Mùa đom đóm mở hội - Chương 11
Chương 11. Mùa hạ cháy
Tôi là sinh viên.
Mùa hè. Trong khi bạn bè khăn gói quả mướp về quê thì tôi cứ sống lù lù ở Hà Nội. Tôi thuê một căn xép nhỏ, tối om, giá rẻ, hôi hám, nhiều chuột và bốn bức tường nham nhở như gương mặt của thần Chết.
Người yêu tôi không có ý kiến gì khi tôi quyết định không về nghỉ hè với gia đình. Chúng tôi yêu nhau đã khá lâu. Anh tốt, thực dụng nhưng nồng nàn. Công ty anh đang làm việc rất giàu có.
Tôi hơn hẳn anh và bạn bè ở cái thói hay mơ mộng. Tôi ở lại Hà Nội, hình dung trong đầu rằng đây có thể sẽ là mùa hè đáng nhớ của mình. Nhất định anh sẽ đưa tôi đi chơi xa, đến những nơi thật thơ mộng, chỉ có hai đứa và thiên nhiên. Tôi sẽ nằm dài trên cỏ như một con mèo lười. Anh sẽ nói chuyện về những mùa thu của cuộc đời và nghệ thuật. Tôi yêu những khu rừng. Và rất có thể, ở đó, tôi sẽ trao cho anh tất cả. Cỏ cây sẽ chứng kiến. Có hề gì đâu. Điều đó thật văn hóa. Tôi yêu anh đến cạn kiệt trái tim mình.
Nhưng cô nàng đỏng đảnh và mơ mộng với chiếc váy trắng tinh trong tôi đã thất vọng. Anh không hề có nhã ý mời tôi đi chơi trong suốt thời gian nghỉ. Không có kế hoạch gì cho sự lãng mạn vô bổ mà tôi nghĩ ra, vì anh không thích điều đó. Anh bận tối tăm mặt mũi. Công việc lấp đầy lên vai trái, vai phải, lên đầu anh. Tôi ngồi thu lu trên chiếc ghế mây ọp ẹp, bảo: “Anh tham việc quá đấy. Làm việc thì cũng phải có lúc nghỉ ngơi chứ?”
“Chạy vật tư cho công ty rất ăn, đang mùa xây dựng mà em. Anh muốn khi em ra trường và chính thức trở thành vợ anh thì anh đã có cho em một ngôi nhà. Em phải được sống như bà hoàng.”
Rồi với ý tưởng hay ho ấy, anh cười vẻ rất sở hữu. Ý nghĩ trở thành bà hoàng nhảy điệu mỉa mai trong đầu óc tôi. Bên cửa sổ căn xép ngột ngạt, tôi vo viên những ý nghĩ mơ mộng kia rồi ném tõm xuống lòng đường.
“Hãy cút đi, đồ viển vông!” Tôi chửi ầm ĩ cái ý nghĩ mơ mộng của mình rồi vừa khóc vừa phỉ nhổ vào nó khiến con mèo cái già giật mình nhảy tót ra ngoài bậu lan can. Tội nghiệp niềm ao ước bé bỏng.
Để lấp chỗ trống cho mình, trong khi người yêu đang bận làm ăn, tôi đi làm tiếp viên cho một nhà hàng treo đầu dê bán thịt chó. Tôi bỏ tiền may một bộ mini juýp cực ngắn màu đỏ chói rồi hằng ngày lòe loẹt son phấn đến nhà hàng nằm khuất sau rặng trâm bầu rậm rạp. Công việc của tôi là bưng bê đồ ăn cho khách. Ông chủ quán mắt hau háu nhìn tôi từ đầu đến chân, khen tôi có cặp chân dài, cái eo nhỏ, khuôn ngực đầy, cái cổ kiêu kỳ và nụ cười kiêu bạc mà quyến rũ. Tôi để im cho lời lẽ của lão vuốt ve mình. Quán lúc nào cũng đông khách. Tôi cưỡi trên đôi cà kheo cao quá khổ rồi lượn lờ vào ra ngày trăm lượt đến nỗi sưng tấy cả đầu ngón chân. Ông chủ thấy tôi khéo léo lại biết lả lơi kiểu tiếp viên chân chính thì hài lòng lắm và gợi ý rằng tôi nên phát huy sở trường của mình. Tôi cười, điệu kiêu bạc và quyến rũ khiến lão cứ ngẩn người.
Đùng một cái, tôi bỏ việc khiến cho bao nhiêu khách quen của nhà hàng ngơ ngẩn. Chuyện chỉ vì một tay bợm già nhân lúc tôi cúi xuống đặt đồ ăn đã nhét một cục... đá lạnh vào cổ áo khá rộng của tôi. Cả nhà hàng rung lên bởi ba mươi sáu kiểu cười. Tôi cũng cười, thậm chí cười rất tươi rồi sau đó bất thần hất cả một cốc bia to tướng vào mặt lão dê già nọ, điềm nhiên móc cục đá lạnh buốt từ trong ngực ra rồi đi thẳng ra phía cửa nhà hàng trước khi ông chủ kịp hiểu điều gì vừa xảy ra. Và tôi mất hút, tiền công cũng chả thèm đến đòi.
Tôi trở về căn xép, thu dọn cho nó quang quẻ một tí, rồi nằm ườn ở đó với hai bát mì tôm mỗi ngày và mở đài ầm ĩ. Các loại âm nhạc được thử nghiệm. Tôi nhảy múa một mình trên gác như một kẻ điên rồ. Bà chủ nhà ở tầng dưới đập cửa chửi rất điêu, rằng không ở được thì cút chứ bà ta chả thiết mấy đồng tiền cho thuê, khi mà chỉ sau một tháng bà ta lại trở thành kẻ quẫn trí.
Tôi ném chiếc đài quay băng cổ lỗ sĩ vào gầm bàn nằm ngẫm nghĩ. Tôi mong người yêu tôi đến.
Mà tại sao tôi lại thế này nhỉ?
Anh ấy cần nhà hay cần tôi? Trời ơi, tôi đau khổ vì yêu anh.
Những ngày sau đó, tôi la cà ở các quán cà phê. Chỉ cần một ly cà phê đen là tôi có thể ngồi thoải mái suốt buổi tối trong khu vườn tối om. Các đôi yêu nhau thì vào trong các túp lều tổ chim đơn sơ mà chủ quán có nhã ý xây cất cho họ, rồi họ muốn làm gì nhau trong đó cũng được. Muỗi quá nhiều. Cứ mỗi lần tôi chửi rủa bọn hút máu này và trừng trị chúng thì thế nào cũng làm vài đôi đang hôn nhau giật mình. Rồi cũng sinh chán, tôi hiểu những kẻ cô độc như tôi mà vào những chốn này thì vô duyên lắm. Lại trở về căn gác xép, tôi khóc cho sưng mắt và đợi mùa hè chậm chạp bò qua mình.
Người yêu tôi đến. Lâu lắm anh mới đến. Tôi tưởng mình sẽ gào ầm ĩ, nhưng không, tôi chỉ im lặng để cho anh vuốt ve mình. Chúng tôi hôn nhau cũng vội vàng. Anh hỏi han tôi về cuộc sống rồi quỳ xuống xin tôi cảm thông với anh, rằng anh sẽ bù đắp cho tôi bằng nhiều thứ. Tôi xót xa ôm lấy mái đầu của anh, cười rũ rượi mà bảo: “Ổn cả thôi anh ạ. Em biết anh sẽ là người chồng tốt mà.”
Anh đưa cho tôi một ít tiền, lặng lẽ hôn lên trán tôi rồi ra đi. Ra khỏi phòng tôi là anh lại quay như một cái chong chóng. Tôi gục xuống bên bàn, không biết có phải mình đang khóc vì thất vọng hay không.
Bao giờ hết những ngày lê thê buồn? Tôi lo sợ cuộc sống. Bạn bè ở đây không có. Chỉ có anh. Mà anh thì... Tôi quyết định rời Hà Nội. Và đùng đùng xách túi ra ga tàu. Về nhà. Bố mẹ và căn nhà gỗ đang chờ tôi. Phải rồi, tôi sẽ có những ngày nhẹ nhõm hơn ở vùng đất nơi tôi sinh ra. Tôi thèm một tiếng chim, thèm chạy trên một bờ đê đầy hoa sài đất, thèm một đêm trăng sáng ngồi rúc rích trên chiếc cầu tre lắt lẻo mà gọi vài câu vu vơ cho âm thanh lan tỏa trên mặt nước…
Tôi thất thểu xuống tàu. Điều đầu tiên tôi nhận thấy là cây cầu tre không còn nữa. Người ta đã thay vào đó chiếc cầu kiên cố bằng bê tông. Có phải cuộc sống hiện đại rồi?
Có phải cuộc sống hiện đại rồi, khi mà đến một tiếng chim cũng không còn nữa. Không phải cứ mở mắt ra là nghe tiếng chim ngoài cửa sổ. Đoàn người vô công rồi nghề vác súng lom khom trong các khu vườn để tiêu diệt những con chim cuối cùng. Tôi thở hắt ra, biết rằng con bé mặc váy trắng hay mơ mộng trong mình lại sắp lên cơn sốt. Tôi đi ra đường để ghi nhận những đổi thay. Ngoài việc tiếng chim và cây cầu mất đi, có lẽ không có gì khá hơn. Những người đàn ông lực điền trong làng đi hết ra Hà Nội mà bán sức lao động. Những đứa bạn cùng tuổi tôi ngày ngày úp mặt xuống đất. Đứa con gái nào xinh xẻo một tí thì tìm đường về Hà Nội đi làm cave nhà hàng để khỏi thoát cảnh chân lấm tay bùn. Chuông nhà thờ đổ dài như một điệu ru trầm uất. Tôi nhớ đến anh, người đàn ông tội nghiệp đang vật vã trong guồng máy mưu sinh. Tôi thương anh vì biết rằng người ta cố bám Hà Nội để chạy trốn nơi này là có lý.
Không có ai làm bạn với tôi, ngay cả thiên nhiên. Giá có đứa con trai nào chòng ghẹo vài câu tôi còn thấy vui vẻ. Tôi đơn độc.
Cuộc sống tinh thần của tôi nghèo nàn hơn cả sự nghèo nàn của vùng quê này.
Cần phải thay đổi. Tôi điên tiết lên như một con ngựa non háu đá. Tôi tức tốc lôi bộ mini juýp màu đỏ ra, mặc vào và cưỡi lên đôi “cà kheo” lêu đêu rồi uốn éo trước gương. Mẹ tôi há miệng nhìn tôi bôi bôi trát trát. Tôi đi chợ. Tôi sẽ làm một cuộc khuynh đảo ở cái chợ vùng quê hiu hắt này. Sự xuất hiện của một cô nàng trên mức hiện đại làm cho người ta xôn xao. Họ nhìn tôi như nhìn một sinh vật lạ. Tôi không mua gì. Tôi chỉ đi lại õng ẹo qua khắp các ngả của cái chợ cỏn con, lắc hông lắc mông những điệu khiêu khích. Các bà già la ó, thanh niên trơ mắt nhìn. Người ta lầm bầm chửi rủa cái thứ mốt du thủ du thực tôi đang diện trên người. Tôi phớt Ăng-lê, cứ đi lại cho thỏa nỗi trầm uất không giải thích nổi trong mình. Người yêu tôi mà nhìn thấy tôi trong hoạt cảnh này hẳn chàng sẽ bỏ tôi ngay tức khắc. Tôi muốn làm cho họ phát điên. Các cô gái nhà quê nhìn tôi, bụng thì ao ước giống tôi nhưng miệng thì chửi rủa. Tôi biết các cô cũng muốn được như tôi lắm.
Tôi về đến nhà, đầy hưng phấn. Mẹ tôi làm ầm lên: “Người ta bảo mày vừa từ nhà thổ ra đấy. Mày nhố nhăng ở đâu chứ đừng về đây mà bôi tro chát trấu vào mặt tao.”
Mẹ không hiểu tôi.
Chui ra khỏi bộ đồ khốn kiếp, tôi nằm vật ra giường. Lúc này cảm giác ê chề, tuyệt vọng mới trào lên trong tôi. Tôi mong có anh ở bên. Chỉ có tình yêu là cứu rỗi. Mà anh thì mê mải với nỗi đam mê giàu có không dứt được.
Tôi cần một điều khác hơn, vĩnh hằng hơn ngôi nhà mà anh đang xây đắp. Nó đại loại như là một tiếng chim hót ngọt ngào mỗi sớm trong tâm hồn đớn đau và cằn cỗi của tôi đây.