Một kiếp lênh đênh - Chương 14

Chương 14

Đêm đó tôi lái xe một mình đi lang thang trên đường phố Tự Do. Buồn quá, tôi đậu xe gần hiệu kem Boda, vô quán Boda ngồi ngắm người qua lại. Tôi đã hút thuốc lá Sa-lem và kêu từng li rượu uống. Cho tới khi quá say, tôi gục xuống bàn không còn hay biết gì nữa.

Sáng hôm sau thức dậy, tôi thấy mình đang ở trong một căn phòng rất lạ. Xung quanh là tường gỗ treo đầy những tranh quảng cáo phim Việt Nam.

Tôi đang ngơ ngác chưa biết mình ở đâu thì nghe tiếng hỏi:

- Cô đã khoẻ chưa? Hẳn hồi tối cô uống rượu nhiều lắm phải không? Rất may tôi đi ngang qua đó nên mới có dịp đưa cô về bằng taxi. Tôi không biết nhà cô ở đâu, vì thế mạn phép đưa cô về đây.

Tôi ngồi dậy ngó người đàn ông vừa nói với mình. Anh ta ngồi nơi ghế tựa, bên cạnh chiếc bàn để đầy sách báo. Tôi nói với ảnh:

- Trước hết tôi xin cám ơn ông. Đây là nhà ông phải không?

Người đàn ông bước lại gần hỏi tôi vẻ thân mật hơn:

- Cô khoẻ thiệt rồi chớ? Nguyên đêm tôi không dám ngủ. Xuống taxi cô ói nhiều quá, dơ hết cả bộ đồ của tôi, may mà đồ cô không dơ. Tôi không dám mở bóp của cô để lấy khăn cho cô lau.

Tôi hiểu ý ông ta nói:

- Thưa ông, tôi không để ý tới chuyện đó đâu. Tôi hư quá phải không ông? Đàn bà mà uống rượu say đến nỗi không còn hay biết gì! May mà gặp ông, nếu không chẳng biết tôi sẽ ra sao.

Người đàn ông cầm tay tôi nói:

- Tối qua lúc đó khoảng mười một giờ khuya, tôi là người khách theo dõi cô nhiều nhứt. Vừa trả tiền cho nhà hàng xong là cô gục đầu xuống bàn. Tôi và Huy Cường biểu nhau đưa cô về. Cường tính đưa cô về nhà nó nhưng tôi cản vì sợ về đó tụi quỷ sẽ phá cô.

Rồi anh ta hỏi tôi:

- Sao cô uống rượu nhiều quá vậy? Xin lỗi, nhà cô ở đâu? Cho tôi hân hạnh được biết tên cô?

Tôi ngó anh ta trả lời:

- Thưa ông tôi tên Liên, còn ông?

- Tôi là Trần Ngũ, hẳn cô đã có một vài lần được nghe?

Tôi nghĩ một lúc nhớ ra anh ta đã từng đóng trong các bộ phim như: “Mãnh lực đồng tiền”, “Điệu ru nước mắt”, “Những giọt sương khuya” mà tôi đã coi. Hèn gì anh ta có vẻ Tây quá, từ tiếng nói tới cử chỉ. Tôi nói:

- Vâng, tôi có được nghe về ông một đôi lần. Ông là bạn Trần Quang, và hình như ông vừa mới nhắc tới Huy Cường, một tài tử Việt Nam đang lên?

Ngũ nói sốt sắng:

- Liên ở đâu? Thôi bây giờ mình dẹp chuyện đó đi. Tôi muốn biết Liên có cần tôi đưa về để xin lỗi hai bác không? Chắc Liên còn đi học?

Tôi nghe muốn cười quá. Chắc Ngũ tưởng tôi mới bụi đời, bị tình nhân bỏ nên đi tới hành động này. Tôi nói:

- Không, Liên không ở với ba má, lớn rồi, còn đi học thì Liên đã nghỉ từ lâu. Bây giờ Liên nói để ông hiểu nghe, nhưng ông có bằng lòng làm ơn lần chót đưa Liên đi lấy xe không? Chắc hẳn tối qua đậu lề đường bị phạt rồi.

Nghe nói tôi có xe, Ngũ rất ngạc nhiên. Tôi lấy tấm các địa chỉ đưa cho Ngũ coi. Lúc này Ngũ mới ngó tôi bằng ánh mắt của một người đàn ông với một người đàn bà chớ không phải của người lớn với con nít như hồi nãy.

Tôi xin phép rửa mặt, nói Ngũ thay đồ đi với tôi. Tôi đưa Ngũ về nhà với ý nghĩ để cho Ngũ hiểu tôi là ai, và để thay đồ đi lấy xe.

Về tới nhà, gặp mấy cô gái tới chơi đang nói chuyện ồn ã, chị người làm và mấy cô hỏi tôi đi đâu giờ mới về, xe đâu... Ngũ ngồi đó tròn mắt ngạc nhiên. Tôi nói với Ngũ:

- Chắc em không cần nói thì anh cũng đã hiểu cuộc sống của em?

Ngũ gật đầu vẻ thông cảm và xót xa. Tôi nói Ngũ ngồi đợi tôi thay đồ rồi hai người cùng đi ăn sáng và lấy xe luôn. Ngũ kéo ghế ngồi, nói giọng buồn:

- Cám ơn em thiệt nhiều, nhưng em có chấp nhận anh là bạn em không? Chúng mình sẽ từ từ tìm hiểu cuộc sống của nhau.

Tôi nghĩ đã sợ quá với bao người đàn ông đi qua trong cuộc đời. Nhưng Ngũ là người tôi mang ơn, mà Ngũ chỉ yêu cầu tôi chấp nhận là bạn thôi mà. Tôi nói vui vẻ:

- Được chớ anh, em luôn luôn là người đón nhận tình bạn chân thành mà các bạn dành cho em.

Từ bữa đó, tôi và Ngũ thường xuyên đi với nhau. Hai tháng qua đi, tôi và Ngũ đã hiểu nhau và thoả thuận sống chung. Hai đứa mua một căn nhà ở đường Minh Mạng. Cuộc sống vợ chồng rất hạnh phúc. Được một thời gian Ngũ bị bệnh, bỏ lỡ dịp đóng phim ở Nhật, tôi phải hợp tác với Thuý làm nghề môi giới gái cho khách. Dần dần tôi cảm thấy đồng lương của Ngũ không đủ vô đâu, mà tôi lại không quen eo hẹp trong việc tiêu xài. Tôi lại đi làm lén lút, không cho Ngũ biết. Những dịp Ngũ mắc đi đóng phim, tôi càng tự do đi khách kiếm tiền xài. Có lúc tôi chợt nhớ tới Ngũ, nhưng lại tặc lưỡi nghĩ liều: nếu Ngũ biết, cùng lắm là thôi nhau, ràng buộc quá sống không nổi. Rồi tôi có bầu với Ngũ, sanh một đứa con gái, Ngũ đặt tên là Trần Thị Bích Ngân. Nhưng được hai tháng, Bích Ngân bị bệnh nặng, Ngũ bận đóng phim, tôi lúng túng không kịp lo thuốc nên nó chết mất. Tôi buồn không thiết làm gì. ít bữa đó Ngũ ở nhà với tôi. Rồi Ngũ được đi học điện ảnh tận Canada, thường xuyên Ngũ vẫn gởi thơ và tiền về, tình cảm không có gì thay đổi.

Rồi tới ngày 30 tháng Tư năm 1975. Tôi bàng hoàng khi cả Sài Gòn vang dậy tiếng súng và những tiếng hô: “Giải phóng rồi! Giải phóng rồi!”.

Tôi ngơ ngác ngó xuống đường phố đông nghẹt người và xe. Các bạn tôi mỗi lần tụ tập đều chung một ý:

- Hết thời làm ăn rồi, mấy ông Giải phóng này không như tụi Mỹ - ngụy đâu!

Những ngày đó tôi sống trong tâm trạng lo sợ. Giả sử mình chỉ là gái làm tiền thông thường thì cũng chưa đến nỗi nào. Nhưng tôi đã bốn bận làm chủ bar, chủ chứa, lại bị cái ấn tượng về tội lỗi sau lần rủ rê Toàn làm cho nặng nề thêm, nên tôi tự biết mình không phải là hạng để cho cách mạng tìm tới bắt tay. Tôi bán nhà, bán xe và một số thứ để nắm một cục tiền đề phòng bất trắc. Rồi tôi quyết định về quê Ngũ sống với má Ngũ ở Rạch Giá. Được cái má Ngũ rất cưng chiều tôi nên cũng đỡ. Nhưng rồi cuộc sống nông thôn quá tĩnh mịch làm cho tôi nhiều lúc nhớ Sài Gòn ghê gớm. Má Ngũ thường lên xuống Sài Gòn, tôi hỏi thăm luôn.

Bữa đó tôi xin phép gia đình cho lên lại Sài Gòn chơi và coi hồi này ở đó ra sao, tiện thể thanh toán một ít tiền nợ, bán bớt ít đồ bữa trước gởi rồi về sống hẳn ở quê.

Lên Sài Gòn, không ngờ tôi bị cuộc sống cuốn hút quá mạnh. Tôi thấy người ta làm tiền dễ như không. Mà rất lạ, khách ra vô đông quá chừng. Tôi gặp lại mấy đứa bạn ngày xưa cùng làm, chúng nó hùn vô, mấy đứa chung nhau sang lại cái phòng của một bà quen. Bắt đầu tiếp khách lại. Chúng tôi có năm đứa, cùng làm cùng hưởng, không phân biệt ai là chủ ai là gái.

Năm đứa tôi lựa được cái vị trí thuận lợi nên việc làm ăn cũng khá, khách ra vô đông, nhiều bà bên cạnh cũng phát ghen lên vì mấy đứa đều trẻ lại có nghệ thuật hành nghề. Riêng tôi, tụi nó giao quyền cho tôi nắm khâu tiền bạc và tiêu xài của cả bọn. Tôi thấy cũng rất ham với số tiền mỗi ngày thâu được. Chúng tôi hiểu ngầm với nhau phải ráng làm lấy ít tiền, lỡ có dẹp nghề thì còn có vốn mà xài đỡ.

Mấy lần có cán bộ tới nhà báo cho hay là phải kiếm việc khác làm ăn, cách mạng không cho phép nghề mãi dâm tồn tại. Chúng tôi hứa vài bữa sẽ thu xếp nghỉ làm. Rồi ngó các động xung quanh, thấy họ vẫn tiếp tục làm bình thường, tụi tôi bàn nhau tiếc rẻ lại cứ nấn ná hoài.

Một hôm tôi đang sửa soạn lại phòng khách thì thằng nhỏ gác cổng chạy vô kêu:

- Cô Liên ơi, có người nhà cần gặp cô gấp lắm!

Tôi hơi ngạc nhiên hỏi lại:

- Mày coi người thế nào, đàn ông hay đàn bà vậy con?

Thằng nhỏ liến thoắng:

- Đàn ông mà cô, có vẻ ổng đang hoảng hốt điều chi á! ổng nói ổng là người nhà của cô con mới kêu cô chớ, có cho vô không cô?

Tôi chưa đoán ra người đó là ai nhưng nghĩ cũng chột dạ, lỡ có chuyện gì đằng má tôi hay ngoại tôi thì sao? Tôi biểu thằng nhỏ dẫn người đó vô phòng khách. Khi đụng mặt tôi mới nhận ra Tuân, người chồng cũ để lại cho tôi những kỷ niệm vừa êm đềm vừa chua chát. Tuân ngó tôi bằng con mắt nửa van xin, nửa như sợ hãi. Coi Tuân tiều tụy quá, bộ đồ nhà binh nhàu nát, dơ dáy như vừa trải qua một cuộc lẩn trốn trong cống rãnh về.

Tuân đứng lặng hồi lâu mới cất tiếng run run:

- Chào Liên, chắc Liên ngạc nhiên lắm vì sự có mặt của anh?

Nghe vẻ khó nhọc trong giọng nói của Tuân, tự nhiên tôi thấy tội nghiệp.

Đã tính làm ngơ như người không quen biết thì tôi lại nói:

- Vâng, kể cũng hơi đột ngột, mà anh cần gì ở Liên lúc này?

Tuân đang lúng túng, thấy tôi hỏi vậy vội vàng vô đề ngay:

- Anh nói Liên thương anh, suốt gần hai tháng nay anh sống lẩn lút như loài vật ấy. Anh đã đi kiếm em khắp Sài Gòn, cực quá, hôm nay mới gặp. Anh nghĩ chỉ có nhờ em là chắc chắn và thuận tiện nhất, Liên có hiểu anh nói không?

Tôi linh cảm rằng Tuân lại có chuyện gì cần cầu cứu mình đây. Tôi giả bộ thủng thẳng hỏi lại:

- Lỡ Liên không giúp được thì sao?

Tuân hạ thấp giọng, nói:

- Liên ơi, hãy hiểu cho hoàn cảnh của anh hiện nay, anh đang bị kêu đi trình diện cải tạo, không biết người ta sẽ đối xử như thế nào, chỉ còn biết nhờ cậy nơi em, cứ cho anh ở tạm đây đi, rồi anh sẽ tính sau. Anh sợ lắm với những việc làm quá khứ của mình nên không dám ra trình diện chính quyền cách mạng, em...

Tôi nhớ lại những thủ đoạn nham hiểm và xảo quyệt của Tuân những lần anh ta ngoại tình, cướp lại con và nhất là cái đêm anh ta trả thù tôi ở Mã Nhật Tân, cơ hội đã tới để cho tôi thanh toán nợ nần đây! Tôi cắt ngang lời Tuân:

- Vậy anh tính đổ tội lên đầu Liên chớ gì? Mai mốt người ta tìm thấy anh ở đây thì liệu người ta cứ để cho Liên yên chắc?

Tuân nói giọng càng thiểu não:

- Anh xin em, anh tin rằng với sự khéo léo của em thì họ khó lòng phát hiện được anh. Liên hãy thương anh một lần này nữa thôi. Anh nhớ bé Quân quá chừng, nên phải sống để còn vun đắp cho con của chúng ta, đâu phải chỉ riêng anh mà em nỡ... Liên!

Nghe Tuân nhắc tới con, tôi thấy tim mình nhói đau. Đã mấy năm rồi tôi chưa có dịp về thăm nó; tội nghiệp thằng nhỏ phải sống xa bố mẹ từ tấm bé, chẳng biết hiện tại nó có còn nhớ tới người mẹ vô phước này không. Tôi nhớ bé Quân và thương nó nhứt trong mấy đứa con vì nó là đứa chịu khổ nhiều từ khi tôi và Tuân chia tay nhau.

Bây giờ, Tuân đang ở trước mặt tôi, sự xuất hiện của Tuân làm tôi không tránh khỏi xúc động. Những tình cảm trong tôi bị xáo trộn hoàn toàn. Kỷ niệm đau xót về sự đổ vỡ hạnh phúc giữa tôi và Tuân, đứa con chung của hai đứa và tương lai của nó, hai cái đó cứ chập chờn, xô đẩy lẫn nhau trong óc tôi. Biết làm sao bây giờ? Xua đuổi Tuân thì ảnh sẽ đi đâu? Với dáng điệu kia, Tuân đi ra đường lúc này thì không thể che mắt được những người đang kiếm anh. Tôi gật đầu biểu Tuân:

- Thôi được, tạm thời cho anh ở đỡ bữa nay, để Liên biểu chị người làm xếp chỗ cho anh nghỉ.

Tôi lấy cho Tuân một bộ đồ ngủ biểu Tuân đi tắm thay đồ đã, để tôi liệu sau. Tuân làm theo lời tôi không hề phản đối. Bộ đồ của Tuân tôi phải giấu rất kỹ dưới nệm giường nằm. Từ bữa đó Tuân ở trong nhà tôi như một người khách chơi. Mấy đứa bạn thấy vậy chọc tôi hoài. Còn chị người làm, tôi giới thiệu Tuân là người nhà, có họ hàng bên ngoại tôi, chị ta cũng chỉ hiểu vậy và không hỏi gì thêm.

Chúng tôi vẫn tiếp khách bình thường; mấy đứa ham vì khách tới quá đông, chúng nó biểu nhau: “Phải tranh thủ hốt lấy ít tiền kẻo mai mốt chẳng còn dịp nào nữa, rồi chẳng có gì xài cực lắm”.

Riêng tôi, thấy đông khách vậy cũng vui vì nghĩ mình sẽ có tiền xài thoải mái. Nhưng nhiều lúc tôi lại thấy sợ vì trong nhà tôi có Tuân. Biết đâu trong những người khách không quen biết kia, có người tới không phải với mục đích chơi gái, họ sẽ phát hiện ra Tuân là kẻ trốn trình diện và tôi là người chứa chấp thì sao? Nỗi lo sợ đó cứ phấp phỏng làm tôi không yên tâm được, mà xua đuổi Tuân ra khỏi nhà thì tôi lại không đành tâm chút nào...

Được chừng nửa tháng từ bữa Tuân tới ở thì Hùng từ đâu không rõ lại xuất hiện dẫn theo một người bạn nữa. Hùng năn nỉ tôi cho ở nhờ vì sợ đi trình diện. Trông Hùng và bạn anh tinh tươm, sạch sẽ, sang trọng nữa là khác, nên tôi không tin rằng anh cũng từ chỗ cùng khổ về như Tuân. Không khéo từ Mỹ mới về cũng nên... Vì nghi ngại nên tôi từ chối ngay. Nhưng Hùng và bạn của ảnh cứ ngồi lì nơi phòng khách của tôi. Hùng nói rơm rớm nước mắt:

- Liên hãy nghĩ tới cái tình của anh ngày trước, bọn anh sẽ đền ơn em thiệt xứng đáng mà!

Hùng giới thiệu người bạn tên là Hơn, anh ta lấm lét ngó qua cửa rồi dúi vô tay tôi một bọc nhỏ hình vuông và nói:

- Đây là chút quà nhỏ gọi là bước đầu đội ơn cô, mong cô vui lòng chấp nhận cho anh em tôi được ở nhờ.

Tôi đoán chắc bên trong cái bọc nhỏ đó là tiền hoặc vàng và nghĩ nhanh: “Tội gì mà trả lại, được thêm chừng nào hay chừng ấy, thời buổi này...”.

Tôi nói với Hùng ra vẻ khổ sở:

- Thôi Liên cũng liều, lỡ có bề gì thì cũng đành chịu, anh và bạn anh lúc đó đừng oán Liên nghe!

Hùng và Hơn đồng ý ngay. Thế là trong nhà tôi nghiễm nhiên có ba “ông khách” quý mà tôi bắt buộc phải nuôi. Thêm Hùng và Hơn nữa, mối lo của tôi càng tăng lên. Tôi nghĩ phải làm sao cho hai người sống tự nhiên thì mới dễ che mắt người ngoài. Tôi giới thiệu với Lan và Phụng là hai đứa bạn trong băng:

- Hai anh này là người bà con của tao đang bị kẹt chưa có việc làm nên tới đây ở đỡ, tụi bay làm quen đi chơi cho hay, các anh ấy cũng mến mấy đứa mình lắm đó.

Lan và Phụng đồng tình liền, chẳng mấy họ đã cặp bồ với nhau rất tự nhiên. Tôi thấy mừng vì dù sao Lan và Phụng cũng san sẻ bớt gánh nặng cho tôi, mỗi đứa lúc này gần như bao cuộc sống cho bồ của mình. Nhứt là với hình thức cặp bồ như vậy, tôi bớt lo rất nhiều. Nếu cảnh sát, an ninh có xét hỏi, tụi nó cứ đỡ đòn nhận là chồng thì họ khỏi nghi. Còn Tuân, nếu bí, tôi cũng sẽ nhận Tuân là chồng tôi, không sao.

Tôi nghĩ trong đầu như vậy, tính là sẽ bàn với mấy người kia sau. Bữa đó vào gần tết Nguyên Đán, tôi nói với Lan, Phụng và cả nhà:

- Bữa nay nghỉ làm nghe các bồ, gần Tết rồi ta kiếm cái chi làm bữa nhậu cho hay.

Trong băng còn có Yến và Dung nữa. Hai đứa này cũng có bồ ở ngoài ưa đi chơi lắm. Tôi tuyên bố tụi nó bữa nay dẹp cuộc, dẫn bồ tới nhà chơi luôn. Vậy là tụi tôi có mười người tất cả. Tôi phân công Yến đi đặt nhà hàng một số thứ, còn thì mua thêm ngoài chợ về tự làm lấy. Bữa tiệc được dọn ra với đầy đủ các món Tây Tàu. Yến kiếm đâu được mấy chai rượu loại hảo hạng làm cho mấy anh chàng háo nước cứ tấm tắc khen hoài.

Trong bữa ăn, tôi chú ý tới Tuân, Hùng và Hơn, thấy họ vui hơn mọi bữa rất nhiều. Mọi người đang ăn uống, chúc tụng nhau hể hả, thì chị người làm chạy vô báo:

- Cô Liên ơi! Có mấy người tới đòi gặp chủ nhà nè!

Nghe vậy, mọi người chưa hiểu sao nhưng đều buông chén đũa và ngưng nói chuyện. Linh tính cho tôi hay sắp có chuyện gì xảy ra, nhưng còn biết sao được nữa? Tôi ra hiệu cho mọi người cứ ăn uống bình thường để tôi ra coi sao đã.

Khi cánh cửa phòng khách vừa mở, ba người thanh niên ăn mặc chỉnh tề bước vô. Một người nghiêm chỉnh nói:

- Chào chị! Xin lỗi, chị có phải là chủ căn nhà này?

Tôi hơi lúng túng nhưng rồi cũng trả lời đại:

- Vâng, tôi là chủ nhà, các anh cần gì ạ?

Người đó dõng dạc nói:

- Chúng tôi xin phép được làm phận sự! Mời tất cả mọi người trong nhà, ai ở đâu ngồi đó, chú ý lắng nghe chúng tôi đọc lệnh của Sở Công an thành phố.

Tôi lặng người sau khi nghe đọc lệnh mời đi tập trung cải tạo của Sở Công an. Mấy đứa bạn tôi xúm lại van xin:

- Thưa mấy anh, tụi em chỉ làm ăn, có tội gì đâu, xin mấy anh xét lại cho.

- Các chị không nên nói nhiều lời nữa, đã mấy lần chúng tôi tới báo cho các chị phải chấm dứt cái nghề này đi, các chị không nghe cứ cố tình kéo dài thời gian hành nghề, bắt buộc chúng tôi phải có biện pháp đối với các chị...

Mấy người thanh niên đó giải thích một hồi rồi kêu từng người trong nhà ra để điểm mặt. Đến lượt Tuân, Hùng và Hơn, họ dễ dàng phát hiện ra ba người là sĩ quan ngụy trốn trình diện. Thế là tôi phải gánh thêm cái tội chứa người trái phép.

Ngay tối hôm đó, cả mười người trong nhà tôi bị mời đi. Tới quận thì Tuân, Hùng và Hơn bị họ dẫn đi một nơi, còn lại năm đứa tụi tôi và hai người bạn của Yến và Dung. Sau khi xét hỏi, hai anh bạn được tha về vì khai là khách tới chơi. Còn tôi và bốn đứa bạn bị giữ lại chờ xét thêm.

Cả đêm đó tôi không ngủ được. Tuy chưa kịp hiểu gì, tôi vẫn linh cảm từ nay số phận mình đổi khác, đẹp hơn hay tồi hơn chưa rõ, nhưng nhất định sẽ đổi. Thế là cuộc đời hai mươi năm trôi nổi giữa Sài Gòn, dẫu không muốn nhớ, vẫn cứ diễn lại trước mắt như một cuốn phim chỉ làm toàn bằng những trường đoạn dữ dội nhưng kết thúc ra sao thì còn mờ mịt.

Tôi không phải chờ đợi lâu. Chỉ sang tuần sau, tôi bị đưa ra xét xử trước toà. Không ai hỏi tới nghề làm điếm và làm chủ chứa của tôi nên tôi chẳng khai ra làm gì cho thêm nhơ nhuốc. Tại toà, tôi được biết khi vụ của tôi lên tới Công an thành phố thì người ta có thêm tài liệu về ba ông “khách đặc biệt”. Trong những ngày được tôi che giấu, Hùng, Tuân và Hơn đều lén lút hoạt động chống Chính phủ, lại còn giấu cả truyền đơn và súng ngắn ngay dưới nệm giường tôi sửa soạn cho họ!

Thế là cuốn phim kết thúc trong cái trại giam ven biển này, tuy không sai, nhưng rất trái khoáy với cuộc đời thật của mình: tôi bị kết án ba năm tù về tội hoạt động chính trị.