Tuổi Mười Bảy - Phần II - Chương 09 - Phần 2

Cách giải của Svetlana cũng giống như của Clara. Năm sáu phút sau, tất cả mọi người đều đã giải xong, bấy giờ cô giáo Vaxilixa Antonnovna lại đọc bài mới. Larisa lại xong trước mọi người, mà lại giải bằng phương pháp của số đông.

Mặc dù trong đời, Larisa tỏ ra không thông minh lắm, nhưng em học toán lại dễ dàng. Ngày trước người ta thấy lạ, nhưng bây giờ mọi người đã quen và chẳng ai còn ngạc nhiên nữa.

- Thôi được rồi, đủ rồi, Clara, - Cô giáo nói sau khi Clara đã giải bài xong. - Tôi cho em năm điểm. Larisa cũng được năm.

Trên đường về chỗ, đi qua cô giáo đang cúi đầu xuống bàn, Clara giơ tay lên đầu cô giáo như thể vuốt tóc cô.

- Jenia Smirnova!

Jenia định đi lên bảng, nhưng cô Vaxilixa Antonnovna ngăn lại:

- Không, không em cứ đứng tại chỗ... Em hãy nói cho tôi rõ tại sao Valia không kí tên vào “Lời hứa” của lớp.

- Thưa cô, tốt hơn hết cô nên hỏi chính bạn ấy ạ. - Jenia lúng túng nói.

- Tôi sẽ hỏi Valia. Nhưng lúc này tôi muốn nghe ý kiến của các em. Ý kiến của tập thể.

- Chúng em chưa thảo luận vấn đề này ạ...

- Tại sao vậy?

- Thưa cô, “Lời hứa” của chúng em là lời hứa tự nguyện ạ. Thế cho nên nếu bạn ấy không muốn... Chúng em không có quyền bắt buộc bạn ấy ạ!

- Được, em ngồi xuống. - Valia! Tôi muốn hỏi tại sao em lại không kí tên vào bản “Lời hứa” của tập thể?

- Thưa cô em không cần cái đó ạ, - Valia nhìn thẳng cô Vaxilixa Antonnovna.

- Tôi không thể nào hiểu được. Trả lời như thế là thế nào nhỉ. “Em cần, em không cần.” - Cô Vaxilixa Antonnovna nói tỏ vẻ không hài lòng. - Em có thể diễn đạt rõ hơn được không?

- Thưa cô được ạ! Em cho rằng đó là trò trẻ con. Khi còn bé em thường hay hứa với mẹ em là em sẽ chăm học và không nghịch ngợm. Bây giờ em đã là người lớn, em chẳng cần đến lời hứa nào nữa ạ.

- Bây giờ thì tôi hiểu, - Cô giáo dạy toán nói và chau mày - Ừ, thôi, đây là việc làm tự nguyện, em tự quyết định. Bây giờ thì em lên bảng.

Vaxilixa Antonnovna suy nghĩ một tí rồi đọc một bài toán thoáng nhìn có thể cho là đơn giản.

- Cả lớp cùng làm. Trong lúc các em làm bài, tôi sẽ không hỏi han gì hết.

Valia bắt đầu giải bài toán với một thái độ tự tin và theo cách làm thông thường của mình. Em đã viết kín hết nửa bảng chợt có cảm giác hình như có một bạn gái nào đó của mình đằng hắng một cách chế nhạo.

Trong óc thoảng nảy ra ý nghĩ: “Mình làm có đúng không nhỉ?” Valia soát lại các bước giải bài của mình từ đầu, nhưng sự phân vân vẫn chưa hết và chẳng hiểu tại sao em có cảm tưởng là mình có chỗ nào đó đã làm sai.

Valia ngoảnh cổ lại. Trước kia có thể chỉ nhìn nét mặt, khóe mắt của các bạn học là có thể xác định được ngay rằng mình làm đúng hay không. Nhưng lúc này em chỉ thấy một sự lãnh đạm hoàn toàn. Những người đã làm xong bài thì không ngẩng mặt lên khỏi quyển vở của mình, còn những người chưa làm xong thì không ai để ý đến Valia, có lẽ họ cũng chẳng quan tâm đến cuộc đọ sức của em với bài toán. Valia hoang mang, lại quay mặt lên bảng. Em không còn có thể tập trung suy nghĩ được nữa. Bây giờ tự em đã nói với mình rằng đã làm sai. Không tìm thấy chỗ sai, Valia xóa bảng và làm lại từ đầu.

“Chinh phục con bé bướng bỉnh” em nghe thấy những tiếng xì xào sau lưng mình.

Vaxilixa Antonnovna đứng dậy. Cô giáo đi đi lại lại giữa các bàn học sinh, mắt liếc vào vở của mọi người.

Không còn thấy tự tin và không thấy sự ủng hộ của tập thể sau lưng mình, Valia làm sai và chẳng bao lâu đã hoàn toàn lẫn lộn lung tung. Em không làm bài nữa đứng lặng lẽ mặt cúi gầm trông thật tội nghiệp.

Lớp học im lặng một cách căng thẳng.

- Thế nào, em làm bài ra sao, hả Valia? - Cô giáo vừa hỏi vừa đi về bàn giáo viên.

- Thưa cô, em không giải được ạ... em...

Cô giáo nhìn lên bảng và trông thấy bài giải lung tung.

- Em Valia, tôi rất lấy làm ngạc nhiên... Tôi hoàn toàn không muốn, nhưng buộc phải cho em hai điểm. Em về chỗ.

Thế là cô giáo, lần đầu tiên sau nhiều năm học, đã cho Valia điểm hai.

Buổi học hôm ấy cô Vaxilixa Antonnovna còn hỏi bài bốn người nữa và cô giáo đã cho cả bốn người điểm năm. Khi Raia Loghinova bị gọi lên bảng, Raia cũng lâm vào tâm trạng giống như Valia. Làm bài đúng rồi, cô bỗng dưng lại...

- Em làm sao thế? - Cô Vaxilixa Antonnovna hỏi, nhưng Raia quay mặt lại, và nhìn thấy Larisa gật đầu tán thưởng.

- Thưa cô, không ạ... Em soát lại. - Raia đáp và tiếp tục vững tin viết lên bảng.

Trước khi hết giờ học, Vaxilixa Antonnovna nhìn đồng hồ và vội vã đọc thêm mấy bài tập về nhà. Cô gập quyển sổ ghi đầu bài lại, rồi chỉ tay về phía bản tin, nói với vẻ đồng tình:

- Không quên tự phê bình bản thân mình như em làm là rất tốt Catia ạ!

- Thưa cô chúng em nghĩ rằng cần phải nghiêm khắc đối với mình hơn là đối với người ạ.

- Đúng lắm!

Giờ ra chơi kéo dài, Catia gặp thầy Constantin Sergheevich. Thầy nói:

- Catia này, tôi có việc cần nói với em. Ta tìm chỗ nào đi.

Catia rời các bạn đang cùng em đi lại trong hành lang và đi theo thầy giáo.

- Giờ học hôm nay ở lớp em có chuyện gì thế?

- Thưa thầy, giờ lượng giác ấy ạ? - Catia đoán:

- Ừ! Cô Vaxilixa Antonnovna có kể cho tôi biết nhưng nói thật là tôi không rõ lắm. Valia có chuyện gì thế?

- Thưa thầy, chính chúng em cũng không rõ ạ. Bạn ấy làm đúng, nhưng rồi lại xóa đi hết và lẫn hết. Lúc đầu chúng em lại còn cho rằng đấy là bạn ấy cố tình làm thế. Bởi vì bạn ấy vốn là như vậy... Bạn ấy có thể cố ý làm để chọc tức.

- Chọc tức chính mình ấy à? - Thầy vẫn chưa tin hỏi lại. - Ơ, thế bạn ấy nói gì?

Hai người đi xuống tầng hai và đi vào phòng trụ sở của Đội thiếu niên. Ở đây khá nhộn nhịp, nhưng tương đối yên tĩnh hơn, thầy trò ngồi xuống bên cạnh bàn cửa sổ.

- Vậy thì Valia cũng có chuyện gì thế hả Catia? - Thầy quay lại câu chuyện bị bỏ dở.

- Thưa thầy bạn ấy ngày càng khó tính hơn. Bây giờ chẳng ai chơi với bạn ấy và nói chung coi bạn ấy như người xa lạ.

- Cachiusa ạ, phải làm một cái gì đó mới được... - Constantin Sergheevich đăm chiêu nói.

Lần đầu tiên thầy gọi em là Cachiusa. Rất phấn khởi, Catia mặt đỏ bừng, đỏ hết cả hai tai, như Jenia thích nói. Em thở dài thông cảm, rút trong túi áo ra cái khăn mùi xoa và chẳng hiểu tại sao lại đi lau môi.

- Thưa thầy chúng em cho rằng - Catia nói - À có một ý kiến đề nghị... Đến thăm gia đình bạn ấy coi như chẳng có chuyện gì xảy ra. Phân công bạn ấy làm một công tác gì đó của tập thể... Một việc gì đó để chuẩn bị cho đêm liên hoan hay là giúp một bạn nào đó học tập. Bây giờ chúng em làm thế này ạ: Nếu có ai bị điểm ba thì phân công một người giúp đỡ cho đến khi bạn ấy không còn bị ba mới thôi. Thí dụ như Tamara đã làm: Tổ chức hẳn buổi thi ở nhà. Nó kiểm tra từng môn một... Ngoài ra bạn ấy còn có thể hỏi bố mẹ bạn tại sao lại học kém? Rồi kể cho bố mẹ bạn biết “Lời hứa” và yêu cầu bố mẹ bạn ấy giúp đỡ tác động và việc học của Valia.

- Các em định phân công Valia giúp đỡ bạn học kém hay sao? Thầy Constantin hỏi.

- Vâng ạ, phân công hoặc bằng cách nào khác nữa ạ...

- Đúng đấy. Như vậy sẽ chứng tỏ là tập thể tin cậy... Ở lớp 8 có hai em con liệt sĩ. Hai em nữ sinh này học đuối về tất cả các môn cho nên rất cần được giúp đỡ.

- Xin làm theo lời thầy ạ!- Catia đáp gần như theo kiểu bộ đội - Nhưng thưa thầy, nhỡ bạn ấy không nhận lời thì sao ạ?

- Bây giờ cần đưa vấn đề này ra cuộc họp. Các em định hôm nào họp lớp bàn về việc chuẩn bị đêm liên hoan ấy nhỉ?

- Thưa thầy thứ Bảy ạ. Thưa thầy, chúng em biết nói gì với bạn ấy ạ? Bạn ấy không phải là đoàn viên, và nói chung là...

- Thì cuộc họp sẽ quyết định.

- Cuộc họp ấy ạ? Catia hỏi lại. - Em cũng chẳng biết sẽ ra sao... Tất nhiên là lớp sẽ cạo cho bạn ấy một trận...

- Cachiusa ạ, khi ra cuộc họp, con người ta sẽ có thái độ khác với lúc thường... Sẽ có những lời đề nghị nghiêm túc, tôi tin là các em sẽ tìm ra lối thoát đúng đắn... Bây giờ đến vấn đề thứ hai. Cuối tháng Giêng tới là vừa tròn bốn mươi năm thầy Vaxili Vaxilievich công tác ở trường. Lễ mừng chính thức sẽ được tổ chức vào cuối năm học, còn bây giờ thì chưa ai hay biết gì. Tôi đã yêu cầu cô Natalia Zakharovna chưa nói cho ai biết vội...

- Thưa thầy, sao lại thế ạ?

- Tôi cứ nghĩ để các em sẽ tự động có biện pháp gì chăng?

- Thưa thầy! Catia mừng rỡ, - nhất định chúng em sẽ có biện pháp chứ ạ! Ý kiến của thầy hay quá! Vừa theo sáng kiến của chúng em, lại vừa làm cho mọi người bị bất ngờ... Thưa thầy như thế được chứ ạ? Thầy dành cho chúng em lo buổi lễ chúc mừng...

- Các em vừa lo chuẩn bị đêm liên hoan, lại đứng ra tổ chức lễ mừng thầy ấy như vậy liệu có quá sức không? Có ảnh hưởng đến học tập hay không? Thôi, ta thống nhất thế này nhé: Tôi và cô Natalia Zakharovna sẽ không nhúng tay vào việc cho đến lúc các em biết rõ đến lúc nào rồi đấy! Các em cứ chủ động làm đi nhé. Các em liên hệ với các bạn khối tám và khối chín. Các em sẽ thành lập ban tổ chức và bắt đầu ngay việc chuẩn bị một cách thật đều tay. Nhưng! - Thầy vừa nói vừa chỉ ngón tay lên trời - Không có quà cáp gì đấy nhé!

- Thưa thầy sao lại không có quà tặng ạ? - Catia kéo dài giọng một cách thất vọng. - Bốn mươi năm cơ mà. Chỉ nghĩ cũng đã thấy...

- Không có quà tặng gì theo kiểu ghi tên góp tiền - Constantin Sergheevich nhắc lại. - Nếu các em có thể tự tổ chức lao động lấy tiền thì đó lại là chuyện khác.

- Thưa thầy, tự mình là thế nào ạ? Lao động ở đâu ạ? Thế còn đi học?... Có làm thì cũng phải chờ đến nghỉ đông chứ ạ.

- Thế cũng được - Thầy giáo bằng lòng.

- Chúng em thì làm gì được ạ? Dọn tuyết, dọn sân trượt băng…

- Đấy, đấy. Dọn tuyết là một việc làm tốt. Vừa lành mạnh, vừa lí thú.

- Nhưng người ta sẽ trả tiền chứ ạ?

- Ít thôi, nhưng chắc người ta sẽ trả. Cái quý không phải là tặng phẩm, cái quý là tấm lòng, - Constantin Sergheevich đáp - Bây giờ tôi dặn em điều này nhé, Cachiusa này... Việc chuẩn bị lễ chúc mừng kỉ niệm này sẽ giúp các em thống nhất tất cả lớp lớn vì một mục đích chung, một nhiệm vụ chung... Như vậy là rất quan trọng. Các em chớ quên điều đó. Các em sẽ chỉ gặp nhau trong các cuộc họp. Tôi sẽ bàn kĩ với Lena Menicova.

Lena Menicova là bí thư Đoàn trường đang học lớp 9.

- Thưa thầy, em hiểu rồi ạ... Nhưng cứ giữ bí mật việc này đã, được không ạ? Thầy tưởng tượng mà xem, thú vị biết chừng nào. Chẳng ai hay biết gì, rồi bỗng nhiên... lễ kỉ niệm?

- Tôi đồng ý. Cứ giữ bí mật đã - Thầy giáo chủ nhiệm mỉm cười nói.

Rất xúc động vì tin mới lạ này, Catia vội chạy ra khỏi phòng trụ sở Đội thiếu niên tiền phong để đi tìm Tamara và Jenia.

Ra đến hành lang thì Constantin Sergheevich gặp bà Vera Gavrilovna, bà giáo trực ở tầng hai, tiến đến. Đây là một bà giáo đã đứng tuổi, giàu kinh nghiệm dạy địa lí, được tất cả các giáo viên rất tôn trọng. Bà phụ trách lớp 5B.

- Anh Constantin Sergheevich ạ, tôi muốn nói chuyện với anh một lúc, - bà tươi cười nói.

- Tôi xin nghe chị đây, chị Vera Gavrilovna ạ.

- Ngay tại đây ấy ạ?... Mà thôi, ở đây cũng được. Câu chuyện chẳng to tát gì đâu. Bây giờ anh là người lãnh đạo tư tưởng của chúng tôi... Ngoài ra, các giáo viên xì xào với nhau rằng anh có cây gậy thần...

- Lần đầu tiên tôi mới biết chuyện ấy đấy nhé...

- Người ta xì xào ghê lắm - bà cười to và nhắc lại. - Chả thế là gì... Anh được giao một lớp khó bảo, ấy thế mà lại chẳng gặp khó khăn gì hết... Điều ấy lại không lạ hay sao? Thế cho nên người ta mới đồn rằng anh dùng cây gậy thần của mình để gạt bỏ mọi khó khăn.

- Chị Vera Gavrilovna ạ, tôi vẫn chưa hiểu rõ anh chị em giáo viên gọi cái gì là những khó khăn. Hay là ở đây có sự nhầm lẫn. Một đằng là những sự va chạm. Những điều va chạm là điều khó tránh ở mọi nơi, mọi lúc. Không có những xung đột va chạm thì làm gì có cuộc sống. Thế còn những khó khăn? Đó lại là chuyện khác... Lớp chị có chuyện gì chăng? - Constantin Sergheevich lo lắng hỏi và, trông thấy nụ cười trên môi bà giáo vụt tắt, anh nói thêm: - Chị gặp khó khăn hay sao?

- Vâng. Ở lớp tôi vừa xảy ra một chuyện va chạm bực mình, như anh nói... Mà nói thật ra là tôi cũng chẳng biết xử trí ra sao.

Hai người đi đến cuối hành lang quay trở lại tiếp tục đi bách bộ.

- Lớp tôi đông hơn lớp anh nhiều... Bốn mươi hai người, - Vera Gavrilovna bắt đầu nói, - Lứa tuổi thì lại nghịch ngợm nhất. Lớp năm, lớp sáu là những lớp khó nhất. Tôi không phàn nàn gì cả. Tôi quản lí các em được, giữ kỉ luật của lớp cũng được.. Nhưng lớp tôi có một con bé được bố mẹ quá nuông chiều nên rất vô lễ... Cách đây ba hôm nó nói hỗn với tôi, tôi không nhịn được nữa. Tôi bảo nó đại khái là: “Em đi khỏi trường và có thể không trở lại nữa”... Thế rồi anh có tưởng tượng được không... Con bé vênh mặt đáp lại, “Vâng... Nhưng rồi cô sẽ đến mời em đi học”… Rồi nó bỏ đi. Nó bỏ đi đến hôm nay đã là ngày thứ ba rồi mà vẫn chưa trở lại - bà giáo nói và sau một phút im lặng lại tiếp: Bây giờ thì tôi chẳng biết nên làm gì. Gọi bố mẹ đến - vô ích. Hay trả việc này cho chị Natalia Zakharovna?... Theo anh thì nên thế nào?

- Tôi xin nói để chị rõ là con bé này nắm rất vững luật về việc bắt buộc đi học, còn chị thì lại quên luật ấy.

- Vâng, vâng... Đúng thế. Trẻ con chúng nó biết và hiểu hết. Mình cho nó điểm hai, nó tuyên bố: “Vâng... cô sẽ bị rầy rà thêm. Cô tự hạ phần trăm”...

Các em gái đi lại chơi phía trước, ngoảnh lại nhìn làm cho Vera Gavrilovna nín lặng. Hai người không nói gì một lát.

Tình trạng trở nên khó xử, bà giáo nói tiếp khi mấy nữ sinh đi xuống cầu thang. - Cứ như là trên thực tế tôi sẽ phải đến nhà nó để xin lỗi và vận động trở về trường học...

Constantin Sergheevich tiếp tục im lặng. Câu chuyện về “cây gậy thần” làm anh ngạc nhiên và bực dọc. Thật là bực mình vì trong tập thể giáo viên nhiều người vẫn không hiểu và không muốn hiểu tại sao ở lớp anh không có những khó khăn mà những người khác thường phàn nàn, nhưng vấn đề nào có phải chỉ ở chỗ trong lớp có mười lăm người? Anh đã nhanh chóng tổ chức được tập thể lớp và cho nó có hướng hoạt động cần thiết. Anh không la quát học sinh, không vận động thuyết phục các em... Anh lãnh đạo chúng. Phải chăng kinh nghiệm của Macarenco còn chưa rõ ràng? Chẳng nhẽ suy nghĩ về nền móng những nguyên tắc của ông và vận dụng chúng khó khăn đến thế ư? Vậy mà vấn đề chính lại ở chỗ đó. Kinh nghiệm của Macarenco chính là “cây gậy thần” mà bất kì người giáo viên Xô viết nào cũng có thể có.

- Chị Vera Gavrilovna ạ, tôi nghĩ rằng những va chạm như vậy dưới các biến dạng khác nhau sẽ lặp lại nhiều lần, - anh nói, vì thấy rằng Vera Gavrilovna đã trình bày xong và đang chờ anh góp ý. - Nguyên nhân rất đơn giản. Quyền học tập ở nước ta đã trở thành một nghĩa vụ có tính chất cưỡng bức. Mà nếu đã là nghĩa vụ thì tức là phải bắt buộc. Khó khăn của chúng ta chính là ở chỗ đó. Đó là những khó khăn của các thầy giáo. Chúng ta phải tìm những hình thức công tác để khắc phục sự phản kháng của trẻ em. Nhưng đây là một vấn đề đặc biệt. Còn về cây gậy thần thì có thể dùng nó cả trong trường hợp của chị. Tập thể học sinh ở lớp chị có thái độ thế nào trước việc này.

- Tôi cũng chẳng rõ nữa. Tôi không phải báo cáo cho chúng về hành động của mình...

- Thế thì tôi khuyên chị nên đề nghị hiệu trưởng thi hành biện pháp hành chính... Xin lỗi chị, tôi có việc phải đi...

Nói những lời cuối cùng, Constantin Sergheevich bước nhanh về phía phòng hội đồng.