Ván bài lật ngửa - Phần IX - Chương 17 phần 1

P9 - Chương 17

Luân nghe điện thoại của
Dung: Anh rà đài Buôn Mê Thuột, có việc đấy!

Lọc qua các làn sóng, cuối
cùng rồi Luân nghe được đài Buôn Mê Thuột. một người nào đó đang đọc một đoạn bằng
tiếng Rađhê, Luân không hiểu. Anh chờ. Hết phần tiếng Rađhê, sau một bản hành
khúc ngắn, đài phát tin tiếng Anh. Tất nhiên, đây là điều khá lạ lùng – chưa
bao giờ đài địa phương có buổi phát tiếng Anh. Giọng xướng ngôn viên đúng là
người Rađhê, toàn văn bản tuyên cáo của “lực lượng tự trị người Rađhê ở Nam cao
nguyên Trung phần”:

“Dân tộc Rađhê sinh trưởng
và làm chủ vùng cao nguyên Đăk Lăk từ rất xa xưa. Thế nhưng, mảnh đất do tổ
tiên chúng ta khai phá thu hẹp dần, chúng ta phải đi sâu vào những nơi không có
điều kiện sống, dân tộc chúng ta bị việt vong. Chế độ Ngô Đình Diệm bóc lột
chúng ta. Chế độ của ông Nguyễn Khánh chẳng tốt đẹp gì hơn. Người Rađhê không
thiếu trí thức, không thiếu sĩ quan có tài, vậy mà chúng ta luôn bị chèn ép.
Người Mỹ đã kịp đến với chúng ta. Họ viện trợ cho chúng ta tất cả, gạo, muối, vải,
máy điện, thuốc men. Nhưng chúng ta nhận rất ít sự viện trợ rộng lượng ấy. Các vị linh mục
Tin lành của chúng ta không được tự do đi lại để giảng đạo. Người Rađhê trong
quân đội, gan dạ và mưu trí, được huấn luyện tốt về làm tham mưu và chỉ huy,
chưa ai được đề bạt cương vị cao, chỉ là lính đánh thuê cho người Kinh.

Phải chấm dứt nỗi bất công
trên.

Chúng tôi, sĩ quan và binh
sĩ Sapar, thể có Chúa Trời chứng giám, quyết không tiếc máu của mình, đòi Chính
phủ ông Nguyễn Khánh phải tiến hành thương lượng, trong đó, phải thỏa mãn đòi hỏi
thiêng liêng của dân tộc Rađhê là để cho người Rađhê làm chủ vùng đất Đăk Lăk
là xứ sở của mình, trong khuôn khổ liên bang với Việt Nam Cộng hòa. Quan cai trị
nơi đây phải là người Rađhê và do hội đồng tự trị Rađhê đề cử và bổ nhiệm, quân
đội người Rađhê thì sĩ quan phải là người Rađhê và chỉ hoạt động trên địa bàn của
tỉnh Đăk Lăk, mở trường đại học cho người Rađhê.

Chúng tôi tin rằng các dân
tộc bạn Sêđăng, Bana, Mơnông v.v... ủng hộ chúng tôi bởi vì chúng tôi đấu tranh
cho cả quyền lợi các bạn, chúng tôi muốn luôn luôn là thân hữu của người Kinh
và long trọng tuyên bố sẽ không bao giờ có một hành vi kì thị nào với các bạn
trên địa bàn Đăk Lăk.

Chúng tôi kêu gọi người Mỹ,
ân nhân lớn của chúng tôi, ủng hộ yêu sách khiêm tốn mà rất chính đáng trên.
Chúng tôi kêu gọi cộng đồng thế giới chú ý đến số phận của chúng tôi. Chúng tôi
kêu gọi Hội thánh Tin Lành thế giới và nước Mỹ theo lời dạy của Chúa cao cả đứng
bên cạnh chúng tôi.

Chúng tôi tạm giữ sáu mươi sĩ quan và không hề ngược đãi họ, để đề phòng sự tráo trở của Chính phủ
ông Nguyễn Khánh.

Đăk Lăk, ngày 20 tháng 9
năm 1964.

Trung tá Y Nouth.”

Sau phần tiếng Anh, đài
phát thanh tiếng Pháp, một số ngữ có lẽ là Sêđăng, Bana – Luân không rõ – rồi
tiếng Việt.

“Màn này vừa hạn, màn kia
đã vén... Tấn bi kịch quả dồn dập.” Luân trầm ngâm với các suy nghĩ.

Hôm qua, Thiếu
tướng Lâm Văn Phát gửi cho Luân một thư, công nhận việc làm của anh ta ấy nửa vời,
bỏ lỡ thời cơ nhưng cho biết “đây chỉ là một keo, một khúc dạo đầu” hi vọng sau
này sẽ bàn kĩ với Luân, “trên một tầm chính trị rộng hơn, với yêu cầu liên quan
đến vận nước chứ không chĩa vào vài cá nhân, nhất là loại cá nhân thực tế sẽ bị
Mỹ loại bỏ chẳng bao lâu nữa”

- Anh ta đĩnh đạc dần! –
Luân kết luận và đốt bức thư của Lâm.

Luân cũng được thư của Nguyễn
Thành Động:

“Tụi ông Đức, ông Lâm ‘chọc
cứt không nên lỗ,’ ‘vừa địt vừa run’ thì ra cái con mẹ gì!
Trong đội ngũ lại tạp nham đủ thứ tào lao... Nói thiệt, ai cũng trông chờ đại
tá! Làm một phát ra hồn coi! Hễ phất cờ thì kêu gọi thanh niên xuống đường, mà
cũng mí mí cho thấy mình không ưa Mỹ... Thằng Động này bàn những việc này với đại
tá chẳng qua là đụng đâu nói đó, đại tá là sư phụ của tụi này. Vừa gặp thằng Phụng
nó chửi ông Đức, ông Lâm tàn tệ...”

“Vẫn còn lực lượng, vẫn còn
người dám hành động. Động bạt mạng song có suy nghĩ...”

Luân đang đốt thư Động thì
chuông điện thoại reo: Thủ tướng Nguyễn Khánh mời Luân vào ngay Phủ Thủ tướng.

Nguyễn Khánh niềm nở khác
thường, biểu lộ ngay trong cái bắt tay Luân.

- Anh Luân này, có việc cần
anh đây... - Khánh mời Luân ngồi và vào đề ngay.

Việc mà Khánh cần, Luân
đoán khi nhận được điện thoại, chắc chắn là vụ lực lượng đặc biệt Sapar.

Quả vậy!

- Anh đã nghe qua vụ nổi loạn
ở Sapar chưa? – Khánh vừa hỏi vừa đùa về phía Luân mấy bức điện.

- Tôi nghe đài Buôn Mê Thuột!

- Vậy sao? – Khánh kêu thảng
thốt – Tôi chưa nghe... Nó nói giống gì?

Luân tóm tắt tuyên cáo của
Y Nouth.

- Lớn chuyện đa! – Nguyễn
Khánh nói giọng rầu rĩ – Thằng Y Nouth là thằng nào?

- Tôi chưa biết, song cũng
dễ biết thôi. Nếu trung tướng cần, cho tôi vài mươi phút...

- Cần chớ! Anh gọi điện cho
Tổng ủy tình báo hay Bộ Quốc phòng, hay Tổng nha cảnh sát?

- Không, tôi gọi cho James
Casey... Y đang ở Buôn Mê Thuột.

- Liên lạc với Buôn Mê Thuột
chậm. Có nơi nào mau hơn không?

- Có... Xin phép tôi dùng
điện thoại của văn phòng...

- Anh dùng điện thoại của
tôi, ngay đây...

- Cám ơn trung tướng...

- Anh đừng xưng hô Thủ tướng,
trung tướng với tôi. Ta là bạn của nhau mà...

- Hello! Nguyễn Thành Luân
đây... Xin gặp Thiếu tướng Jones Stepp... May quá! Chào tướng
quân...

Năm phút sau, Luân gọc ghi
chép trong tờ giấy cho Khánh nghe.

- Y Nouth sinh năm 1931,
người Buôn Hồ, dân Rađhê. Tốt nghiệp trung học ở Sài Gòn, theo lớp đào tạo sĩ
quan ở Đà Lạt khóa 4, ra trường năm 1955. Năm 1957, bổ túc ở Okinawa về pháo
binh. Năm 1958, tu nghiệp ở căn cứ Clack, Phi Luật Tân, tập sự chống du kích
vùng núi đến năm 1961. Hàm đại úy từ 1959, năm 1961 thăng thiếu tá, cuối năm
1963, trung tá, biệt phái làm chỉ huy trưởng Trường Đào
tạo Lực lượng Đặc biệt Sapar, quan hệ chặt chẽ với James Casey, Ymơ Eban, Đoàn Chí Khoa,
Kossem của Miên. Có ba vợ, một người Rađhê, một người Việt lai Âu và một người
Hoa, theo đạo Tin Lành truyền nối nhiều đời. Bố của Y Nouth là tộc trưởng một tộc
thanh thế ở Buôn Hồ. Vợ người Hoa của Y Nouth đang ở Chợ Lớn, chủ hiệu buôn
vàng lớn. Tất cả Y Nouth có sáu con, bốn trai hai gái... Nói tiếng Pháp giỏi hơn
tiếng Anh.

- Cám ơn anh! Anh hỏi thì
văn phòng của tướng Jones Stepp mới hé, tôi hỏi thì chớ hòng!

Giọng Khánh vừa rầu rĩ vừa
pha chút ganh tị:

- Người Mỹ họ nắm sĩ quan của
ta chặt quá!

Và, Luân hơi bỡ ngỡ khi
Nguyễn Khánh gọi điện cho Bộ Tổng tham mưu:

- Nguyễn Khánh đây, cho tôi
gặp sĩ quan phụ trách nhân sự. Này cho tôi biết về Trung
tá Y Nouth, chỉ huy trưởng lực lượng đặc biệt Sapar ở Buôn Mê Thuột... Không biết
gì hết à? Tên lạ hoắc à?

Khánh dằn máy, trở lại chỗ
ngồi, bóp trán:

- Hỏi thật anh, nếu không
có nguồn tin của tình báo quân sự Mỹ, anh đã hiểu gã Y Nouth này chưa?

Khánh hỏi Luân theo kiểu
sát hạch.

- Tất nhiên, với nhiệm vụ
thanh tra, tôi ít nhiều biết về các sĩ quan từ cấp úy trở lên... Nhưng, hồ sơ của
Mỹ đầy đủ hơn...

- Thôi, ta sẽ bàn sau việc
lập hồ sơ các sĩ quan. Bây giờ, tôi muốn trao đổi với anh về cách thương lượng
với Y Nouth... Anh từng cùng Ngô Đình Nhu đi thuyết Ymơ Eban... Ta nên bắt đầu
từ đâu?

- Anh quyết định thương
thuyết? – Luân hỏi và đổi cách xưng hô.

- Chớ còn con đường nào
khác? Mỹ muốn vậy.

- Điều kiện ra sao?

- Tôi cũng chưa biết... Điều
kiện của Y Nouth thì đã rõ...

- Anh có quyền thỏa mãn các
yêu sách của họ không?

Khánh không trả lời Luân,
anh ta như ngó vào chỗ mông lung. Câu hỏi của Luân đánh trúng tâm trạng của
Khánh, người cách đây vài hôm hò hét cách chức một loạt tướng tá, đột nhiên thấy
bơ vơ.

- Anh có cho rằng những vụ
liên tiếp xảy ra là dấu hiệu của một cái gì đó? – Khánh hỏi lại Luân.

Luân không thường gặp Khánh
và các lần gặp Khánh lại luôn ở trong tư thế pha một ít kịch, cho nên lần đầu
Luân thấy Khánh đúng là Khánh. Khánh tránh trả lời Luân đặc biệt chữ “có quyền”
mà Luân dùng. Nếu Khánh từ chối thương lượng, Mỹ sẽ bảo: Đấy, ông ta không thể
đoàn kết quốc gia, yêu cầu sinh tử để chống Cộng hiệu quả. Nếu Khánh thỏa thuận
theo điều kiện của Y Nouth thì vẫn không tránh khỏi một chẳng kém nghiệt ngã và
vẫn của người Mỹ - của phán xét khác, người Mỹ song được ai đó phát ngôn: Đấy,
ông ta bán rẻ lãnh thổ quốc gia, làm suy yếu tiềm lực chống Cộng, làm tan nát kỉ
cương quân đội...

- Về nghĩa nào? Tôi muốn hỏi
anh cái dấu hiệu kia. – Luân làm ra vẻ muốn sáng tỏ ý nghĩ của Khánh.

- Ví dụ, những tiết mục
trình diễn theo một chương trình lập sẵn...

- Tôi chưa dám đoán vội
vàng... Nhưng theo cái nghĩa tình hình xấu khuyến khích bao nhiêu đột biến thì
tôi cho đây là một trong các dấu hiệu đáng lo ngại.

- Nghĩa nào cũng không ổn đối
với chúng ta phải không?

Luân không gật đầu. Chữ “chúng
ta” của Khánh hoàn toàn không chính xác – trong phòng chỉ có hai người và đại
danh từ “chúng ta” không phản ánh nội dung chật chội của nó.

Dù sao, Luân cũng rút được
một nhận xét bổ ích: Khánh dao động.

- Anh có quen má Bảy của
tôi không? – Khánh lại hỏi một câu không ăn nhập với việc hai người đang trao đổi.

Tất nhiên Luân biết tiếng nữ
nghệ sĩ lẫy lừng Trương Phụng Hải, tức cô Bảy Phùng Há và biết đối với quan hệ
gia đình của Nguyễn Khánh với nữ nghệ sĩ này.

- Quen thì không, nhưng ai
mà không biết cô Bảy – Luân trả lời đẩy đưa. Anh muốn tìm nguồn gốc thật sự câu
hỏi không vô tình của Khánh.

- Tôi mới thăm bà... Bà
khuyên tôi nên cẩn thận...

Cánh cửa hé từ từ.

- Cẩn thận như thế nào? –
Luân hỏi.

- Bà không nói... Anh chắc
biết tôi xem bà như mẹ. Phải có nguyên có gì đó bà mới nhắc tôi.

- Tại sao anh không hỏi kĩ?

- Bà lắc đầu: con lớn rồi,
con tự suy nghĩ. Chiến tranh chỉ làm đồng bào mình đau khổ mà thôi... Bà bảo có
bấy nhiêu.

Luân chợt bừng sáng trong đầu:
Nữ nghệ sĩ Phùng Há quan hệ rộng, bạn bè nhiều, thân nhất có các ông Năm Châu,
Ba Vân, Ba Du, Tám Danh, Tám Củi, bà Thanh Loan, ông Tư Trang... Các ông Năm
Châu, Ba Vân đang ở Sài Gòn, họ chắc chắn không phải người xấu nếu không nói họ
liên quan đến cách mạng từ rất lâu, trong hồ sơ Tổng nha, Năm Châu bị liệt vào
danh sách “Cộng sản nằm vùng.” Các ông các bà khác hoặc ở Hà Nội, hoặc trong
thu giải phóng. Kể thêm, còn ông Chín Châu, Ba Thừa Vĩnh, Triệu Vân...

- Ta trở lại vụ Sapar... -
Luân bình thản trao đổi với Nguyễn Khánh. Thâm tâm, Luân tự trách mình đã quên
một khả năng có thể gọi là khá độc đáo để tiếp cận tướng Khánh.

- Chúng ta lên Buôn Mê Thuột,
sẽ tính toán tại chỗ.

- Tôi chưa biết tôi sẽ cùng
đi với anh...

Nguyễn Khánh cười:

- Tôi dùng chữ “chúng ta”
giữa lúc chỉ có mỗi tôi và anh. Anh không đi, làm sao “chúng ta” được.

- Nhưng từ đầu tới giớ,
chưa bao giờ anh nói điều đó với tôi.

- Thôi mà! Anh cần gì tranh
chấp thủ tục hình thức... Anh sửa soạn, ta lên đường trong ngày hôm nay...

- Đi bằng máy bay?

- Trực thăng...

Rồi mặt Nguyễn Khánh dàu
dàu:

- Trực thăng riêng, đảm bảo...

- Tôi hỏi để biết chứ không
phải sợ máy bay nổ như ở Đà Nẵng đâu! – Luân nói, hơi hài hước.

- Anh không sợ, còn tôi,
tôi sợ... Nói thiệt với anh, chưa bao giờ tôi ớn các cú đâm lén bằng lúc này.

Theo Luân, Nguyễn Khánh
linh cảm một số phận đen tối đang chờ anh ta. Không ít tiền lệ ở Việt Nam về lối
“vắt chanh bỏ vỏ” của Mỹ. Nhưng, mặt khác, Khánh lại là con người háo danh, hám
địa vị, thích quyền uy...

- Tại sao anh đích thân đi
mà không cử một tướng khác?

- Tôi phải đi! – Khánh gằn
giọng – Tôi phải cho mọi người biết tôi đủ sức giải quyết các vụ phức tạp... Chính
tôi, chứ không phải ai khác!

Khánh vừa nói vừa trỏ ngón
tay cái vào ngực mình. Luân bỗng nhớ Tôn Thất Đính, trong cuộc họp báo sau khi lật
đổ Ngô Đình Diệm đã có một cử chỉ y hệt như vậy.

- Vụ Ymơ Eban, chính Ngô
Đình Nhu lên tận sào huyệt của Fulro kia mà!

Khánh quả quyết. Tất nhiên,
Luân hiểu Khánh chẳng có gì cả so với Nhu - Nhu gặp Ymơ Eban vì lí do chính trị
chung chứ không để tự quảng cáo: sau này, gần như Nhu không một lần nhắc “cuộc
đi săn” ở bản làng heo hút kia.

*

Trực thăng hạ cánh trong tiếng
gầm rú của hàng tốp máy bay chiến đấu và trực thăng bảo vệ; mặt đất được canh
phòng nghiêm ngặt. Tướng tư lệnh vùng, tỉnh trưởng đón Nguyễn Khánh và hộ tống
về biệt thự.

Dọc đường, Luân không thấy
quân của Y Nouth. Thật ra, lực lượng đặc biệt đã rút về trại, vẫn
con tin và chiếm đài phát thanh.

Nghe báo cáo tình hình
xong, Khánh chỉ thị:

- Giành lại đài phát thanh
nhanh gọn!

Cũng chẳng nổ súng, lực lượng
đặc biệt “trao trả” đài phát thanh, lên xe nổ máy, chạy xuyên thị xã về trại,
không tỏ vẻ hối hả mà cốt phô trương thanh thế.

Khánh mất bình tĩnh:

- Bao vây trại Sapar, cắt mọi
nguồn tiếp tế, cả nước và điện...

Lần này lệnh của Khánh
không được thi hành.

- Tôi nhắc lại: bao vây... -
Khánh bật dậy, thét.

- Thưa trung tướng, trong
trại có đến ba
mươi sĩ quan Mỹ... Không thể thực hiện các điều đó.

Khánh giống cầu thủ mất đà
khi lao theo bóng, ngồi phịch xuống ghế. Bao nhiêu hào khí bốc hơi trong nháy mắt.

- Vậy thì phải làm sao? –
Khánh hỏi, yếu ớt.

Không ai trả lời.

- Anh Luân có ý kiến gì?

Luân như đắn do một lúc:

- Tôi xin phép vào trại
Sapar, gặp Trung tá James Casey.

- Muốn gặp Trung
tá James Casey thì không cần vào Sapar. Chiều nào ông ta cũng uống rượu ở bar
và đêm ông ngủ tại một biệt thự gần ngay đây thôi... Có lẽ, bây giờ, ông đang
chơi bài hay uống rượu tại biệt thự. - Tỉnh trưởng Đăk Lăk báo cáo.

- Cho tôi nói chuyện với Trung
tá James Casey, nếu ông ở nhà... - Luân đề nghị.

James Casey ở nhà.

- Tôi muốn gặp trung tá! –
Luân nói và cả phòng đều nghe.

- Chào đại tá, người bạn
quý của tôi... Nhưng vì việc công hay tư?

- Tất nhiên, tôi lên đây với
trung tướng, Thủ tướng Chính phủ...

- Nghĩa là vì việc công. Nếu
thế, tôi xin tiếp đại tá trong trại Sapar.

- Bao giờ?

- Tùy đại tá...

- Tôi sẽ thông báo trong
vòng vài phút...

Luân che máy, thuật lại lời
của James Casey.

- Họ muốn cái gì? – Khánh hỏi.

Luân nhún vai.

- Anh hẹn chiều nay đi... Thử
coi. Tôi nghĩ chẳng có gì nguy hiểm đâu.

Luân trả lời James Casey.

Chiếc xe Jeep chở Luân đến
cổng doanh trại Sapar, cách thị xã 4 cây số. Doanh trại trên ngọn đồi, bao bọc
chiến hào, rào kẽm gai và tường cao, nhiêu lô cốt, thoáng nhìn, có thể đánh giá
khu doanh trại khá rộng.

James Casey đón Luân, đưa
xe anh vào trong. Các tốp lực lượng đặc biệt đi lại rầm rập. Ngôi nhà hai tầng
dành cho cố vấn Mỹ mới xây xong, nơi James Casey tiếp Luân. Vài sĩ quan Mỹ chào
Luân rồi lẩn mất.

- Giờ này, các cố vấn lên lớp
lí thuyết ở các toán... - James Casey giải thích. Y mời Luân chọn rượu.

- Trại Sapar là trung tâm lớn
nhất cao nguyên đào tạo lực lượng đặc biệt người Thượng - James Casey vừa nhấp
Cognac pha Soda vừa trình bày – Tại đây, mỗi khóa sáu
tháng, với gần năm trăm học viên... Khung huấn luyện gồm sáu mươi sĩ quan và hạ sĩ quan Việt Nam, ba mươi sĩ quan Mỹ. Bộ chỉ
huy lực lượng đặc biệt sắc tộc Rađhê đóng ngay trong trại mà người cầm đầu, như
đại tá biết, là Trung tá Y Nouth... Hiện, dưới quyền ông ta đã có bốn tiểu
đoàn hoạt động từ Tuyên Đức lên đến Kontum. Cuối năm này, tiểu đoàn thứ năm sẽ
xuất quân. Đại tá hẳn đã đánh giá được hiệu lực của lực lượng đặc biệt từ nhiều
năm nay. Y Nouth là một sĩ quan học vấn cao, giỏi tổ chức, thông minh và uy
tín...

James Casey không đi vào nội
dung việc thương lượng, Luân cũng không nhắc.

- Ta đi một vòng, đại tá đồng
ý? - James Casey mời.

Luân cùng James Casey ngồi
chung trên xe của Luân, chạy theo các con đường trải đá đỏ, qua những dãy nhà cất
theo lối trại lính lợp tôn tương đối rộng và không quá tồi tàn. Xen kẽ các dãy
trại lính, những ngôi nhà khang trang hơn, lính ngồi trên bàn nghe giảng.