Tuổi Mười Bảy - Phần III - Chương 13
CUỘC KIỂM TRA
Một khi làm việc căng thẳng thì thời gian trôi đi rất nhanh chóng. Sắp đến kì thi và các cô học sinh lớp 10, nói theo Tamara, thì học như một “bọn điên.”
Ngày càng dài một cách rõ ràng. Sau giờ học thứ ba mặt trời thường hay hé mắt nhìn vào lớp học, những tia nắng ấm chiếu lần lượt từ dãy bàn cuối lớp đến dãy bàn đầu. Mỗi lần ra chơi Jenia mở cánh cửa sổ con cho thoáng lớp, cô dừng lại dưới bệ cửa, hít thở không khí trong lành và mơ mộng nói:
- Ôi các bạn ơi! Nhìn ra phố kia kìa! Xuân về rồi... ấm quá... Có cả mặt trời.
Nhưng ngay lúc đó cô nghiêm khắc ngắt lời mình:
- Không có mùa xuân nào cả! Đừng có tơ tưởng gì đến nắng ấm! Tất cả những thứ đó không dành cho chúng ta đâu. Hãy nhớ đến kì thi sắp tới!
Gió nam ấm áp cùng với mặt trời làm cho tuyết tan nhanh. Những người lao công bắt đầu cầm lấy cuốc xẻng dọn dẹp. Những chuyến xe vận tải bon trên đường nhựa, mang theo hàng đống băng bẩn, và chỉ trong có một ngày phố xá đã trở nên sạch sẽ đường nhựa bóng lộn và qua một đêm trời lạnh nó đã khô. Dấu vết mùa đông chỉ còn là băng giá ban đêm, những chiếc mũ lông và những chiếc áo khoác dày ấm áp. Sáng ra bọn trẻ hay kì kèo:
- Mẹ ơi, con không đội mũ lông đâu...
- Ồ, con điên rồi sao! Muốn bị cảm lạnh à?
- Nhưng mẹ xem kìa, ngoài đường khô ráo và nắng ấm thế kia cơ mà.
- Thôi, đừng có lắm chuyện! Thời tiết này là dễ ốm nhất đấy.
- Thế thì con không đi ủng vậy.
Gần trường học các em học sinh bé lấy phấn vẽ ở trên đường nhựa và chơi lò cò, nhảy từ “lớp này lên lớp khác.” Bọn con trai chơi trò đá cầu không biết mệt mỏi, hoặc chúng chơi trò đập bóng. Chỉ có các cô học sinh lớp 10 là không để ý thấy gì cả. Kì thi tốt nghiệp đang tiến đến gần như một tảng băng khổng lồ trôi chậm chạp.
Vào cuối tháng ba có đợt kiểm tra trường theo kế hoạch. Những đợt kiểm tra thường làm ảnh hưởng đến phong cách làm việc bình thường của nhà trường, về việc này thì ai cũng biết, kể cả những người có trách nhiệm đi kiểm tra. Giáo viên biết rằng thỉnh thoảng lập những ban kiểm tra như vậy là tốt, nhưng năm nay phòng giáo dục khu phố không thỏa thuận trước với Đảng ủy khu phố và trước kì nghỉ đông đã có hai đợt kiểm tra. Sau năm mới Đảng ủy khu phố đã kiểm tra, bây giờ lại đến Thành ủy về kiểm tra.
Những ngày đầu việc kiểm tra tiến hành như thường lệ nhưng ít lâu sau các em cảm thấy những ủy viên của ban thanh tra quan tâm chính là đến những giờ văn của các lớp trên. Sau đó ban thanh tra lần lượt gọi giáo viên đến gặp và sau những buổi gặp gỡ như vậy thì nét mặt họ trở nên khó chịu. Tất cả những điều đó thật lạ và khó hiểu. Rất nhiều học sinh cho rằng đây chẳng phải là cuộc kiểm tra thường kì mà là một cái gì đó khác, khó chịu hơn. Không biết từ đâu mà lại có cái tin là ban thanh tra đặc biệt quan tâm đến thầy Constantin Sergheevich. Và những tiếng đồn cứ nối tiếp nhau lan ra, tin này làm cho người ta sửng sốt hơn tin khác.
Các cô học sinh lớp 10 bắt đầu lo lắng. Họ coi “việc thanh tra bí hiểm” này đối với họ có liên quan chặt chẽ hơn và bằng mọi cách họ muốn tìm cho ra sự thật.
Người ta gọi cả cô Anna Vaxilievna lên gặp. Biết được điều đó Jenia chọn thời cơ và hỏi cô:
- Cô Anna Vaxilievna ạ, cô có biết em sắp hỏi điều gì không ạ?
- Biết...
- Rõ quá rồi còn gì... Không thể như thế này mãi được cô ạ...
- Chính cô cũng tự hiểu điều đó nặng nề không thể chịu nổi rồi... chẳng rõ ràng thế nào cả.
- Cô nói cho chúng em rõ đi, cô... chúng em thiết tha đề nghị cô mà. Có việc gì xảy ra thế ạ?
- Chẳng có gì cả! Có gì xảy ra đâu! Đây là đợt kiểm tra thường kì như mọi khi thôi.
- Cô Anna Vaxilievna ạ, cô không muốn nói đấy thôi, chúng em đâu có còn bé bỏng gì nữa. Chúng em nghe nói hình như thầy Constantin Sergheevich có sai lầm gì đó thì phải... Người ta đồn những chuyện thật kinh khủng... Bảo thầy là kẻ phá hoại...
- Thế các em nghe làm gì những chuyện bậy bạ đó? Tốt hơn hết các em nên xem thử ai là kẻ tung những tin như vậy. Thế mới có thể... lần ra đầu mối chứ.
- Làm thế nào mà biết được ạ? Nhiều bạn bảo thế. - Jenia thất vọng nói.
Các em học sinh lớp 10 bắt đầu dò la xem thử nguồn tin xấu xa kia từ đâu đưa đến. Không lẽ nào những lời bịa đặt đó tự nó xuất hiện? Tất cả những lời vu khống đều có kẻ đặt ra cả. Thế nào cũng có một người nào đó đầu tiên tung tin ra.
Constantin Sergheevich trong suốt thời gian kiểm tra điềm tĩnh như mọi khi, có cảm giác như việc này chẳng liên quan gì đến anh và công việc của ban thanh tra không làm anh bận tâm lắm.
Khi Catia hỏi thẳng anh về việc kiểm tra, anh lạnh lùng trả lời:
- Sao các em cứ phải quan tâm mãi về cái ban thanh tra đó thế? Thành ủy tiến hành kiểm tra trường ta theo kế hoạch đã vạch sẵn. Tôi tin rằng các em cũng hiểu là nhà trường không thể làm việc một cách tự do, không chịu sự kiểm tra của ai cả. Nếu lương tâm các em trong sạch thì hãy cứ lo lấy việc của mình và quên cái việc thanh tra đó đi... “Thật vàng không sự gì lửa” cả.
Việc kiểm tra tiến hành trong một tuần liền. Trưởng ban thanh tra là đồng chí phụ trách công tác ở trường phổ thông của Thành ủy, hai ủy viên là hai giáo viên của các trường khác. Họ tiến hành dự lớp, đọc biên bản của các cuộc họp, tìm hiểu công tác Đảng và Đoàn của trường, trao đổi với nhiều giáo viên và thế là họ có khái niệm khá đầy đủ về những hoạt động của nhà trường.
Trong buổi họp cuối cùng có mặt bà hiệu trưởng Natalia Zakharovna, trưởng phòng giáo vụ Varvara Timofeevna và bí thư chi bộ Constantin Sergheevich, đồng chí trưởng ban thanh tra nói:
- ... Những kết luận của chúng tôi chẳng có ích lợi thực tiễn gì cho các đồng chí nhưng tôi cũng cần phải nói rằng đây là những kết luận tốt. Trường học tiến hành công việc tốt và việc các đồng chí muốn đi sâu nắm vững hơn nữa những kinh nghiệm của Macarenco rất đáng được khen ngợi và ủng hộ.
- Đúng thế! Chị Natalia Zakharovna ạ, - một ủy viên ban thanh tra nói. - Tôi rất cảm ơn là hoàn cảnh đã cho phép tôi làm quen với cách đặt vấn đề để tiến hành công việc của trường... Những điều đó tôi có thể học tập để áp dụng vào trường của chúng tôi. Tôi còn biết được nhiều điều thú vị về học tập và công tác giáo dục nữa. Tôi sẽ đề nghị các đồng chí đến báo cáo ở trường chúng tôi về những kinh nghiệm đó...
Cuộc họp tiến hành trong phòng bà hiệu trưởng. Ở phòng hành chính, gần cửa phòng hiệu trưởng bác lao công Phenesca đang ngồi nghỉ một mình. Bác được trao trách nhiệm canh giữ không cho các em học sinh buổi chiều đến gọi điện thoại. Và nhất là đến gặp hiệu trưởng. “Người tham mưu bí mật” này lắng nghe giọng nói của những người đang họp, cố gắng hiểu xem họ bàn luận những việc gì, nhưng khốn nỗi bác chẳng hiểu lấy một lời. Bác cũng như tất cả cán bộ công nhân viên trong trường rất lo lắng cho kết quả của cuộc kiểm tra này, theo kinh nghiệm họ biết rằng việc kiểm tra này không phải ngẫu nhiên mà có. Bác lo lắng nhất là cho bà Natalia Zakharovna vì không biết sao bác lại cứ cho rằng trưởng phòng quản trị chơi khăm bà.
Tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo tường vang lên buồn bã và khi đưa mắt nhìn lên nó, bác Phenesca bỗng dưng sực nhớ không biết bác đã ngồi đây bao lâu rồi. Những cuộc họp ở trường thường hay kéo dài. Natalia Zakharovna không thích họp hành nên cố gắng triệu tập thật ít cuộc họp. Bởi vậy mỗi một lần họp phải thảo luận rất nhiều vấn đề.
Bỗng những giọng nói trong phòng hiệu trưởng vang lên to hơn lúc nãy họ cùng nói một lúc và sau đó cánh cửa mở và bà Varvara Timofeevna nhanh nhẹn bước qua phòng hành chính. Tiếp theo hai giáo viên là ủy viên của ban thanh tra cùng với thầy Constantin Sergheevich bước ra. Cuộc họp kết thúc. Trong phòng chỉ còn bà hiệu trưởng và trưởng ban thanh tra. Bác Phenesca biết là Natalia Zakharovna sắp gọi nên vội vàng đến cạnh cửa khép hờ.
- Chị Natalia Zakharovna ạ, tôi muốn nói để chị rõ là sở dĩ có việc kiểm tra này là vì có thư khiếu nại, - bà trưởng ban thanh tra nói. - Chúng tôi nhận được thư lúc đầu tưởng là của một phụ huynh học sinh nào đó viết, có thể là ủy viên của Ban phụ huynh. Người viết thư rất am hiểu về công việc của nhà trường, biết mọi người trong trường và rõ ràng là rất không hài lòng... Những trường hợp như thế này cũng thường xảy ra, nhưng trong quá trình kiểm tra tôi tin chắc là bức thư đó không phải do một phụ huynh viết...
- Bức thư không kí tên à? - Natalia Zakharovna hỏi.
- Vâng, thư nặc danh chị ạ.
- Thế thì việc gì phải mất bao nhiêu sức lực như vậy?... Thư nặc danh thường là do những tên đê tiện viết vì có thù hằn cá nhân thôi.
- Làm thế nào được! Người ta cho rằng, có thể vì người viết có thể sợ hậu quả của việc mình phê bình. Những lời kết tội rất nghiêm trọng, còn mang màu sắc chính trị nữa. Tôi đưa chị xem nhé. - Trưởng ban thanh tra nói và nghe tiếng giấy sột soạt... - Đây này!
Im lặng. Bác Phenesca biết là mình đã vô tình nghe phải một câu chuyện mà nhẽ ra bác không nên nghe, nhưng bác cũng không thể bỏ phòng hành chính mà đi hoặc bịt tai lại. Sao lại phải thế. Trong khi bà hiệu trưởng đọc bức thư khiếu nại để giữ phép lịch sự bác lùi lại mấy bước và ngồi xuống ghế của cô đánh máy dưới chiếc đồng hồ treo tường.
- Chị Zianida Alecxeevna à, nhưng đây toàn là sự bịa dặt và vu khống! - Bà hiệu trưởng nói với vẻ giận dữ ra mặt.
- Vâng. Điều đó thì chúng tôi đã khẳng định rồi và chính vì vậy mà tôi đưa chị đọc bức thư này đấy.
- Tôi không hiểu sao có thể tin được! Không lẽ ở nước ta lại có những trường học như thế ư? - Natalia Zakharovna nói, bà ngừng một lúc rồi lại tự trả lời. - Con người, thì chắc có, loại người còn xấu hơn thế nữa.
- Chính bức thư nặc danh này đã chứng minh là có những loại người như vậy. - Vâng. Thật là một sự đê tiện đến kì lạ! - Bà Natalia Zakharovna nói. - Tôi rất cảm ơn chị, Zinaida Alecxeevna ạ, là chị đã cho tôi xem bức thư đó.
- Có phải là một cô giáo viết bức thư đó không?
- Vâng, đúng thế... Thế là một nhân vật thoái hóa như vậy lại đi giáo dục con cái chúng ta... Tôi chỉ bực thay cho anh Constantin Sergheevich thôi. Anh ấy hết lòng lo lắng cho công việc yêu quý trường học, làm việc không tiếc sức. Hơn nữa anh ấy là một người rất điềm đạm, kiên nhẫn và luôn có thiện chí với mọi người. Suốt cả một năm trời tôi không nghe thấy anh nói nặng lời hoặc thiếu khiếm nhã với ai...
Tiễn xong các ủy viên của ban thanh tra, Constantin Sergheevich trở về phòng hiệu trưởng và đóng chặt cửa lại. Khi anh vào câu chuyện bỗng ngừng lại. Sau đó trong phòng lại tiếp tục nói chuyện, nhưng bác Phenesca không thể nghe rõ được nữa.
Ngày hôm sau toàn trường đều biết là việc kiểm tra đã kết thúc, ban thanh tra đã đánh giá tốt công tác của trường và từ giờ đến cuối năm có thể yên tâm làm việc...
Đã ba ngày rồi điều bí mật đó làm khổ bác Phenesca. Chỉ một mình bác biết lí do của việc khảo sát vừa rồi, nhưng dù có nát óc suy nghĩ bác cũng không tài nào đoán ra được kẻ nào đã viết bức thư tố cáo đê tiện đó. Bác Phenesca là người luôn bảo vệ thanh danh của trường nên bác không thể để cho kẻ đê tiện đã bôi nhọ danh dự nhà trường không bị trừng phạt. Nhưng ai viết cơ chứ? Chỉ biết là một cô giáo viết, thế nghĩa là có thể nghi ngờ bất cứ ai... Hỏi bà Natalia Zakharovna thì bác không có ý định vì biết rằng sẽ bị bà cho một trận vì cái tội nghe trộm.
Đến ngày thứ ba thì bác Phenesca quyết định sẽ hỏi ý kiến một người nào đó và người đó là Jenia Smirnova. Jenia là lớp tưởng lớp 10 và điều chính là không biết sao bác rất tin cô bé ấy.
Đến giờ nghỉ mười lăm phút bác đưa mắt tìm Jenia khắp hành lang trong đám học sinh đang dạo chơi, bác vẫn tay gọi cô đến.
- Ra đây nào... Tôi nói cho cô nghe chuyện này, - bác thì thầm ra vẻ bí mật lắm, khi Jenia đến gần.
Đứng nấp sau đống áo quần khoác, bác Phenesca kể tỉ mỉ đầu đuôi câu chuyện về bức thư nặc danh cho Jenia nghe.
- Thấy chưa... Mụ đê tiện nào viết bức thư đó, còn tên họ mình thì giấu kín. Thật chẳng có gì đáng kinh tởm hơn là con rắn độc loại ấy nấp kín trong một xó rồi bất thình lình cắn cho một phát... Thế nào, Jenia, cô cho là ai viết bức thư đó nào? - Bác hỏi.
- Marina... - Jenia cố nén xúc động, nói một cách chắc chắn. - Đúng là bà ta rồi... Chẳng còn ai nữa cả. Bác có biết không, bà ấy rất ghét thầy Conslantin Sergheevich ngay từ hồi thầy ấy mời về cơ. Bác nói đúng đấy... Bà ta lúc nào cũng rình cắn thế đấy...
Bác Phenesca ngờ vực nhìn cô gái và chậm rãi lắc đầu:
- Tôi thì chẳng nghĩ như thế!... Marina Leopoldovna không phải loại người như vậy. Nếu cần thì bà ấy nói thẳng vào mặt. Có gì mà bà phải sợ cơ chứ?
- Chính bà ta, chính bà ta! Chẳng còn ai nữa cả! - Jenia vẫn bảo vệ ý kiến. - Thật là một sự đê tiện! Thật kinh tởm...
Lần đầu tiên trong đời Jenia chạm trán với hành động xấu xa như vậy của người lớn. Những hiểu lầm lặt vặt, những sự lừa dối, trò ma mãnh của bọn con gái cũng thường làm cô tức giận, buồn, nhưng sau những hành động đó luôn có một cái gì rất dễ lí giải và tha thứ sự bồng bột của tuổi trẻ, lười biếng, tự ái, nóng nảy, bướng bỉnh. Cô bàng hoàng quay về lớp. Tuy giờ nghỉ chưa hết, cửa sổ vẫn mở, Jenia không hề cảm thấy lạnh. Cô ngồi vào chỗ của mình, chống hai khuỷu tay xuống bàn, hai tay ôm chặt lấy thái dương. “Sao bà ta có thể làm việc đó nhỉ!... Để làm gì cơ chứ?... Không lẽ sự căm ghét có thể đưa người ta đến những hình động đê tiện thế ư?” - Cô gái nghĩ.
Jenia, cũng giống như tất cả các em khác, thường hay đọc sách viết về những hành động cao quý của những người Xô viết, những chiến công, về lòng trung thực, ý thức nghĩa vụ, sự dũng cảm, kiên cường và bỗng nhiên bức thư nặc danh vu khống... Thật là một hành động khó mà tìm ra cho nó cái tên gọi cũng như không thể đem so sánh nó với bất cứ một cái gì khác! Thầy Constantin Sergheevich đã có lần nói là một người trung thực khó lòng mà chống chọi với một tên vô lại bởi vì tên bần tiện kia không từ một sự lừa dối nào, vu khống nào để chống đối phương còn người trung thực không bao giờ làm điều đó. Anh vừa đấu tranh một cách trung thực và đứng bên ngoài có khi rất khó phân biệt đâu là người trung thực, còn đâu là kẻ đê tiện. Bởi trên trán họ không ai viết điều đó cả. Lúc này Jenia bỗng nhớ ra điều đó và cô thấy thầy giáo đã nói rất đúng.
- Jenia bạn làm sao thế? - Svetlana khẽ khàng bước vào lớp, ngồi xuống cạnh bạn và hỏi.
Jenia quay về phía bạn, nhìn cô một cách lơ đễnh như nhìn một người xa lạ và thở dài:
- Bạn bảo gì cơ?
- Mình hỏi, bạn làm sao thế?
- Ôi, Sveta ơi... mình chẳng biết phải nói với bạn thế nào đây.
Vừa lúc đó chuông vang lên, Nadia và Ania bước vào lớp.
- Các bạn ơi, sao cửa sổ lại mở toang thế kia? Ốm hết bây giờ! - Nadia nói và chạy đến đóng cửa sổ lại. - Ốm bây giờ... Chỉ còn thiếu có mỗi điều đó nữa thôi!
Các cô học sinh lớp 10 lần lượt vào lớp, nhưng ai cũng lo đến việc mình chẳng ai để ý đến tâm trạng của lớp trưởng cả.
“Hôm nay không có giờ Đức văn. Mai mới có bài của bà ta. - Jenia nghĩ thế và trong lòng cảm thấy dễ chịu hơn. - Còn kịp thảo luận và nghĩ ra cách gì đó. Jenia không biết là sẽ có cách gì nhưng cô chắc chắn là phải có cách, không thể không có cách được. Cô tỏ ra bình thản đến giờ học cuối cùng, sự lo lắng của cô chỉ nhận thấy được qua vẻ lơ đễnh và sự im lặng của cô. Khi giờ học cuối kết thúc, cô Marpha Ignatievna thu thập thước kẻ, compa thước đo tam giác kẹp vào nách bước ra khỏi lớp. Jeniakêu lên:
- Các bạn ơi! Ở lại một tí nào. Mình có chuyện này muốn nói...
- Jenia ơi, nhưng bạn phải nhanh nhanh một tí nhé. - Larisa nói, vẻ không hài lòng.
- Bọn mình không giữ bạn. Chuyện này động chạm đến tất cả chúng ta, nhưng nếu bạn không muốn nghe thì cứ về.
Larisa lầu bầu lại gì đó không rõ nhưng cũng quay lại ngồi xuống bàn. Jenia lên bàn giáo viên, quay về phía Axcenova đề nghị:
- Tania, bạn đứng canh cửa nhé. Chuyện này bí mật lắm.
Cả lớp im lặng. Các cô gái chăm chú nhìn cô lớp trưởng chờ đợi.
- Các bạn ơi... hôm nay mình biết được... hôm nay đúng như là người ta nhổ toẹt vào lòng dạ mình ấy... - Cô nói nhanh và hai giọt nước mắt từ từ lăn trên má cô. - Và ai cơ chứ... ai... Chúng ta đã nhiều năm biết cô ấy... Tin cô ấy! - Jenia rút khăn mùi xoa ra lau mắt và xì mũi - Thôi được. Tóm lại là mình biết được, việc kiểm tra vừa qua của Thành ủy không phải là theo kế hoạch nào cả. Họ nhận được một bức thư tố cáo là ở trường ta có những hoạt động phá hoại. Mình không biết trong đó viết những gì vì mình không được đọc nhưng cô Natalia Zakharovna gọi bức thư đó là một sự dối trá đê tiện và là sự vu khống thầy Constantin Sergheevich. Còn bà trưởng ban thanh tra thì tán thành và bảo chỉ có kẻ đê tiện mới viết được bức thư như vậy và đưa cho cô Natalia Zakharovna đọc...
- Thế ai viết? - Ania thốt lên.
- Bức thư không có kí tên. Là bức thư nặc danh - Jenia nói và ngừng một lúc cô hỏi: - Thế các bạn không đoán ra là ai viết à?
- Không có lẽ cô Marina? - Clara hoảng hốt nói và nhiều người cùng trả lời:
- Đúng là Marina rồi!
- Các bạn ơi! Gượm đã! - Catia nói một cách dõng dạc, bước ra phía trước - Trước tiên là hãy nghe hết đầu đuôi câu chuyện đã rồi sau hãy tìm thủ phạm. Không được... vội vàng thế đâu Jenia, bạn nói từ đầu đến đuôi xem sao nào. Nguồn tin đó bạn lấy ở đâu ra, nghe ai nói, nghe nói gì? Và hãy kể cho tỉ mỉ vào, không phải là chuyện đùa. Đó là một việc rất hệ trọng!
Jenia gần như lặp từng lời cuộc tọa đàm giữa cô và “nhà tham mưu bí mật,” nói lên sự nghi ngờ của mình, nhắc lại chuyện cô Marina Leopoldovna đã đối xử với thầy Constantin Sergheevich như thế nào ngay từ ngày thầy mới về. Điều cuối cùng cô không cần phải nhắc đến nữa vì việc cô Marina Leopoldovna ghét thầy Constantin Sergheevich như thế nào thì cả lớp đều rất nhớ. Và bây giờ không còn ai là không nghĩ rằng bức thư nặc danh đó là do chính cô Marina Leopoldovna viết.