Ngõ Cây Bàng - Chương 01 - phần 1
I
…CÓ lẽ trời đã gần sáng. Tôi bỗng nhiên thức giấc. Từ nhà ngoài, qua cửa sổ và tấm màn buông rủ, thoảng vào một mùi hương thơm lạ lùng, tôi bật ngọn đèn ngủ đầu giường. Căn phòng bừng lên một thứ ánh sáng xanh mát dịu dàng. Những bức tranh treo trên tường như cũng thức dậy làm cho căn phòng có vẻ chật chội hơn và cũng ấm áp hơn. Bên cạnh tôi, bé Liên vẫn ngủ say. Bé nằm nghiêng, mái tóc tơ mềm xõa trên gối, một tay bé vòng ôm ngang người tôi. Cạnh bàn làm việc, trên ghế tựa là cái ba lô to sụ để cạnh cái túi nhỏ thò ra những hộp gỗ, bảng gỗ, bút lông và cái ca sắt, cái bi đông… lúc này như nói với tôi điều gì. Tôi khẽ gỡ tay Liên ra, kéo con nằm thẳng lại rồi ngồi lên.
- Vọng ơi! – Tiếng mẹ gọi ở nhà ngoài.
- Dạ! – Tôi thưa khẽ.
- Con dậy làm gì sớm thế? Ngủ thêm lúc nữa không đi xa, mệt lắm. – Tiếng mẹ lẫn trong tiếng dép lê nhè nhẹ.
Tôi nhìn đồng hồ báo thức. Đã bốn giờ rồi! Chỉ còn hai tiếng nữa là trời sáng và cũng chỉ còn độ hai tiếng nữa là tôi lên đường.
- Mẹ già rồi ngủ ít, con cứ ngủ thêm đi, mẹ thắp nén hương cho thơm nhà – Mẹ nói và lại đánh diêm. Tôi biết mẹ thắp hương lên bàn thờ tổ tiên và thắp hương cho bố. Bao giờ cũng thế, trong nhà cứ có đứa con nào đi xa là mẹ lại thắp hương lên bàn thờ và khấn lầm rầm.
- Đêm qua con khó ngủ quá! Không hiểu sao mà mắt cứ cứng đơ ra mẹ ạ! Tôi nói và ra khỏi giường.
- Không phải nghĩ ngợi lo lắng gì, mọi sự đâu sẽ vào đấy cả thôi. Con đi ít lâu rồi con lại về. Cháu ở nhà với bà. Con của cái Ân chưa đầy một tuổi nó đã để cho mẹ chồng nuôi đi học hàng năm trời nữa là cái Liên hơn bốn tuổi rồi còn gì?
- Con có lo gì về cháu đâu, cháu ở nhà có bà trông nom con yên tâm lắm nhưng trước mỗi chuyến đi xa con cứ nghĩ ngợi nhiều.
- Đi như tôi, ngồi như buộc, con đi độ bao lâu?
- Con chưa biết, mẹ ạ! Có thể lâu, có thể chóng, nếu như gặp được thuận lợi thì cũng nhanh thôi.
- Cứ làm xong việc hẵng về! Cái Liên ở nhà với bà chỉ có béo ra chứ không gầy đi đâu. Cốt làm sao cho thằng Trung quốc không đánh đến đây là được rồi – Mẹ nói và lấy gạo thổi cơm.
- Thằng Tàu thì làm sao mà đến được đây? Bà ở nhà đừng cho cháu ăn mía hại răng, bà nhé! Tối đi ngủ nhớ bắt cháu nó ngậm nước muối, bà thì nhớ uống thuốc Pô – ly nhé, con thấy bà cứ quên luôn.
- Tao nhớ rồi! Con lên đây có gặp bố cái Liên không?
- Con cũng chưa biết đơn vị anh ấy có còn ở chỗ cũ hay không. Con có mua quà cho anh ấy đây nhưng có khi khó gặp, mẹ ạ.
- Con mang lủng củng quá nhỉ, lại không quen đi núi…
Mẹ nhắc cái túi, cái ba lô lên xem rồi lại đặt xuống.
- Cái nghề của con nó thế, đi đâu là cứ lỉnh cà lỉnh kỉnh. Cái bi đông này vừa để lấy nước uống vừa lấy nước vẽ…
Tôi nói và để thêm vào trong túi cái bảng nhỏ với mấy cái kẹp giấy. Biết nói thế nào để mẹ hiểu về công việc của tôi và những con tem mà tôi định vẽ. Bao nhiêu con tem ra đời trong ngôi nhà nhỏ này rồi nhưng công việc bao giờ như cũng mới. Có những ngày tôi lang thang trên các đường phố Hà nội, ngước nhìn lên các gác cao những ngôi nhà có phong lan. Không biết bao nhiêu nhà có phong lan và tôi đã vẽ bao nhiêu phác thảo để có một bộ tem về phong lan. Rồi bộ tem về quả. Mỗi lần tôi ngồi vẽ, mẹ thường đứng xem và có nhiều ý kiến.
- Con vẽ những quả chuối này trông hình thì giống như màu của nó không đẹp, không phải màu của quả chuối ngoa, màu chuối dấm chứ không phải màu chuối chín cây.
Tôi chịu những ý kiến của mẹ. Tôi sửa chữa và những bức tranh hoặc những con tem đẹp hơn. Trong thời gian này tôi định dành toàn bộ đợt đi thực tế để lên biên giới và sẽ làm một bộ tem vẽ biên giới những ngày chống giặc, về những người chiến sĩ. Hôm nghe tôi nói, mẹ hỏi “Thế con vẽ tem ngay ở trên ấy hay về nhà mới vẽ?” – “Về nhà, mẹ ạ! Con đi chỉ phác thảo thôi, ở đấy không có điều kiện.” “Ừ, cứ vẽ phác ra đấy rồi về nhà hãy làm tem…”
Lúc này mẹ đã ngồi bên bếp lửa và mùi cơm gạo mới thơm lừng. Nét mặt mẹ có vẻ nghĩ ngợi. Có lẽ mẹ đang nghĩ đến những con tem của tôi. Xinh xinh nhỏ bé, tôi có một tập nhỏ mẹ cất vào trong tủ, những con tem của tôi để riêng, những con tem của người khác để riêng. Từ ngày bé Liên lên hai, bập bẹ biết nói và thích xem tranh thỉnh thoảng mẹ lại lấy tập tem ra cho bé xem. Mẹ biết cách xem tem mà tôi bầy cho mẹ. Bàn tay già nhăn nheo run run cầm cái panh nhỏ gắp từng con tem và giới thiệu tỉ mỉ từng cái một làm con bé con thích thú cười tít mắt.
Bức tranh tôi vẽ mẹ bằng sơn dầu treo ngay trên bức tường ở giữa nhà. Thỉnh thoảng, tôi biết mẹ lại nhìn lên bức tranh ấy và cười một mình. Có một lần, mẹ nói:
- Bây giờ mẹ mới hiểu con cần hộp màu mười sáu ô để làm gì. Chứ ngày ấy tuy biết là con thích nhưng mẹ vẫn chả hiểu để làm gì…
Hộp màu mười sáu ô, có khi bây giờ ngồi bên bếp lửa mẹ lại nhớ cả đến chuyện ấy cũng nên! Nhà đun dầu hỏa nhưng mẹ vẫn thích đun củi, nhất là trong những ngày mùa đông. Trong nhà có bếp lửa đỏ và những cục than hồng thật là ấm cúng. Tôi chạy ra ngoài sân, tập thể dục rồi đến ngồi bên bờ giếng. Cái giếng thơi nhỏ bé thành xây cao, nước không nhiều nhưng trong suốt là một vật kỷ niệm của gia đình được giữ lại mặc dù nhà đã có máy nước. Cái giếng hàng ngày soi bóng cuộc sống chúng tôi. Mặt nước xóa đi mọi dấu vết nhưng không hiểu sao cứ mỗi khi nhìn thấy bóng mây in dưới đáy giếng tôi lại nhớ đến bao nhiêu điều. Riêng mẹ, mẹ vẫn thích dùng nước giếng và hình như tiếng gầu va vào trong thành giếng làm cho mẹ vui vui. Mẹ nói:
- Chả bù với ngày trước cả ngõ cũng chỉ có một cái giếng…
Tôi nhìn xuống giếng. Hơi nước mặt lạnh làm đầu óc tôi như tỉnh táo hơn lên. Trời đã dâng lên một chút mây màu ghi sáng phía chân trời.
- Con nhớ mang đủ áo ấm, tháng giêng rét dai. Tháng hai rét lộc, tháng ba rét nàng Bân… Biên giới núi cao, gió lạnh hơn ở phố nhiều. – Mẹ dặn đó – Lúc nữa đi, con đừng đánh thức cái Liên dậy nhé, nó theo khóc tao không dỗ được. Cứ để nó ngủ mà đi, khi nào nó dậy, không thấy, bảo mẹ đi làm như mọi ngày là yên thôi mà. Tối nay, mẹ bảo mấy đứa con thằng Hy đến đây ngủ chơi với em.
- Mẹ bảo chị Hy với các cháu đến đây ở cho vui. – Tôi nói.
- Nó ở trên phố tiện đi làm, kệ nó. Thằng Hy đi vắng nó cũng muốn ở riêng cho tự do. Con đâu khác con gái ở chỗ đó, con à!
- Sang năm anh Hy con về nước thì nhà ta lại đông vui…
- Ừ, đứa đi, đứa về. Cái Ân đi Tiệp vừa về thì thằng Hy đi Liên Xô, bây giờ con lại đi biên giới. Các con như là chim, nhà này là cái tổ, hay đi đâu rồi cũng bay về. Cuộc sống bây giờ là như thế. Ôi, nếu bố con sống được đến ngày nay thì bố con sẽ vui biết bao. Hồi trước, ông ấy quý nhất cái Ân rồi đến con. Còn chị Hạnh thì bố mày thương vì nó khổ nhiều. Con đầu cháu sớm mà!
- Khổ trước, sướng sau! Trong mấy anh chị em chúng con, chị Hạnh là người hạnh phúc nhất.
- Ờ, cũng có nhẽ. Nó được thằng chồng khá. Thật ít người được như anh ta, thương yêu vợ và biết hy sinh cho vợ. Chị Hạnh mày được như bây giờ là nhờ chồng nó. À, mà con lo gì mẹ ở nhà vắng vẻ, trưa nay chị Hạnh bảo đến đón hai bà cháu lên chơi mà. Chị không nói với con à?
- Chị có nói mà con quên mất.
- Hôm nay ngày sinh nhật thằng con đầu lòng của chị. Chao ôi, sinh nhật mà cũng ăn uống, chả bù với ngày xưa. Ờ, mà cũng phải, thằng bé học giỏi quá, mới mười bảy tuổi đã học đại học. Ăn mừng cũng đáng!
Mẹ vừa nói chuyện vừa lấy que cời những hòn than ném vào trong chậu nước lạnh. Nhà tôi, ai cũng thích ăn chả nướng nên mẹ thường nhặt than mỗi bữa đun.
Tôi đã chuẩn bị xong xuôi và khi đeo ba lô lên vai, đội mũ lên đầu, thì tôi thoáng nghe tiếng Liên hỏi bà trong giường:
- Bà ơi, mẹ cháu đâu, hả bà?
Tôi nhớ lời mẹ dặn và sợ Liên khóc theo nhưng tôi không thể không gặp con trước khi đi xa được! Tôi chạy vào buồng, tung màn, bế con lên tay. Người Liên nóng rực giống như nó vừa ngồi bên bếp lửa. Hai má đỏ hồng và mắt đen lóng lánh. Con không khóc như tôi và mẹ nghĩ. Ngược lại, nó cười giơ tay giằng cái mũ trên đầu tôi, đội lên đầu.
- Bao giờ mẹ về, mẹ mua cho con một cái, mẹ một cái, bố một cái…
- Ừ, bao giờ mẹ về mẹ mua cho con một cái mũ nữa. – Tôi hứa cho xuôi.
- Mua cho bà một cái mũ nữa. – Nó nói tiếp.
- Ừ, mua cho bà một cái mũ nữa… - Tôi đáp và nhìn thấy nụ cười trên khuôn mặt nhăn nheo của mẹ đang rạng ra. Bà giơ tay đỡ cháu – Ra với bà để mẹ đi nhanh không có ôtô nó đợi nó bóp còi rồi kìa!
- Đâu, ô tô đâu? – Liên ngơ ngác nhìn ra ngoài cửa. Tôi đưa con cho mẹ và cùng lúc ấy tôi nghe tiếng còi ôtô từ ngoài xa vọng tới. Tôi vòng tay ôm con và ôm luôn cả mẹ một cái thật chặt rồi quay đi. Khác hẳn với ý nghĩ của tôi, bé Liên không khóc theo mà lại cười, một tay con ôm vai bà, một tay giơ lên vẫy tôi. Chân tôi bước đi nhưng mắt vẫn quay nhìn lại. Xa rồi vẫn còn thấy bàn tay bé xíu của bé Liên giơ lên vẫy, trông giống như một cái lá bàng non.
Tháng ba, mùa xuân. Trong trời lạnh, cây bàng ngõ tôi trơ ra những cành gầy khẳng khiu. Những lá bàng già đỏ bầm đã rụng hết, trên các cành đã loáng thoáng chồi con.
Bàn tay nhỏ bé của Liên lẫn vào những chồi lá.
Nhưng rồi hình ảnh ấy biến ngay đi khi chiếc xe chở thuốc mà tôi đi nhờ nối vào dòng xe chạy gấp, bụi tung mù đường xa.
Gặp lại không khí xôi nổi của những năm đánh Mỹ. Những chiếc xe ca, xe tải chở thanh niên, bộ đội lên biên giới đi không lúc nào ngớt. Mũ tai bèo, áo màu cỏ úa xen với những bộ quần áo dân thường đủ các màu sắc của nam nữ thanh niên các thành phố lên chi viện cho biên giới.
Những băng vải đỏ gài quanh xe nối lên dòng chờ: Kiên quyết trừng trị bọn Trung quốc xâm lược bành trướng Bắc Kinh” Những gương mặt trẻ trung tươi cười bên những nòng súng và cuốc sẻng.
Thỉnh thoảng lại gặp một đoàn xe chở bộ đội từ biên giới về thay quân. Những anh bộ đội trẻ mặt sạm nắng những bàn tay giơ lên chào vẫy nhau.
- Đi nhớ! Chiến thắng nhớ!
Tiếng nói cười lần mất trong tiếng xích xe tăng rung chuyển, mắt xích bấm xuống mặt đường, mưa phùn mùa xuân ấm mềm và nát bươm vết xe. Xe đi vào những thung lũng thăm thẳm. Trải dài trên đường là những ngôi nhà lưu động do xe trâu bò kéo. Trên xe chồng chất đồ đạc có mui che bằng ni lông hoặc lá cọ gỡ ra từ những mái nhà. Theo sau xe là những người đàn bà, những đứa trẻ gồng gánh hoặc đeo vác đồ đạc, mệt mỏi, chậm chạp trên đường về.
- Các anh bộ đội ơi, bao giờ bà con chúng tôi được về thị xã, các anh ơi! – Họ kêu lên và giơ tay vẫy những đoàn xe lên biên giới.
- Chúng nó đã cút rồi những vẫn còn bắn pháo nhiều lắm, bà con chịu khó chờ ít ngày nữa anh em chúng tôi đuổi hết chúng đi rồi hẵng về nhé!
Dưới cây lá ngụy trang những đơn vị bộ đội sẵn sàng trực chiến bên mâm pháo. Những ụ đất và giao thông hào dàn trải ra hai bên đường.
- Chị xuống đâu? – Anh lái xe hỏi và cho xe đi chậm lại rồi dừng trước một trạm gác mà cây chắn đường vừa hạ xuống, nét mặt anh hiện lên vẻ băn khoăn.
- Cho tôi đến chỗ trực chiến của ban chỉ huy . – Tôi nói vì biết phải từ nơi ấy tôi mới gặp được những người cần gặp. Nhưng một người trong trạm gác đi tới và nói:
- Chúng đang bắn pháo dữ dội vào thị xã và dọc đường từ thị xa ra đến đây, đi vào giờ này không an toàn, chị ạ!
Rồi anh vắn tắt nói cho tôi nghe tình hình địch trong mấy hôm nay. Chúng chỉ rút quân ở những điểm không quan trọng và vẫn chốt lại ở những điểm chính. Trước khi rút quân chúng gài mìn phá hoại những cơ sở kinh tế, dùng súng phun lửa đốt nhà, vơ vét của cải… Chúng đặt đài quan sát trên những điểm cao để phát hiện hoạt động của ta rồi gọi pháo bắn tới. Mỗi ngày chúng bắn hàng nghìn quả pháo vào thị xã và dọc đường vào thị xã.
- Ta cứ đi thôi – Tôi nói và trong lòng còn lên một nỗi xót xa thương tiếc thành phố xinh đẹp đã bị tàn phá. Chồng tôi và đơn vị của anh ấy đang trên đường truy kích địch. Bước chân tôi không thể theo anh ấy được. Vả lại, còn công việc nữa, dù sao tôi cũng không thể vẽ được khi ở giáp quân thù. Và như thế là, dù tôi đã lên đến đây nhưng hai chúng tôi vẫn không thể gặp nhau.
- Chị không nên đi vào giờ này, cố chờ đến sáng mai, sương mù che mắt chúng nó, ta sẽ đi – Đồng chí gác trạm nói và xem giấy công tác của tôi. Nét mặt anh vui vui:
- Thế này thì hay quá! Theo tôi, chị có thể dừng lại ở đây một thời gian cũng được. Ở đây có nhiều chuyện hay, nhiều người dũng cảm rất xứng đáng để chị vẽ.
Có tiếng xì xầm trong tốp lính trẻ và tiếng nói cất lên:
- Chị ơi! Mời chị xuống đây ở với chúng em ít lâu. Thủ trưởng của chúng em hay lắm, chị ạ! Ở đây phong cảnh cũng rất đẹp tha hồ mà vẽ!
- Chị quê ở đâu, chị ơi, để chúng em nhận đồng hương nào?
Phút chốc, tôi thấy mình như bị bao vây giữa những gương mặt và nụ cười xanh màu quần áo lính. Những giọng nói cởi mở, thân tình:
- Thủ trưởng của chúng em cũng quê ở Hà nội đấy! Như vậy chị là đồng hương với thủ trưởng của chúng em rồi. Nhưng mà bây giờ anh ấy không có ở đây đâu. Còn chúng em thôi thì thập phương, tứ xứ! Người Hà nội, người Nam hà, Thái bình, Hà bắc, Hà tây… Chúng em đang học thì nhập ngũ. Tập trung lại nhìn nhau lớ ngớ, có cậu vào bộ đội tháng trước, tháng sau lên đường sử dụng súng AK mới học đến bài hai, có anh tập trung rồi huấn luyện ba bốn ngày là ra trận. Hôm chuẩn bị chiến đấu nhìn nhau lo quá “Lính gì mặt non choẹt thế này, khéo thua mất”. Nhưng được cái chúng em thương nhau, đoàn kết nhất trí, quyết tâm đánh giặc, trưởng thành nhanh chóng cho nên không thua mà lại thắng, chị ạ!
Một anh lính trẻ mặt lấm tấm tàn nhang tưởng như ta có thể gặp đâu trong những trường cấp hai, cấp ba, ném hột nhót vừa ăn xuống đất, mặt hơi nhăn lại vì chua, nói rồi cất tiếng cười ròn.
Một anh khá mập tròn, da bánh mật, dáng đồng quê từ đâu đi tới với một ôm mía trên tay, anh ta đưa mía cho tôi rồi hỏi:
- Chị là cán bộ y tế hay văn hóa?
- Chị ấy là họa sĩ ngành bưu chính. Chị ấy lên đây để vẽ tem về bộ đội ta chiến đấu. Chị ấy sẽ ở lại đây, các cậu tiếp chị ấy nhé – Người xem giấy của tôi nói.
- Thế thì vinh dự cho chúng em nhất rồi! Chị cứ ở lại đây xem chúng em đánh giặc rồi vẽ chúng em vào tem. Chúng em lấy những cái tem đó dán vào thư gửi về nhà, chắc là ở nhà bu cháu thích lắm đấy! – Một anh lính ngồi trên trạc cây vừa ăn mía vừa nói.
Tiếng cười ran lên đến nỗi anh nuôi đang nấu cơm trong bếp cũng phải chạy ra chào tôi bằng khuôn mặt đỏ rực, tươi cười.
Thấy tôi lấy giấy bút ra chuẩn bị vẽ, mấy anh lính trẻ đang cười nói vui vẻ vội lẩn tránh, người nọ đùn đẩy người kia, cậu nào không tiện tránh thì mặt mũi ngượng ngập bẽn lẽn như con gái. Tôi chỉ kịp ghi nhanh một khung cảnh với vài dáng người thì trời đã tối sầm. Tiếng kẻng báo cơm đã vang lên. Anh em bộ đội ở các lán, các hầm hào công sự trở về quây quần cạnh những mâm cơm dọn ra trên sạp nứa.