Lạc chốn phù hoa (Tập 2) - Chương 17 - Phần 01

Chương 17. Trở mặt

1.

Tô Mạt quay về xe ô tô, lấy khăn giấy lau nước mắt. Một lúc sau vẫn không nghe thấy động tĩnh ở bên ngoài. Cô khởi động xe. Trong tiếng máy nổ, tâm trạng của cô càng hỗn loạn.

Ngày hôm sau, mới sáng sớm Chung Thanh đã gọi điện, nói thẳng: “Chị, đồ của em biến mất rồi.”

Tô Mạt vẫn chưa thức giấc, lười nhác ứng phó: “Đồ gì cơ?”

“Chị thử nói xem?”

“Em không nói, làm sao chị biết được?”

“Bạn học của em bảo gần đây chị đến trường tìm em mấy lần. Biết rõ thứ Bảy tuần trước em về nhà mà chị còn tới ký túc.”

“Thế thì sao nào?”

“Chị, nói thật với chị, em đã nộp đơn tới mấy trường đại học ở Mỹ. Bây giờ có tin tức rồi, chỉ đợi xin visa. Nhận được số tiền đó là em mua vé máy bay ra nước ngoài ngay.”

Tô Mạt nói: “Ba mươi triệu có thể mua bao nhiêu tấm vé máy bay? Em bay cả đời này cũng không hết.”

“Chị!” Chung Thanh sốt ruột giậm chân. “Bây giờ em muốn ra nước ngoài. Em cũng biết nhà họ Vương không dễ dàng bỏ qua cho em. Em định nhận tiền xong sẽ đi ngay. Bây giờ chỉ còn thiếu bước cuối cùng, chị không thể ăn trộm đồ của em vào lúc này.”

Tô Mạt bóp trán. “Ăn trộm gì chứ? Thanh Thanh, em đừng nói khó nghe như vậy.”

Chung Thanh tức giận. “Chưa hỏi đã tự tiện lấy đồ, không phải ăn trộm thì là gì?”

Tô Mạt cười. “Chị xới đất cho chậu hoa của em. Chẳng phải em cũng thường xuyên xới đất hay sao? Thảo nào nó tươi tốt thế.”

“Sao chị biết được?” Chung Thanh hỏi.

Tô Mạt xuống giường đi đánh răng, rửa mặt, hàm hồ đáp: “Lần trước, vừa vào phòng là em nhìn chằm chằm chậu hoa đó. Chị cũng thấy nó rất tươi tốt, nhưng nghĩ đến việc chăn màn em còn chẳng thèm gấp, bàn học không thu dọn, ở nhà, đừng nói đến chuyện trồng hoa, ngay cả cơm ăn nước uống cũng do người khác hầu hạ đến tận miệng. Em chính là một nụ hoa cần người khác nuôi dưỡng, làm gì có chuyện đột nhiên chăm chỉ như vậy?”

Chung Thanh hơi nản lòng, cất giọng mềm mỏng: “Chị, chị thông minh thật đấy. Được rồi, em không cần ba mươi triệu. Nhà họ Vương cho em bao nhiêu thì cho, chị trả lại đồ cho em đi!”

Tô Mạt xúc miệng, thở dài: “Thanh Thanh, em đừng lừa chị nữa. Chị dựa vào việc đoán ý tứ của người khác để kiếm miếng cơm. Trước đây chị không đề phòng em, bởi vì chị luôn coi em là một đứa trẻ, coi em là em gái ruột của chị. Nếu chị cố ý đề phòng, còn lâu em mới có thể giở trò. Ngay cả chị em mình cũng không thắng nổi thì làm sao đấu lại được những người đó?”

Chung Thanh không để ý, lại nói: “Chị trả đồ cho em!”

“Nó không ở chỗ chị, em đừng nghĩ đến những thứ không thuộc về mình. Chị cũng chỉ muốn tốt cho em mà thôi.”

Chung Thanh lập tức cúp máy. Cô tựa vào cửa sổ nghĩ ngợi một lúc, sau đó lại gọi điện. Người ở đầu kia vừa bắt máy, cô hỏi ngay: “Anh có yêu em thật không?” Đối phương trả lời, cô nói tiếp: “Em cũng yêu anh. Em có một thứ, chắc chắn anh sẽ thích. Anh có muốn xem không?”

Tô Mạt đi làm ở Bảo Thuận. Mấy ngày sau đó, cô không tập trung tinh thần nhưng lần nào Vương Á Nam ra ngoài làm việc cũng gọi cô đi cùng. Nếu có việc quan trọng, bà ta còn không quên nhắc nhở, chỉ bảo. Tô Mạt vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ, không dám phân tâm. Trong thời gian đó, Tùng Dung gọi điện kêu cô qua nhà chị ta ăn cơm. Sau khi tan sở, về thẳng nhà Tùng Dung, Tô Mạt mới biết Triệu Tường Khánh cũng có mặt.

Ba người vừa ăn cơm vừa trò chuyện. Nhìn thấy lão Triệu, Tô Mạt thấy không thoải mái, vì lại nhớ đến Vương Cư An. Không biết bây giờ anh thế nào? Nhưng cô ngại ngùng, không dám lên tiếng hỏi thăm. Tô Mạt bất giác liếc nhìn lão Triệu vài lần. Mỗi lần như vậy, lão Triệu cũng nhìn cô, hai người đều im lặng.

Tùng Dung cười, nói: “Cô kín miệng thật đấy! Chúng tôi nghe tin đồn mới biết chuyện này.”

“Gì cơ?” Tô Mạt giả bộ ngốc nghếch.

Tùng Dung nói: “Cô đừng đóng kịch nữa! Cuộc họp hội đồng quản trị bất thường lần trước, cô cũng có mặt, đúng không? Chỉ trong một ngày mà trời đất đảo lộn. Sự việc quan trọng như vậy mà tôi không hề nghe tin gì từ miệng cô.”

Tô Mạt lên tiếng: “Chúng tôi đã cam kết giữ bí mật nội dung cuộc trò chuyện của lãnh đạo cấp cao.”

Tùng Dung cười. “Thôi đi!”

“Gần đây trong công ty lan truyền tin đồn gì vậy?” Tô Mạt hỏi.

Tùng Dung còn chưa trả lời, Triệu Tường Khánh đã cười khùng khục.

Tùng Dung mắng: “Anh có bệnh à?”

“Không phải.” Lão Triệu xua tay. “Em thử nghĩ xem, lúc bấy giờ là thời đại nào? Hơn ba mươi năm trước, mua rau, mua mì, mua xì dầu còn phải xếp hàng, hàng hóa rất thiếu thốn, chỉ được mua theo số lượng quy định. Đồng tiền thời đó có giá trị, một con lợn con giá chỉ ba hào. Vậy mà một cậu bé bán được ba ngàn.” Anh ta đập bàn. “Anh biết ngay mà! Lão Vương giỏi làm ăn như vậy, xem ra là do gien di truyền. Bố mẹ ruột của lão Vương bán đứa con những ba ngàn, giàu to còn gì?”

Tô Mạt nghĩ thầm, tin đồn đã đến mức này rồi sao?

Tùng Dung lên tiếng: “Phiên bản em nghe được là không lấy tiền, tặng miễn phí.”

Lão Triệu nói: “Không đâu, ít nhiều cũng phải cho chứ, bằng không người ta toan tính điều gì?”

Tùng Dung chau mày. “Anh tranh luận với em thì có tác dụng gì?” Chị ta quay sang Tô Mạt. “Nghe lập trường chính thức của người ta xem thế nào?”

Tô Mạt cúi đầu ăn cơm. “Tôi không biết nhiều hơn hai người.”

Tùng Dung thu lại nụ cười, thở dài. “Xem ra là sự thật.”

Lão Triệu vẫn tỏ ra bình thản, ăn uống như thường lệ.

Tùng Dung kéo đĩa rau trước mặt anh ta ra xa. “Anh chỉ biết ăn thôi. Công ty đổi chủ, người đầu tiên bị đuổi việc chính là anh đấy.”

Triệu Tường Khánh im lặng, lại gắp thức ăn trong đĩa trước mặt Tô Mạt. Tùng Dung liền thu bát đũa của anh ta, mang vào bếp. Triệu Tường Khánh lấy giấy ăn lau miệng, nhìn Tô Mạt chăm chú.

Tô Mạt nuốt không trôi, cũng buông bát đũa.

Lão Triệu nửa cười nửa không. “Tiểu Tô, gần đây sắc mặt của cô không tồi.”

Tô Mạt nhìn anh ta. “Anh muốn nói gì?”

“Cô không muốn hỏi điều gì hay sao?” Anh ta nói.

Tô Mạt im lặng vài giây mới lên tiếng: “Anh ấy... anh ấy thế nào rồi?”

Lão Triệu lắc đầu. “Tôi không biết.”

Tô Mạt hỏi lại: “Vậy anh bảo tôi nên hỏi điều gì?”

Lão Triệu cười. “Không ngờ cô thẳng thắn như vậy!”

Tô Mạt lườm anh ta.

“Được, không nói linh tinh nữa!” Lão Triệu thu lại ý cười. “Mấy ngày qua, lão Vương không đến công ty. Tôi gọi điện hỏi người tài xế, ông Trương dường như già xọm đi, nói năng cũng không lưu loát. Ông ấy chỉ cho biết, hôm đó lão Vương về nói chuyện với ông ấy. Sau cuộc trò chuyện, lão Vương biến mất, không về nhà, bây giờ chẳng tìm thấy người.”

Tô Mạt bắt đầu thấy hoảng loạn nhưng cô vẫn lặng thinh.

Triệu Tường Khánh nhìn cô bằng ánh mắt nghiêm túc. “Lúc đề cử thành viên hội đồng quản trị độc lập, tầng lớp lãnh đạo cấp cao đã tranh cãi khá gay gắt. Về công về tư, lão Vương hoàn toàn có thể phản đối. Nhưng theo tôi được biết, sếp đã bỏ phiếu tán thành. Tôi đoán, có lẽ ngay cả Vương Á Nam cũng không ngờ...”

Tô Mạt không thể giữ bình tĩnh, lập tức đứng dậy. “Xin lỗi, tôi có việc phải đi trước. Hôm nay cảm ơn hai người!”

Vừa ra cửa, cô liền gọi điện thoại nhưng đối phương tắt máy.

Mùa hè sắp đến, bầu trời cao vời vợi, ánh sao lấp lánh ẩn hiện càng khiến bầu không khí trở nên tĩnh mịch.

Vương Cư An đang ở trên tàu hỏa.

Bất chợt nảy ra ý định, anh liền hỏi lão Trương địa chỉ. Không mua được vé máy bay, cũng không mua được vé tàu hỏa giường nằm, anh không nhớ trước đây mình đã từng ngồi ghế cứng hay chưa. Ký ức của anh đang ở trong trạng thái mơ hồ, đứt đoạn. Dường như có một khoảng ký ức anh đã cố ý quên đi.

Lúc này, dưới ánh đèn chói mắt, người ngồi bên cạnh ngáy khò khò, bầu không khí tạp nham, vẩn đục, giống như bàn tay của vận mệnh vô hình tạo ra giấc mộng trôi dạt khốn cùng. Không biết bao nhiêu lần, anh hy vọng mình chỉ đang mơ, khi tỉnh dậy, tất cả vẫn không thay đổi.

Tàu hỏa đi qua bao nhiêu thành phố, làng xã. Khi Vương Cư An đến nơi, ánh mặt trời chói lọi. Anh ngẩng đầu, cạnh sân ga là một tòa nhà thấp, bên ngoài sơn hai chữ màu đỏ khá lớn: Vân Cương.

Trong khi những hành khách khác mang theo túi lớn túi bé, Vương Cư An đi tay không. Anh đờ đẫn, giống một hành khách bị mất phương hướng trong cuộc hành trình.

Bên ngoài sân ga là một con đường thẳng tắp, bụi bay mù mịt. Những ngôi nhà theo phong cách thành phố và nông thôn kết hợp san sát hai bên đường. Vương Cư An đi đến trạm đỗ xe buýt nhưng mãi vẫn không thấy xe xuất hiện. Một người lái xe ba bánh ở bên cạnh hỏi: “Anh định đi đâu?”

“Miếu Sơn.”

Người lái xe phì cười. “Đi đến đó mà anh định ngồi xe buýt? Mấy ngày chắc cũng không tới nơi.”

“Có xa không?”

“Xem anh đến điểm nào. Tôi đi mất ít nhất năm mươi phút.”

“Anh có thuộc đường không?”

“Thuộc, khỏi mặc cả.” Người lái xe đáp.

Vương Cư An lên xe. Ghế sau chật hẹp, anh phải ngồi khom lưng, đường đi lắc lư, đất vàng bay đầy mặt.

Càng tiến về phía trước, đường càng hẹp, hai hàng cây bạch dương bên đường dần biến mất, đồng ruộng hiện ra. Lối đi nhỏ đầy ổ gà trải dài về phía xa xa, nối liền với một ngôi nhà thấp cũ kĩ. Chiếc xe ba bánh dừng lại trước hồ nước, người tài xế nói: “Chỗ này không thể đi qua, phía trước chính là nhà của Ngô gia.”

Vương Cư An trả tiền, vẫn không nhận tiền thừa theo thói quen. Anh đi qua nghĩa địa và cánh đồng, vòng vèo mấy lần, bất chợt nhìn thấy một ông già ngồi dưới bóng cây. Ông già có mái tóc bạc trắng, chân tay không bình thường. Bên cạnh ông già là một ruộng rau non mỡ màng. Cách đó không xa có một người phụ nữ đang hái rau, hai tay người phụ nữ dính đầy bùn đất.

Nghe tiếng bước chân, người phụ nữ liền ngẩng đầu. Nhìn thấy người khách, chị nói: “Phía trước là một nông trại, nhưng rau ở chỗ chúng tôi rẻ hơn, lại không phun thuốc sâu. Cậu có thể mua rồi cầm qua đó cho họ nấu.”

Vương Cư An đáp: “Tôi không mua rau.” Anh đảo mắt về ông cụ đang ngồi trên xe lăn. “Ông ấy là Ngô Cửu Phát? Sao chân tay lại bị buộc lại thế kia?”

Dường như người phụ nữ đã quen với câu hỏi này, chị không ngẩng đầu, chỉ nói: “Bệnh giảm trí nhớ của người già, không buộc ông cụ sẽ đi lung tung, nếu rơi xuống ruộng thì khổ. Ông cụ đúng là Ngô Cửu Phát, cậu tìm ông có việc gì?”

Vương Cư An hỏi lại: “Từ trước đến nay ông ấy đều như vậy sao?”

“Hai năm trước còn nhẹ, bây giờ thì lúc đỡ lúc nặng thêm. Lúc phát bệnh, ông già chẳng nhận ra ai.”

“Chị là gì của ông ấy?”

“Tôi là con gái ông ấy. Mấy người em gái của tôi đều ra ngoài làm thuê, chỉ còn lại mình tôi chẳng đi đâu được. Đành chịu thôi, phải có người trông nom ông cụ.”

Vương Cư An im lặng.

Chợt nghĩ đến câu nói của anh trước đó, người phụ nữ bất giác ngoảnh đầu về phía này. Vị khách đang nhìn ông cụ, vẻ mặt rất kỳ lạ. Anh đứng một lúc rồi quay người đi về con đường cũ. Người phụ nữ càng nhìn càng cảm thấy không bình thường. Chị giật mình, cái mẹt trong tay rơi xuống đất, mấy quả mướp lăn ra ngoài. Chị lẩm bẩm một câu: “Tiểu Ngũ?”

Vương Cư An đã đi xa.

Người phụ nữ không đuổi kịp, chỉ hét lớn: “Khoan đã... Khoan đã...”

Anh không quay đầu lại.

Người phụ nữ muốn đuổi theo anh nhưng lại lo cho ông cụ. Chị quay về, hỏi: “Bố, bố, bố đã nhìn thấy chưa? Đó là Tiểu Ngũ đúng không? Bố, có phải Tiểu Ngũ đã quay về không?”

Ánh mắt Ngô Cửu Phát mơ hồ. “Tiểu Ngũ? Tiểu Ngũ đâu...”

Người phụ nữ sốt ruột, cất giọng nghẹn ngào: “Cậu ấy từ nhỏ đã nghịch ngợm, trên đầu có hai cái xoáy, hơn một tuổi đã chạy đi chơi pháo, suýt nữa bị pháo nổ mù mắt, trên lông mày còn vết sẹo...” Nước mắt chảy giàn giụa trên mặt chị. “Mẹ mất sớm, từ nhỏ con đã phải cõng cậu ấy, cõng đi trồng rau, cõng đi học, ngay cả lúc nấu cơm cũng cõng cậu ấy... Người vừa rồi rất giống cậu ấy, con nhận ra cậu ấy, mắt cậu ấy giống người nhà chúng ta...”

Ngô Cửu Phát đột nhiên tỏ ra tỉnh táo. “Chị cả, chị khóc mười mấy năm trời, cứ trách bố bán Tiểu Ngũ. Nhưng lúc đó nhà chúng ta quá nghèo, không nuôi nổi...”

Người phụ nữ lại phóng tầm mắt ra xa nhưng không còn nhìn thấy bóng dáng vị khách vừa rồi. Chị ngồi bệt xuống đất, khóc nức nở.

Vương Cư An đi thẳng ra đường lớn. Nơi này không có xe, anh cũng chẳng nghĩ đến chuyện bắt xe.

Trời nắng chói chang, áo sơ mi của anh ướt đẫm, dính chặt vào người. Anh bước như cái máy. Anh đi bộ suốt buổi chiều, cuối cùng cũng nhìn thấy tòa nhà cũ kĩ ở sân ga. Lần này, ở bến xe buýt gần đó xuất hiện xe đường dài đi về thành phố, anh liền lên xe. Buổi tối đến thành phố, anh tìm một khách sạn để nghỉ ngơi.

Căn phòng xa lạ, mọi thứ đều được giản lược, mặc cho thế giới bên ngoài cửa sổ nhộp nhịp, tấp nập, rực rỡ ánh đèn.

Hồi đến nơi này tham gia cuộc đấu thầu, anh áo quần là lượt, xe đón người đưa. Bây giờ trở lại chốn cũ nhưng mặt đầy bụi bặm, tóc mai điểm bạc.

Ban đêm ngủ chập chờn, Vương Cư An tỉnh dậy rất sớm, trong lòng trống rỗng. Không có việc gì để làm, anh ngồi bất động mấy tiếng đồng hồ mới miễn cưỡng đi đánh răng, rửa mặt rồi gọi taxi đi lên chùa Tây Sơn.

Trong chùa khá đông khách hành hương, lư hương trước tượng Phật bốc khói nghi ngút. Tất cả vẫn như ngày nào, chỉ là căn phòng của vị hòa thượng già không còn dễ tiếp cận như lần trước.

Vương Cư An vừa đi về bên đó liền bị một nhà sư ngăn lại. Anh nói: “Tôi có người bạn họ Tô, là họ hàng của thầy trụ trì. Cô ấy nhờ tôi đến thăm thầy trụ trì.”

Nhà sư trẻ đi vào hỏi ý kiến, không bao lâu sau đã ra ngoài, trả lời: “Sư phụ nói không quen người nào họ Tô.”

Vương Cư An nói thẳng: “Tôi có một đoạn Phật kệ nhưng nghĩ mãi cũng không hiểu nên mới từ xa đến đây xin thỉnh giáo thầy trụ trì.”

Trước khí thế của anh, nhà sư trẻ nói: “Vừa khéo hôm nay sư phụ rảnh rỗi, có thể gặp mặt. Hay là thí chủ theo tôi ra đằng trước công đức ít tiền đã!”

Vương Cư An đi quyên tiền. Lúc quay lại, anh nhìn thấy cánh cửa căn phòng đó hé mở. Trong phòng vàng son lộng lẫy, rõ ràng đã được sửa chữa, trang trí lại. Bên trong có một hòa thượng tuổi trung niên, tai to mặt béo vừa ngáp ngắn ngáp dài vừa đi đi lại lại.

Vương Cư An nghi hoặc. Nhà sư trẻ vui vẻ đi vào phòng, một lúc sau lại đi ra, nói: “Trụ trì mời thí chủ vào trong nói chuyện.”

“Không phải ông ấy.” Vương Cư An đáp.

Nhà sư trẻ không hiểu. “Sao lại không phải? Vị ở trong phòng chính là trụ trì chùa của chúng tôi.”

Anh ta vừa dứt lời, một khách hành hương ở bên cạnh nói xen ngang: “Anh muốn tìm thầy trụ trì trước kia?” Người đó xua tay. “Anh đến muộn một bước rồi, tháng trước thầy đã viên tịch.”