Không lạ - Chương 30 - 34 (Hết)

Chương 30. Tin nhắn giữa đêm khuya

Mấy hôm nay mình dùng số điện thoại mới, gọi cho bạn già không thấy nhấc máy, cứ ngỡ bạn đi đâu xa bỏ máy ở nhà. Trưa nay gặp bèn quở trách. Bạn thanh minh: “Tớ tưởng gái khủng bố nên không dám nhấc máy”.

Ái chà chà! Bạn mình vốn cực nhát gái. Một lần phá lệ mời gái đi uống cà phê nhưng rốt cuộc lại không dám đến, bỏ gái bơ vơ một mình ở đó đầy trách móc oán hờn. Vậy mà lần này lại còn bị gái khủng bố thì chắc là mới giãy quả vẹo nào đớn đau lắm đây. Mình hớn hở: “Kể đi, kể đi nào”.

Bạn già lầm bầm điều gì đó, thò tay móc điện thoại, bấm bấm rồi đưa mình xem tin nhắn: “Anh đi đâu mà không thấy qua em? Em nhớ anh lắm”. Mình sướng quá, vỗ đùi đen đét, cười lớn: “Được, được, cắp tráp theo tôi bao lâu thì ông cũng phải học được đôi đòn chứ”. Bạn già không nói gì, lại bấm bấm, đưa tiếp mình đọc: “Giờ là một giờ đêm rồi. Em nằm một mình, nhớ anh”.

Mình không nén được sự sung sướng, hỉ hả dạy dỗ: “Xóa đi, xóa ngay đi. Tin nhắn hot thế này mà vợ đọc được là tan cửa nát nhà đấy. Ông liều quá”. Bạn già cười cười: “Tao chả xóa”, rồi bảo: “Cho mày xem tin này nữa xem có đoán được gì không?”. Tin nhắn ấy viết: “Em xin lỗi anh. Xin anh đừng làm lớn chuyện”.

Mình bảo: “Lạ gì. Ông chén nó xong, chạy làng rồi dọa mách chồng nó chứ gì? Ai lại ra đòn bẩn thế?”. Bạn già nghe xong nghiêm mặt chửi: “Thằng điên. Mày cứ nghĩ ai cũng lắm nhọt như mày”. Mình cứng họng, lắp bắp: “Không thế thì thế nào?”.

Lúc này bạn già mới thong thả kể. Bạn già vào Nam công tác, tới ăn tại một quán rất sang trọng của một doanh nhân nổi tiếng trong ngành kinh doanh dịch vụ. Chỗ ấy oách đến mức phải đặt chỗ trước để họ xếp lịch rồi sẽ thông báo qua điện thoại hẹn ngày giờ. Tất nhiên là bạn mình để lại một cái tên ất ơ thôi.

Chính vì cái danh xưng đểu ấy, mà bạn già mới biết tin nhắn xuất phát từ đâu.

Bạn gọi cho quản lý nhà hàng đó, bảo: “Yêu cầu nhân viên chấm dứt nhắn tin gợi tình”. Sau đó thì nhận được tin nhắn van vỉ đừng làm lớn chuyện của cô gái nọ.

Phân trần một hồi, bạn già hỏi: “Mày có bao giờ bị thế không?”. Mình trả lời: “Tôi toàn ăn vỉa hè, gái nó đếch thèm”. Nhưng nghĩ thế nào mình lại mở điện thoại ra cho xem một loạt tin nhắn của gái. Bạn già giương kính, đọc lẩm nhẩm: “Em nhớ anh lắm... Chụt… Chụt… Thẻ Vip IVY Moda của em đâu?”.

Chương 31. Bố già Corleone và bố tôi

Bố mình là một người cục tính, nhưng rất nhát, chẳng đánh được ai.

Mình cũng khá cục, không nhát, ai cũng dám đánh. Đấy là câu chuyện khi đang ở tuổi dở ông dở thằng cạn nghĩ. Mình không khỏe, cũng không thuộc diện lì đòn, nhưng được cái nhanh và không sợ đánh nhau. Chỉ riêng cái tinh thần không sợ đã thắng phần lớn các cuộc đụng độ phải cân não bằng mồm và kết thúc thắng thua trước khi dụng tay chân.

Bố mình nhát nên có vẻ khoái cái máu du côn nửa mùa của thằng con. Thỉnh thoảng hàng xóm đang cãi nhau với bố mẹ mà thấy bóng mình thấp thoáng đầu ngõ lập tức các loa phóng thanh vặn nhỏ volume, cài chặt cửa cố thủ trong nhà đề phòng bất trắc. Bố thấy thế cũng hỉ hả lắm, giống như là người chiến thắng.

Bố mình lại là nhà giáo, quần âu áo trắng giắt cạp quần, vung tay vẽ tương lai cho nhiều thế hệ học trò nên cũng không thể chấp nhận một thứ nghịch tử nảy nòi trong nhà.

Đấy là mâu thuẫn mà bố mình không hóa giải được, cho đến tận bây giờ.

Đọc cuốn Người không mang họ của Xuân Đức mình mê mẩn Trương Sỏi, thích tên tướng cướp võ công cao thâm xuất quỷ nhập thần. Cuộc đời của hắn thật ly kì, lại còn được hưởng thụ ăn uống hút hít và gái đẹp. Tại sao không mơ ước thành tướng cướp cơ chứ!

Mình cá là 100 thằng đàn ông thế hệ mình thì 99 thằng đã từng ước mơ trở thành tướng cướp.

Rồi tình cờ mình đọc được cuốn Bố già của Mario Puzo do Ngọc Thứ Lang dịch, một thời gian sau đó thì xem phim này.

Đây là cuốn tiểu thuyết viết về một gia đình Mafia gốc Ý mà đứng đầu là Don Vito Corleone. Từ một kẻ di cư Sicily đói khổ, ông ta đã dựng lên một đế chế ngầm giàu có và quyền lực vào những năm bốn mươi, năm mươi ở Mỹ. Bỏ qua những câu chuyện bắn giết của thế giới ngầm đầy máu lửa, đọng lại và đi theo mình đến tận bây giờ là hình ảnh một ông bố xả thân vì gia đình. Vì đọc đã lâu, không nhớ được chính xác câu từ, nhưng có đoạn Don Vito Corleone nói với các con rằng: “Cha không bao giờ ân hận, những việc cha làm đều vì các con và gia đình mình”. Hoặc như lời dạy dành cho cậu con trai út Michael mà sau này kế vị ngôi Bố già: “Một trăm thằng xách súng, không bằng một thằng xách cặp”.

Cuốn sách này khiến mình thay đổi suy nghĩ và nhận ra bản thân hoàn toàn không đủ trí tuệ cũng như bản lĩnh để có thể trở thành nhân vật quyền lực mà mình từng mơ ước.

Mình chỉ là thằng du đãng tép riu máu chó, bắt nạt mấy bà hàng xóm già.

Mình đã dừng mơ mộng và lái cuộc đời mình theo một hướng khác, hướng mà hàng tỷ người trên hành tinh này vẫn đang đi: lao động chân chính kiếm tiền bằng bàn tay và khối óc.

Năm 95 mình có thằng lớn. Mình vẫn muốn nó vẫy vùng ngang dọc giống cha, nhưng nó lại giống mẹ, hiền lành và khôn khéo. Nhiều năm đầu cách dạy dỗ của mình hướng đến tư tưởng đàn ông phải chọc trời khuấy nước nhưng không thành công. Mình khá hụt hẫng.

Năm 2000 mình có con gái. Cháu thích tập võ, không ngại choảng nhau và rất quyết liệt. Mình lại sợ nên bắt cháu để tóc dài, tập đàn học vẽ, cương quyết không cho học võ.

Hôm rồi cô giáo phàn nàn cháu đánh nhau trên lớp với bạn trai. Mình hỏi: “Sao lại đánh nhau?”. Cháu trả lời: “Con bảo vệ các bạn gái”. Mình bảo: “Chỉ có đứa ngu mới đánh nhau”. Cháu cãi: “Bạn ấy đánh thì con phải tự vệ chứ”. Mình bảo: “Hãy nhìn anh con. Anh con không bao giờ để mình rơi vào tình huống phải đánh nhau tự vệ. Cách tự vệ thông minh nhất là thoát khỏi tình huống đối đầu càng nhanh càng tốt”. Cháu vừa đi vừa lầm bầm: “Nhưng con giống bố, không sợ đánh nhau”. Mình gọi cháu lại, nhìn vào mắt và nói: “Đấy là sai lầm của bố. Bố không muốn con lặp lại sai lầm ấy”. Cháu nhìn mình thăm dò, rồi hỏi: “Bố không đánh nhau nữa à?”. Mình cương quyết: “Không. Không đánh nhau”. Nói rồi một lúc sau như chợt nhớ, mình thêm: “Trừ trường hợp phải bảo vệ các con”.

Mình nghĩ là đã giải quyết được mâu thuẫn của bản thân.

Bố mình về hưu chục năm nay. Cách đây không lâu ông lại cãi nhau với hàng xóm. Ông gọi mình vào, chỉ: “Mày sang dọa cho nó một trận”.

Mình ngạc nhiên lắm, lắc đầu, bảo: “Thời buổi này ai lại làm thế”. Mình định nói tiếp, nhưng chợt nghĩ đấy là cha mình nên lại thôi. Chẳng ai con cái lại dạy bố mẹ nên sống thế nào.

Bố mình thở dài: “Thằng này thay đổi quá”.

Đến lượt mình thở dài. Tiếng thở dài mấy chục năm.

Chương 32. Bệnh già

Bố vợ mình ốm gần hai chục năm nay, nằm một chỗ, chân tay kém, mồm miệng líu lo nhưng ăn vẫn khỏe và uống rượu tì tì. Hai tuần nay ông cứ đòi đi viện. Cả nhà đều bận, sợ không ai bám viện chăm ông nên cứ lần khân.

Hôm trước vợ đã đưa ông đi khám ở Việt Pháp. Người khỏe đến viện còn thấy mình có bệnh nữa là người già. Bác sĩ bảo: “Bệnh già thôi mà”.

Về nhà ông không chịu, một mực đòi đến Việt Xô chữa bệnh. Ông bảo không đưa ông đi, sáng mai là ông chết. Vợ mình kệ.

Sáng dậy, thấy vợ hỏi ô sin: “Ông thế nào?”. Ô sin cười rinh rích: “Ông vẫn sống”. Ông lại vọng ra: “Hôm nay chưa chết thì sáng mai sẽ chết”.

Sáng nay mình còn đang nằm trên giường, vẫn đang trạng thái nửa tỉnh nửa ngủ vì thức đêm bế con, thấy nhà ngoài tiếng người xôn xao như có chuyện. Mình chột dạ. Vừa lúc ấy thấy vợ đi vào, mặt mày căng thẳng. Mình chồm dậy hỏi: “Ông sao rồi?”. Vợ bảo: “Vẫn đòi đi viện”. Mình hỏi thêm: “Sự tình thế nào rồi?”. Vợ vừa vạch áo cho con bú vừa bảo: “Ông bị bí đái từ hôm qua. Vừa gọi xe cấp cứu. Đang đợi”. Nghe vậy mình vùng ra khỏi giường, tỉnh hẳn. Sự việc thế này là nghiêm trọng rồi. Mình thắc mắc: “Nhà có hai xe, hai tài, gọi cấp cứu làm gì?”. Vợ vẫn thủng thẳng: “Ông thích xe cấp cứu cho có còi ủ?”.

Xe cấp cứu hết, phải chờ tiếng nữa mới có. Nước sôi lửa bỏng thế này thì đợi làm gì nữa, dùng luôn xe nhà cho xong.

Phải nói thêm là bà mẹ vợ mình cũng yếu, ốm mấy năm nay, trí nhớ gần như mất hẳn. Vợ thì mới sinh, nên việc đưa ông vào viện là trách nhiệm của mình. Cũng chính vì thế nên vợ mới ngại nhờ.

Mình bảo: “Việc thế này rồi thì để anh đưa ông đi”.

Mất hơn một tiếng vòng vèo các phố trong giờ cao điểm mới tới được Việt Xô. Mình quen miệng gọi thế thôi, chứ ngoài cổng có cái biển rất to BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ. Mình không phải người nhà nước, nên không am tường lắm về chế độ đãi ngộ. Chỉ lờ mờ nhớ là cán bộ cỡ tiêu chuẩn nào đó mới được vào bệnh viện này. Điều này nhận thấy ngay khi ô tô mình cứ điềm nhiên phi qua cổng mà không bị chặn lại hỏi han như các bệnh viện khác. Quá nhiều cụ đi ô tô nên bảo vệ không dám hách.

Lái xe hỏi: “Vào phòng khám hả anh?”. Mình bảo: “Vào phòng cấp cứu đi”.

Hơn hai mươi năm trước mình đã từng có mặt ở phòng cấp cứu. Cô bé hàng xóm chả hiểu yêu đương tình ái thế nào uống một vốc thuốc ngủ tự tử, báo hại mình phải đưa đi rửa ruột. Nói chung phòng cấp cứu chỉ dành cho những đối tượng thập tử nhất sinh. Đó là nơi các bác sĩ giành giật sự sống với Thần Chết, cướp lại sự sống trên tay Thần Chết. Có lẽ tính chất công việc của phòng cấp cứu nó như vậy, cho nên không khí ở đây rất hối hả, gấp rút và căng thẳng.

Nhưng phòng cấp cứu ở Việt Xô không như vậy. Cô bác sĩ trẻ đeo kính trắng nhẹ nhàng bảo: “Anh đưa bác vào phòng kia nhé. Em sang làm thủ tục ngay đây”.

Trong phòng cấp cứu đã có hai cụ nằm. Cụ thứ nhất mặc quần âu, giày đen, áo bỏ trong quần ngay ngắn, đang thở đều đều trên một chiếc giường trong góc phòng. Cụ thứ hai đóng nguyên một bộ quân phục mới kính coong, mới từ cái áo lót bên trong đến đôi tất vẫn còn chưa bay dấu quân nhu. Mình đặt ông lên chiếc giường thứ ba. Cô đeo kính chạy vào bảo: “Anh đợi tí nhé, bác sĩ đang giao ban”.

Ngoài cửa thấp thoáng mấy mụ nạ dòng, nói vọng vào: “Anh ơi để em thay cho ông cái bỉm mới cho sạch sẽ”, “Anh ơi em chăm sóc bệnh nhân 24/24, việc chăm ông anh cứ để em”.

Bác sĩ giao ban xong, đủng đỉnh thăm khám bệnh nhân cấp cứu. Thái độ khoan thai, hòa nhã, nhẹ nhàng khiến mình hơi lạ. Mình hình dung là xe cáng chạy ầm ầm, bác sĩ hớt hải hô “sốc điện”, người nhà nháo nhác chạy đi chạy lại mà không biết làm gì ngoài việc biểu lộ sự lo lắng hoặc xót thương. Ấy vậy mà…

Bác sĩ hỏi cụ mặc quần âu: “Cụ bị sao?”. Cụ mặc quần âu, vẫn đi nguyên cả giày lên giường, hé một mắt ra bảo: “Tôi bị khó thở, hình như là tắc thở”. Bác sĩ lại hỏi, giọng vẫn nhẹ nhàng: “Cụ bị bao lâu rồi?”. Cụ già vẫn nhắm một mắt, mở một mắt, trả lời: “Bị một tuần nay rồi”. Bác sĩ hỏi xong, rút tai nghe ra nghe nghe một chút, bảo y tá: “Đo huyết áp cho cụ và làm điện tâm đồ”.

Nói rồi quay sang cụ mặc quân phục: “Cụ bị sao?”. Cụ mặc quân phục đang nằm ngửa mặt lên trần nhà, nhỏm dậy, cởi áo đại cán, bảo: “Người ngợm ê ẩm như có ai đánh”. Bác sĩ hỏi thêm: “Cụ có đau cụ thể chỗ nào hơn không?”. Cụ nhăn mặt, trề môi, vặn người lục khục, quả quyết: “Đau cả người”. Bác sĩ lại nghe nghe, gõ gõ, viết viết gì đó và nhắc y tá: “Đo huyết áp và điện tâm đồ”.

Đến lượt ông nhà mình. Chưa đợi câu hỏi cụ bị sao mình đã nhanh nhảu: “Ông bí đái từ hôm qua”. Bác sĩ nghe vậy, thôi không rút tai nghe ra nữa mà thò tay nắn nắn bụng dưới ông cụ rồi bảo với mình: “Mềm lắm, không thấy hiện tượng tích nước ở bàng quang”.

Ông nhà mình nghe thấy thế líu lô một hồi dài toàn ô với ê. Bác sĩ nghiêng tai nghe, rồi nhìn mình hỏi: “Cụ nói gì thế?”. Thường ở nhà chỉ có một người nghe và hiểu cụ nói gì là cô bé giúp việc, chứ bản thân mình cũng nghe như tiếng Lào. Mình dịch bừa: “Cụ bảo cụ bí đái, cụ sắp chết rồi, phải cứu cụ”. Bác sĩ nhìn mình lạ lẫm, rồi nói nhỏ hơn, chỉ đủ mình nghe thấy: “Nhưng bàng quang của cụ khô anh ạ”. Mình thấy vậy cũng nói nhỏ: “Bác sĩ cứ làm tất cả những gì cần thiết”.

Bác sĩ nói lớn hơn với y tá: “Chuẩn bị ống xông. Đưa găng tay cho tôi”.

Mình chỉ thoáng nhìn thấy bác sĩ đang nhét cái ống bằng que đũa vào chỗ đi tiểu cho ông. Mình thấy ông nhà mình hét lên: “Ối ối a, ối ối…a a… au óa”. Mình chạy ra sân hút thuốc, đợi cho bác sĩ nong xong thì vào.

Bác sĩ nhìn mình, mắt cười cười: “Xông tiểu xong rồi anh, không có một giọt nào”. Ông nhà mình nằm trên giường, có vẻ căng thẳng, mặt quay vào trong tường. Mình lại đề nghị: “Chắc phải để ông nằm viện theo dõi thêm”. Lúc này thấy ông quay mặt ra, ô ê cái gì nghe như chim hót.

Mình làm thủ tục nhập viện nội trú cho ông, vào khoa cấp cứu luôn vì chính bác sĩ còn chưa biết đưa ông vào khoa nào. Tuyển ngay một bà sồn sồn chăm sóc ông với giá 150 ngàn một ngày. Mình dặn dò chăm sóc cẩn thận rồi về.

Hai giờ chiều đợi thằng cu ngủ xong mình và vợ vào thăm ông, tiện thể mang thêm mấy bộ quần áo. Trên xe vợ bảo: “Sáng bị bác sĩ đè ra thông cống, đau quá có khi tí lại đòi về đấy”.

Ông ngồi trên giường, tựa lưng vào tường, vui vẻ ô a với bà phục vụ. Mình hỏi: “Bác sĩ có khám gì nữa không?”. Bà phục vụ bả lả: “Vừa đo huyết áp và điện tâm đồ”. Mình hỏi: “Trưa ông ăn uống thế nào?”. Bà phục vụ kể công: “Cháu mua mười lăm ngàn cơm ông ăn hết, giờ ông lại bảo ra mua cái gì vào để ăn”. Mình bảo vợ: “Mười lăm ngàn cơm thì ông ăn một miếng là hết”.

Mình sang gặp bác sĩ. Cô bác sĩ trẻ đeo kính nhìn mình thăm dò rồi hỏi: “Mai em chuyển khoa cho bác nhé, hay anh muốn đưa bác về?”. Mình hốt hoảng: “Đừng đừng, để cụ nằm viện mấy hôm đã. Vào khoa nào hả em?”. Cô bác sĩ dường như đã quá quen với các ca cấp cứu kiểu này, xốc lại cặp kính, bảo: “Anh muốn cụ vào khoa nào? Bệnh già thôi mà anh”.

Mình và vợ phải về kẻo thằng cu dậy khát sữa. Mình lại dặn bà phục vụ: “Nhớ cho ông ăn uống đầy đủ”. Bà ta te tái: “Ông bảo cháu mua bia, nhưng cháu chưa dám. Ai lại cấp cứu mà uống bia”. Mình cười, rồi ghé tai bảo: “Tối đợi bác sĩ về, mua cho ông chai rượu nhá. Há… há… há”.

Chương 33. Điểm 9 văn

Con gái mình sợ môn Văn và nghĩ rằng rất dốt môn ấy. Đó là sự thật.

Cô giáo con gái mình bảo: “Em nói thật với anh là cháu viết văn tệ đến mức em không thể sửa nổi nữa. Ai đời đề bài tả cây ăn quả cháu lại tả cây ớt, câu cú thì lung tung đọc chả ai hiểu gì”.

Mình chỉ cười cười, bảo: “Cháu nó giống anh, học cái môn trừu tượng này dốt lắm”.

Tối về mình hỏi con gái: “Đề bài như thế sao con lại tả cây ớt?”.

Cháu bảo: “Ớt cũng là cây ăn quả. Cả nhà mình ăn ớt đấy còn gì”.

Mình bảo: “Ừ, con nói phải”. Mình nhìn ra ban công, ở đấy có mấy cây ớt mình trồng, ra quả hoe hoe, lung lay trước gió. Mình nghĩ: “Hay mình trồng một cây xoài hay bưởi ở đây nhỉ?”.

Con gái ấm ức: “Con sợ môn Văn lắm. Không biết viết gì”.

Mình động viên: “Con sẽ không học dốt môn này đâu. Con cứ tin bố đi, vì con giống bố mà”.

Hồi học lớp bốn, mình cũng rơi vào tình trạng như con gái mình. Bố mình bảo: “Tao chưa bao giờ gặp một đứa nào ngu như mày. Viết một câu còn không nên hồn”.

Mình mang tâm lý là kẻ ngu nhất trần đời cho đến lớp năm, đùng một cái có bài kiểm tra tả về một người bạn thân. Phần lớn các bạn trong lớp đều viết: “Em có một người bạn tên là Lan, mắt to tròn, tóc đen, da trắng, môi đỏ như son”. Mình viết: “Tất cả lũ trẻ trong khu tập thể của tôi không ai dám chơi với Tráng khỉ. Tráng nhìn như một con khỉ với đôi tay đen đúa dài lòng khòng. Bọn trẻ con nghĩ rằng Tráng mới được bố mẹ cậu ta bắt từ rừng về và đang nuôi dưỡng để thành người. Còn tôi không quan tâm lắm đến việc cậu ta là người hay là khỉ. Tôi thích Tráng khỉ vì cậu ta trèo cây rất giỏi và chúng tôi thường tổ chức các vụ ăn trộm ổi của nhà hàng xóm”. Đại loại mình viết về các trò khỉ của Tráng và mình, cuối cùng mình kết luận nó là người với đầy đủ các cung bậc tình cảm, và còn người hơn nhiều người khác mặc dù đội lốt khỉ.

Cô giáo dạy Văn phê vào bài: “Bài làm thật xúc động, chân thật, cám ơn em đã viết một bài văn hay như thế” và cho con 9 đỏ chói. Cô giáo đọc bài mình trước lớp, còn xin lại để giữ làm kỷ niệm đời dạy Văn của mình.

Hôm vừa rồi lại gặp cô giáo dạy Văn con gái mình. Cô mắt tròn xoe bảo: “Anh ơi, em không ngờ đấy, cháu đột phá về môn Văn. Em vừa cho cháu 9 điểm”. Cô nói rồi chìa chìa cuốn vở có số 9 màu đỏ. Mình lại cười cười bảo: “Nó giống anh mà em”.

Cô giáo bảo: “Anh đọc đi, hay lắm, thật lắm”.

Mình bảo: “Thôi, để lúc khác”. Nói vậy chứ mình cũng kịp liếc vài dòng, thấy có đoạn cháu viết: “Cả nhà tôi gọi em là Minh Lác. Em mới mười tháng tuổi và giống hệt ông ngoại tôi ở cái dáng tập đi chân lết lết dưới sàn nhà và nói những câu u ơ như chim hót mà không ai hiểu gì”.

Tối về mình lại bảo con gái: “Con thấy chưa? Con sẽ lại học khá môn này mà”.

Cháu bảo: “Con thích viết về những gì con nhìn thấy, con cảm thấy”.

Mình bảo: “Ừ, thực ra học Văn nó là thế đấy. Làm cho con người vui với niềm vui thật, đau với nỗi đau thật của loài người. Chứ cứ vui giả, đau giả lại là trò khỉ của mấy con khỉ”.

Chương 34. Con hơn cha

Thực ra người cha nào cũng rất khoái nếu con mình làm được những cái mà cha không làm được. Cho dù những việc ấy rất nhỏ.

Hồi bé, mình rất thích đánh trống. Bất luận loại trống gì: đám ma, ngũ liên chống lụt, chào cờ. Mình không có năng khiếu âm nhạc, nhưng thích đánh trống, thế mới lạ.

Hồi mình bốn tuổi, đi đám ma với bà nội, thấy bọn trẻ con chít tang đánh trống, mình sướng đờ đẫn. Xin gõ vài cái, chúng nó đuổi đi vì bé quá, biết gì nhịp phách mà đòi đú. Tức mình, tối về mình nì nèo: “Bà chết đi để cháu được đánh trống”. Lúc ấy mình nghĩ, nếu bà chết, thì mình được làm chủ trò vì bà là của mình.

Sau này bà mất. Mình đã ngoài ba mươi tuổi, ngồi nhìn cánh bát âm trống kèn không còn đờ đẫn say mê như trước.

Đến khi mình đi học, thấy đội nghi thức ca nô đội lệch đánh trống thùng thùng vào sáng thứ Hai hàng tuần, niềm ước ao lại được thổi bùng lên. Thỉnh thoảng các bạn ấy tập luyện, mình thập thò đứng xem, lừa lừa gõ một tiếng trống rồi bỏ chạy. Thích là vậy nhưng suốt mấy năm tiểu học, ước mơ vẫn chỉ là ước mơ, chưa một lần dám xin vào đội nghi thức.

Hôm vừa rồi con gái về khoe, con xung phong vào đội nghi thức khiến mình rất ngưỡng mộ. Con gái không đánh trống, mà chơi xanh ban, như hai cái vung nồi đập vào nhau choang choang.

Hôm nay khai trường, con gái mình lại đập vung choang choang. Ôi, ước mơ của mình bao năm không thành hiện thực. He he.

Chương 35. Cha và con

Mẹ đến gặp cô giáo, về rất buồn. Cô giáo bảo con gái trong lớp không tập trung nghe giảng, làm những gì rất khó hiểu.

Cha hiểu ngay, đó là thế giới của con, là những bộ phim yêu thích con đang xem trên ti vi. Những bộ phim ấy chưa kết thúc, các nhân vật vẫn đang sống, các sự kiện vẫn đang diễn ra trong đầu con. Và lúc này, con là một trong những nhân vật trong bộ phim ấy. Con được sống trong thế giới khác, thế giới không có thật.

Ba mươi năm trước, cha cũng sống với những nhân vật trong phim. Ngồi trên lớp cha vẫn nghĩ mình là anh hùng, và con quái vật cần phải giết chính là cô giáo trên bục giảng. Cái thước trên tay cha biến thành cánh cung, cha đưa lên ngang mắt ngắm vào mục tiêu. Trong trận đánh này cha đã thua thảm bại. Cha đánh bằng trí tưởng tượng, còn con quái vật có thâm niên phi thước kẻ đã biến cái thước trên tay thành mũi lao bay vút vào không trung. Kết quả là cha xây xẩm mặt mày với quả ổi to tướng trên đầu.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Một tháng mẹ mua cho con khoảng hai mươi cục tẩy, mười cái thước, một cơ số bút và vở. Hôm nào mẹ cũng phải phát chẩn với những câu dặn dò nhưng thừa biết lời dặn như gió bay ngang và sẽ rơi rụng trên đường con đi học.

Ngày cha đi học, đồ dùng học tập cha đánh mất không có tiền mua nên chỉ mất một lần. Nhưng cha đánh mất dép nhiều lần. Thường đi học về chỉ còn một chiếc dép dưới chân. Cha cũng hay đánh mất áo, nên có thời gian đi học chỉ mặc quần đùi cởi trần đi chân đất cho đỡ tốn kém.

Con ghét môn Văn, cha cũng toàn bị điểm 0 môn này. Con không thích Toán, cha cũng thấy chỉ cần biết cộng trừ nhân chia là đủ để sống. Con thích báo khoa học và say mê làm những những thí nghiệm trong ấy. Cha cũng chú trọng đến thực tiễn, cập nhật lý thuyết đủ dùng cho thực tiễn cha cần.

Mẹ vẫn lo lắng sợ sau này con không nên người. Cha cũng đã từng bị lo lắng như thế. Thậm chí còn tệ hơn thế, bị vứt sang bên lề cuộc đời. Cha đã phải gồng mình tự vệ với thế giới xung quanh để được sống với thế giới của mình. Còn con cứ yên tâm, con cứ sống với thế giới con thích. Đã có cha luôn ở bên cạnh.

Cha đã cười và hỏi mẹ: “Rốt cuộc ta có nên người không?”.