Bố già trở lại - Phần I - Chương 01 - Phần 2

Giờ đây, nhìn vào Tessio, chàng chực nhận rằng điều ấy sẽ chẳng bao giờ xảy ra. Tessio lớn hơn Geraci khoảng chừng hai mươi tuổi, điều cho đến lúc này chừng như một khoảng thời gian khá dài. Tessio sinh ra trong thế kì trước. Và sẽ toi đời trong giây phút tới. Ông ta đã sống một đời được điều khiển bởi cái đầu chứ không bởi con tim, và điều đó đã đưa ông đến đâu? Chỗ này đây! Một kẻ vốn yêu quý ông ta lại sắp sửa khử cái sọ dừa của ông ta thành một đống máu me bầy hầy.

“Tôi xin lỗi”, Tessio lẩm bẩm, vẫn cúi gầm mặt xuống.

Câu này có thể là nhằm gửi đến Gia đình Corleones hoặc đến Geraci hoặc đến Chúa. Geraci hẳn là không muốn biết gửi cho ai. Chàng ta cầm chặt khẩu súng và đi vòng đằng sau Tessio mà cái đầu hói, chỉ được chiếu sáng bởi đèn đường, lấp lánh trong bóng tối.

“Không”, Neri nói. “Không phải theo kiểu đó. Đứng trước mặt. Nhìn thẳng vào mắt lão ta.”

“Chú mày đùa ta cái kiểu đéo gì vậy?”

Hắn ta đằng hắng. “Ta không nghĩ là trông ta có vẻ như đang đùa chú mày”

“Thế ai có ý tưởng đó?” Geraci nói. Neri không có vũ khí nào cầm tay, nhưng chắc chắn Geraci không thể rời cái ga-ra chết tiệt này mà còn sống sót nếu chàng ta bắn bất kì ai khác ngoài Tessio. Từ văn phòng phía sau, chiếc ti vi phun trào ra một tràng hoan hô loảng xoảng.

“Đây không biết, cũng đéo cần biết” Neri cộc lốc. Rồi lại chuyển ngay sang giọng trịnh trọng pha đậm chất đểu: “Đây chỉ là truyền lệnh sứ thôi, thưa Ngài.” Geraci động não quay cuồng. Cái tên đần này không có vẻ đủ thông minh để nói được một câu đùa về chuyện bắn truyền lệnh sứ. Nhưng hình như hắn đủ bạo dâm để làm cho cuộc giết chóc càng có vẻ tàn bạo thì càng thích thú. Còn Ngài? Hắn muốn ám chỉ gì đây? “Salvatore Tessio” Geraci lên tiếng, “cho dầu ông ấy đã phạm tội gì đi nữa, cũng đáng được tôn trọng hơn thế.”

“Đéo mẹ, cứ vẽ chuyện!” Tessio nói, lần này to tiếng, nhưng mắt vẫn nhìn xuống sàn nhà nhớp nháp.

“Ngước mắt lên, tên phản bội!” Neri ra lệnh cho Tessio.

Run rẩy đến thảm hại, ông già làm theo lệnh, mắt ráo hoảnh nhìn trừng trừng vào mắt Geraci nhưng đôi mắt ông ta đã lạc thần. Ông mấp máy một tràng những cái tên chẳng có nghĩa gì với Nick Geraci.

Geraci nâng khẩu súng lên, vừa buồn bã vừa thấy tội nghiệp khi nhìn vào bàn tay cứng cỏi của chính mình. Chàng ta ấn nòng súng chạm nhẹ vào cái trán mềm của lão già. Tessio bất động, không chớp mắt, ngay cả không còn run nữa. da thịt ông lõm xuống quanh nòng súng. Trước đây Geraci chưa từng giết người nào bằng súng.

“Vì công việc thôi”, Tessio thì thầm.

Điều làm cho bố tôi trở thành vĩ đại, Michael Corleone đã trịnh trọng phát biểu trong bài điếu văn ca ngợi bố mình, đó là ông quan niệm không có gì chỉ là công việc thôi. Mọi chuyện đều mang tính riêng tư. Bố tôi là một con người, cũng phải mang thân phận tử vong như bất kì ai khác. Nhưng ông là một con người vĩ đại, và hôm nay tôi không phải là người duy nhất ở đây nghĩ về ông như một vị thần giữa đám người trần.

“Còn chờ gì nữa” Tessio thì thầm. “Thằng khốn! Bắn tao đi. Đồ mặt lồ...”

Geraci bắn. Liền ba phát.

Thân người Tessio bật ngửa ra sau mạnh đến nỗi hai đầu gối ông ta đập vào nhau tạo nên một âm thanh kêu lách cách như ván ốp lợp trần vào một ngày nắng nóng nung người. Một làn sương mù xám hồng lan tỏa phủ đầy không khí. Một mảnh vỡ lớn từ sọ của Tessio bay văng ra trúng đốp vào mặt Neri rồi rớt bịch xuống sàn nhà. Mùi máu tanh nồng khi gặp không khí của Tessio hòa quyện với mùi cứt đái vãi ra từ người ông ta tạo nên hương vị đặc trưng của những cuộc” cạn chén li bôi” chốn giang hồ!

Nick Geraci xoa bóp vai mình - những phát súng như lời kinh chiêu hồn - và cảm nhận một luồng sóng phấn khích quét ngang người, xóa sạch tâm trạng do dự trước đây. Chàng ta không thấy hối hận, chẳng sợ hãi, chẳng ghê tởm, chẳng giận dữ gì cả. Ta là sát thủ, chàng ta nghĩ. Sát thủ thì phải giết người thôi. Chuyện đơn giản.

Chàng ta nện gót đi lòng vòng, cười lớn thành tiếng, không phải vì hóa rồ, mà vì thấy sướng, sướng đến tê dại, mãnh liệt hơn, đã hơn cả những lần phi heroin. Chàng ta biết điều gì vừa diễn ra. Đây không phải là người đầu tiên chàng ta giết. Nhiều khi chàng ta giết người mà chẳng cảm thấy gì, chỉ dửng dưng, nhưng ngay cả điều ấy cũng có thể là lời dối trá, chàng tự nhủ. Bởi vì sự thật trần trụi đó là việc giết người đem lại khoái cảm. Bất kì ai đã từng làm chuyện đó đều có thể nói với bạn như thế, nhưng chắc là họ sẽ không. Họ sẽ không nói thế đâu! Một quyển sách mà Geraci đã đọc về Đệ nhất Thế chiến đã dành nguyên cả một chương về đề tài này. Hiếm có ai nói về chuyện đó bởi vì với phần lớn người ta cái cảm thức ray rứt đến sau khoái cảm lúc đầu, sẽ khiến họ câm miệng. Hơn nữa, bất kì kẻ khờ khạo nào cũng đoán được về mọi chuyện sẽ xảy ra sau khi một ai đó tuyên bố rằng thật là khoái khi giết người và sau khi anh ta thuyết phục được những người nghe rằng mình nghiêm túc khi phát biểu điều đó, thì mọi chuyện sẽ đâm ra rắc rối và lấn cấn ngay. Tuy thế. Khoái cảm là có thật. Thế mới chết người! Đúng là cái vòng lẩn quẩn trớ trêu, éo le và... chó đểu! Một khoái cảm gần như khoái cảm tính dục (lại thêm một điều mà bất kì đầu óc khờ khạo nào cũng có thể đoán non đoán già nhưng lại khó mà chấp nhận công khai. Vì sao ư? Vì con người vốn vẫn sống với sự ngụy tín - la mauvaise foi - như triết gia Sartre đã phân tích. Mà sống mãi trong trạng thái đó thì rồi ngụy tín lại trở thành chân tín - la mauvaise foi est foi - Thỉnh thoảng triết lí vụn một tí cho vui, xin độc giả rộng lòng hỉ xả!). Bạn giết và bạn thấy mình đầy quyền năng còn kẻ bị giết thì yếu xìu. Bạn nhởn nhơ sống còn hắn chết ngắt! Bạn đã làm điều mà mọi người trên trái đất này, vào một thời điểm nóng nào đó đều muốn làm nhưng phần lớn sẽ không bao giờ làm. Chứ làm thì... dễ ợt mà lại cho ta cảm giác hào hùng (It felt magnificent). Geraci thực tế là đã trượt qua cái sàn nhà có lớp váng cặn bã của cái ga-ra chết tiệt kia, và tin chắc rằng, lần này cái cảm thức bứt rứt sẽ không đến sau đó. Sẽ chẳng còn có sau đó. Mọi sự sẽ luôn luôn là bi giờ. Mọi chuyện luôn luôn là bi giờ.

Mọi người khác đang ở đâu? Geraci muốn ôm chặt từng người và rót cho mỗi người một cốc rượu mạnh pha sô đa.

Nhưng chung quanh yên lặng.

Với Geraci, có vẻ như một yên lặng kéo dài, đáng sợ.

“Hey!” một người giọng the thé kêu lên, một trong những thuộc hạ của Geraci. “Tôi đã nhìn rõ cảnh đó.”

Neri vỗ nhẹ vào lưng Geraci. Geraci trao khẩu súng cho hắn. Rồi mọi người bắt tay vào việc.

Đám thuộc hạ của Clemenza sử dụng một cái cưa xương để cưa thi thể của hai kẻ được phái đi giết Michel Corleone. Geraci ngồi trên mấy cái thùng dầu và quan sát, bị tràn ngập chất adrenaline khiến mọi sự trông lờ mờ nhân ảnh như người đi đêm, cái gì trông cũng giống cái gì trong một vũ trụ tương đương không phân biệt.

Khi đám kia làm xong việc Neri trao cho Geraci cái cưa xương và chỉ vào đầu Tessio. Chung quanh vết thương, thịt của người chết đã lồi ra.

Tê cóng, chết điếng, Geraci cầm lấy cái cưa và khụy một chân xuống. Về sau chàng ta sẽ nhìn lại thời khắc đó lòng đầy giận dữ. Nhưng vào lúc đó Geraci có thể đã kiểm tra nồng độ pH trong mạch máu mình. Khi một người nhìn sự vật ở điểm cốt tủy nhất, để thấy việc cưa rời thủ cấp của ông bố đã chết khác xa thế nào với việc giật ra cái đùi gà béo ngậy từ thân con gà quay? Một khúc xương dày hơn, đúng vậy, nhưng một cái cưa xương vẫn là một công cụ được việc hơn là một con dao mà ông anh vợ tặng bạn như một món quà cưới.

Nick Geraci vuốt đôi mắt lồi ra của Tessio và rút cưa ra. Về sau đã đến - sớm hơn là chậm hơn - điều mà trong một thời điểm sáng suốt Geraci đã nhận ra như là con đường về sau.

Neri bấu vào cánh tay trước của Geraci và lấy lại cái cưa.

“Đấy cũng là một mệnh lệnh.”

“Mệnh lệnh gì vậy?” Geraci hỏi.

“Xem chú mày muốn làm việc đó như thế nào”

Geraci biết nhiều hơn là hỏi trông mình có hết lòng không hoặc, tệ hơn, ai đã ra lệnh đó. Chàng ta chỉ đứng bất động, không nói gì, mặt trắng bệch ra và không biểu lộ điều gì. Chàng ta tiến về cái túi của chiếc áo jacket vấy máu của mình. Neri gật đầu. Geraci lấy ra điếu xì-gà mà Clemenza đã mời anh, một điếu xì-gà Cuba màu sôcôla sẫm và ngồi xuống trên mấy can dầu để thưởng thức đê mê những hơi khói thuốc thơm đậm.

Đám thuộc hạ của Clemenza lột trần truồng hai tên thích khách rồi nhồi quần áo cùng những phần thân thể bị cưa rời của chúng vào một chiếc va li to đùng. Riêng thi thể của Tessio bị bỏ lại.

Đúng lúc đó Geraci hình dung ra mọi việc.

Không cần gửi thông điệp đến cho nhà Barzini. Mọi kẻ dính líu đến sự phản bội của Tessio đều đã chết đứ đừ để còn có thể tìm thấy lợi ích nào từ những thông điệp. Và tất nhiên nhà Corleones muốn thân thể Tessio được tìm ra. Phần đất này của Brooklyn lâu nay vẫn được coi là lãnh địa của nhà Barzini. Bọn cớm sẽ giả định ai đã ra lệnh cuộc thanh toán. Các thám tử sẽ bối rối về những thi thể không nhận dạng được của hai thích khách, và không có kết luận nào họ rút ra lại liên quan đến nhà Corleones. Nhà Corleones cũng không cần làm phiền đến các vị thẩm phán hay người của họ ở Sở Cảnh sát New York. Cũng chẳng cần phải tốn gì để lôi đám báo chí vào cuộc. Họ diễn tuồng này đúng cái cách mà Michael Corleone muốn và diễn thật chỉn chu đến từng xăng-ti-mét!

Một cuộc dàn dựng xuất sắc, Geraci phải công nhận như thế.

Với một cái liếc mắt cuối cùng vào thi thể của người từng đỡ đầu cho mình trong hàng bao nhiêu năm, Geraci bước vào phía sau xe với Al Neri. Geraci không sợ cũng chẳng hề giận dữ. Vì giờ đây chàng chỉ là một người đang nhìn trừng trừng thẳng về phía trước và sẵn sàng đương đầu với bất kì điều gì xảy đến tiếp theo.

Trong những tuần theo sau mấy cuộc chém giết kia, Geraci làm việc sát cánh với Michael Corleone. Trong khi chứng kiến và phụ tá quản trị mọi chi tiết của cuộc chiến hiện hành, Geraci nhận ra mình đã lầm biết bao khi đánh giá thấp Ông Chủ mới, còn quá trẻ của mình. Nhưng với tay tuấn kiệt thì bản lĩnh và giá trị đâu cần chờ tính theo con số năm tháng. Quạ già trăm tuổi cũng đâu sánh được đại bàng sơ sinh. Gia đình Corleones có những căn nhà an toàn tại mỗi quận nội thành và ở hàng chục huyện ngoại thành nên có thể ở xoay chuyển liên tục. Họ có những ga-ra ngầm đầy xe hơi và xe tải với đầy đủ giấy tờ nhưng hầu hết là giả. Một số được bọc thép và kính chống đạn và được trang bị những động cơ cực mạnh và cực tốt hoàn toàn có khả năng tham gia các cuộc đua ở tầm thế giới. Lại có những chiếc khác trông cà tàng một cách thảm hại có thể bị “pan” với một cú giật nhanh của một công-tắc ẩn nhằm cản trở lưu thông, chận đường những kẻ đuổi theo. Có những chiếc được dành để sẵn sàng cho banh xác hoặc đổ ùm xuống sông hay chui vào ao hồ sình lầy. Rất nhiều chiếc là những bản sao giống hệt những chiếc xe dành cho các thành viên cao cấp của gia đình, nhằm đánh lạc hướng nhân chứng, kẻ thù và... cả cảnh sát nữa chứ! Họ có những kho vũ khí trên khắp thành phố: ở đằng sau dãy quần áo của một tiệm giặt ủi ở Đại lộ Belmont, bên dưới những bao đường và bao bột nơi các phòng sau của một tiệm làm bánh ở khu Carrol Gardens, bên trong những thùng gỗ tại một nhà kho quan tài ở Lindenhurst. Michael Corleone từng xuất ngoại để đạt sự kiểm soát chính trị hoàn toàn ở một bang (Nevada) và một xứ sở (Cuba), và Geraci càng tìm hiểu thì càng nhận thấy những chuyện ấy là khả thi, chứ không hề mơ hồ, hoang tưởng. Bởi nhà Corleones có trong tay nhiều nhân viên công lực ăn lương của họ hơn là FBI và họ nắm được những bức hình cho thấy vị giám đốc FBI đương nhiệm đang mút cu của tay phụ tá thân cận.

Kế hoạch tổng thể, nhưng khá rắc rối của Michael là thế này: bình định, phối hợp với bành trướng trên diện rộng và tái phân bố lãnh địa, tái tổ chức các gia đình tội ác xuyên suốt nước Mỹ sao cho có kỉ cương nghiêm túc hơn trước đây, trong khi đồng thời củng cố và mở rộng các mối quan hệ làm ăn với Sicily, tất cả đều trên con đường hướng đến tính hợp pháp, hoàn tất với việc kiểm soát toàn bộ Cuba rồi mon men đến Nhà Trắng và cả điện Vatican. Mọi công trình mới sẽ được xây dựng với tiền của người khác; “những khoản vay”, phần lớn từ các quỹ tương trợ của nhiều nghiệp đoàn. Đám tài xế xe tải, thợ điện, chủ các quán bar rẻ tiền và các nhà chứa sẽ nhận được phần lợi tức lớn hơn cả lợi tức khi đầu tư vào thị trường chứng khoán. Gia đình Corleones sẽ dựng lên nhiều lớp ngăn hơn giữa họ và bất kì cái gì giống như tội ác đường phố. Chẳng bao lâu nữa họ có thể ngưng sử dụng các vỏ bọc và hoạt động công khai, không phân biệt với bất kì tội phạm bậc thầy nào được cả và bàn dân thiên hạ biết dưới tôn danh “Fortune 500”.

Kế hoạch tổng thể này không phải là bất khả thi, Geraci nghĩ. Chỉ là không cần thiết. Họ đã ở trong công cuộc kinh doanh độc nhất trong lịch sử thế giới mà hàng năm vẫn mang về lợi nhuận chứ chưa hề lỗ lã. Nhưng chàng ta suy nghĩ tiếp. Trước mắt chàng ta không có lựa chọn nào khác. Nhưng trong trường kỉ, chàng không thể để thua. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, chàng sẽ có được cái chàng thực sự muốn, đó là điều hành chuyên ngành trước đây của Tessio: một hoạt động truyền thống với gốc rễ bò lan sang nhiều lãnh thổ láng giềng. Nếu gia đình Corleones tự mở rộng ra quá mỏng và dàn trải phân tán, Geraci có thể chộp lấy phần chính đáng của mình từ đó.

Chàng ta tự buộc mình đừng nghĩ gì nữa về Tessio. Một võ sĩ học cách nhanh chóng xua đuổi mọi chuyện ra khỏi đầu óc mình. Nếu không hắn chỉ là một cái túi đấm. Geraci từng rất ghét trò đánh đấm đá đạp trong suốt thời gian chàng ta bất đắc dĩ phải làm cái nghề “chịu đấm ăn xôi”, nhưng mười năm sau cuộc so găng cuối cùng chàng phải nhìn nhận rằng cái trò mạt hạng kia tuy thế cũng đã đem lại cho chàng lắm điều hay.

Xuyên suốt mùa hè năm ấy, Nick Geraci và Michael Corleone đã trở thành một thứ gì đó gần như là bạn bè. Giả sử có một vài việc diễn ra khác đi, có lẽ họ cũng vẫn như thế.

Chẳng hạn: Nếu phải chi Michael, vào hồi tháng tám, đã không quyết định phong cho anh mình, Fredo, làm phó tướng, một vị trí mà Gia đình Corleone chưa bao giờ đặt ra trước đó và Michael cũng định là chỉ có tính tượng trưng, một cách để phục hồi phẩm giá cho Fredo, một con người vụng về nhưng tốt tính. Nếu phải chi Michael đã hé lộ cho nhân vật chóp bu trong tổ chức của mình - cho riêng ngưới ấy thôi và không cho ai khác - biết rằng đây chỉ là chuyện biểu tượng thôi.

Hoặc là: Nếu phải chi Geraci đã từ New York chứ không phải từ Cleveland. Nếu phải chi chàng ta không có những mối liên hệ như thế với Ông Trùm Forlenza. Nếu phải chi chàng ta ít tham vọng hơn. Nếu phải chi chàng ta đã không, khi nghe tin Michael bổ nhiệm Fredo làm sotto capo (phó tướng), cung kính hỏi Michael rằng ông chủ có điên không vậy. Nếu phải chi lời xin lỗi liền sau đó của chàng ta đã làm cho cái nhận xét hớ hênh của mình được xóa đi.

Nếu phải chi Fredo đã biết rằng cương vị mới của mình chỉ có tính tượng trưng, có lẽ anh ta đã không chơi ngông khi có một hành động hoàn toàn tự quyết. Có lẽ anh ta đã không thử tạo ra thành phố người chết của riêng mình trong những đầm lầy của khu New Jersey. Có lẽ anh ta đã còn sống để ăn mừng sinh nhật thứ bốn mươi tư của mình.

Nếu phải chi Tom Hagen dính líu nhiều hơn vào mọi phương diện kinh doanh của gia đình thay vì chỉ làm tư vấn pháp luật thôi, còn để dành tham vọng vào cái ghế Thống đốc bang Nevada.

Nếu phải chi, hai mươi năm trước ở Cleveland, sau khi Ông Trùm Forlenza bị đột quỵ tim lần thứ nhì nhưng trước lần đột quỵ đầu tiên, ông ta đã không phong cho một người bằng tuổi mình làm kẻ kế nhiệm. Nếu phải chi một trong những nỗi phiền muộn của Forlenza đã giết chết ông ta. Nếu phải chi Sal Narduci, một con người với tham vọng vừa phải, đã không phải tốn cả hai thập niên chuẩn bị sẵn sàng để bây giờ chộp lấy bất kì giây phút nào.

Nếu phải chi Vito Corleone không từng quan sát Narducci phục vụ trong tư cách consigliere trong hàng tá cuộc hội nghị Ủy ban. Nếu phải chi, không lâu trước khi Vito mất, ông đã không gợi ý cho con trai mình rằng nên đặt Narducci vào địa vị Ông Trùm, hơn là chờ diễn tiến tự nhiên của sự việc, sẽ loại trừ đồng minh lớn nhất của Gia đình Barzini ra khỏi New York.

Thay đổi một hay hai chuyện này, và - ai biết được? - có lẽ, Nick Geraci và Michael Corleone sẽ đi ra ngoài, một nơi nào đó, sánh bước bên nhau, hai lão già dê bên một hồ bơi ở Arizona, thưởng thức cuộc sống phong lưu đài các, lõ mắt dòm lom lom mấy em đào tơ hơ hớ, lồ lộ hở hang, đú đởn tung tăng trên đàng và thế là hai chàng bèn tọng vào mấy viên Viagra để chuẩn bị tư thế sẵn sàng...

Lịch sử là bao nhiêu thứ chuyện, là đủ thứ các cái trên đời, nhưng có một điều lịch sử không là, đó là nó không thể tránh.

Vito Corleone thường nói rằng mỗi người chỉ có một phần số, một định mệnh riêng. Song chính cuộc đời ông lại là một mâu thuẫn mạnh mẽ đối với chính lời châm ưa thích đó của ông. Đúng là ông đã vù khỏi Sicily khi có người tìm giết ông. Đúng là năm xưa khi anh chàng láng giềng tên là Pete Clemenza yêu cầu ông giấu hộ hòm súng, thì Vito không còn lựa chọn nào khác hơn là đồng lõa. Và đúng vậy, khi Vito phạm tội lần đầu ở Mỹ - trộm một cái thảm thêu đắt tiền - vào lúc đó ông đã nghĩ rằng mình chỉ giúp Clemenza dời nó đi. Tất cả những chuyện này đã tìm đến ông. Điều này chẳng có gì bất thường. Những chuyện xui xẻo vẫn tìm đến với mọi người. Vài người có thể gọi đấy là số mệnh. Những người khác có thể gọi đấy là cơ hội. Họa phúc khôn lường, hay chẳng bằng hên. Nhưng chuyện Vito dính líu vào những tội ác tiếp theo - cướp hàng trên các xe tải cùng với Clemenza và một tay đầu gấu trẻ khác tên là Tessio - đều là những hành động tự nguyện. Khi mấy tay kia rủ rê Vito nhập băng trộm của họ, ông ta có thể nói không. Còn nói vâng, chọn lựa trở thành tên tội phạm săn mồi, đã đẩy ông vào một con đường. Nói không có lẽ đã đưa ông vào con đường khác, có lẽ là chuyện làm ăn gia đình mà ba con trai ông có lẽ đã có thể tham gia mà không phải trước tiên trở thành những tên sát nhân.

Vito là một nhà toán học tài ba, do trực cảm - chứ ông chẳng học hành bao nhiêu - một người đánh giá xuất sắc về tính xác suất, và là một con người có tầm nhìn xa. Tin vào một chuyện gì vừa ngoại lí vừa phi tưởng như số mệnh là ngoài tính cách của ông.

Tuy thế, có con người nào thoát khỏi việc hợp lí hóa điều tồi tệ nhất mà mình từng làm? Ai trong chúng ta, nếu trực tiếp hoặc gián tiếp chịu trách nhiệm về việc chém giết hàng trăm người, kể cả một trong những đứa con của chính mình, lại không tìm cách dối lòng, điều mà, nếu không xét kĩ, có thể còn có vẻ sâu xa nữa chứ?

Cả hai Nick Geraci và Michael Corleone đều còn trẻ, thông minh, sáng tạo, cẩn trọng và cứng cỏi. Ai cũng có năng khiếu tái phát minh bản thân, biết cách thiết kế để được đánh giá thấp và rồi lợi dụng chuyện đó. Người ta vẫn thường nói rằng chiến tranh được tiến hành là để tạo ra hòa bình. Người ta vẫn thường nói rằng trái đất phẳng và rằng ma quỷ nói dối kiểu đó. Khôn ngoan là điều ít khi được nói ra (Vito Corleone quá cố vẫn thường nói) và càng ít khi được nghe theo.

Michael Corleone và Nick Geraci hẳn là đã có thể quyết định những chọn lựa khác. Những điều tốt đẹp hơn có thể đã dễ dàng xảy ra. Không có lí do gì mà họ lại được sinh ra để hủy diệt nhau.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay