Ván bài lật ngửa - Phần IX - Chương 02

P9 - Chương 2

Chiếc máy điều hòa buông tiếng
êm như ru, gian phòng mát lạnh, John Hing lật từng trang giấy đánh máy thưa
hàng, chi chít con số, ông ta dừng lâu hơn trang chót, nơi kết toán các con số
và con số cuối cùng nằm trên hai vạch mực đỏ thật đậm. John Hing xếp xấp giấy lại,
âu yếm đặt lên bàn, ngả lưng vào ghế... Chừng một phút trôi qua, John Hing đột
nhiên chộp xấp giấy, lật lại từng trang, chăm chú dò số ngang, số dọc. Chốc chốc
ông ta đối chiếu với trang kết toán. Rồi, ông ta kéo chiếc máy tính điện tử đặt
trước mặt, lanh lẹn bấm các nút. Từng hàng số xanh vụt hiện, vụt tắt. Sau cùng,
như tìm ra cái muốn tìm, John Hing dùng bút chì đánh liên tục mấy dấu hỏi... Xong,
John Hing liền quay điện thoại:

- Hello, John đây! – Ông ta
nói tiếng Anh - Tất nhiên là có việc mới quấy rầy anh. William này, bản chiết
tính số XK.143 nhiều chỗ không ổn, không khớp với kết toán cuối cùng... Anh
đang đọc nó à, tốt... trang 6, đoạn IX, mục d... thấy chưa? Làm một bài toán nhỏ,
thậm chí tính nhẩm cũng được, thế nào?... Đúng, chệch đến 170.000 dollar mà lợi
không thuộc về chúng ta... Chưa hết, vẫn trang 6 đoạn gần chót, đoạn XII, mục f...
tại sao một khẩu Garant chỉ có 12 dollar? Phải,... 12 dollar 82 cent; 82 cent
anh nhớ chứ, nhân cho bao nhiêu? Mất đứt hơn 100.000 dollar. Kì quặc à? Chưa hết,
trang 9, ngay mục đầu... Phải, nói về đạn... Anh đùa hả? Không phải đạn đại bác
mới đáng quan tâm... Tôi hiểu, tôi hiểu! Một viên đạn đại bác cỡ 155 li giá bằng
bốn trăm đạn tiểu liên AR15, song tối đa, mỗi ngày người ta sử dụng bao nhiêu đạn đại
bác... Tôi hiểu, cả sơn pháo, cả súng không giật, cả pháo tự hành, cả pháp 105 li...
Tôi phải tin là tôi có lí mới gọi anh chứ! Mỗi ngày một triệu viên đạn tiểu
liên, trung liên, đại liên, súng trường... Lãi 1/3 cent một viên thôi, anh
tính đi... Anh choáng váng rồi ư? Một ngày thôi nhé – hai mươi tư giờ. Cái gì? Đạn súng ngắn ư? Tôi biếu không, loại nào cũng biếu không, tất
nhiên cả Colt 45 và Vesson... Người ta không thể thu hút các cô gái bằng hàng
thùng đạn, súng ngắn, còn với tù binh Việt Cộng, vài viên cho mỗi khẩu là quá
thừa... Anh đang rà soát đấy à? Ôi, ông bạn William thân mến, sao mà chúng ta
tri kỉ đến thế! Đúng, hẫng 2.632519 dollar lẻ 4 cent... Chỉ trong một bản XK43
thôi... Chúng ta có ít nhất hàng trăm bản chào giá... Tôi sẽ làm việc với
James, thằng đó đểu kinh khủng...

John Hing bỗng cười sặc sụa:

- Sao anh bảo hắn đểu chỉ bằng
một móng tay tôi... Này, đừng tâng bốc nhau, ngượng chết. OK! Hoặc anh gọi tôi
hoặc tôi gọi anh.

John Hing gác máy, nhìn đồng
hồ trên tường, rồi bật công tắc Interphone:

- Khách đến chưa? – John
Hing hỏi bằng tiếng Quảng.

- Thưa, ông Ly
đang đợi... - Tiếng trả lời của một nữ thư kí.

- Mời ông ấy vào phòng
khách

Đặt tất cả giấy tờ vào cặp,
bỏ cặp vào tủ sách và khóa theo mã số, John Hing rời phòng làm việc sang phòng
khách.

Ly Kai khúm núm chào John
Hing. John Hing chìa tay hờ hững, chỉ ghế cho Ly Kai ngồi, Ly Kai thoáng rùng
mình.

- Tôi tắt máy điều hòa nhé?
– John Hing mỉm cười nói tiếng Tiều.

- Khỏi, để máy mát hơn... –
Ly Kai ấp úng.

- Ta uống một li con... Henessy,
Martin hay Whisky?

- Tùy ông chủ!

John Hing đến bên tủ rượu,
rót hai li Remy Martin, cùng uống cạn với Ly Kai.

- Ông luôn luôn làm hỏng việc...
– John Hing bắt đầu nhìn Ly Kai với đôi mắt sắc như dao, nói bằng tiếng Bắc
Kinh.

Ly Kai gãi đầu:

- Xin ông chủ hiểu cho... Con
mụ nhà báo Mỹ rồi sau đó con mụ Saroyan. Cả Big Minh và Jones Stepp cũng can
thiệp...

- Tôi biết tất cả, đó là việc
sau. Tôi hỏi ông tại sao tên Tường của ông lại không ra lệnh cho đội cảnh vệ quạt
luôn mấy băng vào hai thằng đó mà còn huênh hoang đấm sặc mũi Nguyễn Thành Luân
để lãnh mấy viên đạn ngã chết như con chó? Ai cho phép nó đánh? Chỉ cho phép nó
bắn. Việc chính không làm... Hừ! Mất toi 10.000 đôla... Vợ nó hưởng số tiền đó
nếu ông không ăn chặn... Nhưng lẽ ra nó được 100.000 kìa! Và cũng chỉ nằm quân
lao một tháng là cùng... Tôi bắt đầu hoài nghi khả năng của ông, ông Ly Kai.

- Thưa ông chủ... Tôi sơ xuất
không bảo kĩ tên Tường. Đúng như ông chủ nói, nếu ngay lúc đầu... Mụ nhà báo Mỹ
không làm gì được... - Ly Kai nhún nhường, nói mà không dám nhìn John Hing.

- Thôi được! – John Hing chợt
đăm chiêu khiến Ly Kai hú hồn. - Có lẽ tôi quở ông hơi oan. Chưa chắc Tường ra
lệnh bắn mà số cảnh vệ đã bắn... Tôi nghi con mụ Fanfani đã bố trí trước hoặc
chính Jones Stepp đã bố trí... Tất nhiên, Tường có thể bắn với khẩu súng ngắn của
hắn ta, song trường hợp đó, Tường sẽ ngã quỵ trước khi bấm cò... Không cần Luân
mà tay bảo vệ của nó chắn chắn nhanh tay hơn tên Tường lấc cấc của ông... Chuyện
bây giờ là khử thằng Luân tại ổ, nó đang bị giam lỏng.

Ly Kai không nói không rằng.
Gã biết thế nào John Hing cũng yêu cầu gã. Nhưng, đây là điều khó, nếu không phải
là vô phương. Nhà Luân canh gác cẩn mật, làm sao lọt qua nổi bọn quân cảnh.
Không phải lần đầu Ly Kai lãnh sứ mạng giết Nguyễn Thành Luân song chẳng rõ vì
số của hắn xui hay số của Luân hên mà Ly Kai luôn thất bại. Ngay lần dễ ăn nhất
là phục kích trên đường Thống Nhất, nhân lúc hỗn quan hỗn quân, bắn một phát
M.72 vào xe, Luân chỉ còn mấy mẩu xương vụn. Thế mà...

- Khó lắm!... Tôi hiểu... –
John Hing động viên – Song càng khó thì càng cần ông. Ví dụ... nay mai Luân được
tự do, nắm quyền trong tay, ông làm sao hạ được nó? Nó hạ ông thì dễ. Bây giờ
các thằng cha tướng lĩnh bận nói tào lao, không ai bận gì đến viên đại tá thuộc
gia đình Diệm.

- Thưa ông chủ, Ủy ban điều
tra tội ác chế độ nhà Ngô có tên Luân trong danh sách, tên hàng đầu nữa, sau
Ngô Đình Cẩn thôi, trước cả Trần Trung Dung và bác sĩ Tuyến... Hay là ông chủ
cho tôi dúi cái Ủy ban đó để kết tội Luân thật nặng...

John Hing bật cười, ông ta
nói tiếng Quảng:

- Xếnh xáng ngây thơ thật...
Ủy ban! Tỉu na má mấy cái ủy ban... Điều tra Nguyễn Thành Luân rồi ai điều tra
thành viên Ủy ban? Liệu Ủy ban dám điều tra ông Nguyễn Ngọc Thơ; Tướng
Tôn Thất Đính, Tướng Trần Thiện Khiêm, Đỗ Cao Trí không? Đều thuộc
hạ nhà Ngô hết cả! Và luôn ông, ông là mật vụ của Ngô Đình Nhu...

John Hing đứng lên, ra hiệu
Ly Kai ngồi đó, ông sang phòng làm việc. Một phút sau, John Hing trở lại, cầm một
xấp đô la không gói ghém gì cả.

- Vụ vừa rồi tuy thất bại,
– John Hing nói trong lúc Ly Kai hau háu nhìn xấp giấy bạc màu xanh ước tính chừng
bao nhiêu – Nhưng ông cũng cực. Tôi biếu ông năm ngàn.

Ly Kai nhận tiền, bỏ nhanh
vào túi nhưng mắt vẫn không rời tay John Hing vì còn mấy xấp đô la nữa...

- Còn đây, năm ngàn...

Ly Kai vồ liền.

- Năm ngàn này tôi biếu
thêm gia đình Tường. Ông trao giùm. Tôi sẽ kiểm tra, nếu ông không đưa đủ thì
liệu hồn.

Ly Kai tiu nghỉu, bỏ tiền
vào túi. Nhưng John Hing vẫn còn cầm một xấp bạc có vẻ dày gấp đôi hai tập vừa
rồi...

- Còn đây, mười ngàn... Tùy
ông sử dụng trong công việc mới mà tôi giao. Không phải phần của ông, phần của
ông tôi sẽ đưa sau, kể cả ông kí gửi ở ngân hàng Hồng Kông vì nó lớn. Một trăm
ngàn... ông nghe rõ chưa... Mười ngàn này để ông chi cho em út hay ai đó... Tôi
không cần biết và cũng không kiểm tra... Tôi kiểm tra cái thây của thằng
Luân...

- Thưa ông chủ, tôi sẽ cố sức.
Song khó...

- Ông biết người ta tốn bao
nhiêu tiền để bắn ông Diệm, ông Nhu không? Một ngàn đô la!

- Thưa, đó là trường hợp
khác. Chưa chắc người bắn đã nhận đô la...

- Ông thông minh đấy... Nhưng
người ra lệnh bắn chỉ nhận một ngàn đô la thôi...

- Ai vậy?

John Hing trừng mắt:

- Ông không được tò mò! Tôi
chỉ muốn nhắc ông về chỗ sai biệt quá lớn của số tiền... Và mạng của anh em Tổng
thống với mạng của một gã đại tá thất thế, gần như đang ở tù...

Ly Kai có lẽ đã có thể cãi
lại nhưng John Hing đã đứng dậy – coi như mọi việc chỉ có thể chấp hành mà
thôi.

*

Ly Kai là một người tháo
vát, rất tháo vát. Song công việc mà John Hing – Dương Tái Hưng – giao cho y bắt
buộc y phải chửi thề thầm giống như Dương Tái Hưng - Tỉu na má!

Ngôi biệt thự nhỏ của Luân
chẳng xa lạ gì với Ly Kai. Giữa bốn bức tường có gắn lưới B.40, mỗi góc đặt một
đèn chiếu sáng cực mạnh, biệt thự như giấu mình trước mọi biến thiên – bên
trong là khoảnh vườn vài trăm thước vuông, tất cả chẳng nhằm nhò gì với thủ hạ
của Ly Kai - kể cả lưới B.40 có điện chúng vẫn vượt qua không mấy khó khăn.
Song, bọn quân cảnh chó chết chẳng bao giờ rời vọng gác, nửa giờ một lần đi tuần
tra. Không cần tuần tra chúng cũng có thể kiểm tra ngay con chuột vượt tường –
đèn sáng hơn cả mặt trời. Bên trong, còn Thạch, một tay súng không tồi, còn
Thùy Dung – cô ả này có thể bắn đồng tiền giữa không trung – và Luân: Ly Kai biết
Luân bắn nhanh và chính xác như đoàn cao bồi Texas, cần để thẹo ở đâu anh ta
chưa bao giờ sai lời hứa. Chính Ly Kai chứng kiến Luân bắn tung mũ một sĩ quan,
bắn vỡ cả lỗ chai bia... và bắn thủng quần một sĩ quan Mỹ trong cuộc đấu súng
vui nhộn.

Nhưng, mười ngàn đô la ứng
trước – hơn gã nào đó ra lệnh sát hại anh em Diệm Nhu gấp mười lần và nếu thành
công, trương mục của y ở ngân hàng Hồng Kông thêm con số khó tưởng tượng! Giá của
thằng đại tá này mắc thiệt. Làm sao? Nghề bịp bợm cơ bạc gỡ cho Ly Kai nhiều
phen ngỡ như đi đứt, nhưng vụ này mẹo cờ bạc có vẻ không trót lọt. Vô tình, Ly
Kai lật quyển sổ tay... Những năm trước, gã thường tặng quà cho Luân... Đây rồi,
ngày sinh của Thùy Dung - gần đây hơn, so với ngày sinh của Luân. Hay là... Ly
Kai chợt bừng tỉnh. Tại sao ta không đi đường vòng? Kết thúc chẳng có gì khác,
trừ phi Luân không dự sinh nhật của vợ...

Kế hoạch hành động hiện ra
trong đầu Ly Kai với các chi tiết hợp lí mà gã nghĩ rằng không còn có thể nào hợp
lí hơn. Rồi, Dương Tái Hưng sẽ nghiêng mình bái phục gã. Chớ có coi thường tay
chủ thầu các sòng bạc ở Đại thế giới! Và Ly Kai chợt nhớ câu nói đó bằng tiếng
Quảng của Nguyễn Thành Luân cách nay năm, sáu năm... tại Nhà hát lớn, ngoài
hành lang Đại hội văn hóa: “Một trò cờ bạc nhỏ trong một canh bạc lớn” – cái gì
cũng là cờ bạc tuốt, gã thu nhận câu nói của Luân dưới góc độ đó.

*

Dung không hé môi cho bất kì
ai về sinh nhật của cô, trừ bác sĩ Soạn và cô của Dung. Dĩ nhiên, chị Sáu, Thạch
thì biết. Không hiểu sao Luân lại chăm sóc ngày sinh của Dung khác hơn mọi năm.
Hằng năm Luân vẫn tổ chức nhưng rất gia đình – các người thân của anh cùng
Dung khui sâm banh, thế thôi. Năm nay Luân bảo chị Sáu mua một bó hoa thật to
và chuẩn bị bữa ăn khá rôm rả: gà, vịt, cừu nướng, rượu vang và sâm banh. Anh dặn
chia phần cho toán quân cảnh đàng hoàng. Nhưng chắc chắn không có khách ngoài
vì không ai được quyền vào nhà Luân.

Trước khi tan sở - Dung xin
phép về sớm – nhân viên Tổng nha mang đến cho Dung một thùng champagne Cordon
Rouge nổi tiếng. Tấm danh thiếp đính kèm: “Một số chiến hữu ái mộ Đại
tá Nguyễn Thành Luân chia vui với bà đại tá nhân ngày sinh lần thứ ba mươi tư của bà...” Rất bình thường, có thể là Nguyễn Thành Động, có thể là Lê Khánh Nghĩa,
có thể là Trương Tấn Phụng, cũng có thể là tướng Lâm. Hoàn cảnh của Luân chưa
cho phép thân hữu xưng họ tên thật. Dung vui vẻ nhận món quà tình nghĩa.

Khi xe về đến cổng, cô khoe
liền với Luân két sâm banh hảo hạng đó.

Luân yên lặng, tại sao có
người biết sinh nhật của Dung? Và tại sao gửi qua Tổng nha cảnh sát? Thái độ của
chồng khiến Dung băng khoăn. Cái gì đây? Luân bảo Thạch bê két sâm banh vào
nhà. Anh xem xét từng chai, đúng là sâm banh cordon rouge thật, nút còn nguyên
vẹn. Anh đưa lên ánh sáng – sâm banh màu ngà như màu loại sâm banh lừng lẫy này
mà anh từng nếm qua.

- Có gì khả nghi không anh?

- Để xem, có thể không có
gì, có thể có...

Luân khui một chai, tiêng nổ
giòn. Anh khui chai thứ hai, cũng tiếng nổ giòn. Anh ngửi lâu hơi
bốc lên từ hai chai. Bình thường. Luân định thôi khui – rõ ràng chúng cũng giống
như mọi chai sâm banh khác. Nhưng, anh vẫn ngần ngại. Anh lấy chai thứ ba,
không theo trật tự, lấy ở giữa thùng. Chai sâm banh được khui không nổ. “Ga” tản
từ trước. Cũng có thể hãng sản xuất phạm lỗi kĩ thuật. Nhưng tại sao mùi của nó
khác mùi của chai sâm banh trước? Luân quyết định khui cả két. Có hai chai loại
đó. Anh bảo Dung giữ cả hai chai, sáng mai vào Tổng nha nhờ bộ phận hóa nghiệm
phân chất.

Lễ sinh nhật của Thùy Dung
vẫn tiến hành ấm cúng. Điện thoại của Tướng Phạm Xuân Chiểu chúc mừng.
Điện thoại của Fanfani và một khách đến – Sorayan.

Sorayan hôn Dung, hôn Luân
và hôn bé Lý.

- Jones sắp gặp anh. –
Saroyan bảo Luân, phấn khởi. Nhưng cô cụt hứng vì thấy Luân lầm lì.

- Tại sao? – Saroyan hỏi lo
lắng.

- Saroyan biết tôi căm ghét
tội ác...

- Em biết,... và em nói thật
với anh, Jones không dính vào việc giết anh em ông Diệm. Jones chống lại vì
Jones thuộc cánh quân báo, người của Ngũ Giác Đài và ở đây, người của tướng
Harkins.

- Tuy nhiên, tác phẩm này của
người Mỹ!

- Em không cãi... Đúng, phải
là của người Mỹ... Song, anh nghĩ thế nào nếu anh từ chối gặp Jones? Anh chịu cảnh
giam lỏng như thế này mãi sao? Và, không chỉ giam lỏng. Anh từ chối gặp Jones
nghĩa là từ chối mọi che chở và em tin là cả nhà sẽ bị tai họa kinh khủng...

Luân vẫn mím môi, Saroyan
sà sát Luân mặc kệ sự có mặt của Dung và bé Lý.

- Anh! Anh nghe lời em đi!
– Saroyan lay cả người Luân.

Luân trìu mến nắm tay
Saroyan đôi mắt hết sức buồn rầu.

- Anh cám ơn em... Anh có
cách hàng động, không để người thân phải đau buồn đâu.

- Anh đã bằng lòng gặp
Jones? – Saroyan mừng rỡ.

- Jones bảo em thông báo với
anh?

- Không trực tiếp như vậy
nhưng mang ý nghĩa như vậy. Tối hôm qua Jones nhắc em ngày sinh nhật của Dung
và dặn em đừng quên đến mừng, thay mặt cho cả ông ta... Ông ta đang bận công việc
khẩn, sẽ tiếp anh trong vài ngày tới... Nói bấy nhiêu thôi.

- Em có thể cho Jones biết
thái độ của anh: anh thấy chưa phải lúc. Anh muốn Jones làm sáng tỏ cái chết của
anh em ông Diệm...

- Nhưng, vào lúc này... công
khai giữ lòng trung thành với ông Diệm, e...

- Không sao! Vào
lúc này anh thấy trung thành với chủ thuyết do ông Nhu và anh thảo ra... Về
tình cảm, anh không chấp nhận lối thanh toán cá nhân tàn ác như vậy, về chính
trị, anh không thể tự cho phép làm trái lại.

- Em tin là anh đã dự định
các hành động... Em sẽ nói lại với Jones.

- Được... Em không cần giấu
giếm Jones điều gì cả. Em thuật lại đúng y những lời anh đã nói tại đây...

Saroyan nhoẻn miệng cười.

– Em sẽ làm vừa lòng anh!

Khi hai người phụ nữ ngồi kề
nhau to nhỏ - thế nào Dung cũng kể về két sâm banh – Luân vào phòng làm việc.
Anh mở radio tìm làn sóng Đài giải phóng. Phần tin tức khá phong phú: khí thế
phá Ấp chiến lược dân cao lan rộng từ nam vĩ tuyến 17 trở vào, đồn bót bị hạ
liên tục, đánh lớn ở Vĩnh Bình, đồn Ba Chúc bị vây hãm, quận lị Bến Tranh ở Định
Tường bị tấn công... Bình luận viên của Đài giải phóng nhấn mạnh việc khai thác
thời cơ, đánh rã quốc sách Ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng... “Tình thế
Mỹ ngụy đang rối loạn, phe phái giành nhau địa vị, trả thù trả oán... Phong trào
thành thị có khả năng chuyển biến tích cực - những người theo đạo Phật lần hồi
thấy được Mỹ lợi dụng vấn đề tôn giáo để thay ngựa giữa dòng, học sinh sinh
viên cũng bắt đầu hiểu ra không thể làm bình phong cho các âm mưu cướp nước và
bán nước... Kẻ thù chính của nhân dân ta là đế quốc Mỹ và bọn tay sai hiện nay
can tâm rước voi về giày mả tổ. Đồng bào các giới đừng để Mỹ và bọn tay
sai cực đoan dùng cái chết của anh em Diệm Nhu mà mê hoặc. Đó là chuyện nội bộ
của chúng. Nếu phải suy nghĩ thì các tướng tá và chính khách phải suy nghĩ. Khi
cần bảo vệ lợi ích của kẻ cướp, Mỹ sẵn sàng sát hại ngay thủ hạ thân tín nhất...”
Bài bình luận kết thúc như vậy.

*

Phiên họp đầu của Hội đồng Chính
phủ tẻ nhạt. Thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ vốn quen cương vị của một công chức thừa
hành, không sao điều khiển nổi một phiên họp, nhất là phiên họp bốn viên tướng:
Tổng trưởng Quốc phòng, Tổng trưởng An ninh, Tổng
trưởng Thông tin và Đô trưởng Sài Gòn. Trong bốn tướng, trừ Trần Tử Oai
mới nổi lên, còn ba là những kẻ trực tiếp âm mưu và nhúng tay vào cuộc đảo
chánh - đặc biệt, tướng Xuân, cặp mắt “có cô hồn” như Nguyễn Ngọc Thơ nghĩ
trong đầu. Thế là mạnh ai nấy nói. Tướng Đính dành cả giờ khoe
khoang “mưu kế” lừa gạt Nhu qua kế hoạch Bravo, tướng Đôn rung đùi thỏa mãn, tướng
Xuân im lặng quan sát. Các thành viên khác có vẻ chưa yên tâm lắm. Hầu hết họ
là kĩ thuật gia và phiên họp đầu chưa phải đi vào những vấn đề xử lí cụ thể. Bộ
trưởng Lưu Văn Tính thông báo tình hình tài chính: khá ngặt nghèo, quỹ cạn. Lối
ra không có gì mới: đích thân Nguyễn Ngọc Thơ sẽ gặp đại sứ Mỹ, Nguyễn Thành
Cung chịu trách nhiệm thảo thông báo phiên họp. Bản thông báo gồm mấy dòng:
Phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời do Thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ điều khiển,
đã nghe Trung tướng Tổng trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn thông báo tình hình chiến sự
chung các vùng chiến thuật; Trung tướng Tổng trưởng An
ninh Tôn Thất Đính thông báo tình hình nội địa. Phiên họp cũng nghe Tổng trưởng
Ngoại giao Phạm Đăng Lâm thông báo về quan hệ Quốc ngoại của Việt Nam Cộng
hòa và Bộ trưởng Lưu Văn Tính thông báo về tình hình ngân sách quốc gia. Chính
phủ đã đề ra một số biện pháp cấp bách.

Báo chí và đài phát thanh
công bố trước sự dửng dưng của dân chúng...