Tuổi Mười Bảy - Phần II - Chương 08 - Phần 2
- Tôi rất chăm chú lắng nghe ý kiến của đồng chí Constantin Sergheevich. Nguyên do vì cũng muốn nghe một đồng chí mới phát biểu trong tập thể. Hai nữa là: Nhiều ý kiến đồng chí trình bày tại đây từ lâu đã làm tôi suy nghĩ và tôi tin là chẳng riêng gì tôi suy nghĩ mà thôi. Các đồng chí ạ, trường ta gọi là trường mang tên Usinski. Tại sao lại mang tên đó? Các đồng chí thử hỏi bất kì em nào trong các nữ sinh trường ta mà xem Usinski là ai, may mắn lắm có lẽ em ấy sẽ trả lời: “Thưa thầy, đấy là một thầy giáo nổi tiếng. Ông đã viết nhiều truyện cổ tích các loại cho trẻ con.” Thế thôi. Về Macarenco thì tất nhiên chúng ta được biết nhiều hơn, nhưng nhiều người vẫn còn quan niệm rằng vì ông giáo dục bọn trẻ vô gia đình và những kẻ phạm pháp thì điều ấy đáng để kính trọng và khâm phục, nhưng đường đi của ông khác đường đi của chúng ta, bởi vì học sinh của chúng ta là các em bình thường cơ mà. Các em này không cần phải giáo dục lại. Các em cần được giáo dục. Giáo dục như thế nào? Đây, thí dụ có những em ích kỉ. Mà những em ích kỉ đâu có ít. Biết xử trí thế nào với những em này? Làm cho chúng phải xấu hổ, đòi hỏi ở chúng, thuyết phục chúng, ngăn cấm chúng, hay tốt nhất là cứ lờ đi như không biết? Tất nhiên, các nhà giáo chúng ta không ngồi bó tay. Chúng ta dằn vặt, vắt óc và suy nghĩ dùng các biện pháp, ngoài một biện pháp... Chính là cái mà Macarenco khuyên nên làm. Đó là hành động thông qua tập thể, tổ chức sự nghiệp giáo dục Xô viết bằng một tập thể thống nhất có uy tín. Tập thể như vậy Macarenco muốn thấy trước hết là ở trong trường học, nơi mà tất cả quá trình giáo dục được tổ chức. Ở đó mỗi thành viên của tập thể thấy mình phụ thuộc gắn bó với nó và phải trưởng thành với lợi ích của tập thể, biết quý trọng lợi ích của tập thể. “Sức mạnh to lớn của tập thể trẻ em là một sức mạnh mà không có gì sánh được.” - Đó là lối dạy của Macarenco và đó không phải là những lí thuyết bịa đặt, mà là một luận điểm đã được kinh nghiệm thử thách. Đó chính là cái đích chúng ta cần hướng tới... Nhất là chúng ta, những người đảng viên cộng sản.
- Đồng chí Vaxilixa Antonnovna, phải chăng trường ta không phải là một tập thể? - Bà Varvara Timofeevna cất tiếng nói, giọng trách móc.
- Thế nào gọi là một tập thể, hả chị Varvara Timofeevna? Tôi tin chắc rằng một tập thể Xô viết chân chính phải có viễn cảnh và truyền thống của nó, phải giải quyết những vấn đề trong sinh hoạt nội bộ của mình.
- Vậy thì ở trường ta ai giải quyết những vấn đề ấy.
- Chúng ta giải quyết, đồng chí Varvara Timofeevna. Chúng ta là người chỉ huy! Chúng ta dắt tay các em, đỡ đầu các em, chúng ta viết sẵn cho chúng những nghị quyết, soạn thảo những bài diễn văn cho chúng... Thực ra, cũng nên công bằng. Ở vài ba lớp cũng có những tập thể, những tập thể không đến nỗi tồi. Nhưng về tập thể toàn trường thì ta phải mong muốn nhiều hơn nữa. Đồng chí Constantin Sergheevich trong khi phát biểu không chỉ đích danh. Tôi xin bổ khuyết cho sự tế nhị không đúng chỗ trong trường hợp này. Thí dụ chị Lidia Andreevna chẳng hạn. Chị phụ trách lớp 8B. Chị dẫn dắt các em đi đâu? - Tôi e rằng chính chị ấy cũng không rõ. Chị dạy dỗ cho các em nữ sinh chuẩn bị bước vào đời nhưng lại quên hiện các em ấy đang sống, rằng cuộc sống đó có quyền và có những đòi hỏi của nó. Hình như Usinski đã nói như vậy phải không anh? - Chị quay về phía Constantin Sergheevich.
- Tôi cũng chẳng nhớ - anh mỉm cười đáp.
Anh rất thú vị vì cô giáo thường ít nói và không cởi mở này lại đứng dậy phát biểu tiếp sau anh và đã dám nói thẳng thắn, thậm chí gay gắt như vậy.
- Chị Lidia Andreevna hiểu khá độc đáo việc tách trường nam nữ ra - Vaxilixa Antonnovna nói tiếp, - và đã sa vào lập trường... Nhưng tôi đề nghị đừng giận tôi, - Chị quay về phía cô giáo mặt đỏ như gấc vì xấu hổ và khó chịu, nói - Chị ấy sa vào lập trường của bà giáo dạy trường nữ học dành cho con cái các gia đình khá giả trước cách mạng. Chị ấy hoàn toàn tách các em nữ sinh lớp mình khỏi cuộc sống và tạo ra một cái mẫu mực mà chỉ mình chị ấy biết về sự khiêm tốn, trinh tiết và thơ ngây tuyệt đối. Thậm chí chị ấy không hiểu rằng thay cho cái đó mình đang dạy các em nữ nói dối, giả vờ, đạo đức giả... Vâng, vâng? Tôi để ý từ lâu rồi. Các em nói hết với tôi và tôi biết hết những điều chị nói với các em...
- Đồng chí Vaxilixa Antonnovna, đồng chí đi chệch ra ngoài nội dung báo cáo rồi, - bà Sophia Borisovna nhắc.
- Thế nào là chệch ra ngoài nhỉ? Đồng chí cho rằng chúng ta chỉ nên quan tâm đến tỉ lệ phần trăm điểm số thôi hay sao? Không, chúng ta quan tâm không kém đến cả vấn đề hoạt động giáo dục của tất cả các giáo viên trong đó có của cả đồng chí.
- Tôi không phải là nhà giáo dục.
- Tại sao không phải là nhà giáo dục nhỉ? Chị dạy môn Hiến pháp cơ mà! Chị hướng dẫn ý thức của các em hơn bất kì giáo viên nào, chị giúp các em hình thành nó. Tôi dạy toán, nhưng trong giờ lên lớp tôi vẫn nghĩ đến giáo dục, chứ như chị thì lại còn phải nghĩ về cái đó nhiều hơn. Chị hướng ý thức của các em đi về hướng nào đấy, chị Sophia Borisovna? Chị giáo dục cho chúng những đức tính gì đấy?
Mọi người ngạc nhiên nghe Vaxilixa Antonnovna. Chưa bao giờ chị phát biểu gay gắt, nhiệt tình và thẳng thắn như vậy. Không cần để ý là mình đã chạm lòng tự ái và làm các đồng chí mình khó chịu. Vaxilixa Antonnovna đã dẫn ra những thí dụ biểu hiện hình thức chủ nghĩa trong công tác giáo dục và giảng dạy, đã nêu tên một số người.
“Chị này định chuyển công tác sang trường khác hay sao thế này?” - Bà Natalia Zakharovna thoáng nghĩ.
Nhưng không phải như vậy. Chị không định chuyển đi đâu hết. Từ trước đến nay chị im lặng chỉ vì chị cho rằng phát biểu như vậy vô ích và chỉ làm cho người ta bực bội. Sự xuất hiện của Constantin Sergheevich, những chuyện anh nói trong phòng hội đồng và bài phát biểu của anh hôm nay đã làm cho chị phấn khởi. Đã từ lâu chị suy nghĩ rất nhiều về “nhà giáo dục Macarenco,” đã đọc tất cả những sách báo nói về ông và hiểu ra rằng ông đã trang bị cho các nhà giáo Xô viết một vũ khí mạnh mẽ biết chừng nào.
Bà Natalia Zakharovna thì đang qua một cảm giác phức tạp. Một mặt, những điều Constantin Sergheevich và Vaxilixa Antonnovna nói có quan hệ trực tiếp đến bà, và với tư cách người lãnh đạo nhà trường, bà phải chịu trách nhiệm về những thiếu sót của nhà trường, mặt khác bà cảm thấy vui. Bà cảm thấy có một bước ngoặt rõ rệt và nhìn rõ rằng nếp sống trong nhà trường có thể đi theo hướng mới, nếu những ý kiến phát biểu hôm nay sẽ được ủng hộ và được củng cố bằng việc làm. Bà hoàn toàn tin rằng Constantin Sergheevich sẽ được bầu làm bí thư, và anh sẽ là một chỗ dựa mà bà vốn rất cần. Thế là hình như đang hình thành một tập thể cán bộ tích cực đắc lực và đáng tin cậy...
- Công việc sự vụ cuốn hút và ăn mòn chúng ta, - người nói bây giờ là chị Anna Vaxilievna. - Tất cả chúng ta đều đã từng là người trẻ tuổi, tất cả lúc bước vào nghề đều nung nấu một ước mơ muốn làm nên một cái gì đó, thế rồi... hết? Hôm nay - lên lớp, chấm vở, soạn bài. Mai lại: Lên lớp, chấm vở, soạn bài. Tất cả đều theo thời khóa biểu, đều được quy định, đều ấn định sẵn từ trước các đồng chí biết đấy, nhịp sống đều đặn như vậy... Ngoài ra: một số người vì thiếu kinh nghiệm nên gặp khó khăn, đâm ra mệt mỏi, chán nản. Thí dụ như chị Natalia Nicolaevna chẳng hạn! Chị ấy thật chết dở vì cái lớp 10...
- Không, không... Ngược lại! Tôi không chán nản! - Natalia Nicolaevna kiên quyết phản đối.
- Thế thì càng may... Nhưng tình hình có thể diễn ra khác đi. Do thiếu kinh nghiệm, cô giáo không biết đặt mình vào vị trí không biết cách cư xử, thế là... Bắt đầu thất vọng, có khi lại còn bực dọc... vĩnh biệt ước mơ hoài bão! Tôi rất đồng ý với đồng chí Constantin Sergheevich. Chúng ta đánh giá Macarenco chưa đúng, cho nên cần phải cố gắng tìm hiểu về ông một cách cơ bản hơn. Nhiều trường đã làm như thế này. Áp dụng tất cả kinh nghiệm của ông một cách máy móc, như vậy sẽ dẫn đến sai lầm. Nhưng những nguyên tắc do ông đề ra có thể áp dụng trong tất cả các trường chúng ta. Nên dám nghĩ, dám làm. Đồng chí Vaxilixa Antonnovna nói rất đúng khi đồng chí nhận xét rằng các em nữ sinh không biết Usinski là ai. Các em cần phải thấy tự hào và gọi mình là những học sinh của trường mang tên Usinski... Phải suy nghĩ thêm cái gì đó. Tổ chức họp Đội hay là lễ kỉ niệm sinh nhật của ông chăng... Tôi cũng chẳng rõ nữa...
- Tổ chức lễ lên ngôi được đấy, - Varvara Timofeevna châm biếm nói.
- Các đồng chí cứ đề nghị biện pháp nào thật đạt thì tôi xin là một người đầu tiên hoan nghênh đấy, - Anna Vaxilievna đáp. Nhưng vấn đề chính mà tôi suy nghĩ từ lâu là tính độc lập! Bởi vì hiện nay trên thực tế là chúng ta đang dắt tay học sinh đi cho đến tận lớp 10. Làm như vậy là không thể được đâu, các đồng chí cán bộ giáo dục ạ. Cứ để cho các em tập suy nghĩ, tập nói, tập làm, cứ để cho các em tập sống và đấu tranh... Các em làm được hết, nếu chúng muốn. Chẳng riêng gì chị Lidia Andreevna mắc sai lầm là làm cho các em mất ý thức tự lập. Tôi rất thích cách quản lí lớp của đồng chí Constantin Sergheevich. Chúng ta đã vất vả với các em lớp ấy biết chừng nào. Vậy mà chúng ta toàn nghe thấy mọi người phàn nàn. Thế mà giờ đây. Các đồng chí thử xem xem các em hoạt động đều tay làm sao. Thật tích cực, thật nhiều sáng kiến! Tất nhiên vẫn có thiếu sót, nhưng các em đang khắc phục. Hãy để cho các em được độc lập, hãy đòi hỏi ở các em sự cố gắng tự lãnh đạo các em. Thậm chí tôi còn nghĩ rằng đôi khi nên cố tình tạo nên những khó khăn nhất định để các em tập khắc phục.
- Đúng thế - Constantin Sergheevich nói.
- Còn những ông bố bà mẹ không biết dạy con cũng không phải lo sợ quá một khi ta có tập thể vững chắc. Lúc bấy giờ chẳng có “đường phố” nào sẽ làm các em đi chệch đường được. Ngược lại. Các em sẽ tự thiết lập lại được trật tự trên đường phố.
Các giáo viên tiếp nhau phát biểu ý kiến tùy theo cá tính của từng người, họ nói khi thì gay gắt và nhiệt tình, khi thì nhẹ nhàng đôn hậu, nhưng tất cả ý kiến đều có nội dung và trong đó toát lên một nguyện vọng chân thành mong muốn làm sao đẩy công tác giáo dục lên.
Cuộc họp kéo dài đến nửa đêm. Khi chuông đồng hồ chỉ mười hai giờ rưỡi, bà Natalia Zakharovna xin phát biểu:
- Tôi sẽ không giữ các đồng chí ngồi lại lâu, - bà bắt đầu nói cũng như mọi khi bằng giọng lạc quan. - Ai cũng biết rằng nhu cầu cơ bản nhất và con người nhất trong con người là nhu cầu làm cho tốt hơn và phát triển tốt hơn... Điều này một lần nữa lại được chứng minh trong cuộc họp hôm nay. Tất cả chúng ta trong đó có tôi đều không hài lòng với tình hình công tác giáo dục ở trường ta. Tất cả chúng ta đều muốn tránh “phế phẩm” trong công tác của mình nhưng chúng ta chưa có một đường lối chung. Cho nên đồng chí Constantin Sergheevich và các đồng chí khác nêu vấn đề này ra với một thái độ không khoan nhượng là rất đúng. Về phía chúng ta, im lặng và xoa dịu khuyết điểm là tội lỗi. Đảng tin tưởng giao cho chúng ta cái quý giá nhất là thế hệ tương lai của Tổ quốc, cho nên chúng ta không được phép bỏ qua những khuyết điểm dù là nhỏ nhất. Điều đáng tiếc là tình trạng thiếu đường lối rõ ràng trong các vấn đề giáo dục tồn tại không chỉ riêng ở trường ta. Chúng ta gặp phải nó ở ngay cả những trường cấp trên trường ta. Nhưng tất nhiên điều đó không giảm bớt trách nhiệm của chúng ta. Macarenco từng sống và công tác trong hoàn cảnh khó khăn. Những kẻ thù địch gây khó khăn, nói xấu, truy bức, nhưng ông là một nhà giáo có lòng tin vững chắc, ông kiên quyết thực hiện đường lối của mình và đã chiến thắng. Trước mắt chúng ta không có những trở lực đó. Nhưng khó khăn của chúng ta chưa có một tập thể toàn trường theo đúng nghĩa của từ đó. Tôi đồng ý với thí dụ mà đồng chí Constantin Sergheevich đã nêu ra. Hôm qua em Alia Blinova, một vận động viên trượt tuyết xuất sắc của trường ta, đến xin phép cho từ nay được tham gia thi đấu trong đội của trường khác, nơi em có người chị họ học. Điều này thật đáng buồn, các đồng chí ạ, và nó chứng tỏ chúng ta làm việc còn tồi. Khái niệm danh dự của trường mình đối với các em nữ sinh trường ta là một khái niệm không có nội dung cụ thể. Tình trạng này cần phải chấm dứt. Nữ sinh trường Usinski cần biết tự hào về trường mình. Dù cho cái đó chưa phải sẽ sớm đến với chúng ta… Nhưng ta đã biết phương hướng. Nào các đồng chí ơi, ta hãy dựa vào Macarenco. Nhưng trước hết ta hãy nắm được cái vũ khí của ông để sử dụng nó cho đúng mục tiêu, - đồng chí hiệu trưởng kết thúc. Bà nhìn sang phía bên Constantin Sergheevich.
… Cuộc bầu chi ủy diễn ra mau lẹ. Khi kiểm phiếu thì mọi người được biết Constantin Sergheevich gần như được nhất trí bầu làm bí thư. Có ba người xóa tên anh. Chị Vaxilixa Antonnovna được bầu làm phó bí thư.