Đông Cung - Chương 04 - Phần 01
PHẦN II
VẺ XUÂN
Chương 4
Tôi dìu Lý Thừa Ngân dậy, nửa bên người hắn sẫm màu máu tươi, máu không ngừng túa ra từ miệng vết thương. Trong khi tôi vừa cuống vừa sợ, hắn còn hỏi tôi:
- Nàng có bị thương...
Câu nói còn bỏ ngỏ, miệng hắn đã ứa máu, máu của hắn bám đầy trên vạt áo tôi. Mắt tôi nhòa ướt, miệng thốt lên tên hắn:
- Lý Thừa Ngân!
Dù tôi ghét Lý Thừa Ngân thật đấy, nhưng xưa nay tôi nào có nguyền rủa hắn phải chết.
Hắn hoang mang nắm lấy tay tôi, khóe miệng đẫm máu, vậy mà còn cười được:
- Xưa nay ta chưa thấy nàng khóc bao giờ... chẳng lẽ nàng sợ... sợ làm góa phụ trẻ...
Lúc nào rồi mà hắn còn đùa được, nước mắt tôi cứ mặc sức trào ra. Chân tay tôi lóng ngóng định cầm máu cho hắn, nhưng phải cầm ở chỗ nào đây, máu len qua kẽ tay nhỏ xuống, những dòng máu ấm nóng, tanh nồng ấy, biết bao nhiêu là máu đã chảy. Tôi vô cùng hoảng sợ. Nhiều cung nữ nghe thấy tiếng động lạ liền chạy vào, có người vừa nhìn thấy máu đã hét lên hãi hùng rồi lăn ra ngất xỉu, trong điện tức khắc nhốn nháo, tán loạn. Tôi nghe bên ngoài có tiếng Bùi Chiếu đang xẵng giọng phát lệnh, thế rồi gã xông vào điện. Trông thấy gã, tôi tưởng chừng gặp được vị cứu tinh:
- Bùi Tướng quân!
Bùi Chiếu thoáng thấy tình hình, lập tức sai người:
- Mau truyền ngự y!
Nói rồi gã lao tới, trỏ ngón tay điểm toàn bộ huyệt đạo xung quanh vết thương trên ngực Lý Thừa Ngân. Gã thấy tôi vẫn ôm chặt Lý Thừa Ngân, bèn nói:
- Thái tử phi, xin người cứ đặt Điện hạ xuống, như vậy mạt tướng mới kiểm tra được thương tích của Điện hạ.
Đang hoang mang lo sợ mà thấy Bùi Chiếu vẫn trấn tĩnh như thế, sự bình tĩnh của gã khiến tôi được xoa dịu. Tôi nghe lời, đặt Lý Thừa Ngân nằm xuống, lúc vạch áo Lý Thừa Ngân ra, Bùi Chiếu hơi chau mày. Thoạt đầu tôi không hiểu cái chau mày ấy nghĩa là sao, nhưng thấy ngự y tức tốc chạy tới, rồi quá nửa Thái y viện được điều tới Đông cung, rất nhanh tôi đã hiểu. Tin tức được báo về trong cung, cửa phía đông rộng mở lúc nửa đêm đón Hoàng đế và Hoàng hậu trong trang phục vi hành, thân chinh xa giá đến Đông cung.
Tôi nghe ngự y bẩm với Hoàng thượng:
- Bẩm Bệ hạ, vết thương quá sâu, xin Bệ hạ thứ lỗi cho thần ngu muội, bất tài, chỉ e... chỉ e vết thương của Điện hạ... vô cùng đáng ngại...
Hoàng hậu rưng rưng rồi bật khóc trong câm lặng, tay cầm khăn liên tục chấm nước mắt. Bệ hạ cũng xây xẩm mặt mày. Còn tôi không nhỏ lấy một giọt nước mắt, tôi phải đợi A Độ trở về.
Bùi Chiếu phái rất nhiều người truy đuổi thích khách, không biết đã truy cứu được gì chưa. Tôi đâu chỉ lo cho mình Lý Thừa Ngân, còn nỗi lo về A Độ cứ canh cánh trong lòng.
Hôm sau, cuối cùng người của Bùi Chiếu cũng khiêng A Độ về, khi ấy A Độ bị thương rất nặng. Tôi thốt gọi tên A Độ, muội ấy khẽ hé mắt nhìn tôi, định nhấc tay lên, nhưng cánh tay không còn chút sức lực, chỉ có những ngón tay khẽ động đậy. Tôi nhìn theo ánh mắt muội ấy, ánh mắt ấy đăm đăm trên vạt áo tôi.
Tà áo tôi dính bê bết máu nhưng đều là máu của Lý Thừa Ngân. Tôi hiểu A Độ nghĩ gì, tôi siết chặt tay muội ấy rồi nuốt nước mắt, nói:
- Ta không sao đâu!
Dường như A Độ vừa buông tiếng thở phào nhẹ nhõm, muội ấy nhét vào tay tôi một vật cứng, rồi người lả đi.
Tôi vừa đau đớn vừa ăn năn, hối hận.
Vì đẩy tôi ra mà Lý Thừa Ngân bị thích khách tấn công ngay trước mặt tôi, chính mắt tôi chứng kiến thanh trường kiếm ấy găm sâu vào cơ thể hắn. Giờ đây, gã thích khách lại đả thương cả A Độ.
Là tại tôi, tại tôi bảo A Độ đưa đao cho mình. Đến đao cũng không cầm theo, muội ấy đã vội truy sát gã thích khách kia.
Bấy lâu nay, A Độ luôn theo sát bên tôi, người dám liều mạng bảo vệ tôi chỉ có mình muội ấy.
Lúc nào tôi cũng là người có lỗi với muội ấy, lúc nào tôi cũng gây chuyện, để muội ấy phải chịu khổ thay mình.
Tôi bật khóc nức nở.
Không ai đến an ủi tôi, Đông cung thì đang hỗn loạn, người nào người nấy chạy đôn chạy đáo, tất tả lo chạy chữa cho Lý Thừa Ngân, vết thương rất nặng, có thể sẽ không qua khỏi. A Độ sắp chết rồi, và cả Lý Thừa Ngân, chồng tôi… cũng sắp chết.
Tôi khóc mãi, khi Bùi Chiếu đến, gã khẽ khàng lên tiếng:
- Bẩm Thái tử phỉ, người của mạt tướng báo lại, lúc bọn họ truy sát tên thích khách, chỉ thấy A Độ cô nương hôn mê bất tỉnh ở đó mà không thấy tăm tích của tên thích khách đâu nên buộc phải đưa A Độ về trước. Hiện nay, chín cổng thành đã đóng chặt, Thượng Kinh đang giới nghiêm, thích khách không thể tẩu thoát được. Ngự lâm quân đã bắt đầu lục soát khắp kinh thành, xin Thái tử phi an tâm, tên thích khách khó lòng chạy thoát.
Tôi nhìn vật A Độ vừa đưa, vật đó lạ lắm, chỉ là một miếng gỗ có khắc hoa văn khó hiểu trên bề mặt, tôi không nhận ra nó là thứ gì.
Tôi giao cho Bùi Chiếu:
- A Độ đưa ta thứ này, ta đoán nó có liên quan đến hành tung của thích khách.
Bùi Chiếu bỗng giật mình, nhất định hắn biết vật này. Tôi gặng hỏi:
- Đây là gì thế?
Bùi Chiếu thoái lui một bước, gửi trả tôi miếng gỗ ấy, đoạn thưa:
- Đây là việc hệ trọng, xin Thái tử phi cứ đệ trình lên Bệ hạ.
Tôi cũng nghĩ, mình phải tấu trình vật này lên Hoàng thượng, tốt xấu sao thì người cũng là Thiên tử, là thân sinh ra phu quân tôi, là vị đế vương có quyền lực tối cao khắp thiên hạ. Người sẽ giúp chúng tôi truy xét đến cùng xem kẻ nào dám ám sát con trai người, dám sát hại A Độ.
Tôi quệt nước mắt, sai cung nữ thân cận đi trình bẩm, tôi muốn yết kiến Hoàng đế Bệ hạ.
Cả Hoàng thượng và Hoàng hậu vẫn ngự ở tẩm điện, chẳng mấy chốc Hoàng thượng đã cho triệu tôi, tôi bước vào vái lạy người:
- Phụ hoàng!
Rất ít khi tôi có dịp tiếp kiến Hoàng đế Bệ hạ, lần nào gặp, người cũng ngự trên ngai vàng ở một khoảng cách rất xa. Ở khoảng cách gần như thế này thì đây quả là lần đầu tiên. Tôi chợt nhận ra, người cũng trạc tuổi cha tôi, tóc ở hai bên thái dương đã chớm bạc.
Người đối với tôi rất ôn tồn, đoạn sai tùy tùng:
- Mau đỡ Thái tử phi dậy!
Tôi từ chối cái đỡ của nội quan:
- Khởi bẩm Phụ hoàng, tùy tùng của nhi thần là A Độ vừa truy đuổi tên thích khách, không may bị trọng thương, mới được Vũ lâm lang cứu về. Muội ấy giao cho nhi thần vật này, nhi thần không rõ là gì, nay tấu dâng lên Phụ hoàng, nhi thần trộm nghĩ, vật này ắt hẳn có liên quan đến thân phận của thích khách.
Tôi dâng miếng gỗ lên rồi dập đầu:
- Mong Phụ hoàng phái người kiểm chứng.
Nội quan đón lấy vật trên tay tôi, trình lên cho Bệ hạ xem, tôi thấy nét mặt người sa sầm ngay tức thì.
Người quay sang nhìn Hoàng hậu:
- Mai Nương!
Lúc ấy tôi mới biết tên cúng cơm của Hoàng hậu là Mai Nương.
Sắc mặt Hoàng hậu tối sầm, bà ấy bật dậy, chỉ vào tôi:
- Ngươi… ngươi dám vu cáo, hãm hại bản cung!
Tôi ngơ ngác nhìn bà ấy. Hoàng hậu khẩn thiết quay người, quỳ sụp xuống:
- Xin Bệ hạ minh xét, Ngân Nhi là do một tay thần thiếp nuôi nấng trưởng thành, tâm huyết cả đời thần thiếp đều dồn vào Ngân Nhi, thần thiếp tuyệt đối không bao giờ làm hại Hoàng nhi!
Hoàng thượng không buông lời, Hoàng hậu lại quay ra trách cứ tôi:
- Kẻ nào đã xúi bẩy ngươi dùng thủ đoạn này, hòng vu khống lật đổ bản cung?
Tôi đây đến mặt chữ Trung Nguyên còn không nhớ hết, khúc củi khô ấy khắc gì tôi nào có biết, thậm chí xưa nay còn chưa từng nhìn thấy nó, thế nên tôi chỉ biết thuỗn mặt nhìn Hoàng hậu.
Cuối cùng, Hoàng thượng lên tiếng:
- Mai Nương, chỉ e ngay bản thân con bé cũng không biết đây là thứ gì, sao có thể vu khống hòng lật đổ nàng được?
Hoàng hậu cả kinh:
- Bệ hạ, xin Bệ hạ chớ cả tin những điều xằng tấu này. Cớ sao thần thiếp phải ám hại Thái tử? Ngân Nhi do một tay thần thiếp nuôi nấng nên người, thần thiếp coi Hoàng nhi như con ruột...
Hoàng thượng lạnh nhạt nói:
- Con ruột...? Chưa chắc.
Hoàng hậu bưng mặt, nước mắt lã chã:
- Bệ hạ nói vậy tức là người cũng tin vào những điều sàm tấu. Tuy thần thiếp không mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày nhưng có khác nào thân sinh ra Thái tử đâu? Ngày Ngân Nhi mới ba tháng tuổi, thần thiếp đã ẵm vào cung, một tay thần thiếp nuôi nấng, chỉ bảo Hoàng nhi nên người, kèm cặp Hoàng nhi học hành đến nơi đến chốn. Cũng chính thần thiếp trình tấu mong Bệ hạ lập Hoàng nhi làm thái tử, thần thiếp đã dồn tâm huyết cả đời vào Ngân Nhi, cớ gì thần thiếp phải sai người hãm hại con mình?
Bệ hạ phá lên cười:
- Vậy Tự Bảo lâm vô tội thì sao, cớ gì nàng phải ra tay với Tự Bảo lâm?
Hoàng hậu giật thót mình ngước lên, bà ấy ngơ ngác nhìn Hoàng thượng.
- Chuyện hậu cung, trẫm không hỏi tới không có nghĩa là trẫm không biết. Nàng đã tạo đủ nghiệp chướng rồi. Cớ sao nàng xuống tay với Tự Bảo lâm mà không phải muốn trừ khử Triệu Lương đệ? Gia tộc họ Triệu nắm giữ trong tay binh quyền hùng hậu, tương lai sau này Ngân Nhi đăng cơ, cho dù không lập Triệu Lương đệ làm hoàng hậu, ắt cũng phải phong quý phi. Có đằng ngoại như thế, vậy mà nàng không hề coi như mối hiểm họa từ bên trong. Nàng chỉ canh cánh một nỗi bất an sau này Ngân Nhi ổn định giang sơn, điều gì đã khiến nàng sợ hãi? Sợ hoàng nhi sẽ chống lại mẫu hậu là nàng ư?
Hoàng hậu ấp úng:
- Cớ gì thần thiếp phải bất an...? Ý của Bệ hạ, thần thiếp không tài nào hiểu...
- Đúng, sao nàng phải bất an? - Hoàng đế lạnh nhạt nói. -
Chẳng phải vì e sợ Ngân Nhi biết, mẫu thân thân sinh ra nó, Thục phi năm đó... vì sao qua đời ư?
Sắc mặt Hoàng hậu tái mét, chân tay bủn rủn, ngã phịch xuống sàn.
Hoàng đế tiếp lời:
- Trách chăng nàng quá nóng vội, đợi thêm hai mươi năm nữa thì có hề gì? Bao giờ trẫm băng hà, Ngân Nhi đăng cơ, lập Triệu Lương đệ làm hoàng hậu, tất sẽ trở mặt với Tây Lương. Đến lúc ấy, giả sử Hoàng nhi dấy can qua với Tây Lương, nếu thắng, thâm tình giữa thiên triều ta và Tây Lương từ đó mãi mãi rạn nứt, chỉ e chiến tranh liên miên, hai nước rơi vào cảnh lầm than, rồi sẽ có ngày lòng dân oán hận sục sôi. Còn nếu chúng ta thua, nàng tranh thủ mượn gió bẻ măng, phế Ngân Nhi, lập tân đế mới cũng chưa biết chừng. Nước cờ này, phải chăng nàng đã tính thấu đáo từ lúc khuyên trẫm để Ngân Nhi cầu thân với Tây Lương. Đang yên đang lành, cớ gì nàng lại nóng vội đến vậy? Lẽ nào vì Thái tử và Thái tử phi bỗng nhiên gắn bó quấn quýt, hai đứa trẻ phải lòng nhau, há chẳng ngoài dự đoán của nàng hay sao?
Hoàng hậu thì thào:
- Thần thiếp cùng Bệ hạ kết tóc se duyên nên nghĩa phu thê đã ba mươi năm, thì ra trong lòng Bệ hạ, thần thiếp là người quá quắt vậy ư?
Hoàng thượng lạnh lùng giáng lời:
- Không phải trẫm nghĩ quá quắt về nàng, mà chính nàng đã làm những chuyện quá quắt. Gieo nhân nào gặt quả nấy, ác giả ắt ác báo. Nàng hại chết Thục phi, trẫm không hề đổ oan cho nàng. Nàng hại Tự Bảo lâm sẩy thai, giam lỏng Triệu Lương đệ, trẫm cũng không đả động. Trẫm luôn tự bảo mình, nàng làm tất cả chỉ để tự vệ, nếu Hoàng nhi của trẫm không ứng phó nổi mấy trò vặt này, chứng tỏ nó không xứng làm thái tử. Thế mà hôm nay, nàng lại táng tận lương tâm muốn ám sát Ngân Nhi. Con giun xéo lắm cũng quằn, huống hồ hổ dữ còn không nỡ ăn thịt con, dẫu nàng không phải người mang nặng đẻ đau hạ sinh Ngân Nhi, nhưng suy cho cùng, chính tay nàng đã nuôi nấng nó nên người, sao nàng có thể nhẫn tâm đến vậy?
Hoàng hậu thảng thốt, hàng nước mắt chảy dài:
- Thần thiếp không làm... Dẫu Bệ hạ không muốn tin, nhưng quả thực thần thiếp không làm... Thần thiếp không sai người hãm hại Ngân Nhi…
Trong lòng tôi trào dâng cảm xúc, thật không dám tin vào tai mình, tôi không dám tin vào những gì mình đang nghe. Hoàng hậu cao quý thường ngày, Hoàng hậu ôn tồn thường ngày… Lẽ nào lòng dạ người đàn bà ấy lại thâm độc đến vậy?
Hoàng thượng nói:
- Chẳng lẽ trẫm lại phải đưa nhân chứng, vật chứng ra hòng vạch mặt những chuyện nàng từng làm, lẽ nào trẫm phải hạ chỉ sai Dịch đình lệnh đến thẩm vấn nàng hay sao? Nếu nàng thành thật khai nhận, trẫm sẽ niệm tình phu thê ba mươi năm nay, không truy cứu nàng tội chết.
Nước mắt Hoàng hậu lã chã:
- Bệ hạ, oan uổng cho thần thiếp quá! Thần thiếp bị oan!
Hoàng thượng vẫn lạnh nhạt nói:
- Hai mươi năm trước, nàng sai người hạ độc mã tiền[34] vào thuốc của Thục phi, gói thuốc mã tiền đến giờ vẫn còn một nửa, đang cất tại ô tủ chìm thứ hai trong chính cung của nàng. Hay nàng muốn trẫm phái người đến đó lục soát, rồi ép nàng phải nuốt chỗ mã tiền đó?
[34] Cây mã tiền có trái trông giống trái cam nhưng trong hạt chứa nhiều alcaloid độc. Nếu ăn nhầm sẽ bị co giật toàn thân và tê liệt cơ hô hấp gây ngạt thở dẫn đến tử vong.
Hoàng thượng nói dứt câu, Hoàng hậu liền bủn rủn, ngã vật xuống sàn, ngất lịm.
Tôi có cảm giác, tất thảy mọi chuyện xảy ra trong đêm nay chẳng khác nào tiếng sấm giữa trời quang, đến giờ tiếng sấm vẫn bập bùng bên tai, liên miên từng hồi không dứt, vang dội tới mức tôi chết lặng người, đứng đờ đẫn như trời trồng.
Hoàng thượng quay sang vẫy tay gọi tôi. Tôi dè dặt tiến lại gần, quỳ trước mặt người. Người vươn tay, dịu dàng xoa đầu tôi, nói:
- Con ngoan đừng sợ, có Phụ hoàng ở đây, không kẻ nào dám làm hại con đâu. Thoạt đầu để Ngân Nhi lấy con, thực ra cũng là ý của ta, bởi lẽ ta biết con gái Tây Lương đối nhân xử thế rất thật lòng và ân cần.
Thú thực, tôi không hề thấy sợ, bởi bàn tay người ấm áp như bàn tay cha. Hơn nữa, người có nét giống Lý Thừa Ngân, mà xưa nay tôi có bao giờ e sợ Lý Thừa Ngân đâu.
Hoàng thượng nói với tôi:
- Gắng chăm sóc Ngân Nhi, từ nhỏ nó đã mồ côi mẹ. Nếu con thật lòng với nó, nó sẵn sàng móc cả trái tim trao cho con.
Dẫu người không dặn, tôi cũng sẽ chăm nom Lý Thừa Ngân chu đáo.
Thế nhưng sự tình đêm nay quả thực vẫn khiến tôi thảng thốt không thôi, tự đáy lòng tôi thấy sợ. Tất thảy những thứ trong cung đều đáng sợ, lòng người sao lại phức tạp đến thế? Như Hoàng hậu kia, có chết tôi cũng không ngờ bà ấy lại hại đứa bé trong bụng Tự Nương, chỉ vì muốn giáng họa cho Triệu Lương đệ thôi ư? Sinh mạng con người trong mắt bọn họ thật sự rẻ mạt thế thôi sao? Lại còn Thục phi, người thân sinh ra Lý Thừa Ngân nữa, vì sao Hoàng hậu phải hại chết Thục phi, chỉ vì muốn tước đoạt đứa con trai của Thục phi hay sao?
Mọi chuyện thật kinh hoàng, chúng khiến tôi phải ớn lạnh rùng mình.
Vết thương của Lý Thừa Ngân vô cùng nguy hiểm, đã ba ngày rồi mà hắn vẫn trong trạng thái hôn mê bất tỉnh. Tôi túc trực bên hắn không kể ngày đêm.
Tình hình vết thương có chuyển biến xấu, Lý Thừa Ngân sốt cao, không ăn uống được gì, đến thuốc thang cũng phải cạy răng, bón từng thìa.
Tôi nghĩ phen này hắn khó lòng qua khỏi.
Song tôi không hề khóc. Hắn đẩy tôi ra vào đúng lúc nguy hiểm nhất. Nếu hắn chết, cùng lắm tôi sẽ tự tử theo hắn.
Con gái Tây Lương chúng tôi không ưa kiểu sướt mướt, tôi đã khóc một chập rồi, bây giờ không muốn khóc thêm nữa.
Trong cơn mê man, Lý Thừa Ngân luôn miệng thì thào gì đó, tôi ghé tai nghe, mới rõ hắn đang gọi “mẹ” giống như lần trước bị ốm.
Ngẫm tới những gì Bệ hạ nói, tôi lại thấy mủi lòng, thì ra hắn cũng đáng thương biết bao, tuy địa vị là Thái tử đấy, song từ lúc ra đời chưa một lần được biết mặt mẹ. Trong khi tâm địa Hoàng hậu lại thâm độc đến nhường này, nếu để Lý Thừa Ngân biết bà ta là người hại chết mẹ ruột mình, hẳn hắn sẽ đau lòng lắm.
Rất nhiều ngự y được cử tới để theo dõi bệnh tình của Lý Thừa Ngân. Cùng lúc đó, Hoàng thượng hạ chiếu thư phế truất ngôi vị Hoàng hậu, việc này đã gây chấn động cả trong và ngoài triều, ngặt vì chiếu thư đã chỉ ra quá nhiều tội trạng của Hoàng hậu, nhất là hiện nay Lý Thừa Ngân còn chưa rõ sống chết thế nào nên chúng đại thần cũng khó lòng can gián. Tôi nghe mấy cung nữ rủ rỉ nói, nhà ngoại của Hoàng hậu vốn nắm nhiều quyền hành trong tay, hiện họ đang xúi giục đám quan viên Môn hạ tỉnh[35] không phê chuẩn chiếu thư, hòng phản đối việc phế bỏ Hoàng hậu. Tôi vốn không hiểu chuyện triều chính, giờ mới biết hóa ra thân là Hoàng đế không phải muốn làm gì cũng được.
[35] Môn hạ tỉnh: một trong ba cơ quan đứng đầu triều đình thuộc tam tỉnh chế, lo thu nhận những báo cáo từ các nơi gửi về, đồng thời chuyển những mệnh lệnh, sắc chỉ của vua tới các quan thừa hành.
Buổi sáng, tôi đến thăm Lý Thừa Ngân, buổi chiều lại về chăm A Độ.
Trên người A Độ có nhiều vết thương, thậm chí nội thương cũng khá nghiêm trọng. A Độ giỏi võ đến thế mà vẫn bị tay thích khách kia đánh đến nông nỗi này, xem ra gã không phải loại tầm thường. Do phải thường xuyên thay thuốc nên tôi lục tìm túi A Độ, lấy hết đồ để lên bàn. Vậy ra tôi đã đưa cho A Độ cầm biết bao nhiêu là thứ, toàn mấy thứ tôi thấy hay thì mua, như cái còi đất sét nặn hình chim non này, hay bông hoa bằng len đỏ kia... Mua được cái gì tôi lại đưa cho A Độ cầm, muội ấy thường xuyên dắt bên mình, phòng lúc tôi cần dùng.
A Độ của tôi, A Độ đối với tôi tốt biết bao, tại tôi khiến muội ấy phải khổ.
Lúc thấy mũi tên reo, tôi sực nghĩ đến một chuyện. Thế rồi tôi cầm theo nó, lẳng lặng đi ra ngoài.
Kẻ hầu người hạ trong Đông cung đều dồn về phía tẩm điện của Lý Thừa Ngân, trong hoa viên quạnh quẽ, vắng tanh, không có bóng dáng ai.
Tôi bắn tên lên trời, rồi ngồi đợi ở đó.
Bẵng đi một lúc, chợt có cơn gió hiu hiu thổi khẽ, Cố Kiếm lặng lẽ đáp xuống trước mặt tôi.
Thấy tôi, gã có vẻ sửng sốt:
- Kẻ nào động đến muội?
Tôi cũng biết người ngợm mình bây giờ rất tệ, mấy hôm trước khóc một trận đã đời, mắt mũi sưng húp cả lên, cộng thêm mấy đêm liền mất ngủ khiến mặt mày xám xịt.
Tôi thuật lại sự tình một cách đơn giản cho gã nghe, Cố Kiếm trầm ngâm một lúc rồi hỏi:
- Muội muốn ta đi giết Hoàng hậu à?
Tôi lắc đầu.
Đúng là Hoàng hậu đã sát hại quá nhiều người, bà ta không xứng đáng sống tiếp trên đời này, nhưng Hoàng đế sẽ có phán quyết riêng của mình, không xử tội chết thì cũng phế truất rồi tống bà ta vào lãnh cung. Đối với loại người như Hoàng hậu, làm vậy đã đủ để giết bà ta.
Tôi van lơn:
- Ngươi nghĩ cách cứu A Độ được không? Muội ấy bị nội thương nặng lắm, hôn mê từ bấy đến giờ.
Cố Kiếm bất chợt phá lên cười:
- Ngộ thật, muội không nhờ ta cứu chồng muội mà lại van xin ta cứu A Độ. Thế tóm lại, muội yêu chồng muội hay A Độ?
- Lý Thừa Ngân bị thương bên ngoài, là thần tiên cũng đành bó tay, qua được hay không là số của hắn. Nhưng vì tôi, A Độ mới truy đuổi thích khách để rồi bị nội thương, tôi biết thế nào huynh cũng có cách.
Cố Kiếm sầm mặt, bảo:
- Đúng, ta có cách, nhưng cớ gì ta phải cứu muội ấy chứ?
Tôi cáu bẳn, nói:
- Huynh từng bảo, nếu có gì nguy hiểm thì cứ gọi huynh, bây giờ huynh lại giở quẻ không giúp!
Cố Kiếm đáp:
- Đúng thế, nhưng ta không hứa sẽ giúp muội cứu kẻ khác.
- Bây giờ, sinh mệnh của A Độ là chuyện đáng lo hơn cả, mạng của A Độ cũng là mạng của tôi. Vì tôi mà muội ấy có thể liều mình bất chấp tất cả, vết thương của muội ấy cũng là vết thương của tôi, huynh không cứu A Độ... - Tôi tuốt đao, kề vào cổ mình. - Tôi sẽ chết cho huynh xem!
Cố Kiếm vẩy nhẹ hai ngón tay, thanh đao khẽ nảy lên, tuột khỏi tay tôi, rơi đánh “coong” xuống đất.
Tôi luýnh quýnh toan nhặt đao lên nhưng gã phất nhẹ tay áo, hất văng thanh đao đi chỗ khác. Tôi cáu tiết vung tay về phía gã, gã lập tức ghì chặt cổ tay tôi, trước khi nó kịp chạm vào vạt áo. Mắt cay sè, tôi nói:
- Không cứu thì huynh đi đi, sau này đừng gặp nhau nữa!
Cố Kiếm nhìn tôi trong chốc lát, sau đành buông tiếng thở dài rồi nói:
- Thôi đừng giận nữa, ta sẽ cứu muội ấy.
Tôi kiếm cớ đuổi hết người hầu trong phòng A Độ ra ngoài, rồi vẫy tay gọi Cố Kiếm đang đứng ngoài cửa sổ. Từ bên ngoài, hẳn nhảy vọt vào trong mà không hề gây tiếng động. Kiểm tra vết thương xong, gã bảo tôi:
- Kẻ nào ra tay thật ác độc, đến kinh mạch cũng đứt gần hết.
Thấy tôi rùng mình sợ hãi, gã tiếp lời:
- Nhưng ta vẫn có cách.
Nói đoạn, mắt gã liếc qua tôi:
- Có điều, nếu ta cứu A Độ, muội định báo đáp thế nào đây?
Bụng dạ nóng như lửa đốt, tôi nói:
- Lúc này rồi mà huynh còn nói kiểu ấy! Huynh cứ cứu A Độ trước đi, cần bao nhiêu tiền bạc, tôi sẽ đưa.
Hắn khinh bỉ đáp:
- Ta cần tiền bạc làm gì? Muội coi thường ta quá đấy!
Tôi hỏi:
- Vậy huynh muốn gì?
Hắn cười cười:
- Trừ phi... trừ phi muội hôn ta.
Tôi suýt ngất xỉu, sao giống đàn ông lại thích gặm môi thế nhỉ?
Chẳng những Lý Thừa Ngân mà ngay cả gã cao thủ thoát tục Cố Kiếm này cũng vậy ư?
Tôi nghiến răng nghiến lợi tiến lại gần, ôm bờ vai gã, kiễng chân gặm môi gã một hồi.
Không ngờ gã lại đẩy phắt tôi ra, gắt hỏi:
- Ai dạy muội cái trò này?
Tôi lấy làm khó hiểu:
- Gì cơ?
- Trước kia muội chỉ biết thơm má ta thôi, kẻ nào đã dạy muội? - Gã sa sầm mặt. - Lý Thừa Ngân?
Chỉ sợ gã giở chứng không chịu cứu A Độ nữa, tôi bèn bấm bụng không dám cãi nhau với hắn.
Mặt gã đanh lại:
- Muội để Lý Thừa Ngân hôn muội ư?