Tuổi Mười Bảy - Phần III - Chương 16 (Hết)
TIẾNG CHUÔNG CUỐI CÙNG
Mười lăm tháng năm là ngày học cuối cùng của các em học sinh lớp 10.
Các em đến lớp lặng lẽ, đăm chiêu. Bước vào lớp các em nhìn căn phòng quen thuộc lâu nay một cách buồn bã. Những chiếc bàn, chiếc tủ, cái bảng, những bức chân dung, những chậu hoa... Những thứ đó thật giản dị và quen thuộc, thật đáng yêu và thân thiết. Tất cả những thứ đó đã đi vào dĩ vãng và không bao giờ trở lại.
Trong giờ nghỉ các em vào những lớp học mà xưa kia đã từng học, dừng lại ở những chiếc bàn để nhận ra tên hoặc những dòng chữ viết trước kia nay đã bị xóa và trong kí ức lại hiện lên những kỉ niệm xưa - những cái đó ai đã làm và làm vào lúc nào.
“Ngôi tường thân yêu ơi xin vĩnh biệt! Hôm nay là ngày học cuối cùng. Trong bốn bức tường của ngôi trường này ta đã sống qua thời thơ ấu, tuổi niên thiếu và gần như hết tuổi thanh xuân. Trường đã tiễn chúng ta vào cuộc sống. Vĩnh biệt ngôi trường thân thiết của ta!” - các cô gái nghĩ thế và cô nào cũng nhíu lông mày lại, cổ nghẹn lại, nước mắt như muốn trào ra. Nói chuyện với giáo viên các cô cũng nhận thấy những sắc thái khác trong cách cư xử. Người ta thường nói chuyện như vậy với nhưng người thân thiết trước lúc chia tay tiễn họ lên đường đi xa.
Trong ngày hôm đó thực tế không có giờ học nữa. Thầy trò nói chuyện với nhau về kì thi sắp đến. Thầy, cô giáo góp ý kiến với các em về việc sử dụng thời gian trong những ngày còn lại, chỉ ra những chỗ yếu về kiến thức của các em.
Trong giờ nghỉ các cô gái đi dạo ở hành lang và bắt gặp những cái nhìn tò mò của các em học ở lớp dưới.
Dừng lại bên cầu thang, Tania nhớ lại cô đã từng bắt chước bọn con trai ngồi trên lan can trượt xuống và ôm chầm phải bà trưởng phòng giáo vụ Varvara Timofeevna. Khi đó cô hết cả hồn vía, còn bây giờ nhớ lại việc đó cô lại thấy cảm động, thấy có cái gì đó sưởi ấm lòng cô và làm cô dễ chịu vô cùng.
Svetlana vào một lớp học ở tầng hai và nhận ra chiếc bàn cô đã từng ngồi học trước kia. Đó là lớp ba. Cô nhớ hồi đó cậu học sinh Boria Bordanov tinh nghịch đã nhúng đuôi tóc nhạt màu của cô vào lọ mực.
Ania đi dọc hành lang, dừng lại bên cửa sổ cuối cùng. Ở chỗ này đây cô đã vô tình vung quyển sách làm vỡ một tấm kính bên trái của cánh cửa sổ. Cô không chạy trốn mà đến thú nhận ngay với giáo viên trực nhật. Tối về cô lại thưa lại với bố cô về việc đó. Cô có sợ không? Vâng cô sợ lắm chứ, nhưng đã thắng được sự sợ hãi và từ đó trở đi cô chỉ biết nói thật.
Jenia đưa mắt tìm một chỗ trong lò sưởi hơi nước sát tường và tự nhiên thò tay tìm vật gì đó phía sau. Khi cô mới đến trường học, cô thường mang theo con búp bê mà cô thích nhất, đem giấu ở cái chỗ ấm áp này để cho bọn con trai khỏi cười...
... Các cô gái có cảm giác là thầy giáo chủ nhiệm miễn cưỡng đứng dậy, lại gần bàn, chân có vẻ khập khiễng hơn mọi khi.
- Các em ạ, chúng ta sẽ khỏi xếp hàng đôi đi như mọi khi. - Thầy giáo nói, - nhưng đi phải có trật tự, không được tranh luận ồn ào nhé.
- Đến hội tường làm gì ạ?
- Hình như có mít tinh gì đó thì phải.
Ở hành lang vắng tanh. Các cô học sinh lớp 10 vây quanh thầy chủ nhiệm chậm rãi xuống hội trường.
- Cô Vaxivia Antonnovna ạ, cái môn học nghệ thuật sống của cô có những phần nào ạ? - Nadia thì thầm hỏi cô giáo.
- Làm thế nào cho việc chi tiêu sát sao phải biết không phải chỉ vạch ra mà còn phải thực hiện nữa... Nghĩa là phải biết nấu nướng, may vá, làm những việc mà người ta thường gọi là nội trợ...
- Thưa cô, và cô cho rằng những cái đó cũng cần phải học ở trường ư?
- Nếu ở nhà chả ai dạy bảo các em những việc đó thì giáo viên chúng tôi không thể thờ ơ được. Tôi còn cho rằng ở lớp 10 cần bảo cho các em biết chăm sóc trẻ sơ sinh nữa kia. Quấn tã, tắm, nấu cháo v.v...
- Ồ thưa cô, theo em cái đó thì thừa cô ạ. - Tamara đi bên cạnh nghe thấy thế nói chêm vào.
Tất cả trường tập trung trong gian phòng rộng. Phía trước là các em học sinh lớp 1 mặc tạp dề trắng trong tay cầm những bó hoa xuân nhỏ nhắn. Trên bục là bà Natalia Zakharovna. Những giáo viên khác giống như mọi khi ngồi dọc hai bên tường. Tất cả những cặp mắt đều chăm chú nhìn các cô gái mới bước vào phòng và các cô bồi hồi xúc động là cả trường phải bỏ học vì họ.
Bà Natalia Zakharovna mời tất cả các em học sinh lớp 10 lên bục và xếp họ đứng thành hình bán nguyệt. Sau đó bà quay xuống nói với cả hội trường:
- Các em ạ, đây là giờ học cuối cùng của các em học sinh lớp 10. Trước mắt các em ấy là một giai đoạn khó khăn nhất trong suốt cả thời gian học ở trường - giai đoạn chuẩn bị thi tốt nghiệp phổ thông. Chúng ta hoàn toàn tin rằng các em ấy sẽ thi đạt kết quả tốt và qua được mọi thử thách, nói đúng hơn là lần kiểm tra cuối cùng này. Các em ấy đã làm việc như những đoàn viên Komsomol chân chính, như những công dân giác ngộ của tổ quốc vĩ đại của chúng ta. Đã làm việc một cách tự giác, làm hết khả năng của mình. Nhất là năm cuối cùng này. Nhưng hôm nay chúng ta lại phải chia tay với các em ấy. Các em ấy sẽ vĩnh viễn xa ngôi trường của chúng ta...
Bà Natalia Zakharovna nói dõng dạc, dứt khoát, còn hơi nghiêm khắc nữa là khác, hình như bà muốn giấu nỗi xúc động của mình.
- ... Chúng ta sẽ không quên các em ấy. Đêm liên hoan năm mới do các em ấy tổ chức sẽ luôn luôn động viên những lớp học sinh nhỏ sau này. Tờ báo tường đầy tài năng và chủ nhiệm Tamara Krapchenco sẽ mãi mãi là niềm tự hào của chúng ta. Sự lãnh đạo có suy nghĩ, cương quyết và dân chủ của bí thư chi đoàn Catia Ivanova đã góp phần xây dựng lớp thành một tập thể sáng tạo, xứng đáng đứng hàng đầu về học tập cũng như công tác xã hội. Có ai trong chúng ta lại không biết những em học sinh lớp 10 chu đáo, nhạy cảm như Svetlana Ivanova, Jenia Smirnova, Acxenova Tania, Ania Alechxeeva, Nadia Erefeeva, Lida Versinina, Clara Kholopoeva, Nina Cosinscaia và Nina Sarina! Tất cả các em đó đều sẵn sàng giúp đỡ những học sinh yếu kém, với những yêu cầu nghiêm túc của mình, các em đã giúp trường củng cố được tổ chức kỉ luật và tiến hành công tác dạy và học kết quả.
Những lời của bà Natalia Zakharona không lọt được vào ý thức của Jenia và tai cô hình như bịt nút bông lại. “Vĩnh biệt ngôi trường thân yêu!” Ý nghĩ đau đớn đó làm cô khó lòng mà tập trung được. Jenia nghe thấy tiếng nấc của Nadia, thấy Nina Cosinscaia rút chiếc khăn thêu ra và chấm mắt.
- ... Hôm nay chúng ta sẽ không nhắc đến những lầm lỗi và những lúc hiểu lầm nhau, - bà Natalia Zakharovna nói. Tuy là trong mười năm qua những trường hợp như thế hoàn toàn không đáng kể. Tôi chỉ muốn nói một điều là không thể nào lại sống mà không có lỗi lầm, không có những mâu thuẫn, những va chạm được. Tất cả chúng ta đều là con người và là những con người rất khác nhau. Rất tốt là qua những lần đó người ta trưởng thành hơn lên, tôi mong các em khi bước vào một cuộc sống khác, cuộc sống của người lớn, luôn luôn nhớ đến điều đó. Hãy cố gắng tránh những lầm lỗi. Nhưng một khi đã có lỗi thì hãy rút từ đó ra kết luận cần thiết cho mình, qua những lỗi đó mà học tập, đừng bao giờ bảo thủ các em nhé. Các em phải biết nhận khuyết điểm như Lenin vĩ đại đã dạy... Bây giờ tôi xin nhường lời cho đại diện của lớp 9.
Lena Menicova vẫn thường phát biểu trước toàn trường và cô đã quen làm việc đó, nhưng hôm nay cô xúc động hơn mọi lần.
- Các bạn thân mến! Tôi xin thay mặt cho các bạn lớp 9 cũng như nhân danh cá nhân tôi muốn nói với các bạn mấy lời chia tay... Các bạn sắp kết thúc học tập ở trường phổ thông, chúng tôi xin chúc các bạn thi đỗ lớp 10... Chúc các bạn đạt kết quả tốt và sẽ có một cuộc sống tươi vui đầy lao động sáng tạo. Chúng tôi, những học sinh lớp 9 tiếp nhận trách nhiệm “chị cả” trong trường xin hứa sẽ đem hết sức mình, hết khả năng để xây dựng nhà trường như các bạn đã làm. Xin hứa sẽ quan tâm đến các lớp bé hơn... Sẽ phấn đấu để đạt kết quả cao trong học tập, đẩy mạnh công tác Đoàn và Đội. Các bạn hãy tin ở chúng tôi, nhất định chúng tôi sẽ làm được như thế... Nhưng chúng tôi cũng mong rằng các bạn sẽ đến thăm chúng tôi trong những lúc rỗi rãi, sẽ giúp đỡ chúng tôi bằng việc làm cụ thể và những ý kiến đóng góp hay. Xin hết ạ.
Sau đó các em lớp 9 dắt các em lớp 1 đứng lên bục.
Mỗi em cầm trong tay một bó hoa nhỏ. Mười lăm em học sinh bé nhỏ mặc những bộ lễ phục có tạp dề trắng muốt đứng dàn hàng ngang trước mặt các học sinh lớp 10.
- Bây giờ xin mời em Tania Sergheevna phát biểu. - bà hiệu trưởng nói và gật đầu động viên em bé.
- Thưa các chị! - Tania bắt đầu nói dằn từng tiếng một với một giọng trong trẻo. - Các chị là những người bạn lớn của chúng em, các chị sắp xa trường, chúng em là những học sinh bé nhất trường xin chúc các chị luôn luôn…
Em ngập ngừng và dừng lại, và tất cả đều rõ là em quên mất bài phát biểu của mình. Nhưng Tania đã lấy lại bình tĩnh em suy nghĩ một chút và kết thúc lời, nói dở dang:
- ... Học giỏi! - Sau đó em lại suy nghĩ và nói một cách rành rọt hơn: - À, không phải, đấy là chúng em hứa với các chị là luôn luôn học giỏi... và luôn luôn noi gương các chị... chúng em hứa sẽ nâng cao...
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]
Không ai nhắc, không ai làm cho Tania mất bình tĩnh và ai cũng chăm chú nghe lời nói ngắt quãng, không mạch lạc của em với nụ cười trên môi như đang nghe một cái gì rất có ý nghĩa, thú vị và dễ chịu.
Jenia kiềm chế đến cùng, nhưng đến lúc các em học sinh lớp 1 đến tặng những bó hoa xinh xắn thì cô không gắng được nữa. Cô ôm lấy em bé mắt đen có cái nơ trắng to tướng trên đầu hôn và tự nhiên nước mắt trào ra như suối.
Tất cả các cô học sinh lớp 10 đều khóc sụt sịt, ôm lấy các em bé, thầm thì gì đó với các em và cả gian phòng vang dậy tiếng vỗ tay, đây đó thấp thoáng những chiếc khăn tay...
Chỉ một mình Tamara nén được không khóc. Cô cầm lấy hoa, bắt tay em học sinh lớp 1 và trịnh trọng cảm ơn em bé vì sự quan tâm đó.
Bà Natalia Zakharovna xem đồng hồ và gật đầu ra hiệu cho các em học sinh đang gần cửa. Cánh cửa mở, cô trực nhật chạy đến cầu thang nhìn xuống vẫy tay.
- Các em thân mến! Giờ học cuối cùng của các em đã kết thúc, - bà hiệu trưởng nói. Tôi xin phép được thay mặt tất cả trường một lần nữa chúc các em lên đường bình an...
Đúng lúc đó ở khắp các tầng tiếng chuông quen thuộc thân thương làm sao lại vang lên làm cho những giọt nước mắt chiến thắng được ý chí của Tamara tuôn ra ròng ròng.
Đó là tiếng chuông cuối cùng. Nó không còn báo hiệu giờ học bắt đầu hay kết thúc nữa. Tiếng chuông này báo cho các cô giáo biết rằng những giờ học ở trường đã vĩnh viễn chấm dứt.
Leningrad 1947 – 1954.
Thực hiện
bởi
nhóm Biên tập viên Gác Sách:
Chim Cụt - Bupbecaumua - trangchic
(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)