Ván bài lật ngửa - Phần II - Chương 14

P2 - Chương 14

Ngày
1-5.

Một
hiện tượng độc đáo bao trùm thành phố Sài Gòn. Giữa tiếng súng – thỉnh thoảng
xem vài phát đại bác – và giữa những đám cháy khói bốc cao lưng chừng mây, hàng
trăm nghìn dân chúng chạy dồn vào trung tâm thành phố. Hai chiếc tàu Marine
Serpent và Marine Adler của hải quân Mỹ trút lên bến gần một vạn dân di cư, họ
ngơ ngác trước cảnh chiến tranh mà họ ngỡ là thôi không còn gặp nữa. Cả một khu
vực toàn lều vải được hối hả dựng lên trong và quanh trường đua Phú Thọ.

Cách
chẳng bao xa bót Catinat – nơi một toán Bình Xuyên đang cố thủ - Tổng liên đoàn
lao động của Lê Văn Thốt kết hợp với lực lượng thợ thuyền của Nguyễn Khánh Vân
tổ chức mít tinh nhân
ngày Quốc tế lao động bên cạnh một cuộc mít tinh khác của Tổng công đoàn lao
công Thiên chúa giáo do Trần Quốc Bửu cầm đầu. Nhiều diễn giả nói chuyện. Đề
tài hòa bình được khai thác nhiều nhất. Nhóm Lê Văn Thốt còn nêu nguyện vọng
cải thiện đời sống, thực hiện dân chủ và yêu cầu chính quyền hai miền sớm hiệp
thương, đặt quan hệ bình thường để tiến tới tổng tuyển cử thống nhất nước nhà.
Nhóm Trần Quốc Bửu đả kích Thực – Phong và cũng có vài diễn giả hô hào chống
Cộng. Trước Tòa Đô chính, năm tiểu
đoàn và hai đại đội dưới quyền của đại tá Thái Hoàng Minh, tham
mưu trưởng Bình Xuyên, làm lễ quy thuận Chính phủ.

Thêm
hai lực lượng mới tham chiến: một đơn vị Ngự lâm quân từ Đà Lạt xuống, kèm
chiến xa, chiếm Nha Bưu điện, tạo thế ỷ dốc cho nhóm Bình Xuyên trong bót
Catinat và chiếm Đài phát thanh quân đội cùng Ngân hàng Nhà nước. Lực lượng kia
là quân của tướng Trịnh Minh Thế. Thế tình nguyện đi tiên phong đánh vào hang ổ
Bình Xuyên.

Đài
phát thanh quân đội phát nhật lệnh của Nguyễn Văn Vĩ, tổng tham mưu trưởng. Vĩ
ra lệnh cho binh sĩ phải ngưng nổ súng, chờ đại diện của Quốc trưởng mang chỉ
thị đặc biệt về nước. Đại diện Quốc trưởng nói ở đây là tướng Nguyễn Văn Hinh,
ông rời Calcutta nhưng không bay thẳng đến Sài Gòn, lại ghé Nam Vang, hẳn còn
nghe ngóng tình hình.

Đài
phát thanh Sài Gòn phát nhật lệnh của Lê Văn Tỵ, tổng tham mưu trưởng. Tỵ ra
lệnh cho Ngự lâm quân phải rút ngay tức khắc khỏi thành phố, trở về doanh trại.

Những
người bình luận thời sự sau này giả định nếu tướng Vĩ dám nổ súng, ông Diệm ắt
gặp khó khăn lớn. Nhưng tướng Vĩ – và cả tướng Hinh nữa – phải đâu sinh ra để
hành động có mục đích, lí tưởng, lí tưởng gì cũng được. Họ như những cái máy,
bất cứ việc nhỏ việc to đều do chủ bấm nút, giật dây. Và, Chính phủ của họ,
người Pháp, đã mất quyền quyết định vấn đề Đông Dương… Cho nên, giả định kia là
không có cơ sở.

Giữa
trưa, Ngự lâm quân không kèn không trống rời các điểm, lếch thếch kéo về Đà
Lạt. Một số Bình Xuyên cố thủ trong bót Catinat tiếp tục bỏ trốn…

*

Trịnh Minh Thế tung lực lượng Cao Đài liên minh vào
trận là sự kiện có ý nghĩa tinh thần đối với cả hai phe. Quân Chính phủ được cổ
vũ. Bình Xuyên thì hoang mang.

Chiều
ngày 2-5, khi quân Chính phủ chuyển sang phản công với hai trung đoàn bộ binh,
ba tiểu đoàn dù bao một vòng rộng từ cầu chữ Y vô cầu Nhị Thiên đường và Xóm
Củi thông đến Cần Giuộc, ba nghìn quân
của Trịnh Minh Thế ồ ạt đánh vào tuyến chính diện mà mục tiêu là đại bản doanh
Bình Xuyên.

… Bộ
chỉ huy Bình Xuyên chờ cuộc phản công với tâm trạng chờ thua. Bảy Viễn thực tế
đã suy sụp ý chí khi Paul Ely cho
biết quân Pháp không thể làm gì được trong hoàn cảnh hiện thời, ngoài việc sẽ
cố gắng chuyển gia đình của các thủ lĩnh Bình Xuyên bằng trực thăng và tàu nhỏ
ra tàu chiến Pháp đậu ngoài khơi Ô Cấp.

Bao
nhiêu điều Bảy Viễn ôm ấp, bỗng chốc tiêu tan. Mặt trận Toàn lực Quốc gia không
có một hoạt động hợp đồng nào như cùng thỏa thuận long trọng bằng giấy trắng
mực đen. Trái lại, quân Cao Đài trở giáo, một bộ phận quân Hòa Hảo thề trung
thành với Diệm. Léon Leroy bận bịu với bầy vợ lẽ, thay vì đánh vào Bến Tre và
Mỹ Tho như y hứa thì thu xếp của cải sang ở hẳn bên Pháp. Quân Pháp, các sĩ quan
Việt chịu ảnh hưởng của Pháp giữ thái độ trung lập khó hiểu. Bức tranh mà các
cố vấn của Bảy Viễn phóng bút đầy màu sắc rực rỡ mỗi lúc một xám xịt. Tướng Vĩ,
tướng Hinh, ngoài cái mã bảnh bao, không làm nên một trò nào coi được. Và Quốc
trưởng, ông ta tiếp tục lú lẫn…

Các bộ
hạ của Bảy Viễn tính sổ và càng tính sổ họ càng nhận ra rằng Bảy Viễn, đảng
trưởng của họ, không có khiếu chính trị. Cách suy nghĩ và hành động du côn mà
ông ta tiêm nhiễm không còn hợp thời nữa.

Dẫu
sao, hai chiếc trực thăng luôn sẵn sàng. Vấn đề là chở thêm cái gì thêm trên hai chiếc trực thăng đó.

Nhóm
quân sư của Bình Xuyên sợ mất mật. Cữ ngỡ là huênh hoang cho đã miệng, sẵn rượu
thịt và gái, núp dưới cái ô Bình Xuyên mãn kiếp, ai dè trời đất xoay vần như
thế nầy… Hồ Hữu Tường là người đau khổ nhất trong bọn. Vốn chuyên nghề ngụy
biện, Tường được Bảy Viễn trọng vọng và ông ta nghiễm nhiên là nhân vật số hai trong Ban cố vấn chính trị Bình Xuyên – chỉ sau Lại
Hữu Tài. Hồ Hữu Tường phát biểu trong hàng trăm cuộc họp về nào là chiến lược
Đông Nam Á, nào là chiến thuật Việt Nam trước vận hội mới v.v… Bẻm mép xạo,
Tường bao giờ cũng tự tạo kiểu cách một nhà triết lí, một nhà chính trị siêu
hạng, giải đáp tất cả thắc mắc của người khác. Bây giờ, nhìn sang bên kinh Tàu
Hủ, thấy quân lính Ngô Đình Diệm súng ống kìn kìn, Tường rụng rời tay chân. Các
cố vấn và chỉ huy khác lại không quên những điều mà Tường tiên tri – Diệm không
thể đánh Bình Xuyên vì cái “thế” của Diệm và vì trận đồ đã lập xong, miền Tây
có Hòa Hảo, miền Đông có Cao Đài, Sài Gòn có Bình Xuyên và quân quốc gia vốn
luôn luôn trung thành với Quốc trưởng, Cao nguyên có Ngự lâm quân của tướng Vĩ
– cứ mắng xéo ông ta là thằng nói dóc. Thét rồi Tường đành năn nỉ: Các anh chấp
nhất làm chi, chẳng qua tôi múa mỏ để kiếm cơm!

Cả bộ
máy chỉ huy Bình Xuyên đồ sộ rốt cuộc còn mỗi cái đầu của Lại Văn Sang là có
phần tỉnh táo. Ông ta cay đắng nhớ những cam kết giữa Bảy Viễn với Phạm Công
Tắc, Năm Lửa, Nguyễn Văn Vĩ và không ai biết từ ngày 28-4, Bình Xuyên đơn
thương độc mã xung trận. Nói lực lượng Bình Xuyên thực tế là Công an xung
phong, con ruột của Sang.

Ông ta
đắn đo. Ông ta linh cảm là De Chauvine hứa ẩu. Nhưng, ngày 26-4, tại phiên họp
đặc biệt, Bảy Viễn quyết định nổ súng – lần nầy, tổng tấn công. Hiệu lịnh cho
tất cả lực lượng chống Diệm – theo Bảy Viễn – là điện của Bảo Đại, một thứ quy
ước cần được hiểu như Chính phủ Pháp đã bật đèn xanh.

Bản đồ
Sài Gòn, Nam phần, Trung phần đầy mũi tên. Thậm chí, Bộ tổng chỉ huy đã đủ các
tay sừng sỏ: Trung tướng Nguyễn Văn Hinh, thiếu tướng Nguyễn Văn Vĩ, thiếu
tướng Lê Văn Viễn, thiếu tướng Lê Quang Vinh, thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, đại
tá Nguyễn Tuyên…

Sang
không tin sẽ có sự hợp đồng. Cho nên, tại Sở chỉ huy, ông chẳng màng đến hàng
chục máy truyền tin xếp thành hàng đội nhận thông báo chiến sự các vùng khác.
Và, đúng như ông đoán, chẳng có máy nào lên tiếng. Ngay chủ tịch Mặt trận, ông
ta cũng im lìm trong Trí Huệ cung.

Trưa
28-4, Sang đích thân thị sát khu vực chiến sự. Cuộc nói chuyện bất ngờ giữa ông
và Kĩ sư Nguyễn Thành Luân càng khẳng định trong ông giờ tàn cuộc của Bình
Xuyên đã điểm.

- Chào
ông kĩ sư!... Tôi là Sang đây.

- Chào
đại tá! Tôi hoàn toàn không hiểu vì sao các ông phiêu lưu vào cái chỗ đồng
nghĩa với sự sụp đổ… Riêng đại tá, ông tin cái gì? Quân đội Pháp? Quân đội quốc
gia? Các giáo phái? Sẽ chẳng có cái gì hết! Càng kéo dài đánh nhau ở thành phố
càng gây thiệt hại cho đồng bào, càng khiến Bình Xuyên bị oán ghét và, thật
giản dị, quân của đại tá sẽ bị tiêu diệt...

- Bây
giờ, tôi phải làm gì?

- Rút
ngay sang bên kia sông. Bỏ Tổng hành dinh. Sẵn sàng thuyền bè vượt sông Soài
Rạp…

- Tháo
chạy à?

- Nếu
các ông không muốn, một tai họa còn kinh khủng hơn: quân của các ông bị bắt
buộc phải đầu hàng hoặc bị giết sạch! Các ông làm việc lớn với kiểu cách trẻ
con! Tôi không thể không nói thẳng với đại tá: Các ông cực kì ngu xuẩn. Bây giờ
hãy đề phòng Trịnh Minh Thế…

Lại Văn
Sang hoàn toàn không tự ái về lời lẽ nặng nề của Luân. Ông vẫn từ tốn:

- Cảm
ơn ông kĩ sư… Bà kĩ sư..

- Tôi
phải cảm ơn đại tá. Nhờ đại tá giúp nhà tôi ngược ra Sài Gòn an toàn.

- Tôi
đảm bảo với ông kĩ sư… Không hiểu rồi trong tương lai, chúng ta còn có dịp gặp
nhau không, tôi ân hận là biết ông kĩ sư quá muộn… Chúc ông kĩ sư gặp mọi điều
may mắn…

… Sang
đi lại giữa phòng khách Tổng hành dinh. Đạn cối và tiểu pháo rơi ngoài rào. Từ
các cao điểm đối diện, súng máy quân Diệm bắn như mưa sang ngôi nhà cao tầng,
đại diện quyền uy của Bình Xuyên ngót mươi năm nay. Trời bắt đầu nhá nhem.

Trước
đó nửa giờ, Sang nổi nóng với Bảy Viễn – chưa bao giờ ông làm như vậy với một
người, dù chẳng ra gì, vẫn là bậc đứng đầu Bình Xuyên.

- Tin
tức các mặt trận ra sao?

Sang
chợt nhớ lời Luân: các ông cực kì ngu xuẩn.

- Có
bao nhiêu mặt trận mà kêu bằng các mặt trận? – Sang trả lời nhát gừng.

- Thì
Tây Ninh, Long Xuyên…

- Họ
đang nhậu!

- Sao?
Mầy ăn nói vậy hả?

- Tới giờ nầy mà anh còn chưa tỉnh, lạ thật. – Sang rít
– Tụi nó hi sinh Bình Xuyên, Bình Xuyên hi sinh Công an xung phong của tôi, anh
rõ chưa?

- Cái
gì mà hi sinh?

- Chẳng
thằng nào nổ súng ráo. À, có một thẳng nổ súng, đó là thằng Trịnh Minh Thế. Mà
nó nổ vô đây, vô Bình Xuyên! Nó sắp vượt cầu chữ Y. Anh muốn hỏi thăm nó, cứ
ngồi đợi!

Một quả
pháo 75 li lao tới và nổ ầm ngay
sân, xô cột cờ nghiêng về một bên. Bảy Viễn tất tả rời Tổng hành dinh không căn
dặn Sang lấy một lời, bởi ông ta cho cột cờ nghiêng là điềm chẳng lành.

Hai
trực thăng khởi động. Bảy Viễn chở tất cả những cái gì có thể chở được – các
vali nặng trịch. Nhưng, chỉ một chiếc trực thăng dời sân cỏ,
chiếc kia quay cánh quạt tại chỗ. Người lái trực thăng, một sĩ quan Pháp, không
đồng ý mang tài sản của Bảy Viễn đi – nhất là tài sản của Bảy Viễn đã được
chuyển trên cả một chiếc tàu to, trước đây mấy hôm – mà bỏ lại đại tá Sang. Các
vali bị sứt xuống sân cỏ.

Hằng
mấy chục “cố vấn” ùa quanh trực thăng. Họ xin được cứu. Viên phi công lắc đầu.

- Quân
Cao Đài liên minh chiếm dốc cầu phía Chánh Hưng rồi!

Đội bảo
vệ Tổng hành dinh báo cáo bằng phonie với Sang. Từ khi Bảy Viễn chạy trốn, Sang
ngồi miết trên ghế, quên cả phì phò chiếc píp.

- Đại
tá lên trực thăng! – Tiểu Phụng dịu dàng bảo Sang.

- Còn
cô?

- Em sẽ
đi bằng lối của em.

Sang
không nói gì, nhìn cô gái ung dung, ông nghĩ: Các điệp viên đều như vậy.

Ly Kai
hớt hải hiện ở cửa. Sang ra hiệu cho Tiểu Phụng sang phòng bên.

- Ông Ly
Kai! – Sang nói, giọng bình tĩnh – Tôi biết ông là người của Ngô Đình Nhu từ
lâu…

Ly Kai
nép vào góc cột, mở chốt an toàn khẩu súng ngắn. Mặt gã trắng bệch. Đáng lẽ gã
cao chạy xa bay từ hôm qua, song Tuyến ra lệnh cho gã bám Tổng hành dinh đến
phút chót – nhận diện và tìm tài liệu về số Bình Xuyên sẽ được cài lại. Gần kề
cái chết, Ly Kai vùng vẫy. Gã cố không run giọng:

- Không
phải là chuyện quan trọng bây giờ. Bây giờ tôi mong đại tá suy nghĩ. Theo tôi,
đại tá nên ở lại với Chính phủ. Tôi đảm bảo cho đại tá…

Sang
bật cười thật giòn:

- Ly
Kai! Tao đã ngu mà mầy còn ngu hơn… Dẫu còn nửa giây thì Tổng hành dinh bị
chiếm, tao vẫn đủ sức cho mầy vĩnh viễn không về Tàu được! Nhưng, tao không
giết mầy. Tao muốn mầy sống để nói với thằng Nhu: Tao thua nó vì tao quá con
nít. Đời còn dài, thằng Nhu đừng vội đắc chí... Mầy, mầy liệu mà lủi cho lẹ,
lính của tao không rộng lượng như tao đâu…

Sang
không nói không sai: hai vệ sĩ chỉ chờ Sang gật đầu sẽ xả hết băng tiểu liên
vào Ly Kai, như đã từng xả vào Sáu Thưng.

Ly Kai
không dám nấn ná, gã vọt nhanh ra bờ sông.

- Hạ lịnh
cho rút về Rừng Sác! – Sang nói vào bộ đàm.

- Chúc
cô bình an!

Sang
bắt tay Tiểu Phụng.

Hồ Hữu
Tường, Trần Văn Ân và số cố vấn bao quanh Sang. Cận vệ của Sang phải bắn chỉ
thiên mới đưa Sang lại được cầu thang trực thăng.

- Các
ông ở lại! - Sang bảo – Các ông đã hại chúng tôi đến nỗi nầy, theo làm gì nữa?
Lưỡi các ông vẫn dẻo, xương sống chưa cứng, các ông không chết đâu, đừng sợ!

Trực
thăng từ từ nhấc lên. Sang nhìn khu Tổng hành dinh, thở dài…

… Ly
Kai định lội sông. Hắn vừa tụt quần áo xong thì một khẩu súng ngắn kê sát lưng
gã.

- Mầy
trốn hả? – Một sĩ quan Bình Xuyên quát.

- Ông
đại tá tha tôi mà!

- Lại
Văn Sang tha mầy, lính Bình Xuyên không tha… Đồ khốn nạn!

Nhưng Ly
Kai, bằng một thế võ, đã phóng xuống nước trước khi viên sĩ quan Bình Xuyên bóp
cò…