Một kiếp lênh đênh - Chương 07 - Phần 1

Chương 7

Những ngày này tôi thật sự hoang mang, chán nản, nghĩ tới thân phận mình bèo bọt, rồi không biết sẽ ra sao. Tôi lang thang trên các hè phố, tìm quên trong những quán nhậu của người Việt. Tôi thích đến những nơi đó để được tiếp xúc với những người của xứ mình. Tôi chú ý tới một thiếu phụ (mà tôi tin chắc là người Việt Nam và là người Sài Gòn chính cống) có đôi mắt rất buồn, thường đi với một người đàn ông đã luống tuổi, tôi đoán ông ta khoảng trên năm mươi, người Trung Hoa. Cái quán ăn tôi hay tới lại cũng là nơi ưa thích của hai người. Tôi chỉ có một mình, hay lựa chỗ kín đáo tĩnh lặng. Họ cũng thích chọn những bàn vắng, có lẽ đó là ý của người thiếu phụ. Trong lúc đang buồn khổ, tôi muốn có một người bạn gái để tâm sự. Hình như thiếu phụ kia cũng muốn vậy nên thỉnh thoảng cô ta lại ngó sang phía tôi. Trong đôi mắt cô ta nhìn tôi phảng phất một vẻ ái ngại khó hiểu, khiến tôi tò mò muốn làm quen. Một hôm đợi người đàn ông lại bàn đặt thực đơn, tôi bước tới cạnh thiếu phụ:

- Xin lỗi, cô cho hỏi có phải chồng cô đó không?

Thiếu phụ cười trả lời:

- Vâng, chị cần gì ạ?

- À không, vì tôi thấy hai người năng tới đây nên hỏi thăm vậy thôi.

- Chị sao đi có một mình? Chị sang đây đã lâu chưa? Coi chị có vẻ buồn, hay chị nhớ nhà?

- Tôi sang đây được hơn một năm rồi. Tôi sang với chồng. Chồng tôi là ca sĩ. Tôi đã có con với anh ta... nhưng hiện tại tôi đang chán đời. Thú thực tôi muốn về Việt Nam, sắp đến tết rồi, nhớ nhà ghê gớm. Ít lâu nay tôi cứ lang thang ở đây, tôi muốn tìm một người bạn Việt Nam để rủ cùng về, nhưng thật khó quá. Tôi theo dõi thấy cô thường tới mà coi bộ cũng được nên đánh bạo hỏi chuyện. Có gì chị em cảm phiền nhau nghe. À mà cô người tỉnh nào đó?

- Em người Sài Gòn chị à.

Im lặng một lát cô ta tiếp:

- Em cũng xuất ngoại theo chồng, nhưng chỉ là danh nghĩa... mà chuyện của em, chắc chi chị đã muốn nghe? - Cô ta ngập ngừng tiếp - Mặc dầu em linh cảm nó có thể bổ ích cho chị đó.

Nghe vậy, tôi sực nhớ tới vẻ ái ngại trong cái nhìn của cô nên sốt sắng bám lấy cơ hội:

- Không, đừng nghĩ thế, biết đâu chúng ta cùng cảnh ngộ, có thể giúp đỡ nhau điều gì đó trong thời gian xa quê thì sao? Mà quên xin lỗi, chúng ta giới thiệu quý danh cho nhau đi chớ?

- Dạ, em quên, em tên Thu Hương, Bạch Thu Hương chị à.

- Còn tôi tên Liên, tôi cũng ở Sài Gòn. Chúng ta cùng quê rồi đó, Hương.

Chuyện tới đó thì chồng Hương lại. Tôi chào ông ta và hẹn với Hương sẽ gặp lại hôm sau để nghe chuyện của cô. Hương xin lỗi chồng, tiễn tôi ra tận ngoài đường và dặn đi dặn lại:

- Chị nhớ nghe, ngày mai lại đây. Em sẽ đi với chị cả ngày. Chuyện của em dài lắm, cả ngày chưa chắc đã hết đâu, và ngược lại, chị cũng hứa kể chuyện của chị nữa chớ?

- Được rồi, tôi hứa. Hương lại với chồng đi, tôi về nghe.

Sớm hôm sau thức dậy, tôi chuẩn bị sẵn thức ăn cho bé Antôni và dặn mẹ chồng:

- Mẹ ơi! Bữa nay con bận, mẹ coi cháu nghe. Có thể con về muộn, mẹ khỏi phải chờ cơm.

Bà già nhìn tôi vẻ ngờ vực. Mặc, tôi không cần giải thích, vội vã xuống lầu luôn. Mọi bữa tôi thường đi bách bộ nhưng lúc này tôi chỉ muốn nhanh được gặp Hương nên kêu taxi chở tới quán “Hương quê” quen thuộc. Khi chiếc Taxi vừa đỗ lại, tôi chưa kịp bước ra thì đã nghe tiếng reo mừng rỡ của Hương:

- Ôi chị Liên! Em ngỡ chị không tới kia!

Rồi không để tôi kịp nói gì, Hương kéo tay tôi, miệng liến láu:

- Đi chị, vô đây nhậu chút đã, hôm nay Hương sẽ bao và hầu chuyện chị xả láng nghe!

Hương cười tinh nghịch. Vẻ mặt mệnh phụ của Hương như giãn ra, trả lại nét tươi trẻ của cô gái mới hai mươi hai tuổi đời.

Lựa bàn xong, Hương xăng xái đi đặt thực đơn. Khi bồi mang thức ăn tới, tôi ngạc nhiên thấy có cả rượu, cứ nghĩ Hương đùa, ai dè có nhậu thật. Tôi từ chối, Hương không chịu, đành uống một ly nhỏ rượu đế (theo Hương, để kỷ niệm sự gặp gỡ của hai chị em, phải xài toàn đồ của quê hương) để Hương vừa lòng. Hương uống hết ly này đến ly khác.

Ăn uống xong, tôi và Hương dắt nhau đi lòng vòng đến một vườn hoa nhỏ thì dừng lại. Tôi đề nghị:

- Hương nè, chúng mình ngồi đây nói chuyện vừa tĩnh vừa hợp đó. Tôi chỉ nóng lòng muốn nghe chuyện của Hương, Hương hiểu không?

Hương chợt lặng đi, đôi mắt cụp xuống, cố giấu sự xúc động. Tôi để yên cho Hương bình tĩnh trở lại. Một hồi lâu Hương mới ngẩng lên, hai hàng mi đẫm lệ.

- Chị ơi! Câu chuyện của Hương, Hương đã thề không bao giờ hé răng nói ra, kể cả với chồng của Hương hiện nay. Nhưng từ khi gặp chị, Hương cảm thấy những điều mình cố quên đi đó cứ như một cái bọc quá nặng Hương ôm không nổi nữa.

Cách đây năm năm, khi đó Hương mười bảy tuổi - một cô học trò chăm ngoan hiếu thảo ở đất Sài Gòn. Gia đình Hương rất nghèo. Ba Hương làm công chức, má buôn bán ở chợ Bà Chiểu. Hương là con lớn, còn hai em: một trai, một gái cũng học chung trường. Nhà nghèo, Hương chỉ có hai chiếc áo dài nội hoá để thay đổi khi đến trường. Thiệt tình lúc đó coi Hương cũng được lắm nên các bạn trai nhiều người để ý. Trong số đó Hương mến nhất Duy Anh. Duy Anh học trên Hương hai lớp và... cũng là con nhà nghèo như Hương. Mến rồi yêu Duy Anh lúc nào không biết. Chỉ biết hai người luôn quyến luyến khó rời nhau. Hễ xa nhau là nhớ phát điên lên ấy. Bọn Hương thường hẹn nhau đi chơi, đi coi xi-nê để được gần nhau. Chuyện của hai đứa má Hương biết cả. Bả rất thương con và ủng hộ mối tình thơ mộng của hai người. Chẳng thế mà khi ba Hương tính gả Hương cho một lão Tàu già béo phị, dở người nhưng lắm tiền, má nhất định không chịu nên ba má cứ cãi lộn nhau hoài về chuyện đó...

Một buổi chiều mùa thu đẹp, y hẹn với Duy Anh, Hương lén nghỉ hai giờ học sau cùng để đi chơi với ảnh. Duy Anh chưa bao giờ sai hẹn với Hương, không hiểu sao buổi chiều đó Hương đợi hoài không thấy. Ruột gan Hương như có lửa đốt, rồi mặt Hương, cả người Hương nóng bừng lên. Hương tự ái và giận Duy Anh lắm. Bàn chân Hương thẫn thờ đi trong công viên. Đến bên một chiếc ghế đá trống, Hương ngồi phịch xuống, buồn bực và mệt mỏi... Chị biết không, Hương cứ ngồi như vậy hồi lâu, mắt lơ đãng ngắm những chiếc lá úa dưới chân mình. Bỗng Hương nghe tiếng kêu mừng rỡ:

- Ủa Hương, sao ngồi đây cháu?

Và trước mặt Hương, một người đàn bà khoảng trên ba mươi tuổi, ăn mặc coi rất đỏm dáng. Hương còn đang ngỡ ngàng chưa biết nói sao thì bả đã âu yếm vuốt tóc Hương xuýt xoa:

- Cháu càng lớn càng đẹp làm cô không nhận ra. Hương ạ, cháu giống ba cháu lắm.

Hương ngập ngừng:

- Thưa... cháu quên mất không nhớ là đã gặp cô ở đâu.

- À, cô là Tuyết, cô vừa mới ở xa về, ngày trước khi Hương còn nhỏ, nhà cô ở cạnh nhà Hương, chỉ cách có một phố, Hương là con gái bác Đường ở Tân Định chớ gì?

Nói rồi bả sốt sắng rủ Hương:

- Đi Hương, cô cháu mình đi kiếm cái gì ăn đi, rồi hàn huyên tiếp, cô cũng như Hương, đang buồn.

Hương cười gượng:

- Sao cô biết Hương buồn, mà cô vô công viên làm gì?

- Ồ! Thì cô cũng như Hương, chờ người ta mà người ta chẳng đến thì vui sao được, đúng không nào?

Tự nhiên Hương có cảm tình ngay với người đàn bà đó. Với tâm trạng đang buồn bực, Hương muốn được nói chuyện thật nhiều với cô ta về những tâm tư của mình, cả những điều Hương chưa bao giờ nói với ai. Sự nhiệt tình cởi mở của cô làm Hương tin và quên đi sự giận hờn, vui vẻ theo cô ra khỏi công viên. Hai người bước tới bên một chiếc xe hơi sơn màu trắng thanh lịch, cô ta thành thạo mở cửa xe, ấn Hương ngồi lên đằng trước và cô ta ngồi vào trước tay lái. Chiếc xe từ từ rời lề đường rồi lượn xuống phố. Hương ngồi trong xe lại càng ngỡ ngàng như người trong mộng vậy.

Gió thu vờn tóc Hương bay bay, Hương liếc trộm Tuyết và bắt gặp Tuyết cũng đang nhìn mình. Hương vội vàng gợi chuyện, cố giấu nỗi e thẹn trong lòng:

- Cô Tuyết lái xe đẹp ghê! Chắc cô giàu và nhàn nhã lắm!

Tuyết cười:

- Hương thích không, hôm nào cô sẽ dạy Hương lái nghe!

- Thôi cô ạ, Hương đâu dám mơ! Nếu có biết lái đi nữa thì cũng không đời nào Hương có được chiếc xe đẹp như thế này, vì nhà Hương nghèo lắm, ba Hương...

Tuyết vội vàng ngắt lời Hương:

- Cô biết rồi, nhưng điều đó không can gì. Cái chính là Hương rất xinh đẹp, dễ thương, tại sao lại không có thể được ngay một chiếc xe đẹp hơn chiếc này nếu Hương thích?

Hương tròn mắt:

- Thật vậy không cô?

- Thật chứ - Tuyết khẳng định - Đời bây giờ, những người đẹp và thông minh như Hương là phải đủ điều kiện để sống hơn người...

Xe dừng lại trước một nhà hàng sang trọng. Mới bước vô Hương còn đang e thẹn, bỡ ngỡ thì Tuyết đã khéo léo đặt đồ ăn rồi hướng dẫn mời mọc Hương rất ân cần. Hương được ăn một bữa ăn ngon miệng và được đi chơi quanh thành phố, những nơi Hương thích nhất. Và kết thúc cuộc đi chơi thú vị hôm ấy là một chiếc áo hoa đẹp, mắc tiền mà Hương thường mơ ước. Khi chia tay, Hương cố mời Tuyết về nhà chơi nhưng Tuyết chối từ thật khéo:

- Chưa vội lắm Hương ạ. Cô muốn dành cho ba má Hương một sự bất ngờ. Hôm nào rảnh cô sẽ đến trường... đón Hương về nhà cô chơi, có nhiều cái thú lắm!

Không suy nghĩ, Hương lập cập ghi tên lớp, tên trường và địa chỉ nhà mình đưa cho Tuyết. Tuyết cười xua xua tay:

- Khỏi cần Hương ạ. Cô biết cả rồi.

Hương lại càng ngạc nhiên:

- Ủa, sao cô biết rành vậy cà?

Tuyết nhí nhảnh:

- Cô còn biết về Duy Anh nữa cơ, hôm nào sẽ kể Hương nghe.

- Cô hứa thì phải nhớ đấy - Hương hào hứng nắm tay Tuyết - Thôi Hương về cô ạ, kẻo má la. Nhưng hôm nào đó cô phải đến gặp má, cho Hương giới thiệu về cô nghe!

- ừa, hẵng biết thế, chưa muộn đâu Hương!

Nói rồi Tuyết lên xe. Hương đứng bịn rịn ngó theo chiếc xe trắng mất hút ở cuối phố và nhảy cẫng chân sáo về nhà. Hương ôm chầm lấy má, rối rít khoe áo mới, rồi kể cho má nghe về cuộc gặp gỡ lý thú ban chiều. Nghe kể xong, má Hương chau mày:

- Tuyết nào nhỉ? Phố ta có ai tên Tuyết đâu hả ông?

- Ôi dào! Bà cứ vẽ vời thắc mắc. Con nó lớn rồi phải để cho nó giao thiệp, dạn dĩ, tập làm quen với đời, sau này khỏi bỡ ngỡ. Mà biết đâu cái cô Tuyết ấy quen nhà mình thiệt, bây giờ người ta khá giả, lại quý mến con Hương thì tặng nó chút đỉnh có gì lạ đâu - Ba Hương nói át đi như vậy, má Hương im lặng.

Đến tiết mục Hương mặc áo mới cho cả nhà ngắm, má khen:

- Cô ấy cũng khéo chọn đó. Màu này bé Hương mặc hợp lắm, cách may cũng hiện đại nữa, tuy có hơi dài.

Ba hỏi Hương:

- Sao con không mời cô ấy tới nhà mình chơi?

- Thưa ba con có mời ạ, nhưng cô ấy bảo để mai mốt đã, cô ấy còn nói sẽ dành cho ba má bất ngờ gì đó!

Tối đó Hương đã thao thức với những mơ ước vẩn vơ và thầm mong gặp lại Tuyết, nhất là mời bằng được Tuyết tới nhà chơi. Rồi không chịu nổi, Hương đã tâm sự với Hiền, kể cho em mình nghe những hứa hẹn của Tuyết. Hiền trầm ngâm suy nghĩ rồi khuyên chị:

- Chị Hương ạ, đời bây giờ người khôn của khó. Chả ai tự dưng tốt với mình mà không có nguyên do. Chị vẫn phải cẩn thận đó, kẻo nhỡ xảy ra chuyện gì thì tội nghiệp cho Duy Anh.

Hương gắt với em:

- Chị có ngu khờ bé dại gì đâu mà em lên lớp chị? Mà sao chỉ tội nghiệp cho người ta chứ không phải tội nghiệp cho chị em mình?

Hiền vẫn điềm đạm:

- Em nghĩ chị và Duy Anh thương nhau. Em rất mong cho hai người được hạnh phúc trọn vẹn nên em mới khuyên chị như vậy. Lúc trưa Duy Anh có lại kiếm em, nhờ em nói với chị là ảnh phải ghi “cua” chiều nay không ra chỗ hẹn được, thế mà em quên mất, đoảng quá...

Hương bĩu môi:

- Chị chả thiết nữa, cái anh chàng lẩm cẩm ấy, khô như những bài triết học của ông Hùng, nản ghê, lắm lúc chẳng muốn hò hẹn gì nữa.

- Gớm! Mới có một chiếc áo đẹp, một cuộc đi chơi ngắn mà tình cảm của chị đã biến chuyển nhanh thế. Em e rằng chị sẽ quên mất cuộc tình thơ mộng của chị đó.

Thấy em trách móc, Hương làm già:

- Thì đã sao? Khối người trên đất Sài Gòn này, chả lẽ mình không lựa được ai khá hơn anh chàng quê mùa đó? Thôi để cho cô vậy, lẩn thẩn với lẩm cẩm xem ra là hợp nhau hơn.

Hiền nghiêm giọng:

- Chị lại đứng núi này trông núi nọ. Bây giờ anh ấy nghèo nhưng nay mai tốt nghiệp cũng đàng hoàng chớ bộ, chưa chi chị đã...