Không lạ - Chương 15 - 16 - 17

Chương 15. Tình yêu của đàn bà

Mình dẫn một đoàn phượt chạy lên Lai Châu theo đường 6 rồi về đường 32C. Đoạn qua Mù Cang Chải rất xấu, mặt đường bay hết thảm nhựa, trơ đá hộc to bằng cái mũ cối, kéo dài mấy chục cây số. Xe chạy chồm chồm như trâu lồng đứt mũi.

Xuống đến Tú Lệ cũng đến bữa. Bọn mình dừng lại, đang ngơ ngáo tìm chỗ ăn thì thấy Lan rú lên như bị chọc tiết.

Lan là một cô gái khá xinh, vợ chưa cưới của Tiến. Lan tốt nghiệp trung cấp kế toán, giờ đang làm kế toán viên cho một công ty tư nhân. Tiến công tác ở Viện Thủy lợi. Đôi này yêu nhau dễ đến năm bảy năm nhưng chưa cưới vì gia đình Tiến ngăn cản. Chuyến đi này cũng là cơ hội để đôi trai gái được gần gũi dài ngày, điều mà ở Hà Nội họ không thể làm được.

“Ới giời ơi! Có cái túi mà không giữ được thì giữ được cái gì cho đời hở thằng kia?”. Tiếng oán hờn của Lan rít lên, đập vào vách núi, lan xuống thung lũng òa òa nghe rất khiếp.

Mình vội quay xe lại. Lan xổ tóc như kẻ điên, mắt long sòng sọc, hai tay giơ lên trời, chân giậm bành bạch theo nhịp hét. Mọi người trong đoàn vây quanh can ngăn nhưng nghe chừng Lan chưa hạ hỏa. Tiến ngồi bệt xuống bãi cỏ bên kia đường, nhìn Lan nhưng không nói gì, chỉ cười cười ngượng nghịu.

Thấy mình tiến lại gần, Lan hô lên: “Tôi chết đây. Sống làm gì nữa”. Nói rồi Lan nhào về phía bờ vực. Mọi người xúm vào người tóm tay, kẻ tóm chân không cho Lan chết. Mình hỏi: “Chuyện gì thế con kia?”. Lan vừa khóc hờ hờ, vừa nói: “Sáng nay đã dặn rồi… hờ hờ… Bảo đường xấu cẩn thận không rơi túi… hờ hờ… cuối cùng vẫn rơi mất một cái túi”. Mình hỏi: “Có tiền nong, giấy tờ quan trọng gì không?”. Lan vỗ vỗ vào bụng: “Tiền để đây rồi, nhưng trong ấy có cái chứng minh thư”. Mình bảo: “Giờ quay lại tìm cũng không còn đâu. Chứng minh thư về làm lại được”. Lan rú lên: “Nhưng em phải chết cho thằng vô dụng kia nó ân hận cả đời”. Dứt lời Lan lao về phía vực như một mũi tên. Mọi người thấy mình đến thì đã giãn ra xa nên không ai kịp phản ứng.

Mình cũng nhoài theo, nhưng vẫn chậm.

Đến sát mép vực, thấy tay chân vẫn được tự do nên Lan dừng lại một nhịp… đợi mình theo kịp. Khi biết chắc đã giữ được Lan, mình khẽ ẩn về phía vực, Lan gồng cứng lại, miệng vẫn tru lên: “Buông tôi ra để tôi chết”. Lúc này mọi người cũng ào tới, mỗi người mỗi tay bê Lan trở lại. Lan giãy giụa rất kinh, vẫn luôn miệng xin được chết.

Tiến vẫn ngồi bên kia đường, lấy thuốc ra rít liên hồi. Mặt đờ đờ ngường ngượng.

Mình bảo: “Thôi, mày chết làm gì. Chết là thằng Tiến nó lấy vợ mới đấy”. Lan vẫn khóc: “Em hiện hồn về vặn cổ nó chết… hờ hờ… chứ lấy vợ mà được với em à?”. Mình quay sang bảo mọi người: “Có mỗi hàng xôi gà thôi. Nếp Tú Lệ nổi tiếng đấy. Vào chén đi”.

Lan nhất định không chịu vào ăn, chỉ đứng ngoài đường khóc. Mọi người vừa ăn vừa trông chừng. Tiến vẫn không nói gì, cắm cúi ăn hết một chõ xôi với nửa con gà.

Tiếp tục khởi hành, Lan nhất định ở lại, mình đành bảo mọi người đi trước, rồi nói với Tiến: “Em cứ đi đi. Nó đang điên. Để nó sang anh đèo”. Tiến gật đầu, khẽ nói: “Vâng”.

Đợi đoàn xe đi khuất, mình bảo Lan: “Giờ chỉ còn mình tao thôi. Một mình tao không giữ nổi mày đâu. Mày muốn chết thì nhảy xuống vực đi”. Lan liếc mình một cái, vẫn ti tỉ khóc. Mình lại bảo: “Nếu không định chết nữa thì lên xe. Đi không muộn”. Lan lúc cúc nghe lời mình.

Tâm trạng mình đang vui phơi phới, cảnh sắc hữu tình, non nước mây trời lồng lộng, mình kéo ga cho kịp đoàn thì đằng sau lại vút lên: “Tiên sư thằng khốn nạn… Sao đời tao nó khổ thế này? Tao đã bảo mày cẩn thận rồi mà mày không chịu nghe”.

Mình kéo sụp kính che mặt của mũ bảo hiểm xuống tránh những ánh mắt thương cảm của người đi đường cho kẻ tội đồ là mình. Rồi như có vẻ đã quá mệt với những tiếng hú, Lan rút gọn: “Tiên sư thằng khốn nạn”. Cứ năm phút một lần, điệp khúc ấy lại được gào lên giữa bốn bề núi rừng trùng điệp.

Mình nghĩ, cứ như thế này thì mình cũng sẽ điên mất, phải tìm ra một trò gì để tự giải trí thôi. Khi Lan bắt đầu cất giọng, thì mình cũng đồng thanh: “Tiên sư thằng khốn nạn”.

Lần thứ nhất như thế. Lan không phản ứng gì. Còn mình thấy hay hay, rõ ràng trò giải trí này khá thú vị.

Lần thứ hai cũng lại như vậy. Lan không phản ứng gì. Mình thấy hứng khởi hơn với tiếng chửi của mình.

Đến lần thứ ba, khi câu chửi vừa dứt. Lan hắng giọng: “Này ông kia, thằng ấy nó làm đếch gì ông mà ông chửi nó?”. Mình bảo: “Tao chửi hộ mày thôi, cho nhanh hết”. Lan sửng cồ: “Đếch được, chỉ tôi mới được chửi”. Và cái điệp khúc ấy lại được ngân nga cất lên, vang vang dội vào vách núi.

Tối hôm ấy nghỉ ở Văn Chấn, mình bảo Tiến: “Tao không ủng hộ bạo lực gia đình đâu, nhưng trường hợp này thì…”. Tiến ngắt lời: “Em cũng đấm nó suốt đấy. Nhưng nó bảo: Thế mới là… yêu”.

Chương 16. Dòng máu anh hùng

Nhinh học trước mình đâu chừng vài khóa. Nhưng cùng một típ người dị mọ ưa chuyện nhắng nhít thành ra chơi thân với nhau. Mình quen Nhinh vào năm 87, lúc ấy Nhinh đã là sinh viên năm thứ hai còn mình mới học lớp mười hai khối chuyên của trường nhưng nổi tiếng về nghịch bậy.

Vào một đêm hè, buồn tình vì trời nóng khó ngủ, mình táy máy giội nửa bát nước mắm lên đầu một đôi tình nhân đang hôn nhau đắm đuối dưới tầng. Ngỡ rằng sau đó sẽ có một trận nhẹ thì đấu khẩu, nặng thì đấu võ, nên mình xách cái điếu cày thủ thế. Một thanh niên to khỏe, mũi khoằm mỏ quạ, mắt xếch tóc húi cua, nồng nặc mùi mắm mậu dịch pha nước lã, lệt xệt đôi dép tông lào tiến lại gần mình. Chàng thanh niên ấy chính là Nhinh.

Nhinh không cáu, cũng chẳng nổi khùng, nhìn nhìn mình rồi bảo: “Cho tớ mượn cái điếu làm một bi”. Sau khi ngửa cổ nhả mù mịt khói lên trần nhà, nấc nấc mấy cái Nhinh mới thủng thẳng: “Được đấy, các cậu chơi được đấy”.

Thế là bọn mình thành bạn, vui với nhau đến tận bây giờ.

Nhinh này thực ra là biệt danh. Trong trường có một thanh niên nổi tiếng tám vía tên là Nhinh. Cái tên nghe là lạ, con người của Nhinh thật cũng lạ lạ, ẽo ợt như đàn bà. Thế là bạn mình đi tán gái toàn tự giới thiệu anh là Nhinh đây, lâu rồi thành tên như thật.

Nhinh rất thông minh, bằng chứng là Nhinh có cách nói chuyện hài hước khiến mình cười được. Số ấy mình gặp trong đời không nhiều. Thế nhưng đường học hành của Nhinh lại lận đận lắm.

Năm 89, ở bộ đội mình được đi tranh thủ. Về đến nhà là vọt đi tìm bạn ngay. Nhà Nhinh trên phố Thợ Nhuộm. Hàng xóm bảo Nhinh đi làm, ở trường tiểu học X, gần đó.

Lúc ấy khoảng hai giờ chiều, trời nắng như đổ lửa. Nhinh ngồi trên chiếc ghế gỗ mốc meo, xẹo xọ, núp dưới bóng cây xà cừ tránh nắng, dựa đầu vào gốc cây ngủ ngon lành. Tay Nhinh vẫn cầm cái dùi trống. Mình vỗ vỗ vào vai, Nhinh bật dậy, ngơ ngác: “Đến giờ rồi à?”. Rồi chợt nhận ra mình, Nhinh cười: “Tưởng đến giờ đánh trống”, vừa nói vừa làm động tác rung rung cái dùi như thể đánh trống thật. Mình hỏi: “Sao lại thế này?”. Bạn cười rất vô tư: “Thì không tốt nghiệp được thì phải đi làm bảo vệ”. Nói rồi nhưng vẫn sợ mình chưa tin, Nhinh giải thích: “Nắng thế này, đếch ai đi thi tốt nghiệp”.

Mình tưởng bạn nói đùa, hóa ra đó là sự thật. Có bốn môn thi tốt nghiệp chia làm hai ngày. Nhinh đi một buổi rồi ở nhà vì… nắng quá. Thật là kỳ lạ!

Năm 92, Nhinh sang Nga làm ăn, rồi cưới một cô tóc vàng mắt xanh bên ấy, sinh được hai đứa con một trai một gái.

Năm 2004, mình quay lại Nga chơi. Lũ bạn cũ thuê một ngôi biệt thự ở vùng ngoại ô tụ tập đàn đúm ôn chuyện xưa. Lúc này Nhinh đã ly dị. Cô vợ đi lấy chồng khác, gửi hai đứa con về cho mẹ đẻ ở tận Vongagrad. Quá bận bịu với mưu sinh, cũng lâu lắm rồi Nhinh chưa về thăm con. Nhân tiện có đợt vui này Nhinh đón hai đứa lên nghỉ cùng để hâm nóng tình phụ tử.

Mình với Nhinh nằm phơi nắng ngoài sân. Hai đứa trẻ con thơ thẩn chơi quanh đấy. Thiếu cả bố lẫn mẹ, trông chúng tội vô cùng.

Mình hỏi: “Ông có dạy tiếng Việt cho chúng nó không?”.

Nhinh bảo: “Chúng nó ở với bà ngoại, ai dạy!?”.

Mình nhìn hai đứa, chẳng có một chút gì cho dù chỉ là phảng phất dấu ấn Á Đông. Mình đùa: “Này, liệu có phải thằng ăn ốc, thằng đổ vỏ không?”.

Nhinh im lặng, bứt một cọng cỏ cho lên miệng nhai rồi thổi phù phù.

Thằng bé quanh quẩn một hồi, không có trò gì thú vị, nó co chân sút một phát như đá phạt. Con mèo bay vút, ngoao một tiếng đau đớn mới rơi xuống đất rồi chạy mất hút.

Nhinh bật dậy, mừng rỡ: “Ông thấy không, thấy không? Dòng máu Việt Nam chảy trong người nó đấy. Tây đếch ai làm thế bao giờ”.

Nói rồi bạn lại nằm xuống phơi nắng, khuôn mặt giãn nở đầy vẻ tự mãn của kẻ chiến thắng.

Chuong 17. Miếng bánh nướng

Lâu rồi mình không ăn bánh Trung thu. Đơn giản là không thấy ngon.

Bọn trẻ nhà mình cũng ít ăn, vì có nhiều thứ trong tủ lạnh ngon hơn.

Đêm qua mình xách về một túi bánh Trung thu người ta biếu. Đặt dưới bếp, nghĩ: “Để cho ô sin nào thích thì ăn”. Hôm nay đi làm về, bọn trẻ nhao nhao bảo: “Bánh ngon quá bố ạ”. Con bé vừa nói, vừa bẻ một miếng bằng đầu ngón tay cái nhét vào mồm mình: “Ăn đi, ăn đi”.

Nó hỏi: “Ngon không?”.

Mình trả lời: “Ngon”.

Thực tình mình thấy ngon bởi các con thấy ngon. Chứ bánh Trung thu, cụ thể là bánh nướng, mình chỉ thấy ngon có một lần. Đó là dịp Trung thu năm 1977.

***

Khu tập thể của nhà mình đâu khoảng năm, sáu dãy nhà vách đất, mái lợp nứa đập dập trong một trường đại học. Trẻ con sàn sàn tuổi mình khá đông, hầu như gia đình nào cũng có.

Đầu hồi dãy nhà mình là căng tin, được xây bằng tường gạch và lợp mái ngói. Gọi là căng tin, nhưng thực ra nó là một cửa hàng mậu dịch nội bộ của trường, là nơi cấp phát lương thực và nhu yếu phẩm cho các hộ gia đình trong trường. Căng tin chỉ có một gian hàng kê chiếc tủ quầy bằng gỗ mốc thếch, mặt bằng kính ố vàng và luôn luôn trống trơn, mạng nhện chăng dày. Phần còn lại của dãy nhà căng tin là kho, lúc nào cũng tối om và bốc lên mùi ẩm mốc rêu phong. Bên trong kho hay có một ít gạo hẩm, mấy bao tải sữa bột đồ viện trợ trông như bao tải xi măng. Hình như đấy là lương thực dự trữ dành cho những lúc cứu đói cán bộ.

Cửa kho được cài bằng một cái then sắt to bằng ngón tay cái, lủng lẳng chiếc khóa to đùng như thể khẳng định một thế giới khác đằng sau cánh cửa ấy. Trẻ con bọn mình tối nào cũng đếm xem còn bao nhiêu ngày thì đến Trung thu.

Ngày nào đi học về ngang qua căng tin, mình cũng nhìn cái cánh cửa ấy với hy vọng chiếc khóa đã được mở. Và rồi nó cũng được mở, đúng bảy ngày trước rằm. Mình chạy như bay về nhà, vừa chạy vừa reo: “Bánh về, bánh về rồi chúng mày ơi”.

Lũ trẻ con túa ra đường, chạy rầm rập ra căng tin, chỉ để kiểm chứng xem bánh đã về thật chưa. Trong góc kho xuất hiện hai bao tải sợi gai mới, màu nâu, căng phồng. Lũ trẻ tìm cách chui vào để kiểm tra, nhưng cô thủ kho cảnh giác vội đóng cửa lại mắc cái khóa to đùng lên, bấm đến tách một tiếng khô khan, đuổi quầy quậy: “Về đi, về đi, đến rằm khắc có bánh”.

Chẳng đứa nào chịu về, đứa nào cũng cố gí mũi vào khe cửa, hít một hơi thật sâu xem có mùi bánh không? Lẫn vào mùi mốc đúng là có mùi gì thơm thơm, ngọt ngọt rất khó tả. Chúng nó đoán: “Chắc là một bao bánh nướng, một bao bánh dẻo”.

Còn sáu ngày nữa.

Còn năm ngày nữa.

Còn bốn ngày nữa.

Chỉ còn chịu đựng nốt ngày mai thôi. Tối ngày kia là rằm. Mà chiều mai là chia bánh về cho các nhà rồi. Đứa nào cũng tính thầm như thế.

Sáng hôm sau, mới sáu giờ, mình đã thấy người lớn nháo nhác chạy đi chạy lại rầm rập. Mình nhỏm dậy, chia bánh rồi!

Mình lao ra sân căng tin, đã thấy một lũ trẻ con đứng ở đấy, đang khóc. Có cả bóng dáng của các chú công an áo vàng.

Đêm qua kẻ trộm đã dỡ ngói chui vào kho, bê mất hai bao tải bánh. Thấy có người nói: “Hay là mấy thằng con mấy bà cấp dưỡng?”. Chú công an bảo: “Người lớn, để lại dấu giày bata trên tường cỡ 41. Nhóm này có khoảng ba người”.

Mình cũng khóc, ngồi bệt xuống vỉa hè.

Trộm chỉ lấy hai bao tải bánh, không lấy gạo hẩm, không lấy sữa bột, không lấy bất cứ cái gì khác.

Hình như chúng còn ngồi liên hoan bánh Trung thu trước khi khênh đi. Công an bảo thế vì thấy có vụn bánh rơi vãi chỗ chúng ngồi.

Mình ngồi ngoài hè khóc, nhưng vẫn bị ám ảnh bởi mùi thơm của bánh nướng. Đúng là thơm thật, rất gần, lượn lờ rồi chui tọt vào lỗ mũi mình.

Một miếng bánh nướng to bằng ngón chân cái, nằm dưới chân cột, kiến bâu đầy. Mình nhỏm dậy, hết khóc, dỗ dỗ xoa xoa cho bớt kiến, nhìn thấy cả hai vết răng cửa cào vào miếng bánh. Mình đoán thằng trộm nào ăn chán rồi ném ra đây. Có hề chi, miếng bánh chui tọt vào mồm. Thơm lừng, béo ngậy, ngọt lịm.

Bọn trẻ cũng phát hiện ra việc ấy, chúng nó lồng lên đi tìm xem còn miếng nào nữa không? Không đứa nào có vận may như mình.

Tết Trung thu năm ấy không có bánh ăn. Bọn trẻ con đốt dây bưởi khô, cầm đèn ông sao chạy một vòng rồi về đi ngủ với cái miệng nhạt thếch.

Mình đẩy cái đèn quay quay dán bóng kính xanh đỏ, nghĩ về miếng bánh nhặt dưới chân cột, vẫn còn thấy ngọt, thấy béo, thấy thơm trong miệng.

***

Mình kể chuyện này cho bọn trẻ con nghe, chúng nó bảo: “Chuyện của bố chán bỏ xừ”.

Trên bàn còn vứt chỏng chơ một miếng bánh to bằng ngón chân cái mà chúng nó ăn thừa.

Chương 17. Miếng ăn

Mình thường ăn cơm bụi ở cổng cơ quan, nhưng hôm nay bạn già mệt mỏi vì công việc nên hai thằng kiếm một cái nhà hàng vừa ăn vừa tâm sự chuyện đời. Cao lương mỹ vị bày la liệt, bốc mùi thơm nức mũi nhưng bạn già thờ ơ, lấy cái đũa chọc chọc, gẩy gẩy rồi lại đặt đũa xuống thở dài.

Bạn già mình đang tiến hành mua lại một dự án bất động sản. Công việc đang hanh thông thì có kẻ phá ngang. Vào vòng đàm phán, ngay màn mở đầu đã ăn chưởng phủ đầu của đối thủ. Hắn lẳng cái cặp lên bàn đến rầm một cái ra vẻ bất cần, lấy chân kéo cái ghế xành xạch, ngồi xuống, bảo: “Tôi có ba ngàn tỉ tiền thịt, đếch phải vay mượn ai, các ông biến mẹ nó đi cho nhanh”.

Thái độ ấy khiến bạn mình sôi điên, nhưng vẫn phải nhịn.

Bạn mình gắp một cọng rau, đưa lên miệng nhằn nhằn, bảo: “Chẳng biết là kiếm tiền để làm gì nhỉ? Ăn uống chi tiêu thì cũng chỉ đến thế. Vô nghĩa quá”.

Mình lại bảo: “Thì tiền bạc phù du thật, nhưng không có không được. Tôi cứ vừa kiếm vừa chơi thong dong cũng sắp hết đời rồi”.

Bạn mình bảo: “Nhiều thịt quá”, rồi quay sang gọi đám nhân viên: “Em ơi, kiếm cho anh quả cà bát muối”.

Cà muối cũng là món mình thích.

Nhưng với bạn già, nó còn là kỷ niệm thơ ấu. Mỗi lần cha bạn đi công tác xa, dặn dò: “Con ở nhà ngoan, nhớ nghe lời mẹ, về bố mua quà”. Quà chính là những quả cà muối mặn chát gói trong mớ lá chuối héo.

Bạn ăn cà, thực ra là đang muốn nhấm nháp lại một thời đói khổ vô lo.

Mình đưa một miếng thịt bò Kobe lên nhai. Thịt mềm, vị ngọt ngấm vào từng kẽ răng như thịt gái đẹp. Nghe nói bò Kobe chỉ nuôi bằng sữa, nghe nhạc Moza và được mát xa hằng ngày cho mỡ quyện vào từng thớ thịt. Quy trình nuôi cũng giống hệt các tiểu thư con nhà quyền quý bây giờ.

Mình bảo bạn: “Tôi được ăn thịt bò lần đầu lúc sáu tuổi”. Mình ngừng lại một lát, đưa miếng thịt bò khác vào mồm. Thật thơm, thật ngọt, thật ngậy. Và câu chuyện về miếng thịt bò hồi ấy lại được trải dài lên bàn tiệc.

***

Những năm 70, nhà mình cũng chạy ăn từng bữa như hàng vạn các gia đình công chức khác. Một hôm mẹ mình mua được một chiếc sọ bò trắng ởn vì đã được cạo sạch hết thịt. Một vài chỗ hõm vẫn bám một chút màu hồng của thịt vì lưỡi dao không lách vào được để nạo vét.

Mẹ mình bảo: “Mua cái sọ này để lấy não. Não ngon lắm”. Nói rồi bà nhảy phốc lên chiếc xe đạp guồng mải miết sợ muộn giờ làm việc.

Bố mình không hài lòng. Việc ông không hài lòng với mọi thứ xung quanh đã quá quen với bọn mình.

Mấy chị em mình đều háo hức muốn thử não bò ngon ra sao, nhưng vẫn không giấu được nét lo âu cố hữu mỗi khi bố được giao một việc nhà gì đó. Ông nhìn cái sọ bò, giọng rin rít khe khẽ: “Mua cái của nợ này làm gì để bắt tội nhau”.

Bắt tội nhau là ông phải bửa nó ra để lấy được não. Ông vốn ghét những việc nhem nhuốc tay chân như này.

Bố mình lấy cái dao phay, chặt chặt mấy cái. Cái sọ vẫn cứ nhe răng nhăn nhở như trêu ngươi, lưỡi dao mẻ mất một miếng bằng móng tay. Ông ném cái dao đánh xoảng vào góc bếp, lầm rầm: “Của nợ, của nợ…”.

Mình ngồi bên cạnh, đưa ra giải pháp khác: “Búa tạ, búa tạ được đấy”. Bố mình gườm gườm nhìn nhưng không nói gì. Mình hiểu, như thế có nghĩa là đồng ý. Mình chạy lon ton đi mượn và kéo xềnh xệch về.

Bố mình mặc quần đùi, cởi trần, một tay xách búa tạ, tay kia cắp nách sọ bò dẫn ba đứa bọn mình ra bể nước công cộng. Đang giờ đi làm nên bể nước vắng tanh, chỉ có mấy bố con.

Bố mình đặt cái sọ lên nền bể nước, ngắm nghía tính toán sao cho nhát búa thật chính xác. Bọn mình nín thở vì căng thẳng. Ông vặn mình lấy đà quai một nhát như trời giáng. Trúng rồi, hình như mình có hét lên như thế. Cái sọ bắn vụt đi xa năm sáu mét, lăn lông lốc, bê bết đất cát.

Sọ bò vẫn chưa vỡ. Bố mình quát lên một tiếng: “Nhặt”. Mình chợt tỉnh, lao như tên bắn, bê cái sọ bò về đặt ngay ngắn trên nền bể.

Lần thứ hai không đợi bố quát mình đã lao đi như thể đỡ lấy cái đầu bò vừa văng ra từ nhát búa kia. Chiếc sọ vẫn không chịu vỡ. Bố mình thở hồng hộc. Ông chống cái búa xuống nền gạch, chân giạng ra, hai mắt long lên, mồm không tiếc lời nguyền rủa những người liên quan đến chiếc sọ bò này.

Lũ trẻ chúng mình sợ rúm ró, cầu khấn trời phật phù hộ cho bố đập vỡ được sọ bò.

Ông lấy mũi bàn chân phải gẩy gẩy, chỉnh chỉnh cái sọ bò cho ngay ngắn, rồi lùi lại tầm một mét, uốn người lấy đà.

Đầu búa tạo thành hình một vòng cung tuyệt đẹp trước khi tới đích. Chiếc sọ bò khẽ nẩy lên, một vết vỡ bằng cái bát ăn cơm đỏ quạch màu gạch non xuất hiện tức thì bên cạnh chiếc sọ, gạch vụn bắn vù vù như đạn trận. Bố mình quăng cái búa ra xa, bỏ về, ném lại một câu: “Vứt mẹ nó đi”.

Mình kéo búa đi trả, lòng nặng hơn búa.

Mình rửa sọ bò cho sạch, bê về giấu góc bếp đợi chiều về trả cho mẹ.

Mẹ cãi nhau với bố một chập, tiếc của, bỏ chiếc sọ vào nồi ninh suốt đêm lấy nước. Sáng hôm sau mẹ gọi bọn mình xuống bếp. Nồi sọ bò bốc hơi nghi ngút, nước màu trắng đục. Chiếc đầu bò chuyển màu sậm hơn. Mẹ lấy móng tay cạo cạo những bụi thịt bám lấm tấm ở những hốc xương cho mình mút. Một vị gây gây xộc lên mũi, bám lấy cổ họng lờ lợ khiến mình ọe khan. May mà lúc ấy trong bụng không có gì.

Mẹ ninh cái đầu bò ấy thêm một ngày nữa với hy vọng nước có thể len lỏi qua những bọt xương, chui vào ổ sọ rút hết chất bổ cho đỡ phí của. Nước ninh đem nấu mỳ sợi. Mẹ bảo: “Ngọt lắm, bổ lắm, bổ bằng mấy cân thịt đấy”. Mình không ăn được và sợ thịt bò từ đó.

Gần mười năm sau, khi mình bắt đầu trổ giò, luôn trong trạng thái đói mèm thì mình ăn được thịt bò. Lạ là lúc ấy không thấy gây nữa.

Gần chục năm sau nữa, khi ngoài hai mươi, mình đã trở thành một người đàn ông thực thụ với một con bò Tây. Thật may rằng trong buổi đánh chén ấy mình không phải vác theo cái búa tạ như năm xưa.

***

Đấy là hai câu chuyện hoài cổ của hai lão sắp già kể cho nhau nghe, vào một buổi trưa trong cái nhà hàng có đầu bếp ngoại quốc.

Bạn già cho một miếng cà vào mồm, nhai rồm rộp. Mình hỏi: “Vẫn chiến chứ?”. Bạn đặt đôi đũa xuống bàn, chém tay vào không khí đến vù một cái: “Chiến!”.

Mình bảo: “Rốt cuộc mỗi thằng cũng chỉ cần hai thước đất là đủ. Sao phải khổ thế!?”.

Bên ngoài gió nàng Bân thổi ù ù.