẩn quẩn bốn bề, bồng bềnh hư ảo có khác cõi tiên là bao; ấy chính bắt nguồn cho cái tên Mây Mù. Vựng nước có vẻ không quá sâu, liên miên được đổ đầy rồi tràn dâng không bao giờ dứt, gần giống như một bể phun nước đầy vơi theo vòng tuần hoàn bất dịch. Có điều quanh đây chẳng hề thấy một cây cam nào cả. Ngó lên ngó xuống, ngó quanh ngó quẩn mãi, bọn trẻ bắt đầu nóng ruột. Nhìn mặt nước xao động từng quầng sóng lan rộng, trong lòng mấy đứa không khỏi dấy lên nỗi mơ hồ, càng nhìn vào vòng sóng đồng tâm đang lan tỏa càng thấy hun hút và tưởng như bị nhấn chìm vào một thực tại khác. Chớp chớp đôi đồng tử bi ve, em Tròn ngờ ngợ hỏi: “Các cậu có cảm thấy là lạ không?”

Cả bọn đồng thanh “có có”, đứa bảo mình trông thấy một rừng cây, đứa kêu mình bị thôi miên, đứa lại quả quyết dưới đó trôi dập dềnh rất nhiều trái gì đó tròn tròn. Hai đứa kia bị chế giễu vì cho rằng đó là sự phản chiếu và chóng mặt do nhìn lâu mà thôi. Riêng lời cu Tũn mới đáng lưu ý, sau một lúc bàn ra tán vào thì Tròn tin rằng rất có thể nơi đáy vựng nước chân thác này chứa đầy trái cam đỏ thần dược; mấy đầu óc non nớt chẳng thể nghĩ sâu xa về tính hợp lý, chỉ cần có dấu hiệu khả quan là mừng rỡ lắm rồi.

Vì đây là việc nhà Tròn nên đương nhiên em phải là người xung phong lặn xuống vớt cam, em xắn quần, cởi áo rồi lội ra giữa vựng nước, các bạn đứng túm tụm quanh bờ vừa hô hào cổ vũ vừa lo lắng thay em. Bé Tròn lần mò mãi không tới đáy cũng chẳng vớ được thứ gì hết, dần dà phải hụp hẳn xuống. Một thoáng em đã mất hút, để lại mặt nước những gợn lăn tăn. Thời gian trôi qua lâu ơi là lâu mà Tròn vẫn chưa trồi lên, các em biết Tròn cũng không giỏi bơi lắm nên càng lo sợ, liệu có phải đã gặp chuyện gì rồi không? Ở đây cu Bờm là dân sông nước, giỏi bơi lội nhất, thành thử em phải là người lội ra tìm bạn.

Cu Bờm cũng mất tăm cả phút dài ơi là dài. Hai bạn Tũn và Phệ nhảy loi choi trên bờ, hoang mang sắp khóc đến nơi. Sau cùng, không còn cách nào khác, cu Tũn đành làm người tiếp theo. Cậu trai cuối cùng đã đi mất, còn mỗi bé Phệ ở lại trên bờ thút thít vì run sợ và cô đơn. Thời gian chờ đợi lần này lâu gấp ba những lần trước, nỗi tuyệt vọng khiến em tin rằng các bạn mình đã chết đuối cả. Em đau lòng nghĩ, các bạn đã ra đi mãi mãi, một mình em ở lại sống trên cõi đời này còn ý nghĩa gì nữa. Bé Phệ quyết định rồi, bé sẽ hy sinh, một sự hy sinh vĩ đại. Chạy ào ra mép nước, cô bé nắm chặt búp tay, mắt nhắm nghiền hồi hộp trước hành động trọng đại, thì ra em định nhảy xuống nước kết liễu mạng sống đó. Nhún nhảy nhún nhảy lấy đà nhiều cái, xong em tung người lao thẳng xuống vựng nước.

Cơ thể núc ních xuyên vùn vụt qua làn nước lạnh căm, mọi cảnh vật bị nhấn chìm trong vòng xoáy quay đảo hun hút. Tốc độ và sức mạnh trong cú lao của bé Phệ là không thể chối cãi, em chỉ cảm nhận áp lực kinh khủng đè ép quanh mình, và em đang rơi hút vào một hố sâu đen ngòm. Sau đó nhận thức tan biến...

Chương 4. Xứ lạ

Khi nhận thức trở lại cũng là lúc em nhận ra mình đang bắn lên khỏi mặt nước. Bé Phệ thấy mình bị hất tung như một con búp bê nhẹ hều rồi lơ lửng giữa không trung trước khi vụt rơi xuống một cách chóng mặt. Thời điểm gần đáp đất - có lẽ đó sẽ là một cú đáp kinh hoàng - những hình ảnh kỳ quái lướt qua tầm mắt của em, đó là một vật thể vừa dài vừa to rượt đuổi ba vật thể khác trông lúc này bé con con mà chạy vèo vèo, cả đám vù qua một cái đã hết một vòng tròn. Và vào đúng khoảnh khắc Phệ rớt bụp lên cái thứ mềm mềm, âm ấm và trơn nhẫy mà em chỉ trông thoáng qua ấy, mọi náo động ngừng bặt. Diễn biến tiếp theo chỉ toàn nghe tiếng thở dốc hổn hển của mấy đứa trẻ, đặc biệt là các em trai, thì ra ba hình hài trong mắt em Phệ còn ai khác ngoài ba cậu bạn. Tròn, Tũn và Bờm mình trần, quần xắn ống nằm lăn quay ra bãi cỏ nghỉ lấy sức sau cuộc đua. Còn bé Phệ lóp ngóp nhổm dậy ngơ ngác nhìn quanh, tự dưng em cảm thấy mình bị tổn thương ghê gớm, bèn tủi thân vớ cái khăn mùi soa đựng trong túi váy ngồi chấm mắt, sì sụt khóc.

Ba em trai thì thất kinh không còn lời nào để nói khi nhìn cô bạn mình ngồi chễm chệ trên đầu quái vật. Vâng, vật thể rượt đuổi các em chính là một con quái vật khổng lồ, hay chính xác nó là con trăn bự chảng khoác trên mình vẻ sặc sỡ đến là khủng khiếp. Nhưng bây giờ tạm thời chưa có nguy hại vì nó đã bất tỉnh sau cú giáng đầy bất ngờ và kịch tính. Tuy nhiên bọn trẻ chẳng tận dụng được chút thời gian nào để trốn thoát, vì còn bận ngỡ ngàng trước khung cảnh xung quanh.

Một khung cảnh lạ lùng, mang vẻ đẹp vô cùng sắc nét, khác hẳn nơi các em vừa rời đi, tựa như mọi vật ở đây đều được tráng qua một lớp thủy tinh bóng loáng. Và thứ gì cũng có kích thước to gấp hai, ba lần thông thường, như dải hoa mọc quanh hồ trông giống hoa cúc chuồn chuồn màu phơn phớt tím nhưng những đài hoa xòe tung tựa các tán ô xếp xen từng chùm hoành tráng. Mặt hồ nơi các em trồi lên mang sắc xanh sapphire nổi lềnh bềnh rất nhiều loại quả gì đó có màu bạch kim, chúng trôi vòng quanh miên man tưởng chừng đã lâu lắm rồi vậy mà vẫn giữ nguyên sự tươi non, căng mọng; nguồn gốc của loại quả ấy là từ cái cây trồng cạnh hồ nước cũng màu trắng sáng loáng, tất cả các bộ phận của cây như lớp vỏ sần sùi trên thân, hàng lá thưa thớt hay đôi ba cụm rễ đâm khỏi lòng đất... đều có sắc trắng bạch kim đẹp tuyệt. Xa xa cũng xuất hiện loại cây tương tự nằm rải rác, trái của nó rơi đầy mặt đất. Nhưng điểm đặc biệt nhất không phải ở những hiện tượng kể trên, mà là từ nơi bầu không. Ôi những đám mây, chúng mới kỳ dị làm sao, treo lơ lửng giữa khoảng không là những khối hình cầu bông xốp, lại có màu xanh lục bảo hơi hướm ma quái nữa, tạo nên một biển trời mênh mông đèn lồng như được làm bằng ngọc cứ lững lờ, lững lờ trôi.

Mải mê ngắm cảnh đẹp khó tin nhưng có thật, tụi nhỏ không để ý, con quái vật đã tỉnh dậy, nó cựa quậy đầu làm bé Phệ lảo đảo rồi lộn cù mèo, cú rơi bất thần khiến em lăn lông lốc, vèo một cái đã tới bên cạnh các bạn. Con trăn rùng mình vươn dậy, từng thớ da vằn vện đủ màu sắc dị hợm dãn căng nổi bật trước ánh nắng vàng chanh trong vắt, nó ngoác cái miệng hình tam giác vẫn còn lử đử vì choáng váng, gầm gừ: “Lũ nhãi ranh khốn kiếp! Chúng mày ở đâu ra mà dám xâm phạm lãnh địa cấm? Cẩn thận ta xiết nát cả lũ ra!” Thật kỳ dị quá, nó nói được tiếng người! Chuyện quái quỷ gì đang diễn ra đây? Giọng nó khè khè, rin rít, ồm ồm như gió thổi qua ống bễ, y chang một mụ già hết hơi sắp xuống lỗ tới nơi còn cố sức nguyền rủa một trận; quả thực ở đây kẻ nào cũng gọi nó là mụ Trăn, bởi chẳng biết mụ đã sống bao đời bao kiếp rồi. Mấy đứa trẻ co vào nhau run lập cập, nước mắt nước mũi đã tèm lem cả. Điệu bộ uốn éo, quằn quại cùng khóe mắt đỏ kè dữ tợn của mụ gây cho bọn trẻ sự khiếp vía tột cùng. Em Phệ hãi quá hét ầm ĩ: “Aaaaa! Tha cho Phệ!”

“Sao ta phải tha cho mi?”

“Bởi vì Phệ rất ngoan và dễ thương!”

“Khặc... khặc...” Mụ Trăn đột nhiên lăn đùng ra quằn quại, thân thể đồ sộ nảy tưng tưng trồi lên hụp xuống như động kinh. Mụ thở phì phì làm xao động cả khoảnh cỏ rộng. “Ối dồi! Ta chưa bao giờ buồn cười thế này. Mi á, ta đảm bảo sẽ nuốt con heo mi đầu tiên!”

“Không! Mi muốn nuốt thì nuốt ta đây này, và hãy tha cho các bạn của ta!” Bé Tròn can đảm đứng lên tuyên bố, cánh tay em dang rộng chắn cho các bạn.

“Sao ta phải tha cho tụi bạn mi?”

“Bởi vì các bạn đã vì ta mà lâm vào cảnh nguy hiểm này. Mẹ ta mang bệnh, đi hái cam về giải cảm cho mẹ là nhiệm vụ của ta, vậy mà ta đã làm liên lụy đến các bạn của mình... hức...”

“Hái cam? Về giải cảm cho mẹ ý hả?” Mụ Trăn tò mò, sồn sột lượn vòng quanh bọn trẻ, kẽ mắt lườm xéo thăm dò.

“Đúng vậy!” Cu Bờm bạo dạn lên tiếng. “Chúng tôi đều là những người chính nghĩa, làm những việc cao đẹp chứ ai như mụ... mụ...” Cậu chàng ngậm bặt khi nhìn bộ hàm đỏ lòm vừa há ra.

Mụ Trăn hất đầu về chỗ cây. “Chúng bây tính tới hái trộm cam trắng kia á?”

“Không, không!” Tròn lắc đầu nguầy nguậy, em liếc nhìn quanh vẻ buồn rầu. “Là quả cam màu đỏ cơ.” Thế rồi em kể lại vắn tắt sự tình, em chỉ muốn xin đổi thuốc chứ chẳng hề có ý định ăn trộm.

“Hừ! Ta chưa bao giờ nghe nói ở vương quốc Thủy Tinh này có thứ cam đó cả. Kể từ hồi ta nhận canh giữ vườn cam này của Hoàng hậu La Sát, cũng vài trăm năm rồi, chưa từng thấy xuất hiện loại quả nào có màu khác.”

Cả bọn há hốc miệng, gì mà vương quốc Thủy Tinh? Hoàng hậu La Sát? Sao mỗi lúc một kỳ lạ và khó hiểu hơn.

Cu Tũn hỏi một câu rất thực tế, có phần rụt rè vì ban nãy cu cậu cũng chứng kiến trọn cái bộ hàm gớm ghiếc kia: “Ở đây... đây là đâu vậy?”

“Hửm? Lẽ nào các ngươi không biết? Đây là địa phận vương quốc Thủy Tinh ngự trị bởi Đức vua Nợ, thuộc xứ sở Pha Lê, và ta đây vô cùng vinh hạnh được làm kẻ coi giữ khu vườn cam tuyệt đẹp này cho Hoàng hậu La Sát xinh đẹp - vợ của Đức vua.”

“Ra vậy.” Bé Tròn gật gù. “Vườn cam thuộc sở hữu của Hoàng hậu vương quốc Thủy Tinh. Thế ngoài ra Hoàng hậu còn vườn cam nào khác không ạ?”

“Cái này ta không rõ. Mi phải hỏi trực tiếp Người mới biết được... Nhưng mà... nhưng mà...” Bỗng từ khóe mắt mụ Trăn ứa ra giọt nước to cộ, tiếng khóc hu hu của mụ nghe thành tiếng phừ phừ khiến người ta nổi da gà. “Vương quốc tươi đẹp đã không còn nữa rồi... hừ hừ... lũ Phi đội Chuồn Chuồn chết giẫm, chúng chiếm mất vương quốc và làm ô uế cả vùng đất rồi. Giờ thì Đức vua, Hoàng hậu và cả Công chúa đều bị chúng giam cầm ngay tại lâu đài Mặt Trời. Tội nghiệp họ!”

“Ô, lại có chuyện đó ư?” Một đứa nói.

“Phi đội Chuồn Chuồn, chúng từ đâu đến?” Đứa khác loi choi hỏi.

“Nghe nói tận bên kia đầm Chết, chúng tràn sang cướp bóc và chiếm đánh, ai bảo vương quốc ta giàu có quá làm chi.”

Vô vàn thắc mắc, tò mò dấy lên trong những đầu óc non trẻ, nhưng bé Tròn chỉ nghĩ đến nhiệm vụ chính, liền buồn bã phân tích: “Cụ già làng nói nhất định phải có cam đỏ chữa trị thì mẹ mới khỏi được, nay ở vương quốc Thủy Tinh chỉ thấy cam trắng mà không thấy cam đỏ, mà muốn tìm cam đỏ phải hỏi Hoàng hậu, song Người đã bị giam cầm. Nhẽ nào hết cách sao?”

Mụ Trăn nhướng cặp mắt húp sụp liếc em, thầm đánh giá một lúc, sau đó mụ lại nặng nề di chuyển vòng quanh, mủi lòng nói: “Thật ra không phải là không có cách, chỉ là mi có dám hay không thôi!”

“Có gì mà không dám chứ! Vì mẹ cháu mà phải bị giam trong hốc cây suốt đời cháu cũng cam lòng!” Tròn hùng hồn khẳng định, vẻ đầy biểu cảm.

“Hé hé! Có khi mi được toại nguyện không chừng, dễ lắm. Khục khục...”

“Mong bà giải thích rõ hơn.”

Mụ thôi cười, nghiêm túc cho biết: “Nghe đây, ngoài Hoàng hậu ra thì có một người có thể giúp được ngươi, đó là Hoàng tử Cáy. Chàng sống ở một túp lều giữa rừng. Khu rừng đó khá gần lâu đài Mặt Trời nên nhiều phần nguy hiểm, ta cảnh báo trước thế. Hoàng tử hiểu biết uyên thâm, tinh thông kim cổ, tuy nhiên nếu không biết về cam đỏ, chàng sẽ có cách để hỏi ý kiến Hoàng hậu. Nhưng, muốn tới được túp lều đó thật chẳng dễ dàng, mi sẽ phải đi qua những quãng đường cực kỳ nguy hiểm. Trước tiên để đến gần trung tâm vương quốc, bọn bây sẽ phải vượt qua lối đi dưới hàng cây tăm tối kia.” Mụ quất đuôi chỉ chỉ về hướng con đường lẩn khuất bắt đầu bằng hai cây thân gỗ cao vút, tầng lá rậm rạp nối nhau bắc thành cổng vòm lớn; đứng tại chỗ này chỉ trông nó xa xăm, mờ nhạt và tôi tối.

Các em ngoảnh lại nghe mụ Trăn nói tiếp: “Phải hết sức chú ý, đi qua lối ấy sẽ gặp nhiều hiện tượng đáng sợ, từ trong các hốc cây hai bên sẽ xuất hiện những cánh tay và vọng ra tiếng kêu than thảm thiết, chúng tỉ tê xin cứu nhưng tuyệt đối đừng sờ vào chúng, kể cả bất cứ thứ gì xung quanh, nếu không sẽ phải trả giá đắt bằng việc thay thế chúng bị giam hãm trong các hốc cây muôn đời. Qua hết lối đi tăm tối thì tới hồ Mật Ong, có chiếc thuyền đậu bên bờ, hãy chèo sang bờ bên kia, và nhớ đừng để mật ngọt quyến rũ, nếm một miếng mật ong thôi cũng đủ tiêu rồi. Đến bờ bên kia, đi tiếp một đoạn là rẽ vào rừng vành đai Kim Cương, nơi đó đẹp vô cùng, nhưng sự lấp lánh giàu sang của nó chỉ hào nhoáng bề ngoài mà thôi, thực chất nó chỉ là rừng vành đai bao quanh bảo vệ cho khu rừng già, là cái bẫy dụ dỗ những kẻ tham lam, chạm hờ vào cái lá kim cương cũng đủ ru ngủ kẻ ấy vĩnh viễn. An toàn rời khỏi đó, chúng bây có thể mạnh dạn đi theo dấu chân con gà mái đẻ trứng ngọc để tới được túp lều của Hoàng tử Cáy, bởi bọn Phi đội Chuồn Chuồn tham lam thường không dám tiến vào rừng già do dè chừng khu vực rừng vành đai nhiều cạm bẫy kể trên. Còn từ đó chúng bây tự lo nốt. Ta dặn hết rồi.”

Lũ trẻ rối rít cảm ơn mụ Trăn già, hóa ra mụ trông có vẻ dữ tợn nhưng sự thực lại khá tốt bụng. Mụ bảo khỏi cảm ơn này nọ, chỉ cần nếu gặp được Hoàng hậu và Người vẫn giữ được những lọ thần dược thì xin cho mụ lọ thay da mới, mụ muốn một bộ cánh sặc sỡ hơn nữa, phải chói lóa như của bé Phệ - người mà mụ kêu là con heo con ấy.

“Và giờ thì đi đi!” Mụ nói. “Ớ mà khoan! Chúng bây định lên đường với bộ dạng kia hả?”

Vì ở đây quá ấm áp nên các cậu trai giờ mới nhận ra mình không có áo. Nhờ chỉ dẫn của mụ Trăn, các em đi kiếm nhiều nhành cây về và dùng chỉ đựng trong túi váy bé Phệ để nối, buộc, thắt nút làm thành chiếc áo khoác đi rừng màu trắng rất đẹp. Điều đáng cười là khi lục túi Phệ, cả bọn phát hiện ra vô số thứ linh tinh, đặc biệt là đồ ăn như mẩu khoai lang, vốc ngô tím đã tẽ hạt, khoanh gì gói lá tròn tròn như bánh nếp chắc mang từ nhà đi còn chưa động tới... Thú vị ở chỗ mọi thứ vẫn khô roong, cứ như em chưa từng lội nước hai lần.

Trông bọn trẻ sắp rời đi với thân không trơ trọi - bởi đồ đã để lại bên kia hết rồi - mụ Trăn bỗng thấy thương hại, bèn bày cách kiếm vũ khí phòng thân. Bọn trẻ phải đi quanh quẩn tìm những khúc gỗ, dài hay ngắn, mỏng hay dày, cong hay thẳng tùy ở thứ chúng kiếm được; tốt được xài tốt, kém đành dùng tạm. Ở đây rất hiếm củi mục nên lâu lắc chúng mới có đủ bốn cây. Sau khi gọt giũa bằng con dao nhíp cũng lại của bé Phệ xong xuôi, bước cuối cùng mụ Trăn mới bò tới nhả dãi lên từng cái. Những khúc cây thô sơ bỗng chốc biến thành cây gậy đi đường tuyệt hảo, bóng đẹp, cứng, màu sắc vằn vện trên từng thớ gỗ dường như còn tỏa ra ánh hào quang, chắc chắn nó có sức mạnh xua đuổi ác khí.

Hành trang đã đầy đủ, các em tạm biệt mụ Trăn, lần thứ ba lên đường, hướng tới lối vào con đường tăm tối dưới hàng cây phía xa.