Một kiếp lênh đênh - Đoạn kết
Đoạn kết
Hơn một tháng làm việc với nhau giữa cảnh trời nước của khu trại giam ven biển này, cùng dắt nhau lùng sục vào những ngóc ngách tối tăm của vùng người ngợm bao quanh cuộc đời Liên, chúng tôi đã gần gũi và hiểu nhau hơn nên không còn xưng hô hay nói năng dè dặt như thời gian trước nữa. Hơn thế, đã nhiều lần tôi thích thú thấy Liên còn lên giọng tranh cãi khá găng, điều đó cho thấy rằng “cuộc hỏi cung bổ sung” của tôi ảnh hưởng tốt đến nhận thức của Liên về quá khứ và lòng tin của Liên đối với cách mạng...
Chưa vội đọc những lời khai cuối cùng, Liên ngước đôi mắt đẹp nhìn tôi hỏi:
- Khai như hôm rồi, đã là tiến bộ chưa, thưa chị?
Tôi trả lời thẳng thắn nhưng vẫn giữ giọng thân tình cho Liên đỡ áy náy:
- Chưa nhiều đâu Liên! Chị để ý nhiều lúc say chuyện cũ, Liên còn vênh váo với cái nghề làm điếm nữa, nghe mới dở chớ!
Liên sượng mặt, ấp úng chữa thẹn:
- Chị bỏ quá cho Liên. ở đây người ta đâu có cần nghề gì vinh, nghề gì nhục, miễn là nó đem lại nhiều tiền để phách lác... Chị chưa biết chớ dạo nọ một ông tướng ngụy đã chơi ngông điều lính ra dàn trận trên một bãi tắm, súng dài súng ngắn bắn nhau đì đòm với lính một ông tướng khác chỉ để giành một con bồ cave đẹp!... Chị coi như vậy thì bọn em làm sao mà xấu hổ với nghề mình được?
Ôi cái lô gích rõ ràng đến nổ con ngươi!... Thì chính Liên chứ ai đâu khác, thời là cô gái đi ô tô, ở biệt thự và thu về chục vạn đồng một đêm, chẳng đã từng phách lác ra lệnh cho thiếu tá nhà lao Doanh, trung tá quận trưởng Hùng, đại tá an ninh quân đội Điệt và còn ảnh hưởng tới cả chuẩn tướng Bình ở Tổng Nha cảnh sát nữa sao?... Nghĩ vậy, tôi ôn tồn nói với Liên:
- Chị có chủ tâm trách Liên đâu? ở một nơi mà hành động ngông cuồng được đề cao như vậy thì tội phạm và tệ nạn thường phát triển bất ngờ và đa dạng, riêng chi cái tệ mãi dâm? Chị lo nhiều hơn cho sự lột xác của Liên sau này kia. Khi mà những cách suy nghĩ về quyền lực, tiền tài, nghề nghiệp quyện vào nhau thành một thứ triết lý đảo điên như vậy, thì sự lột xác của lớp người trong cuộc thường là rất chậm và khó...
Cúi xuống đọc ngày tháng ghi cuối biên bản, Liên thở dài không ra vui, không ra buồn, nói:
- Mới đó mà em đã trả nợ xong một nửa án tù của mình rồi... Thật không ngờ đó, chị. Hôm đầu mới vào, em nghĩ là không trốn được thì cũng hết chịu nổi!
- Dẫu sao thì về mặt tài liệu, Liên cũng đã cung cấp gần đầy đủ những điều chị cần biết. Chị sẽ báo cáo với Ban Giám thị sự đóng góp quan trọng của Liên lần này và đề nghị đưa Liên vào diện xin ân xá nhân dịp Quốc khánh sắp tới... Chị rất mong Liên sớm ra trại để chị được nhìn tận mắt cuộc sống mới của Liên... Hy vọng lần sau vào gặp, chị sẽ được Liên mời về nhà và giới thiệu với... với...
- Thôi, cảm ơn chị, gia đình Ngũ ở Rạch Giá vẫn còn rất thương em, Ngũ cũng chỉ học điện ảnh, không mắc mớ gì về chính trị nên chắc chắn ảnh sẽ về, chị khỏi lo cho em chuyện đó... ấy thế mà em vẫn lo ngại rằng cuộc sống lương thiện sẽ không dễ dàng trở lại với em sau ngày ra tù đâu, thưa chị!
- Ô hay, Liên lo điều gì vậy?
- Hàng trăm điều còn vất vưởng ngoài đời ấy nó sẽ làm phiền mình chớ chị? Nhưng cái lo lớn nhất là... là...
- Chắc Liên muốn nói về những người tình là khách làng chơi cũ, vốn là đối tượng trốn trại cải tạo hoặc là phản cách mạng hiện đang trốn tránh chớ gì? Cái thế lực đen tối này còn đủ sức dọa dẫm không để cho Liên sống yên, thậm chí còn lôi kéo Liên vào tội lỗi, Liên đã có kinh nghiệm về Hùng và Tuân rồi mà? Có phải Liên lo vậy không?
- Bọn bạn em thì chúng nó lo thật đấy. Mấy chả túng thì hay làm liều, mà cái nghề cũ của bọn em là dễ tìm tới để liên lạc, ăn ở, kết bồ tự nhiên ít khiến ai nghi ngờ... rồi từ đó mới dọa dẫm, sai phái chớ chị?... Nhưng riêng với em thì chị khỏi lo. Em không phải là đứa để cho mấy cha dọa dẫm. Em che giấu Hùng và Tuân là vì tình thương và số vàng họ bỏ ra... Huống chi bây giờ mấy chả lo thân họ còn mệt. Có quấy phá em lắm cũng chỉ nhằm xin em ít tiền hay cho mấy ngày ở đợ...!
- Thế thì đúng là Liên lo gặp lại cái xã hội nghề cũ rồi? Ai chớ mụ Hà tài pán thì chưa cần Liên hỏi tới đã có thể tìm cho Liên hàng chục cô gái một lúc hay dẫn cho Liên mấy mối một đêm ấy chớ! Còn những người như chủ bar A Sìn hay chủ động như Tuyết Mai thì, đang lúc Liên gặp khó khăn mới ra đời, họ sẵn sàng canh ty với Liên để tiếp tục mở những động chứa có thể tiền ngàn vào thời buổi cay nghiệt này lắm chớ?
- Chị hỏi ai mà có vẻ thạo quá hà? Đúng là lớp người này, đối với tương lai của Liên, còn đáng sợ hơn là các cha phản cách mạng! Nhưng hôm nay lực lượng họ tan rã ghê gớm lắm rồi. Số còn lại thì chỉ nguy hiểm cho những ai nhắm mắt liều thân tìm tới họ... Liên không đến nỗi là con thiêu thân như vậy, nhất là sau gần nửa năm được chị giáo dục.
- Lạ nhỉ, thế thì Liên còn sợ gì nữa chứ?
- Bản thân Liên chị ạ!... Liên sợ bản thân Liên nhứt!... Con người Liên tiêm nhiễm nhiều thói hư tật xấu quá rồi, cờ bạc, rượu chè, thuốc lá, không thiếu thứ nghiền nào. Những bệnh nghiền đó đã tạo cho Liên một thói quen lười nhác không cưỡng được. Lười lao động nặng nhọc đã đành, ngay đến chuyện nhỏ nhặt như giặt đồ lót của mình, kỳ cọ lúc tắm cũng không muốn tự làm lấy mà chỉ thích buông thả cho người khác làm giùm! Nói chị đừng cười, bước lên xích lô cũng sai đàn ông bế, qua ngã tư cũng sai đàn ông cõng! ở đây bị cảnh sát thúc ép sát sườn mà còn tìm đủ mọi cớ trốn dài lao động, chị cũng biết đó. Ôi thế mà nay mai về làm dâu nhà Ngũ, gánh nước, thổi cơm, giặt giũ, cuốc vườn, mới nghĩ tới đó muốn chết luôn!... Nuông chiều đến mấy thì chắc chắn cũng sẽ tới lúc không ai chịu nổi Liên. Thế là người ta sẽ mắng thẳng vào mặt Liên câu mà Tuân đã dùng để mạt sát Liên ở Mã Nhật Tân hay bà mẹ chồng Sary đã dùng để mạt sát Sary ở Mỹ: “Cô không làm được việc gì khác ngoài việc làm đĩ sao?”... Nếu người ta không đuổi thì Liên cũng tự ý bỏ đi vì nhục và cũng vì khó chịu nổi sự buồn tẻ của cuộc sống ở nhà quê... Thật bụng điều lo của Liên là vậy đó, thưa chị.
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]
Một lời thú tội thật thà. Tôi nhớ ra mấy lần Liên trở lại cuộc đời gió bụi hoàn toàn không do sự đe dọa hắt hủi nào mà chỉ là do không chịu được vất vả và cuộc sống nề nếp. Cô ta ý thức được sự rệu rã tinh thần và thể xác của mình, một thứ bệnh nghề nghiệp kinh niên của làng điếm, tạo nên bởi lối sống buông trôi càng trở nên nan y trong xã hội Sài Gòn với hàng trăm thứ độc tố tân kỳ của thế kỷ 20 du nhập từ Mỹ và các nước chịu ảnh hưởng lối ăn chơi Mỹ... Nhưng mặt khác, tôi cũng đã chứng kiến những kết quả tích cực của công việc cải tạo tệ nạn này đối với hàng vạn gái làng chơi từ Hà Nội tản cư vào Vinh sau ngày Cách mạng Tháng Tám và đối với hàng trăm gái mãi dâm lén lút của miền Bắc tập trung về trại cải tạo trung ương Phú Lương và Ba Sao những năm gần đây. Mặc dầu trước tệ nạn này của Sài Gòn, những bài học của Cách mạng tháng Tám ở miền Bắc có vẻ còn xa nhu cầu, nhưng cái ý nghĩa tích cực của nó vẫn khiến cho tôi tin tưởng nói với Liên:
- Liên đừng có bi quan như vậy! Chị biết, đã có hàng vạn người còn hư hỏng hơn em, mà người ta vẫn trở lại cuộc sống lương thiện được lắm chớ?
Bỗng nhiên Liên rùng mình, so hai vai lại trong một dáng điệu duyên dáng:
- Chèng đéc ơi, dẫu có trở thành anh hùng lao động đi nữa thì Liên cũng không dám lên công trường đâu thưa chị! - Ngừng một lát dò xét, thấy tôi vẫn giữ thái độ lắng nghe một cách ân cần và độ lượng, Liên hạ giọng ưu tư, nói tiếp - Em cũng biết là ở đây thì cán bộ trại, ra ngoài kia thì bà con cô bác, tóm lại là xã hội cách mạng rất chăm lo cứu vớt bọn em trở lại làm người. Có nhà thơ lớn còn ước mong bọn em sẽ có ngày thơm như bông lài và đẹp như giọt sương mai nữa mà chị. Mong muốn của cách mạng thật là cao cả, nhưng cách làm của cách mạng sao mà ớn thế? Lao động, công trường, sản xuất... hình như chỉ có mấy đơn thuốc nam dễ kiếm ấy để chữa người có bệnh, ngoài ra không còn đơn thuốc nào khác?... Làm sao mà bọn em nghe lọt được, chị? Chồng em là nghệ sĩ điện ảnh, chị có thể nghĩ rằng vợ một nghệ sĩ điện ảnh lại chân lấm tay bùn, da đen củ súng được sao? Chồng em sẽ lập tức bỏ em ngay để đi với bồ khác! Mà bọn em, hai mươi năm ròng, sẵn sàng bỏ chồng, bỏ con, nhưng không thể một phút lơ là bỏ nhan sắc mình. Tại sao lại bắt chúng em phải đào, cuốc, bới, móc một nắng hai sương mới được gọi là tiến bộ? Em ớn cải tạo chính là vì lẽ đó thôi thưa chị! Nay mai được ra tù, bị ném vào cái xã hội chỉ có đào, cuốc, vác mai mới được coi trọng, thì chị tính sức em làm sao mà có được một cuộc sống ổn định và lương thiện, trong khi ấy thì chung quanh em vẫn tồn tại bao nhiêu điều đe dọa lẫn sự cám dỗ, như chị em mình vừa trao đổi qua? Đó là em chưa nói tới một số cám dỗ lương thiện và thiết thực hơn: Chồng em ở Pháp, Mỹ, Phi, Canada, chỉ cần một lá thư cầu cứu của em là sẵn sàng chi viện cho em một cuộc sống dư dật. Hoặc các mụ Mai Chi, Lin-da đang sẵn sàng mồi chài dụ em sang nước ngoài để bán rẻ hay canh ty. Chị có tin rằng em sẽ dễ dàng chống lại cái sự đe dọa hay cám dỗ đó để đi kinh tế mới không thưa chị? Ôi cách mạng đội đá vá trời thì được, chớ nặn ra một người đẹp sao mà cách mạng thiếu tay nghề đến thế, chị?
Nói xong nỗi lòng, Liên trút tiếng thở dài se sẽ, nhìn tôi một thoáng mắt rồi cúi đầu, bàn tay ấm siết nhẹ tay tôi. Tôi hiểu Liên đang sống những giây phút tràn trề niềm tin và hy vọng về đời mình để đặt ra cho tôi cái dấu hỏi quyết định giữa tin và nghi, giữa đứng và ngã...
Liên với sự trải nghiệm đáng sợ trước trường đời. Rồi cái vạch ngăn mỏng manh kia đòi hỏi một nghị lực ghê gớm để chiến thắng chính mình.
Liên sẽ ra sao trong quãng thời gian nửa cuộc đời còn lại? Dẫu sao vẫn cứ phải phán xét nhưng với những người như Liên, có thêm chút học thức và lòng can đảm, tôi vẫn muốn tin rằng Liên sẽ đổi khác.
Nhất định tôi sẽ gặp lại Liên giữa cuộc đời thường như tôi vẫn hằng mong.
Thực hiện bởi
Nhóm Biên tập viên Gác Sách
Ktmb - Nhocmuavn
(Duyệt – Đăng)