Một kiếp lênh đênh - Chương 03 - Phần 2

Tôi chưa một lần bước chân tới bar của mẹ. Mẹ cũng không muốn như vậy... Trên sổ sách, chỉ biết là các cô gái làm cho mẹ được chia tiền tuần hai lần, theo tỷ lệ phân nửa. Cứ đếm số bông của từng cô rồi chia, mẹ thâu phân nửa, còn họ hưởng phân nửa. Cô nào có nhiều bông thì được nhiều tiền, hèn chi mà các cô đua nhau uống “Sài Gòn thi” đến căng bụng khi tiếp khách. Bông “Sài Gòn thi” khi nào cũng chiếm số bông cao nhất mặc dù thứ nước ấy nó chẳng quý hoá gì. Cô nào giỏi uống “Sài Gòn thi” thì số tiền chia cũng như số tiền lời đem lại cho chủ càng được tăng lên mà bar khỏi tốn gì thêm. Vì vậy tôi hơi khó hiểu về cái tỷ lệ phân nửa này. Một hôm tôi hỏi mẹ:

- Sao lại chia đôi hả mẹ? Mình ngồi không ăn ngon vậy thôi a?

Mẹ tôi vội vàng giải thích:

- Con ngây thơ quá, mình chia cho họ phân nửa vậy là hên cho họ lắm rồi đó. Chớ con tính mình phải lo đủ thứ, nào tiền điện, tiền nước, tiền công cho tài pán(1), quản lý, tiền công cho bồi bàn... Cộng tất cả các khoản đó lại, mình còn được là bao đâu? Với lại tội gì mà phải nương nhẹ? Đối với bọn gái bar này, mình không khôn khéo, không kiên quyết thì chẳng kiếm chác được gì với chúng nó đâu. Mà suy cho cùng, đồng tiền nó chẳng thương ai hết con ạ; có điều mình là chủ nên mình có quyền quyết định. Bọn con gái cũng chẳng dại gì nhưng vì không có tiền nên nó phải lao vô, đứa nào không ưng mình cho nghỉ liền, cần gì, cái thứ này Sài Gòn ối ra, chẳng thiếu đâu con!

Chỉ có các cô gái là những người chịu thiệt thòi nhứt. Vậy mà đã hết đâu. Số tiền ấy các cô gái còn phải dành một khoản cho tài pán, nếu không họ sẽ lập tức bị trừng trị. Những món khách sộp sẽ xổng qua tay người khác, tài pán tha hồ “trả đũa” họ một cách không thương tiếc. Vì vậy, biết là bị làm tiền mà họ vẫn phải ngọt nhạt với tài pán. Họ ráng làm sao tranh thủ được cảm tình của tài pán... Số tiền làm được bị chia năm sẻ bảy như vậy, rốt cuộc cô gái cũng chỉ vừa đủ tiêu xài là cùng.

ấy là cô nào rảnh rang còn đỡ, cô nào mà có bồ bịch phải bao thì kể như hết trơn không đủ. Nếu bồ lại là các ông tướng xì ke ma tuý thì còn bị ăn đòn dài dài vì không cung phụng thoả mãn cho những cơn say tỉnh của bồ...

Chị Thanh đã có lần kể cho tôi nghe về một cô gái tên là Minh làm trong bar của mẹ. Cô này cặp bồ với một anh lính dù Việt Nam. Anh ta nghiền xì ke quá chừng, tiền cô Minh làm được bao nhiêu anh ta cuốn hết. Cô Minh thì bóp chắt không dám tiêu xài chi cả. Vậy mà không ngày nào anh ta không tới bar đòi gặp cô Minh. Không có tiền đưa cho anh ta là cô Minh kể như bị ăn đòn, mặt mày xây xẩm. Sau đó mẹ phải cho cô Minh nghỉ luôn, không biết bây giờ cổ ở đâu...

Những trường hợp như thế xảy ra rất thường từ khi Sài Gòn mọc lên nhan nhản những snack-bar, những vũ trường, những động chứa... Người ta đã quá quen với nó nên chẳng mấy ai động lòng; trái lại, người ta còn ném vô nó một cái nhìn dửng dưng, lạnh lùng như không có gì đáng quan tâm cả. Cô gái nào dại dột trót cặp bồ như vậy cũng chịu nhận lãnh số phận đen đủi của mình, khi chủ bar ngọt ngào “mời” thôi việc:

- Cữ này chị kẹt quá, em chịu khó kiếm nơi khác làm nghe!

Tôi hỏi mẹ vì sao mẹ cho cô Minh nghỉ làm. Mẹ biểu:

- Cho nó nghỉ làm là êm nhứt, chớ không thằng bồ của nó cứ tới cài nhài gây sự hoài, rồi tới nước nó phá bar mình như chơi. Đụng tới tụi lính dù này thấy ớn luôn.

- Thế mình không có cách chi đuổi được bồ của cô ta sao mẹ? - Tôi hỏi.

- Chỉ có cách là mời cảnh sát tới, mà đã mời cảnh sát thì lại phải kèm theo vài trăm ngàn là ít, hoặc giả mình có thuê tụi ma cô thì cũng phải mất tiền công, mà gặp phải vụ rắc rối nó ăn vạ mình ức muốn chết. Thà cứ thả quách con bồ của nó ra cho chúng nó muốn đưa nhau tới đâu mặc xác, mình mát thân. Chớ thứ gái bar đã có bồ rồi nó làm ăn cũng chẳng ra sao, trong lúc tiếp khách mà nó cứ nghĩ tới bồ của nó thì khách nào còn ham nữa? Vậy mình dại gì mà ôm rơm cho rặm bụng...

Mẹ có mấy bà bạn thường hay tới chơi, đâu cũng chủ bar như mẹ. Mấy bà nói toàn là chuyện gì đâu. Tôi nhớ có một bà hay tới nhứt tên là Lin-da, bà hay xưng “dì” với tôi và chị Thanh. Bà này có vẻ ăn chơi nhứt trong cái hội của mẹ. Bà ta có lần biểu mẹ:

- Phượng có cô gái út hay đấy, có thể nối nghiệp mẹ rất hạp gu nữa là khác.

Bà ta vừa nói vừa ngó tôi cười coi vẻ đắc ý lắm.

Mẹ lườm bà ta:

- Thôi bà ơi! Bà tha cho tôi đi bà nội, con tôi còn thơ lắm.

Mấy bữa nay mẹ ưa nói chuyện về cái bar của mẹ. Mẹ biểu mẹ muốn cho tôi thay mẹ trong các buổi tối, vì thế tôi phải hiểu được công việc ở bar mẹ làm những gì...

Đã nhiều lần gợi ý với tôi điều đó nhưng mẹ vẫn sợ tôi không chịu nên năn nỉ:

- Liên chịu không? Dễ ợt thôi mà, ráng giúp mẹ nghe con! Mẹ tin con mà ngồi két nổi phải biết!

Tôi cười trả lời mẹ:

- Mẹ đừng lo, con làm được mà, có khó mấy bữa đầu rồi phải quen hết. Với lại con cũng muốn có việc làm cho vui, ở không hoài buồn lắm mẹ!

Từ bữa chị Thanh dẫn một người Mỹ về nhà tuyên bố hai người sống chung, tôi chuyển sang phòng mẹ ngủ, khi nào rảnh không có chồng chị ở nhà, tôi mới lại sang phòng chị chơi.

Phòng ngủ của mẹ rộng hơn phòng ngủ của chị. Mẹ trang trí rất đơn sơ. Trên bức tường màu hồng lợt, mẹ chỉ treo vẻn vẹn một bức tranh phong cảnh của Nhật. Một bàn viết nhỏ trên đó để hình mẹ và tôi. Nhưng đặc biệt là bàn phấn của mẹ rất lớn. Mẹ ghép kiếng vô phía sau, khi ngồi xuống làm mặt, có thể ngó mình phía trước và phía sau luôn. Chiếc giường ngủ không chân theo lối Nhật, tủ áo xây ốp vô tường. Quần áo của mẹ nhiều gấp ba của chị Thanh. Mẹ nhường cho tôi một phần tủ để tôi đựng quần áo. Bên cạnh tủ là một kệ đựng giày dép của hai mẹ con.

Phòng tắm của mẹ cũng khác hẳn của chị Thanh, bên trong lát toàn đá hoa nhỏ màu hồng, ở giữa có một chiếc bồn xinh xinh hình chữ nhật. Những chai dầu thơm, những cục savon mẹ dùng cũng khác thứ chị Thanh thường dùng...

Về sở thích cá nhân, mẹ và chị không hợp nhau. Mẹ ưa những thứ êm dịu, còn chị Thanh ưa toàn những đồ rực rỡ, nảy lửa... Chị may đồ ít khi nào thấy mẹ ưng hết. Ngay trong việc ăn uống tiêu xài cũng vậy, hai người thường trái ngược với nhau. Có điều, mẹ và chị đều giữ ý tứ với nhau nên chưa bao giờ tôi thấy hai người to tiếng, mặc dù trong tình cảm có vẻ lạnh nhạt. Mẹ ít nói chuyện với chị mà thường nói với tôi nhiều hơn. Mẹ và tôi lại có nhiều điểm rất hợp nhau, nhất là trong cách ăn mặc, may sắm. Chính mẹ đã nói với mấy bà bạn:

- Sao không sanh mà con nhỏ giống tánh tôi ghê, Kim Thanh lại hoàn toàn không giống một chút nào mới kỳ cục chớ!

Hai chị em mà đi sắm đồ về, khi nào chị Thanh cũng bị la. Còn tôi mua cái gì mẹ cũng ưng cả, mẹ khen tôi có con mắt mỹ quan. Chị Thanh nhiều lần phải nhờ tôi đi lựa hàng may áo cho chị. Chị nói:

- Sao chị lựa vải về lên áo tối quá. Còn em khi mua vải coi không đẹp mà lên áo lại rất đẹp, tụi bạn chị nó cũng phải khen.

Những lúc ba mẹ con ngồi ăn cơm nói chuyện, chị thường bị cô đơn ở một phe. Nhưng giữa tôi và chị không bao giờ có sự giận hờn. Chị thương tôi và lo cho cuộc sống của tôi nhiều lắm. Chị cưng tôi cũng chẳng kém gì mẹ cưng tôi. Mỗi lần đi đâu về, chị không quên dành cho tôi những món quà đặc biệt. Bạn bè ai tới chơi gặp khi tôi đang ngủ thì kể như chị bắt người đó ngồi chờ hoài. Có bạn giận tôi nói:

- Chị Liên ác ghê, tụi này tới kiếm Liên đi chơi mà gặp Liên ngủ thì kể như đợi cho tới chiều luôn.

Kể cũng kỳ cục thật, mẹ với chị không chung nhau một điểm nào về mọi thứ. Mẹ ưa trang điểm cầu kỳ bằng son phấn, chị lại thích bôi đen mặt. Mẹ ưa màu áo êm dịu, chị lại thích toàn màu đỏ. Mẹ thích xài nhiều dầu thơm nhưng chị lại rất ghét dầu thơm.

- Chị đi với các ổng hoài, chị không thích xài dầu thơm gì cả vì chị không muốn bị mấy bà vợ các ổng đánh hơi ra mùi dầu mà ghen bóng ghen gió - Chị giải thích với tôi như vậy.

Tôi nhớ có một lần ba mẹ con tính đi chơi xa, khi ngồi lên xe rồi, tự dưng chị mở cửa xe bước xuống. Lúc đó mẹ đã cho xe rồ máy, tôi hối chị:

- Chi vậy chị? Lẹ lên, xe chạy rồi nè!

Chị lắc đầu trả lời:

- Mùi dầu thơm ngạt hơi chịu không nổi Liên à.

Rốt cuộc buổi đi chơi không thành. Sau đó tôi mới hiểu là do mẹ xức dầu thơm quá nhiều, ngồi trong xe mùi dầu thơm quyện với mùi xăng nghe khó chịu thiệt. Thảo nào chị Thanh phản ứng ra mặt.

Tính chị vẫn vậy, cũng như chị thích thứ gì, ghét thứ gì chị tỏ thái độ dứt khoát liền. Đặc biệt màu đỏ được chị ưa xài, từ đồ mặc ngoài tới đồ lót, tấm ga nệm giường, gối ôm... của chị cùng một màu đỏ rực. Chị nói rất hãnh diện về việc đó với tôi:

- Màu đỏ là màu bốc lửa nhứt, gợi tình nhứt, làm chủ màu đỏ là dễ dàng làm chủ người khác mà.

Sắp này chị có chồng, hai chị em ít có thời gian tâm sự với nhau. Một tối chị kêu tôi qua phòng chị biểu:

- Thằng chồng chị nó mắc công chuyện mấy bữa nữa mới về, em sang ngủ với chị nha! Lâu không được ngủ chung nhớ em quá chừng đó!

Tôi cười chọc chị:

- Xí, chị có chồng mà còn nhớ em chi, chị gạt em thì có.

Chị ôm ngang người tôi kéo vô giường nói:

- Em chị bữa nay coi bộ người lớn dữ, chớ em không tin lời chị sao Liên? Chị có chồng nhưng chị không hết thương em đâu nghen. ở đây đi, chị tính sẽ nói với em chuyện này em chịu không?

- Chị cứ nói, em sẵn sàng nghe chị - Tôi xúc động nói.

Chị bắt đầu kể cho tôi nghe về người chồng Mỹ của chị: Anh ta là một phi công lái máy bay phản lực Mỹ sang Việt Nam có kỳ hạn. Sắp tới, anh ta hết hạn được về nước. Anh ta khuyên chị đi với anh ta, và chị đã quyết định sang Mỹ sống cho biết, khi nào không thích lại về Việt Nam. Tôi hỏi chị:

- Bộ chị không thích lấy chồng Việt Nam, chị tính đi luôn à?

- ừa, cũng có thể, nếu chị thích chị sẽ ở luôn bển, còn không chị về cũng chẳng sao! Làm thủ tục xuất ngoại, chị phải lập hôn thú để đi cho trót lọt chớ hai người đã nhất trí là không hề trói buộc nhau bằng hôn thú. Thằng chồng chị nó biểu chị hoàn toàn thoải mái. Khi nào muốn tự do, cứ việc!

Tôi thắc mắc:

- Chị nói chi kỳ cục, lấy chồng mà như trò con nít vậy?

Chị cười:

- ồ có chi đâu em, cuộc sống bây giờ nó thế, có ai bắt bẻ chi mà sợ? Với lại, chị rất sợ bị ràng buộc với chồng, nhứt là lại có bầu rồi nuôi con... Ôi điều đó thật rườm rà phức tạp vô cùng!

Chị tâm sự:

- Chị rất thích thanh niên Việt Nam. Họ nói chuyện có duyên và tình cảm. Đã có những lúc chị mơ ước một người chồng Việt Nam như thế. Nhưng em hiểu không, họ nghèo quá, làm sao họ bảo đảm được cho mình một cuộc sống đầy đủ tiện nghi như vầy?... Bởi vậy nên chị lựa người Mỹ để tiến thân. Dù sao sự việc cũng đã được định đoạt. Chị biết mẹ và em sẽ rất buồn khi phải xa chị, nhưng rồi tất cả mọi sự sẽ qua đi thôi phải không Liên?

- Chị tính đi thiệt sao? Hèn chi bữa trước em thấy mẹ nói, em lại nghĩ chị đi đâu kia nên cứ hỏi mẹ hoài!

Chị Thanh hạ giọng:

- Nè cô bé, đừng có gạn hỏi mẹ nhiều nghe. Mẹ xót ruột lắm đó. Em biết không, mẹ tốn cả bạc triệu để lo cho chị đi đó.

Tôi ngạc nhiên:

- Chi mà dữ vậy chị? Đi theo chồng là lẽ đương nhiên, sao còn phải mất tiền?

- Em ơi, ăn chơi kiểu Mỹ mà, thôi kệ, mắc mớ chi.

Nói vậy nhưng chị thừa hiểu tính tôi, ít khi nào tôi chịu “bỏ cuộc”. Suy nghĩ một lát tôi hỏi chị:

- Vậy chớ sao chồng chị không lo mà lại để mẹ lo?

Chị Thanh cười:

- Nó là lính, với lại nó biểu mẹ giàu lắm, có chi như vậy cũng chẳng thấm tháp gì, qua bển còn phải lo cuộc sống cho hai đứa. Chuyện này chị cũng đã nói với mẹ rồi, mẹ không nói gì, chỉ lẳng lặng chạy các thủ tục cho chị.

- Hèn chi em thấy mẹ tất bật mấy bữa nay. Đôi khi mẹ còn thở dài nữa! Em hỏi, mẹ chỉ biểu mẹ đi lo thủ tục cho chị.

- ừa, mẹ phải tới nhiều nơi, “gõ” nhiều cửa chớ bộ! Bữa mẹ dẫn chị tới Lữ hành xã là nơi lo các thủ tục xuất ngoại theo khế ước hôn nhân hoặc khế ước lao động, người ta nể mẹ ghê vậy đó. Mẹ có quà cho tất cả mọi người. Riêng bà giám đốc mẹ tặng một hộp đồ nữ trang, chị đoán chắc toàn thứ mắc... bà giám đốc cười rất tươi nghe. Bây giờ công việc là phải kèm theo tiền em ạ. Mình muốn công việc được trôi chảy, mau lẹ theo ý muốn thì phải “biết điều”, mẹ vẫn thường biểu với chị như vậy mà.

Thấy tôi im lặng, ngơ ngác nhìn, chị bẹo má tôi:

- Trời ơi cô bé, có gì đâu mà đôi mắt ngó tròn le vậy? Đó mới chỉ một nơi, người ta kêu bằng “Việt Nam Lữ hành xã”. Thật ra là một công ty bao thầu chạy việc cho những ai muốn xuất ngoại. Công việc của nó rắc rối vô cùng, nó không kém các công ty áp phe khác chút nào đâu. Nghe nè, đầu tiên phải làm đẹp lòng thư ký giao dịch để được nhận hồ sơ và hẹn ngày đến làm việc tiếp. Rồi đến gặp phụ tá giám đốc cũng phải làm sao vừa ý để họ lo cho mình phiếu cá nhân. Cái này còn liên quan cả Tổng nha Cảnh sát nữa đó, họ phải lục tìm xem mình có can án gì không, đã tù tội gì chưa... Rồi sang thuế vụ để ở đây xác định coi mình có thiếu thuế không... Sau nữa mới tới giám đốc lo phần lập thông hành (kêu là chiếu khám). Tất nhiên để làm được những việc đó, giám đốc phải có hàng vài chục nhân viên giúp việc. Nào thư ký đánh máy, thư ký văn phòng, nào thừa phát lại để lập vi bằng, lo về mặt toà án nếu gặp rắc rối với người xin xuất ngoại khi người này bội ước chẳng hạn. Rồi một luật sư có tên tuổi để tăng uy tín với “khách hàng” - Chị Thanh cười - Người ta kêu bằng “thân chủ” nhưng chị thích kêu bằng “khách hàng” vì thực ra đây cũng là một sự mua bán, có mặc cả và ngã giá thì công việc mới được tiến hành.

Nghe chị nói, tôi đâm tò mò:

- Chị với mẹ còn phải tới đâu nữa hả chị?

- Hượm đã nào bé, để chị kể từ từ rồi em hiểu, làm gì mà quýnh lên thế! Đặc biệt gặp bà giám đốc rất khó vì bả chỉ có mặt ở nơi làm việc chớp nhoáng, để kiểm tra và nhắc nhở công việc của nhân viên dưới quyền rồi lại đi ngay cho kịp những áp phe khác, có khi mẹ dẫn chị tới năm, bảy lần mới gặp được bả. Mẹ phải dò hỏi hoài mới biết địa chỉ của bả đó. Rồi sau này mẹ thường tới nhà riêng bả vào buổi tối như em đã biết. Những lần mẹ chở chị tới văn phòng, thường chỉ gặp các cô thư ký và bà phụ tá giám đốc. Vì bà phụ tá giám đốc bắt buộc phải có mặt trong giờ hành chánh mà. Bà ta trực tiếp nhận tiền đặt cọc của “khách hàng”, mỗi “khách hàng” phải đặt trước từ năm trăm ngàn đến một triệu tuỳ theo hồ sơ của mỗi người. ở Lữ hành xã, người ta cũng định giá cho mỗi thông hành là trên dưới một triệu bạc đó. Vì thế nên chị nói mẹ tốn bạc triệu là nói đại chớ còn hơn nữa kia, các khoản quà cáp biếu xén cũng tốn không kém tiền đặt cọc đâu em. Cuối cùng rồi thì chị và chồng chị cũng ký được tên vào hôn thú sau khi đã hoàn thành các thủ tục như một khách hàng. Tất nhiên phải qua Bộ Nội vụ xét và cấp chiếu khám. Rồi liên hệ với toà Đại sứ Mỹ để làm thủ tục cuối cùng, chị mới nghe mẹ nói bữa qua, còn một tuần nữa chị phải tới toà Đại sứ để làm tiếp phần cuối và đợi ngày bay. Như vậy chị em mình sắp chia tay rồi hé.

- Chị ơi! Nhưng em nghĩ, những thủ tục đó mình tự đi làm lấy được chớ, cần gì phải qua “Lữ hành xã” để họ “ăn hiếp” quá vậy?

- Thì chị đã bảo một lá đơn xin xuất ngoại là cả một cú áp phe mà! Nó mang lợi đến cho hàng chục người từ ông Tổng trưởng cho tới cô thư ký đánh máy thì sức mô mà chạy nổi nếu không có những người khôn ngoan đứng ra lập những công ty chuyên doanh như vậy. Vì có tốn kém đến mấy cũng đành nhắm mắt cho qua còn hơn là tự ôm lấy để tiền mất mà tật vẫn mang! Con Yến bạn chị đó, trước khi đi, tới chào chị, nó nói tất cả chi phí cho cuộc đi của nó hết gần hai triệu rưởi, em thấy sợ chưa?...

Câu chuyện của chị Thanh khiến tôi vỡ thêm thực tế của xã hội kim tiền mà chị đang là nhân vật hiển hiện trước mắt tôi bằng xương bằng thịt. Chị và những người thuộc “thế giới” của chị đua nhau chạy theo các “mốt” mà họ tự cho là “mốt thời thượng”. Đó là “mốt” lấy chồng ngoại quốc...

Bọn tôi thỉnh thoảng cũng có đứa kiếm ra tiền hay lấy được ông chồng tử tế, muốn theo chồng ra nước ngoài để thoát con đường gió bụi, đều bị vấp vào cái Lữ hành xã ấy như vấp vào giữa núi đá! Kiếm ra hai triệu bạc thì thiếu gì đường hoàn lương ngay trong nước cơ chứ? Hèn chi mà một người ăn tiêu xả láng như mẹ Phượng, mà khi lao vào cuộc, cũng phải thở ngắn than dài như mấy hôm rồi! Tôi đâm ra ghét ghê cái người chồng Mỹ của chị Kim Thanh. Phi công gì mà bòn rút mẹ một cách bần tiện vậy?

Đang bùi ngùi thương mẹ thì chị Thanh đập vào vai tôi:

- Thằng chồng chị làm nghề bay - Chị bỗng ré lên, kiểu bất cần sự đời - Cũng hay ha! Nó là người của mây của gió, mình cũng ưa sống như mây như gió, vậy là hợp nhau heng! Mà thằng này cũng thuộc loại dân chơi, khoái thì lấy, không thích lại đi kiếm thằng khác, lo gì...

- Lấy chồng kiểu vậy cũng hiếm - Tôi nói.

Chị đập mạnh vô cánh tay tôi la:

- Ôi da! Vô thiên lủng đứa như chị, thích thì chơi, chán bỏ liền, có ai khép tội mình mà sợ? Con Thoa, con Yến bạn chị đó, tụi nó đi hết trơn rồi em biết không. Con Thoa đi Hồng Kông, con Yến đi Pháp cỡ chừng tháng nay rồi. Mỗi đứa theo đuổi một con mồi cỡ bự! Em tính, chị là loại hiền khô, có chi...

Chị đang nói bỗng ngừng lại. Có tiếng mở cửa bên phòng mẹ. Tôi đoán chắc mẹ về. Mọi bữa mẹ vẫn thường về khuya như vầy. Chị ra hiệu cho tôi im lặng. Chút xíu bên phòng mẹ có tiếng nói chuyện. Tôi đang băn khoăn thì chị nói:

- Bồ của mẹ lại tới đó. Hên chưa, gặp lúc mà Liên không qua đây heng, cầm chắc mẹ cũng phải mời khéo em đi chớ! Cho em hay, mẹ có người tình rất trẻ, hào hoa nữa là khác. Chắc bữa nay bà già lại tính giải sầu đây. Chị đã có lần đụng mặt, ảnh chỉ cỡ tuổi chị nè, hèn chi ông Ros phát ghen lên với mẹ cũng có lý.

Tôi tròn xoe mắt ngó chị:

- Sao kỳ vậy chị, người tình của mẹ mà chỉ cỡ tuổi chị thôi?

Chị cười phá lên rồi lại hạ thấp giọng nói:

- Coi bộ em thấy lạ lắm sao? Đó là mốt chơi mới của các bả đó. Các bọn choai choai tha hồ chạy đua theo mốt này. Tụi nó được lợi lắm nghe! Được các bả bao này, có quyền yêu sách các bả bất cứ lúc nào... nghĩa là các bả chăm sóc, chiều chuộng mọi mặt. Có thằng chỉ là học sinh nghèo, sau khi cặp bồ với một bà cỡ bự thành phong lưu, tiền xài thoải mái. Các bả ưng vậy mà, chỉ cần làm thoả mãn các bả là các bả khoái, chẳng tiếc thứ chi cả.

Đêm đó tôi ngủ với chị Thanh. Nửa đêm mẹ có qua hỏi, chị Thanh nói tôi ngủ rồi cho mẹ yên tâm. Cả đêm đó có lẽ mẹ không ngủ. Tôi và chị Thanh thỉnh thoảng lại nghe bên đó rì rầm, chị Thanh biểu ảnh đang nhõng nhẽo với mẹ...

Lần đầu tiên được nghe và coi chuyện này, tôi thấy ngộ quá. Tôi định bụng sáng dậy sớm, tôi phải kiếm cớ qua phòng mẹ để ngó mặt anh chàng kia coi thử thế nào mới được. Nhưng rồi tôi ngủ quên mất, khi dậy đã tám giờ sáng, chị Thanh biểu mẹ tiễn ảnh từ sáu giờ rồi. Tôi tiếc ngẩn người vì ý định không thành.

Tôi thấy cái thế giới của mẹ, của bà Tuyết, bà An, dì Lin-da... thiệt tức cười. Các bà ưa bày ra những trò đâu đâu khi không đi rước cái tụi con nít đó về chiều chuộng làm như cha mình, lạ quá chừng luôn. Dì Lin-da thì khi nào tới cũng nháy nháy mắt với tôi, dì ưa ngó tôi bất tử làm tôi cảm thấy khó chịu. Tôi nói điều ấy với mẹ, mẹ biểu:

- Kệ dì con, dì khen con đẹp nên dì thích ngó chơi vậy thôi, con khó tánh thế!

Tôi chưa thông với cách giải thích của mẹ nhưng tôi nghĩ lúc này không nên tranh luận, không khéo sẽ làm mẹ phật ý, gia đình mất vui...

Nghĩ vậy tôi im lặng nhìn mẹ, gật đầu.