Ván bài lật ngửa - Phần II - Chương 13

P2 - Chương 13

Nhu
nhìn Ngọc, suy tính. Tuy giữa trưa, phòng giam vẫn tối mờ, ngọn đèn điện hắt
một màu vàng, bệnh hoạn. Trần Kim Tuyến ngồi lùi sát bức tường ẩm ướt, thỉnh
thoảng chùi đôi kính cận, lặng lẽ như một nhân chứng.

Ngọc
thanh thản tựa lưng vào thành ghế, mái tóc bạc rũ xuống che vầng trán rộng. Da
anh hơi xanh: mười ngày không gặp ánh mặt trời.

- Ở
đây, ông được cư xử tốt không? – Nhu hỏi sau một lúc đắn đo tìm cách mở lời.

- Tôi
không bận tâm tới những chuyện đó. Hẳn là Bác sĩ Trần Kim Tuyến – Ngọc không
ngó Tuyến – đã tính toán chi li trong mọi trường hợp đối xử. Ngay cả về chung
cuộc, tôi còn không quan tâm nữa là…

- Tôi
hỏi thẳng ông: Ai cử ông đi liên lạc với Bình Xuyên? - Nhu sửa giọng oai vệ.

- Điều
đó có gì quan trọng? Tôi là một cán bộ, tôi hành động theo chức trách của tôi…

- Tại
sao ông xui Bình Xuyên gây phản loạn? Chính các ông luôn hô hào hòa bình kia
mà?

- Trong
một câu nói, ông phạm đến mấy lỗi, có cái thuộc văn phạm, có cái thuộc chủ đề!
– Ngọc cười hơi khinh miệt – Tôi không xúi, không xua Bình Xuyên làm bất kì
điều gì ngược với lợi ích hòa bình của đồng bào ta. Chính các ông đã làm việc
đó… Còn từ “phản loạn” ông gán cho Bình Xuyên e chưa chính xác... Ai “phản loạn”
hơn ai – giữa các ông và Bình Xuyên - cần phải xem lại!

- Ông
là một đảng viên Cộng sản, phải không?

- Tôi
chưa bao giờ nói khác…

- Một
đảng viên Cộng sản không được quyền mù quáng! Ông đi với Bình Xuyên thì được
lợi ích gì?

- Còn
nếu tôi đi với các ông thì được lợi ích gì? Bình Xuyên là một nhóm ô hợp, phạm
nhiều tội ác mà tội ác lớn nhất là phản quốc nhưng trong họ không phải không có
người còn lương tri mà đến với Bình Xuyên…

- Ông
tổ chức họ chống đối chúng tôi lâu dài?

Ngọc
không trả lời.

- Ông
tin là chúng tôi sẽ đổ? - Nhu hỏi, khiêu khích.

- Người
ta đồn Ngô Đình Nhu là một chánh khách sắc sảo. Hóa ra người ta đồn lầm… - Ngọc
dằn mạnh – Ông cho là ân huệ của Chính phủ Mỹ mãi mãi dành riêng cho gia đình
ông? Sao ông ngây thơ quá vậy? Đó là tôi chưa nói nhân dân miền Nam, họ không
dính dáng gì đến viện trợ Mỹ. Các ông đã bắt đầu “tố Cộng” rồi chớ gì? “Tố cộng”
về thực chất là tố quần chúng. Các ông dám tố quần chúng thì quần chúng dám tố
các ông. Đương nhiên là như vậy!

- Cứ
cho như ông nói đúng về cái nhân dân mà ông đơm đặt cho họ nhiều ưu điểm quá,
nhóm Bình Xuyên lại gây hứng thú cho ông, thì quả lạ lùng…

- Những
người Bình Xuyên yêu nước không hành động theo lối Bảy Viễn. Rồi ông còn đủ thì
giờ kiểm nghiệm lời nói của tôi. Và không riêng gì các giáo phái, ngay quân đội
mà ông đang cố gắng xây dựng làm lực lượng chống đỡ cho chế độ của ông, họ sẽ
chĩa súng vào ông khi họ cho là cần thiết, hoặc khi Mỹ cho là cần thiết…

Nhu rít
thuốc liên hồi, Ngọc nói những cái đáng sợ thật và những cái không phải Nhu
không một lần nghĩ tới.

- Theo
ông, Kĩ sư Nguyễn Thành Luân là người thế nào?

Nhu bất
thần đổi chủ đề cuộc trao đổi. Trần Kim Tuyến dán mắt vào Ngọc, soi mói.

- Như
thế nào là về phương diện gì? – Ngọc hỏi lại, thản nhiên.

- Chẳng
hạn như xu hướng chính trị, như thái độ đối với Bình Xuyên…

- Tại
sao ông hỏi tôi những điều ông đã quá rõ? Luân là bạn thân của tôi, trong kháng
chiến chúng tôi quen nhau, tuy không cùng nghề nghiệp. Bạn thì thân; song tôi
và anh ta khác nhau về nhiều cách nhìn. Anh ta mơ màng về một chủ nghĩa Quốc
gia nào đó. Sự ấu trĩ của anh ta – như sai lầm của chính tôi vào thời gian đầu
cách mạng – đôi khi khiến chúng tôi bất hòa. Anh ta không thích Bình Xuyên, kể
cả những người không giống Bảy Viễn…

- Gần
đây, ông thấy ông Luân có những đổi thay gì đáng kể?

- Anh
ta ngày mỗi ngày mỗi mơ màng hơn. Chủ nghĩa Quốc gia nói chung đã là một hư ảo
mà việc khoác cho anh em ông cái áo Quốc gia lại càng hài hước… Vĩnh viễn tôi
với anh ta không thể dung hòa được quan điểm đó… Mặc dù, vĩnh viễn tôi với anh
ta là bạn thân.

- Ông
Luân biết tin ông bị bắt chưa?

- Tôi
nghĩ là chưa… Chúng tôi liên lạc với nhau rất thưa.

- Ông
tin là ông Luân sẽ tìm cách cứu ông?

- Luân
là người trọng tình bạn. Còn việc cứu tôi thì chắc anh ta không làm nổi.

- Tại
sao?

- Đơn
giản quá mà… Tôi không tin ở chủ nghĩa Quốc gia của các ông – và bây giờ cũng
là của anh ta – và tôi không thể nào từ bỏ lí tưởng Cộng sản mà tôi thiết tha
để đổi lấy tự do cá nhân. Các ông không đời nào chấp nhận cho một người thù
địch về ý thức hệ với các ông được sống sót và hoạt động trong cùng các ông cai
quản. Nguyễn Thành Luân tôn trọng tôi, sẽ không muốn tôi thành một tên phản bội
và anh ta không chịu khuyên tôi trá hàng... Đơn giản như vậy! – Ngọc nói rành
rọt.

- Ông
là một người cuồng tín! – Nhu kêu to – Ông bít tất cả đường sống của ông, ông
có biết điều đó không?

Ngọc
cười buồn:

- Tôi
không thích kéo dài sự thăm dò không cần thiết.

- Kĩ sư
Luân có một bạn gái, đúng hơn, có một người yêu… Ông có biết cô ấy? – Trần Kim
Tuyến hỏi.

- Thế
à? – Ngọc vui hẳn, nhưng Nhu bận trầm tư nên không để ý một thoáng bối rối
trong mắt Ngọc – anh hoàn toàn không hay biết việc nầy và, khi biết thì anh
hiểu ngay vai trò của người bạn gái ấy đối với Luân.

- Tôi
nghe Luân nói về một cô bạn gái, nhưng vì mối quan hệ giữa hai người lúc đó còn
chưa rõ nên anh ấy không giới thiệu với tôi.

- Ông
có yêu cầu gì không? – Nhu hỏi.

- Có!
Tôi muốn gặp Luân…

- Yêu
cầu của ông sẽ được giải quyết…

*

Cuộc
xung đột bước sang ngày thứ ba. Trừ bót Catinat và quán Théophile ở Đakao, toàn
bộ lực lượng Bình Xuyên rút qua bên kia cầu chữ Y và quanh vùng Cầu Muối, cầu
Ông Lãnh, Xóm Chiếu, Xóm Củi…

Tổn
thất hai bên khá nặng nhưng thiệt hại của dân lại nặng hơn nhiều: hàng nghìn
người chết và bị thương, hàng vạn nhà cháy. Ủy ban cứu trợ nạn nhân cuộc xung
đột được thành lập khẩn cấp và Tổng trưởng Xã hội Nguyễn Mạnh Bảo được bầu làm
chủ tịch. Nhưng, một phong trào quần chúng sâu rộng mới là cái quan trọng.
Riêng cái tên của Ủy ban cũng dấy lên sự tranh cãi giữa Chính phủ và các nhân
sĩ: Chính phủ muốn ủy ban mang tên Ủy ban cứu trợ nạn nhân phản loạn Bình
Xuyên, các nhân sĩ kiên quyết không đồng ý. Sau cùng, Chính phủ nhượng bộ.

Hoạt
động chính trị còn sôi nổi hơn cả tiếng súng. Tướng Nguyễn Thành Phương và
Trịnh Minh Thế đồng kí vào một thông cáo tố cáo “thực dân” và “phản loạn” gây
chia rẽ, đổ máu, phủ nhận lịnh của Quốc trưởng chỉ định tướng Nguyễn Văn Vĩ làm Tổng tham mưu trưởng. Một Hội đồng nhân dân
cách mạng ra đời, do Nguyễn Bảo Toàn đứng đầu, đẩy nội dung cuộc tranh chấp đến
chỗ cốt tử của nó: sự tồn tại của Bảo Đại.

Ngày
30-4, gần trưa, tại Dinh Độc Lập, tướng Nguyễn Văn Vĩ yết kiến Thủ tướng. Nhu
quyết định một nước cờ và Diệm đồng ý. Đáng lẽ Vĩ chỉ được một mình Thủ tướng
tiếp để Vĩ chính thức trao lệnh của Quốc trưởng bổ nhậm ông làm Tổng tham mưu
trưởng; hàng chục sĩ quan cấp tướng đã có mặt, trong đó có hai đại tá vừa được
Diệm thăng quân hàm thiếu tướng là Trần Văn Minh và André Trần Văn Đôn…

- Thưa Thủ
tướng, đây là sắc lệnh của Quốc trưởng… - Vĩ ấp úng mãi rồi mới nói. Vẻ mặt
đằng đằng sát khí của các tướng lĩnh đã hốt hồn ông ta. Ông ta thầm nghĩ mình
dại dột nghe lời De Chauvine phiêu lưu vào Dinh Độc Lập.

- Tướng
quân cứ đến trao sắc lệnh cho ông Diệm. Không ai dám làm điều gì thất lễ với
tướng quân đâu. Tướng quân buộc ông Diệm ra lệnh cho tướng Tỵ giao quyền cho
ông. Tổng thống Mỹ Eisenhower đã cam kết với chúng tôi là Mỹ không can thiệp
vào việc này.

Chuyện
nghe rất dễ ăn của De Chauvine coi mòi khó nuốt trôi. Nhưng dù sao Vĩ cũng phải
mở miệng.

Diệm
nhận tờ giấy đánh máy, liếc qua. Thật tình, ông đã nhận bản sao điện tín từ mấy
hôm trước.

- Tôi
biết việc nầy rồi… - Diệm nói – Tuy nhiên, đây là việc liên quan đến cơ quan
quân sự, tôi không thể tự mình giải quyết nên cho mời các ông trong Bộ Tổng
tham mưu đến. Lịnh của Quốc trưởng tất nhiên không thể không thi hành, song,
phải do các tướng lĩnh thu xếp với nhau. Chính phủ công nhận người nào được các
tướng lĩnh tín nhiệm, ông hay ông Tỵ, ai cũng tốt…

Diệm
nói chậm rãi, trong lúc các tướng chuyền nhau đọc tờ sắc lệnh.

- Tại
sao lại thay đổi Tổng tham mưu trưởng trong lúc súng nổ rền? – Trần Văn Minh
bắn tín hiệu.

- Mà
khi hết phiến loạn Bình Xuyên, cũng không thay đổi. – Thiếu tướng Cao Đài Lê
Văn Tất gầm gừ.

-
Chuyện nầy có cái gì mờ ám bên trong… - Thiếu tướng Trần Văn Đôn nhún vai – Tôi
nghe tin tướng Hinh về nước, đang dừng chân ở Calcutta. Hình như một sự…
(ông ta lúng túng tìm một từ Việt) une Conspiratipn…

- Một
âm mưu… - Lê Văn Tỵ dịch giúp Đôn.

- Phải,
một âm mưu… Tôi phản đối tới cùng.

Tướng
André vừa nghỉ cuối tuần ở Long Hải, da dẻ đỏ au. Không rõ có phải tình cờ
không mà bà cố vấn Ngô Đình Nhu cũng nghĩ cuối tuần ở Long Hải. Điều rõ ràng là
tướng Đôn đang ở trong thần thái thỏa mãn và sẵn sàng ủng hộ Thủ tướng như một
hiệp sĩ…

- Đã
vậy, tôi phải gửi điện khẩn trình bày với Quốc trưởng và chừng đó các ông đừng
trách tôi!

Lời đe
dọa không đúng lúc của Vĩ khiến phòng họp cười ồ. Người không cười là trung
tướng Cao Đài Nguyễn Thành Phương. Phương đột ngột vỗ bàn:

- Ông
Vĩ phạm tội làm rối lòng quân trong lúc đất nước gặp khó khăn. Một con người
như vậy không xứng đeo lon sĩ quan cao cấp. Tôi đề nghị Thủ tướng ra lệnh bắt
ngay ông Vĩ!

Nguyễn
Văn Vĩ hoàn toàn không ngờ tình thế lại có thể xấu đến mức đó. Nguyễn Thành Phương
mặc dù bề ngoài nho nhã, nổi tiếng
là hung thần. Gã đang muốn tâng công với Ngô Đình Diệm.

Vĩ bối
rối, đưa mắt tìm người khả dĩ nương tựa được trong hồi nguy nan nầy. Chẳng có
ai! André với ông vốn là bạn, nhưng bây giờ cậu ta tự nguyện làm nô lệ cho Trần
Lệ Xuân, như thiên hạ đồn đãi. Vĩ đành nhìn về Ngô Đình Diệm cầu cứu. Mặt Ngô
Đình Diệm lại lạnh như tiền.

Viên sĩ
quan hầu cận rón rén lại gần Diệm, nói nhỏ. Diệm gật đầu, đứng lên, bảo:

- Các
ông bàn tiếp, tôi có chút việc, vắng mặt giây lát. Ý kiến của trung tướng
Phương rất đúng đó!

Không
có Diệm, cuộc họp tẻ nhạt hẳn. Các tướng bỗng thấy ngượng nghịu, trừ Nguyễn
Thành Phương.

Nhu và
Luân chờ Diệm ở trong phòng.

- Anh
Luân không tán thành việc bắt giam hay quản thúc tướng Vĩ. – Nhu nói – Em và
anh ấy tranh luận nẫy giờ, lần lần em thấy anh ấy có lí. Cho nên mời anh vào,
ta trao đổi thêm…

Diệm
ngồi xuống ghế và ra hiệu cho Luân nói.

- Thưa Thủ
tướng, quan điểm của tôi tóm tắt như sau: Một, tướng Vĩ không là cái gì đến nỗi
phải dùng biện pháp mạnh, dùng biện pháp mạnh trong trường hợp này chỉ cho thấy
ta đánh giá quá cao các sĩ quan thân Pháp. Hai, giam giữ tướng Vĩ sẽ đẩy số sĩ
quan cùng cảnh ngộ như tướng Vĩ ngả về phía chống Chính phủ; mà số đó đang nằm
trong các đơn vị chính quy của Chính phủ. Ba, chạm tự ái Pháp, điều ta nên
tránh. Bốn, cứ để tướng Vĩ tự do, hoặc ông ta cuối cùng rồi sẽ đổi thái độ,
hoặc ông ta liều lĩnh, khả năng sau cho phép Chính phủ mạnh tay mà không gây ra
bất cứ phản ứng xấu nào.

Diệm
cắn môi suy nghĩ một lúc…

Trưa
hôm đó, Diệm đãi cơm tất cả các tướng lĩnh và không đả động gì đến việc bắt
giam tướng Vĩ. Thấy Thủ tướng bỏ qua, không ai nêu lại vấn đề, kể cả Phương.
Tướng Phương biết nịnh vào lúc nào là khôn ngoan, vào lúc nào là dại dột. Còn
tướng Vĩ, hú hồn, chọn chiến thuật: im lặng là vàng y hiệu Nguyễn Thế Tài!

Chiều
hôm đó, Hội đồng nhân dân cách mạng họp ở Tòa Đô chính ra tuyên cáo đòi truất
phế Bảo Đại, giao cho Ngô Đình Diệm lập Chính phủ mới, dẹp phiến loạn, thu hồi
chủ quyền quốc gia trọn vẹn và triệu tập Quốc hội…