Đông Cung - Chương 02 - Phần 01

Chương 2

Bấy lâu nay, hắn chưa từng ghé qua chỗ tôi vào buổi tối, thành thử chẳng ai phòng bị gì. Vĩnh Nương đã về phòng đi ngủ, cung nữ trực đêm cũng ngủ gà ngủ gật, tôi và A Độ hăng say đánh bài, ai thua phải ăn quýt. A Độ thắng liền bốn ván, còn tôi phải ăn những bốn quả quýt to, bụng dạ réo âm ỉ đúng lúc Lý Thừa Ngân đường đột bước vào.

Theo những điều tôi học vẹt từ hồi tổ chức đại lễ sắc lập, trước khi Thái tử đến, chỗ tôi phải cắt đặt sẵn mọi thứ để cung nghênh, từ chuẩn bị y phục, lồng hương cho tới lò đặt củi an tức[9], đêm đến phải sắp sẵn trà nước, sáng hôm sau phải pha nước súc miệng... Mấy điều này được liệt kê, đặt đề mục hết sức rõ ràng. Nhưng đó là việc của cung nữ, tôi chỉ cần đôn đốc họ làm là xong. Vấn đề ở chỗ, từ xưa tới nay, Lý Thừa Ngân chưa từng ngủ lại đây, thế nên từ tôi đến Vĩnh Nương, cho đến tất cả cung nữ đều trở nên lơ là, đám người hầu càng ngày càng lười nhác, chẳng ai hơi đâu đi sửa soạn theo khuôn sáo ấy làm gì.

[9] An tức hương: nhựa của cây cánh kiến trắng hay cây bồ đề vỏ đỏ, thường dùng để chữa bệnh bằng cách tán nhỏ sắc thuốc hoặc đốt xông hương.

Lúc hắn bước vào, tôi và A Độ đang ngồi bên bàn, say mê đánh bài.

Tôi vừa bốc được quân bài đẹp, đột nhiên trông thấy Lý Thừa Ngân, cứ ngỡ mắt mình bị quáng, tôi đặt quân bài xuống, ngẩng lên nhìn lại cho kĩ. Ơ, hóa ra đúng là Lý Thừa Ngân!

A Độ bật dậy ngay tức thì, lần nào Lý Thừa Ngân đến, chúng tôi cũng to tiếng cãi vã, vài lần suýt thì đánh nhau. Chẳng trách hắn vừa bước vào, muội ấy đã lăm lăm thanh đao bên mình, ánh mắt nhìn hắn chòng chọc ra chiều cảnh giác.

Khuôn mặt Lý Thừa Ngân vẫn đanh lạnh như mọi khi, rồi ngồi phịch xuống giường.

Tôi chưa kịp hiểu hắn muốn làm gì, chỉ biết giương mắt ngây ra nhìn hắn.

Hắn hống hách ra lệnh, cứ như thể đang ấm ức không có chỗ giải tỏa:

- Cởi giày!

Bấy giờ cung nữ trực đêm mới sực tỉnh, thấy Lý Thừa Ngân đang ngồi trên gường, liền thấy khiếp đảm như gặp phải ma. Vừa nghe hắn ra lệnh mới giật mình, luýnh quýnh chạy đến giúp hắn tháo giày, ai dè ăn ngay một cái đạp của hắn:

- Ta bảo chủ ngươi làm cơ mà!

Chủ nó còn ai vào đây nữa, ít ra ở cái điện này, chủ nó trên danh nghĩa đương nhiên là tôi rồi.

Tôi đỡ cung nữ kia đứng dậy, đập bàn quát:

- Sao Điện hạ lại đạp người ta?

- Ta đạp thì sao! Ta còn muốn đạp cả cô nữa đấy!

Nhanh như cắt, A Độ liền tuốt thanh đao bên hông, tôi đanh giọng hỏi:

- Điện hạ đến để cãi nhau hả?

Bất ngờ hắn mỉm cười, bảo:

- Ta không đến để cãi nhau với cô, ta đến để ngủ.

Thế rồi hắn chỉ vào A Độ:

- Ra ngoài!

Tôi không rõ hắn muốn làm gì, nhưng nhìn mặt hắn là biết chẳng phải chuyện gì tốt đẹp, lại còn quát tháo ầm ĩ, kinh động không ít người. Những người đang ngủ cũng choàng tỉnh, ngay cả Vĩnh Nương. Thấy Thái tử mò đến lúc đêm hôm khuya khoắt, Vĩnh Nương vừa kinh sợ vừa mừng thầm, kinh sợ là bởi bản mặt cáu kỉnh của hắn, còn mừng bởi bà ấy nghĩ bụng, hắn cứ đến là tốt rồi, dù là đến để cãi nhau.

Vĩnh Nương bước vào, bầu không khí bớt căng thẳng phần nào. Bà ấy phân công người sửa soạn trà nước, áo ngủ, nước súc miệng... Bọn người hầu được một phen tất bật, nhốn nháo, nhộn nhạo hẳn lên. Tôi bị cả đám người vây quanh, chải đầu, thay áo ngủ… Mọi thứ xong xuôi, Vĩnh Nương bèn lôi A Độ ra ngoài. A Độ khăng khăng không chịu, Vĩnh Nương liền ghé tai rủ rỉ mấy câu, không hiểu bà ta nói gì mà mặt A Độ đỏ lựng, ngoan ngoãn theo bà ta lui ra ngoài. Nói chung, trận nhốn nháo qua đi, trong điện chỉ còn tôi và Lý Thừa Ngân.

Xưa nay, tôi chưa từng mặc độc cái áo ngủ, đứng độc có một mình trước mặt bất kỳ gã con trai nào, thấy thật kỳ cục. Hơn nữa, phen sửa soạn ban nãy cũng đủ làm tôi mệt bã người. Tôi ngáp một cái thật dài, lên giường, kéo chăn rồi lăn kềnh ra ngủ.

Còn Lý Thừa Ngân ngủ hay thức, đó không phải việc tôi cần quan tâm.

Nhưng tôi thừa biết, sau đó hắn cũng leo lên giường, khổ nỗi trên giường có mỗi chiếc chăn, hắn liền đạp tôi một cái đau điếng:

- Cô nằm dịch ra xem nào!

Tôi đang thiu thiu ngủ, bị đạp một cái bỗng choàng tỉnh.

Những lúc buồn ngủ díp mắt, tính tình tôi thường hiền hòa hơn hẳn, cho nên chẳng thèm cãi nhau với hắn, thậm chí còn thương tình nhường hắn nửa cái chăn. Lý Thừa Ngân quấn chặt tấm chăn, quay lưng về phía tôi, chốc lát đã thở khò khò.

Đêm đó tôi trằn trọc mãi không sao ngủ được, tại Lý Thừa Ngân trở mình suốt, mà tôi lại không quen chung chăn với người lạ. Nửa đêm hắn kéo hết chăn, thấy lành lạnh tôi mới rùng mình tỉnh dậy, tống cho hắn một cú đạp rồi giằng lại chăn. Đêm hôm khuya khoắt chỉ vì chuyện cái chăn mà chúng tôi cãi nhau nảy lửa. Hắn tức tối nói:

- Nếu Sắt Sắt không khuyên nhủ thì đừng hòng ta đến!

Sắt Sắt là tên mụ của Triệu Lương đệ, cái tên cô ả treo ở đầu lưỡi hắn, giọng điệu lẫn sắc thái yêu chiều, cưng nựng hết mực.

Chợt nhớ ra chuyện hồi chiều, nhớ tới những gì Triệu Lương đệ nói cộng thêm những lời Vĩnh Nương từng kể, cuối cùng tôi cũng vỡ lẽ, tự dưng buồn lạ lùng.

Thực ra tôi cũng chẳng bận tâm, trước kia lúc hắn không đến, tôi vẫn sống thoải mái đấy thôi, không có gì chật vật cả. Thế nhưng hôm nay hắn đùng đùng xuất hiện, trong lòng tôi lại thấy se sẽ nỗi buồn tủi.

Tôi biết vợ chồng ngủ chung là lẽ thường tình, song tôi cũng hiểu, bấy lâu nay Lý Thừa Ngân chưa từng coi tôi là chính thê của hắn.

Thê tử của hắn là Triệu Lương đệ cơ mà. Chiều nay tôi mang quà cáp đi thăm hỏi Triệu Lương đệ, ả ta thấy tôi tội nghiệp bèn rủ lòng thương, khuyên nhủ Lý Thừa Ngân ghé chỗ tôi một đêm.

Phụ nữ Tây Lương chúng tôi xưa nay chưa từng cần ai phải thương hại.

Tôi bật dậy, nói thẳng thừng:

- Điện hạ về đi!

Hắn lạnh nhạt lên tiếng:

- Cô yên tâm, trời sáng là ta đi ngay.

Hắn trở người, xoay lưng lại, ngủ tiếp.

Tôi đành vùng dậy, choàng thêm áo rồi ra bàn ngồi.

Trên bàn đặt chao đèn bằng lụa, ánh nến dập dềnh, quầng lửa tỏa màu ấm cúng nhảy nhót như chực tràn khỏi lớp lồng đèn, trong lòng tôi, cảm xúc như cũng muốn dâng trào. Tôi chạnh lòng nhớ cha mẹ, nhớ các anh trai, nhớ con ngựa nhỏ của mình, lòng thầm nhớ Tây Lương…

Nỗi cô đơn gợi tôi nhớ Tây Lương, những ngày tháng ở Thượng Kinh cô độc lắm, thế nên trong lòng chỉ hướng về Tây Lương.

Chính vào lúc ấy, tôi chợt thấy trên cửa sổ đổ một bóng hình mờ mờ.

Tôi giật mình, vươn tay mở toang cánh cửa.

Gió đêm vương vất cái lạnh bỗng làm tôi rùng mình, bên ngoài vắng tanh không có một ai, chỉ có ánh trăng se sắt chảy tràn nơi nơi.

Tôi định đóng cửa, đột nhiên thấp thoáng đằng xa là chiếc bóng trắng treo trên cành cây, nhìn kĩ mới nhận ra đó là một người vận đồ trắng.

Tôi trố mắt đứng nhìn, đây là Đông cung, canh chừng nghiêm ngặt đến từng ngóc ngách, lẽ nào lại có thích khách xông vào hay sao?

Gã thích khách áo trắng ấy cũng to gan thật!

Tôi trợn mắt nhìn gã, gã cũng nhìn lại tôi. Đêm khuya thanh vắng đến mức tiếng gió lùa qua còn nghe rõ mồn một, ngọn đèn trên bàn gặp gió lại dập dềnh, gã đứng trên ngọn cây, lặng lẽ quan sát tôi. Gió lùa cành lá rung rinh, cơ thể nhuốm ánh trăng của gã cũng hơi tròng trành, sau lưng là quầng trăng sáng, mái tóc dài lẫn cánh tay áo tung bay trong gió, giống như gã đang cưỡi mặt trăng.

Tôi nhận ra rồi, là Cố Kiếm, chính là gã đàn ông quái đản ấy.

Sao gã lại lọt vào đây?

Suýt chút nữa tôi cắn phải lưỡi. Sau một cái chớp mắt, gã Cố Kiếm đã biến mất dạng.

Hay mình nhìn nhầm? Hay chỉ là mơ...

Chắc mình mắc bệnh nhớ nhà, làm gì cũng lơ mơ. Rạng sáng ngày hôm sau, Lý Thừa Ngân liền bỏ đi không thấy quay lại nữa. Vĩnh Nương lấy đêm đó làm chuyện vui, nhắc đến là mặt mày rạng rỡ, tôi không nỡ nói sự thật, thực ra đã xảy ra chuyện gì đâu mà!

Đừng thấy tôi nhỏ tuổi mà coi thường, lúc tôi và A Độ tản bộ ngoài đường, từng hiếu kỳ đến mấy chỗ câu lan[10], ngõa tử[11] xem qua rồi, chưa ăn thịt heo cũng phải thấy heo chạy chứ[12]!

[10] Câu lan, còn gọi là câu đương, câu tứ, vốn chỉ nơi giải trí, là chỗ biểu diễn tài nghệ cùa con hát thời xưa, nhưng về sau trở thành từ để gọi chung kỹ viện.

[11] Ngõa tử là nơi tiêu khiển, giải trí và mua bán tạp hóa tại các đô thị lớn, xuất hiện từ thời Bắc Tống.

[12] Ý nói việc tuy chưa làm bao giờ, nhưng đã trông thấy người ta làm.

Vĩnh Nương cảm kích ý tốt của Triệu Lương đệ, một dạo còn rủ cô ả đến chỗ tôi chơi bài.

Hôm đó chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà tôi thua liên tục, một ván hòa cũng không gỡ được. Tình trường không được như ý thì thôi vậy, lẽ nào đến bài bạc cũng chẳng ra sao! Vĩnh Nương thoạt tưởng tôi thông minh đột xuất, cố tình nhường Triệu Lương đệ, hòng nịnh cô ả mát lòng mát dạ.

Từ dạo đó, Triệu Lương đệ hay ghé chỗ tôi đánh bài, thú thực, giọng điệu của cô nàng khiến người ta thích mê, chẳng hạn cô ả vừa khen đôi ủng nhỏ của Tây Lương mà tôi hằng đi:

- Trung Nguyên làm gì có loại thuộc da tinh xảo thế này!

Tôi hớn hở vội hứa, đợt này nếu cha tôi phái người đến, tôi sẽ bảo họ mang theo vài đôi giày đẹp đẹp để làm quà tặng cô nàng.

Đang dở ván bài, Triệu Lương đệ hỏi:

- Lúc nào Thái tử phi định tiến cung thăm Tự Nương ạ?

Tôi lấy làm lạ, việc gì tôi phải vào cung thăm Tự Nương? Cô ta ở trong đó còn có người của Hoàng hậu săn sóc, mọi thứ đều ổn thỏa, tôi thăm nom làm gì chứ? Huống hồ Vĩnh Nương đã kể với tôi, vì chuyện của Tự Nương mà Triệu Lương đệ đã làm ầm ĩ một trận, khóc lóc mấy ngày liền, bắt Lý Thừa Ngân phải thề độc, dù Tự Nương có sinh con trai thì hắn cũng không được ngó ngàng đến cô ta. Tôi nghĩ bụng, hẳn Triệu Lương đệ ghét Tự Nương lắm, nhưng trước mặt tôi, cô ả lại vô tình gợi chuyện, giả vờ nhân hậu.

Vĩnh Nương ngồi bên cạnh bẩm:

- Bây giờ Tự Nương đã nhập cung, Hoàng hậu nương nương chưa triệu kiến, Thái tử phi cũng không tiện thăm nom ạ!

Triệu Lương đệ “ừm” một tiếng rồi làm như thể chẳng hề để bụng. Hôm đó vận bài bạc của tôi cũng không tệ, thắng được mấy đồng lẻ. Đợi Triệu Lương đệ đi khuất, Vĩnh Nương liền dặn:

- Thái tử phi nhất định phải đề phòng, chớ để Triệu Lương đệ lấy người ra làm bia đỡ tên.

Có lúc nghe Vĩnh Nương nói mà tôi chẳng hiểu gì cả, chẳng hạn như cụm từ “bia đỡ tên” này.

Vĩnh Nương bảo:

- Triệu Lương đệ căm giận Tự Nương lắm, ắt sẽ giở trò khiến đứa bé kia không thể chào đời. Thị muốn làm gì, Thái tử phi cứ mặc thị, vui vẻ mà thuận nước giong thuyền, song Thái tử phi cũng phải cẩn trọng, đừng để bị mắc mưu thị.

Càng nghĩ càng thấy khó hiểu, đứa trẻ còn đang nằm trong bụng Tự Nương, Triệu Lương đệ định làm gì để đứa trẻ không thể chào đời? Vĩnh Nương nói:

- Cách thì nhiều lắm, Thái tử phi là người đứng đắn, không nên tìm hiểu những chuyện này.

Tôi nghĩ thầm, chắc Vĩnh Nương cố tình nói thế, bởi lẽ xưa nay đã bao giờ tôi là người đứng đắn đâu, nhưng bà ấy đã nói thế thì tôi cũng không nỡ muối mặt gặng hỏi thêm nữa.

Thời tiết chớm lạnh, tôi và A Độ tranh thủ lẻn ra ngoài chơi.

Ở ngoài đường thật thoải mái, người qua người lại, xe cộ đông như mắc cửi, náo nhiệt biết bao. Chúng tôi ghé quán trà, nghe kể chuyện như mọi khi, vị tiên sinh trước kia không hiểu đi đâu mất, giờ đã đổi sang vị tiên sinh mới này, cũng không kể chuyện Tiên Kiếm nữa, mà chuyển sang bàn chuyện chinh chiến Tây Vực từ mấy thập niên trước của triều đình.

- Kể từ lần bại trận ấy, Tây Lương bị đại quân thiên triều đánh cho tan tác, phải cúi đầu thần phục. Tuyên hoàng đế nhân hậu, hẹn ước cùng Tây Lương kết mối lương duyên nhiều đời, đồng thời ban hôn Công chúa Minh Viễn của thiên triều cho khả hãn[13] của Tây Lương. Hai nước hòa thuận đã mười mấy năm nay, chẳng ngờ khả hãn già nua của Tây Lương vừa qua đời, tân khả hãn liền ngông cuồng tới mức tự xưng mình là Thiên Khả hãn, rồi tuyên chiến với triều đình ta. Khi đại quân thiên triều áp sát biên giới hai nước, tân Khả hãn trở tay không kịp, bèn cung kính giao nộp con gái mình, đổi lại sự khoan dung của thiên triều...

[13] Khả hãn hoặc khắc hãn, đại hãn: là một tước hiệu thủ lĩnh cao nhất trong ngôn ngữ Mông Cổ và Thổ Nhĩ Kỳ, được xem là người đứng đầu của đế quốc.

Mọi người trong quán cười ầm lên, A Độ đứng phắt dậy, ném phăng chiếc cốc. Bình thường A Độ là người can ngăn tôi không nên manh động, lần này lại đến lượt tôi sợ muội ấy nổi nóng mà đả thương người khác nên vội lôi A Độ ra khỏi quán trà.

Bên ngoài nắng vàng rực rỡ, tự nhiên tôi nhớ tới Công chúa Minh Viễn. Đó là người phụ nữ xinh đẹp, trang phục lẫn cách trang điểm khác xa con gái Tây Lương chúng tôi. Lúc dì ấy mắc bạo bệnh rồi qua đời, cha tôi cũng đau lòng lắm.

Cha tôi rất quan tâm đến dì ấy, người nói, đối đãi tử tế với Công chúa Minh Viễn cũng chính là tử tế với Trung Nguyên.

Dân tộc Tây Lương chúng tôi cứ tưởng mình tử tế với người ta thì đương nhiên người ta cũng tử tế lại với mình. Đâu như người Thượng Kinh, lúc nào cũng tính toán, trước mặt nói một kiểu, sau lưng làm một kiểu.

Nếu là ba năm trước, thể nào tôi cũng đánh cho lũ người trong quán trà kia một trận tơi bời, hiềm nỗi bây giờ lòng tôi đã nguội lạnh lắm rồi.

Tôi và A Độ ngồi nghỉ bên cầu, những cánh buồm căng gió lướt trên sông, người chèo đò cầm cây sào dài ngoẵng, một lúc lại cắm sâu xuống lòng sông, đẩy con đò đi dần về phía xa. Nhớ hồi mới đến Thượng Kinh, nhìn thấy thuyền bè tôi vô cùng sửng sốt, lẽ nào xe lại đi được trên sông? Thấy cầu tôi còn kinh ngạc hơn, tưởng là cầu vồng, ai lại xếp đá thành cầu vồng thế này? Ở Tây Lương chúng tôi, mặc dù có sông nhưng nước sông trong veo mà nông như một dải lụa bạc vắt qua thảo nguyên, nước sông róc rách chảy, ngồi trên lưng ngựa là lội được qua, nơi ấy không có thuyền, cũng chẳng có cầu.

Từ lúc đến Thượng Kinh, tôi được chứng kiến nhiều điều chưa được thấy bao giờ nhưng trong lòng lại không thoải mái.

Đang mải thả hồn ngẩn ngơ, chợt nghe có tiếng “ùm”, rồi tiếng gọi thất thanh vang lên gần đó:

- Có ai không! Ca ca cháu rơi xuống sông rồi! Ai cứu ca ca cháu với!

Tôi ngước nhìn lên, thấy phía xa xa có một bé gái chừng bảy, tám tuổi đang gào khóc kêu cứu:

- Mau cứu ca ca cháu với! Huynh ấy rớt xuống sông rồi!

Thấy một cái đầu nhỏ trồi trên mặt nước, lúc chìm lúc nổi, tôi liền nhảy bổ xuống sông, quên béng mất mình không biết bơi. Đến khi túm được tay thằng bé, tôi cũng bị sặc, uống không biết bao nhiêu là nước, trộm nghĩ lần này xong rồi, đã không cứu được người ta, mình cũng bị chết đuối. Tôi chết cũng không sao, nhưng chết rồi thì ai chăm sóc cho A Độ, một thân một mình muội ấy chẳng biết có tìm được đường về Tây Lương không...

Bụng ních đầy nước rồi cơ thể tôi cứ thế chìm dần. Đúng lúc tôi sắp ngất lịm thì được A Độ vớt lên từ dưới nước lên. A Độ đặt tôi nằm lên một phiến đá rộng bên bờ sông, miệng tôi ộc ra toàn nước. Nhớ năm xưa, lần đầu tiên thấy vại thủy tinh nuôi cá vàng trong Đông cung, bấy giờ tôi tự hỏi, sao nó lại to thế nhỉ? Cái bụng tròn lẳn đáng yêu chưa kìa, thỉnh thoảng còn nhởn nhơ nhả bong bóng nữa chứ! Bây giờ mới vỡ lẽ, hóa ra trong bụng nó toàn nước cả đấy.

A Độ ướt sũng từ đầu đến chân, nước trên áo quần thi nhau nhỏ giọt, muội ấy khuỵu gối ngồi cạnh tôi. Ánh mắt muội ấy nhìn tôi đau đáu, đầy vẻ lo âu, tôi biết mình mà không tỉnh lại, thể nào cô gái ngốc nghếch này cũng khóc ầm lên cho mà xem.

- A Độ... - Trong cơn mê man, tôi vẫn ói ra nước không ngừng. - Đứa trẻ kia đâu…

A Độ liền đưa thằng nhỏ vừa ngã xuống sông lại cho tôi xem, nó ướt nhẹp, nước nhỏ tong tong từng giọt, đôi mắt đen láy nhìn tôi chằm chằm.

Tôi cố gắng bò dậy, người dân quanh đấy thấy vậy thì xúm lại xem. Cả ngày tôi lang thang ngoài đường tìm trò vui, chẳng ngờ lần này cũng đến lượt mình bị người ta nhìn chằm chằm với vẻ soi mói. Tôi và A Độ đang dở tay vắt quần áo, chợt nghe tiếng hét thất thanh của ai đó, cùng lúc, chân nam đá chân chiêu len vào giữa đám đông.

- Con tôi! Ôi, con tôi!

Xem dáng vẻ chừng như một cặp vợ chồng, bọn họ ôm chầm lấy đứa trẻ rơi xuống nước ban nãy rồi gào khóc, đứa con gái cũng đứng bên dụi mắt.

Tôi lấy làm mừng trước cảnh nhà người ta sum vầy. Ngày qua ngày, lê la ở quá trà nghe kể chuyện anh hùng nghĩa hiệp, chẳng ngờ hôm nay mình cũng được làm anh hùng một phen. Ai dè thằng nhóc ban nãy chợt khóc toáng lên, không để tôi kịp tưởng tượng:

- Cha ơi, chính gã đàn ông xấu xa này đã đẩy con xuống sông!

Nói rồi nó chĩa tay, chỉ thẳng vào tôi.

Tôi trợn mắt, há miệng, thầm nghĩ, chuyện gì đang diễn ra thế này?

- Con cũng thấy chính hắn đã đẩy ca ca xuống sông đấy ạ! - Đứa con gái giọng còn non nớt mà tôi nghe chẳng khác nào tiếng sấm rền bên tai.

- Lòng dạ người đời sao lại dã man thế chứ!

- Đứa nhỏ đã gây thù chuốc hấn gì với hắn thế?

- Có trời mới biết! Trông mặt cũng có vẻ nho nhã, thế mà lại làm cái chuyện xấu xa này!

- Cái loại nho nhã cặn bã! Đồ mặt người dạ thú!

- Không thể tha cho nó!

- Đúng thế!

- Không thể tha cho bọn này được!

Người từ bốn bề xộc đến, xô đẩy chúng tôi. Đương nhiên A Độ cũng chẳng hiểu chuyện gì, chỉ biết giương mắt nhìn tôi. Tôi nghe mà gân xanh hai bên thái dương giật liên hồi, chẳng ngờ làm ơn mắc oán, tức thế không biết!

- Mau đưa thằng bé đến y quán để đại phu xem bệnh!

- Phải bồi thường nữa chứ! Vô duyên vô cớ đẩy thằng nhỏ ngã xuống sông, bắt nó đền tiền đi!

Tôi phân bua:

- Rõ ràng bọn tôi cứu đứa nhỏ này mà, sao lại lật trắng thay đen, đổ vạ cho chúng tôi đẩy nó được!

- Mày đẩy nó chứ mày cứu cái gì?

Tôi suýt phụt máu tươi, cái loại... cái loại lý lẽ gì thế này?

- Mày làm con trai tao sợ rồi đây này, phải mời đại phu tới xem bệnh mới được.

- Đúng, phải mời đại phu tới xem bệnh đã, xem có bị thương không!

- Đứa trẻ vẫn còn lành lặn thế, nó có bị thương đâu! Với lại, rõ ràng tôi vừa cứu nó...

- Lại còn cãi láo! Không đền tiền mời thầy thuốc chứ gì, lôi nó lên quan huyện giải quyết!

Đám người xung quanh đồng thanh:

- Dẫn chúng lên nha môn đi!

Thế rồi người ta nhộn nhạo gào thét:

- Lên nha môn!

Tôi bực lắm, lên thì lên, cây ngay không sợ chết đứng, mình ngay thẳng thì sợ gì ai!

Đám người nhốn nháo xô đẩy, lời qua tiếng lại cũng đủ thu hút ánh mắt của người qua đường, đã thế cặp vợ chồng kia còn vừa ôm con vừa gào toáng lên:

- Mau ra đây mà xem... Còn công lý nữa không... Xô con người ta xuống sông mà còn già mồm bảo mình cứu chúng. Chẳng lẽ trẻ con lại bịa chuyện...

Thế là tôi và A Độ chẳng khác nào hai con chuột tạt ngang chợ, hàng quán thi nhau ném rau thối vào người chúng tôi, kẻ rỗi hơi đi qua bắt gặp cũng nhổ nước bọt… May mà A Độ nhanh chân nhanh tay nên hai đứa không dính miếng rau thối nào, nhưng càng thế tôi càng bực.

Bước vào nha môn huyện Vạn Niên, lửa giận trong tôi mới nguôi ngoai phần nào, dù sao vẫn có nơi để mà cãi lý. Vả chăng lần đầu được đến chỗ này, nhìn cũng có vẻ khá đây. Dưới quyền Kinh triệu doãn[14] có hai huyện Trường An và Vạn Niên, với ý nghĩa bình an, trường tồn muôn đời, vì vậy mà Trường An và Vạn Niên được mệnh danh là hai huyện đứng đầu thiên hạ. Lúc thăng đường, khí thế bừng bừng, trong tiếng hô “UY” của đám nha dịch, huyện lệnh huyện Vạn Niên sải bước xuất hiện, ung dung an tọa, bắt đầu tra hỏi tên họ của nguyên cáo lẫn bị cáo.

[14] Kinh triệu doãn: chức quan đứng đầu phủ Kinh triệu, thuộc Tam phụ (bao gồm: Kinh triệu doãn, Tả phùng dực, Hữu phù phong) chuyên cai quản kinh đô.

Đến tận lúc này tôi mới biết đôi vợ chồng kia họ Giả, sống ở ven sông, mưu sinh bằng nghề bán cá. Lúc hỏi đến mình, tôi buột miệng bịa ra một cái tên giả, tự xưng là “Lương Tây”, mỗi lần tha thẩn bên ngoài tôi thường dùng cái tên này. Có điều huyện lệnh huyện Vạn Niên hỏi tôi làm nghề gì, tôi liền cứng họng, không biết phải đáp lại thế nào, gã sư gia ngồi bên nom dáng dấp tôi cũng chen đôi lời:

- Nói vậy tức là du thủ du thực?

Thì cũng gần như thế, kiểu lang thang nay đây mai đó, tôi liền gật đầu.

Huyện lệnh đại nhân nghe cặp vợ chồng kia nói hươu nói vượn một hồi, lại hỏi đến hai đứa trẻ, hai đứa trả lời đồng thanh trả lời, quả quyết bảo tôi đẩy thằng anh xuống sông. Huyện lệnh đại nhân thôi không truy cứu chúng nữa mà chuyển sang hỏi tôi:

- Ngươi biết bơi không?

- Không biết.

Huyện lệnh huyện Vạn Niên gật gù, phán rằng:

- Ngươi vô duyên vô cớ đẩy người ta ngã xuống sông, suýt chút nữa thì gây án mạng, ngươi còn gì để nói không?

Tôi tức tối giậm chân:

- Rõ ràng thảo dân thấy nó ngã xuống sông liền nhảy xuống cứu nó. Sao thảo dân có thể đẩy nó được, đẩy nó thì có ích gì?

Huyện lệnh phán rằng:

- Ngươi không biết bơi mà lại đi cứu nó, nếu ngươi không đẩy thằng bé, hà tất phải liều mình cứu nó?

Tôi cãi:

- Cứu người là trên hết, há cần nghĩ ngợi! Thảo dân thấy thằng bé rơi xuống sông liền nhảy xuống cứu, đâu có bận tâm mình không biết bơi!

Huyện lệnh nói:

- Ngươi chỉ giỏi vụng chèo khéo chống! Con người ta quen thói ích kỷ, ham sống sợ chết, ngươi và đứa trẻ vốn không quen biết, ngươi cũng không biết bơi, cớ gì lại lao xuống cứu nó, há chẳng phải chột dạ ư? Nếu bảo ngươi không làm, hà tất phải có tật giật mình? Một khi đã có tật giật mình, vậy chuyện ngươi đẩy nó xuống sông không còn nghi ngờ gì nữa!

Tôi liếc nhìn bốn chữ “gương sáng treo cao” sau lưng lão, gân xanh hai bên thái dương bất chợt giật giật, nó giật cái nào, tôi lại muốn xắn tay áo tẩn lão huyện lệnh này cái đó.

Huyện lệnh huyện Vạn Niên thấy tôi không còn gì để nói, liền ra phán quyết:

- Ngươi vô duyên vô cớ đẩy người ta xuống sông, hại con nhà người ta bị chấn động tinh thần, giờ bản quan phạt ngươi đền nhà họ Giả mười xâu tiền để an ủi cả nhà họ.

Tôi giận không biết để đâu cho hết, liền phá lên cười:

- Hóa ra ông toàn xử án kiểu này sao?

Huyện lệnh huyện Vạn Niên thủng thẳng nói:

- Ý ngươi là bản quan xử án bất công?

- Đương nhiên rồi! Thảo dân cứu người là chuyện rành rành ra đó, thế mà ngài chỉ nghe từ một phía, quyết không tin thảo dân.

- Ngươi cãi rằng mình không đẩy đứa trẻ, vậy có nhân chứng, vật chứng gì không?

Tôi nhìn sang A Độ, bảo:

- Đây là A Độ, muội ấy chứng kiến thảo nhân cứu người, sau đó cũng chính muội ấy đã vớt thảo dân và đứa trẻ kia lên.

Huyện lệnh đại nhân ra lệnh:

- Vậy gọi kẻ đó bước ra công đường để ta chất vấn.

Tôi nuốt giận nói:

- A Độ không biết nói.

Huyện lệnh huyện Vạn Niên phá lên cười:

- Hóa ra là một kẻ câm!

Lão vừa cười, tôi đã biết có chuyện chẳng lành, y như rằng A Độ tuốt vỏ đao nhanh như cắt. May mà tôi kịp giữ muội ấy lại, bằng không muội ấy đã cắt phăng đôi tai của gã huyện lệnh kia rồi. A Độ đứng yên một chỗ, gườm gườm nhìn gã quan huyện, nha dịch xung quanh vùng lên quát tháo:

- Trên công đường không được mang đao!