Đông Cung - Chương 01 - Phần 02

Có điều, bọn Vũ lâm lang này cũng gớm thật, chúng bám ngay sau chúng tôi, tôi và A Độ lượn lách mấy vòng rồi mà cái đuôi vẫn bám miết. Tôi vác cái bụng kễnh rong ruổi khắp nơi, chạy trốn bọn khốn này nãy giờ, sắp ói đến nơi rồi. Từ một ngõ nhỏ, A Độ kéo tôi chạy ra đường lớn, thế mà ngay trước mặt lại có một đám binh mã đang phăm phăm lao về phía này, xa xa ngó thấy đám ấy hình như cũng là người của Vũ lâm lang.

Chẳng lẽ lũ khốn này lại mai phục sẵn từ lâu? Tôi ôm đầu gối thở hồng hộc, kiểu này xem ra phải đánh nhau thật rồi.

Tiếng lạo xạo sau lưng mỗi lúc một gần, lũ khốn ấy đã đuổi đến nơi. Đám quân binh lăm lăm đèn đuốc cũng đã ở ngay trước mắt, kẻ dẫn đầu cao to cưỡi một con bạch mã, bỗng nhớ ra mình quen gã này, tôi mừng ra mặt:

- Bùi Chiếu! Ê Bùi Chiếu!

Bùi Chiếu ngồi trên mình ngựa, đưa mắt nhìn về phía tôi vẻ ngờ vực, gã chưa kịp nhìn rõ xem tôi là ai. Tôi nhảy cẫng lên, gào tên gã, tùy tùng theo hầu nhấc đèn lồng tiến lên soi tỏ mặt tôi.

Ngay lập tức, Bùi Chiếu từ trên ngựa phi xuống, chỉnh tề hành lễ với tôi:

- Thái...

Không để gã nói nốt hai từ tiếp theo, tôi vồn vã ngắt lời:

- Thái cái gì mà thái? Đằng sau có lũ vô lại đang đuổi ta, mau giúp ta cản chúng đi!

Bùi Chiếu thưa:

- Tuân lệnh!

Rồi gã đứng lên, trút vỏ thanh trường kiếm bên mình, gằn tiếng ra lệnh:

- Nghênh địch!

Binh sĩ sau lưng gã cũng đồng loạt tuốt đao, vừa lúc lũ khốn kia đuổi đến nơi, thấy phía này đèn đuốc sáng trưng một góc đường, có Bùi Chiếu giương kiếm đón đầu, chúng buộc phải ghìm bước chân. Mấy gã đi đầu còn cười gượng gạo, nhưng răng lợi đập vào nhau lạch cạch:

- Bùi... Bùi... Bùi Tướng quân...

Thấy cả tốp Vũ lâm lang, Bùi Chiếu không giấu nổi vẻ thảng thốt:

- Các người đang làm gì ở đây?

Bùi Chiếu là Kim ngô tướng quân, chuyên cai quản Vũ lâm lang, phen này bọn mạt hạng kia chết là cái chắc. Nhân lúc bọn chúng không để ý, tôi hớn hở kéo A Độ đánh bài chuồn.

Tôi và A Độ trèo tường quay trở về, khinh công của A Độ đúng là phi phàm, tường cao đến mấy chỉ cần muội ấy ôm tôi, khẽ nhảy vọt qua, không gây một tiếng động. Đêm về khuya, bốn bề lặng ngắt đến sợ. Chỗ này vừa rộng lại vắng, quanh năm suốt tháng chìm trong tĩnh mịch.

Chúng tôi như hai con chuột nhắt rón rén lẻn vào. Xung quanh tối như hũ nút, chỉ ở nơi xa xa kia mới thấp thoáng ánh đèn đuốc. Sàn nhà phủ một lớp thảm rất dày, giẫm lên mềm mại lại không hề phát ra tiếng động, tôi mò lên giường. Ôi chiếc giường yêu quý của tôi... Hễ nhớ đến nó là tôi không kìm được ngáp dài:

- Buồn ngủ quá…

A Độ bỗng nhảy dựng lên làm tôi hết hồn. Bốn bề chợt sáng bừng, kẻ nào đó vừa châm nến. Vĩnh Nương dẫn đầu một tốp người cầm đèn lồng ùa vào. Từ đằng xa tôi đã thấy bà ấy quỳ sụp xuống, nước mắt lưng tròng:

- Thái tử phi, xin người ban cho nô tì cái chết.

Tôi chúa ghét cái trò quỳ lạy, lại càng ghét Vĩnh Nương, ghét người ta gọi mình là Thái tử phi, ghét luôn cả cái trò hở một tí lại tội chết này tội sống nọ.

- Ôi dào, chẳng phải ta đã bình an trở về đấy thôi.

Lần nào trở về, Vĩnh Nương cũng tái diễn màn này, bà ta không chán nhưng tôi thì đã chán đến tận cổ. Y như rằng, Vĩnh Nương liền lau nước mắt, sai cung nữ hầu tôi tắm gội, chải đầu. Bọn họ chẳng nói chẳng rằng, lột phăng bộ quần áo nam trên người tôi, thay bằng một bộ y phục ba lớp trong, ba lớp ngoài mà tôi căm ghét nhất, choàng hết áo này đến áo nọ như cái thân tôi là chiếc bánh nhiều lớp, bóc mãi vẫn chưa thấy đậu phộng đâu.

Vĩnh Nương bẩm với tôi:

- Mai là sinh nhật Triệu Lương đệ[3], Thái tử phi chớ quên, dẫu sao vẫn phải có chút quà.

[3] Lương đệ là danh hiệu ban cho thiếp của thái tử, có địa vị khá cao trong số thứ thiếp của thái tử, chỉ xếp sau thái tử phi.

Tôi quấn một chiếc khăn to ngang ngực, ngoẹo đầu gà gật trong lúc cung nữ vẫn loay hoay giúp tôi rửa mặt. Mái tóc dài thả xõa ngang lưng được bọn họ dùng lược ngà chải chuốt cẩn thận, càng chải càng khiến tôi lừ đừ buồn ngủ. Tôi thấy mình chẳng khác nào con rối, muốn giật dây ra sao là tùy ở họ. Vĩnh Nương luôn miệng nói bên tai tôi một đống chuyện, nhưng tôi cứ trôi dần vào giấc ngủ, chẳng nghe lọt câu nào.

Sau một bữa no nê và dù nửa đêm vẫn phải chạy tới chạy lui trốn người ta rõ cực, bây giờ tôi đánh một giấc say không biết trời trăng gì. Đang say sưa, tôi bỗng choàng tỉnh vì có tiếng “uỳnh” cực lớn dội vào tai, mở mắt thấy trời sáng trưng mới biết, vậy ra mình đã ngủ một mạch đến tận trưa. Tôi thấy Lý Thừa Ngân đùng đùng xông vào, Vĩnh Nương tá hỏa dẫn theo đám cung nữ quỳ lạy nghênh tiếp.

Tuy tóc tai còn đang xõa xượi, mặt mũi vừa ngủ dậy chưa kịp lau nhưng tôi vẫn vùng dậy khỏi giường, cơ mà không phải vì sợ Lý Thừa Ngân đâu nhé, đơn giản chỉ bởi nằm trên giường mà cãi nhau với hắn thì thật là lép vế, mất hết cả khí thế.

Hiển nhiên hắn khởi giá đến chỉ để vấn tội, đanh mặt nhìn tôi:

- Cô vẫn ngủ được cơ à?

Tôi ngáp dài một cái rồi bảo:

- Có gì mà không ngủ được chứ?

- Cái loại đàn bà như cô sao lại nham hiểm đến thế hả?

Hắn cau có nhìn tôi, ánh mắt tựa như hai mũi tên vô hình cắm phập thành hai cái lỗ trên người tôi:

- Cô thôi cái trò giả nhân giả nghĩa đi!

Giọng điệu này xem ra không giống những lần gây gổ thường ngày, tôi chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì cả:

- Điện hạ làm sao vậy?

- Sao vậy à? - Hắn nghiến răng nghiến lợi, nói. - Triệu Lương đệ vừa ăn xong mì trường thọ cô ban liền nôn thốc nôn tháo. Sao lòng dạ cô có thể hiểm ác đến thế?

Tôi trừng mắt với hắn:

- Thần thiếp chẳng ban mì trường thọ cho ai cả, ai ăn đau bụng thì mắc mớ gì đến thần thiếp!

- Dám làm mà không dám nhận à? - Hắn nói bằng giọng khinh khỉnh. - Thì ra con gái Tây Lương toàn hạng vô liêm sỉ!

Suốt ba năm qua, Lý Thừa Ngân và tôi thường xuyên cãi vã, hục hặc, hắn thừa biết cách khiến tôi tức điên. Tôi nổi đóa, nhảy dựng lên:

- Con gái Tây Lương chẳng đời nào dám làm mà không dám nhận, thần thiếp chẳng làm gì cả, sao phải nhận chứ? Con gái Tây Lương xưa nay vốn ngay thẳng, đừng nói chỉ một mình Triệu Lương đệ, một khi đã muốn giết ai, thần thiếp sẽ đích thân xách kiếm đi liều mạng với người đó, chứ không thèm chơi trò hạ độc sau lưng hèn hạ này đâu! Nào có như Điện hạ đây, chưa hỏi rõ phải trái, trắng đen đã vu oan cho người khác, người như Điện hạ thì hảo hán Thượng Kinh cái quái gì chứ?

Lý Thừa Ngân hằm hè:

- Cô đừng tưởng ta không dám phế cô!Dù có phải liều mình với ngôi vị thái tử này, ta cũng không khoan dung nổi loại người lòng dạ hiểm độc như cô!

Tôi dứt khoát nói:

- Điện hạ muốn sao thì làm như vậy đi!

Lý Thừa Ngân tức tối phẩy áo bỏ đi, tôi cũng tức giận đến tỉnh cả ngủ, bụng cũng âm ỉ đau, A Độ đành xoa hộ tôi. Vĩnh Nương vẫn quỳ một chỗ, người run bần bật, hiển nhiên là bà ta sợ chết khiếp. Tôi nói:

- Mặc xác hắn, năm nào hắn chẳng phao tin sẽ phế ta, năm nay còn chưa nói đấy.

Vĩnh Nương lại khóc rưng rức:

- Thái tử phi thứ tội… Mì trường thọ đó là do nô tì sai người ban tặng...

Thấy tôi thảng thốt, Vĩnh Nương bèn thưa:

- Nhưng quả thực nô tì không có âm mưu gì cả, nô tì chỉ trộm nghĩ, hôm nay mừng sinh nhật Triệu Lương đệ, nếu Thái tử phi không tặng quà thì hình như có chút... có chút... Thái tử phi còn đương giấc, nô tì đã sai người ban ít mì trường thọ, chẳng ngờ Triệu Lương đệ ăn vào lại nôn thốc nôn tháo... Xin Thái tử phi phạt nô tì tội chết...

Tôi dửng dưng bảo:

- Chúng ta không giở trò gì, vậy ả bị đau bụng thì mắc mớ gì đến chúng ta, cái gì mà tội sống với cả tội chết? Bà mau đứng lên, quỳ mãi ở đó, ta nhìn ghét chết đi được!

Vĩnh Nương đứng dậy, nước mắt vẫn lưng tròng, thưa:

- Thái tử phi, chữ đó là kiêng kỵ, người không thể nói bừa thế được.

Dào ơi, có chữ “chết” thôi cũng nhiều chuyện. Ai mà chẳng phải chết? Mấy cái quy củ, phép tắc ở Đông cung thật đáng ghét, cái này không được nói, cái kia không được làm, ta bức bối, sắp chết đến nơi rồi đây này!

Sinh nhật Triệu Lương đệ mất vui chỉ bởi trận nôn thốc nôn tháo đó. Lý Thừa Ngân không nuốt trôi cục tức bèn làm ầm lên. Hắn muốn phế tôi cũng khó, chưa cần phụ hoàng hắn lên tiếng thì bên thái phó đã ngăn cản. Lý Thừa Ngân bèn mách lẻo với Thái hoàng thái hậu, Thái hoàng thái hậu liền sai người ban vài bộ sách, nào là Nữ huấn[4], Nữ giới[5], phạt tôi mỗi cuốn phải chép mười lần. Cái số tôi thật đen đủi! Tôi bị nhốt trong phòng, hì hục chép phạt suốt mấy ngày liền, kêu trời, trời không thấu, gọi đất, đất chẳng thưa, chép đến nhũn cả tay, mãi mà chưa xong.

[4] Nữ huấn là áng văn của Thái Ung - nhà văn, nhà sử học và là một vị quan cuối thời Đông Hán, viết để răn dạy con gái mình là Thái Diễm.

[5] Nữ giới là một bộ quy phạm lễ giáo hoàn chỉnh dành cho phụ nữ Trung Quốc, giải thích về hàm nghĩa của “tứ đức”, bao gồm công, dung, ngôn, hạnh của người phụ nữ do Ban Chiêu, nữ sử gia, nhà văn thời Đông Hán biên soạn.

Đang cặm cụi chép lần thứ năm thì Vĩnh Nương vào thưa rằng, một cung nữ hầu hạ Lý Thừa Ngân là Tự Nương đã có tin vui, phen này Triệu Lương đệ hẳn phải ngậm bồ hòn làm ngọt rồi.

Tôi ngu ngơ hỏi bà ấy:

- Có tin vui là gì thế?

Vĩnh Nương suýt chút thì tắc thở, bà ấy vòng vo giải thích cả buổi, tôi mới vỡ lẽ, ồ, thì ra có tin vui chính là có em bé đấy à?

Đến Thượng Kinh đã mấy năm rồi, tôi chưa thấy ai quanh mình sắp sinh em bé cả, chuyện hiếm hoi thế này đương nhiên tôi phải đi xem cho biết chứ. Tôi hớn hở định đi xem trò vui, vậy mà Vĩnh Nương sống chết can bằng được:

- Thái tử phi ơi, người chớ đi! Nghe đâu Thái tử Điện hạ từng hứa với Triệu Lương đệ rằng, tuyệt đối sẽ không hai lòng. Ngày hôm đó, chắc Thái tử Điện hạ say không biết trời đất gì nên mới có chuyện sủng ái Tự Nương. Triệu Lương đệ đang khóc lóc om sòm ở phủ bên đó, chẳng vui vẻ gì đâu. Bây giờ Thái tử phi mà đi thăm Tự Nương, thế nào Triệu Lương đệ cũng cho rằng Thái tử phi đang cố tỏ thị uy...

Tôi thật chẳng hiểu sao Vĩnh Nương lại nghĩ thế, bọn người ở Đông cung này rặt một kiểu khó hiểu như nhau, lối suy nghĩ của bọn họ lúc nào cũng quẩn quanh, toan tính. Tôi thở dài đánh sượt, Vĩnh Nương nói thể nào Triệu Lương đệ cũng nghĩ như vậy, có khi cô ả nghĩ thế thật cũng nên. Mà tôi thì chán cảnh cãi nhau với Lý Thừa Ngân lắm rồi, giả sử hắn lại mách lẻo với Thái hoàng thái hậu, thể nào tôi cũng bị phạt chép sách đến chết cho mà xem...

Tối hôm đó, Hoàng hậu triệu tôi tiến cung.

Ngày thường rất hiếm khi tôi đến vấn an Hoàng hậu mà chỉ có một mình, lần nào cũng kè kè Lý Thừa Ngân bên cạnh. Những gì Hoàng hậu hay nói với tôi thường chỉ giới hạn trong vòng ba câu: “Bình thân”, “Ban ngồi”, “Lui về nghỉ ngơi đi”, vậy mà hôm nay lại triệu kiến mình tôi. Vĩnh Nương nhấp nhổm không yên, buộc lòng phải theo tôi tới tham kiến Hoàng hậu.

A Độ không muốn gỡ thanh đao khỏi người, lại càng không nỡ rời xa tôi, bèn đứng đợi trước cửa Vĩnh An điện.

Nói đúng ra thì Hoàng hậu là người sắc nước hương trời, bà không phải mẹ ruột của Lý Thừa Ngân, thân sinh ra Lý Thừa Ngân là Thục phi, nghe đồn đó là một mỹ nhân tài mạo song toàn, được Hoàng đế hết mực sủng ái, tiếc thay vừa hạ sinh Lý Thừa Ngân không được bao lâu đã yểu mệnh mà qua đời. Hoàng hậu không có con, liền ẵm Lý Thừa Ngân vào cung nuôi nấng đến lúc trưởng thành, sau đó Lý Thừa Ngân danh chính ngôn thuận trở thành thái tử.

Hoàng hậu nói với tôi một tràng dài những lời lẽ uyển chuyển mà hàm súc, khiến tôi nghe mà ù ù cạc cạc, câu được câu chăng... Chắc Hoàng hậu thấy vẻ mặt tôi ngu ngơ như kẻ đi lạc, đành buông tiếng thở dài ảo não:

- Chung quy cũng bởi con quá thơ dại, chuyện ở Đông cung, sao chẳng bao giờ thấy con bận tâm? Thôi được rồi, ta sẽ cho người chỉnh đốn chuyện trong cung, truyền Tự Nương kia tiến cung chờ sinh vậy. Còn chỗ Triệu Lương đệ, con cũng nên có lời động viên, đừng để Ngân Nhi phiền lòng.

May mà tôi hiểu mấy câu này. Hoàng hậu vẫn dùng kiểu nói câu nệ, ý tứ căn dặn Vĩnh Nương thêm mấy câu, tôi đoán người đang phê bình Vĩnh Nương chỉ bảo tôi không đến nơi đến chốn, trông Vĩnh Nương quỳ sụp một chỗ, mặt cắt không còn giọt máu, miệng không ngừng lẩm nhẩm:

- Nô tì đáng chết! Nô tì đáng chết!

Đến vấn an Hoàng hậu đã chán lắm rồi, nghe những lời răn dạy còn tẻ nhạt hơn. Tôi lén di mũi chân xuống thảm, thảm trải sàn trong cung thường là cống phẩm của Thổ Hỏa Lỗ, lớp nhung dài mượt chạm vào chân êm như chạm vào tuyết. Khoanh một vòng, hoa văn trên thảm chuyển màu trắng, khoanh ngược lại, hoa văn trở lại màu sắc ban đầu... Cứ dùng mũi chân vẽ vời, hoa nở rồi lại tàn... tôi thỏa lòng nghịch ngợm, đột nhiên nghe Hoàng hậu ho khan một tiếng, ngẩng lên thấy người đang nhìn mình chằm chằm. Tôi vội chỉnh lại tư thế, khép nép rụt chân, giấu vào trong váy.

Từ Vĩnh An điện đi ra, Vĩnh Nương than với tôi:

- Thái tử phi ơi, người thương nô tì với, người cứ hấp tấp, gây chuyện như thế, nô tì chết cũng chẳng ai thương...

Tôi gắt:

- Biết rồi, biết rồi! Mấy hôm nay ta bị nhốt trong phòng chép sách, có gây chuyện gì đâu cơ chứ!

Vĩnh Nương dỗ dành, thưa:

- Đúng là mấy ngày nay Thái tử phi trầm tính đi nhiều, nhưng Hoàng hậu đã dặn Thái tử phi đi an ủi Triệu Lương đệ, Thái tử phi nhất định phải đi mới được.

Tôi chán chường vặn ngón tay, hậm hực nói:

- Lý Thừa Ngân không cho ta lân la lại gần nơi ả sống đâu, đừng đi thì hơn, kẻo Lý Thừa Ngân lại kiếm chuyện, phiền lắm.

- Lần này khác, Thái tử phi phụng ý chỉ của Hoàng hậu, có thể quang minh chính đại đến thăm Triệu Lương đệ. Hơn nữa, Thái tử phi nên tranh thủ cơ hội đứng về phía Triệu Lương đệ, Triệu Lương đệ đang phiền não về việc của Tự Nương, chỉ cần Thái tử phi hơi tỏ ý kết giao, ắt hẳn Triệu Lương đệ sẽ lấy làm cảm kích. Thái tử phi thân với Triệu Lương đệ rồi, sau này dù Tự Nương sinh được con trai thì cũng chưa chắc làm nên trò trống gì...

Tôi không thể hiểu nổi Vĩnh Nương đang nghĩ gì nữa, nhưng xưa kia bà ấy là cung nữ thân tín bên Thái hoàng thái hậu, trước lễ sắc phong tôi làm Thái tử phi, Vĩnh Nương được cử đến dạy tôi các lễ nghi cần thiết trong đại lễ sắc lập. Rồi sau này, chính bà ấy là người ở bên tôi trong những năm tháng vất vả nhất tại Đông cung, lúc đó Lý Thừa Ngân chẳng hỏi han, ngó ngàng gì tới tôi. Hồi chân ướt chân ráo tới Đông cung, nơi đây rặt những kẻ bợ đỡ, tôi là người Tây Lương nên động một tí lại bị người ta cười nhạo, đến kẻ hầu người hạ của nội cung cũng cả gan ức hiếp tôi. Tôi rất nhớ nhà, cả ngày chỉ biết ôm A Độ khóc, khóc miết rồi lăn đùng ra ốm. Bấy giờ, Lý Thừa Ngân vẫn quả quyết cho rằng tôi giả vờ, không cho người báo phủ Thái y lẫn trong cung. Đến lúc tôi nằm liệt giường, không ăn uống được gì, chỉ có Vĩnh Nương và A Độ chầu chực bên gối, bón từng thìa thuốc, cướp tôi từ chỗ Diêm Vương trở về.

Thế nên, mặc dù nhiều lúc cách nghĩ của bà ấy khá kỳ quái, song tôi vẫn chấp nhận. Nói cho cùng, ở Đông cung này, ngoài A Độ ra, chỉ có Vĩnh Nương là thật lòng nghĩ cho tôi.

- Thôi được rồi, ta đi thăm ả vậy!

- Thái tử phi chớ đi người không, người cũng nên ban cho Triệu Lương đệ vài món quà quý, rồi từ từ lôi kéo thị.

Quà quý? Thứ gì mới là quà quý nhỉ?

Tôi trầm tư suy nghĩ.

Sau cùng, tôi trịnh trọng chọn ra một bộ cung tên của Cao Xương tiến cống, hai hộp cờ ngọc thạch, vài đôi tay nạng cầm chơi, còn có rượu thược dược Bài Di dâng nạp. Lúc thấy những thứ đó, mặt mày Vĩnh Nương méo xệch.

- Chậc… Ờ thì ta cảm thấy mấy món này cũng khá quý. - Tôi liếc nhìn sắc mặt Vĩnh Nương. - Bà cảm thấy không ổn à?

Vĩnh Nương thở dài, thưa:

- Dạ bẩm, để nô tì giúp Thái tử phi chọn quà vậy.

Sau đó, tôi cũng không kiểm tra lại những đồ Vĩnh Nương đã chọn, cái gì mà xuyến ngọc Hòa Điền[6] dát vàng, trâm vàng điểm thúy[7], trâm san hô đính hồng ngọc lưỡi liềm, chuỗi ngọc cẩn ly long[8], lại còn cao yến, bột hoa nhài gì gì nữa, không vàng rực thì cũng phải thơm nồng… Nói thực, tôi chẳng hiểu những thứ ấy quý báu ở chỗ nào, vậy mà Vĩnh Nương lại khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng:

[6] Ngọc khai thác ở Hòa Điền đẹp nổi tiếng nên được gọi là “ngọc Hòa Điền”. Hòa Điền là một trong những nước văn minh cổ kính nổi tiếng khu vực miền Tây, nằm trong vùng lòng chảo lục địa Á - Âu, nơi xung yếu phía nam trên Con đường tơ lụa.

[7] Điểm thúy: dùng lông của chim phỉ thúy (chim trả) gắn lên đồ trang sức, một kiểu chế tác trang sức từ đời xưa.

[8] Ly long: tức rồng không sừng trong truyền thuyết, để được trang trí trên các công trình kiến trúc hoặc đính trên trang sức, phục sức…

- Triệu Lương đệ nhất định sẽ hiểu tấm lòng của Thái tử phi.

Quả thật tôi cũng mong được gặp ả Triệu Lương đệ này. Trước đây, tôi chỉ gặp thoáng qua một lần, đó là ngày thứ hai sau đại lễ sắc lập, ả được tấn phong Lương đệ, phải tới khấu đầu yết kiến tôi. Bấy giờ, ấn tượng duy nhất của tôi về Triệu Lương đệ chỉ là một cô nàng mặc trang phục hoàng tộc đứng lẫn trong đám đông đang quây quần hành lễ, do khoảng cách quá xa nên tôi không nhìn rõ dung mạo cô ả thế nào.

Xem chừng Lý Thừa Ngân thật lòng yêu thích cô ả. Nghe đâu lúc đầu hắn không chịu lấy tôi, nhưng Hoàng hậu nói với hắn, nếu lập tôi làm Thái tử phi thì mới được nạp Triệu Lương đệ làm Lương đệ. Thế là tự nhiên tôi thành kẻ phá đám. Sở dĩ thường ngày Lý Thừa Ngân cấm Triệu Lương đệ lân la lại gần tẩm điện của tôi, mà cũng cấm chỉ tôi bén mảng sang bên đó là bởi hắn lo tôi sẽ bắt nạt cô ả. Chẳng hiểu hắn nghe ai sàm tấu, nói con gái Tây Lương không những quen thói đố kỵ nhỏ nhen mà còn biết bỏ bùa hại người, thành thử mỗi lần cãi nhau, chỉ cần tôi đả động đến Triệu Lương đệ là hắn nhảy dựng lên như mèo giẫm phải đuôi, làm như tôi sắp giết cô nàng đến nơi không bằng.

Quả thực, nhiều lúc tôi cũng thấy mình hơi đố kỵ với Triệu Lương đệ, tôi ghen vì có người dành cho cô ả nhiều tình cảm đến vậy chứ không phải vì những gì ả có. Tôi một thân một mình ở Thượng Kinh, bơ vơ không nơi nương tựa, mặc dù Vĩnh Nương tốt thật đấy nhưng tôi và bà ấy nói chuyện không hợp, thậm chí có những chuyện tôi nói mà bà ấy không hiểu.

Ví dụ, ở Tây Lương, về đêm chúng tôi nghe xạc xào bờ lau bãi sậy, chúng tôi cưỡi ngựa rong ruổi trên sa mạc bạt ngàn. Trời đêm Tây Lương xanh ánh tím, cảm giác rất gần, trong suốt vô cùng, mịn màng làm gợi nhớ món thạch nho dịu ngọt, mát lạnh, chỉ nghĩ thôi đã cảm thấy nó hiện hữu ngay nơi khóe miệng. Cả đời Vĩnh Nương chưa thấy quả nho thì sao có thể hiểu thạch nho là thế nào. Tuy A Độ hiểu những gì tôi nói, nhưng mặc kệ tôi huyên thuyên đến sùi bọt mép, muội ấy cũng chỉ đáp lại bằng ánh nhìn lặng lẽ. Mỗi lần như thế tôi lại thấy nhớ nhà kinh khủng, nhớ da diết Tây Lương rộn rã tiếng cười của mình. Càng nhớ Tây Lương, tôi càng ghét nơi Đông cung lạnh lẽo tình người này.

Tôi và Vĩnh Nương đi thăm Triệu Lương đệ vào một buổi chiều nắng ráo. Theo hầu phía sau là mười hai đôi cung nữ, người cầm lồng xông hương, người phe phẩy quạt lông, người bưng tráp gấm đựng lễ vật. Ở Đông cung, chúng tôi đi đông người như thế hiển nhiên thu hút không ít sự chú ý. Bước vào sân vườn nơi Triệu Lương đệ sống, đã thấy cửa chính rộng mở, cô ả phục sẵn ở thềm ngóng đợi, chắc nghe ngóng được tin tôi sắp tới đây mà.

Trong phủ Lương đệ có trồng một cây cam đắng tỏa hương thơm lừng, trái non kết chùm xanh mơn mởn, tựa những cụm đèn lồng nhỏ xinh treo chi chít trên cành. Từ bé đến giờ, lần đầu tiên được nhìn thấy, tôi thấy hay hay, cứ ngoái đầu nhìn mãi không thôi, lúc lơ đễnh không để ý bước chân, giẫm vào váy, ngã phịch xuống đất.

Ba năm ròng tuy có bỏ công khổ luyện, song tôi vẫn thường xuyên giẫm phải vạt váy. Lần này tôi ngã đúng là mất mặt, Triệu Lương đệ vội vàng tiến đến đỡ tôi:

- Thái tử phi! Thái tử phi không sao chứ ạ?

Nói đúng ra thì cô ả lớn hơn tôi những hai tuổi... Lúc được ả dìu, tôi vẫn cắn răng chịu đựng, đau quá đi mất!

Triệu Lương đệ dìu tôi vào điện rồi sai người đi pha trà.

Vừa rồi ngã rõ đau, tôi ngồi yên trên ghế không dám nhúc nhích, hễ cựa quậy là lại nhói đau.

Vĩnh Nương tranh thủ sai cung nữ trình lễ vật, Triệu Lương đệ đứng dậy hành lễ với tôi:

- Đội ơn Thái tử phi đã ban tặng, nhưng muội thẹn không dám nhận.

Tôi không biết phải nói gì mới phải, may có Vĩnh Nương nhanh nhẹn đỡ Triệu Lương đệ dậy:

- Xin Lương đệ đứng dậy, thực lòng Thái tử phi tính ghé thăm Lương đệ từ lâu, chỉ là chưa có dịp. Lần này Hoàng hậu sai người đón Tự Nương nhập cung, Thái tử phi lo Lương đệ ở bên này thiếu người chăm sóc, bèn thu xếp ghé thăm. Mấy món lễ vật này do đích thân Thái tử phi dày công chọn lựa, tuy có chút đơn sơ nhưng cốt ở tấm lòng. Sau này, nếu Lượng đệ thiếu thứ gì, xin cứ dặn người qua lấy. Ở Đông cung này, Thái tử phi xem Lương đệ như chị em thân thiết, chỉ mong Lương đệ không thấy xa cách.

Triệu Lương đệ thưa:

- Tấm lòng quý mến của tỷ, tiểu muội đã hiểu.

Nói thật là, nghe bọn họ nói chuyện tôi hiểu câu được câu chăng, cứ thấy nôn nao, bức bối. Hóa ra Triệu Lương đệ không xinh đẹp như tôi vẫn tưởng, nhưng được cái hòa nhã, ăn nói dịu dàng, dễ nghe, mặc dù mình không ưa lắm nhưng cũng không bới ra lý do để ghét.

Tôi ngồi chơi chỗ Lương đệ cả buổi chiều, chủ yếu nghe Vĩnh Nương hầu chuyện Triệu Lương đệ. Cô ả rất quý Vĩnh Nương thì phải, lúc nghe Vĩnh Nương lan man hết chuyện này sang chuyện nọ, cô ả che miệng cười suốt, về sau, Triệu Lương đệ còn khen cung nữ của tôi mới khéo làm sao!

Từ phủ Lương đệ đi ra, tôi gặp Bùi Chiếu. Hôm nay đến phiên tuần, gã dẫn một đội Vũ lâm quân đi từ phía cổng gác. Thấy tôi dẫn cả đám người rời phủ Triệu Lương đệ, dù ngạc nhiên song gã vẫn kín tiếng, người vướng giáp trụ, đành chắp tay vái chào:

- Mạt tướng tham kiến Thái tử phi!

- Miễn lễ!

Sực nhớ lần trước may có gã ra tay cứu giúp, tôi nói đầy cảm kích:

- Chuyện ngày hôm đó, cảm ơn Bùi Tướng quân!

Không có gã, chắc tôi bị lũ vô lại kia truy đuổi đến chết rồi. Thực ra, cùng lắm thì đụng tay đụng chân thôi, nhưng vì lũ khốn ấy rặt quân Vũ lâm lang của Đông cung, nhỡ đánh xong, bọn chúng ôm hận, sau này biết tôi là Thái tử phi thì không được hay ho cho lắm.

Bùi Chiếu vẫn tỉnh bơ:

- Thái tử phi nói gì, mạt tướng không hiểu.

Chưa kịp mở miệng nói thêm mấy câu, Vĩnh Nương đã kéo tôi đi bằng được. Về điện rồi Vĩnh Nương mới giáo huấn:

- Nam nữ thụ thụ bất thân, Thái tử phi không nên qua lại với Kim ngô tướng quân.

Nam nữ thụ thụ bất thân ấy à? Nếu Vĩnh Nương biết lúc tôi lang thang ngoài đường, thường xuyên thách rượu, nghe hát, đánh nhau với đám đàn ông, thể nào cũng ngã vật ra cho mà xem.

Tôi bị ngã nên đùi sưng tấy, A Độ giúp tôi xoa thuốc. Chép sách xong xuôi, tôi lại lên cơn bứt rứt muốn trốn ra ngoài chơi. Khổ nỗi dạo này Vĩnh Nương canh chừng sát sao quá, đang định đợi đến đêm khuya tĩnh lặng sẽ lẻn ra, thế mà kế hoạch lại đổ bể, chỉ tại gã Lý Thừa Ngân tự nhiên mò tới.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3