Mùa đom đóm mở hội - Chương 10
Chương 10. Gia đình
Viết thư cho tôi, mẹ bảo: “Mẹ chẳng hiểu được mình, con ạ. Thà rằng cứ chờ đợi và đau khổ như mười mấy năm qua mẹ còn thấy đời có ý nghĩa. Sự trở về của bố con lại làm cho mẹ thấy rõ ràng hơn sự phi lý của cuộc đời. Lòng mẹ trống rỗng. Mẹ tự hỏi, đó phải chăng là một sự đền đáp hay sự trớ trêu của số phận. Ôi, con gái, mẹ cũng không biết nữa...”
Tôi không vui vẻ gì khi nhận thư của mẹ. Mặc dù cuối cùng sau những năm tháng lang thang thỏa chí tang bồng, bố tôi đã trở lại với mẹ con tôi, trả ơn một người đàn bà quê mùa đớn đau suốt mười lăm năm đã qua với hy vọng mãnh liệt rằng sau những phù phiếm, người đàn ông sẽ tìm về với những gì đích thực của mình.
Tôi úp mặt xuống gối, thương mẹ như thể có ai đang thúc mạnh vào ngực trái mình. Mưa xối xả, tôi nhớ về căn nhà hoang lạnh mẹ con tôi từng sống qua những tháng năm dài đằng đẵng, bây giờ có thêm hơi ấm của người đàn ông liệu có bình yên thêm chút nào không? Mẹ tôi có cười được không? Hay mẹ vẫn ngồi trước bậu cửa, hai tay đặt trên đầu gối, rồi quàng chiếc khăn nâu mà ngắm những đàn chim di cư trước mỗi mùa đông bay vội vã qua cửa nhà mình? Trước vườn, hoa cải đã rực lên màu ly biệt, lùa cái lạnh lùng rất thấm thía của heo may vào ngôi nhà nhỏ. Bà ngoại lụ sụ ho trong buồng, thở dài than ngắn về những năm tháng đã đi qua, như những chuỗi vòng nâu xám tẻ nhạt, buồn bã.
Vùng ký ức thẳm sâu tôi đã từng đem cất đi trong chiếc hòm kỷ niệm chiều nay lại vô tình thức dậy. Thực ra, đó là những vùng quá khứ rời rạc, cằn khô và mặn mòi vị chát của nước mắt. Bắt đầu là những vầng trăng, mặt trời xanh trên đồi cao vùng trung du đá sỏi, nơi chị em tôi được sinh ra, nơi mẹ tôi có những ngày hạnh phúc ngắn ngủi. Bàn chân mẹ tôi để lại dấu trên khắp khu đồi mênh mông kia. Chúng tôi lớn lên ngoài vầng hào quang của bố. Bố tôi, một nhà báo, tài giỏi và hào hoa, từng giành nhiều giải thưởng báo chí. Ông đi nhiều, viết nhiều. Ông khóc trên trang bản thảo về những cảnh ngộ của con người. Ông kêu gọi lòng nhân ái và sự thức tỉnh lương tri. Và cũng chính ông ruồng rẫy gia đình mình. Mẹ tôi chân lấm tay bùn nuôi chúng tôi bằng hạt ngô mẹ trồng trên nương, hạt đậu mẹ tỉa ngoài vườn. Mồ hôi mẹ đổ xuống cho tơi xốp mảnh đất mà người ta không thể cày cuốc. Bố tôi đi, hằng năm trở về nhà vào dịp Tết, quẳng cho mẹ con tôi ít bánh kẹo, xúc xích, những món ăn thành thị mà mẹ con tôi loay hoay không biết phải ăn thế nào. Chưa bao giờ mẹ con tôi được tiêu một đồng lương của bố. Ngay cả sự trở về của ông cũng thưa dần. Rồi bố tôi đi biền biệt, rũ bỏ gia đình, như thể chưa từng mắc nợ một ai.
Nghe nói bố về Hà Nội, sống cùng một cô văn công, rồi bỏ cô văn công lấy cô thư ký, rồi bỏ, rồi lấy...
Những ngày tháng ấy qua đi, còn lại trong tôi vẹn nguyên cảm giác nóng hổi trên trán. Nước mắt mẹ hằng đêm làm ướt tóc tôi. Chị Hoài mười tuổi đã phải cùng mẹ hằng đêm lên nương kiếm củi. Tôi làm bạn với gốc cọ và con mèo tam thể già nua khó tính. Những vầng trăng, mặt trời hồn nhiên mọc trên ngọn đồi con trước nhà, chứng kiến sự lam lũ nhọc nhằn của mẹ. Người đàn bà hiền lành, chất phác không thể nào giải thích được vì đâu mà mình bị ruồng rẫy.
Tháng Sáu nắng như đổ lửa, bàn chân mẹ nứt nẻ gùi sắn từ trên nương về, thái, phơi, dành dụm. Chúng tôi lớn lên bằng ngô và sắn. Chị Hoài đi học phải leo qua hai ngọn đồi, hằng đêm đốt đuốc í ới cùng bạn đi học từ bốn giờ sáng, mắt nhắm mắt mở, sách vở và sắn luộc nằm chen chúc trong cặp.
Sau này mẹ kể, đó là thời kỳ khốn khó, nhọc nhằn và đơn độc tưởng chừng không vượt qua được. Mẹ nào nghĩ được những điều cao siêu. Mẹ không phải là một phụ nữ mạnh mẽ. Mẹ chỉ biết chịu đựng và nhẫn nại như con gà rừng. Là con gái miền xuôi, mẹ không quen với nương rẫy. Mẹ theo bố tôi về miền trung du từ cái ngày bố chỉ là công nhân nhà máy giấy. Nào ngờ, một nách hai con, mẹ đơn độc trong ngôi nhà bên bờ sông Lô mênh mang nước. Có đêm mùa đông, nằm nhà nghe con chim lợn kêu thảm trên đồi cao, mẹ nghĩ đến cái chết. Mẹ vùng dậy, bế tôi đi dọc ruộng ngô ra đến bờ sông. Mẹ nghĩ đến thân phận của mình, cùng quẫn ôm chặt tôi bước dần xuống bến sông.
Nước mắt mẹ lạnh hơn gió rét. Rồi đột nhiên nghe tiếng gọi: “Mẹ ơi!” vọng từ cuối ruộng ngô. Mẹ hốt hoảng quay lại. Chị Hoài ngã dấp dúi phía cuối con đường mòn nhỏ trải đầy ánh trăng tê tái. Thì ra, khi tỉnh dậy, không thấy mẹ, chị Hoài chạy ra cửa, rồi chẳng biết ai xui khiến cứ chạy dọc theo ruộng ngô ra phía bờ sông. Tiếng gọi của chị kéo mẹ lên bờ. Và như sực tỉnh giấc mộng mị, người đàn bà chạy băng băng trở lại, hai tay hai đứa con gái nhỏ trở về nhà. Từ đó không bao giờ mẹ nghĩ đến cái chết nữa.
Mẹ làm việc quần quật, quên năm quên tháng, nhìn hai đứa con gái lớn lên như hoa rừng. Bố không trở về nhà lần nào, cũng không có cả một lá thư. Vậy mà mẹ vẫn hy vọng và chờ đợi. Bà nhẫn nhục không dám nghĩ tới một điều gì mới mẻ. Vả lại, ở cái xứ khỉ ho cò gáy ấy, không có quá nhiều cơ hội cho việc tìm kiếm một sự mới mẻ toại nguyện nào.
Mẹ đưa chúng tôi về ngôi nhà ở một thị xã miền xuôi sống cùng bà ngoại. Thỉnh thoảng chúng tôi đọc bài báo do bố viết. Đôi khi bố xuất hiện trên truyền hình. Nghe nói bố sống tự do, không bỏ, không lấy ai. Bố là nghệ sĩ, mà người ta bảo mọi ràng buộc đối với người nghệ sĩ đều tổn hại đến sự nghiệp của họ.
Mặc kệ sự ruồng rẫy của bố, chúng tôi vẫn trưởng thành nhờ đôi tay chai sạn của mẹ. Thời gian và nỗi vất vả phủ lên gương mặt mẹ một nỗi buồn sầu dai dẳng. Tuổi già cũng sầm sập đến. Bà ngoại suốt ngày oán thán cuộc đời, ca cẩm về sự bạc bẽo của người đời. Bà xót xa khuyên mẹ về ở cùng bác Lân, hội trưởng hội cựu chiến binh thị xã. Mẹ không đồng ý, kiên quyết thi gan với thời gian. Mẹ bảo: “Mẹ vẫn chờ bố con, dù có thể chẳng bao giờ mẹ được hạnh phúc nữa. Song ít nhất mẹ cũng thấm tận cùng sự tệ bạc của con người. Các con đừng ép buộc mẹ điều gì. Dù sao mẹ vẫn tin bố con trở lại, bởi vì con ngựa nào chồn chân cũng muốn được trở về cái tổ ấm của mình.”
Chị Hoài lấy chồng, tôi đi xa. Nhà chỉ còn bà và mẹ. Ở tuổi ngoài năm mươi, dường như mọi nỗi niềm trong mẹ đã hóa đá. Mẹ làm vườn, trồng rau, nuôi lợn, mỗi chiều lại cùng bà ngoại lên chùa cầu trời khấn Phật. Tôi không biết mẹ cầu khấn điều gì. Điều đó có lẽ sẽ ở ngoài những lẽ thông thường, ngoài bố, ngoài lòng thù hận, ngoài sự đợi chờ mỏi mòn. Có thể đó là lời cầu xin cho sự yên ổn trong tâm hồn.
Mỗi khi mùa đông đến, mẹ thường ngồi trầm ngâm trước bậu cửa, nhìn lên trời chia sẻ nỗi niềm với đàn chim đập cánh lo âu bay về chân trời xa lắc. Và thở dài: “Lại một năm nữa đi qua.”
Mười lăm năm bỏ mẹ con tôi mà đi, bố không có gì nhiều trong ngày trở lại. Bố đã đi dọc đất nước này, chứng kiến nhiều số phận con người, sống thoáng đãng cho những điều mình muốn, đốt sạch những năm tháng trẻ trung cho bao nhiêu đam mê cao cả của mình. Rồi cuối cùng ở tuổi sáu mươi, bố thực sự nhận ra rằng tài sản còn lại duy nhất của bố là một gia đình đã bị bố lãng quên từ lâu, một người đàn bà tự đày đọa thân mình trong chờ đợi và lam lũ, hai đứa con gái mà nhiều năm qua có thể bố không còn nhớ mặt. Mọi ánh hào quang đã tắt. Những dĩ vãng ngọt ngào từng được tôn vinh giờ cũng bọt bèo như những giây phút thoáng qua. Bố mang về cho mẹ con tôi mái đầu đã muối tiêu, sự mệt mỏi và nặng nề của tuổi già.
Tôi nhớ cái buổi chiều ấy, một buổi chiều cuối thu xám xịt mây trời, bố xuất hiện trước cổng nhà. Khi ấy mẹ đang ngồi tựa cửa, tập nhai trầu giống bà ngoại. Bà thường bảo: “Ăn trầu sẽ thấm thía đầy đủ mọi dư vị của cuộc đời. Cay đắng, mặn nồng đều có.”
Mẹ nhận ra bố ngay. Và mẹ hỏi, như thể bố chưa từng bỏ mẹ con tôi mà đi mười mấy năm qua: “Mình về đấy à?”
Mắt bố tôi nhòa nước. Chắc chắn là điều dịu dàng ấy không có trong hình dung ngày quay về của bố. Bà tôi chống gậy ra khỏi buồng, nheo mắt nhìn bố tôi rồi lại nhìn lên trời dõi theo đàn chim đang hối hả bay về phương nam, rồi bà chống gậy đi vào buồng.
Bố tôi quỳ xuống, úp mặt vào hai bàn tay mẹ mà khóc. Chúng tôi nhìn mẹ. Không hề có một tia thù hận nào ánh lên trong đôi mắt người đàn bà đau khổ ngoài năm mươi tuổi. Nhưng những tia nồng ấm cũng đã tắt từ lâu rồi. Chỉ còn lại là một đôi mắt dửng dưng xa xót. Bố tôi không cầu xin, chỉ khóc như một đứa trẻ, rồi khoác túi lên vai. Mẹ tôi bảo: “Nếu không có nơi nào để đến, mình hãy ở lại. Tôi đã đợi mình từ cái ngày tóc mình còn xanh lắm. Tôi và các con đều tin rằng ngôi nhà này là điểm dừng chân cuối cùng của mình.”
Mẹ nói vậy mà mắt rỗng không, trống trải và tuyệt vọng một cách đáng sợ.
Bố ôm tôi vào lòng vuốt ve. Lạ thay, tôi thấy lòng mình giống hệt mẹ, cũng rỗng toác và xơ cứng đến tàn nhẫn. Tôi nói: “Chúng con vẫn đọc tác phẩm của bố trên báo.”
“Thật ư?” Bố tôi ngạc nhiên. “Mẹ cho các con học hành đến nơi đến chốn chứ?”
Tôi câm lặng.
Tất nhiên rồi, bố ạ. Cả chị Hoài và con đều trưởng thành từ nước mắt và bàn tay lam lũ của mẹ. Nước mắt ấy, sự nhọc nhằn ấy, cả sự trưởng thành này chưa bao giờ có trong tác phẩm của bố. Bố nhìn lên trời mà xem, đàn chim đang đi tránh rét đấy. Nhiều năm rồi nó bay qua cửa sổ nhà mình. Và mẹ thì đã ăn trầu cho thấm tận cùng nỗi xót xa của con người.
Tôi nhìn thấy dáng lưng còng của bà, mái đầu bạc của bố và gương mặt đau khổ của mẹ khắc lên tường nhà. Như đối nghịch của khái niệm hạnh phúc mà con người mòn mỏi kiếm tìm và chờ đợi. Song, tôi cũng cảm nhận được mơ hồ một vầng mặt trời tròn xoe như những tán lá cọ vùng trung du bắt đầu tỏa sáng, trong buổi chiều đậm đặc khói sương.