Tuổi Mười Bảy - Phần III - Chương 02
NHỮNG NGƯỜI KHÁCH BẤT NGỜ
Có hai cô gái đến gõ cửa nhà thầy giáo dạy hóa. Một bà cụ bé nhỏ có đôi mắt trong sáng và dịu hiền lạ thường ra mở cửa.
- Các cô hỏi ai? - Bà già tò mò hỏi.
- Bà làm ơn bảo hộ chúng cháu có phải thầy Vaxili Vaxilievich ở đây không ạ?
- Đúng rồi? Các cô là học sinh của thầy à?
- Vâng ạ.
Bà cụ niềm nở cười.
- Các cô vào đi ông ấy sẽ rất mừng đấy...
Ông Vaxili Vaxilievich mặc chiếc áo vét nhạt màu, không thắt cà vạt, ngồi trong chiếc ghế xô pha mềm mại, ông kẹp chặt chiếc cối xay cà phê vào giữa hai đầu gối và đang ra sức xay. Nhìn thấy mấy cô khách bất ngờ này ông rất lúng túng.
- Xin lỗi các em... đợi tôi một tí... một phút thôi. - Ông nói lắp bắp và vội vàng sang phòng bên cạnh thay quần áo.
- Thưa thầy, chúng em đến có tí việc ạ... - Tamara định nói để thầy không phải thay áo nữa.
- Tí thôi, xong ngay bây giờ đấy. Sao lại một lát được. Ngồi chơi đã chứ. Loại khách hiếm hoi thế này mà lại... - Từ sau cửa thầy nói vọng ra.
- Các cháu bỏ qua cho ông cụ nhá, - bà vợ nói như có lỗi. - Ông ấy mặc theo kiểu ở nhà... không biết có khách mà. Tôi đi đặt nước pha cà phê uống nhé...
- Bà cứ mặc chúng cháu. - Tamara kéo dài giọng - làm như chúng cháu là các tiểu thư không bằng?
- Chứ sao nữa... chứ sao! Khách hiếm hoi thế này mà lại... Các cô ngồi xuống chơi. Tôi cũng không biết tên các cô là gì nữa.
- Cháu tên là Catia, còn bạn này là Tamara ạ.
- Còn bà tên là Marpha Victorovna. Cô là Catia Ivanova chứ gì? Đúng rồi. Tôi biết! Ông Vaxili Vaxilievich kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện về các cô. Hôm nay mới được gặp.
Catia lắng nghe bà Marpha Victorovna một cách tò mò. Cung cách nói năng đi đứng của bà rất giống cung cách nói năng đi đứng của thầy Vaxili Vaxilievich. Chắc là vì hai người sống chung với nhau lâu như vậy nên giống nhau, - Catia nghĩ thế.
Trong khi đó Tamara đưa mắt nhìn căn phòng hi vọng tìm thấy quyển an-bom gia đình mà thầy Constantin Sergheevich kể. Và cô đã thấy ngay quyển an-bom ấy trên bàn. Quyển an-bom được đóng bằng tấm bìa da và có khóa đồng trông vẫn còn mới lắm, tuy nó cũng đã nhiều tuổi.
- Bà cho phép chúng cháu xem quyển an-bom một tí có được không ạ? - Tamara hỏi bà cụ.
- Vâng! Vâng cô cứ xem.
Bà cụ đến cạnh bàn, lấy tạp dề lau lớp bụi do bà tưởng tượng ra trên quyển an-bom và đưa cho cô gái.
- Còn cô, chắc là Tamara Krapchenco chứ gì? Tôi cũng biết. Tôi biết tất cả các cô, chỉ có chưa gặp mặt thôi. Cô muốn xem thì cứ tha hồ mà xem, chỉ có điều là chẳng có gì thú vị cả đâu. Toàn là bạn bè quen thuộc cũ.
- Thế thầy Vaxili Vaxilievich có trong này không ạ? Cả bà nữa?
- Chứ sao nữa? Thỉnh thoảng chúng tôi cũng có chụp ảnh.
- Có cả học sinh của thầy giáo nữa chứ ạ? - Catia hỏi.
- Không! Học sinh của ông ấy thường chụp tập thể, chụp cả lớp với nhau.
- Chắc thầy có nhiều học sinh lắm bà nhỉ? - Tamara hỏi.
- Chứ cô tưởng sao nữa? - Bà cụ vui vẻ trả lời. Bốn mươi năm dạy học mà lại. Sao lại không có nhiều học trò?
- Thế bà có biết ai trong số học trò của thầy không ạ? Trong số học sinh cũ ấy - Tamara tiếp tục hỏi, đưa mắt kín đáo nháy Catia.
- Biết chứ? Bây giờ nhiều người ấy chứ. Tôi xin lỗi nhé. Phải đi đặt nước pha cà phê đây...
Tamara sau khi suy nghĩ một phút đã chợt hiểu là không thể bỏ lỡ cơ hội tốt này, cô vội đặt quyển an-bom sang một bên và chạy theo bà Marpha Victorovna.
- Bà cho phép cháu giúp một tay ạ.
- Ôi cô không phải bận tâm mà!
- Bà ơi, cháu thích được pha cà phê lắm ạ...
Catia cố lắm mới giữ cho khỏi bật cười. “Đúng là phóng viên. Nó cứ bám chặt lấy bà cụ.”
Hai bà cháu vừa ra khỏi phòng khép cửa lại thì thầy Vaxili Vaxilievich xuất hiện trong bộ quần áo hằng ngày lên lớp.
- Xin lỗi em Catia nhé. Tôi để em phải đợi. Tôi rất vui mừng được thấy em ở đây. Thế nào cái gì đã xui khiến các em đến thăm tôi thế?
- Thưa thầy, năm mới chúng em xin chúc thầy sức khỏe và may mắn. Chúng em vừa đi tham quan về... Thăm viện bảo tàng mĩ thuật Nga ạ. Trên đường về chúng em rủ nhau rẽ vào thăm thầy và xin ý kiến thầy về một việc quan trọng... Hơn nữa, chúng em giận thầy lắm đấy, sao thầy không đến dự dạ hội với chúng em? Chúng em đợi thầy mãi...
- Hôm đó, tôi không được khỏe lắm. Với lại tôi thì làm gì ở đó? Khiêu vũ tôi không thành thạo lắm. Cachiusa, em ngồi xuống ghế đi chứ.
Catia ngồi xuống cạnh bàn, ông Vaxili Vaxilievich ngồi xuống chiếc ghế xô pha đối diện với cô.
- Buổi dạ hội thật là đạt thầy ạ. Bao nhiêu là đèn lồng nổ... Bọn chúng em chỉ tiếc là thầy không đến thôi.
- Thế có vui không?
- Vui lắm ạ! Thích nhất là được trượt trên cầu xuống. Cười như nắc nẻ ấy...
- Thế thì tốt quá. Constantin Sergheevich là con người mạnh dạn và sinh động. Về cái cầu trượt đó tranh luận với nhau mãi.
- Sao lại tranh luận ạ? - Catia tò mò h hỏi.
- Nói thế nào cho em hiểu nhỉ... - Thầy giáo lúng túng. - Trên trên quan điểm giáo dục học ấy mà.
- Tranh luận gì ở đây ạ, thưa thầy? Làm cầu trượt thì làm chứ!
- Đúng rồi, đúng... Ở đây chẳng có gì đáng tranh luận cả, nhưng một khi muốn tranh luận thì có thể tranh luận đề bất cứ việc gì.
- Thầy có biết chúng em định xin ý kiến thầy về việc gì không ạ? Nếu chúng em tổ chức đi tham quan trường Đại học hóa và gặp gỡ những nhà chuyên gia hóa học để trao đổi về việc chọn ngành nghề thì có được không ạ?
- Ừ được lắm chứ. Tốt lắm chứ, chỉ có điều là tôi không tin là có nhiều em muốn trở thành những nhà hóa học. Ngoài em ra ở lớp 10 hình như không còn ai nữa thì phải...
- Còn nhiều bạn chưa quyết định chọn nghề gì thầy ạ... Cứ để cho họ cân nhắc, suy nghĩ.
- Ừ... cũng có thể... Tôi cho là Rita nên suy nghĩ thêm về nghề hóa và cả Ania nữa...
- Nếu thầy muốn, em sẽ nói chuyện với Rita xem sao.
- Cachiusa, em nói thử xem. Cô ấy có khả năng rõ ràng trong công tác ở phòng thí nghiệm, nó là con bé cẩn thận nữa...
Tamara khệ nệ bưng bát đĩa vẻ mặt hài lòng rõ rệt, sau cô là bà Marpha Victorovna với cái ấm cà phê trong tay.
- Nào, giờ thì ta uống cà phê thôi! - Thầy giáo lộ vẻ vui mừng.
Trong khi bày bàn để uống cà phê Tamara lại cầm lấy quyển an-bom. Một vài lần Catia bắt gặp trên khuôn mặt bạn vẻ băn khoăn và cô đoán là Tamara đã tìm ra bức ảnh giống thầy Vaxlli Vaxilievich khi còn trẻ nhưng cô còn phân vân không biết có phải thầy không.
- Tôi phải báo trước cho các em biết là khóa tốt nghiệp này là khóa đặc biệt đấy - Thầy giáo nói.
- Sao thế ạ?
- Lớp của các em được chọn cũng hơi đặc biệt lại thêm bản “Lời hứa danh dự” của các em cũng gây tiếng vang lớn vì thế mà ai cũng hi vọng là trong kì thi này các em sẽ đạt kết quả xuất sắc đấy.
- Vâng, bây giờ thì chúng em tha hồ mà học! - Tamara nói.
- Tôi tin rằng, tất cả mọi việc sẽ tốt đẹp. Các em sáng dạ, có chí, đoàn kết... Tôi yên tâm về các em.
Mặc dù Catia và Tamara từ chối thì hai cô cũng bị bắt ngồi vào bàn uống cà phê. Catia rất thích căn phòng ấm cúng này.
Những đồ dùng cũ kĩ nhưng tiện nghi, những bức tranh khắc họa cổ xưa, những chiếc ảnh... Ngay cả chiếc ấm cà phê mới toanh mạ kền bóng lộn trong tương quan với đồ dùng trong nhà cũng trở nên cổ lỗ.
Chiếc đồng hồ treo trường chậm rãi điểm 8 giờ.
- Chúng em đến giờ về rồi ạ. - Tamara nói.
Dù cho ông bà mời mọc thế nào đi nữa hai cô cũng viện lí do là sợ ở nhà đợi và lo lắng nên xin phép ra về. Ông Vaxili Vaxilievich tiễn các em ra cửa và giúp Tamara mặc áo măng-tô.
- Ôi! Thầy để mặc em! - Tamara kinh hãi kêu lên. - Thầy đưa đây em tự mặc lấy ạ.
- Tamara, nhưng em là khách của tôi cơ mà.
- Không! Không đời nào! Em không quen thế đâu thầy ạ!
- Không sao, không sao... Em cứ quen dần đi là vừa! - Thầy giáo giữ chặt lấy áo măng-tô, không chịu buông ra.
- Thế thì nhất định em sẽ không mặc đâu. Em có phải là người ốm đâu. Thầy Vaxili Vaxilievich, thật đấy mà. Nào thầy cho em xin chiếc măng-tô, nếu không em cứ thế này mà đi về vậy...
Thầy giáo đành phải nhượng bộ.
Ra đến phố Tamara mỉm cười.
- Bạn cười gì đấy?
- Mọi việc thế là ổn cả. Mình đã hỏi dò được địa chỉ của hai học sinh cũ của thầy và cái này nữa...
Cô kéo trong túi ra hai chiếc ảnh nhỏ.
- Bạn lấy trộm à? Tamara, bạn điên rồi hay sao ấy.
- Này đề nghị dùng từ cẩn thận nhé. “Lấy trộm” - Cô nhại lại bạn - Mượn tạm một thời gian vì lợi ích của công tác xã hội đấy.
- Chẳng tiện chút nào cả! Nhỡ ra thầy biết...
- Bạn làm như ngày nào hai cụ cũng giở an-bom ra xem không bằng. Mà chắc thầy cũng quên là trong đó có những gì rồi!
- Bạn đúng là điên rồi. Giá mình biết thế thì đã không đi cùng với bạn.
- Không sao. Sau này sẽ cảm ơn tôi cho mà xem, - Tamara làm cho bạn an tâm rồi cô lại mỉm cười.
- Bạn đã kịp lấy vào lúc nào nhỉ. Mình vẫn luôn theo dõi bạn cơ mà.
- Như bạn đã thấy, thế mà mình đã kịp lấy đấy. Catia à, nhưng bạn chớ có nói cho ai biết đấy nhé. Cứ để cho họ tự đoán lấy. Nghe không? - Tamara căn dặn bạn. - Còn bây giờ chúng mình đến nhà một nhà hóa học nữa - là ông Nazarov nào đấy. Nhớ nhé, Nazarov, Andrei Trophimovich Nazarov. Ông ấy sống gần đây thôi.
- Còn kịp chán...
- Tiện thể đi luôn thôi. Đừng lười nữa. Rồi sẽ không có lúc nào nữa đâu. Ông ấy sẽ còn cho chúng ta biết nhiều điều hơn bà Marpha Victorovna nữa cơ. Bà cụ hiền quá nhỉ.
- Ừ. Thế bạn có thấy ông bà cụ giống nhau không? Nói năng hoàn toàn như nhau...
Ông Andrei Trophimovich Nazarov sống ở tuyến đường số 4 đảo Vaxilevxki. Hai cô leo lên tầng hai của một ngôi nhà lớn, bên ngoài có vẻ cũ kĩ. Mở cửa cho hai cô là một thanh niên cao lớn mặc quân phục. Trên khuôn mặt cạo râu nhẵn của anh thoáng vẻ hài lòng, và Catia có cảm giác là nụ cười đó là do sự xuất hiện của các cô gây nên. Chăm chú nhìn người sĩ quan tự dưng cô cũng mỉm cười.
- Anh làm ơn bảo hộ chúng tôi có phải đồng chí Nazarov ở đây không ạ?
- Chính vậy! Nazarov sống ở đây - người sĩ quan trả lời và vẫn tiếp tục mỉm cười.
- Có phải chính anh là đồng chí Nazarov không ạ?
- Chính tôi là Nazarov!
- Andrei Trophimovich Nazarov?
- À. Không. Không hẳn thế. Các cô cần bố tôi. Mời các cô vào - anh lịch sự mời. - Tôi sẽ báo ngay cho bố tôi biết bây giờ.
Trong chỗ treo áo đèn sáng rực. Trên mắc áo có rất nhiều áo măng-tô mùa đông của trẻ con, các loại mũ, khăn quàng ấm màu sặc sỡ. Những áo mũ không treo hết lên mắc, vắt lên ghế. Đâu đây vang lên tiếng nhạc và giọng trẻ con ríu rít.
- Chúng mình rơi vào đâu thế này? - Tamara ngơ ngác hỏi - Vườn trẻ hay sao ấy?
- Dạ hội “cây thông”[45] - Catia đoán thế.
[45] Dạ hội tổ chức nhân dịp tết cho người lớn, và trẻ em, thường thì các em vui múa hát chung quanh cây thông được trang trí bằng đồ chơi và những bóng điện màu.
Bây giờ thì cô hiểu tại sao người sĩ quan luôn tươi cười và tại sao một bác người cao lớn đậm đà khoảng năm mươi tuổi đang từ hành lang đi phía các cô cũng có nét mặt tươi cười như vậy.
- Tôi có thể giúp ích các cô việc gì nào? - Ông vui vẻ hỏi hai cô.
- Bác có phải là bác Andrei Trophimovich không ạ?
- Đúng rồi.
- Chúng cháu đến bác có chút việc... Nhưng hình như đến không đúng lúc thì phải... - Tamara ngập ngừng nói.
- Thế tôi có hân hạnh nói chuyện với ai đây?
- Chúng cháu là học sinh của trường Usinski.
- Thế. Thế tôi có thể giúp gì cho các em?
- Chúng cháu nghe nói trước bác cũng học ở trường Usinski phải không ạ?
- Tôi? - Ông Nazarov ngạc nhiên hỏi. - Ừ, mà đúng rồi, trường đó mang tên là Usinski.
- Bác lại là nhà hóa học phải không ạ?
- Tôi không chối cãi điều đó.
- Trước kia bác có học thầy Vaxili Vaxilievich không ạ?
Ông chủ nhà bỗng trở nên băn khoăn lo lắng.
- Có! Tôi có học thầy. Nhưng có chuyện gì xảy ra với ông vậy?
- Không ạ, không có chuyện gì cả... Sắp đến ngày lễ của thầy. Chính vì việc đó mà chúng cháu đến đây...
- À hóa ra là thế! Nào, các em vào đây. Cởi những đôi giày mưa của các em ra. Mời vào lối này. - Ông mở cửa vào một căn phòng và nói. - Ở đằng kia chúng tôi đang có dạ hội “cây thông” tổ chức cho các cháu.
Các cô gái bước vào phòng làm việc của ông. Trong phòng có một chiếc bàn làm việc to, bằng gỗ sồi, mặt bàn bóng lộn, những tủ đứng đầy ắp sách, ba chiếc ghê xa lông bọc da, hai bức tranh, cửa sổ có màn che.
Tất cả mọi thứ đều đặt đúng chỗ, đều được xếp dọn ngăn nắp tưởng như trong phòng không có vật gì thừa.
- Các em ngồi xuống đi. Kể cho tôi nghe xem, thầy Vaxili Vaxilievich có được khỏe không? Lâu lắm rồi tôi không có dịp gặp thầy. Sắp đến ngày lễ gì của thầy?
- Lễ kỉ niệm tròn bốn mươi năm công tác giáo dục ạ...
Tamara báo trước cho ông biết là cần phải giữ bí mật và kể cho ông nghe dự kiến việc kỉ niệm ngày lễ đó của thầy như thế nào.
- Bác có biết viết không ạ? - Cuối cùng cô hỏi.
- Nói chung là biết... Tôi không mù chữ mà. - Andrei Trophimovich đùa.
- Cháu hỏi không chính xác ạ. - Tamara lúng túng đáp. - Bác có viết được cho tờ báo tường ra nhân ngày lễ đó một bài không ạ? Bác có tấm ảnh nào đó không ạ? Sau đó thì bác viết một bức thư chúc mừng gửi về nhà thầy được không ạ?
- Được, được lắm. Tốt lắm... - Ông vừa gật đầu suy nghĩ vừa nói. - Nhất định tôi sẽ tham gia cùng các em... Nhưng các em làm tôi khó xử quá. Còn phải nghĩ xem. Các em có thể đến một lần nữa không?
- Đến mấy lần cũng được ạ. - Tamara vui vẻ tán thành.
- Ghi số điện thoại chỗ cơ quan tôi và chúng ta sẽ thỏa thuận với nhau về cuộc gặp mặt lần sau nhé.
Lúc đó sau cánh cửa khép hờ, một em gái khoảng sáu tuổi, mặc rất diện, đầu thắt chiếc nơ trắng to tướng ló vào.
- Ông ơi, ông ở đây à? Sao ông lại bỏ đi thế? Cái Maia không muốn đọc thơ vì không có ông. Ra thôi, ông ơi!
- Tí nữa đã, bé của ông. Cháu thấy không, ông đang có khách.
Con bé đến gần ông, nép người vào ông và chăm chú nhìn hai cô gái.
Tamara ghi xong số điện thoại và đứng dậy.
- Cháu còn muốn bác cho biết địa chỉ của những học sinh khác của thầy Vaxili Vaxilievich có được không ạ? - Cô nói.
- Được thôi, để tôi nhớ xem... Ở Leningrad tôi còn biết hai nhà hóa học.
- Không nhất thiết phải là các nhà hóa học đâu ạ! Và mong bác đừng để cho thầy biết chuyện này ạ.
- Được rồi, được rồi...
Chia tay xong, các cô gái ra phố.
- Tamara này, bạn nghĩ xem? - Catia nói với vẻ xúc động, chân rảo bước.
- Cháu nội, cháu ngoại? Thế có nghĩa là bác ấy đã trưởng thành, đã tốt nghiệp trường phổ thông. Bác Andrei Trophimovich. Sau đó thì con bác cũng lớn lên và tốt nghiệp trường phổ thông. Là những Andreeviti[46] và sau đó là đời cháu... bạn thử nghĩ mà xem! Còn thầy Vaxili Vaxilievich thì vẫn dạy học, dạy học mãi...
[46] Andreeviti - những người con theo tục lệ của người Nga mang tên đệm là tên của bố.