Mùa đom đóm mở hội - Chương 09

Chương 9. Hương bồ kết

Khi tôi trở thành một thằng con trai cao lộc ngộc mười lăm tuổi, mẹ kể cho tôi nghe về cô Châu.

Ông nội tôi ngày xưa là một địa chủ giàu có nhất vùng. Có hai cái nhiều làm ông trở thành nổi tiếng, ấy là nhiều ruộng và nhiều vợ. Cha tôi là con bà cả. Bà năm hồi ông nội tôi cưới về còn thua tuổi mẹ tôi. Bà cả, bà năm là cách gọi của dân làng để phân biệt giữa các bà thôi chứ không phải tên. Bà năm là một cô đào xinh đẹp và hát hay nhất gánh hát chèo xứ Phượng. Người ta thường thấy bà năm mặc áo chẽn và đi guốc đỏ, tóc búi cao trông rất đài các, khác hẳn những phụ nữ chân lấm tay bùn trong làng. Hễ ông nội tôi và bà năm sánh bước đến đâu là ở đấy người ta bụm miệng cười bởi sự chênh lệch rõ rệt giữa hai người. Khi ông nội tôi mất, bà năm mới hai mươi tám, tuổi xuân hơ hớ, chưa con cái gì.

Cô Châu là con riêng của bà năm với ai thì không rõ, chỉ nghe người ta nói đó là ông bầu của gánh hát. Việc ấy dường như không phải là vấn đề gây bất bình lớn trong cái làng nổi tiếng là phong kiến này. Không ai nỡ trách móc bà năm. Bởi xét cho cùng, một người đàn bà có thể không có nhiều thứ, nhưng ai cũng cần có một đứa con. Má hồng phận bạc quả không sai. Năm cô Châu tròn hai tuổi thì bà năm chết vì ung thư vòm họng. Mẹ tôi, một cô giáo làng đã đón cô Châu về nuôi và từ đó cũng bỏ luôn ý định sinh thêm một đứa em gái cho tôi.

Cô Châu thua tôi hai tuổi. Thuở nhỏ, tôi nào đã hiểu sự tình gì nên tôi và cô Châu cứ sống cùng nhau như hai anh em trong nhà. Cô Châu mảnh dẻ, yếu đuối, da trắng xanh, xinh xẻo như búp bê. Tôi và cô Châu ăn chung mâm, ngủ chung giường, hằng ngày thơ thẩn đuổi bắt cào cào, hái hoa dại trên cánh đồng ngoài bờ đê. Từ nhỏ, tôi đã được coi là một thằng bé bặm trợn, không biết sợ là gì. Vì thế, trong mắt cô Châu, tôi thực sự là một anh hùng. Tôi luôn bảo vệ và sẵn sàng quyết đấu với bất kỳ đứa nào dám chòng ghẹo cô. Ngày mưa, đường làng trơn sình, lầy lội, tôi cõng cô Châu đến trường. Cô Châu không giống bọn trẻ con trong làng bởi cô không bao giờ đi chân đất. Mà đường làng trơn lầy, nếu không bỏ dép ra là ngã ngay. Cái sự bóng bẩy, đài các ấy hẳn cô Châu được thừa hưởng từ bà năm. Đặc biệt là năng khiếu hát. Ngay từ lúc đến trường, cô Châu đã là một con chim nhỏ hót véo von trong bất kỳ một liên hoan văn nghệ nào. Cô Châu học không giỏi như tôi, nhưng ca hát thì đúng là khả năng thiên bẩm làm nhiều người kinh ngạc. Mẹ tôi rất hài lòng về tôi và cô Châu. Mẹ nuôi nấng, dạy bảo cả hai chúng tôi bằng tấm lòng nhân hậu. Trong bất kỳ buổi biểu diễn nào của lớp, của trường, của xã, của huyện, mẹ đều bắt tôi đi “tháp tùng” cô Châu. Người rất thương cô Châu vì cô bé nhỏ, yếu đuối và hơn hết là sự thiếu thốn tình cảm của mẹ đẻ mà ngày ấy vì còn nhỏ nên tôi chưa hiểu gì.

Cô Châu là một phần tuổi thơ của tôi. Ngay từ những ngày bé tí ấy, tôi đã học cách làm chỗ dựa cho người yếu đuối. Nhà tôi có một giàn thiên lý, mùa hè tôi và cô nằm trên một chiếc chõng tre cùng nhìn qua kẽ lá để thấy bầu trời xanh. Mùi hương nồng nàn của giàn thiên lý ám ảnh chúng tôi, ngấm vào da thịt chúng tôi suốt thuở thiếu thời. Chúng tôi hay chơi trò đếm sao trước khi ngủ. Thường thì cứ đếm được đến khoảng một trăm là chúng tôi ngủ mất. Sáng dậy, cô Châu thường hỏi: “Toàn ơi, hôm qua chúng mình đếm được bao nhiêu ông sao nhỉ?”

Cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn tự hỏi, ngày tôi mười lăm tuổi, mẹ kể sự thật về cô Châu cho tôi nghe có tốt không? Thà rằng tôi chẳng biết gì về mối quan hệ ấy. Tuổi mười lăm đủ lớn để tôi nhận ra tình cảm khác biệt trong mình. Cô Châu lớn dần lên và càng lớn càng quyến rũ như một bông hoa kỳ lạ. Mái tóc đen dài, thoang thoảng mùi hoa thiên lý. Giọng hát của cô Châu cũng trở nên trong ngần, và cô đã đôi lần được giải trong các cuộc thi của huyện, của tỉnh. Nói thật lòng, tôi không ưa hát hò cho lắm nhưng chẳng dám can ngăn cô. Hoa thơm thì bướm ong tìm đến. Cô Châu mới học lớp mười mà trai làng đã đầy ngõ nhà tôi mỗi tối. Tôi, một phần vì đang ôn thi đại học, một phần vì ích kỷ, đã len lén rải đầy gai bồ kết trước cổng nhà. Thế là có ối anh chàng bị xịt lốp xe. Tôi chưa hiểu hết tình cảm trong mình, nhưng tôi không muốn bất kỳ một đứa con trai nào đến tán tỉnh cô. Khổ một nỗi, cô Châu lại cứ hồn nhiên xinh đẹp, hồn nhiên ca hát, hồn nhiên cười đùa với họ. Một lần, trên đường đi học về cùng cô, tôi đã đánh vỡ đầu thằng con trai ông chủ tịch xã vì nó dám chạy theo giật tóc cô Châu. Và tất nhiên sau đó bố tôi đã cho tôi một trận đòn nhừ tử.

Một hôm, trên đường tới trường, tôi bảo cô Châu: “Châu đừng tham gia hát hò gì nữa. Tôi không thích cái nghề xướng ca vô loài ấy. Nó bạc lắm. Châu cố học để vào đại học đi.”

Cô Châu bảo: “Nhưng tôi không thể bỏ hát được đâu. Sẽ vô nghĩa lắm, xin Toàn hiểu cho.”

Tôi gắt: “Không hiểu gì cả, hát với chả hò. Tôi sẽ đánh cho tất cả lũ nhố nhăng cứ bám theo Châu ấy. Mà Châu búi tóc cao lên, đừng để xõa thế nữa.”

Mặt tôi phừng phừng. Còn cô Châu phì cười rồi đi lặng lẽ. Từ hôm ấy, cô Châu dường như nghiêm nghị hơn. Những khi có tôi cùng đi, cô không cười cợt với bọn con trai nữa. Cô thường búi tóc cao tận đỉnh đầu và tỏ ra rất nghe lời, thậm chí còn có vẻ sợ tôi.

Năm ấy tôi thi đỗ đại học. Thế là đành tạm biệt bố mẹ, mái nhà ăm ắp mùi hoa thiên lý và cô Châu để về Hà Nội. Những ngày tháng đầu tiên ở trường đối với tôi thật khủng khiếp. Tôi nhớ ngôi nhà tuổi thơ của tôi, đặc biệt là nhớ cô Châu điên cuồng. Phải chăng tôi đã phải lòng cô? Không biết! Nhưng tôi chưa quen đối diện với sự xa cách cô bao giờ vì chúng tôi đã có mặt trong cuộc đời nhau từ tấm bé. Nỗi nhớ cô làm tôi mất ăn mất ngủ. Đêm nào tôi cũng nằm mơ thấy cô, lúc thì tôi cõng cô đến trường, lúc thì cô trên sân khấu với hai bím tóc thắt nơ hồng, lúc ngẩng mặt nhìn qua giàn thiên lý mà đếm sao trời...

Những ngày tháng ấy, tôi và cô thường gửi thư cho nhau. Điều bí mật này mẹ tôi không hề biết. Thư cô Châu viết bao giờ cũng dài, cô kể lể đủ thứ chuyện trên trời dưới biển. Dường như cứ thấy cần viết là cô Châu viết chứ không đợi hồi âm của tôi. Những lá thư của tôi không hiểu sao lại rất lạnh lùng.

Nhưng thực lòng, hình ảnh cô Châu đã choáng ngợp tôi suốt một thời gian dài. Mặc dù tôi cũng được khá nhiều cô gái trong trường để mắt tới, trong đó có Nguyệt, vợ tôi bây giờ.

Đợt Tết năm thứ hai đại học, tôi về thăm nhà, được mẹ báo tin cô Châu vừa thi tuyển vào đoàn ca múa nhạc của tỉnh, đang chờ kết quả. Mẹ tỏ ra rất ủng hộ nếu cô đi làm diễn viên. Tôi thì ngược lại. Tôi ghét cái nghề ấy như thể không có gì đáng ghét hơn trên đời này. Cứ hình dung đến việc cô Châu đi đóng kịch, lả lơi trên sâu khấu cho người này nắm tay, người kia véo má là tôi không chịu được. Tôi trở nên lầm lì, ít nói. Cô lặng lẽ theo dõi tôi, lặng lẽ một cách sợ sệt và cẩn trọng. Lòng tôi buồn như thể vừa có một trái núi sập xuống. Tôi có cảm giác tôi đang mất đi một điều gì quý giá và máu thịt. Có đêm, thằng con trai trong tôi đã khóc vì ích kỷ.

Chiều Hai mươi bảy Tết, người ta tổ chức liên hoan văn nghệ trên thị xã. Cô Châu được mời đi hát. Như mọi lần, mẹ lại “cắt cử” tôi đưa cô đi, đón cô về. Tôi dắt xe đạp chở cô lên thị xã. Trên quãng đường dài năm cây số, trời mưa phùn rét mướt, tôi không nói một lời. Cô im lặng ngoan ngoãn ngồi sau tôi. Đêm diễn chật ních người xem. Cô Châu bước lên sâu khấu trong bộ áo tứ thân, tóc buộc vểnh đuôi gà, gương mặt buồn hư ảo. Đám đông ồn ào. Nhưng khi cô cất tiếng hát thì không gian đột nhiên trở nên yên ắng lạ thường. Tiếng hát của cô trong và cao, vút lên như tiếng sơn ca hót chào buổi sáng. Chính tôi cũng bị cuốn vào giọng hát mượt như nhung ấy. Hình ảnh cô nhòa đi trên sân khấu. Bài hát kể về mối tình của chàng trai và cô gái miền quê. Nhưng rồi chàng trai ra đi mãi mãi không về và mùa thu ngập tràn lá rụng. Và hoa cải trổ ngồng góa bụa đứng chờ trông. Cho đến khi tiếng hát ngừng bặt, tiếng vỗ tay nổi lên như sấm. Cánh con trai huýt sáo ầm ĩ...

Tôi phải cố gắng lắm mới kéo cô Châu thoát ra khỏi đám đông trai gái đang túm lại làm quen. Đưa cô về mà tôi đạp xe như một kẻ mộng du. Tôi vừa chứng kiến người ta yêu quý cô như thế nào. Có tôi hay không có tôi thì mọi việc vẫn thế. Trời ơi, liệu có sự an toàn nào cho cô Châu không trong những buổi văn nghệ thế này. Ý nghĩ ghen tuông đớn hèn vụt hiện lên trong đầu tôi. Tôi đau khổ đến điên dại khi nghĩ rằng rồi cô Châu sẽ thuộc về một kẻ nào đó trong đám đông nhộn nhạo kia. Cô Châu là người cả tin, trong trắng và yếu đuối, trong khi có bao nhiêu cạm bẫy rình rập ngoài đời. Tôi không thể nào để mất cô. Tôi phải chiếm đoạt cô.

Đến cuối con đê chỗ rẽ vào cổng làng, tôi dừng xe lại. Cô Châu hỏi: “Toàn dừng xe làm gì thế?”

“Ngồi ngắm trời đất một lát không được sao?” Tôi trả lời cộc lốc vẻ giận dỗi.

Chúng tôi ngả xe ngồi cạnh nhau ở vệ đê. Tháng Chạp, cánh đồng làng tôi gặt muộn, người ta phơi rạ đầy trên mặt đê. Trời tối âm u, thảng hoặc một vài vì sao nhấp nháy, kiêu kỳ và đơn độc. Đậm đặc nhất có lẽ là mùi phù sa nồng của con sông làng tôi xen trong mùi cỏ non đang nảy mầm ngai ngái. Trời rét quá, vì thế tôi cứ nhích lại gần cô Châu. Tôi nói cho có chuyện: “Châu hát hay lắm.”

Cô Châu không trả lời. Hình như cô đang ngửa mặt lên trời vì tôi thấy trên vai mình có hơi thở nhè nhẹ và một vầng sáng nhỏ. Tôi quay lại, quàng tay trên vai cô Châu, rồi không kìm được, tôi ôm chặt cô vào lòng. Tôi thổn thức: “Châu đừng làm khổ tôi nữa, đừng đi hát nữa. Tôi van đấy.”

“Kìa Toàn.” Cô nói khe khẽ rồi quyết liệt gỡ tay tôi ra. Nhưng tôi càng ôm chặt hơn khiến cô nghẹt thở. “Toàn buồn cười thật đấy!” Cô Châu nói không ra hơi.

“Châu, tôi yêu Châu!”

“Tôi xin Toàn đấy. Đừng, tôi là cô của Toàn kia mà.”

Nhưng thằng con trai trong tôi không cần nghe điều đó. Chiếc cúc áo cuối cùng của cô Châu tuột ra. Trong bóng đêm mờ mờ, thân thể trắng ngần của người con gái hiện ra bất ngờ như một vầng trăng tỏa sáng. Bầu ngực thiếu nữ nhô cao như mầm cây. Người cô Châu run lên vì lạnh. Tôi vùi mặt vào ngực cô. Tôi khóc mà không rõ bởi điều gì. Người cô mềm oặt đi, gương mặt cô hình như sũng nước.

“Anh yêu em”, tôi thì thầm.

Những ngày sau đó thật nặng nề. Cô Châu càng lặng lẽ hơn. Đôi mắt sưng mọng, chứng tỏ đêm nào cô cũng khóc. Ngoài tôi và cô, không ai đoán ra điều gì.

Đêm trước khi về trường, tôi và cô Châu ngồi dưới giàn thiên lý đến khuya. Tôi cầm đôi tay bé nhỏ của cô Châu nói: “Hãy vì tôi mà thi đậu vào trường Sư phạm. Tôi yêu Châu. Tôi sẽ cưới Châu. Chúng ta không có mối ràng buộc huyết thống. Châu đừng đi làm diễn viên. Nghề ấy bạc lắm. Tôi không thích cái nghề ấy. Châu hãy làm tôi vui lòng nhé!”

Cô lặng lẽ gật đầu dường như chỉ để làm tôi vui.

Năm ấy cô Châu trượt đại học nhưng lại trúng tuyển vào đoàn văn công. Mẹ thường viết thư cho tôi kể rằng cô theo đoàn đi diễn suốt, thỉnh thoảng mới về qua nhà. Tôi như kẻ hụt hơi suốt một thời gian dài. Từ dạo ấy cô Châu không viết thư cho tôi nữa, còn tôi thì lại chẳng biết cô ở đâu mà gửi thư. Tôi buồn bực, ghen tuông, mệt mỏi khi nghĩ đến cô. Rồi không hiểu sao tôi sinh ra giận dỗi, oán trách cô. Những ngày buồn khổ ấy Nguyệt luôn bên cạnh tôi. Sự chăm sóc chu đáo của Nguyệt cùng với việc học hành bận bịu khiến hình ảnh cô Châu phai nhạt dần trong tôi. Tôi tốt nghiệp, đi làm ở công ty của bố Nguyệt, ít về nhà hơn. Rồi cô Châu lấy chồng. Tôi không về dự đám cưới bởi tôi không muốn gặp lại cô. Tôi đã quên cô Châu ư? Không hẳn. Nhưng thật lòng, lấy một người vợ làm diễn viên thì thằng đàn ông ghen tuông ích kỷ trong tôi không cho phép.

Nguyệt và tôi lấy nhau. Chúng tôi có nhà riêng ở Hà Nội. Nguyệt sinh cho tôi một hoàng tử. Chuyện cô Châu chẳng làm tôi nghĩ ngợi nhiều nữa. Cuộc sống đã an bài cho từng người. Mùi hoa thiên lý cũng tan dần trong những ám ảnh ký ức của tôi, thay vào đó là mùi mỹ phẩm đắt tiền của Nguyệt. Mẹ tôi mãn nguyện vì tôi thành đạt và hạnh phúc.

Mùa hè, tôi và Nguyệt đưa cháu về thăm ông bà nội. Bố mẹ tôi mừng lắm. Mẹ hái hoa thiên lý nấu canh cua cho chúng tôi ăn.

Trong bữa ăn, mẹ ngậm ngùi nhắc đến cô Châu. Mẹ kể, chồng cô là một tay đánh trống trong đoàn nghệ thuật, một kẻ vũ phu và nát rượu. Đoàn văn nghệ của tỉnh những năm cơ chế thị trường mở cửa đã không trụ nổi vì mất khán giả. Thế là giải thể. Cô Châu về mở quán giải khát ở thị xã, sinh một thằng con trai kháu khỉnh. Khi thằng bé được một tuổi thì vợ chồng cô Châu ra tòa. Cô Châu có về ở với mẹ tôi một thời gian rồi xin phép chuyển vào Lâm Đồng làm kinh tế mới. Mẹ tôi ngăn thế nào cô cũng không ở lại.

“Đúng là long đong cái phận má hồng”, mẹ tôi kết luận, lấy khăn lau mắt.

Bữa cơm nghẹn lại.

Tất cả như sống dậy trong tôi, thuở ấu thơ và hình ảnh cô Châu bé bỏng. Sao tôi lại nhớ những lần cõng cô Châu đến lớp trường làng, cô Châu không chịu bỏ dép?

Đôi chân chưa từng quen đi đất ấy, rồi cô Châu sẽ đi qua dông bão thế nào?

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3