Không lạ - Chương 24 - 25 - 26

Chương 24. Một đêm ở Chợ Rã

Chợ Rã là tên một thị tứ. Chợ Rã là cái ngã ba, nơi giao cắt hai nhánh đường từ Nà Phặc và Phủ Thông, đến Chợ Rã thì chập làm một, kéo thêm mười lăm cây số nữa thì vào đến Ba Bể.

Dân phượt chẳng ai ngủ ở Chợ Rã làm gì. Họ sẽ đi tiếp hơn chục cây để ngủ trong bản Pắc Ngòi hay Bó Lù để đêm đến nghe tiếng nước vỗ vào vách đá ộp oạp lẫn đàn tính thánh thót của những cô gái Tày mười tám đôi mươi trắng hồng. Thế mà đêm qua mình phải ngủ ở Chợ Rã, bên lề Ba Bể, thật không có nỗi nhục nào như nỗi nhục này.

Định không đi đâu vì đợt này bận quá. Ngày 30/4, các bạn đã ở chân trời nào rồi mà mình vẫn phải cắm mặt đến trưa hôm đó mới xong việc. Tự thưởng cho mình một giấc ngủ tắt điện thoại đến chiều tối. Tỉnh dậy nhạt mồm, chân tay ngứa ngáy mỏi mệt như kẻ mới ốm dậy. Bật điện thoại lên lập tức nhận được điện thoại của mấy bạn đang xuôi từ Cao Bằng về Ba Bể. Thế là leo lên xe, cắm cổ chạy như ma đuổi.

Pắc Ngòi và Bó Lù đều là bản của người Tày, nằm bên kia hồ và phương tiện duy nhất sang được bên ấy là đi thuyền. Hơn mười năm trước, mình lên Ba Bể câu cá và bắn chim, bản Pắc Ngòi vẫn nằm trên mép hồ, nơi con sông Chợ Ten đổ nước vào Ba Bể. Người Tày ở bản Pắc Ngòi sinh sống bằng buông câu trên sông, đánh cá trong lòng hồ trên những con thuyền độc mộc. Chiều chiều, khi mặt trời bắt đầu khuất sau dãy núi ngay lưng bản, những con thuyền độc mộc như những chiếc lá tre vun vút ngược dòng tấp về bến. Những người chèo thuyền, đứng chân trước chân sau giữ thăng bằng trên chiếc thuyền bản rộng chỉ cỡ mấy bàn tay, tài nghệ chẳng kém gì các nghệ sỹ đi dây ở rạp xiếc.

Bó Lù nằm tụt xuống phía dưới. Từ Pắc Ngòi xuống Bó Lù phải vượt qua một quả núi. Chính vì vậy, mặc dù cũng nằm trên mép hồ, nhưng Bó Lù ít được du khách để ý tới vì đường sá cách trở.

Mấy năm nay đã đổi khác rất nhiều. Sông Chợ Ten mang một lượng phù sa khổng lồ từ những cánh rừng trọc đổ vào lòng hồ và bồi đắp phần thượng hồ thành một bãi đất rộng mênh mông. Người Pắc Ngòi trước giăng câu thì nay trồng ngô ở đó. Bản Pắc Ngòi như có chân, chạy sâu lên trên, cách mép hồ hằng cây số.

Người ta đã làm một cây cầu sắt ô tô cũng đi được qua sông Chợ Ten, chạy thẳng vào Pắc Ngòi để đón đưa khách. Một con đường nhựa vượt qua mỏm núi, nối Pắc Ngòi với Bó Lù. Người dân Pắc Ngòi và Bó Lù chuyển hẳn sang làm dịch vụ nhà nghỉ. Từ ngày có con đường này, giao thông thuận tiện hơn nhiều. Nếu như ngày xưa người dân ở đây chỉ có thể liên lạc với thế giới bên ngoài bằng con thuyền độc mộc, thì nay họ có thể chạy xe máy vù vù ra Chợ Rã uống cà phê hay xuống hẳn Bắc Kạn hát ka la cô lê. Thuyền chẳng để làm gì nữa, neo đậu mục nát ngoài bãi. Họa hoằn lắm mới thấy một người già chòng chành cô đơn trên con thuyền độc mộc xúc tép ven hồ.

Chính vì thế mà mình bị bất ngờ bởi cả Pắc Ngòi và Bó Lù đều hết chỗ trong đợt nghỉ dài này.

Mình đành phải kiếm một cái nhà nghỉ ở Chợ Rã làm chỗ tá túc qua đêm. Nhà nghỉ cao đến mấy tầng, có sân trước khá rộng để được vài chiếc ô tô. Sàn nhà lát gỗ, cầu thang bằng gỗ, cửa giả đều là gỗ tự nhiên hết. Lúc ấy mất điện, cô nhân viên đánh cả chục que diêm mà không cháy. Mình thấy ánh mắt dè chừng của cô gái miền sơn cước trong ánh lửa lóe lên từ đầu que diêm.

Đồ đạc trong phòng duy nhất là chiếc giường đệm mút. Góc phòng dựng bốn cái cọc màn, vật dụng không thể thiếu của nhà nghỉ khách sạn miền núi. Đêm ấy mình không ngủ được. Chiếc đệm mút quá tồi, nằm một lúc lõm sâu hình người. Trở mình nằm nghiêng lại lăn tòm xuống hố do mình mới tạo ra do đệm mất độ đàn hồi. Có một cái gì đó bứt rứt không yên, có thể là đệm tồi, ga trải giường bẩn, hoặc có thể là trở trời xương khớp xộc xệch theo thời gian. Mà cũng có khi, ở Hà Nội bạn gái lại mang quần đùi cho lên chảo rang, yểm bùa không cho mình bay nhảy.

Một đêm rất dài rồi cũng qua. Mình dậy ăn sáng ở một quán phở gần đấy. Mười lăm ngàn một bát phở xào lăn, thịt bò được thái dày như miếng bít tết, dai ngoách. Húp vội gọi là có ăn sáng rồi sang quán cà phê bên cạnh gọi một cốc Lipton nóng nhâm nhi điếu thuốc. Mình không uống cà phê, uống vào lòng phèo lộn mửa ngay lập tức. Thường thì sáng làm ấm trà, những lúc cơ nhỡ thế này thường gọi một cốc Lipton nóng không đường không chanh là lành nhất. Nói rất kỹ với cô phục vụ: “Nóng nhé, không đường không chanh. Nhớ chưa?”. Cô phục vụ đon đả: “Em nhớ rồi”.

Cốc trà được bưng ra sau năm phút, hơi bốc nghi ngút. Mình mừng thầm vì người ta rất hay nhầm thành Lipton đá. Mình nhấp một ngụm, ngọt và chua. Mình gọi cô phục vụ lại hỏi: “Không đường không chanh, không nhớ à?”. Cô phục vụ trợn mắt: “Em thề là không cho một chút đường chút chanh nào”. Mình chợt hiểu, hạ giọng: “Thế thì anh hiểu rồi. Thôi em đi đi”. Mình đặt cốc Lipton ice tea sang bên cạnh và móc tiền ra thanh toán. Một buổi sáng vô vị nhất trong những chuyến đi từ trước đến nay.

Chẳng lẽ lại về, thôi đã đến đây thì cứ lượn vào hồ, thuê cái xuồng máy lượn vè vè như bao du khách khác cho nó đủ mây trời nước non. Có ba cậu thanh niên ba lô máy ảnh đứng bên đường vẫy xe. Một cậu hỏi: “Đại ca có vào hồ không, cho ba thằng em đi nhờ”. Mình bảo: “Đi”. Ba cậu tót lên xe hỉ hả cười nói.

Một cậu khen: “Anh có vẻ thông thạo nhỉ, đi chẳng cần hỏi đường”. Mình bảo: “Anh cũng hay đi”. Một cậu đế thêm: “Trên mạng cũng có một bác hay đi, thông thạo lắm”. Tôi bảo: “Dugia(1) phải không?”. Ba cậu cùng đồng thanh: “Sao anh biết?”. Tôi cười trả lời: “Vì anh là Cao Sơn”. Cả ba đều không biết Cao Sơn là thằng nào. Mình ngượng đỏ chín cả mặt.

(1) Dugia, Hoankiem là nick nổi danh trong giới phượt.

Mười lăm cây từ Chợ Rã vào hồ, mình dành thời gian để giảng giải tinh thần phượt cho ba thanh niên kia. Thực ra là giảng lại cho mình, ôn bài để thấy mình chưa cũ mòn. Để mong muốn cái phượt danh Cao Sơn không quá cố trong tiềm thức của dân phượt trẻ. Nhục thật.

Ba cậu trai trẻ nghe như nuốt từng lời. Một cậu cảm thán: “Cuộc đời là những chuyến đi”. Mình hỏi: “Biết câu ấy của ai không?”. Một thanh niên nói: “Của Hoankiem phải không ạ?”. Mình nghẹn ngào: “Của một cụ già hay đi mà ai cũng biết. Nhưng anh làm câu ấy sống lại trong các diễn đàn phượt”.

Đến ngã ba hồ, mình bảo ba thanh niên kia xuống xe và chỉ đường cho họ vào bản. Còn mình rẽ phải ra bến, thuê thuyền lạch phạch lượn hồ như ai.

Đã từng ăn bờ ngủ bụi hàng tuần rình câu cá chiên ở đây, thì việc ngao du trên chiếc thuyền gắn máy cole thế này thật là vô nghĩa. Mình ngủ gà ngủ gật mặc cho lái thuyền thích tấp vào đâu thì tấp, neo vào đâu thì neo, hết giờ thì lên bờ.

Lại lên xe, chạy như động rồ về để mai còn đi làm. Qua Thái Nguyên, tạt vào quán cơm hay ăn, mua vài khúc cá kho về cho vợ. Bà chủ quán đon đả: “Lâu lắm mới thấy chú qua”. Mình cười ngượng nghịu, nhét khúc cá vào túi rồi chạy vội ra xe như thể đứng thêm tí nữa thì bật khóc.

Thấy đời mình là những khúc cá kho.

Chương 25. Cô đơn đón Tết

Có phải như ngày xưa đâu mà cả năm mới biên cho nhau được lá thư hỏi thăm sức khỏe.

Có phải như ngày xưa đâu mà cả năm mới gặp được nhau ngày Tết.

Bây giờ ở thành thị ai cũng có xe máy phóng vù vù. Thăm nhau chẳng phải lóc cóc đạp xe đến nhà bạn mà cứ phấp phỏng không biết có nhà hay không. “Rỗi không, ra cà phê nhé!” - một câu qua điện thoại, một message hiện lên trên cửa sổ chat là tuần nào cũng có thể ngắm nghía bạn bè thân hữu chỉ sau mười lăm phút phát ra thông điệp. Chơi với nhau chẳng cần phải biết nhà nhau, tiệm cà phê là phòng khách chung của các gia đình.

Vậy mà mấy ngày Tết phải ngồi nhà, nở nụ cười xã giao với những câu hỏi thăm và chúc tụng cũ kỹ khiến mình cho rằng đó là một việc làm ngớ ngẩn nhất trần đời.

“Năm nay nhà ta làm ăn khá chứ?” - vớ vẩn hết sức. Tháng nào cũng gặp nhau ít nhất bốn lần, chuyện chỉ xoay quanh công việc, biết rành rành bạn năm nay thắng thua thế nào, vậy mà chỉ vì Tết nên phải hỏi một câu cực khú cho phải lệ. “Cành đào này nhiều lộc lắm đây” - chẳng có gì để buôn thêm, Hăm tám vừa rủ nhau đi mua đào, giờ mới mùng Hai nhìn thấy chính cành đào mình mua mà cứ như phát hiện ra châu Mỹ. “Năm tới bằng năm bằng mười nhé!” - thật thế có khi mất bạn mất bè như chơi.

Tiếp khách kiểu này mặt mình cứ cứng đờ, vặn vẹo trên ghế như bị kiến đốt vào mông. Các bạn mình đôi khi hỏi một câu xong cũng tự thấy ngớ ngẩn đành phá lên cười chữa ngượng. Thấy mình khổ sở quá, vợ bảo: “Thôi anh trốn vào buồng đi, có khách em bảo anh đi vắng”.

Khách đến, trong buồng đèn đóm tắt hết, không dám thở to, dặn dò con cái không được gọi bố, căng thẳng như công an bắt gián điệp. Trốn một vài khách thì được, một cái Tết cũng cố được, nhưng nhiều lần, nhiều năm thì không được. Ở nhà mình mà cứ dấm dúi thầm thì như đi ăn trộm.

Người ta đến nhà mình, mình lại phải qua nhà họ đáp lễ, sượng sùng lặp lại những câu hỏi, câu chúc. Cứ thử không đến xem, thể nào cũng mất lòng nhau. Vì vậy đến chúc Tết nhà ai mà khổ chủ không có nhà thì khổ khách mừng húm, viết vội tờ giấy gài cửa: “Vợ chồng tôi qua chúc Tết anh chị, tiếc rằng anh chị không có nhà. Năm mới, chúc anh chị...” rồi lại te tái đi đến nhà khác với mong muốn người ta đi vắng. Nghe có vẻ thậm vô lý nhưng đó lại là sự thật.

Thế này không còn là nghỉ Tết nữa mà thành đi tù Tết, đày Tết. Cả năm hùng hục như trâu cày ruộng, mấy ngày Tết lại phải diễn tuồng. Xem ra nghề diễn không vất bằng đi cày, nhưng mệt mỏi hơn vì thấy mình không phải là mình. Thật tình nhiều người chỉ muốn lăn ra ngủ thật đẫy, ăn gì thì ăn, làm gì thì làm, tự thưởng cho mình mấy ngày thư giãn sau cả một năm lo toan.

Một lần mình quyết tâm thay đổi. Đúng chiều Ba mươi, sau khi đã hoàn tất các thủ tục Tất niên, mình bảo vợ: “Anh đi chơi xa đây”. Vợ mình ngậm ngùi sụt sịt, hỏi: “Đi đâu?”. Mình trả lời: “Đi đâu cũng được, miễn không phải ở nhà đóng kịch”.

Nhét chai rượu vào túi, đôi bánh chưng phòng xa, thêm vài bộ quần áo, lấy cái chăn nữa cho chắc ăn rồi quẳng lên xe và khởi hành trong cái khí lạnh se sắt của gió mùa. Tâm trạng lúc đó phấn chấn một cách khó tả.

Ngày xưa tầm này mình đang hồi hộp bóc chiếc bánh chưng tự gói, nho nhỏ nhưng có miếng thịt to, xem có xanh, có rền không.

Bây giờ con mình không được gói bánh, không được gà gật bên bếp lửa ngóng bánh chưng. Bánh được bán đầy đường đầy phố trong cả những ngày không phải là Tết. Các bà nội trợ chỉ việc chi tiền ra là xách về, gói ghém làm gì cho mất công. Tiện cho người lớn nhưng lại thiệt thòi cho lũ trẻ.

Tết nó là thế, xưa đói kém thì người lớn bạc mặt lo gạo thịt, trẻ em háo hức đợi manh áo mới. Giờ người lớn không phải lo ăn lo mặc nữa nhưng lại phải lo khách khứa, trẻ em chỉ còn niềm vui vì được nghỉ học vài hôm.

Đã thấy núi rừng trập trùng mây phủ trước mặt, phố xá ngột ngạt khuất sau lưng. Một mình trên đường vắng mà thấy mình vui như Tết ngày xưa, như lúc hồi hộp bóc cái bánh chưng tự gói, cắn một miếng thấy ngon nhất trần đời.

Định cứ lái một mạch như thế, đến đâu thì đến, Giao thừa thì dừng xe bên đường mở rượu uống với sông suối rồi lăn ra ngủ. Nghĩ thế nào lại tạt vào một bản Thái ven đường, chọn một nhà quen vẫn hay ngủ nhờ trong những chuyến phượt. Ở đây, người ta ăn Tết ba ngày, từ Hăm chín đến mùng Một.

Người Thái ở đây cũng làm lúa nước như dưới xuôi. Mấy năm trở lại đây, người nước ngoài đi du lịch đến vùng này nhiều, lại muốn “nhiều cùng” với dân địa phương. Vậy là họ kiêm thêm cả nghề cho thuê nhà trọ. Nghề phụ thành thu nhập chính, nông nghiệp chỉ để giữ ruộng. Anh chủ nhà say rượu đã ngủ từ lúc nào, chị chủ lúc cúc chạy ra mở cửa, xuýt xoa vì gió lạnh, hỏi mình: “Chú đi đâu mà khổ sở thế này? Tết nhất thế này!”. Mình bảo: “Đi thế nó mới sướng chứ, ở nhà khổ hơn”. Chị chủ nhanh tay xách hộ cái túi vào nhà, lúc mình còn đang cởi giày, quay lại hỏi: “Vợ đuổi à?”. Mình đùa: “Đời đuổi”.

Chị trải đệm cho mình trong góc nhà, gần cửa sổ nơi mình thích. Mình hỏi: “Năm nay nhà ta làm ăn khá chứ?”. Chị ríu rít như chim: “Tốt lắm chú à. Đường làm xong nên nhiều khách trọ”. Mình lại nhìn cành đào, những bông hoa hồng nhạt, cánh mỏng manh đài các, nở chi chít trên thân cành mốc meo xù xì, rồi cảm thán: “Đào đẹp nhỉ!”. Chị cười và khoát tay chỉ về hướng đằng sau: “Anh ấy mất cả ngày mới tìm được trên núi kia đấy”. Mình chúc: “Năm mới anh chị phát đạt bằng năm bằng mười”. Chị vẫn cười: “Bằng năm nay là tốt lắm rồi chú ạ”.

Vẫn những câu hỏi ấy, những câu trả lời như thế, đặt trong hoàn cảnh này sao nó gần gũi ấm cúng và thật lòng đến vậy. Chị chủ nhà dọn chỗ cho mình xong rồi đi ngủ. Mình lấy ra chai rượu, định đánh thức anh chủ nhà dậy uống cùng nhưng lại thôi. Bây giờ anh ta đang thích ngủ thì cứ để cho anh ta ngủ, cũng như mình không muốn tiếp khách thì cứ để đón Tết một mình.

Hình như là Giao thừa. Những nếp nhà sàn say rượu từ Hăm chín im lìm trong bóng đêm chứ không ầm ĩ bởi tiếng xe máy gầm rú của đám thanh niên đi hái lộc. Lộc ở đây đầy vườn, đầy đường, ngồi từ chỗ mình, thò tay qua cửa sổ là hái được một cành nhãn lòa xòa búp xanh. Mọi khi ở nhà vợ giao nhiệm vụ xuống đường bẻ trộm một cành cây gọi là hái lộc. Năm nay mình đi vắng, chẳng biết có đợi được đến khi mình mang cành lộc từ núi rừng về không, hay là đã mua cây mía dựng góc nhà rồi không biết.

Mình nhấp một ngụm rượu để cảm nhận năm cũ đã qua, năm mới đang đến. Một năm trôi đi, mình lớn thêm một tuổi hay già đi một tuổi. Bản chất thì như nhau nhưng dùng trong những trường hợp khác nhau dẫn đến cách hiểu khác nhau. Một đằng thêm một năm trưởng thành, đằng kia bớt đi một năm trong quỹ thời gian còn lại trên cõi đời. Đến cái ngưỡng thất thập giời định ra cho con người lại tính là thọ thêm một tuổi. Một kiểu dùng cho người trẻ, kiểu kia dùng cho người chưa già, kiểu nữa dùng cho người già hẳn. Cũng giống như Tết, trẻ con thì vui mà người lớn thì buồn.

Mình lại nhấp một ngụm rượu nữa để cảm nhận mình đang buồn hay vui. Buồn quá đi chứ nhỉ, Tết nhất bỏ vợ bỏ con lang thang như kẻ không nhà, người ngoài nhìn vào ai dám bảo là vui. Chẳng biết giờ này vợ hay con trai đang thay mình thắp hương khấn ông bà ông vải? Thương cho vợ tần tảo sớm hôm nín nhịn một kiếp chồng nửa âm nửa dương như mình. Ấy vậy mà lại vui đấy, vui trong lòng, vui vì thấy mình thoát được cái khuôn sáo của lễ nghi, thấy mình đúng là ta, được làm cái mình muốn như kiểu giang hồ vặt.

Vui buồn thực ra cũng chỉ là một trạng thái tâm lý. Hết vui thì buồn, hết buồn thì chuyển sang vui, thỉnh thoảng chập cheng thì buồn vui lẫn lộn, nhất là trong khoảnh khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới như thế này. Thôi thì uống thêm vài hớp rượu nữa nhé. Uống để mừng cho mình thêm một tuổi. Nhất quyết từ giờ trở đi không dùng cụm từ: “Già đi một tuổi” nữa. Cứ thêm một tuổi cho đến lúc thọ thêm một tuổi thôi. Thế cho yêu đời, ai cấm đâu chứ. Uống tiếp này, uống cho mấy ngày Tết thích đi đâu, thích làm gì tùy hứng. Uống ngủ cho say, để sớm mai dậy khoan khoái chào đón một cuộc sống tinh thần mới cho đời mình.

Sáng hôm sau mình dậy muộn. Sương đã tan trên đỉnh núi, đàn gà dáo dác gọi nhau đi bới mồi, người đàn ông chủ nhà đã lại say tiếp, ngồi dưới sàn nhà, tựa đầu vào cột, cất giọng nhựa nhựa: “Đêm qua chú lên muộn thế? Xuống đây uống với tao mừng năm mới”. mình vừa thu dọn đồ, vừa trả lời: “Sáng nay tôi đi, nên không uống rượu”. Người đàn ông bảo: “Đi làm gì, ở đây chơi”. Đáng nhẽ trước đây mình sẽ từ chối theo kiểu: “Tôi có việc phải đi, không ở lại được, hẹn dịp khác vậy”. Thì nay trả lời thẳng: “Đi chơi vui hơn, ở đây thế là đủ rồi”.

Ngoài đường bà con dân tộc đi chơi Tết, áo xống sặc sỡ nổi bật trên các triền núi màu xanh xám, thỉnh thoảng lại điểm những khoảng trắng xóa bởi hoa mận hoa mơ. Ở đâu cũng thấy mở hội, chỉ là những trò chơi như ném còn, đu quay, bắn nỏ, cưỡi ngựa, đơn giản nhưng rất vui. Hóa ra mình cứ lo xa, hàng quán ngoài đường vẫn mở cửa đón khách, chưa kể các quán ăn di động trong các lễ hội. Hai cái bánh chưng vẫn nằm trong cốp xe mà không phải đụng đến.

Năm kia gần Tết cha mẹ mình cãi nhau, cha mình đùng đùng khăn gói bỏ đi, chả ai cản được. Mình thầm khen: “Có khí phách”. Cứ ngỡ cha sẽ có một cuộc rong ruổi đón Tết trên những nẻo đường, để cảm nhận thêm một cách sống, một cách nghĩ khác với những gì vốn quen thuộc đến nhàm chán. Nào ngờ Hăm chín Tết cha bơ phờ quay về, ngồi ủ rũ ở phòng khách thanh minh: “Tết nhất chả nhà nghỉ nào chứa mình, họ đuổi khách sạch”. Múa rìu không qua được mắt thợ, mình cười: “Ông nhớ bà thì có”. Cũng phải thôi, cha đã quá tuổi để thay đổi một thói quen. Mà nếu còn tuổi, chắc gì đã đủ bản lĩnh!?

Cái cô đơn nhất của con người chính ra không phải là một mình một cõi, mà là cô độc giữa những thứ không phải của mình, giữa những người không cùng cách nghĩ với mình, giữa những điều biết là vô duyên nhưng vẫn cứ phải làm để dối nhau. Đón Tết một mình, với những người xa lạ mà không thấy cô đơn. Nhưng ngồi giữa nhà, nở những nụ cười xã giao với khách khứa bạn bè, mà thấy cười như khóc, cô đơn vạn bội.

Sau Tết năm ấy, mình bảo vợ: “Năm sau cả nhà mình đi chơi, không tiếp khách”. Vợ bảo: “Thế có sợ mọi người giận không?”. Mình thủng thẳng: “Giận cái gì? Dán cái biển ở cửa: Nhà đi chơi Tết. Cần thiết thì gọi điện thông báo trước. Người ta lại chẳng sướng rơn ấy chứ”.

Bây giờ ở Hà Nội rất nhiều gia đình đến Tết là đi chơi. Các tour du lịch Tết bao giờ cũng chật cứng. Nhiều nhà khởi hành từ Hăm tám đến tận mùng Bảy mới về. Mình lại thấy vui vui vì những điều như thế, chẳng liên quan gì đến bản thân.

Cô đơn hay không cô đơn là cách cảm nhận riêng của mỗi người, nhất là những ngày Tết, người ta thường hay nghĩ vẩn vơ.

Chương 26. Chuyện như đùa

Năm 93 mình bay từ Mátxcơva xuống Novoxibir trên chiếc TU154. Sau ba tiếng bay lượn trên trời, máy bay hạ cánh xuống sân bay cũ. Dọc đường băng, xe cứu hỏa và cứu thương đỗ kín. Hóa ra máy bay bị hỏng một động cơ, phải vòng vèo trên bầu trời Mátxcơva cho gần hết xăng mới dám hạ cánh. Hành khách được một phen hú vía. Cũng may mình lăn ra ngủ nên không biết gì, chứ không có khi vỡ tim.

Vừa rồi mình phải bay đi Trung Quốc, trên một chiếc máy bay không rõ là loại nào. Máy bay cất cánh rất đúng giờ, thầm so sánh với những chuyến bay muộn giờ của hãng hàng không nước nhà mà thấy lòng khoan khoái.

Trời hôm ấy rất mù, chỉ nhấc khỏi đường băng là mù mịt không nhìn thấy nhà cửa phía dưới. Điều ấy không có gì bất thường, chỉ cần vượt qua tầng mây tích, mây ti cách mặt đất khoảng 2000 mét trời sẽ lại trong vắt. Đúng như dự đoán, mười lăm phút sau không gian bên ngoài cửa sổ bừng sáng, ánh nắng rải trên cánh máy bay vàng rực.

Chỉ một thoáng mình nhìn qua cửa sổ lại thấy trời tối sầm, cứ ngỡ hôm nay thời tiết bất thường nên nhiều mây. Máy bay vẫn bay, bên ngoài mây vẫn mù mịt, mình thì cứ ngồi và ước lượng độ cao máy bay đã đạt được.

Bất ngờ rầm một tiếng, đường băng đang chạy vun vút bên ngoài cửa sổ. Nội Bài thân yêu hiện ra trước mắt.

Có chuyện gì vậy? Chẳng ai hiểu chuyện gì xảy ra, loa thông báo bằng tiếng Anh và bản ngữ là hai thứ tiếng mình không thông thạo. Lại hỏng một động cơ như năm nào chăng?

Một chiếc xe cứu hỏa đỏ rực chạy tới, đằng sau là một chiếc xe téc màu vàng, cuối cùng là một chiếc bán tải màu trắng. Hành khách nhốn nháo, mấy cô chiêu đãi viên ra sức động viên bằng thứ ngôn ngữ của họ.

Một người tiến đến ngó nghiêng cánh máy bay. Hai tay phi công đã chạy xuống, đứng ngay đấy. Ai đó bên cạnh mình bảo: “Chắc hỏng cái gì rồi”. Chiếc xe téc màu vàng tiến lại gần, ba bốn người lặc lè kéo ống cao su to bằng bắp đùi lắp vào chỗ nào đó dưới cánh máy bay.

Xe cứu hỏa dừng lại ở một khoảng cách an toàn và sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết. Hai người đàn ông cầm một tập giấy bước xuống từ chiếc xe bán tải màu trắng, tiến lại gần hai tay phi công, chìa ra bắt ký.

Một lúc sau, ba bốn người lại thu ống cao su về chiếc xe téc màu vàng và lui về phía sau, chiếc xe cứu hỏa cũng hết nhiệm vụ. Máy bay trở lại đường băng và sẵn sàng cất cánh.

Lẽ nào họ quên bơm xăng?

Chuyện thật mà cứ như đùa.