Ván bài lật ngửa - Phần VI - Chương 04

P6 - Chương 4

Tổng
thống Diệm kí quyết định bổ nhiệm Thiếu tá Lê Hoằng Thao quyền tỉnh trưởng khi Luân bị nạn và bây giờ thì bổ
nhiệm chính thức Thiếu tá
Trần Ngọc. Luân trở về Tham mưu biệt bộ Phủ Tổng thống, dưới quyền Đại tá Cao Văn Viên đồng thời phụ tá cho cố vấn Ngô
Đình Nhu. Việc thuyên chuyển này được giải thích như vì nhu cầu công vụ cộng
với sức khỏe của trung tá Luân. Trước khi Tổng thống kí quyết định, Nhu gặp
Luân. Với Luân, anh rời Kiến Hòa không có điều gì phải băn khoăn. Trên cương vị
tỉnh trưởng, trong một thời gian, Luân đã cố gắng tạo điều kiện hỗ trợ cho
phong trào Bến Tre nhiều mặt, cả vụ thanh toán nội gián - bây giờ, qua tài liệu
và các nguồn thông tin, anh biết Bến Tre là cái nôi và mũi xung kích của “đồng
khởi,” tức là vũ trang khởi nghĩa của quần chúng. Tuy nhiên, quyết định dù sao
cũng hơi đột ngột. Luân nghĩ rằng Nhu còn để anh ở Kiến Hòa một thời gian nữa.

- Phái
đoàn chuyên viên Mỹ sắp sang Sài Gòn. Tổng thống muốn anh tham dự vào phái đoàn
Việt Nam. Bởi chúng ta và Mỹ sẽ bàn kĩ các vấn đề viện trợ. Ông Vũ Quốc Thúc là
một nhà kinh tế, nhưng viện trợ lại bao gồm cả quân sự, trong đó, có phần bình
định và yểm trợ cho quốc sách Ấp chiến lược. Tôi biết anh còn tiếc Kiến Hòa,
bao nhiêu dự kiến bỏ dở. Không sao. Anh chưa hết dịp giúp Kiến Hòa đâu. Vả lại
các tỉnh đều cần kinh nghiệm của anh…

Nhu
thuyết một hồi. Luân vừa nghe vừa phán đoán. Có thể Nhu ngửi ra một sơ hở nào
đó của anh chăng?

- Anh
đừng cho là Tổng
thống không tin tưởng ở các biện pháp bình định Kiến Hòa
của anh… Hoàn toàn chỉ vì anh cần có mặt ở Sài Gòn. Không thể nào anh phân thân
cùng lúc đảm trách hai chức vụ…

Nhu suy
luận, qua nét mặt của Luân, nói luôn. Luân cười:

- Anh
đoán hơi quá… Tôi băn khoăn thật, song là vị tôi chưa yên tâm tình hình Kiến
Hòa.

- Người
thay anh có khả năng. Anh cứ “truyền nghề” cho anh ta. Anh được sống với kỉ
niệm cũ một tuần lễ. Kỉ niệm chẳng lấy gì làm vui!

Nhu
đùa, cởi mở.

Cuộc
bàn giao không cần đến một tuần lễ, nhưng Luân vẫn dùng hết thời gian đó: Anh
đề cử Đại úy Nguyễn Thành Động là chỉ huy trưởng thay cho Đại úy Chung Văn Hoa - được thăng thiếu tá và được bổ
làm tỉnh trưởng Định Tường, phần nào đáp ứng tham vọng của Hoa. Giá mà Động làm
tỉnh trưởng Định Tường thì hay quá! Anh nghĩ như vậy nhưng không sao thực hiện
nổi.

- Trung
tá đi rồi, chưa biết Kiến Hòa sẽ ra sao?

Nguyễn
Thành Động than thở.

Luân
rất cảm tình với Động - theo ý Luân, một con người thẳng thắn, có đầu óc dân
tộc, thông minh. Chắc chắn là Động ít nhiều đặt nghi vấn về hành vi của Luân.
Tuy nhiên, Luân biết Động một mực ủng hộ anh.

- Sẽ ra
sao theo nghĩa nào? - Luân hỏi lại.

- Hành
quân lu bù, giết nhau vô lối… Động não nuột.

- Đâu
rồi sẽ vô đó hết thôi! - Luân an ủi Động - Thiếu tá Ngọc không phải là người
không tháo vát…

- Tôi
rành thằng Ngọc quá! Tôi với nó cùng học một lớp suốt trung học, thi tú tài một
lượt, cùng theo đại học Luật, cùng bị đưa vào trường sĩ quan một lượt, cùng đeo
lon thiếu úy một lượt… Nó làm sao bì nổi trung tá.

Bỗng
Động cười hóm hỉnh:

- Trừ
cái món đó!

- Món
gì?

Động
hấp háy mắt:

- Nó
nhiều bạn gái!

Rồi
Động nói luôn:

- Nó
không hăng máu, nhưng người ta sẽ cách chức nó, thay bằng một thằng tỉnh trưởng
ngu ngốc nào đó suốt ngày hò hét! Bắn! Bắn…

Luân
bắt tay Động thật chặt, dặn khi về Sài Gòn tìm gặp anh.

“Anh ta
khủng hoảng tinh thần. Phải giúp anh ta.” - Luân nghĩ thầm.

Ngọc
khá đẹp trai. Quần áo dù cho là quân phục, lúc nào cũng bảnh bao, người luôn
thoảng mùi nước hoa đắt tiền.

- Tôi
ghét cay ghét đắng nghề đánh đấm. - Trần Ngọc nói với Luân - Tôi thích làm
chính trị, làm dân biểu, viết báo. Nhưng, trời không chìu tôi. Cũng hên cho
tôi, người ta cử tôi đến Kiến Hòa, nơi mà trung tá đã tạo ra chỗ đứng khá vững
bằng máu của trung tá. Tôi chỉ còn tiếp tục quét các ổ Cộng sản rơi rớt. Kể
cũng nhàn hạ.

Luân
thầm thương hại anh chàng tân tỉnh trưởng “tài tử,” Kiến Hòa không hiền như anh
ta tưởng đâu. Chẳng bao lâu nữa, anh ta sẽ thấm đòn.

- Tôi
phục trung tá chịu đựng thằng Lưu Kỳ Vọng. May mà Việt Cộng “xơi tái” nó. Trung
tá chắc không biết nó mật báo với bác sĩ Tuyến nhiều chuyện về trung tá, trong
đó có một chuyện động trời: trung tá tiếp Đại úy Phan Lạc… - Trần Ngọc nói lan man và Luân biết thêm anh ta mang tật
ba hoa.

- Tôi
không rõ ông Vọng báo về tôi chuyện gì, còn riêng chuyện tiếp Đại úy Phan Lạc sau ngày 11-11 thì quả ông Vọng đã
báo đúng sự thật.

Trần
Ngọc giật nảy người:

- Sao?
Trung tá tiếp Phan Lạc?

- Phải!
Tôi tiếp tại đây, ngồi ngay chỗ chúng ta đang ngồi…

- Trời!
- Trần Ngọc kêu thảng thốt.

- Có gì
đáng sợ đâu? Anh ta thua trận, đến cầu cứu tôi. Tôi giúp anh ta khỏi bị bắt,
vượt biên giới sang Cam Bốt…

Trần
Ngọc nhìn Luân trân trối.

- Mà,
tất cả các việc đó, ông Nhu đều biết và đều đồng ý!

Trần
Ngọc thở phào:

- Trung
tá làm tôi đứng tim… Mấy cha nội chơi trò buôn bán chính trị, ghê thấy bà!

- Ủa!
Thiếu tá mê làm “dân biểu” mà sợ buôn bán chính trị sao? - Luân trêu Trần Ngọc.

- Tôi
làm chính trị “sa lông” còn mấy cha nội làm chính trị thiệt… Chào thua!

Ngọc
nhìn khắp phòng khách.

- Bộ sa
lông cổ lỗ sĩ này nên cho vô musée(1). Tôi sẽ bố trí tại đây một sàn nhảy. Một
tuần không có một bal(2), tôi chịu không nổi. Trung tá là nhà mô phạm, vả lại,
trung tá khoái leo cao, có bà trung tá kè kè… Tôi thề xin kiếu nghề công chức.
Ráng một lúc, tôi đâm đơn xin thôi. Về Sài Gòn, làm “chánh khứa,” vui với em
út, sướng hơn…

(1) Viện
bảo tàng

(2) Khiêu
vũ.

Luân đã
thấy trước Trần Ngọc rất có ích cho Luân - tình hình mất an ninh từ nay chỉ
theo một cách giải thích thôi: sự bất lực của tân tỉnh trưởng. Nhưng, dầu sao,
chơi như vậy là không sòng phẳng. Cho
nên, Luân khuyên Trần Ngọc:

- Thiếu
tá cẩn thận, ai mà lường trước hết mọi tình hình…

- Trung
tá muốn nói Cộng sản ở Kiến Hòa?

- Đúng
vậy… tôi chết hụt nên muốn thiếu tá đừng theo gót tôi.

Trần
Ngọc cười hì hì:

- Một
là tôi không phải trung tá Luân, nghĩa là tôi không có chủ trương, chủ đích gì
ráo. Việt Cộng nếu không thương thì ít ra cũng thấy tôi “hiền,” hiền hơn trung
tá. Công đâu gài một nội tuyến tới cỡ trung úy để hạ thủ tôi. Chắc trung tá
không biết tôi là nhà thơ. Thơ tình đàng hoàng. Đã in mấy tập. Sướt mướt kinh
khủng. Không chừng Vixi lại bảo vệ tôi, bởi lính mà đọc thơ tôi thì hết bình
định, hết Khu trù mật, hết Ấp chiến lược… Hai là, tôi chẳng bà con họ hàng gì
với “tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm.” Tôi bị động viên, phải đeo hoa mai. Vậy
thôi. Ba là tôi không rời khỏi dinh tỉnh trưởng, không hành quân, không thị sát
cần quay phim chụp ảnh thì làm ngay đây. Ngày mai, tôi cho thêm bao cát quanh
tường… ổn trăm, phải không?

Trần
Ngọc thấy Luân vẫn không vui trước lời lẽ bông đùa của mình, nên phải nói thêm:

- Cám
ơn trung tá. Về kinh nghiệm, trung tá như đàn anh. Nói thiệt, kể họ là dữ, tôi “tùy
nghi di tản”… Dại gì tử thủ. Chỉ mong trung tá Tham mưu biệt bộ chiếu cố cho
khi đọc phúc trình…

Luân
bật cười. Té ra, Trần Ngọc rồi cũng sẽ thực tế “chi viện” cho phong trào cách
mạng Kiến Hòa - bằng lối riêng của anh ta.

Giữa
tháng sáu, Luân rời Kiến Hòa, cuối tháng sáu, quân giải phóng tấn công Phú Túc, đầu tháng bảy,
An Khánh - hai thị tứ quan trọng.

Đọc báo
cáo của Kiến Hòa, Luân cười thầm: Nguyễn Thành Động ghi con số tổn thất của đôi
bên thật chênh lệch: Chính phủ từ thiệt hại không đáng kể đến thiệt hại nhẹ,
giải phóng bị sát thương rất nặng. Hẳn, tỉnh trưởng và chỉ huy trưởng rất ăn ý
với nhau.

Cuối
tháng sáu, Luân tham dự cuộc hội đàm với phái đoàn Mỹ do
Staley cầm đầu. Eugene Alvah Staley mà bảng lí lịch tóm tắt ghi ở bìa quyển The
future of underdeveloped countries(3) do ông viết đã cho thấy thẩm quyền của vị
giáo sư kinh tế năm mươi lăm tuổi
này: dạy ở đại học Chicago và Viện nghiên cứu Thái Bình Dương, công tác ở Trung
Quốc năm 1944, chuyên gia vấn đề kinh tế Ấn Độ, nhân viên UNRRA(4).

(3) Tương
lai của các quốc gia kém phát triển

(4) United
Nations Relief and Rehabilitation Administration (Cơ quan quản trị của Liên hợp
quốc về cứu trợ và tái thiết)

Ngay
trong phiên làm việc đầu, Luân đã rút ra mấy kết luận: Staley và phái đoàn Mỹ
nắm tình hình Nam Việt khá cụ thể, xu hướng của Kennedy là cố duy trì công thức
“Vũ khí Mỹ + lính Nam Việt” đến khi nào không còn thể duy trì được nữa; thêm
viện trợ kinh tế, trước hết, chi một món tiền lớn cho chương trình “Ấp chiến
lược.” Staley có một nhược điểm: ông ta tuyệt đối hóa sức mạnh của súng và
dollar. Trùm lên tất cả, Staley bộc lộ một toan tính: bằng dollar, nắm các sĩ
quan Nam Việt. Trong phiên làm việc này, Staley nhấn mạnh nhiều lần nhu cầu
tăng quân số lính chính quy Nam Việt lên mười bảy vạn và Hoa Kỳ tự nguyện lo trang bị cho sáu vạn Bảo an. Ông ta phàn nàn về mức sống quá thiếu
của sĩ quan và hứa ngân sách viện trợ sẽ dành một phần thỏa đáng để cải thiện
mức sống đó. Có thể nói về số quân và trang bị, Staley gặp Ngô Đình Nhu. Và chỉ
gặp ở chỗ đó.

Vũ Quốc
Thúc, một con người ham nói dài dòng, ham phô trương vốn liếng tiếng Anh, tiếng
Pháp, còn thì chẳng có một chút gì là có thể đại diện cho Việt Nam Cộng hòa.
Thúc không nói một lời nào về dự định của Staley và mặc dù mọi thứ đều soạn
thảo ở Washington, Thúc vẫn trâng tráo đặt cho cái kế hoạch còn chưa ra hình
dạng ấy là “Công trình Staley - Vũ Quốc Thúc.”

Sau
buổi họp - mà mọi người chỉ có việc nghe Staley và Vũ Quốc Thúc - Luân xin gặp
Nhu. Anh đến Dinh Độc Lập và Nhu tiếp anh tại phòng khách lớn, có mặt Ngô Đình
Diệm.

- Tôi
không rõ ý định của Tổng thống và anh
Nhu đối với kế hoạch
Staley. Theo tôi, ta nên cân nhắc kĩ…

- Họ có
nêu việc thêm cố vấn quân sự Mỹ không? - Diệm hỏi.

- Chính
thức thì không. Song, qua lối nhận xét của Staley, họ xem việc thêm cố vấn quân
sự gần như là hiển nhiên. Về bộ binh, họ chê cán bộ cấp tiểu đoàn của chúng ta.
Họ chê cán bộ cấp trung đoàn các binh chủng quân thiết giáp, pháo, dù, hải
quân, không quân. Họ chê công tác tham mưu, đồ bản, huấn luyện, trinh sát. Về
bảo an, họ chê các cấp chỉ huy tỉnh. Staley cũng nói khá đậm về hệ thống hành
chính, quản lí viện trợ và an ninh của ta. Tổng hợp các nhận xét của Staley,
tôi kết luận là họ chú trọng nhiều nhất khâu cố vấn… Nếu với số lượng cố vấn cỡ
đó, cần cả một bộ chỉ huy Mỹ... Rắc rối!

Diệm
tuy ngó Luân nhưng mắt ông như ngó một nơi nào đó xa xôi.

- Chấp
nhận hay không chấp nhận… - Nhu nói, trầm trầm - Không chấp nhận thì chúng ta
lấy gì nuôi quân lính, lấy gì đánh Cộng sản? Chấp nhận thì người Mỹ chứ không
phải chúng ta giữ tiếng nói quyết định… Tất nhiên, vẫn còn một lối ra: Chấp
nhận mức nào. Đồng thời, phải nắm chặt sĩ quan, viên chức… Tôi mơ ước quân số này
từ lâu. Nhưng phải là quân số của ta! Xe tăng, pháo, máy bay, tàu - tất cả phải
là của ta.

Nói
đoạn chót, Nhu cắn chặt răng.

- Tôi
vẫn lo Mỹ không dừng ý định ngang những cái cái hiện nay. Mỹ không bận bịu với
các chính khách đối lập mà xoay hướng về sĩ quan, viên chức của ta. - Luân nói.

- Anh
Luân có nhiều ý kiến xác đáng. Song, ta cũng có cách của ta. Hội đàm kéo dài
đến ba tuần lễ. Anh tùy cơ ứng biến. Ta cần tiền, vũ khí, tài trợ. Cố gắng
tranh thủ cao nhất các yêu cầu đó. Các thứ khác, anh trao đổi với ông Thúc. Ông
Thúc “Mỹ hơn Mỹ” cho nên anh phải ứng phó vất vả. Ta chậm hơn Mỹ một bước rồi
đó…

- Các
lực lượng yểm trợ, tôi
hơi ngại không quân - Luân nói - Tiếp nhận hàng loạt máy bay AD6 có nghĩa đồng
thời tiếp nhận hàng loạt
phi công do Mỹ huấn luyện. Ta chưa có người phi công nào cả…

Nhu thừ
người khá lâu:

- Tôi
sẽ làm việc với bác sĩ Tuyến về số phi công này…

Luân
biết bác sĩ Tuyến chẳng giúp gì cho Nhu. Cái thế của anh em nhà Diệm là thế cỡi
cọp - Luân nhận xét như vậy.

*

- Giáo
sư Staley cho tôi cảm giác là giáo sư muốn so sánh kế hoạch do giáo sư thảo với
kế hoạch của tướng Marshall. Tôi sẵn sàng tin là kế hoạch có chỗ giống nhau,
bởi vì, ít nhất, cả hai đều cùng một mục đích. Tuy nhiên ta hãy tìm xem hoàn
cảnh của mỗi kế hoạch. Kế hoạch Marshall nhằm vực một Tây Âu bị chiến tranh tàn
phá gượng dậy - là những quốc gia đạt trình độ kinh tế phát triển trước khi nổ
ra thế chiến. Tuy vậy, cái đó chưa phải là quan trọng, cái quan trọng lại là ở
các nước Pháp, Ý, Hà Lan, Anh… không có du kích Cộng sản. Ý nghĩa quân sự của
kế hoạch Marshall thể hiện ở chỗ các quốc gia kiệt quệ ấy khôi phục đời sống
kinh tế và trên cơ sở của tiến bộ kinh tế mà đối đầu với thế giới Cộng sản. Dù
từng nước vẫn phải giải quyết vấn đề Đảng Cộng sản ngay trong nhà nhưng nhiệm
vụ chính không phải như vậy, có lẽ trừ một vài trường hợp, tỉ như Hy Lạp - nơi
mà tổ chức EAM(5), na ná như Mặt trận Giải phóng ở Nam Việt hiện nay, nắm Elas(6),
lực lượng vũ trang khá mạnh.

(5)
Ethnikón Apeleftherotikón Métopon: Mặt trận Giải phóng Dân tộc

(6)
Ethnikós Laïkós Apeleftherotikós Strátos: Quân quốc gia giải phóng dân tộc

Luân
phát biểu ở phiên họp thứ hai. Staley và đoàn Mỹ lặng lẽ theo dõi. Vũ Quốc Thúc
không được thoải mái lắm khi Luân xin phép nói. Với ông, quyền nói chỉ nên của
trưởng đoàn. Tuy vậy, Thúc tỏ ra tế nhị - ông hiểu Luân là người của Nhu.

- Ở Hy
Lạp, chính kế hoạch của Marshall đánh bại Cộng sản vũ trang đấy! - Staley cắt
ngang lời Luân.

- Thưa
giáo sư, không phải như giáo sư nói - Luân cười mỉm - Cộng sản Hy Lạp thất bại
trước khi kế hoạch Marshall triển khai. Không phải kế hoạch Marshall mà mười nghìn quân của tướng Anh Scobie đánh Elas… Nếu giáo sư
đồng ý, chúng ta có thể lấy trường hợp Hy Lạp làm điểm phân tích. Nghĩa là,
người Mỹ phải đổi quân lên Nam Việt. Ở Hy Lạp, nước Anh cần mười nghìn quân là đủ, con số cần thiết ở Nam Việt là bao
nhiêu, chưa ai dám đoán. Tôi nhấn mạnh một yếu tố: Ở Hy Lạp, chính người Cộng
sản tự làm suy yếu mình. Lúc bấy giờ, khi chiến tranh kết thúc, họ là lực lượng
mạnh nhất nước về chính trị và quân sự - chỉ có họ bám trên đất nước Hy Lạp mà
đánh quân phe Trục, các thế lực khác, kể cả vua Georges đệ nhị, đều lưu vong.
Họ kiểm soát mười
sáu trong mười tám tỉnh toàn nước Hy Lạp. Thế mà, họ tan rã thật nhanh
sau đó. Lễ nộp vũ khí cho Chính phủ của nhà Vua Georges đệ nhị tiến hành tại Athenes, quân Elas phục viên, Scobie và Vua Georges chỉ chờ có bấy nhiêu… Giáo sư có thể tin
là ở Nam Việt, một tình thế như vậy được lập lại?

Staley
nhún vai:

- Biết
đâu đấy!

Luân
cười độ lượng:

- Nếu
chúng ta bàn một kế hoạch kinh tế - quân sự nghiêm chỉnh mà trông cậy vào điều
may rủi thì thật nguy hiểm. Cộng sản Nam Việt không phải là Cộng sản Hy Lạp -
không có gì rõ hơn, phải không?

Staley
lắc đầu:

- Chưa
rõ lắm! Họ cũng đã tập kết ra Bắc…

Luân
làm như cố nén cười:

- Nhưng,
bây giờ họ có hàng mấy chục tiểu đoàn, hàng trăm đại đội - họ mạnh hơn lúc đình
chiến… Và ít nhất họ cũng rút được hai kinh nghiệm: của Hy Lạp và của chính họ…
Tôi xin phép trở lại kế hoạch của giáo sư. Kế hoạch chưa tự giới thiệu giá trị
ứng dụng. Hai mục tiêu mà kế hoạch dự kiến quả không đủ, nếu tôi không nói là
rất thiếu thiết thực. Tăng quân và xây đồn không thể ngăn chặn Việt Cộng hoạt
động. Thêm cố vấn Mỹ ở các đơn vị và ở các cơ quan cai trị càng giúp cho Việt
Cộng thêm cớ li gián Chính phủ với dân chúng… Ở Nam Việt, cuộc chiến tranh -
chúng ta phải dùng từ “chiến tranh” để diễn đạt thực trạng hiện nay và hiện
nay, chiến tranh hết còn đơn phương, cả Chính phủ và Việt Cộng cùng làm chiến
tranh - bất kể dưới dạng và mức nào, trọng tâm của nó vẫn là thu phục nhân tâm.
Khía cạnh kĩ thuật nhất thiết phải tùy thuộc vào khía cạnh chính trị. Tôi cho
kế hoạch của giáo sư cần bổ khuyết phần đó.

Staley
không hài lòng. Lập luận của viên trung tá Việt Nam này đã đảo lộn toàn bộ ý
định của kế hoạch. Rõ ràng, viên trung tá này ám chỉ sự thiếu vững chắc của kế
hoạch, hơn nữa, gã còn cho kế hoạch được soạn thảo bởi các kĩ thuật viên -
nghĩa là bởi các nhà chuyên môn đơn thuần.

Không
hài lòng song Staley không nói. Phiên họp kết thúc trong không khí hơi nặng.

Tối hôm
đó Vũ Quốc Thúc xin gặp Tổng thống. Ông
ta chuyển đề nghị của Staley: nên rút Trung tá Nguyễn Thành Luân ra khỏi phái đoàn Việt Nam Cộng hòa để cho cuộc
hội đàm có thể tiến triển nhanh. Diệm hứa sẽ cứu xét. Nhu, sau khi nghe tin,
kiên quyết phản đối. Anh ta đưa cho Diệm đọc biên bản tốc kí của phiên họp. Tới
phiên Diệm nổi nóng, ông gọi dây nói cho Thúc: Không thay đổi gì cả!

Thúc
lại nhắc Diệm ý kiến của Staley, vào ngày thứ ba, khi mà phiên họp rơi vào điểm
chết. Luân khăng khăng cần phân bố ngân sách viện trợ một cách cân đối cho các
hoạt động giáo dục, y tế, xã hội. Staley nhất quyết tập trung cho tăng quân và
xây đồn lũy.

- Giáo
sư Staley đề nghị hay ra tối hậu thư? - Diệm hỏi gay gắt.

- Thưa…
- Thúc lúng túng - Thưa, giáo sư đề nghị thôi. Song, đề nghị đó liên quan đến
viện trợ…

- Giáo
sư Staley nếu cho là thành phần của đoàn Việt Nam phải do đoàn Mỹ chỉ định thì
mời ông ấy đến gặp tôi! - Diệm dằn mạnh ống nói, vừa lúc Luân đến báo cáo về
tình hình phiên họp.

- Làm
sao? - Nhu hỏi - Chẳng lẽ để hội đàm giẫm chân mãi một chỗ?

- Tùy Tổng thống và anh, - Luân nói - Tuy nhiên, có một điểm tôi
thấy cần lưu ý Tổng thống và anh
cố vấn: Hiện thời, không phải chỉ mỗi chúng ta lo cuộc chiến đấu chống Cộng
thất bại, nước Mỹ cũng lo và nước Mỹ lo hơn chúng ta. Chống Cộng ở Nam Việt Nam
cần thiết đối với họ hơn đối với chúng ta. Cho nên, họ sẽ không nhắc lại đề
nghị đó nữa, Hoa Thịnh Đốn nóng ruột lắm rồi…

Đúng
như Luân dự đoán, phiên học thứ năm, Staley đi thẳng vào đề nghị của Luân. Ông
ta nhượng bộ.

Vào lúc
đó, Taylor được cử là cố vấn quân sự cho Tổng thống Kennedy. Maxwell Davenport
Taylor, sáu
mươi tuổi, viên đại tướng sừng sỏ của Mỹ - nhà lí luận,
nhà chiến lược, chuyên gia các vấn đề Viễn Đông, từng chỉ huy ở Triều Tiên - là
một Taylor nổi tiếng trong dòng họ gồm quá nhiều Taylor nổi tiếng. Không ai
không thấy, Kennedy chọn Maxwell Taylor làm cố vấn là vì cuộc chiến tranh Việt
Nam…