Ván bài lật ngửa - Phần III - Chương 04

P3 - Chương 4

Nhu rít
hết hơi thuốc này đến hơi thuốc khác. Trước mặt anh ta, một linh mục đẫy đà,
tóc cắt ngắn, áo chùng đen, ngực lủng lẳng tượng Chúa.

- Con
phải hạ lệnh tống giam tên trung úy cảnh sát đã đưa lính đến can thiệp, cho bác
sĩ Tuyến bắt và điều tra ngay con Thùy Dung nào đó, cảnh cáo giám đốc cảnh sát
đô thành và tổng giám đốc cảnh sát quốc gia! Bọn ăn hại! Con ra lệnh trong vòng
ba ngày phải lôi cho ra kẻ bắn chết thiếu úy Vũ Đình Chu. Trong ngành cảnh sát
thôi. Đạn Vesson mà!

Giọng
ông linh mục thật hách. Đôi mắt lươn ti hí của ông không thèm ngó Nhu.

Nhu cố
kềm chế.

- Cha
đợi kết quả. Con cho biết bao giờ thì ý cha được thi hành?

- Cha
nói hết chưa? – Nhu dụi thuốc. Anh ta nhỏm dậy, ém từng lời trong kẽ răng:

- Cha
hành động mà không hỏi ai hết! Cha đọc tin trên báo này thì biết.

Nhu đẩy
tờ Tiếng chuông sang ông linh mục. Báo chạy “tít” màu đỏ, suốt tám cột: “Côn đồ nổ lựu đạn giết nghệ sĩ.” Ông linh mục
cầm tờ báo, liếc qua, rồi vứt xuống bàn, lấy khăn lau tay, nói lạnh lùng:

- Con
ra lệnh đóng cửa tờ báo Cộng sản này nội hôm nay!

- Thế,
có cần đóng cửa trụ sở hội Ái hữu nghệ sĩ, cấm đoàn Kim Thoa và lôi quan tài
nạn nhân vứt ra đường không? - Nhu hỏi thô lỗ.

- Làm
chính trị mà nhân đạo kiểu con, có ngày chết không đất mà chôn! - Linh mục vẫn
khinh khỉnh – Cha cho con hay, hôm nay giáo dân Hố Nai, Xóm Mới biểu tình đập
phá rạp Nguyễn Văn Hảo, đánh cho tụi nào dính đến tuồng “Lấp sông Gianh” một
trận tơi bời...

- Cha
ra lịnh?

Linh
mục cười mỉa:

- Tất
nhiên!

Nhu vụt
đứng lên. Linh mục bấy giờ mới ngó theo anh ta. Nhu lại máy nói, quay số, tay
run bần bật:

- Alô!
Tôi, Nhu đây – Giọng Nhu khản đặc – Tôi muốn nói chuyện với trung tướng tổng
tham mưu trưởng... Nhanh lên! – Trong lúc chờ đợi, tay Nhu nhịp liên hồi trên
bàn – Ông Tỵ đó phải không? Tôi, Nhu... có mấy việc: Một, ông cho cấm trại số
An ninh quân đội vào đêm hôm qua có mặt ở rạp Nguyễn Văn Hảo... Phạt một tuần
trọng cấm trung tá phó giám đốc Nha an ninh quân đội... Sao? Ông Mai Hữu Xuân
không đồng ý à? Phạt ông ta luôn! Sẽ xét sau vụ truy tố... Ông ghi kĩ cho. Hai, điều ngay ba đại đội dù, trong
tư thế sẵn sàng chiến đấu, dẹp tất cả trò biểu tình bất kì ai... Cho phép lính
dù được tước vũ khí các đám quân nhân biểu tình, giam giữ tụi nó. Ai chống cự
bằng vũ khí thì lính dù được phép bắn! Bảo vệ rạp Nguyễn Văn Hảo trụ sở hội Ái
hữu nghệ sĩ, đoàn hát Kim Thoa... bảo vệ lễ cầu siêu các nạn nhân, giúp họ an
toàn đưa đám... Di cư à? Tôi cho quyền ông tống giam tất... Cả linh mục làm
xằng, cách li tạm thời. Xin ý kiến giám mục? Tôi đồng ý... Chào trung tướng...

Nhu gác
máy, trở lại chỗ ngồi. Linh mục tái mặt.

- Con
xử sự với cha như thế sao?

Nhu bốp
chát:

- Thế
cha không tự hỏi cha xử sự như vậy thì còn ra cái thể thống gì nữa. Ở đây không
phải là Bùi Chu, Phát Diệm! Cha không còn là tổng chỉ huy bộ tự vệ!

Chuông
điện thoại reo, Nhu đến, cầm ống nghe.

- Vâng,
tôi, Nhu đây... Chào giáo sư Mẫu... Thế à? Ông bà Unu, có thể hỏi chúng ta vụ
Kim Thoa sao? Chà... Rối quá... Tùy giáo sư... Cứ cho là kẻ giả làm an ninh quân
đội... Đang điều tra... Đại sứ Mỹ Rheinardt cũng hỏi à? Tôi sẽ trực tiếp trả
lời đại sứ...

Nhu ngó
xéo linh mục:

- Cha
thấy đấy, Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu đang rối ruột vì... Xin lỗi cha, tôi đành phải vô lễ, vì
cái kém thông minh của cha! Ông bà Unu đang là quốc khách của ta, họ chẳng hiểu
ta làm ăn thế nào. Họ vừa ở Hà Nội vào, ngoài đó đâu có loạn xạ như vầy... Quái
lạ thật! Làm chính trị vào thời đại này mà cha ngỡ như vào thời buổi trung cổ,
không bằng!

- Anh
không được xấc xược! Tôi có quần chúng trong tay, anh hiểu chưa? Anh có cái gì?
- Linh mục nhìn Nhu thách thức.

- Thế
à? - Nhu làm vẻ kinh ngạc – Cha có quần chúng ư? Quần chúng ngu xuẩn như mấy
thằng ném lựu đạn vừa rồi, tôi bắn ráo! Tôi không yêu cầu cái tuồng xỏ lá đó...
Tôi không yêu gì bọn nghệ sĩ bị Cộng sản đầu độc đó... Song, tôi cũng ghét lũ
người cục súc, chẳng biết lường hậu quả chính trị... Ai đời, Hiến pháp vừa ban
bố, lại chào Hiến pháp bằng lựu đạn, loại tấn công, mới chết chứ! Thằng nào hạ
tay thiếu úy cưng của cha, tôi mà biết được, tôi gắn mề đay ngay... Nó đỡ cho Chính
phủ bị nhục, bị chửi... Tôi sợ cái thằng đó lại là thằng Cộng sản, ta mới bí
lối... Quốc gia giết nghệ sĩ, Cộng sản trừng phạt kẻ giết nghệ sĩ!... Sao, cha
thấy chỗ hay ho đó chưa?

Nhu rít
thuốc, lừ lừ nhìn linh mục:

- Còn
cha, nếu cần tôi nói với Đại sứ Rheinardt một tiếng, quỹ cứu trợ dân di cư chuyển qua người khác, là xong! Là hết sạch
quần chúng...

Linh
mục vụt xìu xuống. Ông ta không biết làm gì, hai tay chùi lia lịa mặt bàn đầy
sợi thuốc cả tàn thuốc.

- Thôi
được! Ta rút kinh nghiệm. Con cho hủy lệnh bố trí lính dù đi, kẻo náo động dân
chúng... Mà, cũng thương giùm số
An ninh quân đội bị phạt... Có nên kỉ luật trung tá phó giám đốc không?... Còn
việc này nữa, cha sẽ làm lễ cho thiếu úy Chu ở nhà thờ lớn...

Giọng
linh mục nhẹ nhàng như ông ta hát kinh đạo.

Nhu lắc
đầu:

- Tôi
nhốt bọn An ninh quân đội, ít ra một tháng! Cha đừng cho thăm nuôi. Ai thăm
nuôi, tôi bỏ tù! Thằng trung tá chịu khó ăn gạo lứt khô vài bữa, để nó hiểu ai
là cấp trên của nó... Còn lễ cầu hồn, cha muốn thì mang về xứ đạo Bình An mà
làm... Cha làm lễ, báo chí nó vạch ra chính cha chỉ huy vụ ném lựu đạn, dư luận
rùm lên, có khi cha phải ra tòa... Đừng hòng làm lễ ở Vương cung thánh đường...
Đức giám mục chẳng chịu đâu... Nhiều linh mục không tán thành cha, cả giáo dân
nữa... Nói để cha liệu mà từ nay dè dặt. Thôi, cha về được rồi!

Linh
mục uể oải đứng lên, Nhu dặn với:

- Cha
muốn bắn Cộng sản, tôi không cản. Thiếu gì dịp. Miễn phải khôn ngoan một chút...
Đã bắn thì bắn công khai, đàng hoàng, bắn theo pháp luật! À! Đừng bày đặt lạc
quyên cho thằng thiếu úy an ninh... Cha đâu có thiếu tiền xài, phải không?

Linh
mục khuất sau cửa, Nhu ngả người, thở dài.

Chuông
điện thoại reo.

- Alô!
Nhu đây... À, anh Luân... Sao? Anh có mặt ở hiện trường? Bậy bạ vô cùng... May
quá... Ồ! Cả nàng của anh cũng “lâm trận” nữa? Chính cô Dung gọi điện cho nha
cảnh sát? Bravo! Tôi sẽ thưởng trung úy Minh, cho anh ta lên đại úy. Sao? Anh
nói lại đi... lẽ nào loạn đến thế?

*

Bệnh
viện Cộng hòa giữa khuya.

Trung
úy Minh, mặc quần áo bệnh nhân, đầu quấn băng, nặng nhọc nhỏm dậy... Anh rời
giường chệnh choạng bước vào phòng vệ sinh.

... Anh
mở cửa phòng. Tấm gương gắn trên bồn rửa mặt chợt hiện lên một chiếc mũ. Minh
quay lại... Một người, blouse trắng, ghì anh. Anh kêu ú ớ... Một người nữa từ
ngoài vào, khép cửa. Cả hai đè anh. Anh vùng vẫy... Chúng bịt mũi anh bằng
chiếc khăn long. Anh lịm dần... Một tên, cằm phe phẩy mấy sợi lông đen, cột một
dây điện lên bồn nước. Cả hai xốc thi thể Minh, đã mềm nhũn, tròng dây vào cổ.
Thi thể Minh lo lửng như người tự vận.

... Cũng
tại bệnh viện Cộng hòa, đêm đó tương tự xảy ra ở phòng khác.

Quyến
thức giấc. Cánh cửa phòng khua khẽ. Trước khi ngủ, Quyến cẩn thận chèn cửa bằng
chiếc bàn con. Đồng hồ tay của Quyến chỉ hơn một giờ. Không phải y tá vào thăm bệnh, hẳn rồi. Quyến nghiêng người, kéo
khăn trùm kín đầu, chừa một khoảng trống nhỏ quan sát.

Cửa
phòng hé từ từ bởi vướng chiếc bàn con. Ánh đèn hành lang in hai bóng người lên
cửa kính. Hai người vận blouse của nhân viên bệnh viện.

Quyến
tháo chạy khỏi dám an ninh quân đội. Xe cấp cứu đưa anh vào đây và anh mê man
suốt đêm hôm đó, lên cơn sốt suốt ngày nay. Chập tối, anh tỉnh dậy. Bác sĩ cho
biết ngực anh va chạm mạnh, may mà xương sườn và nội tạng không thương tổn. Sau
khi ăn bát súp, Quyến khỏe dần. Anh đòi khẩu Vesson và đặt nó lên đầu giường.

Bây
giờ, Quyến mới sống lại giây phút gặp Luân. Quyến không nghĩ rằng anh sẽ gặp
Luân trong trường hợp như vậy. Chia tay Luân ở Phụng Hiệp cuối năm kia, Quyến
và Sa lại chia tay ở Trà Ôn. Quyến theo kế hoạch của anh Sáu Đăng, về nhà người
bác ruột, chủ sự bưu điện quận Lái Thiêu. Bác của Quyến, vợ mất sớm, không con,
nuôi Quyến lúc Quyến vừa biết nói, cho ăn học và cũng lén cho Quyến đi kháng
chiến. Ông đón Quyến với tấm lòng của người cha, xoay sở cho Quyến một tờ lí
lịch và tấm thẻ kiểm tra bảo đảm: con trai một “ách”(1) trong quân đội Pháp,
quê Ninh Hòa, cha bị Việt Minh thủ tiêu, trình độ văn hóa năm thứ hai chương
trình trung học Pháp. Với chừng đó vốn liếng, Quyến được nhận vào trường sĩ
quan cảnh sát đào tạo cấp tốc theo đòi hỏi của chế độ mới. Tháng bảy năm nay, sau một năm học tập, anh thi tốt nghiệp,
đỗ cao, hạng tối ưu, cùng đôi người nữa là khôi nguyên của khóa. Lập tức, anh
được gắn lon thiếu úy cảnh sát trù bị, tập sự tại nha cảnh sát, chuyên trách an
ninh.

(1)
Adjudant: hạ sĩ quan Pháp, tương đương với thượng sĩ.

Anh vẫn
thường để ý tìm Luân. Lúc đầu, không có tin tức gì. Anh không được quyền liên
lạc với Sa, nhưng tình cờ một lần anh gặp Sa. Qua Sa, anh biết tin Luân. Thế là
yên tâm.

Tối hôm
qua, không nhằm phiên trực, anh định dạo phố, đã thay quần áo. Trung úy Lê Văn
Minh, trưởng toán an ninh, hớt hải đến buồng anh - ở ngay trong vòng rào nha,
khu dành riêng cho sĩ quan độc thân. Trung úy cho biết cần đưa hai tiểu đội
cảnh sát đến rạp hát Nguyễn Văn Hảo ngay, theo mật lệnh của người tên là Hoàng
Thị Thùy Dung, vì không sẵn sĩ quan trực, trung úy nhờ anh cùng đi. Vốn chơi
thân với Minh, anh vui vẻ đồng ý. Thạch đón họ trước cửa rạp. Thạch là cảnh sát
bảo vệ, họ biết, còn Thùy Dung là ai họ không rõ. Cả Minh và Quyến đều bật
ngửa: Thiệt là khó gọi cô gái ấy bằng bà. Nhưng, Quyến mới thật sự lảo đảo.
Luân ngồi cạnh Thùy Dung. Cha mẹ ơi, anh Bảy Luân đây... Không thấy thằng Sa,
Quyến đã vồ tay Luân bằng cả hai tay mình. Và, bây giờ thì vỡ lẽ thêm. Cái “bà”
tên Thùy Dung há chẳng giới thiệu: Anh Luân của tôi, đó sao? Quyến như đi trên
ngọn cỏ. Chà, anh Bảy xáp vô một chị, chưa chắc “Hoa hậu Vespa” qua mặt nổi... Vậy
là chị này cũng “đàng mình”chẳng sai!

Quyến
dò la Thạch, Thạch “lên lớp” Quyến:

- Biết
ít thì sống lâu, biết nhiều quá chết yểu!

Chị
Thùy Dung làm chức gì mà nha cảnh sát te te theo lệnh? Coi bộ ngon lành dữ đa!

Rồi lựu
đạn nổ. Rồi Quyến hạ thằng An ninh quân đội. Anh hành động hoàn toàn theo lương
tâm. Một tên giết người, nó phải đền tội. Sự việc tiếp sau phức tạp quá, song
Quyến không ân hận. Anh sửa soạn trước thái độ: sẽ nhận và nói rõ lí do... Anh
tin là cái vỏ hợp pháp đó che được anh. Rồi Luân ân cần dặn dò...

... Cuối
cùng, cánh cửa hé rộng. Hai bóng người lách vào. Cả hai mặc blouse trắng, đội
mũ trắng.

Quyến
một tay bấm công tắc đèn, một tay nắm gọn khẩu Vesson, khoát chăn, bật dậy. Hai
người lạ mặt chói mắt vì ánh đèn đột nhiên sáng rực, chưa kịp phản ứng thì họng
súng đã chĩa vào họ:

- Giơ
tay lên! – Quyến ra lệnh.

Hai
người líu ríu giơ tay.

- Quay
lưng lại! – Quyến ra lệnh tiếp.

Đúng
như Luân liệu trước, bọn An ninh quân đội trả thù. Một trong hai đứa cằm dính
mấy sợi lông trông như khỉ đột. Quyến suy tính nhanh.

- Tụi
bây là An ninh quân đội, tao biết! Tao có thể bắn chết tụi bây như chơi. Tao có
thể hô hoán, lính gác vô còng tụi bây... - Quyến nhăn mặt: ngực anh nhói –
trong hai thằng chắc có thằng ném ghế vào anh.

- Nhưng
mà, tao tha cho lần này. Lần này thôi! Nhớ nghen. Ra ngay khỏi đây...


tiếng chân người rậm rịch.

- Quân
cảnh tới đó... Hai đưa bước đi tự nhiên, đừng để lính nghi!

Hai tên
không kịp cám ơn, lách vội ra ngoài. Quyến chùi khẩu Vesson dưới gối, ôm ngực.
Toán quân cảnh thò vào phòng:

- Có
chuyện gì vậy thiếu úy?

- Không
có chuyện gì... Hai bác sĩ vào thăm bệnh tôi! – Quyến trả lời điềm tĩnh.

- Thăm
bệnh gì vào giờ này? Thiếu úy có gọi họ không?

Một
quân cảnh chợt thấy sợi dây điện rơi dưới đất:

- Không
phải bác sĩ... Tụi giết người!

Lập tức
báo động khắp khu bệnh viện.


nhiên, Quyến không thể biết quân cảnh vừa tìm thấy xác trung úy Minh, phòng bên
cạnh.