Ván bài lật ngửa - Phần IV - Chương 01 - 02

Phần 4 - Chương 1

Góp sức với rừng

Dương
Tái Hưng dò từng câu trong bản dịch Anh văn xấp bài báo của tạp chí Bách Khoa.
Các bài báo mang tên Nguyễn Thành Luân. Ngay trong số một của tạp chí, ra ngày 15-1-1957, Luân viết bài báo đầu tiên và bài báo gần
như đặt lại quan niệm quân đội. Trước Luân, trên báo chí Sài Gòn, chưa ai phân
tích quân đội như vậy. Những chỉ huy tốt nghiệp trường võ bị Saint Cyr chỉ có
thể lặp lại điều mình học, điều mình rút kinh nghiệm qua kinh viện quân sự Âu
Mỹ - cho một quân đội nhà nghề. Còn số tự xưng là tốt nghiệp trường Hoàng Phố
thì kiến thức lỉnh kỉnh, pha tạp, giảng giải binh pháp Tôn Ngô vào thời đại
nguyên tử mà vẫn mơ màng tiếng ngựa hí, gươm khua.

Luân
viết:

“Người
lính có gan dạ mà không có súng thì không làm được gì, người lính có súng tốt
nhưng không có gan dạ thì cũng không làm gì hơn. Dự trữ của quân đội là nhân
dân. Quân đội không được lòng nhân dân là một quân đội có thể tạm thời mạnh
trên một phương diện nào đó nhưng bản chất nó là yếu vì tương lai không có dự
trữ, nó sẽ đến chỗ kiệt quệ và tiêu tan.”

Các bài
báo tiếp theo cũng mang nội dung mới – đánh giặc mà không giết người, trao đổi
văn hóa trong quân đội... Tác giả lồng ý riêng vào các bài bình luận binh thư
Tôn Tử, cũng nhắc nguyên tắc Tôn Tử nhưng thể hiện trên một bình diện mới.
Giọng văn dễ hiểu, nhẹ nhàng, nửa thuộc loại nghiên cứu học thuật, nửa phổ cập
và bút chiến song không giấu giếm
ý định: muốn chiến thắng phải xây dựng lại quân đội. Quan niệm đó vừa bác bỏ
nếp hằn trong cơ chế quân đội do Pháp để lại vừa cảnh cáo Bộ Tổng tham mưu đang
hình thành. Các bài báo xuất hiện vào lúc Tổng thống Ngô Đình Diệm giành trọn vẹn quyền điều khiển quân
lực.

Dương
Tái Hưng nhíu mày, ngả lưng trên ghế, đăm chiêu. Căn phòng cổ kính dường như
lặng lẽ hơn để cho chủ của nó suy tư.

Các bài
báo không hề có sơ hở dù nhỏ. Nguyễn Thành Luân đứng trên lập trường một người
Quốc gia kháng chiến phân tích và đưa ra các nhận định, chủ trương. Anh ta nhắc
khá nhiều đến quân đội Việt Minh – hoàn toàn trân trọng. Những bài của Nguyễn Thành
Luân khác hẳn bọn Hoàng Quế Ngô - kẻ phản bội đang muốn tâng công với họ Ngô và
nước Mỹ. Cũng khác bài của Tam Ích - gượng gạo trong cách lí giải hiện tượng
mình vốn tự xưng là một người Marxism bây giờ lại trở cờ. Cũng khác bài của Tân
Đức trên báo Nhân Loại hay Khải Minh trên báo Tiếng Chuông: rõ ràng Tân Đức và
Khải Minh là những Việt Cộng lợi dụng báo chí hướng dẫn dư luận chống lại chế
đội hiện thời ở miền Nam rất khéo léo, song không khó phát hiện.

Nguyễn
Thành Luân trước sau không phủ nhận quá khứ của bản thân, không chống Cộng,
không đề cao và không dùng thủ thuật để công kích Ngô Đình Diệm và Mỹ. Anh ta
không theo phương châm đã được Xứ ủy Cộng sản ở Nam Bộ chỉ đạo: tuyên truyền bí
mật kết hợp với các hình thức hợp pháp và nửa hợp pháp. Anh ta viết với tâm
huyết, có suy nghĩ và rất nghiêm chỉnh. Nghĩa là anh ta công khai nói điều anh
ta ôm ấp.

Nhưng
tại sao anh ta đi sâu vào quân đội? Loạt bài của anh ta chỉ với một chủ đề:
quân đội.

Theo
tin tức mà Dương Tái Hưng nắm được, tình hình ở Việt Nam Cộng hòa bước vào năm
1958 này đầy rẫy những sự kiện thôi thúc một đột biến. Dĩ nhiên, cái đột biến
chỉ có thể do từ phía Cộng sản - đối thủ sau cùng của Ngô Đình Diệm, suốt mấy
năm liền đấu tranh chính trị, bây giờ hình như bắt tay vào lau chùi vũ khí, nếu
không phải tất cả thì cũng từng bộ phận ở từng nơi. Danh nghĩa các nhóm vũ
trang khá linh tinh: nào trung đoàn Nguyễn Trung Trực, nào tiểu đoàn Hoàng Hoa
Thám, nào đại đội Phan Đình Phùng... hoặc của Bình Xuyên, hoặc của Hòa Hảo,
hoặc của Cao Đài... Danh nghĩa gì thì danh nghĩa, không ai trong giới tình báo
không nhất trí: thực chất là Việt Cộng. Phải chăng Nguyễn Thành Luân nhìn thấy
nguy cơ từ một năm trước mà nêu quân đội thành chủ đề để đánh động dư luận?


tiếng gõ cửa nhẹ. Một cô gái lặng lẽ vào phòng, lặng lẽ leo lên đi văng sửa
soạn mâm hút. Dương Tái Hưng rời ghế, ngả người xuống cạnh mâm, rít liền mấy
điếu. Sau khi hớp ngụm trà đặc quánh, ông ta nằm lim dim. Cô gái khép cửa
phòng, ra ngoài.

Nguyễn
Thành Luân viết báo cho ai đọc? Mấy liều thuốc thơm lừng giúp Dương Tái Hưng
một lóe sáng. Không phải các bài báo của Nguyễn Thành Luân không có sơ hở. Có!
Anh ta muốn người Mỹ hiểu quan điểm của anh ta. Anh ta cố tình làm như vậy.
Chính con mụ Fanfani đã dịch các bài báo đó và đăng liên tục trên tờ Financial
Affair. Xấp bài dịch mà Dương Tái Hưng có chính là sao lại trong Financial
Affairs.

Cần
phải trao đổi với William Porter mới được. Con nhỏ Fanfani nhẹ dạ, vô tình làm
tên dẫn đường đưa Nguyễn Thành Luân vào chính giới Mỹ, nhất là con nhỏ có thiên
hướng ủng hộ Kennedy, người chắc chắn sẽ ra ứng cử Tổng thống thay mặt Đảng Dân chủ năm 1960.

Dương
Tái Hưng nhỏm dậy. Ông ta nhấc điện thoại. Nhưng, cô gái hầu lại vào, lặng lẽ
đặt lên bàn một phong bì. Ông ta xé phong bì. Thơ của Suần Quài vắn tắt giới
thiệu một thư dài hơn, kí tên là đại diện của Trung ương Trung Cộng, Lâm Sử.

Dương
Tái Hưng mỉm cười. Điều mà ông ta ung dung chờ đợi đã tới. Và, đúng như ông ta
dự đoán, Lâm Sử đề nghị được gặp ông ta. “... Ngài phụng sự cho ai, không có gì quan trọng. Chúng tôi nghĩ rằng, Ngài
là người Hoa, đó mới thực sự là quan trọng. Và, càng quan trọng hơn, nếu Ngài
có mối quan hệ nào đó với Chính phủ Mỹ. Tại sao chúng ta không thể cùng nhau
hợp tác giữ miền đất còn lại của Việt Nam này mãi mãi như Nam Cao Ly? Chúng ta có thể nói chuyện trên một căn bản mới:
sự kiện Triều Tiên sẽ không bao giờ trở lại nữa, nước Mỹ trừng phạt tướng Mac
Anthur còn chúng tôi, chúng tôi trừng phạt Bành Đức Hoài - cả hai đều không
hiểu cái sâu xa trong chính sách của những người lãnh đạo hai nước chúng ta.
Không có gì cấp bách hơn việc ngăn chặn Việt Cộng ở miền Nam Việt Nam. Nếu Ngài
thống nhất với tôi tư tưởng chiến lược đó, cuộc gặp gỡ sẽ vô cùng bổ ích...”
Lâm Sử viết như vậy.

Dương
Tái Hưng đọc xong thơ, thoải mái ngồi xuống, quay số điện thoại:

-
Hello, William. Where have you been this time old chap?...(1)

(1) Alô,
William. Ông bạn ở đâu?

*

Báo cáo
của F. Rheinardt (gửi Tổng thống Mỹ)

Tình
hình Nam Việt Nam xoay chuyển theo khả năng nào, một phần quan trọng, nếu không
muốn nói là quan trọng quyết định, liên quan đến chính sách của Hoa Kỳ. Như tôi
đã phân tích trong những trang trước, chính sách Nam Việt Nam của Tổng thống không thể không đặt trong chính sách Việt Nam, nói
chung, đúng hơn, chính sách đối với toàn bán đảo Đông Dương sau khi người Pháp
thua trận. Trung Cộng giành quyền ở Hoa Lục, cuộc chiến tranh Triều Tiên buộc phải “hòa” và việc chống sùng bái cá
nhân Staline của Kroutchev gây chia rẽ trong thế giới Cộng sản: những đồng minh
của Mỹ ở Tây Âu hồi phục và đang tìm lối đi, trong đó thái độ của Pháp ngày một
phức tạp hơn đối với chúng ta, các nước theo con đường dân tộc xã hội chủ nghĩa
xướng xuất cái gọi là thuyết trung lập. Thế lực tán thành chúng ta chưa thể làm
chủ ở Lào và ở Cambodia – nơi mà ảnh hưởng của Pháp chưa thể thực sự giảm sút
bao nhiêu. Những phần tử cực hữu ở Vientiane khiến ông hoàng ôn hòa Phouma muốn
bắt tay em ông ta là ông hoàng Cộng sản Shouphanouvong, cũng như những dấu hiệu
đảo chánh ở Cambodia xô đẩy ông hoàng có tính khí bốc đồng Sihanouk rơi vào
vòng tay Bắc Kinh.

Tổng
thống cần chọn một trong ba khả năng sau đây:

1) Nam
Việt Nam thành một thứ như Đài Loan, tồn tại song song với Bắc Việt Nam Cộng
sản. Muốn vậy phải tính đến một nhóm cầm quyền đủ sức dựng dậy hàng chục triệu
người sẵn sàng chấp nhận vĩ tuyến 17 như ranh giới quốc gia và đi đến giải pháp
“bốn nước Đông Dương.”

2) Nam
Việt Nam sẽ thực hiện sứ mệnh thống nhất Việt Nam bằng vũ lực và như vậy, phải
tính đến một nhóm cầm quyền năng động và phải đẩy cả Phouma và Sihanouk càng xa
càng tốt, không loại trừ phương pháp đảo chính. Trong trường hợp đó, Hoa Kỳ
phải sẵn sàng ngăn cản một sự can thiệp của Trung Cộng với Nga Sô. Nói cho
cùng, khả năng này chưa thể xảy ra vì trước mắt lực lượng chủ yếu là Nam Việt
chưa đủ mạnh, nhưng nó đòi hỏi sự sửa soạn cấp bách bởi không loại trừ chính
Cộng sản phát động chiến tranh du kích ngay trong nhiệm kì Tổng thống.

3) Nam
Việt Nam và Bắc Việt Nam nhích lại gần nhau trong một liên bang mà mỗi miền giữ
quyền tự trị rộng rãi. Thế hoãn xung này có thể là rất mong manh song là giải
pháp ít tồi tệ nhất, trong khi chúng ta chờ đợi một sự chín mùi hơn ở nội tình
Việt Nam và tình hình toàn khu vực. Dù chọn khả năng nào, tồn tại của nước Mỹ
tại Đông Nam Á buộc Tổng thống phải
tính đến những con người thể hiện được chính sách của Mỹ. Việt Nam là nơi mà
đầu óc dân tộc chủ nghĩa cực đoan, hậu quả của hàng chục thế kỉ bị người Trung
Hoa đô hộ và tự họ đã kết thúc những lần thống trị đó, không nhờ vả ai cả. Ông
Ngô Đình Diệm dù sao cũng là người của giai đoạn, hoặc chúng ta phải chia tay
với ông ta, hoặc ông ta phải chia tay với chúng ta, hoặc Việt Cộng loại ông ta,
hoặc ông ta và Việt Cộng loại chúng ta, trước khi họ loại nhau. Thật bối rối
cho nước Mỹ nếu cuối cùng rồi rơi vào tình thế khó xử như ở Philippines. Cái
chết vì “tai nạn máy bay” của Tổng thống
Magsaysay được đón nhận ở các đồng minh chúng ta với bao nhiêu nghi kị, thậm
chí cay đắng. Tương lai không hứa hẹn cho chúng ta ở Đại Hàn với Rhee Syngman,
ở Thái Lan với Phibul Songgram - cả hai đều cứng đầu và đầy tham vọng.

Sau Ngô
Đình Diệm, hoăc song song với Ngô Đình Diệm là ai? Sự chủ động bao giờ cũng chỉ có lợi. Tôi đã trao đổi
với viên đại sứ Elbridge Durbrow. Tất nhiên tiếng nói có thẩm quyền nhất trong
lĩnh vực này phải là người đứng đầu trong cơ quan tình báo Mỹ, ngày Allen Welsh
Dulless khả kính…

*

Bài báo
ngày 11-10-58 trên tờ Financial Affairss của Helen Fanfani.

Bằng
lăng kính toàn cảnh và đứng từ thành phố Sài Gòn, người ta thấy điều gì trong
một năm biến động ở Việt Nam, từ sau sự kiện ở Buôn Mê Thuột? Có thể chỉ là một
tai nạn như bao tai nạn máy bay xảy ra ở đảo Cébu, cướp mất Tổng thống Marcsaysay, người hùng của Phlippines. Nhưng dư
luận tự hỏi: Cuộc đảo chính ở Thái Lan mà mục tiêu là hạ bệ một người hùng khác
Thủ
tướng Phibul Songgram. Phải chăng cũng là ngẫu nhiên?

Đó là lí
do mà Tổng
thống Ngô Đình Diệm, trong tháng năm, sang Hoa Kỳ. Ông Diệm muốn đích thân được nghe Tổng
thống Mỹ nói rằng phát súng trên vùng cao nguyên không có bất kì dính líu nào
đến nhà cầm quyền Mỹ. Ông mãn nguyện, ít nhất cũng trên những tuyên bố chính
thức. Chưa ai biết hai nguyên thủ quốc gia nói với nhau những gì. Tuy nhiên,
nếu bài diễn văn ngắn chuẩn bị đọc tại sân bay khi ông Diệm đặt chân đến nước
Mỹ lời lẽ khô khan, thì tại cuộc họp Quốc hội Mỹ, bài diễn văn của ông tràn
ngập tính từ đẹp, nồng nhiệt. Bức ảnh chụp trên thềm Nhà Trắng sau buổi hội đàm
thật ngụ ý: hai Tổng thống nắm
tay nhau đưa cao - họ muốn phân bua với Chúa Trời và, riêng ông Diệm, ông cố
nhón gót để không quá thấp bên cạnh tướng Esheinhower đồ sộ.

Ông
Diệm lưu lại nước Mỹ hai tuần lễ, điều hơi khác thường với phép ngoại giao. Ông
dự tất cả bốn
mươi hai lần tiếp xúc, không kể hai lần với Tổng thống Mỹ, ba lần với Phó Tổng thống Nixon cũng ba lần với Ngoại trưởng Foster Dulles… Đấy là theo tin được công bố. Ông gặp chủ tịch
Đảng Dân chủ và Thượng nghị sĩ Kennedy. Sự phòng xa vốn là bản tính của người
châu Á. Ông Diệm tính trước có thể ông sẽ cầm quyền dưới nhiệm kì của những
người đang không cần tiết kiệm từ ngữ chỉ trích ông và cô em dâu ông.

Nhưng,
ở Sài Gòn, các ông Phan Quang Đán, Nghiêm Xuân Thiện và Hoàng Cơ Thụy - một bác
sĩ, một nhà báo và một luật sư – hình như thuộc ba khuynh hướng chính trị rất
khác nhau bỗng cùng ra chung một tuyên bố thành lập “nhóm Dân chủ.” Tất nhiên
chẳng khó khăn gì mà không đoán ra “nhóm Dân chủ” nội hóa này rao hàng với Đảng
Dân chủ Mỹ.

Ông Diệm
không chỉ đi Mỹ, ông dùng mười ngày
để viếng thăm Úc, một nước kĩ nghệ lớn thuộc khối Anh, thăm Thái Lan, Nam Hàn,
nhất là thăm Ấn Độ. Hội nghị kế hoạch Colombo họp tại Sài Gòn. Ngày quốc khánh
Nam Việt Nam 26-10, có mặt thái tử Maroco, ông Maulay Abdullas Hassan. Dù sao
ông Diệm vẫn muốn thực sự yên tâm. Những chuyến công du liên miên và những buổi
tiếp xúc mở rộng đó được giới ngoại giao gọi là “những hoạt động mạo hiểm.”

Người
ta hiểu rằng sự nghi kị chưa phải đã xóa sạch. Người Mỹ chắc chắn đã nhún vai
trong việc sập cây cầu đi vào hội chợ Thị Nghè, coi như biểu tượng của sự thiếu
vững chắc của chế độ ông Diệm. Chính phủ Sài Gòn vẫn có thể tặc lưỡi - họ không
quen nhún vai – khi vệ tinh Spoutnik của Nga, lần đầu tiên một sản phẩm của con
người vượt khỏi khí quyển, phát tín hiệu quanh trái đất giữa lúc Mỹ chưa thể
làm được cái gì tương tự ngay cả sau ngày Noel mong đợi.

P4 - Chương 2

Đại úy
Tình không ngờ mình xui xẻo như vậy. Tết Nguyên đán Mậu Tuất vừa qua có mười ngày. Anh ta trở lại nhiệm sở sáng nay, hơi rượu và
mùi đàn bà chưa kịp bay đi thì anh ta lâm nạn.

Được
giao chức quận trưởng Dầu Tiếng khi các nhóm Cao Đài li khai thực tế thu nhỏ
còn một vài đại đội – “một chú lính tới chín chú quan” - thỉnh thoảng xuất đầu
lộ diện ở miệt suối Ông Hùng. Tình chắc mẻm, anh ta tốn 20.000 ngàn đồng lo lót
trên Tổng nha công vụ không phải là hớ. Chủ sở cao su nổi tiếng thuộc Tổng công
ty Michelin theo cái đà xuống dốc của Pháp ở Việt Nam một mực xun xoe Tình –
nay mời ăn, mai biếu rượu. Tình chưa cho đó là “tủ” của anh ta. “Tủ” là số phu
không có thẻ kiểm tra ở trong các làng và tại thị trấn - mỗi người gửi đơn xin
giấy chứng nhận đều kèm theo 500 đồng, coi như lệ. Mà hầu hết mười nghìn phu đều không có thẻ kiểm tra. Gần đây, lệnh quân
dịch của Tổng thống khiến phong bì dày thêm: ít nhất cũng 2.000 đồng cho một
người trốn quân dịch. Tuổi bắt lính từ mười tám đến ba mươi lăm, tha hồ cho Tình bỏ túi. Chưa hết, từ Thanh An lên
núi Cậu, Định Thành - những gia đình mang biển số C và D – “tình nghi Việt Cộng”
và “có thân nhân theo Việt Cộng” tính không dưới 1.000. Những gia đình đó, từ
trái cà, trái ớt đến con gà, con heo, đại úy quận trưởng muốn bẻ, muốn bắt lúc
nào cũng được. Ngay đàn bà con gái, ai không khéo lánh né, hễ chường mặt, đại
úy Tình thấy dễ thương thì khó thoát. Cũng chưa hết. Cả một cánh rừng già bát
ngát, dân Sài Gòn lên khai thác gỗ, đều phải biết điều với quận trưởng. Những
năm 1957, khi bà cố vấn cho nhà thầu xẻ các đường lô – kêu là “đường ủi Trần Lệ
Xuân” – văn phòng quận trưởng càng tấp nập, đại úy Tình đôi lúc như chiêm bao:
tiền bạc cớ sao ào ào vô tủ. Vợ đòi theo, Tình không chịu, cứ ở chợ Thủ, lo cất
cái nhà, lo lập miếng vườn. Cứ vài tuần anh ta về giao tiền cho vợ. Có vợ bên
cạnh làm sao tự tung tự tác với đàn bà được.

Mọi sự
yên ổn. Ai dè đêm nay! Chính buổi chiều đại úy kí tên vào bản báo cáo gửi tỉnh
trưởng nói suốt mấy ngày Tết, toàn quận không có chuyện gì đáng tiếc.

Mười
giờ đại úy thay quần áo. Một cô gái rước từ Chợ Lớn về nằm chờ trong phòng.
Bỗng nhiên, một tiếng nổ dữ dội. Cổng ngoài dinh sụp đổ. Đại úy, quần đùi áo
lót, lao thân hình ú núc tới
điện thoại. Đạn tiểu liên, súng trường ghim veo véo ngay phòng khách. Tuy sửng
sốt nhưng đại úy Tình vẫn nuôi hi vọng: mấy lão Cao Đài li khai của Huỳnh Thanh
Mừng bắn bậy để hâm nóng tinh thần tín đồ, nhắc khéo đấng Hộ Pháp còn đó đừng
nghe lời Cao Hoài Sang mà mang tội phản đạo. Nhưng, các khẩu súng thi nhau xả
vào dinh quận, có vẻ Việt Cộng thật tình. Bên ngoài trăng mười ba khá sáng, thấp thoáng nhiều bóng đen vụt qua lại
cổng chính. Lính gác của dinh quận bắt đầu bắn lẹt đẹt. Một tên nhè núp ngay
cửa dinh quận mà bắn. Đại úy Tình hoảng hồn:

- Thằng
kia, đừng bắn!

Tên
lính co giò dông ra phía sau. Đại uý Tình run rẩy cầm máy nói quay liên hồi.
Anh ta gọi trung đoàn 7 của sư 5, đóng bên bến Củi…

- A lô,
cho tôi nói chuyện với trung tá Phấn… Tôi là đại úy Tình, quận trưởng. Dạ, tôi
đây trung tá. Dạ, tôi bị tấn công. Dạ, chắc “Vixi.”(1) Dạ, mong trung tá cứu viện. Dạ… dạ…

(1) Việt
Cộng

Đại úy
Tình chưa nói hết câu, đầu bên kia trung tá gác máy.

Súng
tiếp nổ rộ. Đạn rơi trên mái ngói loảng xoảng. Đại úy Tình cúi rạp người, mồ hôi ướt sũng áo lót. Ả tình
nhân chui tọt dưới gầm giường than trời trách đất, răng đánh bọ cạp:

- Chết!
Chết! Dụ tôi lên đây để chết…

Đại úy
Tình nghe tình nhân nhắc tới “chết,” tay chân run lập cập vặn mãi cái nút điều
chỉnh máy bộ đàm mà không được. Vài ba tên lính rút vào văn phòng, dầu sao thì
ở đây cũng có tường che đạn.

- Lấy
bàn ghế, nệm gối tấn cửa! - Đại úy Tình ra lệnh. Loay hoay mãi với cái nút máy
bộ đàm rồi cũng có tiếng rè rè báo là anh ta đã vặn đúng.

- Hỏa
Diệm Sơn đây - Đại úy Tình rống to – Hỏa Diệm Sơn đây! Hải Vương Tinh đâu… Hải
Vương Tinh…

Máy rè
rè không có ai lên tiếng.

- Hải
Vương Tinh… Mồ tổ thằng cha nào ở chỗ Hải Vương Tinh… - Đại úy Tình chửi đổng.
Nhưng anh ta sực nhớ đã không bấm sang phần nghe. Khi anh ta bấm đúng, nghe
tiếng cự:

- Gì mà
rối lên như vậy? Chửi hả? Tay tổ nào đó?

Mừng
quýnh, đại úy Tình nói không kịp thở.

- Trung
úy Vi à… Tôi, Tình đây… Tình Dầu Tiếng đây…

- À,
chào đại úy! Bữa nay hết Tết rồi sao trên đó còn đốt pháo dữ vậy, cả pháo tre
nữa…

- Pháo
gì! Vixi đó! Xin cứu viện gấp!

- Xin
lỗi, đừng có giỡn cha nội!

- Trung
úy báo giùm trung tá. Dầu Tiếng đang bị tấn công…

- Ê. Đại
úy say rượu sao? Nói phải nhớ quy ước…

- Quy
ước gì? Quên mẹ nó rồi! Vixi! Chiếm chi công an, phá khám, sắp tràn ngập dinh
quận.

- Thật
sao? Vixi đông không?

- Mấy
ngàn! Nguy lắm!

- Được,
tôi báo liền, chút nữa trả lời…

Đại úy
Tình thấy nhẹ đôi phần. Súng thưa dần nhưng vẫn chưa dứt. Vừa rồi anh ta nói
láo, anh ta đâu có biết tình hình chi công an, khám tù cũng như số lượng Việt
Cộng... Hề gì!

Năm
phút sau, bộ đàm léo nhéo: Hỏa Diệm Sơn đâu, nghe Hải Vương Tinh… Tại sao không
nhờ “Con hổ” ở “Hoàng Hà” cứu viện?

- Trời
đất, - Đại úy Tình than lớn. - Tôi gọi “Con hổ” không thèm trả lời… Ông Phấn
đó!

- Vậy
hả? Được, sẽ có cứu viện…

- Ngay
bây giờ nghe, trung úy!

- Ừ, có
liền…

- Bằng
trực thăng hả?

- Suỵt.
Nói theo quy ước…

Súng
chuyển hướng sang phía đại đội Bảo an. Chuông điện thoại reo:

- Tôi
đây… - Đại úy Tình trả lời - Cứ yên trí cố thủ, sẽ có tiếp viện liền…

Đại úy
Tình đâu có biết ở bên kia máy bộ đàm sự thể khác hẳn.

Phòng
quân sự của tỉnh Bình Dương đèn mờ mờ. Mọi người ra về từ chiều, chỉ còn mỗi trung
úy Vi, đêm nay tới phiên trực. Trung úy Vi người mảnh dẻ, mũi dọc dừa, điểm bộ
râu Clark Gable đang đặt một cô gái trên đùi, cả hai người ngồi lọt trong chiếc
ghế bành, họ vừa hôn nhau vừa cười khúc khích. Áo ngoài cô gái rơi xuống. Giữa
lúc đó máy bộ đàm lên tiếng khẩn cấp.

- Anh
lại nghe đi! – Cô gái bảo.

Trung
úy Vi lắc đầu, mân mê bộ ngực cô gái… Máy bộ đàm càng réo. Trung úy Vi nhắm
nghiền mắt… Cho tới khi nghe tiếng chửi thề.

- Thằng
cha Tình nhậu say, phá tụi mình đó…

Trung
úy Vi đặt cô gái xuống ghế, lại máy

Sau
rốt, biết Dầu Tiếng bị tấn công thiệt. Vi quay điện thoại, dù biết Dầu Tiếng
cách nơi đây - thị xã Phú Cường – khá xa. Trung úy Vi quay đến mấy lần mới đúng
máy của trung tá tỉnh trưởng. Cô gái khoác vội áo, đến nép sát vào anh, tựa như
cô tránh đạn của Việt Cộng…

- Alô,
tôi trung úy Vi, xin nói chuyện với trung tá tỉnh trưởng

Giọng
phụ nữ ỏn ẻn trả lời anh.

- Vi đó
hả? Trốn biệt đâu mấy bữa nay? Báo hại người ta nhớ muốn chết!

Cô gái
nghe rõ. Cô bĩu môi, toan bỏ đi.

Trung
uý Vi vội kéo cô ta lại, che máy nói thì thào với cô:

- Con
ngựa cái này… Em thương giùm anh. Bằng không anh ra Quảng Trị rồi!

-
Chuyện gì mà kêu trung tá giờ này? Giả bộ kêu trung tá để nói chuyện với em hả?
– Tiếng người đàn bà càng ỏn ẻn…

- Dạ,
xin bà trung tá báo giúp…

- Nè,
đừng có nói cái giọng đó. Em đâu có thèm làm bà trung tá…

- Dạ…
Dầu Tiếng, cấp báo Việt Cộng đang tấn công…

- Cái
gì? Dầu Tiếng bị tấn công hả? Dầu Tiếng xa thấy mồ…

- Xin
trung tá ra lệnh cứu viện!

- Chèn
đất ơi, bộ anh muốn trọn quyền thay trung tá mà bảo trung tá cứu viện? Ai đánh
chớ Vixi đánh thì một chục trung tá cũng không dám ló ra khỏi cái chợ Thủ này…
Ông ngủ rồi… Nè… tới với em bây giờ được không…?

- Dạ,
tôi đang trực… Dạ…

- Trả
cái “dạ” cho anh đó. Thôi, mai tám giờ.
Cũng chỗ mọi khi, nhớ nghe cưng! Em bắt đền anh…

Tiếng
hôn đánh chụt trong máy, máy gác.

Trung
úy Vi bật bộ đàm, nói chuyện với đại úy Tình.

Cô gái
trách anh.

- Anh
nói láo chi vậy?

- Nếu
không, va bỏ quận, “tùy nghi di tản,” anh đi lao công chiến trường ngay lập
tức. Va cầm cự, nếu rủi ro thì trung tá lãnh đủ, anh vô can…

Trung
úy Vi cười khoái trá, nhấc bổng cô gái…

Thật
sự, đại úy Tình không hề hấn. Quân tấn công không nhằm dinh quận, họ bắn để
nghi binh. Đồn bảo an, nhà giam, chi công an và một số cơ sở trong quận lị bị
hạ, nhiều tên đầu hàng đầu thú, lính kín, chỉ điểm bị bắt, kho bạc và kho thuốc
tây trống rỗng. Quân tấn công dán thông báo khắp chợ, kí tên “Lực lượng vũ
trang tự vệ Đông Nam Bộ” và “Hội những người kháng chiến cũ.”