Một kiếp lênh đênh - Chương 02 - Phần 2

Chị Kim Thanh đi hết các lô hàng hỏi giá rồi kéo tôi tới một lô nói:

- Đó, mắc nhứt đó, bây giờ em lựa màu đi!

Tần ngần với hơn hai chục màu vải, cuối cùng tôi lựa màu đỏ sậm. Chị Thanh ngạc nhiên hỏi tôi:

- ủa, sao em không lựa màu tươi một chút, lựa cái màu đó buồn chết.

- Tại em ưng màu đó mà chị!

- Em chắc hạp với mẹ lắm, mẹ cũng ưa cái màu êm dịu đó dài dài. Chị thì chỉ thích mỗi một màu đỏ, mà phải đỏ rực vậy nè!

Vừa nói chị vừa vỗ tay cái đốp vô chiếc quần tây đang mặc. Với tôi, cái màu đó ác liệt quá. Tôi mỉm cười nói:

- Em chắc màu đó hạp với em hơn các màu khác nên em lựa thôi.

Chị Thanh đếm tiền trả cho chủ hàng. Tôi cầm bọc vải trên tay thiệt hồi hộp. Chị Thanh dẫn tôi vô tiệm may thời trang. Tôi may hai bộ đồ tây hai kiểu khác nhau, một kiểu bó sát và một kiểu rộng thùng thình dưới ống quần, kiểu này tôi thường thấy mấy người con nhà giàu chơi kiểu hippi mặc. Chị Thanh có vẻ khoái lắm, biểu tôi:

- Kiểu đó em mặc chắc đẹp dữ đó, may ào ào đi, vải tốt đã đành, còn phải biết may cho hợp thời trang mới là người biết ăn chơi em ạ, chị thích Liên thật diện cho tụi nó phục lác mắt.

Về việc lựa kiểu may đồ, tôi hoàn toàn chiều ý chị Kim Thanh vì tôi chưa thạo. Khi còn ở nhà với má, má thường may phóng hoặc mua đồ may sẵn về cho tôi mặc, chưa bao giờ má đưa tôi tới tiệm. Hôm nay đi với chị Kim Thanh tôi không dám để lộ ra điều đó. Như hiểu tâm trạng tôi, chị biểu:

- Lần này em chưa quen nên chị lựa giùm, còn sau em phải tự động đó nghe, mà sau này không chừng Liên lại rành hơn chị ấy chớ!

Hai chị em cùng cười. Tôi mắc cỡ với chị Thanh và với chính mình. Đúng là đối với xã hội phồn hoa này, tôi là người vừa mới đến, ngỡ ngàng, lạ lẫm với mọi thứ.

Gần trưa mẹ quay lại đón tôi và chị Thanh. Mẹ hỏi tôi muốn đi chơi đâu mẹ đưa đi. Tôi nói tôi không thích đi chơi đâu cả. Mẹ chở hai chị em đi ăn rồi về nhà.

Trong khi nói chuyện vui nơi phòng khách, mẹ hỏi:

- Hai chị em lựa vải chi may đồ đó? Có dễ coi hông?

Chị Kim Thanh trả lời:

- Con để tự em lựa màu mẹ ạ. Liên ưng những màu êm dịu nên em đã lựa màu đỏ sậm, còn đồ thì may đồ tây ở hiệu Kim Châu mà mẹ thường may đó, mẹ chịu không?

Mẹ cười vuốt má tôi:

- ừa, cái màu hay đó, còn tài của Kim Châu thì khỏi lo rồi, được để chiều mẹ ghé mẹ lấy luôn cho nghe!

Chiều mẹ lại đánh xe đi, còn tôi và chị Thanh ở nhà, chị đề nghị:

- Không đi đâu nữa nha! Lên phòng chị nằm nói chuyện cho hay.

Hai chị em nói chuyện, tự nhiên tôi lại thấy vui vui vì những câu chuyện của chị. Rồi chị bỗng hỏi tôi:

- Liên tính đi học tiếp chớ? Mẹ và chị trông cho em học, ráng đi sau này thành đạt thì cả nhà được tiếng thơm lây. Còn trường học, tiền học thì em khỏi lo, mẹ và chị có dư sức để nuôi em ăn học, chỉ cần em đi học đều là được. Như vậy chịu không cưng?

Lần thứ hai, tôi nghe được trong ngôi nhà này một lời nói chân thành như toát lên từ nỗi niềm uẩn khúc nào đó... Tại sao thế nhỉ?...

Tại sao tôi đi học mà những con người này lại được thơm lây?... Má tôi cũng đã khuyên tôi y hệt. Nhưng đó là má tôi, một thứ thân cò lặn lội... Còn với mẹ con chị Kim Thanh thì họ cần gì đến tôi kia chứ, sự đỗ đạt của tôi sẽ thêm được gì vào cuộc sống giàu sang đã căng ứ của họ kia chứ?... Thôi, đúng là Chúa thương tôi rồi, chỉ có thể giải thích như vậy. Tuổi ấu thơ của tôi không hề phạm tội lỗi mà vẫn bị người ta đập nát, nên bây giờ Chúa ban phước cho tôi gặp hai vị thiên thần giúp tôi hàn gắn lại đoạn đời đã gãy...

Nghĩ vậy, tôi rưng rưng nước mắt:

- Được mẹ và chị thương vậy, Liên đâu dám phụ lòng, nhưng chị cũng phải đi học thì Liên mới chịu.

Chị nói tỉnh bơ:

- Chị đi học là một nhẽ khác, rồi em sẽ hiểu. Cuộc đời chị như bị quá đà rồi Liên à, đi học chỉ là một hình thức để dễ “làm ăn” thôi. Còn với em, chị không muốn cho em đi theo con đường của chị. Em phải học để có bằng cấp thực sự. Sau này em ra cuộc sống, em sẽ không bị những kẻ khác ăn hiếp, em sẽ có chỗ đứng đàng hoàng trong xã hội bằng học vị của em.

Tôi hơi ngỡ ngàng trước câu nói lạ lùng của chị, nhưng chưa hết xúc động nên tôi chỉ lí nhí trong cổ họng:

- Vâng, em xin cám ơn chị nhiều.

Chị Thanh dí nhẹ ngón tay vô trán tôi mắng yêu:

- Gớm, coi bộ Liên ưa “cám ơn” quá ha! Đã làm chị của em rồi thì phải lo sống cho tròn bổn phận chớ. Em đừng ngại chi cả nghe Liên!

Bàn tay chị vuốt nhẹ vô người tôi, rồi chị ôm lấy tôi thiệt chặt như sợ tôi trốn đâu mất. Trong những giây phút ấy, tôi như chìm trong nỗi xúc động dâng trào. Nếu không được gặp chị Kim Thanh và mẹ chị, chẳng biết cuộc đời tôi sẽ đi tới đâu!

Dần dần tôi bớt buồn nhớ nhà. Cuộc sống thực tế hàng ngày nơi đây đã làm cho tôi không muốn cũng phải quên đi chuyện cũ. Mẹ đã xin cho tôi học ở trường Hưng Đạo. Ngoài những giờ tới lớp, tôi lo phụ mẹ việc ở nhà. Rồi tôi thật sự bị cuốn hút vô nếp sinh hoạt của mẹ và chị. Một tuần lễ, nhà có hai ba bữa tiệc. Tôi đi học về phụ mẹ đi mua hoa, sắm quần áo, son phấn, mua các thứ cần dùng trong nhà, đi chợ với mẹ mua trái cây, đi ăn nhà hàng, đi tắm pít-xin với chị, tới nhà các bạn gái chị ăn uống, nhảy đầm... Bao nhiêu thời giờ cũng không đủ với mẹ con tôi. Sợ tôi học yếu, mẹ còn mướn giáo sư về nhà dạy thêm.

Mẹ và chị thường đi vắng nên tất cả mọi việc trong nhà đều giao cho tôi cai quản, kể cả người làm.

Cuộc sống ở đây, tôi thấy tất cả là tiền. Mẹ nói chuyện với ai cũng nói về tiền. Tôi buồn mẹ cũng cho tiền, biểu đi chơi để tìm quên. Đồng tiền trong tay mẹ và chị luân chuyển thật dễ dàng, mỗi lần mẹ ở bar về, tiền mẹ đổ ra cả đống, tôi phải phụ với mẹ đếm hoài mới hết. Còn chị Thanh, mỗi khi chị vắng nhà là sáng chị mang về trên trăm ngàn. Có điều đặc biệt là mẹ và chị không xài tiền chung bao giờ. Chỉ thỉnh thoảng hai người mới tặng quà nhau thôi.

Tôi được cả mẹ và chị cho tiền thường xuyên để xài. Đối với chị người làm, mẹ cũng dùng tiền để sai khiến. Ban đầu tôi rất khó chịu với những câu nói trịch thượng của mẹ:

- Thím Tư lấy cho tôi ly nước uống!

- Chú Hai ra bưng đồ vô cho cô út!...

Mẹ thường nói với tôi:

- Mấy đứa làm này, mình mà không biết cách sai khiến, nó leo lên đầu nó ngồi. Vì thế con muốn gì cứ biểu nó làm cho. Mướn nó để hầu chớ đâu phải để làm mẫu?

Buổi tối trước khi đi ngủ, mẹ sai người đấm bóp, mẹ biểu cái đó thành nếp rồi, nếu không rất khó ngủ. Cả với tôi, mẹ cũng bắt người làm đấm bóp, tập thói quen để ngủ cho thoải mái. Mới đầu tôi mắc cỡ không chịu, vừa ái ngại nữa, mẹ đã giải thích:

- Con ngốc lắm. Việc gì mà phải thương chúng nó? Mình nắm đồng tiền trong tay, mình muốn gì chẳng được. Còn nó muốn có tiền thì nó phải làm theo ý mình chớ có chi lạ đâu? Sống ở cái xã hội kim tiền này, người nào có nhiều tiền, làm chủ đồng tiền là làm chủ được tất cả con ạ.

Cuộc sống với mẹ và chị nuôi đã thật sự thay đổi con người tôi một cách nhanh chóng. Tôi tự nhận thấy điều đó qua từng giây từng phút. Mới có hai tháng trời mà cô bé Liên ngây thơ, nhút nhát đã thành một cô Liên đài các, quý phái. Những chiếc áo đầm đủ kiểu, những bộ đồ tây mới lạ bây giờ đối với tôi không còn một chút ngượng ngập như ngày đầu mang nó trên người. Ngược lại, tôi cảm thấy hãnh diện mỗi khi được sánh vai với mẹ và chị đi ăn, đi chơi. Tôi tập sống sang cả, tập lạnh lùng, dửng dưng với cuộc sống xung quanh.

Mỗi khi thấy tôi buồn, mẹ tôi thường biểu:

- Sao buồn hoài vậy con? Phải vui, phải bơ sự đời thì mới trẻ, mới đẹp được lâu, dại gì mà buồn phiền cho khổ?

Trong sinh hoạt hàng ngày, mẹ và chị uốn cho tôi từng cử chỉ, từng câu nói. Mẹ dạy tôi cách ăn mặc, trang điểm để làm mình nổi thêm, đẹp thêm. Tôi nói bình thường, mẹ chê là “cứng”, mẹ biểu nói vậy người nghe ít thiện cảm... Tôi từ chỗ sống gượng gạo, bây giờ lại thành thạo và có nghệ thuật nữa, trong căn nhà này.

Mẹ và chị dành riêng cho tôi một chiếc xe máy để đi học. Tôi có đứa bạn tên Hồng học cùng lớp. Hồng không có xe nên hàng ngày tôi thường chở nó cùng đi, cùng về. Nhà Hồng ở gần nhà tôi, cách một con đường lớn. Nhà nghèo, mẹ Hồng bán cháo lòng ở xóm để kiếm tiền. Mỗi khi tới cổng nhà tôi, Hồng không dám nhấn chuông nên cứ đứng đợi ở ngoài. Khi tôi mở cổng đem xe ra là nó ngồi lên xe để tôi chở nó đi. Nó biết tôi rất thích ăn me chín nên thường mua sẵn để trong cặp sách tới trường ăn. Hai đứa chơi cũng thân thân, không dè chị Kim Thanh theo dõi thấy tôi chở Hồng nhiều lần, một hôm chị biểu tôi:

- Liên như vầy mà cứ chở cái con Hồng trông như một tên người làm! Thím Tư nhà mình thấy còn hay hơn nó. Hôm qua chị thấy nó mặc quần ống thấp, ống cao đi vô chợ mua mấy con cá ươn, Liên mà thấy chắc hẳn sẽ ghê, nó chùi vô quần rồi nó ngồi lên xe Liên.

Tôi nói với chị:

- Tội nó chị, nó không có xe mà đi xe lam tốn tiền, mình cho nó đi nhờ có sao đâu.

Chị Thanh có vẻ giận nói:

- Chị thì không nói nhưng bạn chị nó thấy nó cười nhà mình. Em biết không, nhà mình giàu, em nên tìm bạn giàu mà chơi.

Thế là từ hôm đó tôi không chở Hồng nữa. Chúng tôi cũng rất ít gặp nhau vì Hồng thường đi học muộn, có bữa người ta vào học được nửa buổi nó mới tới, lâu dần nó bỏ học luôn.

Nghĩ hoàn cảnh của Hồng cũng tội nghiệp, tôi lại chợt nhớ tới má và các em tôi. Má tôi không đến nỗi khổ, gia đình tôi là một gia đình gia giáo nên từ nhỏ tôi được sống trong sự giáo dục lễ phép. Nhưng rồi sống bên mẹ và chị Thanh, càng ngày tôi càng đổi khác. Tôi quên hẳn những gì của thời thơ ấu xa xưa để nghĩ mình là người được và đang sống trong cảnh giàu sang.

Khi mẹ và chị Thanh vắng nhà, tôi thường chăm sóc những cây hoa cảnh của mẹ trồng từ hồi nào. Đó là một việc làm mà tôi rất thích. Nếu có ai tới hỏi, hoặc kêu điện thoại cho mẹ, thì tôi phôn tới bar kiếm mẹ về.

*

Một buổi chiều tôi đang sửa lại mấy bình hoa, chợt nghe tiếng chuông reo liên hồi. Tôi ngạc nhiên không hiểu ai tới mà nhấn chuông dữ thế. Nhưng tôi vẫn bình tĩnh ngồi cắt cành bông hồng tỉa lá vì tin có chị bếp ra mở cửa. Lát sau nghe tiếng chị bếp mừng rỡ:

- Ông Ros về cô Liên ơi! Cô mau kêu điện thoại cho bà!

Tôi ngó chị gật đầu rồi bước lại bàn mẹ đặt điện thoại. Đang rà số thì một người Pháp bước vô với hai chiếc va li lớn. Ông ta gật đầu chào tôi và hỏi bằng tiếng Pháp:

- Xin lỗi cô, Đan Phượng có ở nhà?

Tôi hiểu ý nhưng không rành tiếng Pháp nên phải dùng tiếng Anh để trả lời:

- Thưa ông, tôi không rành tiếng Pháp nhưng tôi hiểu ông muốn hỏi bà Đan Phượng. Tôi đang kêu điện thoại cho mẹ tôi về.

Người đàn ông Pháp này khoảng trên năm mươi tuổi, rất lịch sự trong bộ đồ tây bình dị: một áo sơ mi trắng và chiếc quần tây màu nâu. Ông ta ngó tôi cười rất tươi và nói lại bằng tiếng Anh:

- Cô là cô bé Liên! Tôi đã được Đan Phượng giới thiệu qua sự liên lạc telephone. Cô là con Phượng thì cô cũng là con tôi.

Tôi tròn mắt ngó ông ta. Không ngờ mẹ nuôi tôi đã để ý lo lắng cho tôi đủ chuyện. Ơn của mẹ thiệt lớn, tôi không biết sẽ làm gì sau này để đền đáp lại. Về ông Ros là chồng của mẹ, tôi mới được chị Kim Thanh kể lại là mẹ có chồng Pháp, thỉnh thoảng mới về với mẹ ít ngày rồi lại đi. Ông ta có công ty xuất nhập cảnh ở Việt Nam và Pháp nên đi về bất thường chớ không ở luôn với mẹ.

Tôi hỏi ông Ros:

- Ông cần nói chuyện với mẹ Phượng không?

Ông ta cười và nói:

- Liên tự nhiên đi, nói tôi vừa về tới.

Tôi quay điện thoại tới nhà hàng của mẹ. Sau khi biết tin ông Ros về, mẹ mừng lắm biểu cho mẹ nói chuyện với Ros, Ros hăm hở bước lại bàn điện thoại và đón lấy ống nghe. Chừng năm phút sau ông ta đặt máy xuống và nói với tôi:

- Liên cho phép tôi lên phòng của mẹ Liên tôi tắm nghe!

Tôi không ngó ổng, trả lời:

- Mời ông cứ tự nhiên.

Tôi kêu thím Tư phụ ổng mang đồ lên phòng của mẹ. Khoảng hai mươi phút sau mẹ về. Vừa thấy tôi, mẹ tươi cười hỏi:

- Ros tắm chưa Liên? Còn con, con đang làm gì đó?

Tôi thấy hãnh diện và xúc động vì mẹ và chị chưa bao giờ quên tôi, dù bất kỳ trường hợp nào. Tôi nói:

- Mẹ ơi! ổng ở trên phòng mẹ. Còn con, con đang sửa mấy cành bông, mẹ coi đẹp không mẹ?

Mẹ hôn tôi nơi má và khen:

- Con gái út mẹ làm thì dĩ nhiên phải đẹp rồi. Nào lên đây với mẹ coi thằng Pháp điên này nó mua cho chúng ta những gì nào!

Tôi rất ngạc nhiên với mẹ. Sao chồng mẹ về mẹ không mừng riêng mà còn phải kéo tôi lên nữa.

Cánh cửa phòng ngủ của mẹ mở ra, trong lúc ông Ros chỉ mặc một chiếc quần lót. ổng thấy mẹ và tôi liền vội vàng xin lỗi. Tôi lui ra ngoài cửa còn mẹ bước vô. Tôi nghe thấy mẹ và Ros nói với nhau thiệt âu yếm. Tôi nghe và hiểu mập mờ ông Ros nói rằng xa mẹ ông nhớ, mẹ có vẻ đẹp hơn trước, màu áo mẹ may đẹp và trẻ lắm... Tiếng mẹ nhõng nhẽo hờn yêu:

- Sao anh không báo cho Phượng biết trước để Phượng đi đón?

- Anh muốn dành cho em một sự bất ngờ.

Chắc mẹ chợt nhớ đến tôi liền chạy ra kêu:

- Kìa sao con không vô? ổng đã vận quần áo dài rồi.

Tôi bước nhẹ vô gật đầu chào ông ta. Một lối chào rất Tây. Ông ta giơ tay đón tôi và hôn nơi trán một cái. Mẹ cười rất tươi bảo với ông ta:

- Có đúng như lời Phượng nói cho anh nghe về con gái không? Anh có mua cho Liên mấy cái áo thun mà Phượng dặn không?

Ros gật đầu vuốt tóc tôi khen đẹp và biểu mẹ:

- Em mở va li ra, đồ của ba mẹ con em. à, còn Thanh đi đâu rồi?

- Thanh nó tới quán chắc cũng gần về.

Tôi nghe cuộc đối thoại giữa mẹ và ông Ros mà thấy tức cười. Mẹ vừa kêu ông Ros là “thằng Pháp điên” mà bây giờ trước mặt ổng, mẹ lại nói toàn những lời dịu dàng, dễ thương thế? Cứ coi cách xưng hô của mẹ với ổng thì ai cũng nghĩ là hai người yêu thương nhau lắm... Với đầu óc trẻ thơ của mình, lúc đó tôi chưa biết suy diễn nhiều lắm, chỉ thấy ngồ ngộ vậy thôi.

Câu chuyện của mẹ với ông Ros luẩn quẩn thế nào rồi cũng xoay qua công chuyện làm ăn. Mẹ nói cho Ros biết cái bar của mẹ lúc này rất đông khách. Tôi chưa một lần đặt chân tới đó nhưng từ rất lâu, từ khi bắt đầu về làm con của mẹ, làm em của Kim Thanh, tôi đã được biết mẹ là một bà chủ bar có tiếng ở Chợ Lớn. Theo lời chị Kim Thanh kể lại mẹ đặt tên bar là “Phượng”. Những người Mỹ thường kêu là “Lôlôba”. Khách của mẹ phần đông là khách ngoại quốc, vì thế mẹ thường thâu được số tiền lời rất lớn. Các cô gái làm trong bar của mẹ thì trưng diện đủ kiểu. Cô nào cũng được mẹ sòng phẳng và hậu đãi nên vừa sợ vừa rất phục mẹ.

Còn căn nhà này là do ông Ros mướn năm cho mẹ ở, vừa để lấy chỗ cho ông trú chân mỗi lần qua lại. Tiếng là vợ chồng nhưng hai người ít khi gặp nhau. Ông Ros mỗi lần qua Việt Nam đều sắm cho mẹ đủ thứ, cho mẹ tiền, sống một đôi tuần rồi lại đi.

Đối với mẹ, Ros là một món hời về vật chất. Mỗi lần ông ta về, mẹ chỉ cần chú ý xem ông ta đem theo những gì cho mẹ. Ông Ros thì ổng nói ổng yêu mẹ lắm. ổng khuyên mẹ nghỉ bar đi, ông sẽ bao cuộc sống cho, nhưng mẹ không chịu. Nghe chị Kim Thanh nói có lần hai người tâm sự về tình yêu, Ros hỏi mẹ:

- Người đàn bà phải có một điểm tựa chính, đối với Phượng điểm tựa đó là chồng hay con?

Mẹ cười trả lời:

- Phượng chẳng có điểm tựa nào hết, tự tựa vô mình thôi!

Ông Ros không có con với mẹ. Trước đây, hồi còn trẻ, mẹ cũng đã sống một thời “nổi sóng khuynh thành”, làm điên đảo bao nhiêu tướng tá phong tình của Pháp khi chúng chiếm đóng Việt Nam. Sau đó mẹ quen một người Pháp làm nghề bẻ ghi tàu hoả, hai người sống với nhau và sanh được chị Kim Thanh. Rồi ông ta bị chết vì tai nạn tàu hoả. Từ đó mẹ không lấy chồng nữa, quay lại với nghề đi khách lấy tiền nuôi chị Kim Thanh. Cái bar này của mẹ mới mở chừng ba, bốn năm, sau khi mẹ qua Nhật sửa sắc đẹp về. Ông Ros cũng là một người khách tới bar của mẹ, hai người thích nhau qua một vài lần tiếp xúc, rồi đi tới thoả thuận sống chung, Ros đã bỏ tiền mướn căn nhà này cho mẹ và chị Thanh ở.

Lần đầu tiên gặp tôi, Ros cho tôi một con búp bê bằng máy và rất nhiều quà. Với mẹ và chị Kim Thanh ổng sắm cho đủ các kiểu quần áo lót.

Tối hôm đó, cả nhà đi ăn cơm tiệm ở nhà hàng Kim Hoa Sài Gòn. Trong bữa ăn, Ros tỏ vẻ quan tâm tới tôi và chị Kim Thanh, cả mẹ nữa, hai người thi nhau chăm sóc chị em tôi. Những người qua lại ngó vô thấy thật là một gia đình hạnh phúc.

Ăn xong, ông Ros đưa ba mẹ con vô một câu lạc bộ của Mỹ để nhảy đầm. Ros gặp hai người bạn Mỹ liền mời lại và giới thiệu đôi bên.

Trong phòng, mấy con đầm Mỹ đang ca những thứ nhạc ngoại quốc cuồng loạn, trên mình chỉ có một chiếc áo nịt hở hang và chiếc quần lót vừa bằng bàn tay. Nó rên xiết qua từng lời ca, lúc ảo não, lúc lại lồng lên như vũ bão. Tiếng người cười nói, tiếng nhạc, tiếng chân... nhộn nhạo làm tôi thấy chóng mặt. Mẹ và chị Kim Thanh quá quen với cảnh này.

Hai người Mỹ mời chị Thanh ra nhảy. Tôi ngồi coi từng cặp ôm nhau quay tít trên pít, nỗi buồn lại thoáng qua khi nghĩ tới má và các em ở nhà. Trông những khuôn mặt đỏ gay vì rượu, những nụ cười nhăn nhở, đảo điên, tôi chỉ muốn chạy trốn khỏi cái khung cảnh ma quái đó.

Chị Thanh bước lại thấy tôi thẫn thờ hỏi:

- Em sao vậy? Ra nhảy với chị nghen!

- Em chóng mặt muốn về - Tôi lắc đầu trả lời chị.

Chị Thanh có vẻ hơi lo nhưng chị khuyên tôi:

- Thôi ráng đi Liên, ngồi thêm một chút nữa. Em mà về tội nghiệp, mẹ sẽ mất vui.

- Thôi chị ra nhảy đi! Em ngồi coi mẹ và chị nhảy. Em nhảy còn yếu quá sợ người ta cười.

Biết tánh tôi ít khi nào chịu nói tới lần thứ hai nên chị Thanh nói trước khi ra sàn nhảy:

- Em coi chị nhảy xem có được không nghe? Cấm buồn nữa đấy. Lát về chị sẽ kể cho nghe một chuyện này vui lắm.

Tôi ngồi đợi cho mẹ và chị vui. Ngó bao nhiêu cặp cùng ôm nhau lướt trên sàn nhảy, tôi thấy mẹ nổi bật giữa đám người ma quái đó. Một lúc lâu mẹ ngừng nhảy bước lại chỗ tôi ngồi. Thấy vẻ mặt trầm tư của tôi mẹ biểu:

- Con nhảy với ông Ros nghe? Một bản thôi cho vui.

Tôi nói với mẹ:

- Thôi mẹ, ngồi coi mẹ nhảy con thấy vui rồi, con hơi chóng mặt.

Mẹ vội vàng mở bóp lấy dầu xức cho tôi rồi biểu:

- Con thấy sao? Muốn về không?

Ông Ros đến bên cạnh mẹ, ổng cũng hiểu tiếng Việt nên nghe mẹ nói vậy, ổng hỏi mẹ:

- Phượng đưa con về nghe! Sợ nó trúng gió.

Tôi nói với ổng:

- Không sao đâu, mẹ và ông cứ vui đi, một chút Liên sẽ hết ngay.

- Đừng nên cố gắng, chúng ta có nhiều đêm vui. Về nhà mình uống trà nói chuyện, không khí thoải mái hơn - Ông Ros đề nghị.

Mẹ gật đầu đồng ý. Ông Ros nói chị Thanh mời luôn hai người Mỹ về nhà chơi.

Tôi đi xe trước cùng với mẹ và ông Ros, còn chị Thanh đi chung với hai người Mỹ trên xe của họ. Sau khi về tới nhà tất cả lên sân thượng ngồi ăn bánh và uống rượu. Hai người Mỹ nói chuyện với chị Thanh về các cuộc đi chơi, đi nhảy ở các vũ trường Sài Gòn. Bỗng người trẻ hơn xoay qua hỏi tôi:

- Cô có thích đi tắm biển không? Bữa nào chúng tôi mời cô và cô Thanh.

Tôi ngó chị Thanh lúng túng. Chị hiểu ý liền trả lời thay tôi:

- Được, các anh cứ chuẩn bị ngày tốt, chị em tôi sẵn sàng.

Mẹ xen vô câu chuyện. Mẹ nói cho hai người Mỹ biết là tôi còn đi học, ít được giao thiệp nên nhút nhát. Người Mỹ lớn tuổi hơn, có lẽ ngang với ông Ros nói:

- Cô ta dễ thương quá! Tôi hứa sẽ cho cô ta kẹo luôn. Bà cho tôi biết cô ta học ở trường nào?

- Hưng Đạo - Mẹ trả lời.

- Cô ta bao nhiêu tuổi?

- Mười bốn tuổi.

- Đẹp quá, đôi mắt buồn của cô ta!

Mọi người vui với rượu, bánh và những câu chuyện không đâu vào đâu. Tôi ngồi lặng lẽ như người ngoài cuộc. Một làn gió nhẹ từ dưới sân đưa lên mang theo mùi hoa lan thoang thoảng. Tôi hít lấy cái hương thơm ấy và cảm thấy trong người nhẹ nhõm hẳn đi.