Ngõ Cây Bàng - Chương 01 - phần 2
Tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy hai thanh niên, một mặc quần xanh áo vàng, đi giày da đen, người đi sau mặc quần vàng, áo trắng, đi dép nhựa xanh phụ nữ. Nhìn thấy tôi, cả hai người đều như ngượng ngịu vì một điều gì mà tôi chưa biết được.
- Đơn vị tôi đang ở Hà nội, lúc được lệnh lên đường chúng tôi đang ở sân bóng chuyền, chỉ một giờ sau là tất cả lên đường và triển khai đánh địch. Trong một trận chiến đấu, bộ đội mình hết đạn phải chạy vào động Tam thanh. Giặc bao vây ở bên ngoài, dùng súng phun lửa bắn vào động và đặt hai khẩu đại liên chéo cánh xe ở ngoài bắn vào tiêu diệt anh em ta. Chúng tôi được giao nhiệm vụ dùng súng phá vây, mở đường máu cứu anh em trong động ra. Cứu thương ra đến ngoài quân áo chúng tôi bị rách hết, lại phải bơi qua sông nên về đến đây ai cho gì mặc nấy. – Anh đi giày da đen nói và nhìn chân mình như để giải thích cho tôi hiểu vì sao hai người lại ăn vận như thế.
Có tiếng pháo nổ gần đường quốc lộ. Những nét mặt tự nhiên sững sờ:
- Nó bắn vào cây số 7 đấy! Từ trên cao điểm 800 nó gọi pháo để bắn ra đấy! Tệ hại thật! Ta mất cao điểm ấy vì sự lừa bịp bì ổi của bọn Trung quốc. Nếu như không bằng những thủ đoạn lừa lọc thì không bao giờ một mảnh đất của chúng ta lọt vào trong tay chúng. Đó lại là một cao điểm lợi hại nhất trong những cao điểm. Hôm ấy, chúng cho lính ăn mặc giống bộ đội ta từ từ tiến lên đồi. Mình không bắn. Còn cách mười mét, anh em mới giật mình hỏi: “Mình hay địch đấy?” Nó đáp: “Mình đấy!” Rồi ào ào tiến lên, bắn pháo dữ dội. Thế là ta mất cao điểm ấy!
- Đại đội trưởng của chúng tôi, anh ấy thật là một người đặc biệt! Trong trận đầu tiên ngày 17 tháng hai, bị đánh bất ngờ anh em chiến đấu chệch choạc, quân sĩ tan tác, số thương vong, số hoang mang muốn rút lui bỏ chốt vào tay địch. Nhưng anh ấy không chịu, một mình cầm cự đến cùng. Lúc đầu còn quân, anh là chỉ huy sau còn lại một mình, anh là chiến sĩ. Một quả lựu đạn, một khẩu súng, anh đuổi theo xe tăng địch, phá hủy một tăng, giết bốn tên…
- Chị có thể tưởng tượng được cảnh anh ấy nằm dưới lòng đường giả chết chờ xe tăng đi qua, bám xích tăng leo lên, cậy nắp xe ném lựu đạn vào. Tên Trung quốc ngồi trong xe hoảng sợ nhặt lựu đạn ném ra, anh lại nhặt ném vào. Hai bàn tay giằng nhau một quả lựu đạn và cuối cùng anh đã thắng! Diệt xong cái tăng, tiếp viện đến, thế là giữ được đất, anh về tuyến sau lấy quân và lại tiếp tục chiến đấu. Dòng dã gần mười ngày đêm anh ấy không ngủ mà vẫn tỉnh táo như thường còn chúng tôi thì cứ sau mỗi trận đánh lại lăn ra ngủ li bì đến nỗi khi có việc anh ấy lại phải đi đánh thức từng đứa dậy, có đứa ngủ say bị anh ấy đét cho mấy cái đau điếng.
- Tôi đã được nghe nói nhiều về thành tích của đơn vị ta chiến đấu dũng cảm, lập nhiều thành tích và đã được thưởng nhiều huân chương ngay trong trận chiến đấu đầu tiên… - Tôi nói.
- Công của đại đội trưởng chúng tôi là chính, anh em ai cũng nghĩ như thế. Không có anh ấy chúng tôi không thể làm được như vậy. Tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí và cương quyết của anh ấy đã nâng đỡ, dìu dắt chúng tôi. Một người rất đặc biệt, chị nên gặp anh ấy.
- Nhất định là tôi phải gặp đại đội trưởng rồi, nhưng hiện giờ anh ấy đâu?
- Anh ấy bị thương trong một trận đánh giáp lá cà. Vết thương khá nặng. Trạm phẫu thuật mặt trận, chị biết đấy, sơ sài thiếu thốn đủ thứ. Bàn mổ ghép lại bằng tre nứa, dịch truyền không đủ phải dùng nước muối, thuốc mê thiếu, lại phải cứu chữa gần ngay nơi chiến đấu, đất đá văng cả vào bàn mổ. Vết thương nặng phải mổ mất mấy tiếng đồng hồ nhưng anh ấy có một nghị lực chịu đựng rất dũng cảm, không hề rên la. Ở đơn vị có cậu Sáu người bé nhỏ, tính tình lơ đãng hay bị thủ trưởng nhắc nhở nhiều nhưng lại là người quý thủ trưởng nhất. Từ lúc anh ấy bị thương phải mổ. Sáu nhỏ không rời bên và cứ nước mắt ròng ròng.
- Anh ấy mà làm sao thì chúng em không thể sống nổi, các bác sĩ cố gắng cứu anh ấy. Nhóm máu của em và nhiều người trong đơn vị cùng với anh ấy, chúng em muốn tiếp máu cho anh ấy. – Sáu nhỏ năn nỉ và cứ ở lỳ đó cho đến khi ca mổ kết thúc. Rồi Sáu nhỏ lại theo cáng về hậu phẫu để trông nom săn sóc anh ấy.
- Bây giờ anh ấy vẫn còn điều trị à? Thế thì tôi sẽ đến chỗ nhà hậu phẫu. Ở đây cũng có nhà hậu phẫu sao?
- Gọi thế cho sang trọng chứ thực ra đấy chỉ là một ngôi nhà của ông cụ người dân tộc nhường cho anh em thương binh ở để phục hồi sức khỏe sau khi mổ. Có lẽ anh ấy còn ở đó… - Một người nói.
- Tin cũ rồi, thủ trưởng của chúng ta có việc gấp đã vào trong thị xã! – Một anh lính nhỏ nhắn từ phía sau đi tới, nói to làm mọi người giật mình.
- Anh ấy đã khỏe rồi sao? Mới mổ có mấy ngày mà sao khỏe nhanh thế?
- Sao cậu không giữ đừng cho anh ấy đi, Sáu?
Tiếng xôn xao và những ánh mắt, bước chân tự nhiên trở nên bồn chồn, lo lắng. Họ nhìn về phía những tiếng pháo nổ và người họ tuy vẫn đứng đây nhưng tâm trí họ như đã bay đi đâu về phía trước.
Tôi xúc động và cũng nôn nóng trong lòng muốn gặp người đại đội trưởng của đơn vị anh hùng này. Anh là ai và người như thế nào tôi không biết và cũng không muốn hỏi quá kỹ nhưng trong lòng tôi đã có nhiều tình cảm rất đẹp chắc rằng nhất định tôi sẽ vẽ được về anh một bức chân dung thật tốt, ít nhất là như thế, người quê hương của tôi. Hà nội, ba mươi sáu phố phường, anh ở chỗ nào? Trong đêm tối, rừng núi rung động tiếng pháo bắn, tôi cứ nghĩ về anh, người mà tôi chưa quen biết như một ám ảnh.
Hầm trực chiến của bộ chỉ huy ở trong một hang đá lớn. Những vệt khói đen và những chỗ vỡ toác – dấu vết của bọn địch để lại trước khi rút chạy – Đây là đầu mối chỉ huy của các chốt. Tiếng chuông điện thoại reo vang, tiếng cười nói, tiếng chân bước và màu áo cỏ úa, mũ cứng, mũ mềm, súng AK, cối, lựu đạn, ba lô, bi đông và những cành lá ngụy trang rung động. Những nụ cười bừng sáng trong những căn hầm vách đá lạnh lẽo.
Một người đàn ông cao lớn, đầu quấn băng trắng đang đứng quay mặt lại phía của hàng, tóc anh đã loáng thoáng sợi bạc, chân lút trong ủng, giọng thấp xuống như anh đang nói chuyện riêng, điều đó càng làm cho những người lính trẻ đứng vây quanh anh im phăng phắc:
- Theo tin của trinh sát cho biết địch rút rất chậm chạp chần chừ, vừa rút vừa vơ vét, tàn phá. Hiện nay, chúng còn tụ lại ở bên kia cầu Kỳ Lừa. Những ngôi nhà to của chúng ta đã bị chúng phá sập hết. Mìn rất nhiều, hàng ngày có nhiều đám cháy. Chúng đốt những gì mà chúng không mang theo đi được, kể cả thương binh và xác lính của chúng để phi tang. Nhiệm vụ của chúng ta là phải bám sát địch, truy kích địch, ép cho chúng rút nhanh, hạn chế bởi những thiệt hại cho đồng bào. Chúng rút đến đâu phải thu dọn, gỡ mìn đến đấy! Rõ cả chưa? – Tiếng anh hỏi nhỏ nhẹ nhưng cương nghị, dứt khoát.
- Báo cáo thủ trưởng, rõ ạ! – Tiếng đạp lại to mạnh.
Và sau tiếng đáp, những chiến sĩ trẻ vai đeo ba lô, mũ cài lá ngụy trang, súng đạn gài quanh mình lần lượt đi qua chỗ tôi đứng.
Thủ trưởng theo tiễn họ. Đến cửa hang, anh dừng lại và lúc ấy tôi nhìn thấy anh. Tôi giật mình, thảng thốt kêu lên:
- Phi! Anh Phi!
Anh quay lại và nheo mắt nhìn tôi. Mắt anh như bị chói nắng, cứ giật giật chớp chớp một lúc rồi anh cũng kêu lên ngạc nhiên không kém tôi:
- Chị Vọng! Ô, chị cũng đến tận đây cơ à? Tôi không tin ở mắt mình nữa, cứ y như là tôi bị hoa mắt vậy! Chị đến đây có việc gì thế? Chà, bị mấy lần pháo kích mới vào được đến đây? – Anh giơ tay bắt tay tôi, bàn tay to lớn, rắn chắc.
- Đi theo anh mà mệt! Sao đầu còn đang quấn băng thế kia đã ra trận? – Tôi hỏi và đi theo anh vào trong hang. Anh giải quyết một số việc rất nhanh rồi ra ngồi bên cửa hang nhìn những đợt pháo bắn trả nhau như cầu vồng.
- Pháo ta ép địch rút chạy đấy! Thằng này tệ không đánh không được. Thế nào, tình hình ở ngõ phố ta thế nào? Chị lên đây đã gặp anh ấy chưa? – Anh rút thuốc hút và nhìn tôi chằm chằm.
Tôi nói cho anh nghe tình hình nhà anh (mọi người vẫn mạnh khỏe bình thường) và mục đích của đợt công tác này của tôi. Anh cười thích thú:
- Hay quá, chị cứ ở đây tha hồ vẽ…
Anh nói vắn tắt cho tôi nghe một số tình hình chiến sự rồi bỗng hỏi:
- Vọng còn nhớ nhà Tường xây trong ngõ cây bàng không?
- Nhà Cai Thực chứ gì? Quên thế nào được, cái trường ngày xưa tôi và anh cùng học. Tôi còn nhớ hôm anh bị đuổi học vì không có tiền học phí. Sau hôm đó tôi cũng thôi không đi học nữa. Nhưng sao tự nhiên anh lại nhắc đến nhà Tường xây? – Tôi nói và nhìn Phi.
- A, trước khi bị thương tôi có gặp thằng con lão Cai Thực ở đây. Chị có nhớ thằng Đôn không?
- Đôn “ma giã đậu” chứ gì? Anh gặp nó ở đâu?
Hình ảnh cái roi mây quất vun vút vào trong không khí lại hiện ra trước mắt tôi cùng với bộ mặt vênh váo, rỗ nhắng của thằng Đôn. Nó đã đi khỏi miền Bắc từ ngày hòa binh. Sau khi miền Nam giải phóng, chị Hạnh đi công tác Sài Gòn về có kể lại là gặp Đôn ở Chợ lớn, nó là chủ một tiệm ăn lớn. Còn thằng San thì đã di tản theo vợ chồng con Khánh. Sao bây giờ Phi lại gặp nó ở đây?
- Lúc đầu, quả thực tôi cũng không nhận ra nó là ai, vì nó đã thay đổi quá nhiều. Người nó béo và khác đi. Chính nó đã dẫn một đoàn lính tràn qua biên giới vào tàn phá cái thị xã này. Anh em bộ đội và dân quân du kích chiến đấu rất dũng cảm, chúng bị thương vong không phải là ít.Trong lúc chạy ngang qua một số xác chết của chúng để vào cứu một ngôi nhà đang bị cháy tôi chợt nghe tiếng gọi tên mình. Tôi không tin ở tai mình nữa, có lẽ tai tôi đã bị bom pháo làm cho ù chăng? Vì thế tôi cứ chạy qua. Tiếng gọi to hơn:
- Phi ơi! Anh Phi ơi, cứu tôi với!
Tôi đi đến chỗ có tiếng gọi nhìn thấy một tên Trung quốc bị thương nặng ở chân và vai đang cố cử động như thể muốn ngồi dậy mà không được. Khuôn mặt tên này to tròn, rỗ đậm nhăn nhíu lại vì đau đớn, đôi mắt hắn tha thiết nhìn tôi, giọng van vỉ:
- Anh cứu tôi với, không bao giờ tôi quên ơn anh.
- Mày là ai? – Tôi lại gần hắn.
- Anh quên tôi rồi sao? Tôi là Đôn, nhà Tường xây ở ngõ cây bàng cùng với nhà anh đây mà.
“À, ra mày, kẻ thù của tuổi thơ tao, hay giờ mày vẫn nguyên là một kẻ thù. Thế mà mày lại còn mong tao giúp đỡ, thương hại! Mày làm như tao và mày có một dĩ vãng thân thiết lắm không bằng…” Tôi nghĩ và đứng im nhìn hắn đang rẫy rụa.
- Tôi đâu muốn lâm vào cảnh này, hả anh? Tôi cũng có nhà có cửa, vợ con tôi buôn bán đàng hoàng. Vợ tôi là người Hoa nhưng tôi cũng không làm gì cho địch, chỉ làm ăn lương thiện. Nghe lời chúng dụ dỗ lừa bịp nên đã bồng bế nhau về bên kia biên giới…
- Sao về rồi không ở yên đó lại sang đây gây tội ác?
Tôi hỏi và nhẽ ra, với khẩu súng này chỉ cần một phát đạn là kết liễu đời một tên phản bội. Nhưng tôi đã không làm như thế, vì trước mắt tôi không phải là nó đang gây tội ác mà đang tàn phế, hơn thế nữa nó đang van xin… Mũi súng tôi đang chúc xuống.
- Tôi tưởng là được ở yên nhưng ngờ đâu sự tình, họ bắt tôi phải cầm súng sang đây thì mới cho đoàn tụ vợ con. Tôi đã bị lừa lọc và bây giờ bị đau khổ như thế này đây. Anh làm ơn cứu tôi không thì người ta sẽ giết tôi. Tôi không bao giờ quên ơn anh! – Nó nói và khóc. Tôi thấy mủi lòng thương nó.
- Ơn với huệ cái quái gì, tôi không cần! Chỉ cần là từ nay về sau phải làm ăn lương thiện không được đi xâm chiếm đất nước người khác nữa nhé!
- Dạ… Dạ… - Nó nói, giọng ngọt sót và nước mắt lại chảy ràn rụa.
Tôi cúi xuống giơ tay nâng nó dậy. Nhưng khi nó vừa ngồi lên được thì một bàn tay nó đã thò ra phía sau, rút lựu đạn.
- Hừ… Mày định trả ơn tao như thế đấy có phải không?
Máu nóng dồn lên mặt, tôi quát lên và quay mũi súng. Tôi bắn nó trước khi nó kịp ném quả lựu đạn vào tôi…
Phi nói và nét mặt anh chợt buồn. Im lặng một lúc, anh hỏi:
- Lâu nay chị có gặp Hồng đâu không?
- Thỉnh thoảng. Cô ấy bây giờ béo ra. Ba đứa con rồi. Tay chồng làm cán bộ ngoại giao đi nước ngoài luôn nên cô ấy chả phải lo gì về kinh tế. Đi làm gọi là có cái chân trong biên chế thôi.
- Càng ngày tôi càng thấy rõ ai sống những năm tuổi thơ thế nào thì khi trưởng thành cũng như thế. Và dù có gặp may mắn thì cũng không hơn được những gì chính bàn tay mình tạo ra. Trước đây, khi Hồng bỏ tôi, tôi thấy mình thật là người đau khổ. Tôi hãy còn nhớ, ngày đó, chị bảo tôi: “Thế là may cho anh đấy!” Tôi cứ nghĩ và có lúc giận chị. Nhưng càng ngày, tôi càng thấy chị nói đúng. Vợ tôi hình thức không bằng Hồng nhưng có cô ấy tôi mới được như ngày nay, mới đi được đến hôm nay… Còn nếu lấy Hồng thì tôi phải sống khác, có lẽ tôi đã thành người khác… Bây giờ Hồng làm gì nhỉ?
- Hồng bây giờ giữ chân hóa trang cho diễn viên nhàn rỗi mà lại có điều kiện ăn diện. Có lần cô ấy thấy tôi đứng vẽ ngoài trời cô ấy nhăn mặt bảo: “Sao mày khổ sở như vậy nhỉ, tìm việc khác mà làm có phải sung sướng nhàn hạ không?” Tôi chả biết nói sao.
- Có lẽ cũng chẳng nên nói gì… - Phi thở dài – cũng như tôi, có lần gặp Hồng cô ấy bảo tôi “Thay áo đi, em không thích anh mặc mãi màu áo lính như thế…” Tôi cũng không nói gì.
- Bao giờ anh về thăm nhà? – Tôi hỏi.
- Chưa biết được chị ạ! Đuổi hết được bọn chúng rồi còn bao nhiêu việc phải làm. Nhưng bao giờ chị về cho tôi gửi ít quà cho mẹ tôi và các cháu…
Có tiếng thở và tiếng chân bước dồn dập. Những bóng người hiện ra lung linh lay động trong ánh nắng.
- Các cậu đã về! Tốt cả chứ? – Phi chạy tới.
- Báo cáo, chúng em đã làm xong nhiệm vụ.
- Kết quả thế nào?
- Dạ, khoảng… - Anh lính trinh sát đáp và giơ tay gãi tóc. Đường đi rất khó khăn, qua nhiều chặng, có nhiều địch và mìn dầy đặc, chúng nó không đông lắm và bố trí cũng sơ sài…
- Không báo cáo như thế được. Tất cả đều phải cụ thể chi tiết từng thứ một. Bao nhiêu tên lính, vũ khí gì, bố trí về các hướng như thế nào. Thôi, nghỉ ngơi rồi đi nghiên cứu lại!
- Dạ!
Tiếng thưa khẽ bối rối. Hai trinh sát uống nước, ăn bánh, bàn bạc với nhau một lúc rồi lại ra đi.
Tiếng pháo phản pháo bay qua, bay lại trong thành phố và những khu vực lân cận làm không khí náo động căng thẳng không một lúc nào yên.
Nhập nhoạng tối tôi lại nghe thấy những tiếng nói cười quen thuộc, những người mới về đứng vây quanh Phi:
- Báo cáo, địch có mười lăm tên. Nó quay ra nhiều hướng. Nó gồm có… và có… Lên đến cao điểm thì phải qua những chướng ngại như sau…
Một chuỗi những con số và sự việc phải vượt qua phải làm để chiến thắng địch và lấy lại cao điểm được nêu ra và bàn bạc sôi nổi.
- Cao điểm 800 đấy, chị ạ. – Phi nói với tôi.
- Anh chuẩn bị đánh cao điểm đó sao? – Tôi nhìn Phi.
- Đánh chứ! Phải đánh chứ! Ta mà nhổ được cái gai ấy thì chúng sẽ mù mắt! – Phi nói, giọng sôi nổi hào hứng rồi anh chuẩn bị nhưu sắp đi đâu.
- Bao giờ bắt đầu?
- Đêm nay, ngay đêm nay! – Phi đáp và đeo cái ba lô nhỏ, lấy thêm đạn gài vào bên người, đội mũ có cài lá ngụy trang, giơ tay về phía tôi và nụ cười thân mật nở trên khuôn mặt xạm đen:
- Tạm biệt họa sĩ nhé!
- Anh đi đâu vậy? – Tôi ngơ ngác, bàng hoàng.
- Tôi trở lại đơn vị, chỗ chị đến lúc đầu rồi cùng anh em chiến đấu.
- Bao giờ chúng ta lại gặp nhau? – Tôi hỏi và nắm chặt tay anh. Chưa bao giờ tôi lại thấy Phi thân thiết và cao quý đối với tôi như lúc này.
- Nếu như không có gì xẩy ra thì sáng mai, tại đây. – Phi nói và nhếch mép cười. – Còn nếu không, không may thì nhờ chị về…
- Không được nói như thế. – Tôi ngắt lời Phi. – Anh sẽ gặp mọi may mắn. Sang mai chúng ta sẽ gặp nhau. Tôi chờ anh nhé. Tôi chờ đấy!
Tôi tiễn anh ra đến ngoài. Trước khi chia tay chúng tôi còn bắt tay nhau một lần nữa và tôi chúc anh gặp mọi may mắn một lần nữa.
- Đại đội trưởng Phi là người nhà chị đấy à? – Một anh lính trẻ hỏi và nhìn theo bóng Phi đang nhỏ dần dưới chân dốc.
- Anh ấy là người cùng phố tôi… - Tôi đáp và lặng người đi. Trong gió lạnh buổi chiều nhập nhoạng, tôi thoáng nghe tiếng Phi gọi dưới chân dốc.
Những cái cây và mỏm núi nhấp nhô trước mắt tôi mờ đi trong những vệt nắng nhẹ và sương đang tan. Những cái lá rừng to và đỏ đnag lay động bên bờ suối thoáng trông như những chiếc lá bàng tím đỏ của mùa đông. Những chiếc lá cứ rung lên và xáo động tâm hồn tôi như một cơn giông.