Tuổi Mười Bảy - Phần III - Chương 12

MÙA XUÂN ĐÃ ĐẾN

Mồng một tháng ba. Có thể không một ai để ý đến việc hôm nay là ngày đầu tiên của tháng đầu mùa xuân, nếu tự bản thân thiên nhiên không nhắc nhở họ. Bầu trời xanh thăm thẳm không một gợn mây, không khí trong lành, gió thoảng, những bức tường của các tầng trên được ánh nắng xuân sưởi ấm, ánh nắng hắt từ các cửa sổ đuổi theo các em học sinh ùa ra phố như vui mừng chào mùa xuân đến.

Mùa xuân đến rồi! Mùa xuân đã đến rồi! Những lớp tuyết đen lại vì bụi bặm phủ khắp nơi: ở ngõ phố, trên mái nhà, trong sân ngoài đường - nhưng người ta đã nhanh chóng thu dọn nó. Người ta đã cào chúng lại cho lên xe chở ra ngoại ô và đổ qua thành đá hoa cương xuống lòng sông Neva hoặc qua những lan can bằng gang xuống sông Foltanca hoặc Moica.

Mùa xuân đã đến! Đã đến thật sự rồi! Cũng có lúc nó rút lui để cho tuyết lại phủ trắng mặt đất, nhưng càng ngày nó càng đẩy lùi mùa đông một cách mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn cho đến khi hoàn toàn chiến thắng.

Và lúc đó những chiếc lá xanh non xinh xắn cũng đã xuất hiện trên cành cây, trên các bồn hoa, hoa muôn màu khoe sắc…

Nằm hơn một tháng trên giường bệnh, hôm nay Valia Belova đã đến trường, cô gầy và yếu đi, đôi chân hơi run vì còn yếu. Nhưng cô cảm thấy khoan khoái dù chưa hoàn toàn tự tin. Cô có cảm giác như mình lần đầu tiên cắp sách đến một ngôi trường mới. Cô ngạc nhiên đưa mắt nhìn quanh và phát hiện có nhiều điều mới lạ. Đằng kia là hòm thư có đề: “Tôi muốn biết tất cả.” Valia nhớ là Clara đã kể cho cô nghe về điều mới lạ đó. Mỗi học sinh đều có quyền viết lên thắc mắc của mình và bỏ vào đó. Nếu muốn thì có thể không cần kí tên. Câu trả lời sẽ được công bố trên một tấm bảng đặc biệt dành cho việc đó. Nếu thắc mắc đó của một tập thể lớn hoặc nó có ý nghĩa mang tính nguyên tắc thì sẽ được tổ chức một buổi nói chuyện đặc biệt về vấn đề đó. Về việc đặt ra giải thưởng Usinski cô cũng được nghe các bạn đến thăm kể lại, nhưng khi thấy một tấm bảng dài viết nghị quyết về việc đó và những điều kiện đạt giải bằng chữ đỏ cô dừng lại.

- Ai thế này? Valia đấy à? - Cô nghe giọng nói sau lưng và quay lại, mặt đối mặt với cô giáo sử.

- Chào cô Anna Vaxilievna ạ!

- Chào em... Thế nào, em đã khỏe chưa?

- Dạ khỏe ạ. Em đang xem cái này... lúc đó không có em ở trường ạ.

- Đúng thế! Trong khi em nghỉ học thì ở đây có biết bao thay đổi. Thế là hôm nay lại có sự bất ngờ đang chờ các em đấy, - Cô Anna Vaxilievna nói với nụ cười bí ẩn - Thế còn bệnh tim của em thế nào? Đã khỏi chưa?

- Bây giờ thì không sao ạ. Bác sĩ bảo là em sẽ hoàn toàn khỏi ốm ạ.

- Thế còn học tập thì thế nào? Em có bị bỏ nhiều quá không?

- Em bỏ khá nhiều ạ... Nhưng thưa cô, em vẫn thường xuyên học ở nhà đấy ạ.

- Tôi biết điều đó, nhưng một đằng là trường học, tập thể đằng khác là ở nhà, trên giường bệnh. Cố gắng nhé. Valia nhé. Bây giờ em có nhiều “đối thủ lợi hại” đấy.

- Thưa cô em biết ạ. - Hai má ửng hồng, Valia trả lời cô giáo.

Họ dừng lại ở đầu cầu thang tầng trên và chia tay ở đó.

- Nhưng em đừng ngại nhé, hãy đem hết sức mình ra. Huy chương vàng không phải chỉ có một. Sức khỏe dĩ nhiên là hàng đầu nhưng rất tiếc nếu em không đuổi kịp chương trình đã bỏ...

- Thưa cô em sẽ cố gắng ạ... - Cô gái ngập ngừng nói không ra vẻ tự tin lắm.

- Cố gắng em nhé, cố lên. - Cô Anna Vaxilievna nói và đi về phía phòng giáo viên.

Cái cảm giác mình là một “học sinh mới” không những không rời bỏ Valia mà còn tăng lên khi cô bước vào lớp. Mọi người đều niềm nở chào cô, có một số bạn còn lộ vẻ vui mừng, nhưng không biết sao Valia vẫn cảm thấy trong cách đối xử của họ có sự giữ kẽ nào đó và cả sự tò mò mà họ đã vụng giấu. Quan hệ cũ thì đã chấm dứt vĩnh viễn, nhưng mối quan hệ mới sẽ nẩy nở ra sao đây, cô vẫn chưa rõ.

Điều bất ngờ mà cô Anna Vaxilievna vừa nhắc đến, cuối giờ học sẽ rõ, khi mà các giáo viên chủ nhiệm sẽ thông báo trong cuộc họp lớp cho các em rõ quyết định của Hội đồng giáo viên. Tất cả các lớp trong đồng đều họp và những gì các em học sinh nghe được ở cuộc họp đó rất phù hợp với không khí mùa xuân. Các giáo viên chủ nhiệm đều nói giống nhau, làm như họ đã thỏa thuận mức với nhau rồi vậy. Hầu hết họ đều phát biểu tương tư như sau:

“Giáo viên nhận thấy rằng tập thể học sinh của trường đã lớn mạnh, nhận thức và tinh thần trách nhiệm của học sinh được nâng cao, và cho rằng đã đến lúc phải củng cố lòng tin và sự tôn trọng đối với những học sinh Xô viết bằng một truyền thống tốt đẹp. Hội đồng giáo viên quyết định cho học sinh có quyền báo cáo về việc không chuẩn bị bài vì một lí do chính đáng nào đó cho giáo viên vào đầu giờ học. Lí do không cần giải thích vì giáo viên tin ở học sinh. Thực ra, nếu nghĩ kĩ một tí ta sẽ thấy các em học sinh không việc gì phải nói dối. Bởi vì các em học đâu phải cho các thầy cô giáo mà là cho tổ quốc. Nếu em nào đó nói dối thì em đó không phải lừa dối thầy cô mà trước tiên là lừa dối bạn bè của mình, tập thể của mình...”

Họ còn nói về việc lòng tin của giáo viên đối với học sinh càng làm cho học sinh có trách nhiệm cao hơn và nhất là các bạn được trao công tác lãnh đạo hoạt động của lớp: Các bí thư chi đoàn, các phụ trách đội, những đội trưởng, lớp trưởng. Họ phải chịu trách nhiệm về sự tự giác của các bạn mình và một lần như vậy phải tìm hiểu xem có phải lí do từ chối không trả bài của bạn là chính đáng thật không, và phải có biện pháp khắc phục những lí do như vậy.

Quyết định của Hội đồng giáo viên đã gây một ấn tượng mạnh mẽ đối với học sinh.

Maria Mikhailovna sau khi họp trở về phòng giáo viên gặp Constantin Sergheevich và Varvara Timofeevna ở đây, chị hồi hộp nói:

- Ôi các đồng chí ơi! Các đồng chí! Tôi vừa có cuộc họp như thế nào các đồng chí có biết không?... Giá như các đồng chí được nghe các em phát biểu! Đúng là những bản nhạc tuyệt diệu! Lena Menicova đã nói những lời thật cảm động về tinh thần trách nhiệm! Thật là kì lạ! Tôi rất tiếc là không có người ghi tốc kí. Biết thế thì tôi đã bỏ tiền mời họ đến ghi lại. Cả Vica Corkina nữa... lớn lên sẽ là con bé được việc… Còn ở lớp anh thì thế nào hả Constantin Sergheevich?

- Lớp tôi thì có vẻ chạy việc lắm. Các em coi đó là việc đương nhiên và có đề nghị thêm là việc từ chối không trả lời bài không phải do từng học sinh tự làm mà chính lớp trưởng sẽ làm.

- Thế à?

- Đây, tôi đang bàn với chị Varvara Timofeevna đây này.

- Có khi thể lại tốt hơn cũng nên. Thế còn những quy định mới về trực nhật thì các em có ý kiến gì không?

- Ồ ồ!... Chúng tròn xoe mắt thế này này! - Maria Mikhailovna cong các ngón tay thành những vòng tròn đưa lên trên mũi, tươi cười nói. - Các em rất hài lòng với quy định mới về trực nhật. Tuần sau các em lớp tôi sẽ trực nhật và bây giờ đang chuẩn bị để đưa trường vào nề nếp lí tưởng như mọi người mong muốn. Các em rất thích là những người trực nhật có quyền chấm điểm sạch sẽ và việc thực hiện nội quy của các lớp. có quyền đòi sổ liên lạc và không biết tại sao nhưng đặc biệt thích việc người trực nhật thường chỉ tuân thủ ý kiến của hiệu trưởng thôi.

- Maria Mikhailovna, chị nghĩ thế nào, liệu ngày mai có nhiều em từ chối không trả lời bài không? - Bà Vanrara Tinofeevna hỏi.

- Mai ấy à? Sẽ không có ai từ chối cả! - Cô giáo trả lời một cách chắc chắn.

Bà trưởng phòng giáo vụ nhìn Constantin Sergheevich vẻ thăm dò, nhưng anh gật đầu tán đồng:

- Tôi đồng ý, sẽ không có ai từ chối cả.

Nhưng họ đã nhầm. Sau giờ nghỉ đầu tiên ngày hôm sau cô Lidia Andreevna bực bội bước vào phòng giáo viên, kêu với Constantin Sergheevich:

- Đấy thấy chưa!... Bắt đầu rồi đấy! Ở lớp tôi có hai cô từ chối không trả lời bài. Và tôi chả biết nên thế nào cả... Serghevena nói là tối hôm qua mẹ cô cãi nhau với bố nên cô không thể học bài được vì nhà cô chỉ có mỗi một phòng. Lí do như vậy là không hiểu là chính đáng hay không chính đáng?

- Dĩ nhiên là chính đáng, - Cô Marpha Ignatievna liền lên tiếng trả lời. - Sao còn nghi ngờ gì ở đây nữa.

- Thế còn tôi thì lại cho rằng không chính đáng vì cô ấy vẫn có thể đến nhà bạn để học được.

- Đâu lại đơn giản thế... Mọi người không đơn giản như vậy đâu. Chị cho rằng đối với em mọi việc xảy ra trong gia đình không có liên quan gì cả sao. - Marpha Ignatievna phản đối. - Và nếu sự cãi vã giữa bố mẹ đã phá nếp sống bình thường của cô bé thì sao? Chị không cho rằng giáo viên chủ nhiệm cần quan tâm đến tất cả những điều đó, và nếu cần thiết phải nói chuyện với phụ huynh hay sao?

- Tôi không biết, không biết! - Lidia Andreevna nhún vai một cách bực bội. - Tôi chỉ biết một điều: Học sinh có được nhiều khả năng để nói dối.

- Chị Lidia Andreevna - Constantin Sergheevich bắt đầu một cách ôn tồn, - Tôi không rõ, có điều gì đã làm chị lo lắng - Tôi tưởng chúng ta còn tính đến khả năng xấu hơn cơ mà. - Thử xem, Sergheevna bị điểm hai. Bố mẹ cô, chính những người không hề thấy cần phải kiềm chế, tối nào cũng cãi vã nhau đó sẽ phạt em vì điểm hai đó. Rồi sao nữa? Chị nghĩ xem, cái gì sẽ xảy ra trong lòng em bé đó? Khi em rơi vào một cái vòng lẩn quẩn của sự bất công... Còn lí do thứ hai? - Anh hỏi - Nhức đầu - Đấy, đối với loại lí do này cần phải thận trọng đấy. Nhức đầu, nhức răng và các loại nhức khác nữa - đó là cách nói dối đơn giản và dễ dàng nhất... Nhưng tôi tin là tập thể bạn bè sẽ biết được sự thật. Và sự đấu tranh vì sự thật đó sẽ tiến hành như thế nào tùy thuộc vào sự tự nguyện của các em...

- Tập thể sẽ luôn luôn che chở cho họ! - Lidia Andreevna nói một cách chắc chắn như vậy.

- Thế thì tôi không biết... Bản báo cáo của chị Maria Mikhailovna đã cho tôi thấy hoàn toàn ngược lại. Nếu tập thể của chị sống một cách trung thực, hiểu biết thì nó cũng sẽ hành động như vậy. Vì lí do gì mà tập thể lại đặt quyền lợi của những kẻ chây lười và dối trá lên trên quyền lợi của tập thể? Theo tôi thì chị đã nhầm. - Constantin Sergheevich phản đối một cách kiên quyết.

- Tôi không nhầm đâu anh Constantin Sergheevich ạ, mà tin chắc điều đó, - Lidia Andreevna tuyên bố và để có sức thuyết phục hơn. chị nói thêm: - Trên cơ sở kinh nghiệm. Lẽ nào tôi lại không hiểu tập thể của chúng ta!

- Chị nói tập thể nào vậy? - Maria Mikhailovna hỏi một cách bực bội và không đợi trả lời bà nói tiếp: - Chị nói trên cơ sở kinh nghiệm của riêng bản thân chị, nói về tập thể học sinh của chị. Dĩ nhiên là lớp của chị sẽ che đậy mọi hành động sai trái xuất phát từ quan niệm dối trá về tình bạn và tình đồng chí. Ở lớp chị thì các em che chở vòng quanh cho nhau, nhưng đó không phải là lỗi của các em mà chỉ là sự bất hạnh của chúng... Đúng thế, đúng như vậy! Đó là lỗi của chị! Chị đã làm việc như vậy! Ở lớp chị chả có tập thể gì cả... Chỉ có tên gọi thôi! Và ở trong cuộc họp Hội đồng giáo viên đã nhiều lần nhắc chị. Lẽ nào đến bây giờ chị vẫn chưa hiểu là chị không bước cùng một nhịp với chúng tôi ư? Hay là chị cho rằng chính chúng tôi đã đi trái nhịp, chỉ có mình chị là đúng nhịp? Thật là một sự lầm lẫn nguy hiểm!

- Thậm chí còn nguy hiểm cơ à? - Lidia Andreevna mím chặt môi hỏi.

- Vâng! Nguy hiểm!... Đừng có đùa bỡn với nguyên tắc thống nhất trong yêu cầu. Chúng tôi không cho phép ai phá rối cả.

- Chúng tôi nghĩa là ai cơ?

- Chúng tôi là chúng tôi, là tập thể giáo viên.

- Thế tại sao chị lại nói thay mặt cho tất cả mọi người?

- Cả điều đó mà chị cũng không hiểu nữa ư? - Maria Mikhailovna nói không còn kiềm chế được nữa. - Nếu chúng ta đã nhất trí thông qua nghị quyết nào đó, thì mỗi một người chúng ta có quyền thay mặt cho tất cả mọi người bảo vệ nó. Còn hơn thế nữa. Từng người phải có trách nhiệm bảo vệ nghị quyết đó và không phải chỉ trong cuộc họp mà mọi lúc, trong tất cả những chi tiết vặt vãnh của nó.

- Tôi tôn trọng nghị quyết của Hội đồng giáo viên, - Lidia Andreevna cắt ngang lời Maria Mikhailovna - nhưng nếu như không phải lúc nào tôi cũng đồng ý, thì đó không phải là tôi không đi cùng một nhịp với mọi người, như chị đã cho phép biểu đạt mà bởi vì tôi cho rằng tất cả những trò thí nghiệm trong công việc của chúng ta là những việc mạo hiểm. Đồng chí hiệu trưởng đã nhắc nhở chúng ta trách nhiệm thiết lập một hệ thống làm việc mới. Nhà trường Xô viết không cần có thêm việc thí điểm này cũng đã có thừa các loại cải cách cực đoan không cần thiết rồi. Chúng ta phải tuân theo những quy định của Bộ và phải làm việc như Bộ đòi hỏi chúng ta. Bài báo cáo của chị cũng như trích dẫn của Macarenco không hề thuyết phục được tôi, chị Maria Mikhailovna ạ. Chị hãy đọc lại Macarenco cho kĩ xem. Chính ông cũng đã phải rào trước là ông không làm việc trong một trường học bình thường như những trường học khác là không biết hết hoàn cảnh của chúng ta cơ mà...

Natalia Nicolaevna vào phòng giáo viên đúng lúc đang tranh cãi gay gắt nhất, không biết lí do ra sao cô nghe Lidia Andreevna với cảm giác gần như sợ hãi. Cô không thể không nhìn thấy trong tập thể giáo viên đang nổ ra cuộc đấu tranh và cô cảm thấy mình phải tham gia vào đấy, nhưng không mường tượng rõ phải tham gia như thế nào. Khoảng mười ngày trước đây Anna Vaxilievna có đề nghị cô một điều hơi kì lạ:

- Natasa, tôi định đề nghị cô... Giúp tôi một việc.

- Xin sẵn sàng, bác Anna Vaxilievna ạ, dĩ nhiên là nếu tôi có thể giúp bác.

- Có thể chứ. Cô còn trẻ, có nghị lực, không sợ công việc. Hơn nữa, khối lượng công việc của cô không lớn lắm, lương bổng chả là bao... Tuy rằng tôi biết chồng cô là là triệu phú, - bà mỉm cười nói, - nhưng dù sao... Hãy gánh đỡ bớt tôi một số giờ, dạy hộ tôi một lớp có được không?...

- Môn sử à? - Natalia Nicolaevna ngạc nhiên.

- Sao cô lại sợ thế? Tâm lí, lịch sử, logic... Tất cả những thứ đó gần nhau lắm... Tôi đã nói chuyện với Natalia Zakharovna rồi, chị ấy sẽ không phản đối nếu cô đồng ý. Varvara Timofeevna cũng giới thiệu cô đấy.

- Trong lúc năm học sắp kết thúc thế này hả bác?... - Natalia Nicolaevna lưỡng lự hỏi lại.

- Thì sao nào? Cô không lo. Tôi sẽ giúp cô. Đối với cô không những chỉ có ích mà còn là cấp thiết nữa cơ.

Và Natalia Nicolaevna nhận lời. Đúng là khối lượng công tác của cô ít quá. Trong khi nói chuyện dứt khoát về việc này bà hiệu trưởng dặn thêm: “Học sinh lớp 8B tốt, và tôi chắc chắn là cô sẽ tìm thấy tiếng nói chung với các em... Để mắt nhiều đến các em làm quen với chúng, gần hơn nữa và cố gắng tránh mâu thuẫn với Lidia Andreevna nhé.” Đó là một sự gợi ý rõ ràng và nếu là một cô giáo khác, có kinh nghiệm hơn sẽ hiểu ngay ý nghĩa của việc làm đó, nhưng Natalia Nicolaevna hoàn toàn không hề nghĩ đến việc người ta có thể trao cho công tác chủ nhiệm của lớp mà còn trong hoàn cảnh như thế nào nữa kia chứ.

Vừa rồi lại nghe thấy sự chống đối lịch thiệp nhưng cương quyết của Lidia Andreevna với cả tập thể, Natalia Nicolaevna hiểu ra là Lidia Andreevna “đang cắt đứt mọi quan hệ” và tự cô lập hoàn toàn. Bắt gặp cái nhìn của Lidia Andreevna, Natalia Nicolaevna bỗng nhiên hiểu ra rằng người ta trao cho cô dạy sử ở lớp 8B không phải là ngẫu nhiên; đây là một bước nhìn trước từ phía lãnh đạo của nhà trường. Cô hiểu rằng sự va chạm với Lidia Andreevna mà bà Natalia Zakharovna đã dặn trước cô là phải cố tránh tất nhiên sẽ xảy ra. Cô không đoán trước được va chạm dưới hình thức nào, nhưng trong lòng cô cảm thấy lo lắng. Tự nhiên người ta đặt cô, một giáo viên mới vào nghề, còn chưa có bao kinh nghiệm, một đảng viên mới vào một thế tiến thoái lưỡng nan. Và cô định đặt vấn đề rõ ràng với Constantin Sergheevich. Sau giờ học thứ tư cả hai người cùng có giờ trống và Natalia Nicolaevna đợi cho mọi người lên lớp hết rồi đến bên Constantin Sergheevich.

- Đồng chí bí thư chi bộ Constantin Sergheevich, tôi muốn gặp đồng chí.

Constantin Sergheevich đưa mắt nhìn quanh. Trong phòng giáo viên không còn ai cả.

- Câu chuyện có dài không? - Anh hỏi.

- Không biết nữa.

- Ta bắt đầu ở đây, nếu có ai đến thì sang phòng phương pháp vậy nhé - Tôi muốn nói... Vấn đề là tôi đã đồng ý quá vội vàng... Nói đúng hơn là vì tôi không biết... Tóm lại là hôm nay tôi mới hiểu ra là việc nhận dạy sử ở lớp 8B - về phía tôi như vậy là không đẹp mắt...

- Tại sao?

- Đối với chị Lidia Andreevna...

- Đấy lại một phát minh mới! - Constantin Sergheevich ngạc nhiên một cách thật sự - Lidia Andreevna thì có liên quan gì đến đây? Dạy sử ở lớp đó là Anna Vaxilievna cơ mà.

- Không... Tôi định nói việc khác cơ - Thế thì chị cứ nói thẳng đi, chị Natalia ạ. - anh cau mày nói. - Không cần những lời... rào trước đón sau đó nữa. - Khi nói câu đó anh còn giơ tay, chìa những ngón tay ra một cách vụng về và ngoáy bàn tay một cách khôi hài để miêu tả cái gọi là “rào trước đón sau” đó đến nỗi Natalia Nicolaevna cũng phải bật cười.

- Được rồi, thì tôi sẽ không “loanh quanh” nữa vậy, - Chị tán thành. - Tôi cảm thấy là tôi rơi vào lớp của chị Lidia Andreevna không phải ngẫu nhiên. Natalia Zakharovna có khuyên tôi là nên để mắt đến lớp và gần gũi các em. Nói chung là tôi sợ sự xích mích.

- Tôi cũng sợ xích mích. - Constantin Sergheevich trả lời một cách đơn giản. - Thế chị cho là sẽ có sự xích mích ư?

- Dĩ nhiên là sẽ có. Tôi và anh chưa hiểu hết Lidia Andreevna đấy thôi. Người ta bảo đó là người đàn bà mà tốt hơn hết là ta nên tránh!

- Vâng, người ta cũng có khuyên tôi như vậy nhưng... Nói thế nào bây giờ nhỉ... “Trong đàn cừu êm ấm thì chó sói không đáng sợ.” Tôi hiểu, cái gì đã làm chị lo lắng... Nào ta thử quyết định xem, Natalia. Hãy xếp hết sang một bên những dự đoán của chị. Chị dạy sử và không biết gì thêm nữa và cũng chẳng muốn biết đến. Chị chẳng có dính líu gì đến những dự đoán của bà Natalia Zakharovna cả. Chắc là bà ấy cũng có dự định gì đó. ở cương vị bà thì nên luôn có những dự kiến. Người ta trao chị dạy sử lớp 8B, vậy thế chị cứ làm việc như mọi khi, trung thực nhiệt tâm.

- Còn sau đó thì sao nữa, lúc ấy ta sẽ xem sau... Vội vàng làm gì?... Các em ở lớp đó thì đúng là những em gái tốt. Tôi tin rằng chúng sẽ mến chị...

- Anh biết không, tôi có cảm tưởng như đã kịp làm cho các em quan tâm. Hôm qua trong giờ nghỉ các em quây lấy tôi và hỏi.

- Đấy thấy chưa? Các em đang cần một người như chị. Nhưng cũng nhân đây tôi cần khuyên chị một điều, Natalia ạ. Không nên tìm sự quý mến của các em. Đừng đặt cho mình một nhiệm vụ như vậy. Cứ cư xử như bình thường, tự nhiên. Cách cư xử như vậy cũng tỏ ra là ta tôn trọng các em. Chị có nghe thấy Lidia Andreevna đã đánh giá về tập thể của các em như thế nào rồi chứ? Maria Mikhailovna đã trả lời chị ấy rất đúng, nhưng hình như cũng không làm cho chị nhận thức được vấn đề gì. Ở lớp bên cạnh có một tập thể sống theo những nguyên tắc hoàn toàn khác với lớp chị, thế mà chị ấy hoàn toàn không nhận thấy sự khác nhau đó... Và cũng không muốn nhận thấy. Trên cơ sở những lỗi lầm của mình chị ấy đã rút ra những kết luận không chính xác về những thuộc tính của trẻ em và coi đó là một nguyên tắc, là chuẩn mực. Chị ấy chống lại những hiện tượng thực tế và không hề có ý định suy nghĩ nó một cách nghiêm túc xem sao. Đó là cái gì? Sự thiển cận, sự ngoan cố, hay là sự đần độn? Nói thật với chị là tôi không thể hiểu được điều đó... ừ, thì cứ cho là chị quý các em học sinh lớp chị... Nhưng chị cũng biết đấy, nhiều khi cha mẹ mù quáng bởi vì quá thương con, thường không thấy những lỗi lầm của con. Nhưng nào chị ta có yêu chúng! Hôm nay tôi đã khẳng định được điều đó, Natalia Zakharovna nói phải và rất tốt nếu bà đã chọn chị để thay. Tôi cũng tin là chị sẽ làm được việc đó. Và nếu có khó khăn thì chúng tôi sẽ giúp chị.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3