Ván bài lật ngửa - Phần IV - Chương 04

P4 - Chương 4

Sự phản
kháng bằng vũ trang của nhân dân trước khủng bố của Ngô Đình Diệm thật ra không
phải mở đầu bằng trận đột kích quận lị Dầu Tiếng. Trước đó khá lâu, thị trấn Minh
Thạnh - cạnh Dầu Tiếng bị tấn công. Ở Đồng Tháp Mười súng đã nổ lẻ tẻ. Miệt ở U
Minh, tình hình căng thẳng không kém, một loạt đơn vị mang danh nghĩa giáo phái
như tiểu đoàn Ngô Văn Sở, trung đoàn Quang Trung - thường đi lại các quận,
trước kia là căn cứ kháng chiến. Đặc biệt trong rừng U Minh thượng và hạ, trong
rừng đước Năm Căn, những người chống lại Ngô Đình Diệm - trực tiếp nhất là
chống lại các cuộc hành quân trả thù, chống Khu trù mật và chống tên Nguyễn Lạc
Hóa – đã tụ tập thành làng, đông và đến hàng vạn dân, trang bị súng và dao,
gậy, sống ngoài vòng kiểm soát của chính quyền Sài Gòn.

Trước
mắt, mọi cái đang tượng hình. Và, ngay nội ô Sài Gòn, xu thế bạo lực mỗi lúc
mỗi rõ nét. Thư của Harry Hartman, trung úy cố vấn huấn luyện bộ binh, gửi mẹ ở
bang Ohio.

“…
Trông nét chữ của con, chắc mẹ lạ lùng. Nó ngoằn nghèo đến phát khiếp, phải
không mẹ. Ấy là con còn có thể viết cho mẹ. Chiếc xe buýt chở bọn con - những
thư trước con vẫn nhắc tụi bạn mà con tin là mẹ còn nhớ, thiếu úy Felding
Senior, đại úy Bernetti – không còn hình thù chiếc xe, mà là đống sắt bẹp gí. Không một ai sống sót, trừ con. Mẹ hãy cảm ơn
Chúa. Tất nhiên, không phải tất cả đều chết ngay. Mười một đứa, trong đó có
Felding, chết ngay. Tám đứa chết trên đường vào bệnh viện. Ba chết sau đó, có
đại úy Bernetti. Mắt nó mở trừng trừng khi con nắm tay nó. Không rõ nó bực tức
về cái chết đột ngột đến với nó hay nó khó hiểu sự ngoại lệ của con. Đường nào
thì Bernetti cũng đã chết. Mẹ hãy đọc kinh cho lũ bạn xấu số của con.

Thông
thường, chỉ khi nào xe buýt đến thì bọn con mới được ra khỏi nhà. Ngay cổng
nhà, phái đoàn cố vấn Mỹ đã cẩn thận cảnh báo bọn con: Quân nhân Mỹ chỉ được
đến chỗ này khi xe đỗ lại. Và chiếc xe Ford sơn màu xám, gắn máy điều hòa không
khí cẩn thận hơn một mức: kẻ hàng sau và bên hông xe hàng chữ “đến gần xe hai
mét rất nguy hiểm.” Ấy vậy mà, như con báo, trừ mỗi mình con, không ai thoát.

Hôm đó
trời mưa. Có vẻ mưa trái mùa. Người Việt bảo đảm với con là đã hết mưa. Mưa
không to song kéo dài. Câu chuyện trên xe lại quay về sự cẩn thận của phái đoàn
cố vấn. Hầu hết bọn con cười các ông tướng: sợ chết thì đừng có vào quân đội…
Con đến xứ này khi tiếng súng im. Nói chính xác, còn nổ, nhưng nổ đơn phương,
quân đội của ông Diệm bắn vu vơ. Con chưa gặp một Việt Cộng có súng nào cả.

Xe bọn
con dừng trước một ngã tư. Đèn đỏ. Trong bụi mưa, con trông thấy một chiếc xe
mô tô lạng cạnh bọn con... Chắc là một người đàn ông trẻ tuổi lái. Ngồi sau,
một cô gái – con quả quyết vì mái tóc xấp xõa. Cả hai choàng áo mưa, đội nón
nhựa mềm. Thường khi con vẫn hay ngồi cạnh Bernetti. Hôm nay, con đứng ngay cửa
xe để ngắm thành phố trong mưa.

Đèn
xanh. Xe vượt qua ngã tư. Mô tô gần như sóng đôi với xe bọn con. Bỗng một người
con gái dán một gói gì vào hông xe buýt. Một gói to hơn ổ bánh mì. Không phải
một mà hai gói, dán cách khoảng. Lạy Chúa, chính Chúa đã cứu con. Con chợt nghĩ
đến những quả mìn dính nam châm. Con đạp cửa, thét: “Mìn!” Người tài xế hãm xe
đột ngột, bọn bạn nhốn nháo. Cửa bung. Con nhảy vụt xuống đường, lăn mấy vòng
cùng với ánh chớp và tiếng nổ kinh hoàng. Đấy… Mẹ hiểu vì sao nét chữ của con
run rồi chứ?…”

Hạ sĩ
Alain Feterson, trong đội hiến binh canh gác cư xá, đi lại trên cái sân quen
thuộc, đằng sau tấm lưới mắt cáo vươn tận tầng ba che chở hết mặt tiền ngôi
nhà, nguyên trước là khách sạn nay đổi thành nơi nghỉ ngơi của sĩ quan thuộc
phái đoàn TRIM.

Alain chốc
chốc xem đồng hồ tay. Còn mười lăm phút
nữa anh hết phiên gác. Trời sáng rõ. Ngoài đường xe cộ nhộn nhịp: thật ra, nhộn
nhịp từ bốn giờ sáng, khi Alain bị dựng dậy… Cư xá ngó chếch
sang khu chợ, người bản xứ gọi là chợ An Đông – an toàn ở phương Đông. Alain và
nhiều hiến binh tin sự may rủi do thượng đế sắp đặt, nên rất bằng lòng, trong
nhiệm vụ ở vùng nhiệt đới xa xôi này, được sống cạnh cái tên hiền lành kia.

Trước
cư xá, Alain và một thiếu úy đã để ra hàng mấy giờ, theo chỉ thị của cấp trên,
kẻ những vạch sơn trắng trên mặt đường hắc ín, khoanh một ranh giới mà trong đó
cấm tiệt mọi xe cộ dừng lại. Alain viết dòng chữ trên mặt đường, lời đã hách mà
nét còn hách hơn: Chú ý! “Xe dừng lại trên phạm vi có dấu hiệu sơn trắng thì
hiến binh Mỹ nổ súng ngay.” Alain viết chữ Anh, một lão Việt viết chữ địa
phương. Chẳng xe nào dám dừng, thậm chí, dám chạy chậm trước cư xá. Alain thích
thú bởi quyền lực của nước Mỹ vượt đại dương tại đây, nơi mà Alain chỉ biết khi
nhận quyết định chuyển khu vực hoạt động.

Alain
lại coi đồng hồ. Còn mười phút.
Cái gì nào? Uống một cốc cà phê, chui vào chăn – cái điều hòa nhiệt độ tạo cho
Alain cảm giác đang ở bang New Jersey của anh – và ngủ bù đủ ba giờ đi lại chùn chân và hút gần hết gói Camel… Cái
gì nào? À, một xe du lịch sơn màu vàng – có vẻ là xe Ý. Đúng, chiếc Fiat. Xe du
lịch đỗ ngoài vòng cấm, bên kia đường. Ái chà! Một cô gái Việt… Cô gái mặt jupe
ngắn, áo pull đỏ, xách một chiếc ví. Chiếc ví hơi to đấy cô em. Cô em không bám
sát thời trang rồi!

Cô gái
băng qua đường. Vùng ngực cô nhún nhảy theo mỗi bước của cô. Ái chà! Cô gái có
bộ ngực đáng tiền thật. Cô đến ngay cổng. Alain bây giờ mới nhận ra bó hoa tươi
trên tay cô.

Cô gái
gỡ đôi kính mát. Đẹp. Alain chăm chú thưởng thức mặt của cô gái… Cô gái chỉ khẽ
gật đầu, ra vẻ bề trên rồi chìa cho Alain tấm danh thiếp không phải danh thiếp của cô mà của trung tá Remy
Hoersh. Ngày nào Alain cũng gặp trung tá. Con người to cao, nổi tiếng có nhiều
đào. Té ra hôm nay trung tá nghỉ và hẹn. Alain đoán như vậy và xem danh thiếp.
Mặt sau danh thiếp, trung tá viết bằng dòng mực xanh: cho cô gái cầm thiếp này
vào Reception(1) và báo với tôi.

(1) Phòng
đợi.

Alain
mở cổng. Anh vẫn làm như vậy mỗi ngày, không riêng cho trung tá Hoersh. Chỉ có
điều trung tá hẹn ban ngày… Và trong ví kia nhất định có chai rượu hảo hạng.
Trung tá cần trợ lực mà! Thảo nào, chiếc ví to thế…

Cô gái
nhoẻn cười, bắt tay Alain… Alain trông theo cô gái, trông theo cái mông và anh
tưởng tượng nếu mình là trung tá Hoersh… Hết phiên gác, Alain gọi người thay
anh.

Người
thay Alain, vẫn là một hạ sĩ. Anh ta vươn vai, xốc lại áo, bật quẹt đốt thuốc…
Mười lăm phút đi lại, viên hạ sĩ bắt đầu thấy thoải mái… Sau lưng anh ta, cô
gái Việt từ trong nhà bước ra, áo pull đỏ. Hình như môi cô nhòe son còn tóc thì
lõa xõa. Cô gái dáng mệt mỏi. Thế đấy cô em! Người Hoa Kỳ chúng tôi vốn nổi
tiếng là khỏe cơ mà… Ông sĩ quan nào vớ được cô gái hấp dẫn thế. Cô gái ra hiệu
cho anh mở cổng. Hẳn là cô ta vội về nhà - trống chồng một đêm là quá lắm… Mọi
dự đoán của anh chàng hạ sĩ được củng cố: chiếc ví con trên tay cô gái chưa
đóng kín, thò ra mấy tờ dollar xanh. Cô gái băng qua đường. Anh hạ sĩ bỗng
tiếc: hồi nãy không nhìn kĩ cặp đùi cô gái.

Xe cô
gái phóng qua cổng. Cô tự lái và không quên vẫy hạ sĩ.

Trong
nhà, các sĩ quan lần lượt có mặt ở Reception. Tất nhiên, không ai thấy chiếc ví
nằm dưới gầm bàn.

Điều
chắc chắn là cô gái còn có thể nghe tiếng nổ rung chuyển vùng An Đông, sau đó…

*

Sáng
nay, Nhu tiếp Luân. Vừa gặp Nhu, Luân đoán ngay là Nhu đã suy nghĩ một vấn đề
gì đó chín muồi rồi, sẽ giao cho Luân thực hiện. Luân quen với lối làm việc có
tính toán của Nhu và khi Nhu tự cho là hợp lí thì rất độc đoán.

Dù Luân
từ lâu đã là người trong nhà nhưng, Nhu vẫn giữ khoảng cách trong công vụ, bao
giờ Nhu cũng tỏ ra mình là người ra lệnh. Sự khác biệt trong cư xử với Luân so
với bao nhiêu thuộc hạ khác là Nhu cho Luân quyền được nói ý kiến riêng, thậm
chí bác bỏ chủ trương của Nhu. Những trường hợp như vậy, Nhu lặng lẽ nghe, đôi
mắt sắc ngó Luân như đe dọa, còn môi thì tím hẳn. Tuổi tác của hai người – Nhu
bảo là xấp xỉ - thực ra chênh nhau gần một con giáp. Khi Luân vào trường Đại
học Hà Nội thì Nhu đã tốt nghiệp Ecole Nationale Des Chartes(2) ở Paris, có mặt
trong hàng ngũ trí thức của Việt Nam trước khi Thế chiến thứ hai chấm dứt, cùng
với Phạm Duy Khiêm, Nguyễn Mạnh Tường, Đặng Phúc Thông, Nguyễn Xiển… Luân biết
rằng Nhu chỉ thiếu có mỗi cái vốn mà anh ta buộc phải mượn Luân: những năm
kháng chiến. Đó không phải là danh nghĩa, một thứ “hàm.” Những năm kháng chiến
cho Luân cách nhìn, cách đánh giá sự vật, tri thức về nhiều lĩnh vực, lối sống,
lối giao thiệp. Lúc đầu, hẳn Nhu xem thường tư cách cá nhân của Luân: anh ta
cho là Luân đóng kịch và sớm muộn gì cũng lộ ra con người thật. Nhưng đã gần bốn năm theo dõi, Nhu biết mình lầm. Và, trước Luân,
người đóng kịch lại là Nhu.

(2) Trường
Viễn Đông Bác Cổ

- Tình
hình như anh thấy tận mắt, xấu quá!

Nhu
trao cho Luân bảng liệt kê các vụ nổ trong đô thành. Riêng cư xá An Đông, con số
chết - tất cả là sĩ quan Mỹ từ đại úy trở lên đại tá – khá kinh khủng: ba mươi hai.

- So
với hội chợ Thị Nghè, các hoạt động khủng bố này tồi tệ hơn… - Nhu thở dài.

Ngày
Quốc khánh 26-10 năm ngoái, cầu nối liền sở thú với Thị Nghè sập, cả trăm người chết.

“Cả
trăm người Việt chết anh ta cho là ít tồi tệ hơn mấy chục người Mỹ chết!” –
Luân nghĩ thầm.

- Bậy
bạ nhất là các vụ nổ rộ lên đúng trước và ngay ngày khai mạc hội nghị kế hoạch
Colombo. Chúng ta ra mắt thế giới thứ ba như vậy đó. - Giọng Nhu rầu rĩ.

Nhu rút
trong ảnh ra mấy tấm ảnh phóng đại đưa cho Luân:

- Anh
xem! Nhà cháy… Cháy
toàn khu định cư. Đây là hình chụp khu Gia Kiệm từ máy bay, thiệt hại hai nghìn
năm trăm nhà. Một con số ghê gớm… Chưa hết.

Nhu đưa
thêm một ảnh. Thềm nhà đô chính, một người ngồi trong ngọn lửa bùng cao. Không
thể thấy rõ mặt người đó nhưng tác thì roi roi. Ảnh ghi được tấm băng vải căng gắn nơi tự thiêu: Di cư Hoàng Văn Đáp,
phản đối cảnh sát vô cớ bắt và đánh đập vợ ngay ngày Tết.

- Một
vụ khiêu khích chính trị! – Nhu hằn học.

Luân
ngắm nghía khá lâu tấm ảnh. Vụ Hoàng Văn Đáp cùng các sự việc dồn dập không
phải giả tạo.

Nhu nói
ra lời cái ý mà Luân hiểu ngầm:

- Cộng
tất cả lại, từ bài báo của Nghiêm Xuân Thiện trên tờ Thời Luận, tuyên cáo thành
lập Đảng Dân chủ của Phan Quang Đán đến dư luận về tôi và nhà tôi buôn lậu, bản
đại hợp xướng đủ cung bậc!

- Theo
anh, ai là nhạc trưởng?

- Anh
thừa hiểu mà… Gay go cho chúng ta là an ninh nội địa sa sút nghiêm trọng. Các
ông Trần Vĩnh Đắt, Phạm Xuân Chiểu đều không có tài. Tổng thống vừa bổ nhiệm
ông Nguyễn Văn Là, may ra cứu vãn được tình thế. - Nhu rít thuốc liên hồi. -
Đại sứ Durbrow dùng kính lúp soi mói chúng ta. Hình như ông ta có gặp anh?

Nhu hỏi
đột ngột nhưng Luân biết câu hỏi đã được đắn đo vài tháng nay, từ khi đại sứ
Durbrow thình lình đến nhà Luân, nói là để đáp lễ lần Nhu và Luân tiếp ông sau
buổi trình quốc thư. Đại sứ và Luân, lần đó, chỉ giới hạn trong phạm vi xã
giao, hoặc nói thật chính xác, đại sứ Durbrow thăm dò – thăm dò các ngóc ngách
của nội tình Việt Nam Cộng hòa và thăm dò cá nhân Luân. Hai người nói chuyện
chừng hai
mươi phút. Durbrow nhắc đến Reihnardt và ông nối tiếp
tình bạn đó. Luân cảm ơn ông. Anh tránh đi sâu vào các vấn đề mà Durbrow quan
tâm nhưng vẫn hé cho ông ta thấy anh không phải không có nhận xét riêng. Sau
này, qua Fanfani, đại sứ mời Luân ăn tối. Ông ta hỏi thẳng Luân về khả năng
điều khiển nhà nước của Diệm và Nhu, đồng thời phàn nàn về Lệ Xuân, nhất là về
vai trò ngày mỗi chi phối của mụ đối với chính sách của Tổng thống. Luân trả
lời rất khéo: sự ấu trĩ là dễ hiểu ở những người mới cầm quyền, không phải đánh
giá họ qua một số năm mà phải qua hàng chục năm… Durbrow phản ứng: nước Mỹ bắt
đầu mất kiên nhẫn.

Dẫu
sao, việc đại sứ Hoa Kỳ đích thân đến nhà một thiếu tá Việt Nam và mời viên
thiếu tá đó ăn tối cũng gây xôn xao trong giới thân cận Dinh Độc Lập.

- Có.
Ông ta và tôi gặp nhau hai lần. – Luân trả lời - Một lần ông ta đến nhà tôi,
một lần tôi đến nhà ông ta. Anh nhận xét không sai, ông Durbrow không cảm tình
lắm với chúng ta, so với ông Collin và Reihnardt. Đặc biệt, ông ta không thích
anh và chị. Tuy vậy, theo tôi, Durbrow chẳng qua chỉ là đại sứ lâm thời. Ở Mỹ,
người ta đang nói đến Nolting, thậm chí, ứng cử viên Tổng thống Cabot Lodget sẽ
thay Durbrow.

- Tôi
biết. Thư mới nhất của ông nhạc tôi cho hay Tổng thống Mỹ sắp bổ đại sứ mới ở
Việt Nam. Song, anh nên nhớ, sự bãi miễn Durbrow không hoàn toàn vì ông ta
không làm tròn nhiệm vụ mà chủ yếu vì chúng ta. Người Mỹ nôn nóng. Họ đâu có
biết những khó khăn của chúng ta. Ngay người Pháp, họ đang chơi xỏ chúng ta.
Tôi nói các chủ đồn điền cao su: phần thuế họ nộp cho Cộng sản chẳng kém phần
họ nộp cho Chính phủ.

Nhu cắn
ngón tay cái, thở dài:

- Giữa
lúc gian nan này, nhà tôi lại đổ dầu vào lửa!

*

Quốc
hội hay chợ Cầu Ông Lãnh (bài báo của tờ Thời Luận).

Hôm
qua, Quốc hội họp phiên toàn thể để bàn về luật gia đình, dân biểu Trần Lệ Xuân
(tức Ngô Đình Nhu phu nhân, cũng tức Việt Nam Cộng
hòa đệ nhất phu nhân) là người đề xuất đạo luật đó, đã bảo vệ quan điểm của bà
với thái độ… hàng tôm hàng cá.

Dư luận
không nói ra nhưng mọi người đều biết hai điều khoản gay cấn nhất - điều khoản cấm đàn ông lấy vợ lẽ và
điều khoản không cho phép đàn ông li dị vợ. Sự thật là vì bà Trần Thị Lệ Chi,
vợ của luật sư Nguyễn Hữu Châu và là chị ruột của dân biểu Trần Lệ Xuân. Từ
lâu, luật sư Nguyễn Hữu Châu có ý định li dị vợ bởi ông nghi vợ không chỉ một
lần mà đều đều…! Đạo luật nếu được Quốc hội thông qua sẽ chặn đứng ông Nguyễn
Hữu Châu. Bà dân biểu Trần Lệ Xuân nhân danh cho đạo lí và nhân danh cho chị
ruột, quyết bắt các nghị phải gật đầu. Bà nói: Các ông thật hèn, tùy tiện bỏ
vợ, tùy tiện lấy vợ bé. Quốc hội tuyên chiến với các ông. Rồi bất thình lình,
bà quay sang chủ tịch Quốc hội Trần Văn Lắm: Dược sĩ chủ tịch, mong ông nêu
gương trước.

Nền nhà
Quốc hội quá cứng nên ông chủ tịch không độn thổ nổi. Mặt đỏ rần, ông Lắm vuốt
mãi cái đầu trải láng mướt. Chắc ông “tiến thoái lưỡng nan”: đưa tay tán thành
dự luật thì cái ghế chủ tịch ắt sụm liền… May quá, dân biểu Nguyễn Minh Chương,
từ hàng ghế chót, đứng lên bô bô, giải nguy cho chủ tịch.

- Hoặc
Quốc hội thông qua luật “một vợ một chồng” hoặc để cho nó phù hợp với đạo lí “ông
ăn chả, bà ăn nem” thì thông qua luật bình đẳng: đàn ông được ngủ với nhiều đàn
bà và đàn bà cũng được ngủ với nhiều đàn ông! Bà dân biểu Trần Lệ Xuân nhất
định hoan nghênh cái luật sau…

Một
trận bão cười thiếu điều vỡ tung nhà hát lớn.

Dân
biểu Trần Lệ Xuân thẹn quá, nhào qua ghế chủ tịch, cướp cái chuông rung liên
hồi kì trận.

Dược sĩ
chủ tịch mừng húm, tuyên bố Quốc hội “chợ cầu Ông Lãnh” tạm nghỉ… chửi lộn. Bà
dân biểu Trần Lệ Xuân hầm hầm bước ra xe, hai cận vệ lưng nách kèm sát bà,
chiếc áo phất lòi “con chó lửa” đen sì… Dân biểu Nguyễn Minh Chương hoảng hồn
trốn đâu mất tiệt.

Để coi
Quốc hội sẽ trở lại vụ này như thế nào, tiếp tục hàng tôm hàng cá cầu Ông Lãnh
hay nâng lên mức anh chị bự Cầu Muối?

*

Nhu
đứng trước tấm bản đồ phía Bắc Sài Gòn với nhiều chấm đen.

- Anh
xem đây… – Nhu dùng gậy chỉ bản đồ - Chỗ giáp giới Cambốt, chạy từ Lò Gò đến Kà
Tum do C.60 phụ trách, người cầm đầu tên Năm Beo. Từ sông Tha La đến sông Sài
Gòn do C.70, chỉ huy tên Tư Nguyện. Từ bờ Đông Sài Gòn đến Định Thành thuộc
C.80, chỉ huy tên Tám Bằng Lăng. Vùng Dầu Tiếng Long Nguyên, Bến Súc, Bời Lời
thuộc C.90, người chỉ huy là Sáu Ốm. Vùng Bùng Binh đến An Nhơn Tây nơi thành
ủy Việt Cộng đóng, bí thư thành ủy tên là Chín Dũng, tức Kiệt. Phía Tân Uyên có
C.100, C.200 do Tám Dên Dên và Ba Thu chỉ huy. Tình báo cho biết Tám Dên Dên là
tướng Nguyễn Hữu Xuyến, chắc anh quen.

Luân
khoanh tay, lắng nghe. Tấm bản đồ lỗ chỗ như người lên đậu mùa. Thông tin của
Nhu có thể chính xác về một số mặt, tỉ như tên người. Luân quen một vài người
trong đó, mà cũng có thể Luân quen hầu hết nếu biết tên thật. Thế là tốt lắm.
Nếu đúng Tám Dên Dên là Nguyễn Hữu Xuyến thì ý định của Xứ ủy đã rõ. Con người
từng chỉ huy những trận lớn như Cổ Cò, La Bang, một cán bộ quân sự cấp sư đoàn
có tài.

Luân
lắng nghe và Nhu hiểu thái độ của Luân như chia sẻ nỗi bận tâm với anh.

- Con
số năm tiểu đoàn của tổng nha cảnh sát gắn cho Việt Cộng
quá cao. – Nhu nói tiếp – Nhưng chắc chắn không dưới vài nghìn quân, chỉ tính
từ phía Bắc Sài Gòn. Còn Đồng Tháp Mười, còn rừng U Minh…

Nhu
chợt thấy Luân cười mỉm:

- Thế
nào?

- Tôi
nghĩ không giống anh. Tôi là người trong cuộc khi tập kết. Lấy đâu ra số quân
Cộng sản đông như vậy?

- Một
phần do số nằm vùng, một phần là tàn quân giáo phái nhập vào, một phần tuyển mộ
trong những người bất mãn Chính phủ. - Nhu nói rành rọt.

Luân
lắc đầu

- Tổng
nha công an muốn giải thích một cách đơn giản hơn hết về tình hình an ninh hiện
nay. Đại sứ quán Mỹ và CIA không tin tin tức của ta nhưng họ vẫn dùng con số đó
để gây sức ép với ta.

Nhu rời
bản đồ, ngồi vào ghế.

- Theo
anh, chưa có gì phải báo động?

- Tôi
không nói tuyệt đối như vậy. Những cuộc đánh bom ở Sài Gòn thật ra tạo tác động
tâm lí nhiều hơn. Còn các trận tấn công như Dầu Tiếng, tôi nghĩ mãi: có đúng là
Việt Cộng không?

Nhu
chồm người tới, thoảng thốt:

- Anh
suy luận hay có bằng chứng?

- Đường
Bến Cát – Chơn Thành, Bến Cát - Dầu Tiếng, Dầu Tiếng – Minh Thạnh, Suối Đá – Kà
Tum, Tây Ninh – Sa Mát, Trảng Bàng - Sốc Lào không thể đi lại ban đêm, mà ban
ngày đi lại cũng nguy hiểm. Trong khi đó, đồn bảo an và căn cứ quân sự đóng dày
đặc. – Luân không trả lời thẳng câu hỏi của Nhu – Theo lệnh anh, tôi kiểm tra
vùng quanh Dầu Tiếng. Một xóm nhỏ tên là Đất Ung, cách làng 5 chỉ tám trăm thước và gồm bao nhiêu nhà anh biết không, gồm bốn
cái. Nhưng tỉnh trưởng, quận trưởng đều sợ… Sợ ai? Sợ mấy bà già. Tại sao? Lính
bắt gà, bắt heo, bò của mấy nhà đó, dân hăm he lính tới thì chém…Tỉnh, quận
liền dán ngay cửa nhà họ bảng đen. Đẩy họ theo Việt Cộng, giáo phái. Chưa phải
có bấy nhiêu. Chính quyền dung túng cho mấy nhóm cướp - kiểu Nguyễn Lạc Hóa ở
Bình Hưng. Cho nên, tôi chưa kết luận vụ Dầu Tiếng là do Việt Cộng.

Nhu bóp
trán một chập.

- Thế
này, anh Luân nhé. Tôi đề nghị anh chịu cực một lúc. Anh nhận nhiệm vụ Tư lệnh
hành quân vùng Bắc Sài Gòn kiêm chỉ huy trưởng tỉnh đoàn bảo an Bình Dương,
được không?

- Lại
mở chiến dịch Trương Tấn Bửu sao? – Luân hóm hỉnh.

- Lần
này tôi muốn anh thực hiện phương pháp nào mà anh cho là hiệu quả. Trước nay,
hễ kết thúc một chiến dịch đồng nghĩa với sửa soạn ngay một chiến dịch mới, cái
sau phức tạp hơn cái trước, giống như câu tục ngữ Tây phương: Deshabiller Saint
Pierre pour habiller Saint Paul(3), cái vòng luẩn quẩn không lối ra.

(3) Lột áo
thánh Phêrô để mặc cho thánh Phaolô.

Giọng
Nhu đặc biệt thân ái:

- Mình
muốn chiến dịch do ông phụ trách thuộc loại khác hẳn. Khác từ tên gọi. Tỉ dụ. “Cơn
hồng thủy” được không? Ông định chừng mấy tháng? Chừng mười tháng đủ không?

- Tôi
chưa nói tôi nhận công việc anh giao. – Luân cười cười.

Nhu
cười phá.

- Nếu
tôi nghĩ là ông từ chối thì chẳng bao giờ tôi nêu với ông… Sao? Tám hay mười
tháng? Ta phải phục tùng mệnh lệnh thời gian: Năm bầu cử Tổng thống Mỹ.

- Có lẽ
ta nên đặt mục tiêu chạy đua từ những yêu cầu chính trị, xã hội nước ta. Dẫu
Kennedy thắng, chính sách Đông Dương của Mỹ sẽ chẳng thay đổi. Anh đã đọc bài
của Henrry Kissinger trên Foreign Affairs(4) chưa? Đó là quan điểm chung không
lệ thuộc vào nhãn hiệu Cộng hòa hay Dân chủ.

(4) Những
vấn đề đối ngoại.

- Tất
nhiên, tất nhiên… - Nhu đưa tay ngăn Luân – Song, chính sách chung của Mỹ không
thay đổi lại không có nghĩa là chính sách đối với Tổng thống nước ta vẫn y như
cũ. Phải cải thiện cho được một vùng mà tình hình dễ khuấy động thủ đô… Anh làm
nổi?

- Tôi
sẽ cố gắng!

Nhu hớn
hở.

- Tôi
biết anh không từ chối. Làm sao từ chối một công việc hấp dẫn như vậy. Tôi giúp
anh. Như thế này…

Nhu trở
lại bản đồ.

- Tôi
cho công binh ủi một con lộ từ Lộc Ninh sang tận đầu nguồn sông Vàm Cỏ, song
song với đường biên giới Việt – Cambốt, người ta gọi là đường biên giới không
minh định. Người Pháp không minh định, ta minh định vậy. Tôi cho ủi thêm nhiều
con lộ nhánh nữa, từ Minh Thạnh qua Cần Đăng, từ Kà Tum đi Suối Vàng, chưa kể
các con lộ kiểm lâm. Tóm lại, tôi cho xẻ dọc xẻ ngang thành bàn cờ khu rừng
Bình Dương, Bình Long, Tây Ninh. Riêng vùng anh phụ trách hàng quân, sẽ có một
hệ thống cứ điểm mạnh: Tống Lê Chân, sóc Con Trăn, Bổ Túc, Kà Tum, Sa Mát, Lò
Gò, Thiện Ngôn, Cần Đăng, Trại Bí, Bầu Cỏ, Định Thành… Tổng ủy Dinh điền sẽ
chốt dân di cư theo các con lộ đó. Trong tương lai, tôi có trồng vài vạn mẫu
cao su.

- Một ý
đồ vĩ đại! – Luân khen.

- Đúng!
Và anh là người đặt viên đá đầu tiên. Để anh dễ dàng hoạt động, ngoài lực lượng
Bảo an Bình Dương trực thuộc, anh có toàn quyền với Bảo an Tây Ninh và Bình
Long, thêm một số đơn vị thuộc chủ lực đóng ba tỉnh đó. Nếu anh muốn, tôi cho
phối thuộc anh một số đơn vị pháo binh, thiết kị.

Nhu gọi
người hầu mang bia.

- Tôi
không ngại thiếu lực lượng. Trái lại, như anh quyết định, lực lượng có phần
thừa. Chiến dịch, một cách nói theo thói quen, ta tạm dùng, nhưng tôi không
nghĩ rằng ta có thể thành công bằng cách chỉ tung quân, nổ súng. Chẳng lẽ chúng
ta giam chân ở vùng này? Còn Trung
phần, cao nguyên, Trung Nam phần, Tây Nam phần, mỗi nơi đòi con số quân rất cao. Tôi nhận
công việc với điều kiện: chính tôi chịu trách nhiệm điều khiển kế hoạch. Tôi
muốn thực hiện một trắc nghiệm: xây dựng lực lượng dân phòng.

- Tôi
từng nghĩ tới điều anh nói. Tại sao tôi không ủng hộ anh.

- An
ninh xấu do đối phương gây ra cũng có mà do ta tự gây ra cũng có. Anh có cho
tôi jeu vert(5) trong chiến dịch không?

(5) Đèn
xanh

- Anh
còn hỏi làm gì? – Nhu quả quyết – Anh được toàn quyền hành động.

- Sẽ
đụng chạm đó! Tôi cần nói trước.

- Anh
lôi cổ mấy thằng làm bậy ra bắn, chớ gì? Anh không bắn tôi cũng bắn.

- Đó
chỉ mới một phần. Tôi sẽ thay cả hệ thống cán bộ chính trị quân sự trong vùng,
tất nhiên, qua sự xét duyệt của anh. Tôi ngại có người lên khóc lóc với Tổng
thống, với anh với chị, các Ngài mủi lòng, can thiệp tới lui, khó cho tôi.

- Anh
yên tâm! Tôi thề không nói một lời ngược ý anh suốt thời gian chiến dịch. Tổng
thống cũng sẽ không gây bất kì một trở ngại nào cho anh. Quyết định bổ nhiệm
anh do Tổng thống kí và sẽ ghi rõ quyền hạn của anh.

- Cảm
ơn anh! – Luân nâng li bia Đan Mạch ướp lạnh sủi bọt.

- Như
vậy “Cơn hồng thủy” mà anh đặt cho chiến dịch có vẻ hợp lí. – Luân nói thêm –
Tôi nghĩ là phải mười tháng.

- Coi
như chúng ta thỏa thuận với nhau các điểm căn bản. Rồi, - Nhu cười thoải mái -
chỉ mong sau mười tháng anh đừng nói: Après moi le Délughe(6).

(6) Sau ta
là cơn hồng thủy.

Luân
cười to.

- Tôi
thì sợ cái khác, sợ anh phê công việc của tôi bằng câu Horace: descile in
piscem(7).

(7) Như là
đầu voi đuôi chuột.

- Với
anh đầu voi thì đuôi phải là khủng long!… Thế bao giờ bắt tay? Thủ tục chỉ cần
vài giờ thôi…

- Cho
tôi hai tuần lễ.

- Ồ,
lâu quá…

- Không
lâu. Tôi phải nắm tình hình ở bộ tổng tham mưu, bàn bạc với nha công vụ, tổng
nha cảnh sát. Tôi vạch kế hoạch rồi thưa với anh. Tôi muốn Tổng thống chuẩn y
kế hoạch của tôi… Vả lại, anh nhớ, tôi còn cho “bản tango thứ ba” cất tiếng!

- À,
đúng… Sao “bản tango” trôi chảy chứ?

- Có hi
vọng. Tôi và thiếu tá James Casey xem xét nhiều khía cạnh kĩ thuật. Sự thất bại
của các “bản” đều có thể có một loạt nguyên nhân, nhưng chúng tôi tạm rút ra
kết luận quan trọng nhất là cách chọn người. Việc phức tạp như nhảy dù xuống
Bắc Việt mà chỉ tuyển trong bọn ham tiền, bọn lưu manh chuyên nghiệp, bọn thừa
hung ác nhưng thiếu thông minh dù ta ném trăm đứa cũng không có lấy một tia
sáng.

- Được,
tôi đồng ý hai tuần lễ. - Nhu đứng lên.

Luân
bắt tay Nhu.

- Tôi
còn trao đổi với anh vài việc gấp. Chiều nay, ta ăn cơm. Anh suy nghĩ trước về
chuyến đi Nam Vang gặp Shihanouk của tôi. Tuy tháng tám tôi mới đi, song cần sửa soạn kĩ.

Khi
tiễn Luân ra cửa, Nhu lại bắt tay anh lần nữa, nháy mắt.

- Có
tin mừng chưa?

Luân
cười rất tươi:

- Vội
gì! Dung chưa thích có con…

Trên
xe, Luân nhớ tới câu của Nhu, khẽ thở dài.

Thạch
kín đáo liếc nhìn anh. Có thể cậu ta ngờ rằng giữa Luân và Nhu vừa có điều gì
không bằng lòng nhau.

Đám
cưới Luân – Dung tổ chức trước Tết. Không khác được, đám cưới khá linh đình tại
nhà hàng Đồng Khánh. Giám mục, vợ chồng Nhu có mặt. Sau đó, hai người vào Dinh
Độc Lập chào Tổng thống và được Tổng thống tặng quà cưới. Bữa thiết của Tổng
thống không kém gì bữa lễ chính. Hai người bay ra Huế. Cũng mất cả tuần. Rồi,
đi hưởng tuần trăng mật ở Đà Lạt non tháng. Đó là thời gian Dung ôn tập để thi
lấy chứng chỉ cử nhân luật, Luân tranh thủ đọc sách. Đêm họ ngủ chung phòng
song nằm thu lu một góc trên sàn, họ phải đề phòng Thạch biết họ cưới giả.

Sau khi
gặp anh Sáu Đăng, Luân báo lại với Dung ý định của thủ trưởng. Dung im lặng, rõ
ràng anh Sáu nói có lí.

“Cố
gắng vậy!” – Luân tự nhủ thầm, tuy mỗi ngày mỗi cảm thấy mình đuối trong cuộc
thử thách quá sức chịu đựng này.