Tuổi Mười Bảy - Phần II - Chương 08 - Phần 1
TỰ PHÊ BÌNH
Trên đầu chị Vaxilixa Antonnovna màu tóc nâu sẫm đã loáng thoáng điểm những sợi bạc, nhưng trông chị còn trẻ hơn tuổi của mình. Kể ra thì cũng ít ai quan tâm đến tuổi tác của chị, họa chăng chỉ có ở văn phòng người ta mới biết. Bao giờ chị cũng mặc màu đen, đứng thẳng người bước đi đường bệ, không vội vàng.
Các em nữ sinh rất kính trọng chị và rất quý chị như là một cô giáo nghiêm túc và công bằng. Chị nắm rất vững môn mình dạy và thường thì học sinh các lớp lớn rất thích học toán.
Chị Vaxilixa Antonnovna cư xử với mọi người - với các giáo viên và kể cả với nữ học sinh rất nghiêm túc, không nông nổi, cho nên khi nhận xét về chị, người ta thường nói: “Vaxilixa Antonnovna là một người cẩn thận.”
Quả thật chị rất cẩn thận trong quan hệ với mọi người, nhưng trong việc riêng tư không bao giờ chị bộc lộ cởi mở. Nhiều người cho rằng đối với chị, nhà trường chỉ là nơi làm việc. Chị đi họp rất đúng giờ, ngồi từ đầu đến cuối, nhưng chỉ phát biểu về những vấn đề liên quan đến bộ môn mình dạy.
Chị nghe bản báo cáo của bà bí thư chi bộ vẫn với thái độ chăm chú thường thấy ở chị và mặc dầu không định phát biểu chị cũng ghi chép phòng xa vài con số và tỉ lệ phần trăm có liên quan tới việc giảng dạy toán.
Cuộc họp diễn ra bình thường. Những người phát biểu nói về số giờ dạy, về việc phân bố thời gian, về việc bồi dưỡng đảng viên, và ai cũng tránh gọi đích danh hay là nói một cách khác, “không động chạm đến cá nhân.” Phê bình và tự phê bình ít được các giáo viên thực hiện bởi họ không muốn vì thế mà không thông cảm với nhau, vả lại, ai cũng muốn hiểu nghị quyết của Đảng về việc cấm học sinh phê bình và nhận xét về hành vi của thầy giáo một cách có lợi cho mình.
Chị Vaxivia Antonnovna nhìn đại diện đảng ủy khu phố đang ngồi trước mặt trong lòng rất thông cảm với đồng chí. Bản thân chị cũng thấy ngán ngẩm vô cùng, mấy lần chị phải cố nén mình để khỏi ngáp dài. Chị đang có cảm tưởng hình như cuộc họp sắp kết thúc, thì Constantin Sergheevich xin phát biểu ý kiến:
- Thưa các đồng chí! Tôi là người mới, cho nên tôi không biết bổ sung thêm cái gì vào những ý kiến của các đồng chí đã phát biểu ở đây, - anh bắt đầu bình tĩnh như mọi khi. Nhưng cứ xem anh lúng túng xếp các tờ giấy thì mọi người cũng hiểu là anh hồi hộp biết chừng nào. - Tuy nhiên, có một vấn đề mà ở đây hầu như không ai nói đến, nhưng theo tôi thì nó lại cần được chúng ta quan tâm hơn cả... Những năm tháng chiến tranh và vết thương đã làm tôi phải xa trường phổ thông. Lúc đó tôi có cảm tưởng là khi trở về công tác cũ, tôi sẽ tìm thấy nhiều thay đổi, tôi sẽ tìm thấy một sự chuyển biến lớn. Nói cho đúng thì tình hình quả là như thế. Nhưng đồng thời nhà trường cũng tràn ngập những chỉ thị, hướng dẫn, mệnh lệnh, đề nghị. Chắc có người nào đó tin rằng bằng sự tràn ngập giấy tờ này một vài cơ quan đã tỏ ra rất quân tâm đến nhà trường. Về vấn đề này lẽ ra nên bàn riêng và có những biện pháp nhất định... Phải làm thế nào cho cái bệnh giấy tờ này nguội lạnh bớt đi. - Anh nhìn những khuôn mặt đang mỉm cười xung quanh. - Tôi cũng đã thấy một sự thay đổi quan trọng. Đó là việc học tách riêng nam nữ học sinh. Biện pháp này tìm cho bộ mặt nhà trường đặc biệt thay đổi. Gạt bỏ được một số khuyết điểm, biện pháp đó đồng thời lại đẻ ra những khuyết điểm mới và đặt ra cho chúng ta một loạt những vấn đề phức tạp mới. Đương nhiên là có những người ủng hộ và phản đối cách học riêng biết này... Về sự hợp lí của chế độ tách riêng các lớp nam - nữ học sinh, cho đến nay các bậc cha mẹ và các nhà giáo còn tiếp tục tranh luận sôi nổi. Nhưng tôi có cảm tưởng là trong cuộc tranh luận này chúng ta nhận chìm một vấn đề khác quan trọng hơn. Đó là vấn đề giáo dục cộng sản chủ nghĩa cho các em. Chính đó mới là hướng cần chú ý dồn mọi sự nhiệt tình giáo dục tư cách, năng lực, kinh nghiệm và tự phê bình của chúng ta. Đảng, chính phủ và toàn dân đòi hỏi chúng ta hoạt động mạnh theo phương hướng này... Thế mà chúng ta lại đang làm gì? Quá ít các đồng chí ạ! Bản báo cáo của đồng chí Sophia Borisovna và những ý kiến phát biểu vừa rồi cho thấy như vậy. Tôi những chờ mong là đồng chí bí thư của chúng ta sẽ dành một nửa báo cáo cho vấn đề “giáo dục con người trong con người” hoặc nói đúng hơn là “giáo dục người cộng sản trong con người”...
Constantin Sergheevich cúi xuống bàn, đặt tờ giấy sang một bên, lại thẳng người lên nói tiếp:
- Không ai trong chúng ta có thể làm thỏa mãn được tình hình trình độ lí luận giáo dục trong nhà trường phổ thông Xô viết. Đó là điều tất nhiên. Về vấn đề này tôi vẫn cảm thấy như cũ cái tính chất độc lập nào đó và công tác giáo dục là vấn đề lương tâm của thầy giáo. Tôi có cảm tưởng là trường ta không có một đường lối chung, không có sự thống nhất yêu cầu, nói nghiêm khắc hơn, không có một tập thể nhà trường, hiểu theo ý nghĩa đầy đủ của từ đó... Tại sao lại có tình trạng đó? Làm thế nào đó khắc phục được? Tôi đã chờ sự giải đáp những câu hỏi đó trong báo cáo của đồng chí bí thư...
- Sao lại không có đường lối chung? - Sophia Borisovna ngạc nhiên hỏi.
- Thế phải chăng trong tập thể giáo viên không còn ý kiến cho rằng: Trẻ em do gia đình giáo dục, còn nhà trường chỉ có nhiệm vụ cung cấp cho chúng kiến thức?
Constantin Sergheevich trả lời câu hỏi bằng câu hỏi.
- Có ý kiến như vậy đấy! - Vaxilixa Antonnovna nói thật to.
- Như vậy là ý kiến của một công chức tồi trong nhà trường cũ đã đàng hoàng thâm nhập vào trường ta, thế mà đồng chí lại hỏi “Sao lại không có một đường lối chung?” Đồng chí thử nói giùm, phải chăng trong số chúng ta không có những giáo viên cho đến nay vẫn coi trẻ em như là “đối tượng của giáo dục?”
- Như là những con thỏ thí nghiệm, - Vaxilixa Antonnovna nói thêm.
- Đúng thế, - Constantin Sergheevich tán thành - Phải chăng những thầy giáo ấy không giữ cho mình một cái vốn phương tiện, thủ thuật, biện pháp tác động, các thủ pháp sư phạm trong ngoặc kép và các bài bản cho sẵn để họ áp dụng trong những trường hợp mà họ cho là thích hợp, mà họ không quan tâm đến đặc điểm cá nhân học sinh, hoàn cảnh, những nhiệm vụ chung...
- Nhưng con người là đối tượng của giáo dục cơ mà! - Có giọng nữ đáp lại phía sau lưng.
- “Con người là đối tượng của giáo dục,” - Usinski đã từng đặt tên cho công trình nghiên cứu của mình như vậy, nhưng người nói câu vừa rồi đã nhấn mạnh từ “đối tượng” và như vậy là đã xuyên tạc ý nghĩa.
- Điều này chắc hẳn do một “đối tượng” vừa phát biểu, cho nên tôi cũng chẳng còn biết đáp lại thế nào cho phải. - Constantin Sergheevich hiền lành nói, tất cả mọi người cười ồ. - Tôi xin quay trở lại vấn đề giáo dục. Tại sao trong trường cho đến nay còn có người có thái độ không tin tưởng vào Macarenco? Thái độ đó chẳng những có trong số các giáo viên lớn tuổi, mà ngay cả trong số giáo viên trẻ mới tốt nghiệp đại học sư phạm cũng có. Quả thật những người không tin tưởng ấy vẫn nói: “Trường hợp Macarenco là trường hợp trường nội trú, còn học sinh của chúng ta thì họ có những ông bố, những bà mẹ và lại còn có cả đường phố nữa...” Lời phản đối này chẳng độc đáo tí nào và xin nói thẳng ra rằng nó mang nội dung giáo dục sai lầm, Constantin Sergheevich nhấn mạnh từng vần. - Các đồng chí có biết tôi đã phát hiện ra điều gì không? Những người không tin vào Macarenco chẳng qua là vì họ không biết gì về Macarenco. Tất nhiên là họ có đọc “Bài ca sư phạm,” “Cờ trên tháp” thậm chí có người cũng đã đọc cả “Cuốn sách dành cho những người làm cha mẹ”... Người giáo viên Xô viết không thể không biết những tác phẩm đó. Nhưng họ đã đọc không suy nghĩ, họ đọc như đọc tiểu thuyết. Còn nếu nói đến những công trình lí luận của Macarenco, những bài giảng, những bài báo, những bài phát biểu cửa ông thì phần lớn giáo viên là không biết. Mà những người không tin như vậy không hiếm, ngay trong số chúng ta, những đảng viên cộng sản. Tất nhiên họ không công khai phát biểu như vậy họ yên lặng phản đối, nhưng kết quả là như thế nào, thưa các đồng chí? Ở đây tôi xin trích dẫn lời Usinski.
Constantin Sergheevich cầm một trong những tờ giấy lên.
“Con đường chính nhất trong sự nghiệp giáo dục là niềm tin, mà muốn có được niềm tin thì chỉ có thể tác động được bằng niềm tin. Bất kì một chương trình giảng dạy nào, dù nó có hay đến đâu chăng nữa, nếu chưa trở thành niềm tin của ông thầy thì cũng vẫn chỉ là những chữ viết không có sức sống, không có sức mạnh trong thực tế. Trong trường hợp này, dù có kiểm tra chặt chẽ đến đâu thì cũng vô ích. Người thầy không bao giờ có thể chỉ là kẻ chấp hành chỉ thị một cách mù quáng: Không được sưởi ấm tim bằng lòng tin của bản thân anh ta, chỉ thị đó sẽ mất hiệu lực - anh đọc và đặt tờ giấy xuống, rồi lại nói tiếp. - Đó là lời của nhà giáo dục vĩ đại Nga mà trường ta được vinh dự mang tên. Làm sao một nhà giáo làm việc trong nhà trường Xô viết, nhưng trong lòng lại có thể không thừa nhận cái gọi là “hệ thống giáo dục được ai và giáo dục cái gì?” Thưa các đồng chí, tôi hoàn toàn không phải băn khoăn gì cho Macarenco. Càng ngày tư tưởng của ông càng thấm sâu và sẽ càng thấm sâu vào các trường học và cuối cùng nhất định sẽ chiến thắng. Không thể nào khác thế được. Tôi băn khoăn vì cái khác. Những kẻ bi quan hôm nay buộc phải thực hiện các nguyên tắc của Macarenco vào cuộc sống, đang làm việc đó chỉ vì nghĩa vụ, rất hình thức, với thái độ lãnh đạm. Tôi chỉ xin nêu một thí dụ. Chúng ta buộc phải nói với các em về danh dự của nhà trường. Khái niệm này chứa đựng một ý nghĩa giáo dục rất lớn, nhưng chỉ trong trường hợp nếu ta có một tập thể nhà trường, nếu học sinh ta tự hào về tập thể đó và sau cùng nếu nhà trường có bộ mặt, nhiệm vụ và những triển vọng của nó. Một khi đã muốn thì có thể tạo nên những cái đó và bây giờ khái niệm về danh dự của nhà trường tự nó sẽ đến. Còn giờ đây? Chúng ta lặp lại lời của bản chỉ thị, còn tự chúng ta thì không tin rằng việc làm đó là có ích. Cho nên trong trường hợp này lại dễ nhớ đến lời của Usinski nói rằng nếu thầy giáo dạy trẻ nghe những lời lẽ đạo đức cao thượng mà các em không hiểu ý nghĩa, không cảm thấy rõ thứ đó, chính là thầy giáo đang đào tạo những kẻ đạo đức giả, “những kẻ càng có thuận lợi để tiêm nhiễm thói hư tật xấu, bởi vì chính họ đã tạo cho chúng bức bình phong để giấu những thói hư tật xấu đó.”
- Điều đó thì đúng quá, nhưng làm thế nào cơ chứ? - Cô giáo Natalia Nicolaevna hồi hộp nói.
- Làm thế nào à? - Constantin Sergheevich hỏi lại. - Theo ý tôi mỗi người trong chúng ta phải tự đặt câu hỏi đó trước lương tâm mình và tự giải đáp thật rõ ràng. Nếu chúng ta không biết hoặc không hiểu Macarenco thì cần phải biết và cần phải hiểu! Mà nếu phát hiện ra rằng có ai đó không thừa nhận quan điểm của ông thì người đó nên đi khỏi nhà trường này.
Cuộc họp trở nên ồn ào. Có lẽ cách đặt vấn đề như thế đụng chạm đến nhiều người. Constantin Sergheevich chờ đợi, anh nhìn đồng chí hiệu trưởng và tiếp tục nói bình tĩnh hơn trước:
- Tôi trích dẫn Usinski không phải là một sự tình cờ. Macarenco xuất hiện không phải ở một chỗ không có gì, mà ông đã sống trong thời đại Xô viết và qua thực tiễn đã hưởng nền giáo dục học của Usinski theo một lập trường chính trị nhất định. Ông công khai tuyên bố rằng các nhà giáo Xô viết không thể chỉ giáo dục con người đơn thuần, mà họ có nghĩa vụ phải đồng thời đặt ra cho mình một mục đích chính trị nhất định. Trên đây xin nói rằng Usinski từng nói: Nếu chúng ta muốn đạt một mục đích giáo dục nào đó thì trước hết ta cần ý thức rõ mục đích đó. Cho nên câu châm ngôn của Usinski - Giáo dục “con người ở trong con người” - Chúng ta phải hiểu theo quan điểm hiện đại là “giáo dục người cộng sản ở trong con người.” Mục đích của chúng ta rất rõ ràng, các đồng chí ạ. Nhiệm vụ của chúng ta cũng đã được xác định, các giáo viên của ta, từng người một, là những cán bộ có năng lực và yêu nghề của mình. Chúng ta cần trong một thời gian thật ngắn để mau chóng trở thành một tập thể thống nhất, gắn bó chặt chẽ bởi một mục đích chung rõ ràng.
Có người nói “đúng lắm,” lại có người vỗ tay.
Constantin Sergheevich cúi xuống những tờ giấy nằm tản mạn trên bàn và trong lúc mọi người ồn ào, anh lại tìm thấy một tờ nữa.
- Thưa các đồng chí. Tôi xin kêu gọi các đồng chí đừng ngại tự phê bình, mà ngay hôm nay ta nên nói thẳng, nói theo kiểu Bolsevich về vấn đề chính nhất này của chúng ta. Vấn đề giáo dục đòi hỏi ở ta một sự thống nhất. Chúng ta không được phép sản xuất ra những sản phẩm kém chất lượng. Không nên trốn tránh việc nhìn nhận những thiếu sót của nhà trường, trút trách nhiệm cho gia đình và xã hội. Không nên ngụy trang cho những sai sót của mình bằng kết quả điểm số cao. Những điểm năm chưa chứng tỏ là chúng ta đang giáo dục “người cộng sản ở trong con người.” Công tác giáo dục rất khó kiểm tra, cho nên chỉ có chúng ta trong cuộc sống hằng ngày mới có thể nhìn rõ được những thiếu sót của mình và giúp đỡ lẫn nhau... Tôi xin phép kết thúc bài phát biểu dài dòng của mình ở đây.
Cuộc họp lắng xuống một lúc. Các giáo viên nhìn nhau và tuy nhiều người muốn nói, nhưng vẫn chẳng có ai dám mở đầu. Bỗng dưng Vaxilixa Antonnovna xin phát biểu ý kiến. Mặt hơi tái đi, chị đứng dậy. Chị đeo kính lên và chăm chú nhìn về phía giáo viên chủ nhiệm lớp 8B Lidia Andreevna Oreskina là người nói câu “con người là đối tượng giáo dục,” xúc động nói: