Tuổi Mười Bảy - Phần III - Chương 15

TRƯỚC KÌ THI

Mặt trời đã sưởi ấm những bức tường đá của các ngôi nhà, đường nhựa, và về chiều trời đã trở nên ấm áp... Những chiếc lộc trên cây căng phồng trông rất rõ. Ở chợ người ta đã bán hoa Verba[54] và trong các cửa hiệu bán hoa đã các hoa Mimoza.[55]

[54] Hoa Verba: là một loại hoa hình bầu dục, bằng ngón tay có phủ bên ngoài một lớp bàng bạc như nhung kết lại thành cành.

[55] Hoa Mimoza: là một loại hoa nhỏ li ti bằng hạt tiêu, màu vàng cùng nở trên cành - thuộc họ cây keo. Hai loại hoa trên đều nở vào đầu tháng ba.

Và ngoài phố ấm áp bao nhiêu, mặt trời âu yếm sưởi ấm bao nhiêu thì trong lòng các cô gái sắp tốt nghiệp lớp 10 này trở nên lo lắng bấy nhiêu. Những kì thi ngày càng gần, chúng đến gần lúc nào không biết như thể lén lút vậy. Không kịp quay đi ngoảnh lại đã đến thứ bảy rồi. Mỗi một tuần trôi qua một cách nhanh chóng chưa từng thấy!

Cứ hết tuần này đến tuần khác, từ thứ Bảy này đến thứ Bảy khác các em học sinh lớp 10 còng lưng ra mà học. Tất cả các em đều gầy tọp, xanh xao, nhưng trông vẫn sảng khoái và hăng hái.

Larisa Trikhonova được ông bác mua cho một chiếc xe đạp và thỉnh thoảng cô đi xe đến trường chân tay đầy những vết tím bầm. Các bạn thường chào đón cô bằng những lời chòng ghẹo:

- Ô! Bạn vẫn còn sống đấy chứ?

- Nào Larisa, đưa xem. Cái gì thế này? Lại một vết bầm à?

- Các bạn ơi, xem này, một chỗ lở đẹp tuyệt.

- Thế còn xe đạp vẫn nguyên chứ?

- Dĩ nhiên là nguyên vẹn rồi, - Larisa thật thà trả lời các bạn.

- Thế mới gọi là chất lượng chứ. - Jenia ca ngợi. - Mình cuộc đấy, chiếc xe đạp này sẽ qua được mọi thử thách và nếu có bị gãy hay hỏng thì chắc chắn là Larisa chứ không phải là chiếc xe.

- Không đâu, Larisa khỏe lắm. Thế nào xe đạp cũng gãy trước.

- Nào cuộc nào!

Larisa mỉm cười nghe các bạn trêu ghẹo, cô không tự ái. Cô thích sự quan tâm đó của các bạn và trong bụng còn cảm thấy tự hào vì những chỗ bị hoặc bầm lên vì ngã đó.

Tamara cũng được bố tặng cho một chiếc máy ảnh mà ông đã hứa từ lâu và cô phải cố gắng lắm mới tìm được thì giờ để nghiên cứu cái kĩ thuật chụp ảnh này. Đôi khi cô mang máy ảnh đến trường và sau giờ học cô thường kéo cả lớp đến một di tích lịch sử nào đó để chụp. Cô lấy hình rất lâu, luôn luôn đổi hướng của máy và không bao giờ hài lòng với dáng điệu và nét mặt của những người được chụp ảnh, chửi cái ống kính chết tiệt nào đó và cứ như thế cô ngắm nghía chuẩn bị để chụp làm cho các bạn mệt lử cả người.

Sau khi chụp mấy hôm các bạn đợi ảnh nhưng chẳng có gì cả.

- Không đủ ánh sáng! Biết không? Hỏng hết rồi... - Tamara giải thích. - Mình mở ống kính hẹp quá.

Trong ngôn từ của cô xuất hiện những thuật ngữ như “non” “già” và các bạn cô phải tự hiểu là chưa đủ ánh sáng hoặc nhiều ánh sáng quá. Và bỗng nhiên lại có một bức ảnh thành công. Svetlana ngồi cạnh Jenia trên nền song sắt của hàng rào công viên mùa hè với những quyển sách để mở trong tay. Đó là một bức ảnh vô tình chụp được nhưng lại rất đẹp. Thế là “uy tín chụp ảnh” của Tamara lập tức được đưa lên tận mây xanh. Thôi thì tứ phía ai cũng yêu cầu, van nài Tamara chụp cho một “pô” kỉ niệm. Tamara không từ chối một ai, nhưng cô cứ khất lần ngày này qua ngày khác, lấy lí do là sắp đến kì thi rồi. Vẫn như mọi khi cuộc sống của lớp 10 luôn luôn có những sự kiện.

Nina Sarina cãi nhau với Rita Krưlova thế là Valia Belova lại học với Rita. Giữa hai cô gái lại bắt đầu có một tình bạn. Tình bạn đó theo nhận định của “bộ ba” thì không bền chặt, rất mỏng mamh, nhưng nếu kéo dài đến được kì thi thì thế cũng là tốt lắm rồi.

Vào trung tuần tháng tư Constantin Sergheevich mang đến lớp một tập vé gì đó, nhưng trước khi giải thích cho các em rõ đó là cái gì, anh chăm chú nhìn các em một lượt rồi lắc đầu.

- Các em có biết tôi sắp nói gì không? Trông mặt mũi em tôi không thích tí nào. Xanh xao, gầy gò... Không, không, thế này thì không thể được. Các em quá mệt mỏi, làm việc mà quên cả mức độ rồi. Thế thì không được đâu. Muốn học cho tốt phải có nghỉ ngơi, có không khí trong lành và những lúc vui chơi giải trí chứ.

- Thưa thầy, chứng em cần không khí làm gì cơ ạ? - Jenia nói với nụ cười đau khổ. - Đằng nào thì cũng chẳng có lúc nào mà thở cơ mà.

- Thi đến nơi rồi. - Tamara nói theo giọng của Jenia.

- Chính vì thi cử đến nơi rồi mà các em không được để cho mình mệt mỏi. Khi đầu óc quá mệt thì sẽ làm việc không tốt. Vậy thì các em cố gắng có ích gì? Nào, ta hãy thỏa thuận với nhau thế nay nhé... Mỗi ngày sau giờ học các em phải đi dạo từ hai đến ba tiếng đồng hồ. Nếu muốn thì đi dạo tập thể vậy.

- Thầy cũng đi với chúng em chứ ạ?

- Tôi cũng cùng đi với các em... Bây giờ nói đến chuyện thi nào. - Tôi thấy các em rất sợ và lo lắng. Có phải thế không Nina? - Thầy giáo hỏi Nina Sarina.

- Ôi, em thì còn nói gì nữa... em là người bỏ đi mà thấy nói làm gì ạ. - Cô trả lời. - Hãy chôn em không cần kèn trống gì cả.

- Thế tại sao lại có cái tâm trạng lo lắng quá mức thế này? Các em hãy tin tôi, không có gì đáng lo sợ cả. Trong thời gian gần đây chúng ta sẽ luyện tất cả các môn. Tuần sau về môn văn học sẽ có luận. Điều kiện giống như thi thật. Các em sẽ có sáu tiếng đồng hồ để làm... Điều quan trọng là các em phải học cách phân phối thời gian để suy nghĩ lập dàn bài và viết nháp. Sẽ có những bài làm tương tự về môn toán và các môn khác. Đây là những vé thi. - Thầy nói và bày chúng ra mặt bàn. - Từ hôm nay chúng ta sẽ học theo những câu hỏi trong vé này. Acxenova Tania, em lên đây. Lấy một vé... Thế. Bây giờ cho em mười lăm phút suy nghĩ. Sau đó thì trả lời. Tất cả các em khác là ban giám khảo dưới sự chủ tọa của tôi và có thể hỏi em những gì chưa rõ.

- Thế còn điểm thì sao ạ? - Tania đứng cạnh bàn hỏi.

- Điểm thì tôi sẽ cho như mọi khi. Đây là một giờ học bình thường và không có gì là lạ cả. Nào nhắm mắt lại và rút một vé.

- Em không nhắm mắt đâu thầy ạ. Em sẽ chỉ run như cầy sấy ấy thôi. - Tania nói và rút một vé.

- Đọc to lên xem trong đó viết những gì?

- Ôi cha mẹ ơi! - Cô sợ hãi kêu lên, đưa mắt lướt nhanh nói dung của vé thi. - “Vé số mười sáu. Thứ nhất: Văn học ở giai đoạn khôi phục kinh tế quốc dân sau nội chiến. Chủ đề của những tác phẩm văn học trong thời gian đó. Nghị quyết của Trung ương Đảng cộng sản ngày 18 tháng 6 năm 1925 “Về chính sách của Đảng trong lĩnh vực văn học.” Tiểu thuyết “Suối thép” của A. X. Xeraphimovich (đánh giá chung). Thứ hai: Hình tượng Bazarov trong tiểu thuyết “Cha và con” của I. X. Turghenev. Nội dung tư tưởng của tác phẩm D. U. Pisarov đánh giá về Bazarov” - Tất cả những vấn đề đó Tania đọc chậm rãi gần như đánh vần từng chữ và trước khi quay về chỗ để suy nghĩ cô nói khẽ: - Nếu em mà vớ phải cái vé này khi đi thi thì có lẽ em sẽ ngất mất.

- Không sao, - Constantin Sergheevich nói để em yên tâm - Lúc đó tôi sẽ mang theo một chai cồn... Em ngửi và sẽ tỉnh lại, sẽ trả lời được năm điểm... Ania Alechxeeva! Valia Belova! Mời các em lên đây. Chúng ta sẽ học theo kiểu này đến khi nào xong hết các vé thì thôi. Nếu các em chăm chú nghe tất cả các câu trả lời và tự kiểm tra xem mình biết đến đâu thì chẳng cần có sự chuẩn bị thêm gì nữa cả. Đây là chương trình của toàn khóa rồi đấy.

Ania Alechxeeva mạnh dạn rút một vé và đọc to lên:

“Vé số bốn mươi tám. Câu hỏi thứ nhất: Hình tượng Lenin trong trường ca “V. I. Lenin” của Maiacovki. Nội dung tư tưởng phong phú và giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Câu hỏi thứ hai: Những hình tượng của bọn địa chủ trong tác phẩm “Những linh hồn chết” của Gogol. Nội dung tư tưởng của tác phẩm A. I. Jecsen nói về tác phẩm “Những linh hồn chết.”

- Thế nào, có đáng sợ lắm không? - Thầy giáo hỏi.

- Em trả lời được ạ, - Ania đỏ mặt, trả lời một cách hài lòng.

- Tốt lắm. Em đứng đấy. Valia, em rút vé đi.

Valia lấy đúng một vé tương đối khó: “1. Kịch của A. M. Gorki và đặc điểm của những tác phẩm đó. A. M. Gorki và nhà hát Nghệ thuật. 2. Hình tượng Caterna trong vở kịch “Giông tố” của A. N. Astrovxki.”

- Thưa thầy, em phải suy nghĩ ạ, - đọc xong vé Valia nói.

- Được, được. Không ai giục em đâu. Các em hãy cất sách giáo khoa hết vào ngăn bàn... Giống như lúc đi thi vậy.

Ania trả lời rất tốt. Cô có cảm giác là cô vớ may phải cái vé dễ. Tất cả những điều này đều được trình bày ở lớp nên hằn sâu vào trí nhớ của các em. Thậm chí những câu hỏi nghiệt ngã của một số bạn cũng không làm cô bối rối. Cô trả lời bình tĩnh, tự tin, chắc chắn.

Với Nadia thì mọi việc không được trôi chảy như thế. Trước khi lấy vé cô ngắm nghía chúng một hồi lâu làm như cô có thể nhìn xuyên qua tờ giấy để đọc được trong đó có viết những gì vậy. Rút vé xong, cô đưa mắt đọc thầm một mình và đỏ mặt.

- Thầy ạ, cho em đổi vé có được không ạ. - Cô rụt rè đề nghị.

Thầy giáo nhìn cô gái rút rát và mỉm cười.

- Hai em Nadia và Nina Sarina, các em hãy nhớ rằng ở đây không có vé nào làm cho các em thích ngay đâu. Nếu cho phép em lấy vé khác thì một phút sau em lại sẽ thấy ân hận là không trả lời theo vé đầu hoặc lại muốn lấy một chiếc vé thứ ba, vì vậy không nên đổi vé. Sau đây tôi muốn góp với các em một ý kiến rất chân thành... Rút vé xong các em đừng cho là mình đã chết đang lúc còn sung sức và đừng vội chôn mình trước thời hạn cần thiết nhé. Tất cả các em đã làm việc một cách tự giác và không bao giờ sự lao động cần mẫn và tự giác lại không cho kết quả gì cả. Các em lại muốn lấy một chiếc vé thứ ba, vì vậy thấy điều tôi nói là đúng dựa trên kinh nghiệm của chính bản thân của các em trong cuộc sống... Lida Versinina, thế nào, em đã chuẩn bị xong chưa?

- Thưa thầy, xong rồi ạ.

- Em trả lời đi.

Lida lên bảng, quay mặt xuống lớp và bắt đầu trả lời:

- Mikhail Alecxandrovich Solokhov - là người Kozac ở vùng sông Đông. Ông sinh năm 1905 tại ấp Verenscaia. Ông sống ở đó cho đến ngày nay...

- Sao bạn lại biết? - Tamara thốt lên.

- Tôi đọc trong báo, Solokhov học ở trường trung học nam.

- Trong nội chiến ông làm công tác phân phối lương thực và có tham gia trong cuộc chiến đấu chống bọn cướp trên sông Đông...

Constantin Sergheevich nghe Lida nhưng lại nghĩ về việc khác. Về khóa tốt nghiệp đầu tiên sau chiến tranh. Sau khi tốt nghiệp phổ thông như những con chim đủ lông cánh các em rời bỏ tổ ấm bay về muôn ngả. Cuộc sống các em sau đó ra sao? Số phận đưa các em về đâu? Việc thi cử của các em không làm anh phải lo lắng mấy. Tất cả các em đều được chuẩn bị tốt và đang tiếp tục học tập hết sức mình. Svetlana Ivanova và Ania Alechxeeva thì chắc chắn sẽ được huy chương vàng rồi nếu không có sự cố gì bất ngờ xảy ra. Valia Belova thì khó có khả năng nhận huy chương vàng. Trong thời gian em ốm nên thua các bạn, nhưng huy chương bạc thì chắc chắn là em sẽ được cùng với các bạn Tamara Krapchenco, Jenia Smimova và Nina Cosinscaia...

Anh đưa mắt nhìn những em sẽ nhận được huy chương và nghĩ là kiến thức thì các em có và cái vốn đó không phải là ít, - nhưng như vậy lẽ nào đã đủ? Lẽ nào thầy giáo có thể yên tâm cho ra trường những con chim mỏ còn vàng như các em kia được?

Mong con mình hạnh phúc thì đừng bao giờ chuẩn bị cho chúng sẽ có một cuộc đời hạnh phúc mà ngược lại làm sao cho chúng có đủ sức để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Chỉ có những người được rèn luyện, lanh lợi, dũng cảm mới không bị mất tinh thần khi gặp phải những trở ngại không lường trước.

Thí dụ như Nina Cosinscaia chẳng hạn... Trường học đã làm gì và có thể làm gì để cô bé ấy khi rời khỏi ghế nhà trường không còn là một đứa bé bất lực thế kia? Constantin Sergheevich chăm chú nhìn cô gái xen lẫn đôi chút thương hại. Nina đang lo lắng cho cô bạn đang trả lời hay lo đến lượt mình bị gọi lên. Trong mắt em như ngưng đọng lại một cảm giác sợ hãi và sự đăm chiêu lo lắng. “Một cô bé có nhiều năng lực bẩm sinh. - Constantin Sergheevich nghĩ thế. - Giá như em sống trong một gia đình khác, trong những điều kiện khác thì ta đã có một Svetlana nữa. Svetlana - đó là của báu hiếm có. Đó là cô gái đi theo nghĩa vụ thiêng liêng, những cô gái như vậy trong trường hợp cần thiết có thể biến thành Doia Cosmedimiaskaia hoặc Ulia Gromova được. Khó mà có thể hình dung Svetlana sống trong cảnh chán chường của bọn hoài nghi, bọn vô công rồi nghề hoặc những kẻ đê tiện. Và nếu như vô tình cô rơi vào cảnh sống đó thì cô cũng không chịu được bao lâu. Còn Nina - đó là một vật hi sinh của lòng thương mù quáng của bố mẹ cô. Cũng may mà cô không trở thành một đứa ích kỉ độc ác như Valia Belova - hậu quả tất nhiên của những loại tình thương như vậy. Nina nhẫn nại, chịu khó, hiền lành nhưng không có nghị lực, không chủ động và không được chuẩn bị đầy đủ để có thể vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Nguyên soái Kosinski đã hai lần đến trường để xin ý kiến về việc giúp con gái thi tốt nghiệp như thế nào để môn nào cô cũng có thể đạt điểm năm. Có cần thầy giáo dạy kèm không và cần dạy thêm những môn nào? Chắc đây là một người hiếu danh và huy chương có ý nghĩa đối với chính ông hơn là đối với con gái ông. “Không biết ông ta chuẩn bị con gái ông để sau này làm gì mà ông cố gắng che chở không cho nó va chạm với cuộc sống như thế?”

Constantin Sergheevich đưa mắt nhìn Catia và nhớ lại lời cô phát biểu về những chiếc phao, anh mỉm cười. Em này thì chẳng chìm được, - anh nghĩ thế. Có thể hớp vài ngụm nước, nhưng sẽ bơi vững vàng và ngay thẳng. Không biết sao anh lại muốn nghĩ và cũng đã từng nghĩ rằng Catia sau khi tốt nghiệp đại học sẽ quay về trường tiếp tục sự nghiệp của thầy Vaxili Vaxilievich.

Còn đây, Acxenova Tania. Năm qua em đã lớn lên hẳn so với các bạn, đã đường đường là một cô gái. Không biết sự lười biếng, ngái ngủ và bàng quan của em vụt biến đi đâu mất. Tania vẫn dễ tính như xưa, thường châm chước những hành động nóng vội, thiếu suy nghĩ của các bạn, nhưng nào cô có chịu thua kém các bạn trong những việc “dại dột” đó, cô còn có khả năng “vượt” cả họ cơ đấy. Nhưng bây giờ thì Tania đã học được cách làm việc tự lực và rất cần mẫn. Nhưng “cơn” chịu khó đó, hoặc nói theo lời cô “làm một việc đột xuất theo cảm hứng” đó chỉ là những hiện tượng hiếm hoi và hi vọng là cuối cùng thì Tania cũng sẽ rèn luyện được những đức tính cần thiết để làm công tác khoa học, Lida đã trả lời xong và nhìn thầy giáo thăm dò.

- Thế! Các ủy viên của Hội đồng chấm thi có hỏi gì không? - Anh hỏi và thấy có em giơ tay. - Tamara em muốn hỏi à?

- Nagunov là người như thế nào? Đề nghị hãy phân tích nhân vật đó về quan điểm chính trị.

Lida bực tức nhìn bạn và suy nghĩ. Câu hỏi khó quá nhưng may sao lúc đó tiếng chuông cứu cánh vang lên báo hiệu hết giờ học.

Phương pháp dạy theo vé thi không chỉ làm cho học sinh thích. Ngày hôm sau thầy Vaxili Vaxilievich mang những vé thi về môn hóa đến, rồi sau đó cô Anna Vaxilievna cũng làm thế. Đến hôm 20 tháng 4 cô Vaxivia Antonnovna cũng kết thúc chương trình và bắt đầu cho ôn tập theo vé.

Những vé chính thức trường nhận được vào cuối tháng tư. Quyển đề thi khá dầy khoảng bảy mươi trang lúc đầu làm cho các em sợ hãi. Một số em có cảm giác rằng vé thi làm ở Moscva, trên Bộ thì chắc là họ cho những câu hỏi khó lắm, những câu mà chắc các em không thể trả lời được. Khi làm quen với nội dung của vé thi, các em cảm thấy yên tâm hơn, không có gì đáng sợ cả. Những câu hỏi thông thường và có khi lại còn dễ hơn cả những câu mà các thầy cô giáo cho nữa. Điều làm các em thích thú hơn cả là những vé về văn học hầu như trùng lặp với những vé mà thầy Constantin Sergheevich đã cho trước.

*

* *

Mồng một tháng năm. Các phố xá người đông nghịt. Các đội nhạc nổi lên khắp nơi. Những đoàn diễu hành từ bốn phía kéo vào trung tâm thành phố. Cờ, ảnh hoa, những quả bóng bay... ở các ngã ba, những chiếc xe vận tải được trang hoàng lộng lẫy đầy ắp bánh rán và kem. Tối đến khắp nơi đều có vũ hội: ở quảng trường cung điện, trong cung văn hóa ở trường học... Nhưng tất cả những cái đó đâu có phải dành cho các em sắp thi tốt nghiệp lớp 10.

Một số các em lớp 10 tụ tập tại nhà Lida để ôn môn vật lí theo vé thi. Những mẩu giấy được rọc ra vội vàng và viết số vào đấy bày ra trên bàn.

- Nina, đến lượt bạn rồi đấy. Rút đi!

- Vé số bảy.

- Xem thử có gì trong đó.

Lida đọc các câu hỏi trong vé.

- Thế nào, bạn trả lời được không? - Catia hỏi.

- Được.

- Các bạn ơi, có ai không trả lời được không?

- Vé đó dễ quá. Tiếp tục nào. - Jenia đề nghị.

- Làm thế này không được đâu các bạn ạ? Nếu vậy thì coi như ta biết hết rồi, cuối cùng chẳng có gì để ôn nữa cả. Cần phải tập trả lời nữa chứ, - Svetlana phản đối. - Có thể trả lời ngắn gọn cũng được vậy…

- Đúng rồi! - Tamara tán thành. - Nào Nina, bạn trả lời đi xem nào.

- Ôi, giá như mình vớ được chiếc vé thi này thì thích quá nhỉ. - Nina nói một cách mơ mộng và bắt đầu trả lời.

- Các bạn ơi, sắp có pháo hoa rồi! - Jenia sực nhớ ra và nhìn đồng hồ.

- Thế này nhé, chúng mình leo lên mái nhà xem đi! - Tamara đề nghị vì bỗng nhớ hồi cô cùng với bố trực chiến trên mái nhà. Ở đó nhìn chung quanh rất rõ. - Lida, nhà bạn cầu thang lên mái có khóa không?

- Không biết nữa. Mình sẽ hỏi bác Pasa xem nhé.

Lida ra ngoài và một phút sau cô qua lại cầm chiếc chìa khóa.

- Chúng ta có chìa khóa rồi. Đi thôi!

Các cô gái lần lượt chui qua chiếc cửa sổ nhỏ, bụi bặm lấm lem, leo lên mái nhà.

Cả thành phố đèn hoa lộng lẫy mở ra trước mắt các cô gái. Các loại tiếng động vang lên ồn ào, nào nhạc, nào còi ô tô, nào tiếng leng keng của tàu điện.

Luồng không khí mát lạnh làm cho những đôi má nóng rực cảm thấy dễ chịu.

Nhưng vụt lóe lên một vệt vàng rực và nghe thấy tiếng nổ của pháo, trên bầu trời nổ ra những bó hoa muôn màu sặc sỡ, đỏ, xanh biếc, trắng bạc, vàng, lơ... và từng ánh lửa nhỏ uốn thành hình cong rồi nổ ra như chụm phải nhau, tóe ra muôn ngàn tia lấp lánh rơi xuống.