Ván bài lật ngửa - Phần VI - Chương 03

P6 - Chương 3

Bài của
Helen Fanfani trên Financial Affairs:

LỰC
LƯỢNG CHÍNH TRỊ MỚI Ở NAM VIỆT - CÁC NHÀ SƯ.

Ngày 21-5-1961, Giáo hội tăng già kỉ niệm lễ Phật Thích Ca
ra đời đặc biệt rầm rộ tại một địa điểm ít ai có thể ngờ: sân vận động quân
đội. Giáo hội gồm các nhà sư quê Bắc Việt di cư vào Nam. Họ có trong người
chiếc hộ chiếu chống Cộng và kể từ 1954, họ vẫn bị mai một dưới một chính thể
được mô tả như là trấn áp các tôn giáo để đạo Thiên Chúa La Mã độc tôn.

Cờ Phật
rợp sân vận động và vài nghìn tín đồ - nữ nhiều hơn nam và trong nam, tuy khó
kiểm kê song quân nhân mặc thường phục phải chiếm một tỉ lệ nào đó - kính cẩn
nghe các nhà sư thuyết pháp. Chưa chắc tín đồ đã hiểu những câu triết học Phật
giáo hàm súc quá tầm đối với trình độ văn hóa trung bình, nhưng một cuộc tập
hợp công khai khá quy mô của những người di cư theo đạo Phật trên lãnh địa của
quân đội hẳn có nhiều ẩn ý. Chỉ nửa năm trước đây thôi, cũng quân đội đã làm cho chế độ ông Ngô Đình Diệm choáng váng.
Tập tục của các thể chế độc tài mà người ta quen thuộc ở Nam Mỹ sau Đệ nhị thế
chiến - liên quan chặt chẽ với bước tiến của đồng dollar Mỹ - quảng bá khá
nhanh ở Đông Á. Nước Thái Lan hiền lành thế kia mà vẫn có đảo chính và dĩ nhiên
quân đội dùng súng do Mỹ trang bị “xếp đặt lại trật tự nội bộ” theo ý các tướng
tá. Quân đội nhà nghề trở thành một lực lượng chính trị - điều bị cấm tuyệt đối
ở Mỹ lại được khuyến khích rộng rãi bên ngoài. Dẫu sao, chuyển một đạo quân
trong doanh trại, trong đội hình, chịu kỉ luật nghiêm ra một chính đảng vẫn ít
tốn tiền và thời gian hơn xây dựng một chính đảng. Vấn đề là ở Nam Việt, không
phải chỉ có ông Diệm hiểu điều đó. Những người theo đạo Phật di cư, chống Cộng
quyết liệt, hiểu điều đó có vẻ trước ông Diệm.

Việt
Nam là một đất nước Phật giáo - chúng ta có thể khái quát như vậy nếu không quá
câu nệ. Đạo Phật đến xứ này ngắn nhất cũng trên mười lăm thế kỉ, dưới triều đại các vua Trung Quốc đời Đường
nổi tiếng sùng Phật. Đạo Phật lại là tôn giáo châu Á, rất gần gũi với tình cảm
người Việt. Còn đạo Thiên Chúa, mãi thế kỉ XV mới có mặt trên một số vùng của
Việt Nam. Và, có mặt với những nhà truyền giáo dị tộc.

Người
viết bài này dự buổi lễ tại sân vận động và các bức ảnh có thể giúp bạn đọc
hình dung cuộc chạy đua giành quyền binh khó tránh ở Nam Việt mà các nhà sư
nghiễm nhiên thành đối thủ của Tổng thống tín đồ đạo Thiên Chúa Ngô Đình Diệm.
Một nhà sư nổi tiếng vừa - nhưng qua buổi giảng đạo này, ông sẽ nổi tiếng hơn -
tên là Thích Tâm Châu, giống hệt các linh mục: minh họa một câu kinh Phật bằng
khái niệm chính trị mà ai cũng có thể hiểu. Ông nói: Phật dạy chúng ta vị tha,
còn một số người cầm quyền thì chỉ lo ăn ngon mặc đẹp. Ông cố gắng phơi bày cái
mà ông gọi là “sự ngược đãi đạo Phật,” với lời lẽ khéo léo và rất hấp dẫn. Tôi
đã trông tận mắt một số nữ tín đồ khóc nức nở.

Cách
đây ba tuần lễ, tôi dự một cuộc tập hợp đông hơn ở trụ sở một tổ chức nghiệp
đoàn Thiên Chúa giáo với vị lãnh đạo di cư hách dịch - người ta nói ông Trần
Quốc Bửu, tên của vị lãnh đạo ấy, hành nghề quản lí nghiệp đoàn như nghề cai thầu. Diễn văn soạn sẵn, ông Bửu nhai
lại câu phù chú: “Thăng tiến Cần lao, đồng tiến xã hội.” Có vẻ câu phù chú của
ông Bửu bí hiểm hơn cả câu kinh Phật. Ông Bửu thích nghi không khí sôi động của
Sài Gòn chậm hơn nhà sư. Tôi biết còn một nghiệp đoàn nữa, thuộc hệ thống quốc
tế các đảng xã hội, gọi là Lực lượng thợ thuyền mà ông Vân, người cầm đầu,
chuyên lo điều đình để ông Diệm trả lương hưu trí cho công chức thuộc guồng máy
cai trị Pháp trước kia; nghiệp đoàn đó quá già nua. Một nghiệp đoàn khác, gọi
là Tổng liên đoàn lao động, na ná CGT của Pháp, do ông Thốt cầm đầu, bị khủng
bố liên miên và chỉ được tổ chức lễ 1-5 trong khuôn viên trụ sở chật hẹp. Liệu
rằng nếu những người công đoàn viên này liên mình với những người Phật giáo bất
mãn kia thì ông Diệm có thể tránh khỏi nguy cơ không? Không chỉ các trí thức,
mà đã đến lượt các nhà sư, các tín đồ đạo Phật - hầu hết là người nghèo - tỏ
thái độ bực dọc. Hiện nay, các nhà sư chưa đủ lực lượng - họ là di cư, cô lập
trong dân chúng tại chỗ, nhưng mọi việc không đứng yên mãi. Nhất là khi họ khám
phá ra cái kho của cải đầy ắp - quân đội - đang muốn ngoi lên thành thực thể
chính trị. Tính cách tôn nghiêm của triều đình ông Diệm bị trần tục hóa qua vụ
11-11. Và một khi ông Diệm hiện thân như một Tổng thống bằng xương bằng thịt
thì quyền lực thuộc về ai có súng trong tay.

Nhà thờ
đã là lực lượng chính trị. Tại sao nhà chùa không làm như thế? Các nhà sư đặt
câu hỏi như vậy. Câu hỏi của các nhà sư đặt ra tại một doanh trại quân đội -
bao quát luôn câu hỏi kèm: Tại sao không phải là quân đội? Bảng tổng kết bảy năm ông Diệm chấp chánh cung cấp nhiều tư liệu để
nhà chùa tố cáo ông. Nhà chùa sẽ được dư luận hậu thuẫn tình cảm không thích đạo
Thiên Chúa vốn ăn sâu ở đây hàng trăm năm, ông Diệm kích động thêm tình cảm đó
và chính nhà cung cấp cho tình cảm đó những cơ sở và cơ hội rất hào phóng.

*

Ủy ban
Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam công bố danh sách thành
viên, tuyên ngôn, chương trình hành động và bài hát chính thức.

Ngô
Đình Diệm không quan tâm lắm đến nhân sự của Mặt trận. Hầu hết xa lạ với ông,
trừ luật sư Nguyễn Hữu Thọ và kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát mà ông nghe tiếng.
Chính ông đã bắt giam luật sư Nguyễn Hữu Thọ ngay khi ông vừa chấp chánh.

Ngô
Đình Nhu khác Diệm. Anh ta để hằng buổi nghe các chuyên viên báo cáo về từng
nhân vật của Mặt trận. Anh hỏi thêm Luân những chi tiết. Và, ngay Luân cũng
không biết hết lai lịch các ủy viên Mặt trận: Võ Chí Công, Trần Nam Trung,
Huỳnh Đàng, Nguyễn Thạch v.v… là ai?

Khi
được tin luật sư Nguyễn Hữu Thọ thoát khỏi nơi quản thúc ông - một làng trung
du - Nhu khiển trách tỉnh trưởng Phú Yên thậm tệ, song chủ yếu là vì Nhu nhìn
việc đó như báo hiệu tình hình an ninh Phú Yên trở nên quá xấu. Bây giờ, Nhu
thấm đau: anh ta đã để sẩy một nhân vật có tầm cỡ.

Cộng
sản công bố danh sách Mặt trận - Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đối đầu từ nay
không phải với một bóng ma mà với một tổ chức có con người cụ thể.

Nhu vỗ
bàn giận dữ khi thiếu tướng Tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia không trả lời được
vì sao, lúc nào, bằng cách gì mà nhà soạn kịch Trần Hữu Trang, bác sĩ Phùng Văn
Cung vô mật khu. Sẽ còn ai nữa? Nhu ra giá cái đầu của thiếu tướng nếu Cộng sản
lại công bố thêm một nhân vật Sài Gòn tham gia Mặt trận.

Nhu đã
nghe tin tức về lễ thống nhất các lực lượng vũ trang chống Chính phủ - bây giờ
gọi là Quân giải phóng - và anh ta hiểu đối thủ xuất hiện theo một kế hoạch dự tính.

Trần
Kim Tuyến cho là Nhu đánh giá Mặt trận hơi cao. Tuyến so sánh danh sách Mặt
trận với Chính phủ vừa cải tổ. Nhu cười thương hại Tuyến:

- Ông
bác sĩ nghèo kiến thức quá. Ông cứ ngỡ các ông Trương Công Cừu, Nguyễn Đình Thuần,
Bùi Văn Lương, Huỳnh Hữu Nghĩa, Ngô Trọng Hiếu… là có giá lắm sao? Ta thừa, quá
thừa các gương mặt mập ú, cách biệt với dân, ngoài bằng cấp, tiểu sử, không có
gì để ghi. Nếu có, lại là thứ không thể ghi. Cộng sản đưa người nào thì người
đó có ảnh hưởng trong dân chúng. Ông kiếm cho tôi một người từng vào tù ra khám
thời Pháp về tội chính trị và lương thiện để tôi bổ sung vào Chính phủ ta.
Không có!… Ông thử mời Giáo sư
Dương Minh Thới, Bác sĩ
Nguyễn Xuân Bái tham gia nội các xem? Họ không thèm. Mà không chừng họ đã là
thành viên của Mặt trận. Hòa thượng Thích Thiện Hào là ai? Ông không biết!
Joseph-Marie Hồ Huệ Bá là ai? Ông không biết! Đại đức Sơn Vọng là ai? Ông không
biết! Trung tá Võ Văn Môn? Ông không biết! Tôi mách giúp ông: Bảy Môn đó. Bảy
Môn từng làm tham mưu trưởng cho Bảy Viễn đó. Việt Cộng lôi kéo được cả một
lãnh tụ người Rhađê, tên là Ibih Aléo. Chớ có coi thường!

Gần
đây, Nhu hay bực dọc. Chuyện không đáng gì cũng khiến anh ta rống lên, quát
tháo, mất dần cái điềm đạm, thâm trầm cũ. Một trong những cơn tính khí thất
thường ấy trút lên đầu vị linh mục xứ đạo Bình An.

Sau vụ
gánh hát Kim Thoa bị ném lựu đạn, cách nay ngót năm năm, linh mục Hoàng gần như không nói chuyện với Nhu lần nào, mặc dù
linh mục vẫn luôn chạm mặt Nhu ở các cuộc họp. Linh mục đinh ninh có lúc Nhu
phải phủ phục trước ông cầu sự giúp đỡ. Ông nắm trong tay khối Thiên Chúa giáo
di cư đồ sộ, gồm các linh mục và con chiên từ Xóm Mới, Bắc Hà lên đến Hố Nai,
Gia Kiệm. Các nhà thờ lớn trong thành phố đều do các linh mục thân tín của ông
cai quản. Thế lực của ông không chỉ có ngần đó. Quốc hội, các bộ, các tướng,
các ngân hàng, công ty… Nhu phải biết ông là hạng người nào. Ngày xưa, Nhu dọa
cắt viện trợ cho quỹ di cư, ông sợ mất mật. Bây giờ, ông thách Nhu - mấy trăm
triệu dollar đã hóa thân vào guồng vận động của bao nhiêu ngân hàng, công ty,
bao nhiêu xứ đạo. Con số viện trợ vẫn còn song thật chẳng thấm vào đâu so với
cơ ngơi mà ông chi phối hiện nay. Tổng đoàn Bùi Chu - Phát Diệm xưa kia không
ra cái mẽ gì - mấy con gà, con lợn thu vét, mấy bộ quần áo, mấy thùng thịt hộp
của quân nhu Pháp, mấy trăm nghìn đồng bạc Đông Dương… sao mà nhỏ bé đến thế.
Ông không ngờ cung cách làm ăn mới mang tiền về cho ông như nước.

Tóm
lại, ông bỗng thấy mình cao lớn hẳn khi bước vào phòng làm việc của Nhu. Đợi
mãi, không thấy Nhu mời, ông phải gửi danh thiếp báo là ông muốn gặp Nhu. Riêng
cái danh thiếp cũng có lịch sử của nó. Lúc đầu, danh thiếp rẻ tiền, in ba dòng:
Linh mục Hoàng - Cha sở Bình An - Sài Gòn. Nửa chừng, danh thiếp được in tốt
hơn, chữ phủ kín: Linh mục Hoàng - Cựu Tổng chỉ huy lực lượng phòng vệ Bùi Chu
- Phát Diệm - Cố vấn ủy ban Trung ương công dân Công giáo - Chủ tịch Hội cựu
chiến binh Công giáo Bắc Việt - Hội trưởng Hội ái hữu Công giáo Bắc Việt.

Gần
đây, ông bỏ hết các danh thiếp đó, bảo nhà in Kim Lai in cho loại mới, trên
giấy quý, chữ nổi. Và danh thiếp chỉ ghi vỏn vẹn: Linh mục Phaolồ Hoàng, không
đề tên, địa chỉ và số điện thoại.

Chưa
chắc Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, nếu tước bỏ cái tên và chức, còn trơ trọi có
mỗi cái họ trong danh thiếp, thiên hạ biết họ là ai!

Ông ghi
nguệch ngoạc đằng sau danh thiếp: Cha có việc muốn bàn với con. Gấp.

Thế là
Nhu hẹn gặp ông. Nhu chờ ông ngay phòng làm việc và bắt tay ông niềm nở.

- Cha
muốn bàn việc chi? Con sẵn sàng nghe.

Nhu mời
ông ngồi.

- Nhiều
việc lắm… Này…

Ông mở
đầu bằng lối trịch thượng quen thuộc.

- Này,
tại sao con để cho bọn thầy chùa làm lộng thế?

- Thưa
cha, thế nào là làm lộng? - Nhu một mực ôn tồn.

Như
được khuyến khích - đúng là Nhu cần ông - ông lên giọng:

- Chứ
còn gì mà không lộng… Lễ Phật ngay vận động trường quân đội, cờ quạt rợp trời,
dùng cả loa phóng thanh thuyết pháp… Thiếu cái gì nữa, nào?

Ông
nghiêng người, duỗi chân, tựa đầu vào tay, ngó Nhu, môi bĩu, mái tóc bạc cắt
bằng phẳng khẽ lắc lư.

- Chết
mất, con ạ! Khốn thật; con cầm giềng mối cả chế độ mà khinh xuất đến thế…


tiếng gõ cửa. Nhu nói vọng ra: “Vào!” Người bước vào là Trung tá Nguyễn Thành Luân.

Linh
mục Hoàng vẫn không đổi bộ nửa ngồi nửa nằm trên chiếc ghế bành, không chìa tay
cho Luân. Mắt ông hấp háy với Nhu, ngầm bảo: Đuổi thằng này ra khỏi phòng, để
cha con ta nói chuyện.

Nhu lại
mời Luân ngồi:

- Anh
Luân nghe, cha Hoàng muốn góp ý kiến với chúng ta… Cha vừa nói đến nguy cơ Phật
giáo do ta cho phép họ làm lễ Phật tại sân vận động quân đội, có cờ, có loa…
Mời cha nói tiếp!

Luân
chào linh mục, ngồi xuống cạnh Nhu.

Linh
mục Hoàng không bằng lòng. “Nguy thật! Thằng cu Nhu bị quỷ ám đến mức tin cậy thằng Cộng sản này như người nhà. Hơn nữa,
nó còn xếp thằng Cộng sản này vào hàng ngũ “chúng ta” và dĩ nhiên, mình là
người ngoài. Bố tiên sư chúng nó! Được, đã thế, ông đập luôn một lần!”

Giữa
linh mục và Luân thật sự không có quan hệ gì đặc biệt. Ông biết Luân ngay từ
ngày ông vừa di cư vào Nam. Lúc đầu, ông ngại, sau ông yên tâm bởi Luân là con
nuôi của đức giám mục. Lần hồi, ông không thích Luân: chủ trương của Luân trái
ngược với chủ trương của ông - Luân nhúng tay trong vụ gánh hát Kim Thoa và
theo như các tài liệu phối kiểm, người của Luân đã bắn chết người của ông. Vậy,
quyết “lật tẩy” Luân - thằng Cộng sản này thì sùng đạo
thế nào được. Nhưng, cha sở nhà thờ Tân Định báo với ông là Kĩ sư Nguyễn Thành
Luân, trừ bận việc xa Sài Gòn, không sáng chủ nhật nào không đến nhà thờ đọc
kinh. Cha sở Phú Cường, cha sở Trúc Giang đều cho tin như vậy, khi Luân thực
hiện công vụ ở hai nơi.

Chưa
chịu, ông xoay sang hướng phát hiện Luân làm ăn, mèo mỡ. Một sĩ quan thân cận
với Tổng thống, lẽ nào không dính một trong hai món đó? Nhưng, ông tốn công vô
ích. Ông nguyền rủa Luân thậm tệ và vẫn chưa buông tha anh.

Bây
giờ, cái thằng Cộng sản đáng ghét nhất trong mọi thằng Cộng sản ấy đang ngồi
trước mặt ông, ngồi đàng hoàng, lại còn cười tủm tỉm nữa chứ!

- Này,
- Ông lại cao giọng - không cấm đạo Phật đã là may cho chúng nó. Tại sao cho
chúng chường mặt trước thiên hạ? Không chỉ có việc Phật giáo. Còn việc bình
định? Cộng sản mọc lên như rươi, mà Chính phủ thì chùn bước. Hồi cha ở Phát
Diệm, hễ bắt được một tờ Cộng sản thì lập tức triệt hạ cái thôn đó, lựa trong
số dân vài đứa khả nghi chặt đầu liền. Không diệt tận trứng thì chớ hòng chống
Cộng. Con thấy đấy, suốt một dải Kim Sơn, Tiền Hải sang Hải Hậu, chớ có một
hoạt động Cộng sản nào trong lúc cha còn cầm quân. Còn anh này - anh tên là gì
nhỉ… - Ông trỏ Luân - anh tập tễnh học lối Cộng sản, anh sẽ chết!

Rồi ông
xoay qua Nhu:

- Con
và cả ông Cụ nữa, đức giám mục nữa, nhẹ dạ quá. Xài bọn sớm đầu tối đánh!

Luân
chưa biết phải ứng phó làm sao thì Nhu đã rít liên hồi điếu thuốc.

- Thưa
cha, cha hoạt động đắc lực ở Ninh Bình - Nam Định…

- Chứ
sao! - Linh mục Hoàng ưỡn ngực - Cha chặt đầu tất bọn Cộng sản… - Ông ngó Luân
trừng trừng.

- Thảo
nào! - Nhu dụi thuốc - Thảo nào mà Pháp và Quốc gia cuốn cờ khỏi
Bắc Việt!

Linh
mục Hoàng đưa tay ngăn Nhu. Nhu không để ông mở mồm:

- Con
khó hiểu là tại sao Cộng sản không tặng huân chương cao nhất cho cha? Cha lập
công to với Cộng sản, góp sức vào thất bại của Pháp và Quốc gia. Và, vào Nam,
cha vẫn chưa gột bỏ đầu óc đặc cứng ấy. Cha muốn chế độ Cộng hòa sụp đổ hả?
Hình như cha không thấy tình cảnh khó khăn của đất nước hiện nay có dính đến sự
kém thông minh của cha. Cha thích cha Nguyễn Lạc Hóa chứ gì…

- Anh
đừng hỗn! - Linh mục Hoàng gầm lên.

- Con
chưa bỏ tù cha là con còn tử tế chán. Cha cứ tưởng các hoạt động kinh tài của
cha qua mắt được con. Cha cứ tưởng các sổ ma trong các khu di cư chỉ có cha
biết. Cha cứ tưởng các trương mục ngân hàng do cha đứng với đủ thứ tên là hợp
pháp? Con biết rõ cha tụ tập các phần tử lưu manh ra sao, họp ở đâu, nói cái
gì, làm trò gì. Con nói “làm trò gì” tức là trò tồi bại. Cha cần xem ảnh không?
Cha biết ca sĩ Minh Thùy, vợ thiếu tá Lạc ở Bình An chứ? Viên thiếu tá, linh
mục phụ tá của cha, một Tổng giám đốc và một thiếu tướng quanh thân thể cô
Thùy, trong nhà riêng của cha. Đủ chưa? Tất nhiên là chưa đủ. Con nhắc một phần
trăm vụ thôi… Sao, đưa cha ra tòa được không? - Nhu nói qua kẽ răng và rõ ràng,
Nhu có thể tuôn ra hàng lô vụ nữa.

Linh
mục Hoàng tựa hẫng giò. Ông ta trỗi dậy
từ hồi nào ông không biết. Té ra Nhu rành ông quá. Té ra chính ông đút đầu vào
tròng của Nhu khi đến đây.

- Cha
định làm gì tôi? Muốn vòi vĩnh cái gì đó, phải không? Tôi sẽ để cha yên, với
điều kiện cha không được tụ tập bọn lưu manh nói bậy. Hồ sơ về cha dày lắm rồi.

Quên
phứt sự có mặt của Luân, linh mục Hoàng đứng lên, mồ hôi đầm đìa, lủi thủi ra
cửa… Nhu ngao ngán trông theo, thở dài não nuột. Luân lặng lẽ châm thuốc…

*

Trần Lệ
Xuân, với danh nghĩa chủ tịch Phong trào Phụ nữ Liên đới, mở tiệc tiếp đại sứ
Mỹ Nolting, tại trụ sở của hội - ngôi nhà nhiều tầng rất khang trang vừa xây
dựng xong trên Đại lộ
Trần Quốc Toản.

Không
rõ Nolting được thông báo về Trần Lệ Xuân như thế nào mà diện bộ demie saison -
áo tropical xanh nhẹ và quần tergal xám tro - rất trẻ và cũng rất lẳng.

Lệ Xuân
đón Nolting ngay cổng. Đại sứ xuống xe đi sóng đôi với Lệ Xuân sau khi hôn lên
bàn tay nõn nà của mụ và ve vuốt nó khá lâu. Trong chiếc áo dài rộng cổ bằng
loại lụa mỏng màu sậm, đầu bới cao, quần satanh trắng, Lệ Xuân trang điểm vừa
phải nhưng bằng kĩ thuật già dặn, biết khoe những cái cần khoe. Ngay trong cái
giao tiếp đầu tiên, mụ đã biết ai là kẻ chiến thắng: đại sứ Mỹ - kín đáo, tất
nhiên - gắn chặt đôi mắt vào bờ vai mịn của mụ, nổi bật nhờ màu áo tương phản.

Lệ Xuân
đọc lời chào đại sứ bằng tiếng Anh. Ánh đèn trình bày trọn thân hình mụ, cách
Nolting không quá hai bước. Vừa đọc, Lệ Xuân vừa quan sát và mụ thấy rõ Nolting
háo hức nhấm nháp mụ.

Nolting
ứng khẩu, cám ơn buổi đón tiếp, hứa sẽ cố gắng trong mức tối đa, giúp đỡ phong
trào…

Nolting
tìm mọi cơ hội chạm vào da thịt Lệ Xuân. Duyên dáng và lịch sự, Lệ Xuân tránh
các tiếp xúc đó mặc dù mụ vẫn tỏ vẻ như mời mọc.

Cuộc
vui kéo dài vừa phải. Nolting thòm thèm song đành phải ra về.

Lệ Xuân
tiễn đại sứ ra xe và khi Nolting muốn accolade(1), mụ khéo léo tháo vòng tay
Nolting.

(1) Ôm hôn

Chiều
hôm sau, đại sứ mời bà chủ tịch Phong trào Phụ nữ Liên đới đến sứ quán để “bàn
cụ thể việc Tòa đại sứ Mỹ tài trợ cho phong trào” như thư ghi rõ. Lệ Xuân cáo
từ với lí do không khỏe và cử người phó - một bà lớn tuổi - đi thay.

Một
tuần lễ trôi qua, Lệ Xuân lại nhận được thư mời khẩn thiết. Lần này, mụ đến.
Nolting sa sầm mặt khi thấy Lệ Xuân cùng đến với hai nhân viên của phong trào.
Họ trao đổi qua loa và Lệ Xuân ra về.

Lần thứ
ba, Nolting lấy cớ là để trao cho bà chủ tịch ngân phiếu 5.000 dollar của một
tổ chức phụ nữ Mỹ, mời Lệ Xuân đến nhà riêng của đại sứ.

Trong
phòng khách, chỉ có hai người. Nolting đắm đuối nhìn Lệ Xuân, vẫn chiếc áo dài
đen và chiếc cổ lồ lộ.

- Thưa
bà, tôi nghĩ là bà trên hai mươi tuổi
một ít…

Lệ Xuân
cười thật tươi, cám ơn lời khen của Nolting và cho biết mình sắp bốn mươi.

Làm như
kinh ngạc, Nolting cầm tay mụ:

- Bà là
một phụ nữ châu Á đầu tiên mà tôi say mê. Tôi không giấu giếm: bà thật hấp dẫn.

Nolting
nói hổn hển.

Lệ Xuân
khấp khởi: cá cắn câu. Lão Mỹ này rơi vào thế trận kín kín hở hở của mụ. Mụ ra
vẻ e lệ, mắt đục mờ, như sẵn sàng hiến dâng. Nolting hôn thật lâu lên tay mụ.
Rồi ông ta xốc mụ dậy, ghì chặt. Lệ Xuân nửa như ưng, nửa như chống. Sau cùng,
Nolting không đạt được cái mà y thèm khát đến điên người và hôn lên đôi môi tô
hồng khêu gợi của mụ. Lệ Xuân đẩy Nolting ra, sửa lại tóc, mở cửa. Nolting hốt
hoảng chạy theo, miệng lắp bắp: “Xin lỗi… Bà đẹp quá… Tôi tha thiết yêu bà…”
Trong khoảnh khắc Nolting sợ - cuộc đời chính trị của ông ta có thể không suôn
sẻ vì cái phút vừa rồi. Nhưng, lên xe, Lệ Xuân ném lại cho Nolting nụ cười và
cái liếc hết sức âu yếm.

Bài bản
mà Lệ Xuân sử dụng kéo dài nhiều ngày. Nolting giống như kẻ mất hồn. Những lần
gặp gỡ đã giúp Lệ Xuân nắm được khá nhiều tài liệu về ý đồ của Mỹ đối với Nam
Việt nói chung và đối với gia đình Tổng thống Diệm nói riêng. Lệ Xuân chỉ bằng
lòng cho Nolting hôn khi viên đại sứ chìa cho mụ xem một bản sao điện mật,
trong đó, ngoại trưởng Mỹ căn cứ vào phân tích của Nolting, đồng ý không nên
gạt vợ chồng Ngô Đình Nhu ra khỏi chính quyền Nam Việt, bởi “sẽ làm suy yếu thế
lực chống Cộng” tại đây.

Và, các
lần gặp gỡ chớp nhoáng, Lệ Xuân chỉ cho phép Nolting trong giới hạn đó.